Bác Hồ gửi bức thư cuối cùng cho học sinh, sinh viên vào năm 1968 năm đó thuộc thế kỹ nào

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn quan tâm, chăm lo cho sự nghiệp “trồng người”. Bác đã viết tất cả 23 bức thư gửi cho ngành giáo dục. Trong những bức thư ấy Người luôn đánh giá rất cao vai trò của giáo dục đối với sự hưng thịnh của đất nước, với nhiệm vụ trọng đại là nâng cao dân đức, mở mang dân trí, đào tạo nhân lực và bồi dưỡng nhân tài, là động lực của sự phát triển, đưa nước nhà tiến tới giàu mạnh, dân chủ, văn minh.

Những tháng ngày trong chốn cầm lao của nhà tù Tưởng Giới Thạch, Bác Hồ đã suy ngẫm và đúc rút về vai trò của giáo dục. Người cho rằng thiện, ác không phải là tính sẵn của con người. Giáo dục tạo ra nhân cách và từng bước hoàn thiện con người. 

                                          “Ngủ thì ai cũng như lương thiện
                                       Tỉnh dậy phân ra kẻ dữ, hiền
                                       Hiền, dữ đâu phải là tính sẵn
                                       Phần nhiều do giáo dục mà nên”.

                                                               [“Nửa đêm”, Trích “Nhật kí trong tù” – Hồ Chí Minh]

Khi được thả tự do, về nước lãnh đạo nhân dân tổng khởi nghĩa giành chính quyền, khai sinh nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, Bác đã phát động phong trào “diệt giặc dốt”. Người coi giáo dục là một trong những phương tiện quan trọng nhất để nâng cao năng lực, phẩm chất, phát triển toàn diện con người để giúp đời, phụng sự Tổ quốc và nhân dân, đưa nước nhà  “bước tới đài vinh quang để sánh vai với các cường quốc năm châu”.

 

Bác Hồ thăm lớp học vỡ lòng ở Hàng Than [Hà Nội].

Cách đây 53 năm, vào ngày 15/10/1968, nhân dịp khai giảng năm học 1968 – 1969, Bác Hồ đã gửi thư chúc mừng đến tất cả cán bộ, giáo viên, công nhân viên, học sinh, sinh viên trong cả nước. Đây cũng là bức thư cuối cùng Bác gửi cho thầy trò trước lúc đi xa, có ý nghĩa vô cùng trọng đại và thiêng liêng đối với sự nghiệp giáo dục, đối với dân tộc Việt Nam. Trong dung lượng hết sức cô đọng, hàm súc [khoảng 800 chữ], bức thư đã thực sự truyền cảm hứng và động lực cho mỗi giáo viên, học sinh. Bác biểu lộ niềm hân hoan, vui sướng trước cảnh tượng phát triển của trường học và niềm đam mê học tập ngày càng tăng của nhân dân: “…mặc dù hoàn cảnh khó khǎn, hiện nay miền Bắc nước ta đã có một vạn hai nghìn trường phổ thông, mỗi xã đều có trường cấp một, nhiều xã đã có trường cấp hai, các huyện đều có ít nhất một trường cấp 3. Số người đi học đã hơn 6 triệu, trong đó có hơn 1 triệu cán bộ và công nông đang học bổ túc vǎn hoá. Số người vào học các trường đại học và trung học chuyên nghiệp tǎng gần gấp 3 lần so với trước chiến tranh chống Mỹ. Hơn 30 trường đại học và 200 trường trung học chuyên nghiệp đã phối hợp chặt chẽ với các ngành và các địa phương, đẩy mạnh công tác đào tạo cán bộ, tập trung cũng như tại chức”.

Từ thành quả đã đạt được, Bác gửi tới thầy và trò những lời căn dặn ân cần, tha thiết: “Thầy và trò phải luôn luôn nâng cao tinh thần yêu Tổ quốc, yêu chủ nghĩa xã hội, tǎng cường tình cảm cách mạng đối với công nông, tuyệt đối trung thành với sự nghiệp cách mạng, triệt để tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, sẵn sàng nhận bất kỳ nhiệm vụ nào mà Đảng và nhân dân giao cho, luôn luôn cố gắng cho xứng đáng với đồng bào miền Nam anh hùng. Dù khó khǎn đến đâu cũng phải tiếp tục thi đua dạy tốt và học tốt. Trên nền tảng giáo dục chính trị và lãnh đạo tư tưởng tốt, phải phấn đấu nâng cao chất lượng vǎn hoá và chuyên môn nhằm thiết thực giải quyết các vấn đề do cách mạng nước ta đề ra và trong một thời gian không xa, đạt những đỉnh cao của khoa học và kỹ thuật. Các cô các chú, các cháu phải cùng nhau tổ chức và quản lý đời sống vật chất và tinh thần ở các trường học ngày một tốt hơn, tǎng cường bảo đảm sức khoẻ và an toàn”. Một lần nữa Bác khẳng định: “Nhiệm vụ của các thầy giáo, cô giáo là rất quan trọng và rất vẻ vang”.

Coi giáo dục là một chiến lược cơ bản, lâu dài của cách mạng, là quốc sách hàng đầu, Bác yêu cầu “Các cấp uỷ Đảng và chính quyền địa phương phải thực sự quan tâm hơn nữa đến sự nghiệp giáo dục, phải chăm sóc nhà trường về mọi mặt, đẩy mạnh sự nghiệp giáo dục về nhiều mặt, đẩy mạnh sự nghiệp giáo dục của ta lên những bước phát triển mới”...

Nội dung bức thư thể hiện triết lý sâu sắc về giáo dục, thấm đượm tinh thần nhân văn, cần được các nhà lãnh đạo, quản lý, các giáo viên, học sinh, sinh viên, học viên vận dụng vào công cuộc đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế hiện nay. Những lời dạy tâm huyết của Người có ý nghĩa lý luận và thực tiễn vô cùng sâu sắc, là phương châm, phương pháp cho những người làm công tác giáo dục hôm nay và mai sau.

Vì vậy, hàng năm vào dịp này, toàn thể thầy cô giáo và học sinh trong cả nước cùng ôn lại và khắc ghi những lời căn dặn đầy tâm huyết và ân tình của Bác. Đây cũng là dịp để chúng ta nhìn lại những gì đã làm được, từ đó nỗ lực phấn đấu để đền đáp những mong muốn lớn lao của Người. Dù trong bất cứ hoàn cảnh nào, chúng ta cần noi theo tấm gương của Bác, học để làm, học sách vở gắn liền với thực tiễn. Đặc biệt, trong thời đại công nghiệp phát triển vượt bậc, đòi hỏi phải có những con người thật sự giỏi, thật sự năng động và sáng tạo, trách nhiệm của những người thầy lại càng cao, nhiệm vụ càng nặng nề, khó khăn, phức tạp hơn. Bởi thế,  thầy và trò phải ra sức học tập, áp dụng lý thuyết vào thực tế bằng phương pháp tư duy khoa học. Coi “giáo dục là sự nghiệp của quần chúng”, chúng ta cần xây dựng một nền giáo dục mới theo hướng dân tộc, hiện đại và nhân văn, lấy phục vụ Tổ quốc, phục vụ nhân dân làm nền tảng. Trong đó chú trọng giáo dục toàn diện, coi trọng đạo đức, thúc đẩy tự học, phát triển năng lực sẵn có của người học và ý thức nêu gương của người thầy,...

Hồ Chí Minh là một trong những nhà lãnh đạo đặc biệt quan tâm đến sự nghiệp giáo dục của nước nhà, giành nhiều công sức, trí tuệ và tình cảm cho ngành giáo dục. Người đã đi xa, nhưng sự nghiệp của Người gây dựng vẫn còn đó, những lời dạy bảo ân tình của Người vẫn còn đó. Càng thấm nhuần lời dạy, tình cảm, tư tưởng của Bác trong bức thư cuối cùng gửi cho Ngành Giáo dục, mỗi thầy, cô giáo, học sinh, sinh viên càng quyết tâm biến nhận thức thành hành động cụ thể; luôn khắc cốt ghi tâm, nỗ lực phấn đấu nhiều hơn nữa để thực hiện tốt trách nhiệm của mình với tinh thần: "Dù khó khǎn đến đâu cũng phải tiếp tục thi đua dạy tốt và học tốt". Ngành Giáo dục và Đào tạo tiếp tục thi đua đạt mục tiêu đề ra, vượt khó vươn lên dạy tốt, học tốt. Trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, toàn ngành đã nỗ lực, cố gắng khắc phục mọi khó khăn, chủ động, kịp thời tổ chức thực hiện đồng bộ công tác phòng, chống dịch, thực hiện có hiệu quả phương châm “tạm dừng đến trường, không dừng học”, bảo đảm an toàn cho học sinh, giáo viên, hoàn thành các nhiệm vụ chuyên môn của ngành.

Giờ học trực tuyến tại trường THPT Huỳnh Thúc Kháng

Đại hội chi đoàn trực tuyến

Nguyễn Thị Ngọc Dung

Video liên quan

Chủ Đề