Bài tập tình huống về phòng, chống tệ nạn xã hội

Loading Preview

Sorry, preview is currently unavailable. You can download the paper by clicking the button above.

66. Qua báo đài, tôi được biết hiện nay tệ nạn ma túy là hiểm họa lớn cho toàn xã hội, gây tác hại cho sức khỏe, làm suy thoái nòi giống, phẩm giá con người, phá hoại hạnh phúc gia đình và gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến trật tự, an toàn xã hội. Vậy để phòng, chống tệ nạn ma túy, pháp luật nghiêm cấm những hành vi nào?

Trả lời

Để phòng ngừa, ngăn chặn và đấu tranh có hiệu quả với tệ nạn ma tuý, Điều 3 Luật phòng, chống ma túy năm 2012 nghiêm cấm các hành vi sau:

a] Nghiêm cấm việc trồng cây có chứa chất ma tuý:Cây có chứa chất ma tuý bao gồm cây thuốc phiện [cây anh túc], cây côca, cây cần sa hoặc cây khác có chứa chất ma tuý.

b] Nghiêm cấm việc sản xuất, tàng trữ, vận chuyển, bảo quản, mua bán, phân phối, giám định, xử lý, trao đổi, xuất khẩu, nhập khẩu, quá cảnh, nghiên cứu trái phép hoặc chiếm đoạt chất ma tuý, tiền chất , thuốc gây nghiện, thuốc hướng thần:

- Chất ma tuý là các chất gây nghiện, chất hướng thần được quy định trong các danh mục do Chính phủ ban hành.

- Tiền chất là các hoá chất không thể thiếu được trong quá trình điều chế, sản xuất chất ma tuý, được quy định trong danh mục do Chính phủ quy định [Ephedrin, Pseudoephedrin, Acetic anhydrit...].

- Chất hướng thần là chất kích thích, ức chế thần kinh hoặc gây ảo giác nếu sử dụng nhiều lần có thể dẫn tới tình trạng nghiện đối với người sử dụng.

- Thuốc gây nghiện, thuốc hướng thần là các loại thuốc chữa bệnh được quy định trong danh mục do Bộ Y tế ban hành, có chứa các chất như là chất gây nghiện, chất hướng thần.

c] Nghiêm cấm việc sử dụng, tổ chức sử dụng trái phép chất ma tuý; xúi giục, cưỡng bức, lôi kéo, chứa chấp, hỗ trợ việc sử dụng trái phép chất ma tuý:

- Sử dụng trái phép chất ma tuý là hành vi tự mình hoặc nhờ người khác đưa trái phép chất ma tuý vào cơ thể mình dưới bất kỳ hình thức nào nhằm đáp ứng nhu cầu về ma tuý. Việc sử dụng trái phép chất ma tuý có thể thực hiện bằng các hình thức như: hút, hít, nuốt, uống, tiêm, chích…

- Tổ chức sử dụng trái phép chất ma tuý là hành vi tập hợp một số người có nhu cầu sử dụng ma tuý, chuẩn bị địa điểm, các dụng cụ, phương tiện [bàn đèn, bơm, kim tiêm…] và chất ma tuý để tiến hành đưa chất ma tuý vào cơ thể của những người khác một cách trái phép. Tuy nhiên, việc sử dụng các loại thuốc có chất gây nghiện để chữa bệnh theo chỉ định của bác sỹ là được phép.

- Xúi giục là hành vi thúc đẩy, khuyến khích, động viên người khác sử dụng trái phép chất ma tuý.

- Cưỡng bức người khác sử dụng trái phép chất ma tuý là hành vi dùng vũ lực hoặc đe doạ dùng vũ lực hoặc các thủ đoạn khác uy hiếp tinh thần của người khác buộc họ sử dụng trái phép chất ma tuý trái với ý muốn của họ.

- Lôi kéo người khác sử dụng trái phép chất ma tuý là hành vi rủ rê, dụ dỗ hoặc bằng các thủ đoạn khác nhằm khêu gợi sự ham muốn sử dụng ma tuý của người khác để họ sử dụng trái phép chất ma tuý.

- Chứa chấp, hỗ trợ việc sử dụng trái phép chất ma tuý là một loạt hành vi như cho thuê, cho mượn địa điểm hoặc bao che, dung túng cho việc sử dụng trái phép chất ma tuý.

d. Nghiêm cấm sản xuất, tàng trữ, vận chuyển, mua bán phương tiện, dụng cụ dùng vào việc sản xuất, sử dụng trái phép chất ma tuý:

Sản xuất, tàng trữ, vận chuyển, mua bán phương tiện, dụng cụ dùng vào việc sản xuất, sử dụng trái phép chất ma tuý có thể là: sản xuất, tàng trữ, vận chuyển, mua bán bàn đèn, tẩu dùng để hút thuốc phiện hoặc các dụng cụ khác có thể được sử dụng vào nhiều mục đích khác nhưng lại dùng các phương tiện đó để sản xuất các chất ma tuý như bình cầu, ống nghiệm, bơm tiêm...

e. Nghiêm cấm hợp pháp hoá tiền, tài sản do phạm tội về ma tuý mà có:

Hành vi hợp pháp hoá tiền, tài sản do phạm tội về ma tuý mà có là hành vi dùng tiền, tài sản có được do buôn bán ma tuý để thành lập công ty, đầu tư vào các dự án, cho người khác [vợ, chồng, con cái, cha, mẹ] đứng tên để mua bất động sản…

g. Nghiêm cấm việc chống lại hoặc cản trở việc cai nghiện ma tuý.

h. Nghiêm cấm việc trả thù hoặc cản trở người có trách nhiệm hoặc người tham gia phòng, chống ma tuý.

i. Nghiêm cấm việc lợi dụng chức vụ, quyền hạn, nghề nghiệp để vi phạm pháp luật về phòng, chống ma tuý.

k. Các hành vi trái phép khác về ma tuý.

67. Hiện nay, tệ nạn ma túy đang lan lỏi vào trong học đường và là vấn đề quan tâm, lo lắng của toàn xã hội, nhất là các phụ huynh học sinh. Xin hỏi nhà trường và các cơ sở giáo dục khác có trách nhiệm gì trong việc phòng, chống ma túy cho học sinh, sinh viên?

Trả lời

Để phòng ngừa và loại bỏ tệ nạn ma túy trong học sinh, sinh viên, Điều 10 Luật phòng, chống ma túy năm 2000 quy định trách nhiệm của nhà trường và các cơ sở giáo dục khác như sau:

- Tổ chức thực hiện chương trình giáo dục về phòng, chống ma tuý; giáo dục pháp luật về phòng, chống ma tuý và lối sống lành mạnh cho học sinh, sinh viên, học viên; quản lý chặt chẽ, ngăn chặn học sinh, sinh viên, học viên tham gia tệ nạn ma tuý;

- Phối hợp với gia đình, cơ quan, tổ chức và chính quyền địa phương để quản lý, giáo dục học sinh, sinh viên, học viên về phòng, chống ma tuý;

- Phối hợp với cơ quan y tế và chính quyền địa phương tổ chức xét nghiệm khi cần thiết để phát hiện học sinh, sinh viên, học viên nghiện ma tuý.

68. A là học sinh lớp 10 do đua đòi bạn bè xấu đã bị dính vào ma túy, sức khỏe kém, bỏ học nhiều nên đã bị nhà trường đuổi học.Được sự quan tâm, vận động của gia đình, A quyết tâm cai nghiện ma túy. A muốn hỏi xem pháp luật quy định có những biện pháp và hình thức cai nghiện ma túy nào? Do hoàn cảnh gia đình khó khăn nên A không có điều kiện điều trị mua thuốc cắt cơn tại gia đình, liệu A có thể đăng ký tự nguyện cai nghiện ma túy tại cộng đồng có được không?

Trả lời

Theo quy định của Luật phòng, chống ma túy năm 2000 hiện nay có các biện pháp và hình thức cai nghiện ma túy sau đây:

Các biện pháp cai nghiện ma tuý bao gồm:

- Cai nghiện ma túy tự nguyện;

- Cai nghiện ma túy bắt buộc.

Các hình thức cai nghiện ma tuý bao gồm:

- Cai nghiện ma túy tại gia đình;

- Cai nghiện ma túy tại cộng đồng;

- Cai nghiện ma túy tại cơ sở cai nghiện.

Trong đó, hình thức cai nghiện ma túy tại gia đình, cai nghiện ma túy tại cộng đồng được áp dụng đối với người tự nguyện cai nghiện, trừ trường hợp người nghiện ma túy tự nguyện cai nghiện tại cơ sở cai nghiện.

Trường hợp người nghiện ma túy không tự nguyện cai nghiện thì áp dụng biện pháp cai nghiện ma túy bắt buộc tại cộng đồng theo quyết định của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã.

Thời hạn cai nghiện ma túy tại gia đình, cai nghiện ma túy tại cộng đồng từ sáu tháng đến mười hai tháng. Ủy ban nhân dân cấp xã có trách nhiệm tổ chức cai nghiện ma túy tại cộng đồng, hướng dẫn, hỗ trợ cai nghiện ma túy tại gia đình.

Trường hợp của A thuộc đối tượng tự nguyện cai nghiện tại cộng đồng, theo đúng quy định tại Điều 12 Nghị định số 94/2010/NĐ-CP ngày 09/9/2010 quy định về tổ chức cai nghiện ma túy tại gia đình, cai nghiện ma túy tại cộng đồng:

- Đối tượng tự nguyện cai nghiện tại cộng đồng là người nghiện ma túy đang cư trú tại cộng đồng tự nguyện đăng ký cai nghiện nhưng không có điều kiện điều trị cắt cơn tại gia đình.

Người nghiện ma túy hoặc gia đình, người giám hộ của người nghiện ma túy chưa thành niên có trách nhiệm tự giác khai báo và đăng ký tự nguyện cai nghiện tại cộng đồng với Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã.

Như vậy, A có thể đăng ký tự nguyện cai nghiện ma túy tại cộng đồng.

69. Để kỷ niệm năm học cuối cùng của thời học sinh, C và bạn bè đã chung tiền tìm mua vài tép hêrôin về hít để tìm cảm giác mạnh và tập thử làm người lớn theo quan niệm của các em. Trong lúc cả nhóm đang sử dụng ma túy tại nhà nghỉ thì bị công an kiểm tra bắt tất cả về đồn. Tại đây, C và các bạn đã bị xử phạt hành chính về tội sử dụng trái phép chất ma túy. Xin hỏi, việc xử phạt đối với C và các bạn có đúng luật hay không? Pháp luật quy định như thế nào về việc xử phạt hành chính đối với hành vi vi phạm các quy định về phòng, chống và kiểm soát ma túy ?

Trả lời:

Bộ luật hình sự sửa đổi, bổ sung năm 2009 đã bãi bỏ xử lý về mặt hình sự tội sử dụng trái phép chất ma túy. Do vậy, C và các bạn bị xử phạt hành chính về tội sử dụng chất ma túy là chính xác.

Điều 21 Nghị định số 73/2010/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực an ninh và trật tự, an toàn xã hội quy định việc xử việc xử phạt hành chính đối với hành vi vi phạm các quy định về phòng, chống và kiểm soát ma túy như sau:

- Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với hành vi hút, tiêm chích, hít hoặc bằng các hình thức khác để sử dụng trái phép chất ma tuý.

- Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:

a] Tàng trữ, vận chuyển hoặc chiếm đoạt chất ma tuý trái phép nhưng chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự;

b] Tàng trữ, vận chuyển, mua bán hoặc chiếm đoạt tiền chất dùng vào việc sản xuất trái phép chất ma tuý nhưng chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự.

- Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:

a] Người chủ hoặc người có trách nhiệm quản lý nhà hàng, khách sạn, quán trọ, nhà nghỉ, câu lạc bộ, các phương tiện giao thông và các nơi khác do sơ hở, thiếu trách nhiệm để cho người khác lợi dụng sử dụng chất ma tuý trong khu vực, phương tiện mình quản lý;

b] Trồng các loại cây thuốc phiện, cây cần sa, cây cô ca hoặc các cây khác có chứa chất ma tuý.

- Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây nhưng chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự:

a] Sản xuất, mua, bán dụng cụ tiêm, chích, hút, sử dụng chất ma tuý;

b] Cung cấp địa điểm, phương tiện cho người khác hút, tiêm, chích, sử dụng chất ma tuý;

c] Môi giới, giúp đỡ, tạo điều kiện hoặc bằng các hình thức khác giúp cho người khác tiêm, chích, hút, sử dụng chất ma tuý;

d] Kê đơn, cấp thuốc hoặc mua, bán các loại thuốc có chứa chất ma tuý không đúng quy định;

đ] Được phép cất giữ, sử dụng thuốc có chất ma tuý, chất hướng thần hoặc các chất ma tuý khác mà chuyển cho người không được phép cất giữ, sử dụng.

- Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với một trong những hành vi vi phạm sau đây nhưng chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự:

a] Vi phạm các quy định về xuất khẩu, nhập khẩu, tạm nhập, tái xuất, quá cảnh các chất có chứa chất ma tuý, thuốc gây nghiện, thuốc hướng thần và tiền chất ma túy;

b] Vi phạm các quy định về nghiên cứu, giám định, sản xuất, bảo quản chất ma tuý, thuốc gây nghiện, thuốc hướng thần, tiền chất ma túy;

c] Vi phạm các quy định về giao nhận, tàng trữ, vận chuyển chất ma tuý, thuốc gây nghiện, thuốc hướng thần, tiền chất ma túy;

d] Vi phạm các quy định về phân phối, mua bán, sử dụng, trao đổi chất ma tuý, thuốc gây nghiện, thuốc hướng thần, tiền chất ma túy;

đ] Vi phạm các quy định về quản lý, kiểm soát, lưu giữ chất ma tuý, thuốc gây nghiện, thuốc hướng thần, tiền chất tại các khu vực cửa khẩu, biên giới, trên biển.

- Ngoài ra, người vi phạm còn bị xử lý hình thức xử phạt bổ sung là ịch thu tang vật, phương tiện đối với hành vi quy định hoặc tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề trong thời hạn từ 3 tháng đến 6 tháng đối với từng trường hợp cụ thể do pháp luật quy định.

70. Quân 16 tuổi được người anh họ rủ đi sinh nhật ở một nhà hàng sang trọng trong thành phố. Trong bữa sinh nhật, mọi người đã tổ chức hít ma túy đá và bị công an phát hiện đưa vào đồn xử lý về tội tổ chức sử dụng ma túy. Tại đồn, do Quân thử nước tiểu không dương tính với ma túy và kết hợp những lời khai thành thật về việc Quân không hề biết trước về việc anh họ của mình sử dụng ma túy, nên sau khi viết biên bản đã được thả về nhà. Quân muốn biết tội tổ chức sử dụng ma túy mà người anh họ của mình đã vi phạm sẽ bị pháp luật xử lý như thế nào?

Trả lời

Theo quy định tại Điều 197 Bộ luật hình sự năm 1999 về tội tổ chức sử dụng trái phép chất ma tuý, trong đó tổ chức sử dụng trái phép chất ma tuý được hiểu là hành vi tập hợp một số người có nhu cầu sử dụng ma tuý, chuẩn bị địa điểm, các dụng cụ, phương tiện [ bàn đèn, bơm, kim tiêm…] và chất ma tuý để tiến hành đưa chất ma tuý vào cơ thể của những người khác một cách trái phép.

Hình phạt đối với “tội tổ chức sử dụng trái phép chất ma tuý” quy định như sau:

- Người nào tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy dưới bất kỳ hình thức nào, thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm.

- Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ bảy năm đến mười lăm năm:

a] Phạm tội nhiều lần;

b] Đối với nhiều người;

c] Đối với người chưa thành niên từ đủ 13 tuổi trở lên;

d] Đối với phụ nữ mà biết là đang có thai;

đ] Đối với người đang cai nghiện;

e] Gây tổn hại cho sức khoẻ của người khác mà tỷ lệ thương tật từ 31% đến 60%;

g] Gây bệnh nguy hiểm cho người khác;

h] Tái phạm nguy hiểm.

- Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ mười lăm năm đến hai mươi năm:

a] Gây tổn hại cho sức khoẻ của người khác mà tỷ lệ thương tật từ 61% trở lên hoặc gây chết người;

b] Gây tổn hại cho sức khoẻ của nhiều người mà tỷ lệ thương tật từ 31% đến 60%;

c] Gây bệnh nguy hiểm cho nhiều người;

d] Đối với trẻ em dưới 13 tuổi.

- Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù hai mươi năm hoặc tù chung thân:

a] Gây tổn hại cho sức khoẻ của nhiều người mà tỷ lệ thương tật từ 61% trở lên;

b] Gây chết nhiều người hoặc gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng khác.

- Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ năm mươi triệu đồng đến năm trăm triệu đồng, tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản, phạt quản chế hoặc cấm cư trú từ một năm đến năm năm.

71. Xin hỏi pháp luật về phòng, chống mại dâm nghiêm cấm những hành vi nào?

Trả lời:

Theo quy định tại Điều 4 Pháp lệnh phòng, chống mại dâm, những hành vi sau đây bị nghiêm cấm:

- Mua dâm: là hành vi của người dùng tiền hoặc lợi ích vật chất khác trả cho người bán dâm để được giao cấu.

- Bán dâm : là hành vi giao cấu của một người với người khác để được trả tiền hoặc lợi ích vật chất khác.

- Chứa mại dâm: là hành vi sử dụng, thuê, cho thuê hoặc mượn, cho mượn địa điểm, phương tiện để thực hiện việc mua dâm, bán dâm.

- Tổ chức hoạt động mại dâm: là hành vi bố trí, sắp xếp để thực hiện việc mua dâm, bán dâm.

- Cưỡng bức bán dâm là hành vi dùng vũ lực, đe doạ dùng vũ lực hoặc dùng thủ đoạn buộc người khác phải thực hiện việc bán dâm.

- Môi giới mại dâm là hành vi dụ dỗ hoặc dẫn dắt của người làm trung gian để các bên thực hiện việc mua dâm, bán dâm.

- Bảo kê mại dâm là hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn, uy tín hoặc dùng vũ lực, đe doạ dùng vũ lực để bảo vệ, duy trì hoạt động mại dâm.;

- Lợi dụng kinh doanh dịch vụ để hoạt động mại dâm;

- Các hành vi khác liên quan đến hoạt động mại dâm theo quy định của pháp luật.

72. Khi bà L tổ trưởng tổ dân phố đề nghị gia đình em M tối nay tham gia cuộc họp tổ dân phố phát động về phong trào toàn dân hưởng ứng thực hiện nếp sống văn minh, gia đình văn hoá, tích cực tham gia xoá bỏ mọi tệ nạn xã hội, trong đó có tệ nạn mại dâm. Mẹ M có ý không muốn tham gia, vì nghĩ rằng gia đình mình từ trước đến nay sống rất nề nếp và mọi người trong gia đình mình không cần có trách nhiệm gì đối với tệ nạn mại dâm. Xin hỏi ý kiến đó có chính xác không? Xin hỏi pháp luật có quy định trách nhiệm của mỗi cá nhân công dân trong công tác phòng, chống mại dâm hay không?

Trả lời

Nhận thức rõ mại dâm là tệ nạn làm băng hoại giá trị đạo đức, thuần phong mỹ tục và truyền thống tốt đẹp của dân tộc, phá vỡ nền tảng hạnh phúc gia đình, làm mất ổn định xã hội, là nguyên nhân lây lan các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, gây hậu quả nghiêm trọng cho thế hệ sau, Pháp lệnh phòng, chống mại dâm xác định việc phòng, chống mại dâm là trách nhiệm của cả cộng đồng, của toàn xã hội.

Do vậy, Điều 8 Pháp lệnh phòng, chống mại dâm đã quy định rõ: “Mọi cá nhân và gia đình có trách nhiệm tham gia phòng chống mại dâm”.

Điều 8 Nghị định 178/2004/NĐ-CP ngày 15/10/2004 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Pháp lệnh Phòng, chống mại dâm đã chỉ rõ đó là các trách nhiệm:

- Chấp hành nghiêm chỉnh các quy định của pháp luật về phòng, chống mại dâm;

- Tham gia tích cực các hoạt động phòng, chống mại dâm;

- Giáo dục, quản lý, ngăn ngừa để thành viên trong gia đình mình không tham gia tệ nạn mại dâm;

- Phát hiện, cung cấp kịp thời các thông tin về tệ nạn mại dâm cho cơ quan Công an hoặc cơ quan khác có thẩm quyền.

Bên cạnh đó, đối với một số cá nhân tham gia vào việc điều hành các cơ sở kinh doanh dịch vụ [khách sạn, nhà nghỉ, nhà hàng, cơ sở kinh doanh vũ trường, karaokê, xoa bóp, tắm hơi, và các cơ sở kinh doanh dịch vụ dễ bị lợi dụng để hoạt động mại dâm] hoặc sản xuất, lưu hành, sử dụng dược phẩm kích thích tình dục…, bên cạnh trách nhiệm nêu trên còn phải tuân thủ theo đúng những yêu cầu mà Pháp lệnh phòng, chống mại dâm năm 2003 quy định.

Như vậy, suy nghĩ của mẹ M không chính xác, vì mọi cá nhân đều có trách nhiệm thực hiện phòng, chống mại dân theo các quy định nêu trên của pháp luật.

73. Để chuẩn bị cho buổi sinh hoạt pháp luật ngoại khóa của lớp học, Em H là học sinh lớp 10 đã được giao nhiệm vụ chuẩn bị các nội dung với chủ đề tuyên truyền, giáo dục phòng, chống mại dâm trong trường học. Em lo lắng và muốn biết nội dung tuyên truyền, giáo dục phòng, chống mại dâm trong nhà trường được quy định thế nào?

Trả lời

Tuyên truyền, giáo dục phòng, chống mại dâm là biện pháp quan trọng để mọi cơ quan, tổ chức, cá nhân và gia đình chấp hành và tích cực tham gia hoạt động phòng, chống mại dâm. Việc tuyên truyền, giáo dục phòng, chống mại dâm trong trường học được quy định cụ thể ở Điều 6 Nghị định số 178 178/2004/NĐ-CP của Chính phủ ngày 15/10/2004 quy định chi tiết thi hành một số điều của Pháp lệnh Phòng, chống mại dâm như sau:

Nội dung tuyên truyền, giáo dục về phòng, chống mại dâm đối với học sinh, sinh viên, học viên trong các trường trung học cơ sở và trung học phổ thông, các trường đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp và dạy nghề bao gồm:

- Tác hại nhiều mặt của tệ nạn mại dâm đối với xã hội, đối với danh dự, nhân phẩm, sức khỏe con người; ảnh hưởng đến vấn đề bình đẳng giới, đến chiến lược phát triển con người ở Việt Nam;

- Các biện pháp phòng, chống tệ nạn mại dâm;

- Chính sách và pháp luật phòng, chống mại dâm;

- Các hình thức xử lý vi phạm pháp luật về mại dâm;

- Trách nhiệm của công dân trong phòng, chống tệ nạn mại dâm.

Căn cứ vào nội dung trên đây các trường xây dựng nội dung tuyên truyền, giáo dục về phòng, chống mại dâm cụ thể cho phù hợp với loại hình trường học của mình.

74. Đề nghị cho biết các quy định pháp luật về việc xử lý hành chính đối với hành vi mại dâm và liên quan đến hoạt động mại dâm?

Trả lời

Theo quy định tại Điều 22 Nghị định số 73/2010/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực an ninh và trật tự, an toàn xã hội, hành vi mại dâm và liên quan đến hoạt động mại dâm bị xử lý như sau:

- Phạt tiền từ 100.000 đồng đến 200.000 đồng đối với hành vi lạm dụng tình dục.

- Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.500.000 đồng đối với hành vi cung cấp địa điểm cho hoạt động mại dâm nhưng chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự.

- Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây nhưng chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự:

a] Dẫn dắt hoạt động mại dâm;

b] Che giấu, bảo kê cho các hành vi mua dâm, bán dâm.

- Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây nhưng chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự:

a] Tái phạm việc mua dâm, bán dâm hoặc che giấu, bảo kê cho các hành vi mua dâm, bán dâm;

b] Dùng các thủ đoạn khống chế, đe dọa người mua dâm, bán dâm để đòi tiền, cưỡng đoạt tài sản.

Ngoài ra, người vi phạm bị xử lý hình thức xử phạt bổ sung là tịch thu toàn bộ số tiền do vi phạm hành chính mà có đối với hành vi vi phạm.

- Các hành vi vi phạm khác về phòng, chống mại dâm thì bị xử lý theo Nghị định của Chính phủ và các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến quy định xử phạt vi phạm hành chính về phòng, chống mại dâm.

75. Khi kiểm tra hành chính tại nhà nghỉ X, công an đã phát hiện ông Y là giám đốc một doanh nghiệp có tiếng đang thực hiện hành vi mua dâm với cháu Z. Theo điều tra của công an, tại thời điểm xảy ra sự việc, cháu Z chưa đủ 17 tuổi, vì vậy, ông Y có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội mua dâm người chưa thành niên. Tuy nhiên, nhiều người cho rằng hành vi của ông Y chỉ đáng bị xử phạt hành chính, do cháu Z cũng đã thoả thuận bán dâm lấy tiền, chứ không phải bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Đề nghị cho biết pháp luật quy định xử lý đối với hành vi này như thế nào?

Trả lời:

Trong trường hợp này, hành vi của ông Y đã cấu thành tội danh "Tội mua dâm người chưa thành niên" được quy định tại Điều 256 Bộ luật hình sự năm 1999 vì khi ông Y phạm tội cháu Z chưa phải là người thành niên [chưa đủ 18 tuổi].

Điều 256 Bộ luật hình sự năm 1999 quy định như sau:

- Người nào mua dâm người chưa thành niên từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.

- Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây bị phạt tù từ 03 năm đến 08 năm: Phạm tội nhiều lần; Mua dâm trẻ em từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi; Gây tổn hại cho sức khoẻ của nạn nhân mà tỷ lệ thương tật từ 31% đến 60 %.

Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm: Phạm tội nhiều lần đối với trẻ em từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi; Biết mình bị nhiễm HIV mà vẫn phạm tội; Gây tổn hại cho sức khỏe của nạn nhân mà tỷ lệ thương tật từ 61% trở lên.

- Ngoài ra, tuỳ theo tính chất, mức độ của hành vi phạm tội, người phạm tội còn bị phạt tiền từ 5 triệu đồng đến 10 triệu đồng.

76. Mấy ngày tết được nghỉ học ở nhà, em K đã rủ hai người bạn thân là L và N cùng chơi bài cho vui. K đề xuất để thêm phần quyết liệt khi chơi, cả lũ sẽ phân thắng thua khi chơi bài bằng tiền, cụ thể người thắng sẽ nhận được 2.000 đồng của người thua sau mỗi ván bài. Bạn L đã đồng ý ngay lập tức vì nghĩa rằng mình chơi bài giỏi, sẽ thắng được nhiều tiền. Song N lại không đồng tình thì cho rằng nếu chơi bài ăn tiền như vậy là đánh bạc trái phép vi phạm pháp luật. Xin hỏi ý kiến của N có đúng không? Hành vi đánh bạc trái phép bị xử lý như thế nào?

Trả lời

Ý kiến của N là đúng.

Theo quy định tại Điều 23 Nghị định số 73/2010/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực an ninh và trật tự, an toàn xã hội : các hình thức như xóc đĩa, tá lả, tổ tôm, tú lơ khơ, tam cúc, 3 cây, tứ sắc, đỏ đen, cờ thế hoặc các hình thức khác mà được, thua bằng tiền, hiện vật cũng là hình thức đánh bạc trái phép .

Hành vi đánh bạc trái phép bị xử lý như sau:

- Phạt tiền từ 200.000 đồng đến 500.000 đồng đối với hành vi mua các ô số lô, số đề nhưng chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự.

- Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với một trong các hành vi đánh bạc sau đây nhưng chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự:

a] Đánh bạc trái phép bằng một trong các hình thức như xóc đĩa, tá lả, tổ tôm, tú lơ khơ, tam cúc, 3 cây, tứ sắc, đỏ đen, cờ thế hoặc các hình thức khác mà được, thua bằng tiền, hiện vật;

b] Đánh bạc bằng máy, trò chơi điện tử trái phép;

c] Cá cược “cá độ” bằng tiền hoặc dưới các hình thức khác trong hoạt động thi đấu thể thao, vui chơi giải trí, các hoạt động khác;

d] Bán thơ đề, bán số lô, số đề.

- Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

a] Nhận gửi tiền, cầm đồ, cho vay tại sòng bạc, nơi đánh bạc khác;

b] Làm bảo vệ trái phép tại sòng bạc, nơi đánh bạc khác hoặc che dấu việc đánh bạc trái phép;

c] Làm thơ đề.

- Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với một trong các hành vi tổ chức đánh bạc sau đây nhưng chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự:

a] Rủ rê, lôi kéo, tụ tập người khác để đánh bạc trái phép;

b] Dùng nhà của mình hoặc địa điểm khác để chứa bạc, gá bạc;

c] Đặt máy đánh bạc, trò chơi điện tử trái phép;

d] Tổ chức hoạt động cá cược ăn tiền trái phép.

- Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với một trong các hành vi tổ chức đánh đề sau đây nhưng chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự:

a] Làm chủ lô, đề;

b] Tổ chức sản xuất, phát hành bảng đề, ấn phẩm khác cho việc đánh lô, đề;

c] Tổ chức mạng lưới bán số lô, số đề;

d] Tổ chức các loại chơi cá cược “cá độ” trong hoạt động thi đấu thể dục thể thao, vui chơi giải trí hoặc dưới các hoạt động khác để đánh bạc, ăn tiền.

Ngoài ra, người vi phạm bị xử lý hình thức xử phạt bổ sung là tịch thu tang vật, phương tiện và tịch thu tiền do vi phạm hành chính mà có đối với từng hành vi vi phạm cụ thể do pháp luật quy định.

Như vậy, ý kiến của N hoàn toàn chính xác.

77. Đề nghị cho biết mức xử phạt hình sự đối với tội đánh bạc?

Trả lời

Theo quy định tại Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật hình sự năm 2009 về Điều 248 tội đánh bạc bị xử lý như sau:

-. Người nào đánh bạc trái phép dưới bất kỳ hình thức nào được thua bằng tiền hay hiện vật có giá trị từ hai triệu đồng đến dưới năm mươi triệu đồng hoặc dưới hai triệu đồng nhưng đã bị kết án về tội này hoặc tội tổ chức đánh bạc hoặc gá bạc quy định tại Điều 249 của Bộ luật hình sự, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ năm triệu đồng đến năm mươi triệu đồng, cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến ba năm.

- Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm:

a] Có tính chất chuyên nghiệp;

b] Tiền hoặc hiện vật dùng đánh bạc có giá trị từ năm mươi triệu đồng trở lên;

c] Tái phạm nguy hiểm.

- Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ ba triệu đồng đến ba mươi triệu đồng.

78. Thế nào là HIV/AIDS? HIV/AIDS lây truyền qua các con đường nào?

Trả lời

- Dưới giác độ ngôn ngữ thì HIV là chữ viết tắt của cụm từ tiếng Anh: Human Immuno - Deficiency Virus, AIDS là chữ viết tắt của cụm từ: Accquired Inmuno Deficiency Syndrome.

- Dưới giác độ y tế thì HIV là vi rút gây ra hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải ở người. HIV gây tổn thương hệ thống miễn dịch của cơ thể và làm cho cơ thể không còn khả năng chống lại các tác nhân gây bệnh dẫn đến chết người.

AIDS là giai đoạn cuối cúng của quá trình nhiễm HIV được thể hiện bởi các bệnh nhiễm trùng cơ hội, ung thư và các bệnh liên quan đến rối loạn miễn dịch dẫn đến tử vong. Thời gian từ khi nhiễm HIV đến khi biến chuyển thành bệnh AIDS tuỳ thuộc vào hành vi và đáp ứng miễn dịch của từng người nhưng tựu trung lại trong khoảng thời gian trung bình là 05 năm.

Thuật ngữ HIV/ AIDS cũng được giải thích tại Điều 2 Luật phòng, chống nhiễm virút gây ra hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải ở người [sau đây gọi là Luật phòng, chống HIV/AIDS]

- HIV là chữ viết tắt của cụm từ tiếng Anh "Human Immunodeficiency Virus" là vi rút gây suy giảm miễn dịch ở người, làm cho cơ thể suy giảm khả năng chống lại các tác nhân gây bệnh.

- AIDS là chữ viết tắt của cụm từ tiếng Anh "Acquired Immune Deficiency Syndrome" là hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải do HIV gây ra, thường được biểu hiện thông qua các nhiễm trùng cơ hội, các ung thư và có thể dẫn đến tử vong.

- Xét nghiệm HIV là việc thực hiện các kỹ thuật chuyên môn nhằm xác định tình trạng nhiễm HIV trong mẫu máu, mẫu dịch sinh học của cơ thể người.

- HIV dương tính là kết quả xét nghiệm mẫu máu, mẫu dịch sinh học của cơ thể người đã được xác định nhiễm HIV.

- Các con đường lây truyền HIV/AIDS: HIV có thể lây truyền qua quan hệ tình dục, qua đường máu [mà ở nước ta hiện nay, tỷ lệ người tiêm chích ma tuý nhiễm HIV/AIDS rất cao] hoặc truyền từ mẹ sang con trong thời kỳ mang thai, sinh đẻ và cho con bú.

79. Hướng ứng ngày thế giới phòng, chống HIV/AIDS ngày 1 tháng 12, nhóm bạn của L có ý định cùng nhau thực hiện chiến dịch ra quân cổ động nhằm nâng cao trách nhiệm của các cá nhân trong cộng đồng tham gia phòng, chống HIV/AIDS. Các bạn muốn hỏi pháp luật quy định cá nhân có trách nhiệm gì việc phòng, chống HIV/AIDS?

Trả lời

Trong việc tham gia phòng, chống HIV/AIDS, công dân có trách nhiệm:

- Thực hiện các biện pháp phòng, chống việc lây truyền HIV/AIDS để bảo vệ cho mình, cho gia đình và xã hội; tham gia các hoạt động phòng, chống nhiễm HIV/AIDS tại gia đình và cộng đồng.

- Mọi người trong gia đình tuyên truyền, vận động và giáo dục các thành viên trong gia đình thực hiện các quy định về phòng, chống nhiễm HIV/AIDS.

Mọi người trong gia đình của người bị nhiễm HIV/AIDS có trách nhiệm cùng xã hội chăm sóc sức khoẻ, động viên tinh thần người bị nhiễm HIV/AIDS để họ được sống hoà nhập trong gia đình và cộng đồng.

- Chủ động phòng ngừa lây truyền HIV/AIDS qua đường tình dục, tiêm chích.

- Nghiêm cấm thực hiện các hành vi mua dâm, bán dâm, tiêm chích ma tuý và các hành vi làm lây truyền HIV/AIDS khác.

- Thầy thuốc và nhân viên y tế tại các cơ sở y tế có trách nhiệm thực hiện các quy định chuyên môn về xử lý nhiễm HIV/AIDS trong công tác phòng bệnh, khám chữa bệnh và thực hiện các dịch vụ kỹ thuật y tế, dịch vụ kỹ thuật kế hoạch hoá gia đình.

- Các cơ sở và người làm dịch vụ thẩm mỹ, dịch vụ khác có thể lây truyền HIV/AIDS phải tuân theo các quy định của pháp luật về phòng, chống nhiễm HIV/AIDS.

Ngoài ra công dân là người trong các cơ quan, tổ chức có liên quan còn có trách nhiệm thực hiện những biện pháp cần thiết của cơ quan, tổ chức mình nhằm phòng, chống HIV/AIDS có hiệu quả nhất.

80. Xin cho biết để phòng, chống HIV/AIDS pháp luật nghiêm cấm những hành vi nào ?

Trả lời

Trong việc phòng, chống HIV/AIDS, pháp luật nghiêm cấm các hành vi sau đây:

- Cố ý lây truyền hoặc truyền HIV cho người khác.

- Đe dọa truyền HIV cho người khác.

- Kỳ thị, phân biệt đối xử với người nhiễm HIV.

- Cha, mẹ bỏ rơi con chưa thành niên nhiễm HIV; người giám hộ bỏ rơi người được mình giám hộ nhiễm HIV.

- Công khai tên, địa chỉ, hình ảnh của người nhiễm HIV hoặc tiết lộ cho người khác biết việc một người nhiễm HIV khi chưa được sự đồng ý của người đó, trừ các trường hợp trong các quy định về thông báo kết quả xét nghiệm HIV dương tính.

- Đưa tin bịa đặt về nhiễm HIV đối với người không nhiễm HIV.

- Bắt buộc xét nghiệm HIV, trừ trường hợp khác do pháp luật quy định.

- Truyền máu, sản phẩm máu, ghép mô, bộ phận cơ thể có HIV cho người khác.

- Từ chối khám bệnh, chữa bệnh cho người bệnh vì biết hoặc nghi ngờ người đó nhiễm HIV.

- Từ chối mai táng, hoả táng người chết vì lý do liên quan đến HIV/AIDS.

- Lợi dụng hoạt động phòng, chống HIV/AIDS để trục lợi hoặc thực hiện các hành vi trái pháp luật.

- Các hành vi bị nghiêm cấm khác theo quy định của pháp luật.

Video liên quan

Chủ Đề