Các điểm càn lưu ý khi chọn trường đại học năm 2022

Theo hướng dẫn tuyển sinh năm 2022 của Bộ Giáo dục và Đào tạo, từ ngày 22/7 đến 17 giờ ngày 20/8, thí sinh trong cả nước thực hiện đăng ký nguyện vọng xét tuyển vào các trường đại học đối với tất cả phương thức xét tuyển theo hình thức trực tuyến, trên hệ thống của Bộ hoặc trên Cổng dịch vụ công quốc gia. Như vậy, đến nay, thời gian thí sinh cân nhắc, đăng ký xét tuyển không còn nhiều, đòi hỏi các em cần nắm vững, đầy đủ thông tin, cách thức đăng ký và chọn chính xác nguyện vọng xét tuyển để không bỏ lỡ cơ hội trúng tuyển vào ngành, trường mong muốn.

Học sinh tham gia Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022. Ảnh: Thanh Tùng - TTXVN

Nắm vững thông tin, đăng ký đúng hạn

Mùa tuyển sinh đại học năm nay, tại buổi tư vấn tuyển sinh trực tiếp hoặc thông qua chương trình tư vấn tuyển sinh trực tuyến, đại diện bộ phận tuyển sinh của các trường cũng như chuyên gia đều nhấn mạnh, bên cạnh tìm hiểu thông tin về ngành, nhóm ngành, trường dự định xét tuyển, thí sinh cần lưu ý nắm vững mốc thời gian quy định, cách thức, kỹ thuật đăng ký xét tuyển. Trong đó, thí sinh cần nắm đầy đủ, chính xác thông tin liên quan đến các điểm mới trong quy chế tuyển sinh. Đặc biệt, quá trình đăng ký xét tuyển ngoài việc quan tâm đến mã trường, mã ngành, mã tổ hợp, thí sinh cần rà soát để đảm bảo đăng ký chính xác mã phương thức xét tuyển. Với 20 mã phương thức, nếu không cẩn thận sẽ dẫn đến sai sót, đăng ký không đúng lên hệ thống, bỏ lỡ cơ hộ trúng tuyển vào đúng ngành, trường thí sinh mong muốn. Cùng với đó, thí sinh dù đã đủ điều kiện trúng tuyển ở các phương thức xét tuyển sớm vẫn phải thực hiện các bước đăng ký trên cổng đăng ký của Bộ Giáo dục và Đào tạo hoặc Cổng thông tin dịch vụ quốc gia. Theo Tiến sĩ Võ Thanh Hải, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Duy Tân, chỉ còn ít ngày nữa là hết thời gian đăng ký nguyện vọng lên hệ thống theo quy định, song vẫn còn nhiều thí sinh đang cân nhắc, chờ đợi, chưa đăng ký. Các thí sinh cần khẩn trương tìm hiểu thông tin liên quan đến từng phương thức xét tuyển, ngành học bản thân thấy phù hợp và có khả năng trúng tuyển cao, sau đó đăng ký kịp thời. Các em không nên chờ đến những ngày cuối cùng mới thao tác, đề phòng những rủi ro không mong muốn về mặt kỹ thuật dẫn đến không trúng tuyển theo nguyện vọng. Lưu ý thí sinh tìm hiểu kỹ thông tin, Phó trưởng phòng Tư vấn tuyển sinh Trường Đại học Công nghệ Thành phố Hồ Chí Minh Võ Ngọc Nhơn cũng nhấn mạnh, năm nay, có tới 20 phương thức xét tuyển, vì vậy thí sinh cần cẩn thận khi đăng ký mã phương thức xét tuyển bên cạnh việc đăng ký đúng mã trường, ngành, tổ hợp. Để hạn chế sai sót, trước khi thao tác trên hệ thống, thí sinh nên liệt kê đầy đủ nguyện vọng, mã trường, mã ngành, mã tổ hợp, mã phương thức, tránh vừa đăng ký trên hệ thống vừa dò tìm thông tin, rất dễ xảy ra sai sót.

Chọn ngành, trường phù hợp

Trong giai đoạn “nước rút” đăng ký nguyện vọng xét tuyển vào đại học, các chuyên gia tư vấn tuyển sinh cho rằng, thí sinh cần một lần nữa cân nhắc kỹ để chọn đăng ký xét tuyển theo học ngành, nghề, trường phù hợp với năng lực học tập, sự yêu thích của bản thân cũng như khả năng, điều kiện về sức khỏe, tài chính. Chẳng hạn, tại các tỉnh, thành phố phía Nam hiện nay, nhiều trường đại học có trụ sở chính ở các thành phố lớn đã có phân hiệu ngay tại địa phương thí sinh cư trú, ví dụ Phân hiệu Trường Đại học Nông lâm Thành phố Hồ Chí Minh tại tỉnh Ninh Thuận, Phân hiệu Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh tại tỉnh Vĩnh Long, Phân hiệu Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh tại tỉnh Bến Tre, tạo thuận lợi cho người học về nhiều mặt như di chuyển cự ly gần, chi phí sinh hoạt và học phí thấp hơn, trong khi đó, giá trị bằng cấp hoàn toàn bình đẳng như với sinh viên học tại cơ sở chính của trường. Do đó các thí sinh nên tìm hiểu thông tin và lựa chọn đăng ký nguyện vọng phù hợp. Ngoài ra, nhiều trường cũng thông tin về các chính sách học bổng khuyến khích học tập riêng của trường dành cho sinh viên một số ngành đặc thù hoặc chương trình hỗ trợ sinh viên vay vốn khởi nghiệp. Các thí sinh đang đăng ký nguyện vọng xét tuyển cần tìm hiểu tất cả thông tin này để cân nhắc, chọn nguyện vọng đăng ký xét tuyển chính xác, phù hợp. Theo Tiến sĩ Trần Thiện Lưu, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Nguyễn Tất Thành, trên hệ thống tuyển sinh, cán bộ làm công tác tuyển sinh nhận thấy có trường hợp một số thí sinh đăng ký các nguyện vọng ở nhiều nhóm ngành khác nhau mà giữa các nhóm ngành này lại có sự khác biệt khá lớn, chứ không phải là nhóm ngành gần nhau về tổ hợp xét tuyển, đặc thù chuyên môn… Điều này có khả năng do thí sinh không thực sự yêu thích một ngành, một số nhóm ngành nào đó hoặc chưa tìm hiểu và cân nhắc kỹ xem mình phù hợp với ngành, nhóm ngành học nào.

Ở góc độ chuyên gia tư vấn thị trường lao động, ông Trần Anh Tuấn, Phó Chủ tịch Hội Giáo dục nghề nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh phân tích, quá trình cân nhắc đăng ký nguyện vọng xét tuyển vào đại học, cao đẳng, thí sinh nên chú ý sự phù hợp về năng lực học tập, sự yêu thích của bản thân, nhu cầu thị trường lao động, điều kiện, hoàn cảnh của bản thân và gia đình. Sau khi trúng tuyển, dù theo học ngành nào, trường nào, mỗi em đều cần nỗ lực, đồng thời hiểu rằng, học để tích lũy kiến thức và có năng lực thực hành nghề mới đáp ứng yêu cầu thị trường lao động, chứ không phải việc tham gia “cuộc đua” vào trường nổi tiếng, ngành học “thời thượng” mà đạt được thành công.

Thí sinh TPHCM tham gia kỳ thi tuyển sinh năm 2021

[Thanhuytphcm.vn] - Tối 23/6, Bộ Giáo dục và đào tạo [GD-ĐT] công bố chi tiết những điểm mới trong Quy chế tuyển sinh đại học, cao đẳng năm 2022. Theo đó, Quy chế tuyển sinh điều chỉnh một số nội dung nhằm khắc phục những khó khăn và bất hợp lý, tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho thí sinh và các cơ sở đào tạo, hoàn thiện chính sách về tuyển sinh, bảo đảm khách quan, công bằng giữa các thí sinh và công bằng giữa các cơ sở đào tạo, cũng như tạo sự minh bạch và đồng thuận trong xã hội.

Thứ nhất, thí sinh đăng ký dự Kỳ thi tốt nghiệp THPT và xét tuyển đại học, cao đẳng sẽ thực hiện theo hình thức trực tuyến [trên Cổng thông tin của Bộ hoặc Cổng dịch vụ công quốc gia], tạo điều kiện ứng dụng CNTT, thuận tiện cho thí sinh ở mọi nơi, mọi lúc.

Thứ hai, tất cả các nguyện vọng đăng ký xét tuyển [ĐKXT] đại học của thí sinh [theo các cơ sở đào tạo, các ngành, các phương thức xét tuyển] của đợt xét tuyển đợt 1 hình thức đào tạo chính quy sẽ được đăng ký và ghi nhận vào hệ thống trong khoảng thời gian quy định, cụ thể là từ sau khi kết thúc Kỳ thi tốt nghiệp THPT cho tới khi công bố kết quả thi và kết quả điểm phúc khảo [nếu có]. Nhờ vậy, thí sinh chủ động về thời gian và các nguyện vọng ĐKXT; việc đăng ký và điều chỉnh thực hiện trong một đợt [thay vì hai đợt như trước đây], thuận lợi cho thí sinh và cho các trường.

Thứ ba, tất cả các nguyện vọng ĐKXT [theo các ngành, theo các phương thức, các cơ sở đào tạo] của thí sinh trên toàn hệ thống được từng trường xét tuyển, sơ tuyển trước [nếu cần] và đưa lên phần mềm xử lý nguyện vọng - hệ thống hỗ trợ tuyển sinh của Bộ GD-ĐT [như năm 2021] và cho kết quả thí sinh trúng tuyển ở một nguyện vọng cao nhất khi đáp ứng điều kiện của cơ sở đào tạo.

Thứ tư, đối với những ngành sử dụng đồng thời nhiều phương thức xét tuyển, nhiều tổ hợp xét tuyển, các trường cần phải giải trình được sự phù hợp của sự lựa chọn phân bổ chỉ tiêu giữa các phương thức, tổ hợp này; đảm bảo phương thức, tổ hợp xét tuyển lựa chọn được thí sinh có năng lực để học tập, đảm bảo sự công bằng giữa các thí sinh tham gia xét tuyển.

Thứ năm, các sở giáo dục và đào tạo chỉ đạo các trường THPT rà soát và cập nhật lên cơ sở dữ liệu ngành kết quả học tập THPT của thí sinh để đồng bộ sang hệ thống hỗ trợ tuyển sinh, nhằm hỗ trợ thí sinh và các trường về dữ liệu trong công tác xét tuyển.

Thứ sáu, các trường cần quy định phương án giải quyết các rủi ro có thể xảy ra trong quá trình tuyển sinh, làm rõ cam kết từ phía trường, từ đó, giúp thí sinh có cơ hội tốt hơn dù có thể rủi ro xảy ra cũng đã có phương án.

Thứ bảy, tiếp thu ý kiến của các bên liên quan trong quá trình xây dựng và hoàn thiện dự thảo quy chế tuyển sinh, để đảm bảo công bằng và quyền lợi của thí sinh trên mặt bằng chung của toàn hệ thống, Quy chế quy định từ năm 2023, thí sinh được hưởng chính sách ưu tiên khu vực theo quy định trong năm tốt nghiệp THPT [hoặc trung cấp] và một năm kế tiếp để xét tuyển vào đại học, cao đẳng.

Thứ tám, việc tính mức điểm ưu tiên được điều chỉnh nhằm tạo sự công bằng giữa các nhóm thí sinh thuộc các khu vực và đối tượng khác nhau. Qua thống kê điểm thi tốt nghiệp THPT của 3 năm qua, nhóm thí sinh không được cộng điểm ưu tiên [chiếm 25% tổng số thí sinh tốt nghiệp] luôn có phổ điểm tổng 3 môn cao hơn hẳn so với các nhóm thí sinh còn lại [nhóm được cộng điểm ưu tiên ở các mức độ khác nhau].

M.Hiệp

Tin liên quan

Video liên quan

Chủ Đề