Cách chữa dị ứng sơn tường

Mẹo vặt [ Đăng ngày [19/09/2013] ]

Kinh nghiệm dân gian chữa sơn ăn
Cây sơn ta thường mọc ở vùng núi, thân cây có nhiều nhựa [chứa một chất đặc biệt] có tính kích thích mạnh, gây viêm da dị ứng. Những người có cơ địa mẫn cảm, hay dị ứng với chất lạ khi tiếp xúc với sơn ta hoặc ngửi mùi sơn ta dễ bị ngứa, vùng da tiếp xúc trực tiếp với sơn ta sẽ phồng rộp, mặt mũi sưng, cơ thể mệt mỏi,… Dân gian thường gọi là sơn ăn [hay lở sơn].

Hoa kim ngân.

Để chữa sơn ăn cần dùng nước muối sinh lý 0,9% rửa vùng da bị tổn thương; Tránh gãi hoặc chà xát lên các chỗ da bị tổn thương. Có thể dùng các thuốc kháng histamin chống dị ứng, giảm đau rát, giảm ngứa theo hướng dẫn của bác sĩ.

Ngoài ra có thể sử dụng một số bài thuốc theo kinh nghiệm dân gian sau đây. Để điều trị hiệu quả nên kết hợp bài thuốc uống trong và dùng ngoài như sau:

Sài đất.

Thuốc uống trong:

Bài 1: Bồ công anh 20g, hoa kim ngân 20g, thổ phục linh 20g, sài đất 40g, cam thảo đất 12g. Cho tất cả các vị trên vào ấm, đổ 500ml nước sắc còn 200ml. Người lớn uống hết một lần, còn trẻ em chia làm 2 - 3 uống trong ngày. Uống 3 ngày.

Bài 2: Đỗ xanh sống 100g, hạt bo bo sống 50g, táo tàu 7 quả. Tất cả rửa sạch, cho vào nồi thêm nước ninh nhừ, khi ăn thêm 50g đường trắng, ăn hết 1 lần. Ngày ăn 1 lần. Ăn 3-4 ngày.

Thuốc dùng ngoài:

Bài 1: Lấy 200g lá khế chua cả cành non và hoa, vò nát, nấu với 4 lít nước, khi nước sôi bỏ vào một ít muối để xông. Xông xong dùng nước này để tắm, mỗi ngày một lần.

Bài 2: Lấy quả sơn tra tươi lượng vừa đủ, thái lát, đun nước để tắm rửa.

Bài 3: Vỏ núc nác tươi giã nát, rượu trắng 30 độ, ngâm theo tỷ lệ 1 phần vỏ; 3 phần rượu, ngâm trong khoảng 2-3 giờ hoặc lâu hơn càng tốt. Dùng rượu này bôi vào vùng da bị sơn ăn. Ngày bôi 2-3 lần. Bôi 2-3 ngày.

Bài 4: Lấy 1 kg lá sen khô, sắc lấy nước đặc rửa vùng da bị sơn ăn, ngày 2 - 3 lần.

Lưu ý: Nếu dùng các bài thuốc trên sau khoảng 3 ngày không đỡ người bệnh cần đến cơ sở y tế chuyên khoa da liễu để điều trị, không tự ý mua thuốc sử dụng.

Bác sĩ Thu Vân
Theo Theo suckhoedoisong.vn[ntctu]

In bài viết  


  • Tin tiếp theo__

Định nghĩa

Dị ứng cây sơn độc là gì?

Cây sơn độc là một loại cây có thể gây ra dị ứng da nghiêm trọng [viêm da do tiếp xúc]. Sự dị ứng này xảy ra do một loại nhựa tên là urushiol có mặt trong lá, cành và rễ cây. Vùng da bị ảnh hưởng có thể bị khô, đỏ hoặc có thể bỏng giộp. Nếu cây bị đốt cháy, ngửi phải khói của cây bị đốt có thể ảnh hưởng đến phổi của bạn.

Những ai thường mắc phải chứng dị ứng cây sơn độc?

Những người hay tiếp xúc với cây sơn độc hay tiếp xúc với nhựa cây sơn độc trên da của những người bị viêm khác sẽ có nguy cơ mắc phải dị ứng cây sơn độc. Bạn có thể hạn chế khả năng mắc bệnh bằng cách giảm thiểu các yếu tố nguy cơ. Hãy tham khảo ý kiến bác sĩ để biết thêm thông tin.

Triệu chứng và dấu hiệu

Những dấu hiệu và triệu chứng của chứng dị ứng cây sơn độc là gì?

Nếu bạn bị dị ứng với cây sơn độc, triệu chứng chính là da bị phát ban, bỏng giộp và nổi mụn đỏ. Triệu chứng này thường kéo dài trong vài ngày hoặc thậm chí vài tuần. Các triệu chứng khác bao gồm ngứa và đau nhẹ. Ngoài ra, bạn cũng sẽ cảm thấy khó thở nếu bạn hít phải khói từ các cây sơn độc bị đốt.

Có thể có các triệu chứng và dấu hiệu khác không được đề cập. Nếu bạn có bất kỳ thắc mắc nào về các dấu hiệu bệnh, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ.

Khi nào bạn cần gặp bác sĩ?

Bạn cần gặp bác sĩ nếu bạn có những dấu hiệu hoặc triệu chứng kể trên sau khi tiếp xúc với cây sơn độc hoặc có các triệu chứng khác nghiêm trọng hơn như:

  • Phát ban lan ra mắt, miệng hoặc bộ phận sinh dục;
  • Da bị sưng lên;
  • Mụn nước bị chảy mủ;
  • Sốt cao trên 38 độ.

Nguyên nhân

Nguyên nhân gây ra chứng dị ứng cây sơn độc là gì?

Tiếp xúc với bất cứ phần nào của cây sơn độc hay với chất dầu [nhựa cây] đều có thể gây dị ứng. Việc tiếp xúc trực tiếp có thể bao gồm chạm vào cây hoặc gián tiếp chạm vào những vật có dính nhựa cây như vật nuôi. Nhựa cây dính trên quần áo, lông thú, vật dụng có thể vẫn còn độc tính trong thời gian dài và có thể dẫn đến phát ban.

Nguy cơ mắc bệnh

Những yếu tố nào làm tăng nguy cơ mắc chứng dị ứng cây sơn độc?

Bạn sẽ có nguy cơ cao bị dị ứng cây sơn độc nếu bạn đang làm những công việc dưới đây:

  • Nông dân;
  • Nhân viên kiểm lâm;
  • Người làm vườn;
  • Lính cứu hỏa;
  • Công nhân xây dựng;
  • Nhân viên lắp đặt đường dây cáp hay điện thoại.

Ngoài ra, nếu bạn đi cắm trại, câu cá hay đi du lịch sang những vùng lạ, bạn cũng có nguy cơ cao bị dị ứng cây sơn độc.

Không có các yếu tố nguy cơ bệnh không có nghĩa là bạn không thể mắc bệnh. Những dấu hiệu trên chỉ mang tính tham khảo. Bạn nên hỏi ý kiến bác sĩ chuyên khoa để biết thêm chi tiết.

Điều trị

Những thông tin được cung cấp không thể thay thế cho lời khuyên của các chuyên viên y tế. Hãy luôn tham khảo ý kiến bác sĩ.

Những phương pháp nào dùng để điều trị chứng dị ứng cây sơn độc?

Cách chữa trị tốt nhất là tránh xa cây sơn độc. Học cách nhận biết cây và tránh tiếp xúc càng nhiều càng tốt. Mang găng tay, áo tay dài và quần dài khi ra ngoài hoặc làm vườn sẽ ngăn ngừa việc tiếp xúc với cây độc.

Thông thường, các vết phát ban sẽ thường tự khỏi trong 2 đến 3 tuần. Nếu phát ban tiếp tục lan rộng, bác sĩ sẽ cho bạn dùng thuốc corticosteroid [prednisone]. Nếu các vết phát ban hay mụn nước gây nên nhiễm trùng, bác sĩ sẽ chỉ định dùng thuốc kháng sinh. Ngoài ra, kem bôi da chống ngứa như calamine và xà phòng tắm có chứa yến mạch có thể làm dịu chứng phát ban gây bỏng giộp. Trong trường hợp nghiêm trọng, nếu các vết phát ban lan rộng [lan đến mặt hoặc các cơ quan sinh dục], bác sĩ sẽ tiêm hoặc cho bạn uống steroid để làm giảm triệu chứng.

Những kỹ thuật y tế nào dùng để chẩn đoán chứng dị ứng cây sơn độc?

Thông thường bạn không cần phải đến bác sĩ hoặc bệnh viện để được chẩn đoán vì các vết phát ban này sẽ tự khỏi. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, bác sĩ sẽ chẩn đoán chứng viêm da bởi cây sơn độc bằng cách quan sát và xét nghiệm da.

Phong cách sống và thói quen sinh hoạt

Những thói quen sinh hoạt nào giúp bạn hạn chế diễn tiến của chứng dị ứng cây sơn độc?

Những thói quen sinh hoạt và phong cách sống dưới đây sẽ giúp bạn hạn chế diễn tiến dị ứng cây sơn độc:

  • Nên uống steroids mỗi ngày theo toa thuốc. Thuốc uống chống dị ứng có thể được sử dụng khi cần thiết và có thể ngưng khi đã bớt ngứa.
  • Nên bôi thuốc mỡ và kem steroid lên phần da khô, sạch. Liều lượng dùng nên tuân theo chỉ định của bác sĩ.
  • Nên sử dụng dung dịch chống ngứa khi cần, nhưng tránh sử dụng trong 1 giờ đầu tiên sau khi sử dụng kem hoặc thuốc mỡ steroid do cần để thuốc steroid có thời gian ngấm trước.
  • Nên gọi cho có bác sĩ khi bị sốt, nôn mửa, tiêu chảy hoặc chứng phát ban trở nặng hơn dù đã điều trị, hoặc bị phát ban mới.

Nếu bạn có bất kỳ câu hỏi nào, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ để được tư vấn phương pháp hỗ trợ điều trị tốt nhất.

Chủ Đề