Cách làm chè khúc bạch ở Nhật

Chè khúc bạch bắt đầu nổi lên từ cách đây 6-7 năm trước, và có vẻ vẫn còn khá "hot" cho đến tận bây giờ. Ấn tượng đầu tiên là cái tên nghe cực kì "chanh sả", tiếp theo giá tiền cũng hơi bị "chát" so với những món chè từ trước đến giờ. Có lẽ vì nguyên liệu món chè này được làm từ những nguyên liệu khá đắt tiền và lạ so với người Việt.

Chè khúc bạch thơm mát ngày hè

Chè được làm những viên khúc bạch nấu từ kem tươi và được làm đông bằng gelatin. Gelatin là chất làm đông giống như các loại bột rau câu, tuy nhiên chúng chỉ đông ở nhiệt độ thấp, nhiệt độ cao sẽ làm chất lỏng không đông được hoặc chất đã đông sẽ tan ra. Vì thế, viên chè và nước đường, các loại trái cây ăn kèm phải được để thật lạnh.

Chè thường được ăn kèm với các loại trái cây. Ở Việt Nam, mọi người thường ăn kèm nhãn, vải. Tuy nhiên nhưng loại quả đó ở Nhật thì quá là hiếm hoi, nên bạn có thể thay thế bằng nho, dưa lưới, đào, hạt chia, hạt é...Nói chung là nhà có gì cho đó, không thì "ăn chay" - không cho gì - cũng được.Chan nước đường vào chè, cuối cùng là rắc hạnh nhân cắt lát đã được rang vàng là hoàn chén chè mát lạnh cho mấy ngày hè ẩm ương này. Nếu muốn "ăn sang" cho đúng bài thì có thể cho thêm vài giọt tinh dầu hạnh nhân [có bán ở những nơi chuyên bán nguyên liệu làm bánh].

Trong bài này, mình chỉ hướng dẫn cách làm đơn giản nhất bằng những loại nguyên liệu dễ tìm nhất [có thể mua dễ dàng từ các siêu thị, và tiệm 100 yên Daiso.

Cách cân đo nguyên liệu khi không có cân

Những số liệu cân đo trong bài này chỉ mang tính tương đối, có thể gia giảm tùy theo khẩu vị của mỗi người. Nếu không có cân thì các bạn có thể ước lượng bằng muỗng canh [loại muỗng hay dùng ăn phở, bún, miến]. 1 muỗng đường vun đầy khoảng 15gr, hơi đầy là khoảng 10gr, hoặc dùng nắp chai nước đong gạt ngang là khoảng 7gr. Chất lỏng một muỗng canh đầy là khoảng 6-7ml.

Pha màu

Trong bài này mình hướng dẫn pha màu bằng siro. Trong Daiso mùa này có bán loại siro dùng để cho lên đá bào, có thể dùng loại này cho đơn giản [có 3 màu hồng, xanh lá và xanh dương].

Hoặc có thể dùng bột trà xanh hoặc bột cacao, cà phê để pha thêm. Nếu dùng các loại bột đó, cho ít nước vào bột, quậy cho tan, rồi cho vào hỗn hợp sữa [như pha màu cho rau câu].

NGUYÊN LIỆUViên khúc bạch
  • Sữa tươi: 200ml
  • Đường: 50gr [5 muỗng canh hơi vun]
  • Kem tươi[純生クリーム]: 200ml
  • Gelatin [ゼラチン]: 25gr
  • Siro [シロップ] màu nếu thích: 4 muỗng canh
Nước đường
  • Nước: 400ml
  • Đường: 100gr [10 muỗng ăn hơi vun]
  • Hạnh nhân[アーモンドスライス]: 1 gói
Nguyên liệu nấu chè khúc bạch
CÁCH THỰC HIỆNViên khúc bạch
  1. Cho gelatin vào chén, cho khoảng nửa chén sữa [từ nguyên liệu ban đầu], ngâm 10 phút cho nở.
  2. Đổ sữa còn lại, kem tươi, đường, gelatin đã ngâm nở vào tô lớn, ngâm vào nồi nước sôi cho nóng, quậy tan đường và gelatin.
    *Nguyên nhân là hỗn hợp cần ấm nóng để dễ tan đường và gelatin, nhưng không được quá nóng [vượt quá 40 độ], để đảm bảo hỗn hợp sau khi đông sẽ không bị tách làm hai lớp không đẹp mắt.
  3. Chia làm 2 phần, 1 phần màu trắng, 1 phần trộn với siro màu. Cho vào khuôn, chờ nguội rồi cho vào tủ lạnh để 5-6 tiếng.
Nước đường
  1. Cho đường và nước vào nồi, bắt lên bếp nấu sôi lửa nhỏ khoảng 3-5 phút. Nếm và gia giảm đường nếu cần. Để thật nguội và cho vào tủ lạnh.
  2. Hạnh nhân cắt lát cho vào chảo bật lửa nhỏ rang nhẹ tay để tránh bị nát.
Mum Mum
  1. Dùng dao rạch quanh khuôn để lấy khúc bạch ra, cắt thành viên cạnh khoảng 1 đốt ngón tay.
  2. Cho khúc bạch, các loại trái cây ăn kèm, hạt chia, hạt é [nếu có] vào chén.
  3. Rắc hạnh nhân đã phi vàng lên trên và mum.
MUA NGUYÊN VẬT LIỆUKem tươi
  • Mua ở quầy sữa của siêu thị. Trên bao bì có ghi % như 35%, 47%, % càng cao thì sữa càng béo, càng mắc và càng...mập.
Gelatin
  • Mua tại quầy nguyên liệu làm bánh của Nhật, Daiso. Có 2 loại là bột và lá. Nếu là lá thì xem tổng trọng lượng gói là bao nhiêu, chia cho số lượng lá sẽ được trọng lượng 1 lá. Rồi suy ra là xài bao nhiêu lá cho đủ 25gr trong công thức. Nếu dùng lá, ngâm lá vào nước lạnh khoảng 5-10 phút cho mềm, vớt ra cho vào sữa ấm nóng ở bước [2].
Hạnh nhân, Siro
  • Mua tại quầy nguyên liệu làm bánh của Nhật, Daiso.
THAM KHẢO THÊM
Các nguyên liệu làm bánh trong tiếng Nhật
Nơi mua các nguyên liệu món Việt tại Nhật

Video liên quan

Chủ Đề