Cách sử dụng đại hậu môn nhân tạo

CHĂM SÓC NGƯỜI MANG TÚI HẬU MÔN NHÂN TẠO TẠI NHÀ
Hậu môn nhân tạo là chỗ mở của hồi tràng hay đại tràng trên thành bụng. 
Chăm sóc bệnh nhân trước mổ
- Tư vấn cho người bệnh:

Cần tìm hiểu rõ những lo âu của người bệnh, chẳng hạn như: sau khi mang hậu môn nhân tạo có tiếp tục làm việc được hay không? Có bị ai sợ sệt xa lánh vì mùi hôi của phân nơi hậu môn nhân tạo? Ảnh hưởng đến kinh tế gia đình?
Bác sĩ và điều dưỡng có trách nhiệm giải thích rõ bệnh tật, lý do phải mở hậu môn nhân tạo, cách chuẩn bị, các can thiệp chính sẽ thực hiện trong cuộc mổ…
Đôi khi, nhân viên y tế phải nhờ đến những người mang hậu môn nhân tạo đã ổn định. Họ sẽ giúp cho ý kiến và là bằng chứng sống chứng minh cho người bệnh biết là có thể chấp nhận và sẽ quen dần với việc mang hậu môn nhân tạo.
- Giải thích và hướng dẫn về hậu môn nhân tạo:
- Giải thích hậu môn nhân tạo là gì và lý do phải mở hậu môn nhân tạo.
- Vị trí mở hậu môn nhân tạo: cần có mô hình hậu môn nhân tạo trong khi tư vấn, chỉ các vị trí có thể mở hậu môn nhân tạo, vị trí dự định sẽ mở hậu môn nhân tạo cho người bệnh. Điều dưỡng cần giải thích lý do vì sao lựa chọn vị trí đó và dùng mô hình dán lên vị trí dự định mở [không gần nếp gấp, không gần vùng da bị tổn thương, không cản trở người bệnh khi đi lại, dễ ra phân ở các tư thế].
- Dùng viết đánh dấu vị trí cho phẫu thuật viên trước ngày mổ.
- Cách chăm sóc hậu môn nhân tạo, chế độ ăn uống trước mổ và sau khi mở hậu môn nhân tạo, cách dán túi chứa phân, cách đi lại và nằm ngồi khi có túi chứa phân…
- Vật lý trị liệu trước mổ:
Tập cho người bệnh cách thở sâu và tập các động tác giúp ngăn ngừa các biến chứng ở phổi, giúp săn chắc cơ bụng tránh trường hợp sa hậu môn nhân tạo.
Hướng dẫn cho người bệnh nên tập đi lại sớm sau phẫu thuật.
Chế độ dinh dưỡng: hướng dẫn chế độ ăn thích hợp trước mổ để làm sạch phân trong chuẩn bị mổ, các loại thức ăn sau khi mở hậu môn nhân tạo nhằm tránh mùi, tránh thoát hơi nhiều, tránh bón, tránh tiêu chảy.
Vệ sinh cá nhân: đây là điều rất cần thiết trước và sau mổ. Điều dưỡng cần hướng dẫn cho người bệnh cách chăm sóc răng miệng, cách tắm trước mổ và sau khi có túi chứa, giữ vệ sinh bộ phận sinh dục.
Chăm sóc sau mổ
Hướng dẫn cho người bệnh:
- Tập quen dần với hậu môn nhân tạo, cách sử dụng túi chứa phân như thế nào là đúng [cách cắt hay làm miệng túi không quá rộng, cách đo vòng cần cắt, cách dán túi sao cho dính tốt và không bị hở], loại túi thích hợp, cách theo dõi hậu môn nhân tạo để phát hiện các biến chứng.
- Tập vật lý trị liệu, tập đi lại.
- Hướng dẫn cách ăn uống với chế độ phù hợp đầy đủ dinh dưỡng, không nên nhịn ăn, và tránh tình trạng kiêng cữ quá mức đưa đến tình trạng suy dinh dưỡng.
- Vệ sinh cá nhân.
- Hướng dẫn người bệnh quen dần cách tự làm làm vệ sinh cá nhân: vệ sinh răng miệng, tắm rửa, vệ sinh bộ phận sinh dục.
Khi người bệnh xuất viện
Tư vấn giúp người bệnh dễ hòa nhập với cuộc sống gia đình và xã hội, tự tin trong cuộc sống, có thể tiếp tục công việc đã làm nhưng tránh làm các việc nặng.
Các kỹ thuật tự chăm sóc bản thân và hậu môn nhân tạo:
Hướng dẫn cho người bệnh cách tự chăm sóc hậu môn nhân tạo:
Cách chăm sóc, thay túi hậu môn nhân tạo.
Cách chọn túi chứa.
Cách đo và dán túi chứa.
Hướng dẫn kỹ thuật “thụt tháo” khi bị bón [theo chỉ định của bác sĩ].
Hướng dẫn phát hiện các biến chứng có thể xảy ra:
- Tắc ruột.
- Viêm loét vùng da quanh hậu môn nhân tạo.
- Hậu môn nhân tạo bị tụt vào thành bụng.
- Sa hậu môn nhân tạo.
- Thoát vị cạnh hậu môn nhân tạo.
- Áp-xe hậu môn nhân tạo.
- Rối loạn tiêu hóa: bón, tiêu chảy…
Hướng dẫn tập vật lý trị liệu hoặc dưỡng sinh, đi bộ, tập thể dục các động tác nhẹ.
Hướng dẫn về vệ sinh cá nhân, hướng dẫn cách tắm khi mang túi.
Hướng dẫn chế độ ăn uống sau xuất viện đầy đủ dinh dưỡng, ít chất béo, nhiếu chất đạm, khoáng chất.
Hướng dẫn người bệnh tái khám theo hẹn, thực hiện hóa trị, xạ trị theo kế hoạch điều trị cho từng loại bệnh.
Động viên tham gia câu lạc bộ “Mở lỗ thông ra da”, để người bệnh:
- Hiểu rõ về bệnh tật của mình.
- Hiểu cách chăm sóc bản thân và hậu môn nhân tạo.
- Chia sẻ giữa các người bệnh các kinh nghiệm tự chăm sóc bản thân.
Cập nhật các thông tin về các kỹ thuật tự chăm sóc bản thân và hậu môn nhân tạo cho người bệnh.

Hậu môn nhân tạo là con đường dẫn từ ruột già ra ngoài thành bụng giúp phân và khí thoát khỏi cơ thể mà không đi qua trực tràng. Chất thải được thu thập trong một túi đeo ở bên ngoài cơ thể.

Ruột già là gì?

Ruột già gồm đại tràng và trực tràng. Nó là phần nối tiếp với ruột non.

Ruột non tiêu hóa chất dinh dưỡng và hấp thụ chúng vào mạch máu. Các chất dinh dưỡng như vậy bao gồm protein, chất béo và carbohydrate.

Thức ăn còn lại không thể tiêu hóa từ ruột non đến đại tràng. Đại tràng tái hấp thụ nước từ chất thải, phần còn lại tạo thành phân, phân được chứa trong ruột già sau đó đưa ra ngoài nhờ quá trình đi tiêu.

Tại sao cần phải mở hậu môn nhân tạo?

Bệnh nhân ung thư đại trực tràng ở giai đoạn tiến triển hoặc có biến chứng có thể cần phải mở hậu môn nhân tạo. Bệnh nhân có thể cần phẫu thuật làm hậu môn nhân tạo nếu:

  • Ruột già bị tắc nghẽn hoặc bị tổn hại.
  • Ung thư phần thấp trực tràng.
  • Vỡ đại tràng gây nhiễm trùng trong ổ bụng.

Hậu môn nhân tạo sẽ tồn tại bao lâu?

Hầu hết những người cần mở hậu môn nhân tạo liên quan đến ung thư chỉ cần nó trong một vài tháng đến khi đại tràng hoặc trực tràng lành. Tuy nhiên, một số người có thể cần mở hậu môn nhân tạo vĩnh viễn.

Các loại hậu môn nhân tạo

Mỗi loại hậu môn nhân tạo được đặt tên theo đoạn đại tràng mà nó mở ra

  • Hậu môn nhân tạo đại tràng sigma: Đây là loại phổ biến nhất. Nó nằm ở phần xa của ruột già. Đại tràng sigma di chuyển chất thải đến trực tràng. Hậu môn nhân tạo đại tràng sigma cho phân cứng hơn và phù hợp sinh lý hơn các loại hậu môn nhân tạo khác.
  • Hậu môn nhân tạo đại tràng ngang: Đại tràng ngang nằm ngang phía trên thượng vị. Phân ở đại tràng ngang thường mềm do chỉ có một phần nhỏ đại tràng tái hấp thu nước. Có 3 kiểu mở hậu môn nhân tạo thường gặp ở đại tràng ngang:
    • Hậu môn nhân tạo kiểu quai: Kiểu hậu môn nhân tạo này tạo một lỗ cho phân thoát ra trong khi đại tràng vẫn còn nối với trực tràng. Và hệ quả là thi thoảng vẫn có phân hoặc khí đi qua trực tràng.
    • Hậu môn nhân tạo kiểu đầu tận: Phẫu thuật này cắt bỏ đoạn ruột già bao gồm cả trực tràng và đoạn đại tràng dưới chỗ mở hậu môn nhân. Đây là kiểu hậu môn nhân tạo vĩnh viễn.
    • Hậu môn nhân tạo kiểu nòng súng: Kiểu hậu môn nhân tạo này chia đại tràng làm 2 phần riêng biệt, tạo thành 2 lỗ mở. Phân từ phía trên thoát ra từ 1 lỗ và dịch nhầy niêm mạc đại tràng phía dưới thoát ra từ lỗ còn lại.
  • Hậu môn nhân tạo đại tràng xuống: Đại tràng xuống nhận chất thải xuống từ phần bên trí của ổ bụng. Phân thường ở dạng rắn vì nó đã đi qua hầu hết các phần chức năng của đại tràng.
  • Hậu môn nhân tạo đại tràng lên: Đại tràng lên kéo dài từ vị trí bắt đầu của đại tràng đến phần bên phải của ổ bụng. Trong phương pháp mở hậu môn nhân tạo này, chỉ có một phần của đại tràng thực hiện chức năng. Kết quả là đại tràng chỉ tái hấp thu được một lượng nước nhỏ và phân thường lỏng.

Hậu môn nhân tạo đại tràng lên rất ít được làm. Mở hồi tràng ra da thích hợp hơn là mở hậu môn nhân tạo ở đại tràng lên. Mở hồi tràng ra da là phương pháp mở ruột non ra thành bụng và có một chiếc túi bên ngoài chứa chất thải.

Điều gì sẽ diễn ra trong khi phẫu thuật?

Bệnh nhân sẽ được gây mê trước cuộc phẫu thuật. Trong quá trình phẫu thuật, phẫu thuật viên sẽ mở một lỗ hậu môn nhân tạo tại vị trí mà bệnh nhân có thể nhìn thấy và chăm sóc nó. Sau đó, họ sẽ đính túi hậu môn nhân tạo vào lỗ mở này.

Phương pháp phẫu thuật có thể thực hiện với:

  • Một đường mổ hở lớn ở thành bụng hoặc
  • Phẫu thuật nội soi đòi hỏi ít xâm lấn hơn, vết mổ nhỏ hơn, giảm đau hơn và thời gian hồi phục nhanh hơn.

Phẫu thuật có thể bao gồm các rủi ro sau đây:

  • Chảy máu đại tràng
  • Tổn thương cơ quan lân cận
  • Nhiễm trùng
  • Chảy máu từ lỗ mở hậu môn nhân tạo.

Phải mất bao lâu để hồi phục sau phẫu thuật?

Hầu hết bệnh nhân ở lại bệnh viện trong tối đa 1 tuần sau thủ thuật. Phục hồi hoàn toàn sau mở hậu môn nhân tạo có thể mất tới 2 tháng. Trong thời gian này, bệnh nhân phải hạn chế một số loại thức ăn trong khi đại tràng lành.

Nếu mở hậu môn nhân tạo tạm thời, bệnh nhân có thể cần phẫu thuật đóng hậu môn nhân tạo sau khi đại tràng đã lành. Phẫu thuật này thường diễn ra khoảng 12 tuần sau đó tùy thuộc vào mục đích mở hậu môn nhân tạo.

Chăm sóc hậu môn nhân tạo

Làm sạch túi hậu môn nhân tạo của bệnh nhân. Một khi đã hồi phục sau phẫu thuật, bệnh nhân sẽ cần phải làm sạch túi hậu môn nhân tạo vài lần mỗi ngày. Tốt nhất là giữ túi hậu môn luôn không đầy quá một nửa.

Bệnh nhân sẽ không thể kiểm soát được lượng phân và khí di chuyển vào trong túi. Nó sẽ thay đổi tùy theo loại hậu môn nhân tạo và chế độ ăn uống. Đội ngũ chăm sóc sức khỏe có thể cung cấp thông tin về việc lựa chọn thực phẩm giúp giảm lượng khí thải ra.

Có nhiều loại túi hậu môn nhân tạo. Bao gồm túi mở hay có thể tháo rời và túi kín hay dùng một lần. Một số túi có một bộ lọc khử mùi và lỗ thông khí. Điều này ngăn cản túi trở nên quá căng, bung ra khỏi bụng, hoặc vỡ. Hãy hỏi nhóm chăm sóc sức khỏe về các loại túi hậu môn nhân tạo.

Chăm sóc da quanh lỗ hậu môn nhân tạo. Da xung quanh lỗ hậu môn nhân tạo cần được giữ sạch sẽ để tránh nhiễm trùng. Lỗ mở hậu môn luôn có màu đỏ hồng và thỉnh thoảng có thể bị chảy máu, điều đó là thường gặp và hiếm khi kéo dài.

Chung sống với hậu môn nhân tạo

Hậu môn nhân tạo đem đến một số thay đổi trong cuộc sống của bệnh nhân. Tuy nhiên, hậu môn nhân tạo đã được thiết kế thuận tiện nhất có thể.

Trang phục. bệnh nhân có thể mặc những loại trang phục như trước khi mở hậu môn nhân tạo. Túi hậu môn nhân tạo được thiết kế vừa vặn với cơ thể. Chúng cũng có màn chắn khí chống mùi hôi. Mùi hôi chỉ thoát ra khi bệnh nhân làm trống túi.

Hoạt động. bệnh nhân có thể tiến hành các hoạt động như cuộc sống hàng ngày. Những người có hậu môn nhân tạo vẫn tiếp tục đi làm, chơi thể thao, và tham gia vào hoạt động tình dục. Vận động hợp lý sẽ không làm tổn thương đến bệnh nhân hay hậu môn nhân tạo.

Hỗ trợ tâm lý. Một số người có thể cảm thấy buồn hoặc bối rối vì hậu môn nhân tạo. Hãy xem xét việc tìm kiếm sự hỗ trợ từ nhóm những người có hậu môn nhân tạo. Những mối quan hệ này có thể giúp trả lời các câu hỏi của bệnh nhân và cung cấp cho bệnh nhân sự hỗ trợ về mặt tâm lý. Cũng nên xem xét điều này nếu bệnh nhân đang đấu tranh chống lại những thay đổi xấu đi của cơ thể.

Video liên quan

Chủ Đề