Cách tính thuốc hạ sốt theo cân nặng

  • Cách 1: Tính liều thuốc theo cân nặng của trẻ
  • Cách 2: Cách tính liều dùng thuốc Acetaminophen và Ibuprofen đơn giản

Hôm qua lướt facebook thấy bác sĩ nhi Hung Truong (Link fb: https://www.facebook.com/hung.truong.5220?) một bác sĩ Nhi rất uy tín, thường xuyên cập nhật tin tức y tế khoa học mình hay theo dõi thấy bác sĩ có chia sẻ thông tin về cách tính liều dùng thuốc hạ sốt cho trẻ nhỏ. Thông tin này phải nói là quá hữu ích vì không phải mẹ nào cũng biết cho con uống bao nhiêu là đúng, là đủ, là không hại đến con. Bài viết nhận hơn 1.1k chia sẻ và rất nhiều lượt like, lượt bình luận luôn. 

Theo bác sĩ, việc dùng thuốc cho trẻ nhỏ cần đặc biệt cẩn thận vì nếu dùng thuốc không đúng liều có thể gây ra tình trạng ngộ độc thuốc và nguy hiểm đến tính mạng nếu không được cấp cứu kịp thời. Cùng với đó, bác sĩ đưa ra hướng dẫn liều dùng cho các loại thuốc hạ sốt cơ bản nhất, mẹ xem nhà mình đang có loại nào thì lưu lại ngay nhé. 

Cách tính thuốc hạ sốt theo cân nặng

Dùng thuốc hạ sốt cho trẻ cần tính toán liều dùng cực chuẩn (Ảnh: Internet)

Liều thuốc Acetaminophen (Paracetamol)

Trẻ sơ sinh dưới 1 tuổi: 

  • Liều dùng: 10 - 15mg/kg mỗi 6 - 8 giờ, tối đa 60mg/kg/ngày từ tất cả các nguồn (không chỉ thuốc hạ sốt, một số loại thuốc khác cũng có thể chứa thành phần này).

Trẻ từ 1 tuổi đến 11 tuổi: 

  • Liều dùng: 10 - 15mg/kg mỗi 4 - 6 giờ, tối đa 75mg/kg/ngày. Không uống nhiều hơn 1g mỗi 4 giờ và 4g một ngày từ tất cả các nguồn. 

Từ 12 tuổi trở lên: 

  • Liều dùng: Uống 325 -  650mg mỗi 4 - 6 giờ. Không uống hơn 1g mỗi 4 giờ và 4g một ngày từ tất cả các nguồn. 

Liều thuốc Ibuprofen

Trẻ dưới 6 tháng tuổi: 

  • Không dùng thuốc này vì có nguy cơ gây xuất huyết tiêu hóa và tổn thương thận. 

Trẻ từ 6 - 11 tuổi: 

  • Liều dùng: 5 - 10mg/kg mỗi 6 - 8 giờ. Tối đa 40mg/kg/ngày. Uống khi đang ăn thức ăn vì thuốc này có thể gây xót ruột. 

Từ 12 tuổi trở lên: 

  • Liều dùng: Uống 200 - 400mg mỗi 4 - 6 giờ. Tối đa 1.200mg/ngày. 

Có mẹ nào thấy mông lung và khó hiểu như mình lúc đầu không :)) Thực ra, mẹ có thể hiểu cách tính như thế này. 

Chẳng hạn, em bé của mẹ được 5kg. Bé dùng thuốc liều acetaminophen. Vậy lượng thuốc bé cần sử dụng cho 1 liều dùng là khoảng 10mg x 5 = 50mg thuốc. Mẹ dựa trên phân chia cân nặng trên bao bì để đánh giá cân nặng của từng viên, sau đó chia liều dùng cho bé phù hợp. Chẳng hạn, 1 viên thuốc nặng 100mg, vậy 1 liều dùng của bé chỉ cần 50mg, bé sẽ chỉ cần 1 nửa viên thuốc. Cứ mỗi 6 - 8 giờ mẹ lại cho bé uống 1 liều như thế nhé. Không uống quá 60mg/kg x 6  = 300mg thuốc là được. 

Nhưng em bé thường uống thuốc hạ sốt dạng dung dịch, siro nên chúng ta tiếp tục quy đổi từ mg sang ml theo nồng độ thuốc trên bao bì nhé. 

Chẳng hạn mẹ thấy trên bao bì ghi là 160mg/5ml. Em bé cần uống 50mg thuốc 1 liều. Vậy số ml bé cần uống là (50mg x 5ml)/160mg = 1.56ml. Lượng tối đa có thể cho bé uống là (300mg x 5ml)/160mg=9.37ml thuốc. 

Giải thích như vậy mẹ có thấy dễ hiểu hơn không? Mẹ cứ thử đặt bút tính luôn là sẽ rõ nhé. 

Cách tính trên có thể gây nhầm lẫn, vì vậy bác sĩ Hung Truong đã chia sẻ một cách tính nhanh và đơn giản hơn, nhưng lưu ý CHỈ ÁP DỤNG VỚI RIÊNG 2 LOẠI THUỐC Acetaminophen 160mg/5ml và Ibuprofen 100mg/5ml thôi mẹ nhé. Cách tính này sẽ không đúng khi áp dụng với các loại thuốc khác với nồng độ khác. Để biết nồng độ này, mẹ xem trên bao bì của sản phẩm. 

Với thuốc Acetaminophen nồng độ 160mg/5ml:

[Cân nặng (kg) - 1 (kg)]/2 = Số ml thuốc. 

Chẳng hạn, em bé 13kg. Vậy liều Acetaminophen cho mỗi lần uống là (13-1)/2=6ml thuốc. 

Với thuốc Ibuprofen nồng độ 100mg/5ml: 

[Cân nặng (kg)]/2 = Số ml thuốc. 

Chẳng hạn, em bé được 12kg. Vậy liều Ibuprofen cho mỗi lần uống là 12/2 = 6ml thuốc. 

Với em bé từ 40kg trở lên, bác sĩ cũng lưu ý mẹ cho uống theo liều dùng của người lớn là được. 

Cách tính thuốc hạ sốt theo cân nặng

Chia sẻ của bác sĩ Hung Truong trên facebook cá nhân về cách tính liều dùng thuốc hạ sốt (Ảnh: Internet)

Cách tính thuốc hạ sốt theo cân nặng

Cách tính thuốc hạ sốt theo cân nặng

Thực ra cách nào cũng phức tạp, cũng đau đầu phải không các mẹ. Hic. Sơ sẩy một chút là con uống quá liều nguy hiểm lắm luôn. Tốt nhất là con ốm đau hay gì mẹ cứ đưa con đi bác sĩ, để bác sĩ đoán bệnh, kê thuốc cho con uống là an toàn nhất nhé. 

Trường hợp không thể đi viện ngay, mẹ lưu lại cách tính này của bác sĩ để áp dụng nha. Người lớn mình cũng uống theo cách này được đấy. Chúc mẹ và bé khỏe mạnh trong mùa dịch này. 

TS.BS Đặng Lê Như Nguyệt hướng dẫn các phụ huynh cách tính liều thuốc hạ sốt theo cân nặng của trẻ, trẻ sốt về đêm thì cần làm gì, giảm đau cho trẻ khi mọc răng, cách xử lý cơn sốt do tiêm ngừa…

Nội dung bài viết:

1. Cách tính liều thuốc giảm đau, hạ sốt theo cân nặng của trẻ như thế nào?

2. Trẻ sốt về đêm, phải theo dõi thế nào?

3. Cách giúp trẻ giảm đau khi mọc răng, đau tại vị trí tiêm ngừa?

4. Có nên cho trẻ uống thuốc hạ sốt trước để phòng ngừa cơn sốt?

5. Cách cho trẻ uống thuốc và lau mát khi trẻ bị sốt về đêm?

6. Trẻ bị nôn ói khi uống thuốc hạ sốt thì phải làm sao?

7. Trẻ uống paracetamol nhiều có gây hại cho gan, thận không?

8. Trẻ từ mấy tuổi có thể dùng được thuốc hạ sốt Hapacol?

9. Trẻ 1 tuổi uống paracetamol được không?

10. Trẻ đang mọc răng, có nên cho ngậm vòng mọc răng hay núm vú giả bằng cao su?

11. Bé sốt mọc răng, đã uống thuốc rồi nhưng vẫn quấy khóc, phải làm sao?

12. Thuốc hạ sốt và miếng dán hạ sốt loại nào tốt hơn?

13. Bé mọc 8 cái răng cùng lúc, sốt 3 ngày, hạ sốt thế nào?

14. Sau tiêm ngừa, bé chỉ sốt nhẹ thì vắc xin có hiệu quả không?

15. Cách hạ sốt cho Trẻ bị thiếu men G6PD?

Tiếp theo phần 1: Hiểu về các cơn sốt đầu đời của con và cách cha mẹ xử lý sao cho đúng?

Phần 2: Bác sĩ chỉ cách tính liều thuốc hạ sốt theo cân nặng của trẻ

Cách tính thuốc hạ sốt theo cân nặng
TS.BS Đặng Lê Như Nguyệt - Trưởng khoa Sức khỏe trẻ em - Bệnh viện Nhi đồng Thành phố

NỘI DUNG TƯ VẤN

1. Cách tính liều thuốc giảm đau, hạ sốt theo cân nặng của trẻ như thế nào?

Cách sử dụng thuốc giảm đau, hạ sốt như thế nào và liều lượng ra sao cho mỗi độ tuổi là phù hợp ạ?

TS.BS Đặng Lê Như Nguyệt:

Một số loại thuốc sẽ tính liều lượng dựa trên tuổi của trẻ, nhưng đa số sẽ sử dụng liều trên cân nặng.

Do đó, chúng ta chỉ cần nhớ cân nặng của trẻ và tăng liều lên 10-15mg nhân 10 lên là ra hàm lượng thuốc trẻ cần sử dụng.

Ví dụ, bé 8kg nhân 10 lên là 80mg - đây liều thấp nhất của paracetamol. Hoặc bé 10kg nhân liều 15 sẽ ra liều 150mg của paracetamol.

Nếu một bé phát triển cân nặng bình thường thì chúng ta có thể dựa theo tuổi để tính liều lượng thuốc sử dụng. Ví dụ 8kg cỡ khoảng 6-9 tháng tuổi, 10kg khoảng 1 tuổi.

Nhưng theo tôi nên dựa vào cân nặng để tính cho chính xác, do ngày nay có nhiều em bé bị béo phì.

2. Trẻ sốt về đêm, phải theo dõi thế nào?

Sốt về đêm cũng là nỗi lo lắng thường gặp, vì khi con ngủ thì rất khó theo dõi các dấu hiệu bất thường. Xin hỏi BS khi trẻ sốt trong đêm thì cần làm gì? Dấu hiệu nào cần đưa đi bệnh viện ngay, triệu chứng nào có thể “đợi đến sáng”?

TS.BS Đặng Lê Như Nguyệt:

Đối với trường hợp trẻ sốt về đêm, thường trẻ sẽ ngủ nên cha mẹ không cho con uống thuốc được. Và một sai lầm nữa cha mẹ thường mắc là nghĩ ban đêm nhiệt độ xuống thấp sợ con lạnh nên đã cho mặc rất nhiều áo, đắp chăn dày nên càng làm trẻ sốt cao hơn.

Do đó, nếu trẻ sốt về đêm cha mẹ có thể sử dụng biện pháp chăm sóc hỗ trợ như tôi đã chia sẻ bên trên và giúp trẻ hạ sốt bằng thuốc nhét hậu môn.

Tuy nhiên, nếu đã làm các biện pháp này mà trẻ vẫn bứt rứt, kích thích, quấy khóc, sốt liên tục khó hạ, đặc biệt là sau 30 phút - 1 tiếng vẫn không hạ sốt thì nên đưa trẻ tới các cơ sở y tế để kiểm tra.

Bởi vì khi sốt cao liên tục như vậy nhiều khả năng trẻ đã nhiêm siêu vi hoặc vi khuẩn độc lực khá cao.

Nhưng nếu trẻ ngủ yên, ngủ êm, ví dụ mình đút nước trẻ vẫn có thể uống được chút thì cha mẹ có thể trì hoãn để theo dõi đến sáng.

3. Cách giúp trẻ giảm đau khi mọc răng, đau tại vị trí tiêm ngừa?

Không chỉ bị sốt, trẻ mọc răng hay tiêm ngừa thường có cảm giác đau và nhức ở nướu, đau tại vị trí tiêm. BS có bí quyết nào chia sẻ cho các ông bố, bà mẹ giúp xoa dịu nướu, giảm cảm giác đau cho con? Nếu trẻ bị đau nhưng không sốt thì những trường hợp này có thể dùng thuốc được không ạ?

TS.BS Đặng Lê Như Nguyệt:

Đối với tiêm ngừa thì khá đơn giản, vì chúng ta đã biết vị trí tiêm rồi, nên nếu trẻ có đau, khóc thì có thể chườm mát nhẹ nhàng để giúp con giảm đau.

Nhưng nếu chườm mát mà trẻ vẫn khó chịu, đặc biệt trẻ lớn biết than vãn rồi thì có thể cho sử dụng thuốc giảm đau, với liều 10mg/1 ký.

Trường hợp đau do sưng nướu trong quá trình mọc răng thì hơi phức tạp hơn, nhưng chúng ta có thể dùng tay để massage nướu cho con bằng cách sử dụng gạc rơ lưỡi đã được để trong ngăn mát tủ lạnh và massage nhẹ nhàng trên nướu cho trẻ. Tuy nhiên, nếu massage mà vẫn không giảm thì có thể cho uống thuốc giảm đau.

Hiện trên thị trường có các loại gel thoa để giảm đau nướu, nhưng chúng ta nên hạn chế sử dụng cho con, vì hầu như rất ít loại sử dụng an toàn cho trẻ nhỏ.

Cách tính thuốc hạ sốt theo cân nặng

Giải đáp câu hỏi của bạn đọc: Những lưu ý khi chăm sóc trẻ bị đau, sốt

4. Có nên cho trẻ uống thuốc hạ sốt trước để phòng ngừa cơn sốt?

Lương Thanh Duy - Duythanh11…@gmail.com

Thưa BS, lần nào bé nhà em đi tiêm ngừa về cũng sốt và quấy khóc. Sắp tới có mũi tiêm nhắc lại. Em tính là cho bé đi chích ngừa về thì cho uống thuốc hạ sốt trước luôn, để phòng ngừa cơn sốt. Như vậy có được không thưa BS? Em cảm ơn BS ạ.

TS.BS Đặng Lê Như Nguyệt:

Trên thực tế cũng có một số phụ huynh đến tiêm ngừa cho con và hỏi về việc có cần cho con uống thuốc hạ sốt, giảm đau trước hay không?

Thật sự, nếu về con có triệu chứng bứt rứt, khó chịu, sốt cao trên 38,5 độ thì chắc chắn chúng ta phải sử dụng thuốc. Hoặc trẻ bị đau mà chườm lạnh, massage không hết thì có thể cho uống thuốc.

Nhưng trường hợp không có 2 triệu chứng trên thì cha mẹ nên theo dõi thêm. Vì có nhiều nghiên cứu thấy rằng cho dù có cho trẻ uống thuốc hạ sốt trước thì cũng vẫn không làm giảm tỷ lệ trẻ sốt và đau ở trẻ.

5. Cách cho trẻ uống thuốc và lau mát khi trẻ bị sốt về đêm?

Lệ Phương Nguyễn - Bạn đọc hỏi qua fanpage AloBacsi - Hỏi bác sĩ trả lời

Thưa BS, bé hay sốt về đêm thì cho uống thuốc gì và liều lượng ra sao? Đặc biệt việc lau mát được thực hiện như thế nào? Mong bác sĩ hướng dẫn ạ.

TS.BS Đặng Lê Như Nguyệt:

Đối với trẻ sốt về đêm, nếu trẻ dễ chịu và chưa ngủ sâu thì chúng ta có thể pha thuốc hạ sốt rồi cho vào 1 bình nhỏ và cho trẻ ngậm nuốt từ từ.

Nếu trẻ đã vào giấc ngủ sâu hoặc không hợp tác ngồi dậy để uống thì chúng ta hạ sốt bằng cách sử dụng thuốc nhét hậu môn. Phương pháp này vừa nhanh, tiện dụng và cũng tác dụng tương đương với thuốc hạ sốt đường uống.

Tuy nhiên, cần lưu ý với trẻ đang tiêu chảy thì không nên sử dụng thuốc nhét hậu môn.

6. Trẻ bị nôn ói khi uống thuốc hạ sốt thì phải làm sao?

Lê Bình - Bạn đọc hỏi qua fanpage AloBacsi - Hỏi bác sĩ trả lời

Thưa BS, bé nhà tôi hay bị nôn ói khi uống thuốc hạ sốt thì phải làm sao? Tôi rất lo lắng vì không uống thuốc thì không hạ sốt được cho con, nhưng uống tiếp thì không biết có quá liều không? Và trường hợp này tôi có nên đưa đi bệnh viện để tiêm không BS?

TS.BS Đặng Lê Như Nguyệt:

Để hạ sốt cho trẻ ngoài đường uống và nhét hậu môn, thì còn có thêm đường tiêm. Nhưng cần lưu ý trường hợp dán miếng dán hạ sốt trên trán thì không được xem là biện pháp sử dụng thuốc hạ sốt. Vì nó không có tác dụng tương đương với thuốc hạ sốt.

Đối với trẻ uống thuốc hạ sốt bị nôn ói thì nên phân biệt được rằng nôn ói đó là do khó chịu khi trẻ uống thuốc hạ sốt hay là triệu chứng đi kèm với sốt mà trẻ đang mắc phải.

Do đó, nếu trẻ nôn ói trong vòng 30 phút sau khi uống thuốc hạ sốt thì cha mẹ có thể cho uống liều thứ 2, mà không sợ quá liều. Còn sau 30 phút thì không cần uống lại.

Nhưng khi chúng ta cho con uống 2, 3 hay nhiều lần hơn nữa mà trẻ cứ nôn ói liên tục thì chắc chắn đây là dấu hiệu bất thường, một là ở đường tiêu hóa, hai là ở triệu chứng toàn thân khác. Trường hợp này cần đưa trẻ đến bác sĩ để tìm hiểu nguyên nhân.

Trong lúc chờ đợi đưa trẻ đi bác sĩ thì chúng ta có thể sử dụng thuốc nhét hậu môn để giảm sốt cho trẻ.

Việc sử dụng đường tiêm chỉ được thực hiện khi trẻ nằm viện, bạn nhé.

7. Trẻ uống paracetamol nhiều có gây hại cho gan, thận không?

Miêu Miêu - Bạn đọc hỏi qua fanpage AloBacsi - Hỏi bác sĩ trả lời

Tháng nào bé nhà em cũng sốt và uống thuốc hạ sốt 2 lần 1 ngày thì bé cắt được cơn sốt. Nhưng bé uống paracetamol nhiều như vậy thì có gây hại cho gan, thận hay không? Em nghe nhiều người nói như vậy nên cũng lo.

TS.BS Đặng Lê Như Nguyệt:

Bạn không chia sẻ bé nhà mình bao nhiêu tháng hay bao nhiêu tuổi. Tuy nhiên, với bé dưới 2 tuổi thì việc trẻ sốt mỗi tháng hoặc phải đi bệnh viện nhiều là việc rất thường gặp.

Bạn cho bé uống thuốc hạ sốt 2 lần/1 ngày mà bé đáp ứng và chơi vui lại bình thường thì đó có thể là triệu chứng nhiễm siêu vi thông thường. Đây cũng là cách cơ thể làm quen với môi trường bên ngoài, giúp trẻ có đề kháng, miễn dịch để ghi nhớ lại sau này có gặp các con siêu vi đó thì có thể chống lại được.

Liều thuốc hạ sốt mà bạn sử dụng trong 1 ngày chỉ có 2 lần, nếu đúng liều lượng thì không sợ gây hại cho gan, thận.

Paracetamol chỉ chống chỉ định với người có bệnh gan, thận trước. Còn nếu chức năng gan, thận bình thường thì việc sử dụng liều đúng như hướng dẫn sẽ không sao cả.

Vì liều gây ngộ độc rất cao, thông thường trên 100mg/ 1 ký/ 1 ngày.

8. Trẻ từ mấy tuổi có thể dùng được thuốc hạ sốt Hapacol?

Thảo Ngọc - Bạn đọc hỏi qua fanpage AloBacsi - Hỏi bác sĩ trả lời

Trẻ từ mấy tuổi có thể dùng được thuốc hạ sốt Hapacol vậy thưa BS? Em thấy có loại 80mg, 150mg, 250mg mà không biết mua dự trữ trong nhà loại nào thì thích hợp? Em có một bé 16 tháng, 1 bé 5 tuổi ạ.

TS.BS Đặng Lê Như Nguyệt:

Nếu 2 bé cân nặng bình thường, thì với bé 16 tháng tuổi cân nặng khoảng 10 - 12kg, chúng ta nhân 10 lên thì bé sẽ uống gói Hapacol 150mg.

Còn bé 5 tuổi, cân nặng chuẩn sẽ khoảng 18kg thì chúng ta nhân 10 -15, bé sẽ uống Hapacol 250mg.

Do đó, bạn có thể chuẩn bị thuốc với liều lượng trên để cho con sử dụng khi bị sốt.

9. Trẻ 1 tuổi uống paracetamol được không?

Thiên Thần - Bạn đọc hỏi qua fanpage AloBacsi - Hỏi bác sĩ trả lời

Bé nhà tôi 1 tuổi, nặng 7 kg, tôi cho bé uống paracetamol được hay không và nên dùng hàm lượng ra sao?

TS.BS Đặng Lê Như Nguyệt:

Bé nhà bạn có thể sử dụng gói Hapacol 80mg, đối với trường hợp bạn dùng liều đầu tiên trong cử sốt đầu tiên cho bé.

Còn nếu uống mà vẫn không hạ sốt thì bạn có thể sử dụng thêm 1/2 liều của gói 80mg. Tức là bé có thể sử dụng lên 120mg là liều tối đa.

Tuy nhiên, không biết lúc sinh bé có sinh non hay nhẹ cân không, nhưng bé 1 tuổi mà chỉ nặng 7kg thì về mặt dinh dưỡng cũng cần lưu ý để tìm nguyên nhân làm cho bé hơi chậm tăng cân.

10. Trẻ đang mọc răng, có nên cho ngậm vòng mọc răng hay núm vú giả bằng cao su?

Trần Phạm Vân - Bạn đọc hỏi qua fanpage AloBacsi - Hỏi bác sĩ trả lời

Thưa BS, bé nhà em đang mọc răng nên cứ gặp đồ chơi hay bất kỳ món đồ nào cũng đều bỏ vào miệng cắn. Em có thể mua vòng mọc răng hay núm vú giả bằng cao su cho bé ngậm đỡ được không ạ? Trong giai đoạn này em nên chăm sóc răng miệng cho bé như thế nào ạ?

TS.BS Đặng Lê Như Nguyệt:

Nguyên nhân bé hay gặm hoặc cắn trong giai đoạn mọc răng là vì những mầm răng đang mọc lên từ phía bên dưới và đẩy áp lực lên nướu, phản xạ tự nhiên của cơ thể là sẽ dùng áp lực khác đè lên để tạo cảm giác dễ chịu hơn cho nướu.

Vòng ngậm nướu hoặc núm vú giả an toàn rất có lợi và hiệu quả trong trường hợp này. Do đó, chúng ta có thể tiệt trùng sạch sẽ trước khi cho bé sử dụng.

Nhưng không nên dùng những vòng ngậm nướu bên ngoài khá đẹp mà bên trong lại có chất lỏng, vì nó có thể không an toàn; mà chỉ nên sử dụng nhựa đặc hoặc núm vú nhựa an toàn cho bé ngậm.

Ngoài ra, bạn có thể massage thêm nướu cho bé và bất kể khi nào răng đã nhú lên rồi cho dù bé bao nhiêu tháng tuổi thì cũng phải dạy con tập đánh răng bằng bàn chải silicon mềm hoặc dụng cụ đánh răng cho bé dưới 1 tuổi.

Lưu ý không nên sử dụng các loại gel giảm đau không an toàn. Có thể cho trẻ gặm nhai rau củ mềm để trẻ bớt khó chịu trong giai đoạn mọc răng.

11. Bé sốt mọc răng, đã uống thuốc rồi nhưng vẫn quấy khóc, phải làm sao?

Phạm Thị Kiều Tiên - tienphan56…@gmail.com

Bé nhà em đang mọc răng, bị sốt nhẹ, có lúc 37,5 - 38 độ C, uống thuốc có giảm nhưng bé hay quấy khóc, cáu gắt, không muốn chơi. Trường hợp bé nhà em có cần đưa đi bệnh viện không ạ? Khi trẻ mọc răng những dấu hiệu nào cần lưu ý phải đến gặp bác sĩ ạ? Em cảm ơn.

TS.BS Đặng Lê Như Nguyệt:

Đối với trường hợp con bạn sốt từ 37,5 - 38 độ C mà không có triệu chứng gì khác thì có thể là do sốt mọc răng. Nếu trẻ chơi vui thì bạn không cần phải cho con uống thuốc giảm đau; nhưng nếu trẻ quấy khóc, khó chịu thì có thể sử dụng thuốc giảm đau paracetamol liều 10-15mg/1 ký. Thông thường dùng 10mg thì trẻ có thể dễ chịu rồi.

Sau đó, chúng ta vẫn cần theo dõi thêm triệu chứng khác của trẻ. Đồng thời massage nướu cho trẻ hay với trẻ mọc răng hàm thường có biểu hiện xoa má, kéo lỗ tai thì có thể massage nhẹ nhàng cả phần má.

Đó là liệu pháp tâm lý giúp trẻ dễ chịu hơn, đã có một số nghiên cứu trên thế giới cho thấy biện pháp hỗ trợ này có thể giảm triệu chứng đau phần nào ở trẻ.

12. Thuốc hạ sốt và miếng dán hạ sốt loại nào tốt hơn?

Thanh Thủy - Bạn đọc hỏi qua fanpage AloBacsi - Hỏi bác sĩ trả lời

Thưa BS, đối với thuốc hạ sốt và miếng dán hạ sốt thì loại nào tốt hơn và an toàn hơn cho trẻ?

TS.BS Đặng Lê Như Nguyệt:

Miếng dán hạ sốt không có thành phần thuốc để hạ sốt, nhưng nó có tác dụng hạ sốt bằng phương pháp vật lý.

Phương pháp vật lý có thể là mặc áo mỏng, thoáng, tạo đối lưu không khí trong nhà đã giúp trẻ giảm sốt rồi chứ không cần sử dụng miếng dán hạ sốt nữa.

Đối với những trẻ thường hay có triệu chứng sốt cao, co giật khiến phụ huynh lo lắng thì có thể sử dụng miếng dán hạ sốt để hỗ trợ phần nào.

Do đó, khi có chỉ định của bác sĩ chúng ta mới sử dụng thuốc. Còn khi đã sử dụng thuốc bằng đường uống hoặc đường hậu môn thì không cần thiết sử dụng miếng dán hạ sốt.

Cách tính thuốc hạ sốt theo cân nặng

13. Bé mọc 8 cái răng cùng lúc, sốt 3 ngày, hạ sốt thế nào?

Hùng Nguyễn - Đồng Nai

BS cho em hỏi, bé nhà em 11 tháng mọc răng 8 cái 1 lúc và mỗi lần mọc như vậy bé sốt 3 ngày, như vậy có sao không?

TS.BS Đặng Lê Như Nguyệt:

Trẻ có thể mọc răng từ 4-8 cái răng một lúc, tuy nhiên không phải là lên cùng 1 lúc mà chúng ta sẽ thấy 8 cái răng xuất hiện trong cùng 1 giai đoạn.

Do đó, trong giai đoạn này bé sẽ rất đau và khó chịu, nên chúng ta cần phải sử dụng thuốc giảm đau.

Nhưng sốt thông thường không kéo dài quá 3 ngày, do đó bé nhà bạn có thể đã nhiễm siêu vi ở đường hô hấp hay đường tiêu hóa, hoặc viêm nướu cần bắt buộc phải đưa trẻ đến bệnh viện để thăm khám.

Đặc biệt ở nước có dịch tễ sốt xuất huyết như Việt Nam thì không thể chủ quan khi trẻ sốt 3 ngày.

14. Sau tiêm ngừa, bé chỉ sốt nhẹ thì vắc xin có hiệu quả không?

Thanh Hà - Bạn đọc hỏi qua fanpage AloBacsi - Hỏi bác sĩ trả lời

Bé đầu nhà em khi tiêm về sốt rất cao gần 39 độ C, nhưng bé thứ 2 khi tiêm về chỉ sốt nhẹ thôi. Như vậy vắc xin có tác dụng hay không?

TS.BS Đặng Lê Như Nguyệt:

Triệu chứng sốt ở trẻ em do nhiều yếu tố phối hợp, một trong những yếu tố đó là cơ địa, hệ miễn dịch, cũng như loại vắc xin tiêm vào.

Do đó, với những em bé bị sốt thì một số nghiên cứu ghi nhận rằng nồng độ kháng thể sẽ cao hơn với những em bé không có triệu chứng sốt.

Tuy nhiên, ở những bé không có triệu chứng sốt thì lượng kháng thể khi đo được vẫn đạt ở ngưỡng bảo vệ cho trẻ sau khi tiêm vắc xin.

Vì vậy, cho dù trẻ sốt hay không sốt thì vắc xin vẫn có tác dụng bảo vệ trẻ.

Nhưng phụ huynh cũng cần biết là không phải vắc xin vào cũng có thể bảo vệ 100%, mà tỷ lệ tạo nồng độ kháng thể và bảo vệ tối đa cũng dao động tùy loại vắc xin.

Cho nên, bên cạnh việc tiêm đầy đủ cho trẻ cũng cần thực hiện các biện pháp khác như vệ sinh cơ thể, môi trường sạch sẽ để tránh tác nhân bên ngoài gây bệnh cho trẻ.

15. Cách hạ sốt cho Trẻ bị thiếu men G6PD?

Hồng Quân - Bạn đọc hỏi qua fanpage AloBacsi - Hỏi bác sĩ trả lời

Bé nhà em 2 tháng tuổi, sau khi chích ngừa về thì sốt 28,5 độ C, nhưng bé thiếu men G6PD, thì có được dùng thuốc hạ sốt paracetamol được không? Nếu không uống được thì xử trí ra sao?

TS.BS Đặng Lê Như Nguyệt:

Bé nhà bạn 2 tháng tuổi mà thiếu men G6PD, thì tôi không hiểu rõ bé đã được xét nghiệm nồng độ G6PD trong máu hay chưa.

Bởi vì, hiện giờ chúng ta có chương trình sàng lọc, tức là khi bé ra đời được lấy máu ở gót chân để xem có thiếu men G6PD hay không. Đây là xét nghiệm sàng lọc nên độ chính xác cũng không phải 100%, nên đối với những trẻ này sau đó sẽ được lấy máu ở tĩnh mạch để đo nồng độ G6PD thì kết quả khi ấy mới chính xác.

Tuy nhiên, trong trường hợp bé nhà bạn được xét nghiệm đầy đủ và được chẩn đoán thiếu men G6PD, thì paracetamol được xem là chống chỉ định với những người thiếu men G6PD.

Do đó, nếu bé sốt 38,5 độ C mà chưa bứt rứt, khó chịu thì bạn có thể hạ sốt cho con bằng phương pháp vậy lý, và hỗ trợ uống nhiều nước.

Còn nếu sốt kéo dài thì nên đưa con đến bệnh viện để được bác sĩ thăm khám và cho uống thuốc hạ sốt, nhưng loại này không chống chỉ định với người thiếu men G6PD.

Lệ Phương


Cổng thông tin Tư vấn sức khỏe AloBacsi.com