Cách vỗ ọc sữa

Phương pháp phòng ngừa ọc sữa ở trẻ

10-10-2009

Cháu của tôi hiện nay được 4 tháng tuổi. Trước đây cháu cũng bị ọc sữa nhưng càng ngày càng lại ọc càng nhiều.Tôi rất lo lắng mong bác sỹ chỉ dẫn cho tôi cách nào có thể phòng ngừa hiện tượng này. Thành thật cám ơn và trân trọng [M.T.T]

Trả lời: Bạn có con 4 tháng hay bị ụa [ọc] sữa ngày càng nhiều. Chúng tôi xin góp ý như sau: Ọc sữa có nhiều nguyên nhân như:

- Do tư thế bé bú chưa đúng cách.

- Do núm vú chảy sữa nhiều quá so với sức nút sữa của bé.

- Hoặc do bệnh lý đường tiêu hóa: trào ngược dạ dày thực quản.

Phòng ngừa ọc sữa: cần có tư thế đúng và cách bú đúng

- Lúc bé bú mẹ, cần lưu ý tư thế đúng:

+ Để đầu và thân bé cùng trên 1 đường thẳng.

+ Cổ của bé thẳng hoặc hơi ngửa ra.

+ Mặt của bé đối diện với vú, mũi bé đối diện với núm vú mẹ.

+ Thân bé sát với thân của mẹ.

+ Mẹ đỡ toàn thân bé không phải chỉ đỡ đầu, cổ và vai.

+ Chạm núm vú vào môi bé, khi bé há miệng sẽ cho bé bú ngay

- Khi bé bú bình

+ Mẹ nên bồng cho con bú, để đầu bé cao 30o. Không nên cho bé nằm khi bú dễ gây sặc và nguy hiểm vì có thể gây viêm phổi hít.

+ Sữa phải lấp đầy núm vú để không có hơi lọt vào cùng với sữa.

+ Trước khi cho bú nên kiểm tra núm vú: sữa phải chảy từ từ từng giọt một. Nếu chảy quá nhanh nên đổi núm vú khác.

+ Dù bé bú mẹ hay bú bình, cũng có thể có một ít hơi vào cùng sữa. Khi bé bú có tiếng thở rít, chứng tỏ có hơi vào cùng với sữa. Dạ dày của bé nhanh chóng đầy, gây ọc sữa sau bú. Có thể tránh ọc sữa bằng cách: nâng đứng bé vài phút, vỗ nhẹ vào lưng để bé ợ hơi, sau đó từ từ đặt bé nằm xuống. Sau mỗi lần bú, nên đặt bé nằm nghiêng 1 bên, để nếu có ọc, sữa không vào mũi gây sặc.

Nếu sau khi đã thử các phương pháp trên mà hiện tượng ọc sữa vẫn còn, gia đình bạn nên mang cháu đến Khoa Nhi để được chẩn đoán nguyên nhân và điều trị sớm các bệnh lý khác có thể gây hiện tượng trên.

Thân ái!

BS. TRẦN THỊ HOA

Trưởng Khoa Nhi - BV Hoàn Mỹ Sài Gòn

Video liên quan

Chủ Đề