Cái đẹp thanh lọc tâm hồn con người

Nghị luận xã hội về vẻ đẹp tâm hồn 

Đề bài

Nói đến vẻ đẹp của tâm hồn con người.Có người cho rằng, ngày nay mà còn nói đến “vẻ đẹp tâm hồn” là rất lỗi thời vì “cái đẹp đánh bẹp cái nết”. Nhưng cũng có ý kiến khẳng định, vẻ đẹp tâm hồn là yếu tố làm nên giá trị cao quỹ của mỗi con người.

Anh [chị] hãy viết bài văn [khoảng 600 chữ] thể hiện quan điểm của mình.

Hướng dẫn làm bài:

Đề bài yêu cầu thí sinh bàn luận về vẻ đẹp tâm hồn con người thông qua việc giải thích, bình luận hai ý kiến trái chiều, cần trả lời được các câu hỏi cơ bản: Tâm hồn, vẻ đẹp tâm hồn là gì? Vẻ đẹp tâm hồn được thể hiện như thế nào? Vẻ đẹp hình thức hay vẻ đẹp tâm hồn làm nên giá trị bền vững ở con người? Vẻ đẹp tâm hồn phải chăng đã lạc hậu? Vẻ đẹp hình thức có đáng nâng niu, trân trọng? Vẻ đẹp hình thức tôn vinh cho vẻ đẹp tâm hồn hay ngược lại? Làm thế nào để có một tâm hồn đẹp?

Bài viết có thể triển khai các ý chính sau:

– Cũng như cuộc sống, vẻ đẹp cũng rất đa dạng, muôn màu, muôn vẻ. Có những vẻ đẹp chỉ để ngắm, nhưng cũng có những vẻ đẹp khiến người ta yêu mến, nâng niu, trân trọng và ngưỡng mộ, đó là vẻ đẹp toát ra từ tâm hồn con người. Con người ta chỉ hoàn thiện khi có sự hài hoà giữa vẻ đẹp hình thức với vẻ đẹp tâm hồn. Cha ông ta xưa đề cao vẻ đẹp của tính cách, tâm hồn: Cái nết đánh chết cái đẹp. Ngày nay, một số người có quan điểm khác, rằng thời nay mà còn nói đến “vẻ đẹp tâm hồn” là rất lỗi thời, bởi chỉ có cái đẹp hình thức mới là ưu thế để thành công: Cái đẹp đánh bẹp cái nết. Vậy ý kiến nào đủ sức thuyết phục?

– Tâm hồn con người là tổng hoà của nhiều yếu tố như cảm xúc, nhận thức, lí trí, khát vọng… Người có tâm hồn đẹp là người có tấm lòng nhân ái, bao dung, nhạy cảm trước mọi nỗi niềm của con người. Đó là những con người có ý chí, hoài bão trong sáng; có khả năng thấu hiểu, chia sẻ và nâng đỡ cảm xúc của người khác bằng sự chân thành, hiểu biết và hướng thiện, vẻ đẹp tấm hồn con người được thể hiện qua thái độ, cử chỉ, cách suy nghĩ, cách giao tiếp, cách sử dụng lời ăn tiếng nói, nghệ thuật lắng nghe và biểu lộ cảm xúc…

– Vẻ đẹp tâm hồn làm nên giá trị sâu xa, bền vững của con người. Khi ta biết đồng cảm, chia sẻ, quan tâm giúp đỡ người khác là khi ta đang gieo hạt giống của niềm tin yêu trong lòng họ, giúp họ có thêm động lực để vượt qua mọi thử thách trong cuộc sống. Khi ta biết lắng nghe, biết bày tỏ nhận thức, động cơ, khát vọng, hoài bão chân chính của mình cũng là lúc ta đang tìm kiếm sự thấu hiểu và khuyến khích người khác hợp tác, cùng phát triển. Sự giàu có về mặt tâm hồn giúp ta biết yêu thương con người, yêu cuộc sống và biết sống một cuộc đời rộng rãi, bao dung, có ích. Chính những thứ ta cho đi sẽ đem lại cho ta tình yêu, hạnh phúc vá sự tôn trọng. Đây là giá trị của ta, là vẻ đẹp không có hình hài, nhưng sâu xa và bền vững. Nói như A.Chekhov, “Sắc đẹp tâm hồn là sắc đẹp lâu dài và được quý trọng nhất”. Ý kiến cho rằng, vẻ đẹp tầm hồn là yếu tố làm nên nét đẹp chân chính ở mỗi con người, vì vậy là một quan điểm đúng.

– Vẻ đẹp hình thức cũng rất đáng nâng niu, trân trọng. Một người có tâm hồn đẹp, nếu có thêm hình thức đẹp sẽ là một con người toàn thiện, toàn mĩ. Nhưng vẻ đẹp hình thức chưa hẳn đã làm nên giá trị của một con người. Một người có sắc đẹp nhưng nội tâm sáo rỗng, vô cảm, chẳng khác gì bông hoa lạ thiếu mùi hương, sẽ nhạnh chóng trở nên nhạt nhẽo trước người đối diện. Ngược lại, một người có hình thức bề ngoài bình thường, thậm chí xấu xí nhưng tâm hồn trong sáng, biết quan tâm giúp đỡ người khác sẽ chiếm, được lòng yêu mến của những người xung quanh. Xinh đẹp nhưng tâm địa hẹp hòi, ích kỉ, mưu mô có thể dẫn con người đến những quyết định sai lầm và gây ra hậu quả nghiêm trọng. Như vậy, vẻ đẹp tâm hồn tôn vinh thêm cho vẻ đẹp hình thức, nhưng vẻ đẹp hình thức chưa hẳn đã tôn vinh thêm cho vẻ đẹp tâm hồn.

– Một số người hiện nay thường chỉ quan tâm đến vẻ đẹp hình thức. Người xưa từng nói, Cái nết đánh chết cái đẹp, Tốt gỗ hơn tốt nước son… Nhưng ngày nay, người ta ra sức chăm chút cho vẻ đẹp hào nhoáng bên ngoài, làm mọi cách để ngoại hình đẹp lên như ăn diện, phẫu thuật thẩm mĩ, sẵn sàng tiêu tốn của cải cho công cuộc làm đẹp chỉ để được người khác đánh giá cao và dễ dàng đạt được mục tiêu. Nói đến vẻ đẹp tâm hồn, đến công, dung, ngôn, hạnh họ thường bĩu môi, chế giễu là lạc hậu, lỗi thòi. Họ đâu biết rằng, một tâm hồn vô vị, mưu mô xảo trá ẩn sau vẻ đẹp bề ngoài là một mầm hoạ. Ý kiến cho rằng, cái đẹp đánh bẹp cái nết, vì vậy là một ý kiến thiếu thuyết phục.

– Vẻ đẹp ngoại hình hay nội tâm đều đáng yêu, đáng quý. Chỉ có điều, chúng phải bổ sung cho nhau để giúp con người hoàn thiện hơn. Con người không chỉ cần sự hấp dẫn bề ngoài mà tâm hồn cũng phải toả sáng. Điều đảm bảo cho một người xấu xí nhất cũng trở nên đáng yêu và hấp dẫn chính là một tâm hồn đẹp. Cái đẹp tiềm ẩn bên trong phẩm chất, tính cách mới tạo nên giá trị đích thực của mỗi con người. Hãy làm đẹp ngoại hình trong điều kiện có thể, nhưng cũng đừng quên làm giàu tâm hồn mình bằng sự tinh tế, hiểu biết, yêu thương và chia sẻ. Bởi vì, nghèo về tâm hồn là một cái nghèo đáng phê phán và một khi tâm hồn đã khô cằn, méo mó thì rất khó “chữa trị”.

– Làm thế nàò để có một tâm hồn đẹp? Đúng như Edward de Bono, để có một tâm hồn đẹp, bạn không cần phải làm điều gì quá đặc biệt, cũng không cần phải có nhiều tiền, có chỉ số thông minh cao, một trí tuệ cực kì uyên bác hay một cá tính mạnh mẽ. Bạn chỉ cần biết quan sát, lắng nghe, học hỏi, nhạy cảm, thấu hiểu, chia sẻ với người khác để cùng hướng tới những điều thiện là bạn đã có thể có được một tâm hồn đẹp. “Nếu không được trời phú cho những tố chất này, thì bạn vẫn có thể học chúng một cách nhanh chóng” [Edward de Bono]. Tạo hoá có thể ban cho con người một khuôn mặt dễ thương, một thân hình gợi cảm, nhưng sự duyên dáng, tế nhị, bao dung thì phải qua rèn luyện mới có được.

Related

15/11/2018 | 12:46

Từng sống hơn một năm ở thành phố bận rộn nhất trên thế giới, bởi vì tôi thường xuyên không được ngủ đủ giấc, cho nên cơ thể luôn cảm thấy rất mệt mỏi. Rồi vì một lý do ngoài ý muốn mà phải rời khỏi vị trí công tác.

Lúc mới đầu tôi có chút lưu luyến không muốn đi, tỉnh táo lại mới thấy biến cố này rốt cuộc lại là trong họa có phúc. Nó cho tôi một cơ hội được giải thoát tâm hồn. Bởi vì với nhịp điệu cuộc sống trước kia, mỗi tuần làm việc 7 ngày, mỗi ngày làm việc 16 tiếng, tôi hoàn hoàn bị mất phương hướng. Giờ có được cơ hội tĩnh tâm suy nghĩ, mới có thể một lần nữa tìm lại chính mình.

Ngày trước chỉ cần người ta gọi một cú điện thoại hay gửi một tin nhắn là có thể đảo lộn tất cả kế hoạch công việc cũng như cuộc sống mà tôi đã tính toàn từ rất lâu, thủ trưởng chỉ tay một cái cũng có thể khiến tôi làm việc liên tục ba ngày ba đêm.

Trong sự bận rộn quá mức đó, tôi đã quên mất mình là ai, vậy mà thậm chí còn cảm thấy bản thân rất giỏi giang. Sau này tĩnh tâm nghĩ lại, tôi mới cảm nhận sâu sắc rằng được sống và làm việc theo suy nghĩ và kế hoạch của mình thì tiêu dao tự tại biết nhường nào!

Sau khi nghỉ việc, tôi có thể tự do ngắm nhìn núi cao, thoải mái nằm nghe tiếng sóng biển xô bờ, nhìn sao ngắm trăng, quan trọng hơn là tôi có đủ thời gian để tĩnh tâm suy nghĩ. Rất lâu trước kia, tôi từng đọc được một triết lý sống “Tĩnh tâm thắng làm việc cật lực”, trong đó nói đến mục đích của làm việc là để hỗ trợ cho suy ngẫm, có suy ngẫm mới có sự tiến bộ, nếu làm việc cật lực mà không thêm được suy ngẫm gì thì khó có thể đạt được thành tựu.Trong cuốn sách đó có câu chuyện thế này: Một vị giáo sư vật lý nổi tiếng ngủ nửa đêm tỉnh giấc, đột nhiên phát hiện trong phòng thí nghiệm vẫn còn sáng đèn. Ban đầu ông nghi ngờ có ăn trộm lẻn vào, vội chạy đến phòng thí nghiệm xem, thì ra là một học sinh của mình đang thức trắng đêm không ngủ bận rộn làm thí nghiệm.

Vị giáo sư quan tâm hỏi học sinh mình: “Sao muộn thế này rồi mà con vẫn còn chưa nghỉ?”. Học sinh này vừa tiếp tục công việc vừa trả lời: “Con đang làm thí nghiệm”. “Con bây giờ đi làm thí nghiệm, vậy ban ngày thì làm gì?”. Học sinh lập tức trả lời: “Ban ngày con cũng làm thí nghiệm”.

Giáo sư tiến tục hỏi: “Ý con là, con tốn cả ngày không ngủ không nghỉ chỉ để làm thí nghiệm?”. Học sinh trong lòng vui mừng, cho là mình biểu hiện giỏi giang như vậy nhất định sẽ được thầy khen ngợi, vì vậy ra vẻ khiêm tốn nói: “Thưa thầy, đúng vậy, con hi vọng có thể làm hết sức mình để học được nhiều thứ hơn”.

Giáo sư hơi trầm tư một chút, sau đó hỏi lại cậu ta: “Chăm học dĩ nhiên là tốt, nhưng mà thầy rất tò mò, con tiêu tốn toàn bộ thời gian vào việc thí nghiệm, vậy con còn đâu thời gian để suy ngẫm nữa?”.

Mỗi người đều muốn bản thân tĩnh tại, tâm linh thuần khiết, nhưng rất ít người biết được mối quan hệ giữa “tịnh” và “tĩnh”. Vào thời điểm tâm linh của một người tĩnh lặng nhất, chính là lúc người đó đạt được trí tuệ sáng suốt nhấ

Một năm trước, tôi từng hay thức trắng đêm để làm việc, nhưng rất nhiều lần làm việc cật lực lại chẳng khác gì làm ẩu, kết quả và tác phẩm viết ra đều rất tệ. Tôi tin là bởi vì nó thiếu sự tĩnh lặng và thuần khiết trong tâm hồn, cho nên không thể viết ra được tác phẩm thực sự ưu tú.

Ngay lập tức tôi tỉnh ngộ ra rằng tĩnh tâm cũng là một vẻ đẹp, là một vẻ đẹp tĩnh tại vui sướng, cũng là một sự thăng hoa của tâm hồn. Những người chỉ biết vùi đầu vào làm việc miệt mài sẽ không bao giờ cảm nhận được sự đẹp đẽ của tĩnh tâm. Nó giống như một ca khúc du dương uyển chuyển, trong giai điệu hài hòa có thể vuốt ve suy nghĩ hỗn loạn trong tâm hồn con người.

Tĩnh tâm giống như vầng trăng sáng trong đêm tối, khi con người cô đơn tịch mịch, nó dùng ánh trăng sáng tỏ đem đến cho người sự dịu dàng và tin tưởng; khi con người mơ hồ lưỡng lự, nó có thể đem đến cho con người sức mạnh và sự sáng suốt; tĩnh tâm cũng giống như một chiếc lược, có thể chải gọn những suy nghĩ lung tung rối ren trong đầu; tĩnh tâm giống như một bến tàu, nó xua tan những mệt mỏi của chuyện cũ, đánh thức ước mơ về tương lai của con người.

Tĩnh tâm còn là một trong những nguồn vui của con người, người giỏi tĩnh tâm suy nghĩ, mỗi thời khắc nhất định là đều vui vẻ. Cuộc đời con người nhất định phải đi qua những con đường quanh co uốn lượn, không thiếu những trắc trở đan xen, nếu gặp phải những trở ngại lớn, có thể tĩnh tâm lại, nâng lên tách trà, đối diện bình minh hay hoàng hôn, để dòng suối tĩnh tâm nhẹ nhàng chảy qua nội tâm, một tâm hồn tĩnh tại cũng giống như mặt trời mọc và lặn, nhẹ nhõm mà tự nhiên.

Vẻ đẹp của tĩnh tâm, còn nằm ở đó không phải là cô đơn, không phải là vô cảm, mà là trong yên lặng tích lũy càng nhiều sức mạnh. Trong tĩnh lặng mà tu tâm dưỡng tính, trở về với bản chất. Lúc thành công, không khoe khoang, phô trương; lúc thất ý, không sa ngã, nản chí. Trong yên lặng, thanh lọc tâm hồn, trong sơn cùng thủy tận tìm kiếm hy vọng.

Tĩnh tâm làm cho con người sự sáng suốt, càng làm cho cuộc đời thêm nhiều niềm vui và sức sống, vì vậy nó rất đáng để thấu hiểu và áp dụng trong thực tiễn cuộc sống.

Tuệ Tâm, theo Secret China

Video liên quan

Chủ Đề