Cao đẳng nghề số 8 tuyển sinh 2023

Ngay sau kỳ thi tuyển sinh lớp 10, tại các trường nghề bắt đầu tấp nập phụ huynh, học sinh đến làm thủ tục đăng ký xét tuyển. Dự kiến, tổng chỉ tiêu tuyển sinh trung cấp nghề toàn tỉnh trong năm học 2022-2023 là hơn 10 ngàn, trong đó có hơn 8 ngàn chỉ tiêu cho các trường nghề công lập.

Phụ huynh học sinh đến nghe tư vấn và nộp hồ sơ xét tuyển thay cho con tại Trường cao đẳng Kỹ thuật Đồng Nai. Ảnh: H.YẾN

Do nhu cầu học nghề sau phân luồng THCS cao nên việc tuyển sinh trung cấp nghề khá thuận lợi.

* Đa dạng ngành nghề cho học sinh lựa chọn

Sau khi tốt nghiệp THCS, học sinh có thể lựa chọn học tiếp chương trình THPT, chương trình THPT hệ giáo dục thường xuyên [GDTX] hoặc tham gia vừa học nghề, vừa học THPT hệ GDTX. Trung bình hằng năm, Đồng Nai có khoảng 12 ngàn học sinh học trung cấp nghề sau THCS. Năm nay, chỉ tính riêng chỉ tiêu trung cấp nghề của các trường cao đẳng, trung cấp nghề công lập, chỉ tiêu này đã hơn 8 ngàn.

Trường cao đẳng Công nghệ cao Đồng Nai tuyển dụng nhiều giảng viên

Để đáp ứng nhu cầu giảng dạy, năm học 2022-2023, Trường cao đẳng Công nghệ cao Đồng Nai phải tuyển dụng thêm 58 giáo viên, giảng viên [hợp đồng thỉnh giảng và hợp đồng dưới 12 tháng].

Theo đó, trường tuyển 38 giảng viên và 20 giáo viên. Các nghề cần tuyển dụng giảng viên là: công nghệ ô tô, điện công nghiệp, kỹ thuật máy lạnh và điều hòa không khí, công nghệ thông tin, cắt gọt kim loại, kế toán, quản trị kinh doanh…

Hệ thống trường nghề phân bố tương đối đều ở các khu vực trong tỉnh, đa dạng ngành nghề và hình thức đào tạo… là thuận lợi lớn cho những học sinh quyết định chọn học nghề sau THCS.

Theo đó, ngoài học trung cấp nghề, học sinh còn có thể chọn phương án học theo hệ 9+4 để lấy bằng cao đẳng. Đây là hình thức đã được Trường cao đẳng Công nghệ và quản trị Sonadezi triển khai được 3 năm nay, số lượng tuyển sinh năm sau tăng so với năm trước. Năm nay, trường thông báo tuyển sinh hệ 9+ với 10 ngành thuộc các khối: ngoại ngữ, kinh tế, công nghệ thông tin, công nghệ may, công nghệ da giày.

Để thu hút học sinh giỏi tham gia học nghề, Trường cao đẳng Công nghệ và quản trị Sonadezi đề ra chính sách học bổng khá hấp dẫn. Theo đó, học sinh giỏi 3 năm liền cấp THCS và học sinh đoạt giải nhất, nhì, ba học sinh giỏi cấp tỉnh sẽ được cấp học bổng tương đương 20% học phí toàn khóa học. Học sinh có tổng điểm tổ hợp môn xét tuyển đạt 20 điểm trong kỳ thi tuyển sinh lớp 10 hoặc tổ hợp môn xét tuyển đạt 25 điểm trở lên đối với hình thức xét học bạ lớp 9 sẽ được cấp học bổng tương đương 5% học phí toàn khóa học.

Để đáp ứng nhu cầu lao động và tạo thuận lợi cho học sinh liên thông lên cao đẳng, các trường nghề đều đa dạng ngành nghề đào tạo ở hệ trung cấp. Theo đó, học sinh có thể lựa chọn các nghề nữ công gia chánh như: công nghệ thực phẩm, may, nhà hàng khách sạn; các nghề khối kinh tế như: kế toán, quản trị kinh doanh; các ngoại ngữ như: tiếng Hoa, tiếng Nhật, tiếng Hàn…

Tuy nhiên, khối nghề kỹ thuật hiện vẫn chiếm ưu thế và được đông đảo thí sinh lựa chọn. Đây cũng là những ngành nghề có sự cạnh tranh cao. Theo đó, thí sinh phải đạt mức điểm trung bình khá trở lên thì mới đủ điều kiện xét tuyển [từ 5,5 điểm/môn ở tổ hợp xét tuyển, thường là 3 môn: Toán, Vật lý, Hóa học]. Những ngành như: công nghệ ô tô, điện công nghiệp, công nghệ thông tin… thường sớm đạt chỉ tiêu tuyển sinh. Vì vậy, những thí sinh “chậm chân” sẽ được tư vấn để chọn những ngành nghề khác.

* Nhiều phụ huynh quyết định nghề thay con

Đối tượng học sinh chọn học trung cấp nghề khá đa dạng. Phần lớn là do không đủ điểm vào các trường THPT công lập và không có đủ điều kiện để theo học tại các trường THPT tư thục. Một số học sinh đã có định hướng học nghề từ khi còn đang học THCS.

Ngay khi nộp hồ sơ xét tuyển, nếu đạt điều kiện, thí sinh sẽ được nhận ngay giấy báo trúng tuyển. Thí sinh chỉ cần đợi đến khi làm thủ tục nhập học và đợi lịch học. Dự kiến các trường sẽ sớm hoàn thành công tác tuyển sinh hệ trung cấp và cho học sinh làm thủ tục nhập học trong nửa cuối tháng 7.

Điểm chung của các em là khi đứng trước ngưỡng cửa trường nghề, việc lựa chọn ngành nghề đều chủ yếu nghe theo sự tư vấn, định hướng của cha mẹ. Thậm chí, nhiều phụ huynh thay mặt con đi nộp hồ sơ xét tuyển và đăng ký ngành học. Không ít phụ huynh khi cầm hồ sơ đến trường nộp nhưng vẫn chưa có định hướng hoặc hiểu biết rõ ràng về ngành nghề, cơ hội, vị trí việc làm của các ngành nghề mà các trường nghề đang đào tạo. Vì vậy, tại bộ phận tuyển sinh, họ sẽ đặt bút đăng ký chọn ngành sau khi được nghe cán bộ tuyển sinh tư vấn.

Quyết định cho con học trung cấp nghề, chị Đỗ Thị Cúc [ngụ P.Tân Tiến, TP.Biên Hòa] thay con đi nộp hồ sơ xét tuyển. Bản thân chị không biết rằng học nghề sau phân luồng THCS thì học sinh được miễn học phí học nghề. Chị Cúc cho rằng, do con còn nhỏ nên chưa thể tự lựa chọn ngành nghề được, vì thế chị quyết định thay con.

Chị Từ Ngọc Thúy [ngụ P.Hóa An, TP.Biên Hòa] có con gái là học sinh học hòa nhập. Chị biết rằng khả năng của con khó có thể theo kịp các bạn học chương trình THPT nên đã tìm đến Trường cao đẳng Kỹ thuật Đồng Nai để hỏi cho con học nghề. Chị quyết định chọn nghề may hoặc chế biến thực phẩm để phù hợp với năng lực và sở thích của con. Mặc dù biết năng lực học tập của con có phần chậm hơn các bạn nhưng chị Thúy vẫn muốn đăng ký cho con vừa học trung cấp nghề, vừa học các môn văn hóa chương trình giáo dục thường xuyên.

Thực tế, vừa học nghề, vừa học chương trình GDTX là thử thách không nhỏ đối với nhiều học sinh. Dù chương trình GDTX ít môn học hơn chương trình THPT nhưng nếu muốn có bằng tốt nghiệp THPT, các em vẫn phải tham gia kỳ thi tốt nghiệp THPT [được miễn thi môn Tiếng Anh và môn Giáo dục công dân]. Do vậy, có không ít học sinh không theo nổi 2 chương trình và buộc phải bỏ học chương trình GDTX.

Hải Yến

.

Chủ Đề