Chính sách đồng hóa của phong kiến phương Bắc với nước ta đã thất bại điều đó được thể hiện ở

Đề bài

Theo em, vì sao trong hơn 1000 năm Bắc thuộc, nhân dân ta vẫn không bị đồng hoá?

Lời giải chi tiết

Trong hơn 1000 năm Bắc thuộc, nhân dân ta không bị đồng hoá. Vì:

- Người Việt đã có ý thức về một nền văn hóa của riêng mình và có “ý thức dân tộc” trước khi bị đô hộ. Đó là ý thức hệ, tiếng nói (Việt - Mường), chữ viết và văn hoá riêng. Khi người Hán sang đô hộ còn bị đồng hoá ngược lại.

- Tinh thần dân tộc, kiên quyết đấu tranh của nhân dân ta, dưới sự lãnh đạo của những thủ lĩnh xuất sắc như: Hai Bà Trưng, Bà Triệu, Lý Bí, Mai Thúc Loan,... Nhân dân ta liên tục đứng lên đấu tranh lật đổ chính quyền đô hộ, quyết giành độc lập dân tộc.

- Sự bất ổn trong chính sách cai trị và đồng hóa từ phương Bắc. Suốt 1000 năm Bắc thuộc, ở Trung Hoa cũng có nhiều biến động về kinh tế, chính trị, xã hội nên không thể tập trung cho việc đồng hóa người Việt.

- Sự khác biệt về môi trường sinh sống, khí hậu và thời tiết dẫn tới sự đặc thù của sản xuất. Người Hán sang nước ta cũng phải làm việc và sinh sống theo nhân dân ta để thích nghi với thời tiết, khí hậu,...

- Bộ máy cai trị của chính quyền phương Bắc chưa vươn tới làng - xã (ở cấp làng - xã vẫn do người Việt đứng đầu). Làng - xã là nơi khởi nguồn, lưu giữ và phát huy nền văn hóa đặc sắc của dân tộc.

Loigiaihay.com

(Last Updated On: 27/08/2021 By Lytuong.net)

Lịch sử Việt Nam thời Bắc thuộc (179 TCN – 907)

Chính sách đô hộ và đồng hóa của các triều đại phong kiến phương Bắc

Cuộc xâm lược vũ trang của Triệu Đà

* Triệu Đà cát cứ lập ra nước Nam Việt

Triệu Đà vốn là một viên quan của nhà Tần, theo quân đội nhà Tần xuống phương Nam để xâm lược Bách Việt.

Năm 214 TCN, Triệu Đà được cử làm huyện lệnh huyện Long Xuyên, cai quản người Việt ở đây. Nhân sự sụp đổ của nhà Tần (206 TCN), Triệu Đà chiếm cứ đất Lĩnh Nam để lập nước Nam Việt, tự xưng là Nam Việt Vũ Vương, đóng đô ở Phiên Ngung. Từ đó, nước Nam Việt của nhà Triệu chính thức ra đời*. ( * Trương Hữu Quýnh (CB), Đại cương lịch sử Việt Nam, tập 1, NXB Giáo dục 1998, tr 58.)

Nước Nam Việt của nhà Triệu gồm có 3 quận: Nam Hải, Quế Lâm, Tượng Quận, nằm ở phía Bắc tiếp giáp với nước Âu Lạc.

Nam Việt là một nước mạnh, có đất đai rộng lớn (bao gồm Quảng Đông, Quảng Tây và một phần Quý Châu ở phía Nam Trung Quốc), kinh tế trù phú, giao thông thuận lợi, lại nằm sát với nước Âu Lạc về phía Bắc nên có điều kiện xâm lược Âu Lạc.

Năm 187 TCN, Lữ Hậu nhà Hán lên nắm chính quyền, đã thực hiện nhiều biện pháp uy hiếp và làm suy yếu nền kinh tế Nam Việt. Triệu Đà cắt đứt quan hệ với nhà Hán, tự xưng là Hoàng đế, tìm cách bành trướng thế lực và mở rộng lãnh thổ. Triệu Đà đẩy mạnh các hoạt động vũ trang xâm lược về phía Nam, hướng chủ yếu là Âu Lạc.

* Kháng chiến chống Triệu

Theo sử sách và truyền thuyết dân gian của nước ta, Triệu Đà đã nhiều lần đem quân sang xâm lược Âu Lạc.

Nhưng bấy giờ, Lực lượng quốc phòng của Âu Lạc khá mạnh, có cung tên lợi hại, có thành Cổ Loa kiên cố. Dưới sự lãnh đạo của An Dương Vương và những tướng lĩnh tài ba như Cao Lỗ, Nồi Hầu, nhân dân Âu Lạc đã nhiều lần đánh bại quân Triệu, bảo vệ đất nước.

Sau nhiều lần thất bại, Triệu Đà thay đổi thủ đoạn xâm lược, thực hiện mưu kế xảo quyệt, xin giảng hòa với Âu Lạc và cầu hôn công chúa Mỵ Châu – con gái của An Dương Vương cho con trai mình là Trọng Thủy. Lợi dụng tục lệ của người Việt, Triệu Đà cho Trọng Thủy sang ở rể để có cơ hội điều tra tình hình bố phòng và các bí mật quân sự của kinh thành Cổ Loa, của nước Âu Lạc. Trọng Thủy còn dùng của cải để mua chuộc các lạc hầu, lạc tướng nhằm làm suy yếu khối đoàn kết, chia rẽ nội bộ chính quyền Âu Lạc. Nhiều tướng giỏi như Cao Lỗ, Nồi Hầu, Đinh Toán… bị bạc đãi, bị giết hại hay phải bỏ đi.

An Dương Vương mắc mưu Triệu Đà, bị kẻ thù dồn vào tình thế cô lập, xa rời nhân dân, xa rời những người cương trực, tài giỏi. Vận mệnh nước Âu Lạc đứng bên bờ vực thẳm.

Khi Trọng Thủy về nước báo tin, Triệu Đà liền đem quân sang xâm lược Âu Lạc, đánh vào kinh đô Cổ Loa. An Dương Vương mất cảnh giác, bị động đối phó và bị thất bại nhanh chóng. Năm 179 TCN, Âu Lạc rơi vào ách đô hộ của nhà Triệu, mở đầu thời kỳ đen tối, lâu dài trong lịch sử dân tộc – thời Bắc thuộc và chống Bắc thuộc (179 TCN – 905).

Chính sách đô hộ và đồng hóa của các triều đại phong kiến phương Bắc

Thời Bắc thuộc kéo dài hơn 1.000 năm, trải qua các triều đại Triệu, Hán, Ngô, Ngụy, Tấn, Tống, Tề, Lương, Tùy, Đường kế tiếp nhau xâm chiếm và đô hộ nước ta. Chính sách đô hộ của chính quyền ngoại bang biểu hiện trong từng triều đại có lúc khác nhau, lúc rắn, lúc mềm nhưng mục đích biến Âu Lạc thành quận huyện, đồng hóa dân tộc, bóc lột tàn tệ và triệt để nhân dân ta thì không thay đổi.

– Tổ chức cai trị: chia Âu Lạc thành các quận huyện và nằm trong bộ Giao Chỉ (có lúc gọi là châu Giao Chỉ).

Thời Triệu, Âu Lạc được chia thành 2 quận: Giao Chỉ (vùng Bắc bộ ngày nay) và Cửu Chân (Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh), sáp nhập vào đất Nam Việt. Ở mỗi quận, Triệu Đà đặt một chức điển sứ để cai quản, thu cống phú và một chức tả tướng phụ trách về quân sự. Cách thức cai trị của nhà Triệu còn lỏng lẻo, vẫn cho các Lạc tướng người Việt được cha truyền con nối. Những tục lệ, tập quán cũ của Âu Lạc vẫn tạm thời được duy trì. Cơ cấu xã hội Âu Lạc cũ hầu như chưa bị đụng chạm đến.

Năm 111 TCN, Âu Lạc bị nhà Hán đô hộ. Nhà Hán chia Âu Lạc thành 3 quận: Giao Chỉ (vùng Bắc bộ ngày nay), Cửu Chân (Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh) và Nhật Nam (từ đèo Ngang trở vào đến Quảng Nam – Đà Nẵng), trụ sở đặt ở quận Giao Chỉ. Đứng đầu bộ Giao Chỉ là một viên Thứ sử. Đứng đầu quận có một viên Thái thú phụ trách việc hành chính, thu cống phú và một viên Đô úy trông coi quân sự. Ở các huyện, nhà Hán vẫn duy trì phương thức cai trị cũ của nhà Triệu, dùng người Việt trị người Việt. Các Lạc tướng vẫn được cai quản địa phương của mình với danh hiệu mới là Huyện lệnh (ở huyện lớn) và Huyện trưởng (ở huyện nhỏ), được phát ấn đồng có dây tua xanh. Cách cai trị đó vừa đảm bảo được nguồn bóc lột, vừa ít động chạm đến quyền lợi của tầng lớp quý tộc bản địa. Càng về sau, nhà Hán càng xiết chặt ách đô hộ. Đặc biệt, kể từ năm 43, sau khi lật đổ chính quyền tự chủ của Hai Bà Trưng, nhà Hán tiến hành thiết lập lại chính quyền, loại bỏ dần những tổ chức cũ của chính quyền bản xứ, tiến thêm một bước trong việc tổ chức cai trị trực tiếp bằng quan lại người Trung Quốc trên đất Âu Lạc đến tận cấp huyện. Các Thứ sử, Thái thú vẫn được duy trì. Ở mỗi huyện có Huyện lệnh đứng đầu là người Hán. Các chức Lạc tướng thế tập của quý tộc bản địa bị bãi bỏ. Chỉ có một số ít người Việt trung thành với chính quyền đô hộ mới được giữ chức Huyện lệnh nhưng không được quyền thế tập. Các quan lại trong bộ máy chính quyền đô hộ hầu hết đều là người Trung Quốc.

Đến thế kỷ VI, nhà Tùy thiết lập, cai trị Âu Lạc đã tiến hành bãi bỏ đơn vị hành chính cấp châu, lập lại cấp quận. Trị sở quận Giao Chỉ được dời từ Long Biên về Tống Bình. Miền đất nước ta được chia thành 7 quận: Giao Chỉ, Cửu Chân, Nhật Nam, Tỷ Cảnh, Hải Âm, Chăm Pa (3 quận Tỷ Cảnh, Hải Âm, Chăm Pa tương đương với vùng Bình – Trị – Thiên ngày nay), Ninh Việt. Về danh nghĩa, các quận trực tiếp phụ thuộc vào chính quyền trung ương nhưng trên thực tế, các quận ở nước ta lúc bấy giờ chỉ là đất ràng buộc lỏng lẻo, bọn Thái thú mặc sức cát cứ, tùy tiện áp bức nhân dân ta.

Sang thời Đường, chính quyền đô hộ đã đổi các quận thành châu như cũ. Năm 622, nhà Đường lập Giao Châu đô hộ phủ. Năm 679 đổi thành An Nam đô hộ phủ với các hình thức và thủ đoạn cai trị hà khắc hơn. An Nam đô hộ phủ quản 12 châu: Giao Châu, Long Châu (Bắc bộ ngày nay); Thang Châu, Chi Châu, Vũ Nga Châu, Vũ An Châu (Quảng Đông, Quảng Tây); Ái Châu, Phúc Lộc Châu, Diễn Châu, Hoan Châu (đất Trung Quốc và Quảng Ninh) và 41 châu Ky mi (vùng dân tộc ít người, miền núi hẻo lánh). Dưới châu có huyện, hương, xã. Xã nhỏ có từ 10 – 30 hộ, xã lớn có từ 40 – 60 hộ. Hương nhỏ có từ 70 – 150 hộ, hương lớn có từ 160 – 540 hộ. Đứng đầu phủ có Đại Tổng quản, sau đổi là Đô đốc. Lúc có chiến tranh lại gọi là Kinh lược sứ, về sau lại gọi là Tiết độ sứ nhằm tăng thêm quyền lực cho chức vụ đó. Ngoài ra còn có một bộ máy quan lại giúp việc, cai quản hành chính, chính trị, quân sự và thu thuế.

Mặc dù tiến hành thiết lập chính quyền đô hộ tới tận hương, xã nhằm trực tiếp khống chế các xóm làng người Việt nhưng trong thực tế, chúng chỉ kiểm soát được cấp châu, huyện mà chưa bao giờ can thiệp được vào cơ cấu xóm làng của người Việt.

– Vơ vét, bóc lột tàn bạo nhân dân bản xứ

Dựa vào tổ chức cai trị và quân đội mạnh, chính quyền đô hộ ra sức bóc lột nhân dân bản xứ.

Chính quyền đô hộ đẩy mạnh việc chiếm đoạt ruộng đất, xây dựng cơ sở kinh tế riêng nhằm duy trì lâu dài nền thống trị của chúng trên đất nước ta. Mặt khác, chúng còn thực hiện chính sách đồn điền, đưa tội nhân và người Hán đến ở lẫn với người Việt để xâm lấn đất đai.

Phương thức bóc lột cơ bản vẫn là cống nạp. Đây là một hình thức bóc lột nặng nề của chính quyền đô hộ. Nhân dân ta phải cống nạp nhiều của ngon, vật lạ, quý hiếm của phương Nam mà chính quyền đô hộ và chính quốc yêu cầu. Chính quyền đô hộ còn nắm độc quyền sản xuất, chi phối muối và sắt. Đời sống của nhân dân ta vô cùng khổ cực.

Bên cạnh đó, nhân dân ta còn phải nộp tô thuế và đi lao dịch cho chính quyền đô hộ. Tô thuế nặng nề làm cho “trăm họ xơ xác”, nhiều nơi nông dân bị phá sản, phải bán mình, bán vợ con cho nhà giàu để làm nô tỳ. Hiện tượng dân lưu vong ngày càng đông đảo.

– Đồng hóa dân tộc, khủng bố và đàn áp các cuộc đấu tranh của nhân dân ta

Trong hơn 1.000 năm đô hộ nước ta, các triều đại phong kiến phương Bắc đã tích cực thực hiện mọi biện pháp nhằm đàn áp nhân dân ta về quân sự, đồng hóa về xã hội, biến đất nước ta thành quận huyện của Trung Quốc.

Để nô dịch nhân dân ta về tư tưởng và tinh thần, ngay từ thời Tây Hán, Nho giáo đã được chính quyền đô hộ truyền bá vào nước ta. Đến đầu công nguyên, Thái thú Tích Quang, Nhâm Diên tích cực “dựng học hiệu để dạy lễ nghĩa” cho dân Giao Chỉ, Cửu Chân. Về sau, nhiều nho sĩ người Hán được cử sang Giao Chỉ để truyền bá Nho giáo, mở trường dạy học ở Luy Lâu, Long Biên. Tuy nhiên, dưới thời Bắc thuộc, Nho giáo chỉ ảnh hưởng tới một số vùng trung tâm châu trị, quận trị. Do vậy, ảnh hưởng của nó trong việc Hán hóa dân tộc Việt rất hạn chế.

Tiếng Hán và chữ Hán cũng được chính quyền đô hộ phổ biến ở Giao Châu nhằm làm công cụ thực hiện chính sách đồng hóa người Việt thành người Hán. Song trong suốt hơn 1.000 năm đô hộ ấy, chính quyền đô hộ vẫn không thể tiêu diệt được tiếng nói của dân tộc Việt. Bởi chỉ có một bộ phận thuộc tầng lớp trên học chữ Hán, còn đa số nhân dân lao động trong các làng xã Việt cổ vẫn duy trì tiếng nói của tổ tiên mình.

Chính quyền đô hộ còn ráo riết đẩy mạnh việc di dân Hán đến ở lẫn với người Việt, bắt nhân dân ta phải thay đổi phong tục, tập quán theo người Hán. Mặt khác, chúng còn áp dụng luật pháp hà khắc, tàn bạo* đối với người Việt và thẳng tay đàn áp các cuộc khởi nghĩa của nhân dân ta. ((*) Tính chất hà khắc của pháp luật được thể hiện qua những hình phạt: xẻo mũi, thích chữ vào mặt những người chống đối, Lịch sử Việt Nam (từ nguồn gốc đến ngày nay), NXB Đại học Quốc gia, Hà Nội, 1998, tr 56.)

Như vậy, chính sách đô hộ và đồng hóa của các triều đại phong kiến phương Bắc kéo dài hơn 1.000 năm đã kìm hãm nghiêm trọng sự phát triển về mọi mặt của dân tộc ta. Song xã hội Việt Nam vẫn có những biến chuyển rõ rệt.

Tình hình kinh tế – xã hội – văn hóa

Tình hình kinh tế

– Nông nghiệp:

Mặc dù bị chính quyền đô hộ kìm hãm, nền kinh tế nước ta vẫn tiếp tục phát triển. Trên cơ sở công cụ bằng sắt ngày càng phổ biến, kỹ thuật sản xuất được nâng cao, nông nghiệp có những bước tiến đáng kể.

Ngay từ đầu công nguyên, việc sử dụng cày, bừa có trâu bò kéo đã phổ biến ở Giao Chỉ, Cửu Chân. Một số con sông lớn đã có đê phòng lụt, có nhiều kênh đào để tưới tiêu nước. Dân ta đã biết bón phân để tăng độ phì nhiêu cho đất, biết thâm canh tăng vụ và trồng lúa hai mùa (còn được gọi là lúa Giao Chỉ).

Ngoài lúa, dân ta còn biết trồng các loại cây có củ (khoai, đậu, sắn, ngô…) và cây công nghiệp (bông, mía, dâu…). Nghề làm vườn cũng khá phổ biến. Nhà nào cũng có vườn trồng các loại rau và cây ăn quả.

– Thủ công nghiệp và thương nghiệp:

Các nghề cổ truyền như đúc đồng, rèn sắt, làm gốm, làm gạch ngói, dệt, đan lát, nấu đường, kéo mật vẫn được duy trì và mở rộng. Người Việt còn học được các nghề làm giấy, khảm xà cừ và làm đồ trang sức bằng vàng, bạc. Một số sản phẩm thủ công có chất lượng được đưa sang Trung Quốc làm cống phẩm hoặc buôn bán với nước ngoài.

Sự chuyển biến về kinh tế đã thúc đẩy thương nghiệp phát triển. Mạng lưới giao thông thủy bộ được mở mang. Việc buôn bán trong nước và với nước ngoài được đẩy mạnh. Lúc bấy giờ đã xuất hiện một số đô thị như Luy Lâu, Mê Linh hoạt động nhộn nhịp. Luy Lâu (Thuận Thành – Bắc Ninh) trong nhiều thế kỷ là trung tâm chính trị, kinh tế của Giao Châu.

Những chuyển biến về văn hóa – xã hội

– Về mặt xã hội:

Quan hệ lệ thuộc là quan hệ bao trùm giữa nhân dân ta với chính quyền đô hộ ngoại bang. Người Việt đều được xem là “thần dân” của Hoàng đế phương Bắc. Chính quyền đô hộ đặt quan cai trị tới cấp huyện nhưng không khống chế được các làng xã của người Việt. Tầng lớp hào trưởng địa phương người Việt vẫn dựa trên cơ sở ruộng đất công hữu của các vùng, các công xã mà bóc lột nông dân. Người Việt không ngừng củng cố quan hệ cộng đồng, làng xóm.

Tuy nhiên, do sức sản xuất phát triển, những mối quan hệ xã hội mới ra đời và phát triển, trong khi đó một số truyền thống cũ bị phá vỡ hay không còn tác dụng trong hoàn cảnh mới. Việc xóa bỏ cơ cấu bộ lạc, giữ lại và củng cố cơ cấu xóm làng đã tạo điều kiện cho khối đoàn kết dân tộc được tăng cường.

Do hậu quả của chính sách chiếm đất lập đồn điền và tô thuế nặng nề, chiến tranh tàn phá, nhiều thành viên công xã người Việt đã bị phá sản, trở thành nô tỳ hay nông dân lệ thuộc.

Nhìn chung, thời kỳ này đã xuất hiện một số đồn điền của chính quyền đô hộ, một số trại ấp của địa chủ gốc Hán và một số thị trấn, xóm làng của người Hoa. Sự có mặt của các tầng lớp kể trên vừa làm gia tăng dân số, vừa tăng thêm các yếu tố Hán hóa. Song người Việt không vì vậy mà bị Hán hóa, mà ngược lại, một số người Hoa di cư sang Giao Châu dần bị Việt hóa, hòa nhập vào cộng đồng người Việt. Đặc biệt, sự xuất hiện của tầng lớp hào trưởng địa phương người Việt có ảnh hưởng lớn về kinh tế, chính trị, văn hóa trong nhân dân. Phần lớn tầng lớp này đã trở thành thủ lĩnh của các phong trào đấu tranh, ý thức dân tộc ngày càng cao.

– Về mặt văn hóa

Người Việt đã tiếp thu một số yếu tố văn hóa vật chất trong sản xuất nông nghiệp và hoạt động công thương nghiệp như: kỹ thuật bón phân làm vườn, làm giấy, thuộc da, chế biến thủy tinh, hương liệu… của người Hoa và người Ấn Độ, Trung Á.

Bên cạnh đó, người Việt cũng tiếp thu một số yếu tố văn hóa tinh thần như tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên, tôn thờ những người có công với nước. Các phong tục tập quán truyền thống của dân tộc như ăn trầu, nhuộm răng đen, tôn trọng phụ nữ vẫn được giữ gìn.

Tiếng Việt phát triển, hấp thụ nhiều yếu tố ngôn ngữ Hán, Việt hóa những yếu tố Hán thông qua cách dùng, cách đọc và tạo thành từ ngữ Hán – Việt.

Phần cốt lõi của văn hóa tinh thần là tư tưởng được biểu hiện dưới các hình thức tôn giáo, tín ngưỡng cũng tác động mạnh đến nước ta. Sự du nhập và hòa quyện của Nho giáo, Phật giáo, Đạo giáo13 đã tạo nên sắc thái đa nguyên và hỗn hợp trong đời sống tôn giáo, tín ngưỡng Việt Nam.

Các cuộc đấu tranh giành độc lập

Kể từ cuộc kháng chiến chống Triệu Đà xâm lược bị thất bại đến khởi nghĩa Khúc Thừa Dụ (179 TCN – 905), đất nước ta liên tiếp bị các triều đại phong kiến phương Bắc xâm lược và đô hộ. Trong hơn 1.000 năm ấy, chúng ra sức vơ vét bóc lột của cải, ráo riết thực hiện chính sách Hán hóa nhằm đồng hóa dân tộc Việt và xóa bỏ độc lập, chủ quyền của đất nước ta. Song chúng đã thất bại, nhân dân ta đã đứng lên đấu tranh vũ trang liên tục để giành lại độc lập dân tộc.

Bảng 1: Một số phong trào đấu tranh vũ trang tiêu biểu của nhân dân ba quận

Chính sách đồng hóa của phong kiến phương Bắc với nước ta đã thất bại điều đó được thể hiện ở
Chính sách đồng hóa của phong kiến phương Bắc với nước ta đã thất bại điều đó được thể hiện ở
Chính sách đồng hóa của phong kiến phương Bắc với nước ta đã thất bại điều đó được thể hiện ở

(Nguồn: Thống kê theo Lịch sử Việt Nam, tập 1, của Phan Huy Lê, Hà Văn Tấn, Trần Quốc Vượng, Lương Ninh, NXB Đại học – Giáo dục chuyên nghiệp, Hà Nội, 1991, tr 218; Lịch sử Việt Nam, quyển 1, của Trương Hữu Quýnh, Nguyễn Đức Nghinh, NXB Giáo dục, Hà Nội, 1980.)

Nhìn chung, trong suốt mười thế kỷ, không một lúc nào bọn đô hộ phương Bắc được ăn ngon, ngủ yên. Phong trào đấu tranh của nhân dân ta nổ ra mạnh mẽ, liên tục, trên một không gian rộng lớn, có lúc bao gồm cả Giao Châu. Phong trào xuất phát từ mâu thuẫn dân tộc ngày càng sâu sắc, với mục đích lật đổ chính quyền đô hộ. Phong trào đã lôi cuốn được hàng vạn nhân dân, tầng lớp quan lại, binh lính người Việt tham gia, thậm chí có lúc còn kết hợp với phong trào đấu tranh của nhân dân Trung Quốc. Vai trò lãnh đạo phong trào chuyển dần từ các Quý tộc bộ lạc cũ sang các Hào trưởng. Các phong trào đấu tranh của nhân dân ta đã làm cho kẻ thù suy yếu, đồng thời cổ vũ tinh thần đấu tranh của nhân dân ta, tạo điều kiện cho sự ra đời của chính quyền tự chủ ở thế kỷ X.

Chính sách đồng hóa của phong kiến phương Bắc với nước ta đã thất bại điều đó được thể hiện ở
Ảnh: internet

Vài nét về sự hình thành và phát triển của các quốc gia cổ Chăm Pa, Phù Nam

Quốc gia cổ Chăm Pa

Chăm Pa là quốc gia cổ của người Chăm, có tên Hán Việt là Chiêm Thành.

Vào khoảng thế kỷ VI TCN, trên vùng đất từ Quảng Ngãi đến Bình Thuận tồn tại một nền văn hóa nguyên thủy: văn hóa Sa Huỳnh. Cư dân Sa Huỳnh thuộc chủng tộc Mã Lai – Đa Đảo. Họ đã biết đúc đồng, làm đồ trang sức và sản xuất nông nghiệp. Dần dần hình thành liên minh hai bộ lạc lớn là Cau và Dừa.

Thời Hán, vùng đất của người Sa Huỳnh được gọi là Tượng Lâm. Vào khoảng thế kỷ II, nhân lúc nhà Hán suy yếu, nhân dân Tượng Lâm đã nổi dậy đánh đuổi quân đô hộ, lập ra nước Lâm Ấp.

Đến thế kỷ VI, hai tiểu quốc Lâm Ấp và Panđuranga đã hợp nhất, lấy tên là nước Chăm Pa, kinh đô đóng ở Trà Kiệu (Xinhapura – Quảng Nam).

Vua là người đứng đầu nhà nước, nắm toàn bộ quyền hành và sở hữu toàn bộ ruộng đất trong nước. Dưới vua có một viên tể tướng và hai đại thần giúp việc. Đồng thời còn có một hệ thống thuộc quan.

Đất nước gồm 4 bang, dưới bang là các tỉnh, dưới tỉnh là các làng. Các bang đều có đại thần đứng đầu, viên chức giúp việc.

Quân đội Chăm Pa khá đông, có lúc lên đến 4 – 5 vạn người. Họ chiến đấu rất dũng cảm, ra trận thường mặc áo giáp mây, sử dụng giáo mác, cung nỏ bằng tre hoặc tên thuốc độc. Chăm Pa có một đội thủy binh và tượng binh rất mạnh.

Kinh tế chủ yếu là nông nghiệp trồng lúa nhưng lại rất ít ruộng. Bên cạnh đó còn có đậu, kê, vừng, mía, tiêu, trầu cau và hoa quả các loại. Ngành khai thác lâm sản đóng một vai trò quan trọng trong kinh tế của Chăm Pa. Thủ công nghiệp cũng tương đối phát triển. Họ biết làm đồ gốm, dệt tơ lụa, làm đồ gỗ và xây dựng. Còn thương nghiệp hầu như không có. Nhà nước nắm độc quyền ngoại thương. Chiến thuyền Chăm Pa thường ra nước ngoài làm nghề cướp bóc.

Xã hội chia thành 4 đẳng cấp (Tăng lữ, Quý tộc, Bình dân, Nô lệ) nhưng không chặt chẽ. Lực lượng nô lệ khá đông. Mặc dù nam giữ vai trò quan trọng trong sản xuất, chiến đấu và chính trị nhưng chế độ mẫu quyền vẫn thống trị.

Người Chăm theo Ấn giáo, mặc dù vẫn có chùa thờ Phật, đền Hồi giáo và tục thờ Thánh mẫu, thờ Linga và Yôni. Thành tựu văn hóa quan trọng nhất của người Chăm là sớm sáng tạo ra chữ viết riêng theo mẫu tự Phạn của người Ấn Độ. Tuy nhiên chữ Chăm không được phổ cập vì Chăm Pa hầu như không có trường học và hệ thống giáo dục. Các bi ký là nơi duy nhất ghi lại việc thờ cúng, quyền sở hữu và các chiến công.

Về nghệ thuật, các tháp Chăm (hay Chàm) được xây dựng trên các vùng đồi cao là những công trình kiến trúc, điêu khắc tiêu biểu của người Chăm: Di chỉ Trà Kiệu, Thánh địa Mỹ Sơn…

Lịch sử Chăm Pa trải qua những giai đoạn thịnh suy. Cho đến cuối thế kỷ XVI – đầu thế kỷ XVII, Chăm Pa từng bước bị sáp nhập vào Đại Việt.

Quốc gia cổ Phù Nam

Phù Nam là quốc gia cổ của người Khơ Me, một quốc gia mang mô hình các vương quốc cổ đại Ấn Độ.

Quốc gia cổ Phù Nam thành lập vào khoảng thế kỷ I và tồn tại cho đến thế kỷ VII. Sau đó phân hóa thành các tiểu quốc.

Nhà nước Phù Nam được tổ chức theo kiểu Man-đa-la (tức tiểu quốc tương đối độc lập). Vua là người đứng đầu nhà nước, nắm toàn bộ quyền hành và sở hữu toàn bộ ruộng đất trong khu vực mình cai quản. Dưới vua có một hệ thống quan lại giúp việc, bao gồm: văn quan, võ quan. Tuy nhiên, bộ máy nhà nước Phù Nam lúc bấy giờ còn hết sức đơn giản.

Về kinh tế, theo kết quả khai quật và nghiên cứu các di tích khảo cổ thuộc nền văn Óc – Eo cho thấy, kinh tế nông nghiệp trồng lúa nước đóng vai trò chủ đạo. Bên cạnh đó, cư dân Phù Nam lúc bấy giờ còn biết trồng cây lấy củ, cây ăn quả và chăn nuôi các loại gia súc, gia cầm; đánh bắt cá trên sông. Thủ công nghiệp rất phát triển, đặc biệt là các nghề thủ công mĩ nghệ như: chế tạo đồ trang sức, đồ thờ tự liên quan đến Bàlamôn và Phật giáo. Bên cạnh đó, buôn bán trao đổi cũng là một hoạt động kinh tế quan trọng của Phù Nam. Trong đó, Óc – Eo nổi lên như một đô thị – cảng thị, có quan hệ buôn bán với nhiều nước trong khu vực và thế giới. Cụ thể là trong các di chỉ thuộc nền văn hóa Óc – Eo, các nhà nghiên cứu đã tìm thấy tiền cổ La Mã, Ba Tư, Trung Quốc và nhiều vật dụng có nguồn gốc ngoại lai khác.

Xã hội đã có sự phân hóa sâu sắc. Xã hội chia thành 4 đẳng cấp (Tăng lữ, Quý tộc, Bình dân, Nô lệ). Trong đó, đẳng cấp Tăng lữ Bàlamôn nắm quyền hành rất lớn, chi phối mọi hoạt động xã hội. Lực lượng nô lệ cũng khá đông.

Nhìn chung, lịch sử Phù Nam trải qua những giai đoạn phát triển khác nhau. Cho đến thế kỷ VII, Phù Nam dần suy yếu và tách thành các tiểu quốc có lãnh thổ rộng lớn, bao gồm: Tây Nam bộ (Việt Nam), Ăngco Borei (Campuchia), Mê Nam (Thái Lan), Bắc bán đảo Malai…

Một số nhận xét về lịch sử Việt Nam từ thời tiền sử đến thời Bắc thuộc

Những đặc điểm cơ bản của lịch sử Việt Nam từ thời tiền sử đến cuối thời Bắc thuộc

  • Sau một thời kỳ dài sống định cư và mở rộng lãnh thổ, phát triển kinh tế nông nghiệp trồng lúa nước, cư dân Việt cổ đã tiến lên giai đoạn nông nghiệp dùng cày, có sức kéo trâu bò. Cùng với những tiến bộ trên các lĩnh vực văn hóa – xã hội, người Việt cổ đã đưa xã hội vượt qua thời tiền sử, bước sang xã hội có giai cấp và nhà nước (nhà nước Văn Lang – Âu Lạc).
  • Trong buổi đầu của xã hội có giai cấp và nhà nước, nhân dân ta đã xây dựng được nền văn minh mang đậm tính bản địa – văn minh sông Hồng. Hình thành nên những giá trị tiêu biểu của văn hóa vật chất và văn hóa tinh thần, góp phần định hình bản sắc dân tộc Việt.
  • Trong hơn 1.000 năm xâm lược và đô hộ nước ta, các triều đại phương Bắc đã thực hiện nhiều chính sách và biện pháp nhằm đồng hóa nước ta, vĩnh viễn xóa bỏ sự tồn tại của dân tộc Việt. Nhưng dựa trên nền tảng vững chắc của cộng đồng quốc gia dân tộc, có một lãnh thổ riêng, tiếng nói riêng, văn hóa riêng nhân dân ta đã không ngừng đấu tranh chống lại ách đô hộ tàn bạo của phong kiến phương Bắc, giành độc lập dân tộc.

Ý nghĩa lịch sử của phong trào đấu tranh giành độc lập thời Bắc thuộc

  • Trong hơn 1.000 năm xâm lược và đô hộ nước ta, các triều đại phong kiến phương Bắc đã vấp phải sự đấu tranh kiên quyết, liên tục, kéo dài và không khoan nhượng của nhân dân ta. Các thế hệ nối tiếp nhau, thế hệ sau kế tục thế hệ trước đứng lên đấu tranh, bất chấp sự đàn áp tàn bạo của kẻ thù, nhằm giương cao ngọn cờ độc lập tự chủ.
  • Phong trào đấu tranh chống Bắc thuộc của nhân dân ta đã giành được kết quả to lớn. Nếu như khởi nghĩa Khúc Thừa Dụ (905) mở đầu cho việc đè bẹp ý chí xâm lược của phong kiến phương Bắc thì chiến thắng Bạch Đằng (938) của Ngô Quyền đã đè bẹp hoàn toàn ý chí xâm lược của phong kiến phương Bắc, mở ra một kỉ nguyên mới – kỷ nguyên độc lập, tự chủ lâu dài của dân tộc Việt
  • Phong trào đấu tranh đó cũng là cơ sở cho nhân dân ta đấu tranh giữ gìn và phát triển nền văn hóa dân tộc. Điều đó chứng tỏ, chúng ta không những không bị đồng hóa mà cơ cấu làng xã người Việt vẫn do nhân dân ta định đoạt và làm chủ, nền văn hóa dân tộc ngày càng được củng cố, làm cơ sở vững chắc cho các giai đoạn tiếp

(Nguồn tham khảo: Trần Văn Thức, Giáo trình tiến trình lịch sử Việt Nam)