Chở bao nhiêu đạo thuyền không khẳm Đâm mấy thằng gian bút chẳng tà ai là tác giả của hai câu thơ trên?

[Ngày ngày viết chữ] “Bút chẳng tà” là loạt bài giới thiệu một số từ ngữ trong thơ văn Nguyễn Đình Chiểu do Ngày ngày viết chữ thực hiện. Tên loạt bài lấy từ câu “Chở bao nhiêu đạo thuyền không khẳm, Đâm mấy thằng gian bút chẳng tà” trong bài “Than đạo” của cụ Đồ Chiểu.

BÀI VIẾT LIÊN QUAN
>> Quang khuê tảo – từ ngữ trong thơ văn Nguyễn Trãi

★ Cá núp trong nò ★

Trong bài “Ký bào đệ thơ”, Nguyễn Đình Chiểu viết: “Bề ở ăn như cá núp trong nò, thân đùm đậu như én nằm trên gác”.

Cá núp trong nò: “Nò” là “dụng cụ để bắt cá, hình trụ đứng, được đan bằng tre, có xẻ một đường từ trên xuống theo dạng tam giác, để cá vào mà không ra được” [theo “Từ điển từ ngữ Nam Bộ” của Huỳnh Công Tín, 2007]. “Cá núp trong nò” ý nói thân mình như cá ở trong nò, có nhiều bất trắc nên phải biết thận trọng.

Én nằm trên gác: Cách nói này chỉ cảnh ngộ mà người ta gặp phải, lầm đường lạc bước hoặc rơi vào tình thế ở không đúng chỗ, do đó phải biết giữ thân mình. “Thân đùm đậu” là thân được người người ta đùm bọc che chở, được người ta cho nương nhờ. [Dẫn theo “Tuyển tập Nguyễn Đình Chiểu”, Ca Văn Thỉnh – Nguyễn Sỹ Lâm – Nguyễn Thạch Giang biên soạn, NXB Văn Học, 2016.]

Cả câu trên có ý khuyên răn người đang ở tình cảnh bất trắc, đang lâm vào cảnh ngộ nào đó thì phải thận trọng giữ mình. Ở đây cụ Đồ Chiểu viết thư khuyên người em ruột [bào đệ] là Nguyễn Đình Tự, khi cụ biết em mình sắp cưới vợ lẽ.

Thơ văn Nguyễn Đình Chiểu nói chung rất giản dị, đồng thời cũng hết sức giàu hình ảnh, có nhiều hình ảnh lấy từ điển tích Nho học, cũng có nhiều hình ảnh gắn liền với nếp sinh hoạt sông nước của dân gian Nam Bộ. Dưới đây xin trích vài câu:
“Em sao chẳng nghĩ, anh rất đỗi lo
Bề ở ăn như cá núp trong nò, thân đùm đậu như én nằm trên gác.
Cám nỗi phụ huynh thêm bát ngát, phận làm tử đệ há nguôi ngoai.
Sung sướng chi mà chồng một vợ hai, giàu sang mấy mà quần đôi áo cặp.
Thân rảnh sao chẳng cấp, tính xấu cũng nên chừa.
Trời khôn lường trưa sớm nắng mưa, người đâu biết hôm mai hoạ phước.
Chi bằng giữ câu kiệm ước, nào hơn lánh bợm phong lưu.
Việc oán hận chẳng nên cưu, thói ve vãn ăn chơi đừng bắt chước…”

★ Cam La – Khương Tử ★

Truyện Lục Vân Tiên của Nguyễn Đình Chiểu, đoạn Vân Tiên gặp lại Hớn Minh sau khi hai người trải qua nhiều tai nạn, Hớn Minh bảo Vân Tiên chớ vội về Đông Thành, cứ ở lại “am mây” dưỡng bệnh, lời Hớn Minh như sau:

“Thôi thôi anh chớ vội về,
Ở đây nương náu toan bề thuốc thang.
Bao giờ hết lúc tai nàn,
Đem nhau ta sẽ lập đàng công danh.
Cam La sớm gặp cũng xinh,
Muộn mà Khương Tử cũng vinh một đời.”

Cam La, theo chú giải của Nguyễn Thạch Giang, là mưu sĩ thời Chiến Quốc, năm 12 tuổi thờ Lã Bất Vi, tể tướng nhà Tần, được cử đi sứ nước Triệu, thuyết phục vua Triệu cắt đất năm thành dâng Tần. Khi trở về, Cam La được Tần phong làm thượng khanh.

Còn Khương Tử, tức Khương Tử Nha, là danh thần nhà Chu. Ông sống một cuộc đời cùng khốn cho đến già hơn 70 tuổi vẫn phải đi câu cá để sinh sống. Sau giúp Vũ vương dựng nên nghiệp lớn nhà Chu, được phong sư thượng phụ.

Câu “Cam La sớm gặp cũng xinh, Muộn mà Khương Tử cũng vinh một đời” ý nói mỗi người đều có mốc thời gian của riêng mình, có người thành công sớm có người hiển đạt muộn, không cần phải nóng lòng, không cần phải vội vã.

Về từ “am mây”, ở đây chỉ chùa nhỏ, nơi hẻo lánh cách biệt với đời. Còn từ “tai nàn” tức là “tai nạn”, các tác phẩm thơ ca, ca dao Nam Bộ xưa thường dùng “nàn”, như “tai nàn”, “mắc nàn”. Về mối quan hệ thanh điệu giữa “nàn” với “nạn”, còn có thể tìm thấy trong “dùng” với “dụng”, “ngoài” với “ngoại”, “mồ” với “mộ”,…

★ Cầm đuốc chơi đêm ★

Trong truyện thơ “Dương Từ – Hà Mậu” của Nguyễn Đình Chiểu có một bài thơ [truyện “Dương Từ – Hà Mậu” có nhiều bài thơ, văn tế, câu đối] mở đầu bằng hai câu như sau:

“Người xưa cầm đuốc dạo đêm chơi,
Nào có cưu chi cái việc đời.”

“Cầm đuốc dạo đêm chơi”, hay “cầm đuốc chơi đêm”, cũng dùng “đốt đuốc chơi đêm”, gốc là “bỉnh chúc dạ du” [炳燭夜遊], ý chỉ việc tranh thủ tận hưởng cuộc sống vì đời người ngắn ngủi.

Sách “Tuyển tập Nguyễn Đình Chiểu” [Ca Văn Thỉnh – Nguyễn Sỹ Lâm – Nguyễn Thạch Giang biên soạn, NXB Văn Học, 2016] giảng cụ thể như sau:

“Đời con người ta quá ngắn, phải tranh thủ mà vui chơi, cổ thi: Trú đoản khổ dạ trường, hà bất bỉnh chúc du? Ngày ngắn khổ nỗi đêm dài, sao không cầm đuốc chơi đêm. Thơ Lý Bạch: Quang âm giả bách đại chi quá khách, nhi phu sinh nhược mộng, vi hoan kỷ hà. Cổ nhân bỉnh chúc dạ du lương hữu di giã. Tức là ngày giờ thì như người khách đi qua mãi mãi trăm đời, mà kiếp phù sinh của con người thì như một giấc mộng, vui được bao nhiêu. Cổ nhân cầm đuốc chơi đêm thật có lý do vậy.”

Còn câu “Nào có cưu chi cái việc đời”, “cưu” nghĩa là mang lấy mà lo lắng cho việc gì đó.

Trong truyện “Dương Từ – Hà Mậu”, bài thơ này là của một hoà thượng vốn tên là Trần Kỷ. Trần Kỷ xưa theo nho học nhưng vì “thi văn chẳng đỗ lộn ra cửa thiền” [nhiều lần đi thi mà không đậu nên đi tu].

Trước Nguyễn Đình Chiểu, Nguyễn Trãi cũng từng vài lần nhắc chuyện “cầm đuốc chơi đêm” như sau:
1. Bài “Thơ tiếc cảnh” thứ 6:
“Chớ cười hiền trước rằng dại,
Cầm đuốc chơi đêm bởi tiếc xuân.”
2. Bài “Thơ tiếc cảnh” thứ 7:
“Tiếc xuân cầm đuốc mảng chơi đêm,
Những lệ[*] xuân qua tuổi tác thêm.”
3. Bài “Cuối xuân”:
“Cầm đuốc chơi đêm này khách nói,
Tiếng chuông chưa đóng ắt còn xuân.”
___________
[*] “Lệ” nghĩa là sợ, lo sợ.

★ Con tạo ★

Truyện “Lục Vân Tiên” của Nguyễn Đình Chiểu, câu 1061-1062 viết:
“Nực cười con tạo trớ trinh,
Chữ duyên tráo chác chữ tình lãng xao.”

“Con tạo” tức là tạo hoá nhưng dùng với ý trách móc. “Tạo hoá”, Từ điển Hoàng Phê giảng là “đấng tạo ra muôn vật với mọi sự biến hoá, đổi thay, theo quan niệm duy tâm”. “Con tạo”, gốc Hán là “tạo hoá tiểu nhi”, ý nói tạo hoá như đứa trẻ con, thường bày trò oái oăm để trêu người đời.

Trong hai câu thơ trên, “trớ trinh” là trớ trêu, trêu cợt; “tráo chác” là là lừa dối, trở mặt, lật lọng, cũng như “tráo trở”. Đây là lời cảm thán của Lục Vân Tiên khi bản thân lâm nạn mà cha con Võ Thể Loan đành đoạn phụ bạc.

Ngoài “con tạo”, thơ Nôm xưa có các cách dùng “con tạo hoá”, “hoá nhi”, “hoá công”, “trẻ tạo hoá” hoặc dùng nguyên gốc Hán “tạo hoá tiểu nhi”. Dưới đây là một số ví dụ:

* “Truyện Kiều” [Nguyễn Du]:
– Cũng liều nhắm mắt đưa chân,
Mà xem con tạo xoay vần đến đâu.
– Hóa nhi thật có nỡ lòng,
Làm chi giày tía, vò hồng, lắm nau!
– Phũ phàng chi bấy hoá công,
Ngày xanh mòn mỏi má hồng phôi pha.

* “Bắt được đồng tiền” [Trần Tế Xương]:
– Ý hẳn nhà nho sang vận đỏ,
Hay là con tạo thử người đen.

* “Thú ẩn dật” [Bạch Vân quốc ngữ thi tập – Nguyễn Bỉnh Khiêm]:
– Tham phải cái công danh luỵ,
Muốn cho con tạo hoá trêu.

* “Ngư Tiều y thuật vấn đáp” [Nguyễn Đình Chiểu]:
– Nào hay tạo hoá tiểu nhi,
Rủ bầy con nít đều đi bỏ mình.

* “Cung oán ngâm khúc” [Nguyễn Gia Thiều]:
– Trẻ tạo hoá đành hanh quá ngán,
Chết đuối người trên cạn mà chơi.
[Câu này ý là trẻ tạo hóa thật ác, nỡ bày trò làm con người chết đuối ngay trên cạn.]

★ Dũ xuất dũ kỳ ★

Truyện “Lục Vân Tiên” của Nguyễn Đình Chiểu, đoạn Vân Tiên gặp và cứu giúp Nguyệt Nga, Nguyệt Nga có làm một bài thơ tặng Vân Tiên đặng trả ơn. Bài thơ cụ thể như thế nào thì tác giả không có nói, chỉ cho biết đó là một bài thơ:

“Đã mau mà lại thêm hay,
Chẳng phen Tạ nữ cũng tày Từ phi
Thơ ngâm dũ xuất dũ kỳ,
Cho hay tài gái kém gì tài trai”.

“Dũ xuất dũ kỳ”, chữ Hán là 愈出愈奇, theo Nguyễn Thạch Giang, nghĩa là “càng nói ra càng thấy hay thấy lạ”.

Chữ “dũ” nghĩa là càng, càng thêm. Từ điển Thiều Chửu nêu ví dụ: cầu chi dũ cấp, khứ chi dũ viễn 求之愈急去之愈遠 – cầu đấy càng kíp, nó càng lảng xa [tức là cái gì mà mình càng gấp gáp muốn có thì càng khó có được].

Thơ của Nguyệt Nga “dũ xuất dũ kỳ” tức là càng đọc càng thấy hay, thấy lạ, càng đọc càng ngộ ra nhiều điều mới mẻ, có vẻ giống như những tác phẩm ngụ ý mà mỗi lần đọc chúng ta đều ngộ ra thêm nhiều tầng ý nghĩa và nhiều thủ pháp nghệ thuật khác nhau.

Ở trên có nhắc đến Tạ nữ, tức Tạ Đạo Uẩn, con gái Tạ Dịch, đời nhà Tấn. Còn Từ phi, tức là Từ Huệ, người đời nhà Đường. Cả Tạ nữ, Từ phi đều là người thông minh, học rộng, giỏi văn thơ. Trong “Truyện Kiều” có câu “Khen tài nhả ngọc phun châu, Nàng Ban ả Tạ cũng đâu thế này”, ả Tạ ở đây chính là Tạ Đạo Uẩn. Còn nàng Ban là Ban Chiêu thời Đông Hán, cũng là người giỏi chữ.

★ Én hộc ★

Truyện “Lục Vân Tiên” của Nguyễn Đình Chiểu, đoạn Lục Vân Tiên và Vương Tử Trực lần đầu gặp nhau và đấu thơ, Vương Tử Trực có nói mấy lời tự khiêm, trong đó có câu:

“Trực rằng: ‘Tiên vốn cao tài,
Có đâu én hộc sánh vai một bầy.'”

Về từ “én hộc”, Nguyễn Thạch Giang[*] giảng như sau: “Chim én và chim hộc [ngỗng trời]. Én là loài chim nhỏ bay thấp, chỉ hạng tầm thường; hộc là loài chim bay cao, chỉ người có chí lớn. Theo “Sử ký”, Trần Thiệp lúc trẻ đi cày thuê. Khi nghỉ cày, Thiệp ngồi ra dáng buồn bã, phẫn uất một hồi lâu rồi nói rằng: “Nếu được phú quý không bao giờ quên nhau”. Mọi người phá lên cười mà nói lại rằng: “Nếu còn đi cày thuê thì làm sao mà giàu sang được”. Trần Thiệp thở dài nói: “Ta hồ, yến tước an tri hồng hộc chi chí tai”, [Than ôi, loài chim én chim sẻ sao biết được chí chim hồng chim hộc]”.

“Yến tước” – 燕雀 – là chim én và chim sẻ, hai loài chim dùng để tỉ dụ người có chí khí tầm thường. “Chim hộc” thường đi cùng với “chim hồng”, thường nói là “hồng hộc”, chỉ hai loài chim bay cao lắm. Người xưa nói “hồng hộc chí” – 鴻鵠志 – để chỉ “chí làm việc lớn lao như chim hồng chim hộc bay cao” [theo “Hán Việt từ điển” của Đào Duy Anh].

Câu thơ lục bát trên là lời Vương Tử Trực tự khiêm, tự nhận xét tài mình không bằng Vân Tiên, xem mình là chim én, Vân Tiên là chim hộc và nhận Vân Tiên làm anh.

Trong truyện thơ Nôm “Phan Trần” cũng có một câu lục bát tương tự các ý trên, rằng:
“Chẳng yêu nhau, chớ dể nhau,
Những loài yến tước biết đâu chí hồng.”
“Chớ dể nhau” tức là chớ khinh khi, coi nhẹ nhau.

Nói qua một chút về truyện thơ Nôm “Phan Trần”, đây là một tác phẩm làm theo thể lục bát đặc sắc, chưa rõ tác giả, được đánh giá cao nhưng có lẽ không được biết tới nhiều bằng Kiều của Nguyễn Du và Vân Tiên của Nguyễn Đình Chiểu. Ca dao có câu:
“Đàn ông chớ kể Phan Trần,
Đàn bà chớ kể Thuý Vân, Thuý Kiều.”

Câu này phần nào cho thấy sức ảnh hưởng của tác phẩm “Phan Trần” đối với dân gian. Sở dĩ bảo “đàn ông chớ kể Phan Trần” là vì trong truyện, nhân vật nam chính là Phan Tất Chánh [thường gọi Phan sinh] là người nặng tình, tương tư người yêu đến mức muốn tự tận, các cụ ngày xưa cho rằng nam nhân thì không nên như vậy.

★ Én vào nhà khác ★

Trong Thơ điếu Phan Tòng, bài thứ 3*, Nguyễn Đình Chiểu có viết:
“Én vào nhà khác toan nào kịp,
Hươu thác tay ai vọi hãy xa.”

Sách “Tuyển tập Nguyễn Đình Chiểu”** giảng:
– Én vào nhà khác: Chim én thường chọn làm tổ ở những nhà cao đẹp, nhà hư đổ, én sẽ bay tìm chỗ khác. Ý câu thơ là thời cuộc đổi thay, con người không chuyển kịp theo thời thế.
– Hươu thác tay ai: Do thành ngữ “lộc tử thuỳ thủ” [鹿死誰手], tức nói thiên hạ hay ngôi vua chưa biết về tay ai, chưa biết ai được ai thua.

Nguyên văn bài thơ điếu này như sau:
“Thương thay tạo vật khuấy người ta,
Nam đổi làm Tây chính lại tà.
Trống nghĩa bảo an theo sấm rạp,
Cờ thù công tử guộn mây qua.

Én vào nhà khác toan nào kịp,
Hươu thác tay ai vọi hãy xa.
Trong số nên hư từng trước mách,
Người ôi! trời vậy tính sao ra.”
[Tuyển tập Nguyễn Đình Chiểu, tr.574.]

 Trong bài này còn mấy từ được cắt nghĩa thêm như sau:
– “Bảo an” chỉ nghĩa quân của Phan Tòng là những người gìn giữ sự yên ổn cho dân chúng.
– “Công tử” ở đây chỉ Phan Tòng.
– “Guộn” cũng như “cuốn”, “guộn mây” là cuốn theo mây.
– “Vọi” là dấu hiệu, điềm bày ra cho người ta thấy.
____________
[*] Thơ điếu Phan Tòng của Nguyễn Đình Chiểu gồm 10 bài, đặt tên chung là “Điếu Ba Tri Đốc binh Phan công trận vong thập thủ”. Phan Tòng, hay Phan Ngọc Tòng, là lãnh tụ khởi nghĩa chống Pháp năm 1868 tại Ba Tri, Bến Tre.
[**] “Tuyển tập Nguyễn Đình Chiểu”, Ca Văn Thỉnh – Nguyễn Sỹ Lâm – Nguyễn Thạch Giang, NXB Văn Học, 2016.

★ Gót lân ★

“Gót lân”, từ gốc Hán là “lân chỉ” [麟趾], nghĩa đen là ngón chân con lân. Trong các tác phẩm của mình, Nguyễn Đình Chiểu rất thường dùng từ “gót lân”. Chẳng hạn hai câu kết của “Lục Vân Tiên” là:
“Trăm năm biết mấy tinh thần,
Sinh con sau nối gót lân đời đời.”

Nguyễn Thạch Giang [2017] giải nghĩa như sau: Lân là loài thú không ăn sinh vật, không giẫm lên cỏ xanh, người xưa cho là nhân thú [chữ “nhân” có nghĩa là hiền lành, có lòng yêu thương, nhân thú là loài thú lành, không phải là “người thú” – NNVC]. Từ “gót lân” được dùng ẩn dụ chỉ con cháu có tài đức. Kinh thi có thơ “Lân chỉ” khen ngợi những người con hay cháu tốt, có tài đức: Lân chi chỉ, chấn chấn công tử, vu ta lân hề [Những công tử độ lượng của chúa công đều giống như những ngón chân của con kỳ lân. Ôi! Đúng thật là con kỳ lân] [Chu Nam].

Ngoài “Lục Vân Tiên”, Nguyễn Đình Chiểu còn dùng “gót lân” trong nhiều trường hợp khác:

  1. Phước đà liền nối gót lân,
    Phận mình: giàu có, thanh bần, cũng ưng.
  2. Than rằng: chàng hỡi Dương quân!
    Muốn tu còn nối gót lân làm gì?
    [Dương Từ – Hà Mậu]
  3. Bằng ai bảo dưỡng thời may,
    Ngoài tuần thiên quý còn bày gót lân.
    [Ngư Tiều y thuật vấn đáp]

Trong “Ai tư vãn” của Ngọc Hân công chúa cũng có từ này:

  1. Gót lân chỉ mấy lần lẫm chẫm [**],
    Đầu mũ mao, mình tấm ái gai!

Cũng có khi “gót lân” đi đôi với với “lông phượng” hoặc “đuôi phượng”, chẳng hạn:

  1. Đông hàng lông phượng gót lân,
    Kìa nhà ngũ quế, nọ sân bát đồng.
    [Nhị độ mai, khuyết danh Việt Nam]
  2. Thiếp than bổn phận thiếp nghèo,
    Không dám vin đuôi phụng không dám trèo gót lân.
    [Ca dao]

Ngoài nét nghĩa chỉ con cháu tài đức, “lân chỉ” còn được dùng để chỉ bậc hiền triết có lòng nhân từ và trí tuệ hoặc chỉ những việc làm cao thượng.

____________
[*] Có bản viết “mấy hàng lẩm chẩm”.

★ Khôn soi chậu úp ★

Truyện “Lục Vân Tiên” của Nguyễn Đình Chiểu, đoạn Sở Vương giải oan, xá tội cho Kiều Nguyệt Nga có câu rằng:

“Dầu cho nhựt nguyệt rõ ràng,
Khôn soi chậu úp cũng mang tiếng đời.”

“Chậu úp”, chữ Hán là 覆盆 – “phúc bồn” [cái chậu úp xuống], nghĩa là nơi tối tăm ánh sáng không chiếu tới, trong ngoài không thông nhau, không biết được nhau, ví nỗi oan không cách giải tỏ*.
Sách “Bão Phác Tử” [Cát Hồng, đời Tấn, Trung Quốc] viết: Thị trách tam quang bất chiếu phúc bồn chi nội [Thế là tam quang – mặt trời, mặt trăng, các vì sao – không soi vào được trong lòng chậu úp].

Câu thơ của Nguyễn Đình Chiểu cũng mang nghĩa như thế. Giả định rằng mặt trời mặt trăng có sáng rõ mà không soi được vào chậu úp thì cũng như nỗi oan trá hôn của Nguyệt Nga sẽ không được sáng tỏ, sẽ mang tiếng với đời.

Ngoài lề, cây/quả “phúc bồn tử” [覆盆子] hay “mâm xôi đỏ” hoặc “mâm xôi đen” tuỳ quốc gia, khu vực tương ứng, cũng chính là từ “phúc bồn” diễn Nôm “chậu úp” này.

★ Kinh luân ★

Truyện “Lục Vân Tiên” viết:

“Kinh luân đã sẵn trong tay,
Thung dung dưới thế vui say trong trời.”

“Kinh luân”, chữ Hán viết là 經綸, Nguyễn Thạch Giang giảng nghĩa hai chữ này như sau:
– kéo từng mối tơ mà chia ra gọi là “kinh”;
– so các sợi [tơ] mà hợp lại gọi là “luân”.

Từ này, vốn chỉ công việc của người kéo tơ, về sau dùng để “chỉ tài sửa sang, sắp đặt tổ chức cai trị nước” [mà theo Từ điển Nguyễn Quốc Hùng thì do việc “kinh luân” rắc rối phức tạp, chuyện trị nước cũng rắc rối phức tạp như vậy].

Hai câu “Kinh luân đã sẵn trong tay, Thung dung dưới thế vui say trong trời”, theo Nguyễn Thạch Giang, ý ông ngư [ông lão chài lưới đã cứu giúp Vân Tiên] là “ông cũng là tay kinh luân nhưng muốn ẩn dật với nghề chài lưới. Và, trong nghề chài lưới, ông cũng chẳng kém gì người trị nước có tài”.

Trong “Lục Vân Tiên”, Nguyễn Đình Chiểu xây dựng khá nhiều nhân vật phụ tuy sống ẩn dật nhưng đều là người có tài. Trước đoạn nói về ông lão chài lưới này, Nguyễn Đình Chiểu còn dùng từ “kinh luân” để nói về ông quán [làm nghề bán quán ăn] qua lời Vương Tử Trực:
“Trực rằng: Chùa rách Phật vàng,
Ai hay trong quán ẩn tàng kinh luân.”
Ý là trong một quán ăn bình thường lại có một ông lão tài trí hơn người.

★ Linh phụng gặp ngô đồng ★

“Truyện Lục Vân Tiên” của Nguyễn Đình Chiểu có câu:
“Ngày nay thánh chúa trị đời,
Nguyền cho linh phụng gặp nơi ngô đồng.”

“Linh phụng” tức là chim phụng linh thiêng. Chim phụng là chim phượng, cũng gọi phụng hoàng hoặc phượng hoàng*. Ngô đồng là một loại cây thân gỗ to, gỗ nhẹ, thường dùng làm đàn. Tương truyền đàn của Bá Nha [tích Bá Nha – Tử Kỳ] cũng làm bằng gỗ ngô đồng.

Chim phượng hoàng đậu cây ngô đồng là một truyền thuyết dân gian, cho rằng loài chim này chỉ đậu trên cây ngô đồng, vì ngô đồng là “vua” của các loài cây, còn phượng hoàng là “vua” của các loài chim. “Đại Nhã” trong “Kinh thi” có câu “Phượng hoàng chi tính phi ngô đồng bất thê”, tức là tính chim phượng hoàng không phải cây ngô đồng thì không đậu.

Người xưa quan niệm phượng hoàng đậu nhánh ngô đồng cũng như người hiền tài ở đúng địa vị xứng đáng, hoặc là điềm báo sắp có nhân tài xuất hiện.

Câu lục bát trên trong “Truyện Lục Vân Tiên” là lời Võ Thể Loan, ý là ngày nay vua hiền trị vì, nguyện cho Vân Tiên lên kinh thi thuận lợi, “linh phụng” gặp được “ngô đồng”. Đoạn này [từ câu 401 – 412] lời Thể Loan rất chân thành, có đạo nghĩa, tiếc là sau này lại phụ Vân Tiên.

★ Lòng thiềng ★

Truyện “Lục Vân Tiên” câu 2003-2004 viết rằng:

“Tiểu đồng hồn bậu có thiêng,
Thỏa tình thầy tớ lòng thiềng ngày nay?”

“Lục Vân Tiên” bản Nguyễn Thạch Giang khảo đính và chú giải [NXB Văn học, 2017] giải thích “thiềng” là “do chữ “thành” đọc chạnh ra”. “Chạnh” nghĩa là chệch đi một ít, thường dùng để chỉ việc phát âm.

Nhưng “thành” đọc chạnh thành “thiềng” không phải là đọc tuỳ ý để gieo vần với tiếng “thiêng” ở câu lục. “Thành – thiềng” được đọc chạnh theo quan hệ ngữ âm giữa âm /a/ [viết là a] và âm /ie/ [viết là iê, yê, ia hoặc ya]. Mối quan hệ này còn có thể tìm thấy trong các trường hợp “cây cảnh – cây kiểng”, “mảnh chai – miểng chai”, “càn khôn – kiền khôn”,v.v..

Ngoài ra, trong câu lục bát trên còn có một điểm cũng đáng chú ý, đó là từ “bậu”. Từ điển Hoàng Phê giảng “bậu” là đại từ dùng để “gọi vợ hay người yêu khi nói với vợ, với người yêu để tỏ ý thân thiết”. Đây có lẽ là cách dùng phổ biến nhất. Từ điển Từ ngữ Nam Bộ của Huỳnh Công Tín giảng “bậu” là “tiếng gọi người tiếp chuyện với mình, khác giới tính, có ý thương mến, thân mật, cách nói xưa ‘qua, bậu’ được dùng xưng gọi trong quan hệ vợ chồng, người yêu”.

Tuy nhiên, trong câu lục bát này, Lục Vân Tiên gọi tiểu đồng của mình là “bậu”. Ngoài ra, cũng trong tác phẩm này, có mấy lần dùng từ “bậu” để gọi người cùng giới [nhỏ tuổi hơn mình] một cách thân thiết, kiểu như bạn, anh bạn, chú em, chứ không chỉ là gọi vợ hay người yêu, chẳng hạn:

– [119] Dân rằng: “Lũ nó còn đây,
Qua xem tướng bậu thơ ngây đã đành”. [dân làng nói với Vân Tiên]

– [565] Trực rằng: “Đã đến nỗi này,
Tiểu đồng bậu hãy làm khuây giải phiền”. [Vương Tử Trực nói với tiểu đồng]

★ Minh linh ★

“Minh linh”, chữ Hán viết là 螟蛉. Trong Truyện Lục Vân Tiên của Nguyễn Đình Chiểu, bản do Nguyễn Thạch Giang khảo đính và chú giải, “minh linh” được giải thích là “một loài sâu [sau hoá bướm] thường cuộn tổ ở lá lúa, lá rau”.

Theo Từ điển Nguyễn Quốc Hùng, “minh linh” là tên một thứ côn trùng, cụ thể là loài sâu keo và “tò vò thường bắt ấu trùng này, bỏ vào tổ để nuôi con nó, nông dân thời xưa tưởng đâu tò vò bắt ấu trùng này về làm con nuôi”. Kinh Thi có câu: “螟蛉有子,蜾蠃負之” – Minh linh hữu tử, quả loả* phụ chi – Minh linh có con, tò vò cõng về nuôi. Do đó, trong văn chương xưa thường dùng “minh linh” để chỉ con nuôi.

Trong Truyện Lục Vân Tiên, Nguyễn Đình Chiểu viết:
“Trong nhà không gái hậu sinh,
Ngày nay đặng gặp minh linh phước trời.”
Đoạn này nói về chuyện Nguyệt Nga gặp nạn, được Bùi ông [cha của Bùi Kiệm] cưu mang và nhận làm con nuôi.

Liên quan đến chuyện tò vò “nuôi con nuôi”, ca dao Việt Nam còn có bài:
“Tò vò mà nuôi con nhện,
Đến khi nó lớn, nó quện nhau đi.
Tò vò ngồi khóc tỉ ti,
Nhện ơi, nhện hỡi, nhện đi đằng nào?”

___________
[*] 蜾蠃 – “quả loả” là con tò vò, còn có cách viết là “quả loã”.

★ Ngồi giếng xem trời, Dòm beo trong ống ★

“Bấy lâu ngồi giếng xem trời,
Dòm beo trong ống đạo đời biết đâu.”

Đây là câu 1059 và 1060 trong tác phẩm “Ngư tiều vấn đáp nho y diễn ca” của Nguyễn Đình Chiểu, trong đó có hai cụm rất thú vị là “ngồi giếng xem trời” và “dòm beo trong ống”.

“Ngồi giếng xem trời” là cách “diễn Nôm” của thành ngữ chữ Hán là “toạ tỉnh quan thiên” [坐井觀天 – một thành ngữ được cho là xuất phát từ tác phẩm “Nguyên đạo” của Hàn Dũ đời Đường]. “Tỉnh” là cái giếng, như bài “Ngọc tỉnh liên phú” của Mạc Đĩnh Chi mà ta thường biết đến với tên gọi “Phú bông sen trong giếng ngọc”.

Còn “dòm beo trong ống” thì do thành ngữ “quản trung khuy báo” 管中窺豹 xuất phát từ “Thế thuyết tân ngữ” [một tác phẩm thời Nguỵ -Tấn]. “Quản” là cái ống, “khuy” là dòm ngó, nhìn trộm.

Người xưa cũng dùng “quản khuy” – dòm qua ống, ngụ ý kiến thức nhỏ hẹp [dòm qua cái ống thì phạm vi nhìn thấy được rất ít, mà con báo thì chạy rất nhanh, dòm qua ống thì hầu như không quan sát được gì]. Con “báo” cũng gọi là con “beo”, mối quan hệ a~e cũng có thể tìm thấy trong “mão~mèo”, “ngạt~nghẹt”, “pháp~phép”, “xa~xe”,…

Cả “ngồi giếng xem trời” và “dòm beo trong ống” đều dùng để chỉ cái mà mình thấy được rất hạn chế, kiến thức của mình còn hẹp, còn phiến diện, không được đầy đủ. Cùng nghĩa này, ở ta phổ biến thành ngữ “ếch ngồi đáy giếng” [mà chữ Hán là “tỉnh để chi oa” 井底之蛙].

Mở rộng hơn một chút, hai câu thơ trên nằm trong một đoạn thơ như sau:
“Tuy chưa đến cửa cao minh,
Trước đà nghe dạy mở tranh lấp rào.
Mấy hồi lòng chịu miệng trao,
Phá ngu phát rậm biết bao nhiêu lời.
Bấy lâu ngồi giếng xem trời,
Dòm beo trong ống đạo đời biết đâu”.

“Mở tranh lấp rào” là “phá bỏ cỏ tranh ngắn lấn lối, ý nói đường không ai qua lại, thì tranh cỏ sẽ mọc che mất lối, cũng như việc học của con người ta, nếu học mà không đem điều đã học ra thực hành, thì nghĩa lý cũng bị che lấp, trí óc người ta càng bị điều xấu làm mờ. Mạnh Tử bảo Cáo Tử rằng: Đường mòn ở trên núi, đi lại lâu ngày tất thành đường lớn. Nếu không có người đi, tranh cỏ sẽ lấp lối. Nay tâm của anh đã bị tranh cỏ bịt mất rồi đấy” – theo “Tuyển tập Nguyễn Đình Chiểu” [Ca Văn Thỉnh – Nguyễn Sỹ Lâm – Nguyễn Thạch Giang biên soạn, NXB Văn Học, 2016].
“Lòng chịu miệng trao” [khẩu truyền tâm thụ 口传心授] là nói về việc được thầy truyền thụ, dạy dỗ cho.
“Phá ngu phát rậm” cũng cũng nghĩa như “mở tranh lấp rào”.

Nguyên đoạn này nói về sự cầu học, mong mở rộng được tầm nhìn, hiểu biết đến nơi đến chốn của hai nhân vật chính trong truyện “Ngư Tiều”.

★ Thảo ngay ★

“Thảo ngay”, cũng có khi dùng là “ngay thảo”, nghĩa là có lòng tốt, biết chia sẻ, sống thành thực, không dối trá, thường dùng để chỉ một nết ăn ở, cư xử với người khác.

Trong “Lục Vân Tiên”, Nguyễn Đình Chiểu rất ưa dùng từ “thảo ngay”. Có tất thảy năm lần và mỗi lần đều nhấn mạnh nên sống “thảo ngay” hoặc người có nết “thảo ngay” sẽ được báo đáp tốt.

[1055] Ghi lòng dốc trọn thảo ngay,
Một phen mà khỏi ngàn ngày chẳng quên.

[1101] Vân Tiên nghe nói mới tường,
Cũng trang ẩn dật biết đường thảo ngay.

[1109] Già hay thương kẻ thảo ngay,
Nầy thôi để lão dắt ngay về nhà.

[1523] Quan âm thương đấng thảo ngay,
Bèn đem nàng lại bỏ rày vườn hoa.
[Đoạn này là Nguyệt Nga tự tử được Quan âm cứu.]

[1685] Lúc hư còn có lúc nên,
Khuyên người giữ dạ cho bền thảo ngay.

Việc đề cao nết “thảo ngay” cũng phần nào cho thấy chí nguyện của cụ Đồ Chiểu khi viết “Lục Vân Tiên”, rằng đây là một tác phẩm “Dữ răn việc trước lành dè thân sau”.

Chủ Đề