Cuộc gặp gỡ giữa Huấn Cao và viên quản ngục

TÌNH HUỐNG TRUYỆN TRONG TRUYỆN NGẮN "CHỮ NGƯỜI TỬ TÙ " CỦA NGUYỄN TUÂN.

Tình huống truyện "Chữ người tử tù" của Nguyễn Tuân (kiểu tình huống hành động - nhân vật hành động - truyện ngắn giàu kịch tính). 

1) Xác định tình huống truyện 

( Học sinh lưu ý nhé, để xác định tình huống nghệ thuật trong một truyện ngắn, cần trả lơi các câu hỏi sau:


 -Tình huống truyện là gì?
 -Toàn bộ truyện ngắn này xoay quanh sự kiện chính nào ? Hay Sự kiện nào đóng vai trò chi phối toàn bộ thiên truyện này ? ). 
-Tình huống truyện là một sự kiện đặc biệt của đời sống được nhà văn đưa vào tác phẩm văn học mà tại sự sự kiện đó, các quan hệ của đời sống được bộc lộ; bản chất, tính cách,tâm trạng hay vẻ đẹp của nhân vật được hiện lên trọn vẹn. Một tình huống đặc sắc góp phần thể hiện chủ đề tư tưởng của truyện và làm nổi bật ý đồ nghệ thuật của nhà văn.
 -Trong một truyện ngắn đặc sắc có thể có nhiều sự kiện, nhiều tình tiết nghệ thuật hay nhiều tình huống, nhưng khi nào cũng có một tình huống bao trùm toàn bộ thiên truyện.
 -Sự kiện lớn, chi phối toàn bộ thiên truyện "Chữ người tử tù" đó là: cuộc gặp gỡ oái oăm, éo le, đầy kịch tính giữa Huấn Cao và Quản ngục. 

2. Phân tích tình huống.

a. Tính chất éo le của tình huống này: 

* Không gian và thời gian diễn ra cuộc gặp gỡ:

 -Không gian là nhà tù, nơi chứa đựng những cái xấu xa, tăm tối, những cặn bã của xã hội. Hơn nữa nhà tù không phải là nơi dành cho những cuộc gặp gỡ, nên cuộc gặp gỡ này là bất ngờ, éo le. -Thời gian: là những ngày cuối cùng của cuộc đời Huấn Cao trước khi ông phải ra pháp trường chịu án chém. 


=> Không gian và thời gian như thế đã góp phần tạo nên kịch tính cho tình huống.

 * Thân phận hai nhân vật:

- Xét ở bình diện xã hội: họ là hai kẻ đối nghịch : Huấn Cao là kẻ cầm đầu những người phiến loạn chống lại triều đình mục nát, bị triều đình kết tội là “giặc” và bị xử án chém. Còn Quản ngục lại là quan của triều đình, đại diện cho bộ máy cai trị của chính triều đình mục nát ấy.

 -Xét ở bình diện nghệ thuật: họ lại là tri kỉ, tri âm, là những tâm hồn khao khát cái đẹp.


 +Huấn Cao có tài hoa và khí phách còn Quản ngục lại ngưỡng mộ khí phách và tài hoa. Trong chiều sâu tâm hồn, Huấn Cao chỉ cúi đầu trước Thiên lương cao khiết của con người, trong khi đó Quản ngục lại là “cái thuần khiết” bị đày ải giữa một đống cặn bã, “một thanh âm trong trẻo chen vào giữa một bản đàn mà nhạc luật đều hồn loạn, xô bồ". Người nào cũng có những phẩm chất cao quý, những vẻ đẹp thanh khiết mà người kia khát khao, ngưỡng mộ. 
+Sự éo le càng tăng gấp bội khi Nguyễn Tuân đã đặt nhân vật Quản ngục trước một thử thách lớn: sự lựa chọn nghiệt ngã giữa bổn phận một viên quan và tấc lòng tri kỉ, sở nguyện cao quý. Một là, muốn giữ tròn bổn phận của một viên quan lại thì phải chà đạp lên tấc lòng tri kỉ, chà đạp lên niềm khao khát trong sáng, lên sở nguyện cao quý của mình. Hai là, nếu trọn đạo tri kỉ thì phải chà đạp lên bổn phận của một viên quan cai tù, một viên quan đại diện cho pháp luật của triều đình. Nếu Quản ngục lựa chọn cách thứ nhất, ông là kẻ tầm thường. Vì ông ta không dám thuỷ chung với những gì mình cho là cao quý, sẵn sàng phản bội lại những gì mình tôn thờ (chữ của Huấn Cao – vật báu mà thiên hạ có bao người ao ước, khát khao). Và như vậy , kết thúc truyện sẽ rất bi thảm bởi cái tầm thường đã ngự trị nhiều nơi và chiến thắng lại thuộc về nó. Nếu chọn cách thứ hai, Quản ngục là người cao quý. Vì thuỷ chung với những giá trị cao quý mình tôn thờ, ông ta đã dám bất chấp sự thiệt thòi về quyền lợi, địa vị và thậm chí là cả tính mạng (vì ông là viên quan của triều đình mà tôn thờ khí phách, tài năng của tử tù, của giặc). Và câu chuyện sẽ là khúc ca ca ngợi chiến thắng của cái đẹp. Vì thế, tác phẩm có sức sống bất diệt cùng thời gian.

 * Cuộc đối mặt ngang trái. 


-Đó là cuộc gặp gỡ giữa hai loại tù nhân. Huấn Cao là tử tù, còn Quản ngục là kẻ bị tù chung thân. Bề ngoài, Quản ngục vẫn là một viên quan của cái triều đình thối nát, nhưng bên trong lại tôn thờ những giá trị cao quý, mà giá trị ấy lại thuộc về người chống đối triều đình, tương phản với triều đình mà quản ngục đem cả cuộc đời để phụng sự. Con người chức phận trói buộc, cầm tù con người khát vọng. Không phải ngẫu nhiên Nguyễn Tuân đã chọn một so sánh rất đẹp để viết về Quản ngục :"Trong hoàn cảnh đề lao, người ta sống bằng tàn nhẫn, lọc lừa, tính cách dịu dàng và lòng biết giá người, biết trọng người ngay của viên quan coi ngục này là một thanh âm trong trẻo chen và giữa một bản đàn mà nhạc luật đều hỗn độn xô bồ”. Ông ta bị cầm tù chính trong môi trường sống và làm việc của mình. Huấn Cao bị cầm tù về thân thể nhưng luôn tự do về nhân cách, tâm hồn; còn Quản ngục tự do về thân thể nhưng lại bị cầm tù về nhân cách.
 -Xét ở khía cạnh khác, đó là cuộc đối chứng giữa hai thứ nhà tù. Huấn Cao bị cầm tù trong cái nhà tù hữu hình. Còn Quản ngục bị cầm tù trong cái nhà tù vô hình. Điều này cũng dẫn đến một kết cục không kém phần oái oăm : thoát khỏi cái nhà tù hữu hình đã khó, nhưng thoát khỏi cái nhà tù vô hình còn khó hơn ; Quản ngục không cứu được Huấn Cao và cũng không tự cứu được mình, còn Huấn Cao chẳng những không cần giải cứu, mà trước khi ra pháp trường lại còn cứu được Quản Ngục. 
=>Tình huống truyện đặc sắc này đã đem đến cho tác phẩm “Chữ người tử tù” vẻ đẹp độc đáo, để lại nhẵng ấn tượng sâu đậm trong lòng người đọc.

 b. Diễn biến của tình huống. 

Sự chuyển biến trong quan hệ giữa Huấn Cao và Quản Ngục : quan hệ có phần đối địch nhường chỗ cho quan hệ tri kỉ hoàn toàn. Nhìn trong mạch truyện thì diễn biến này gắn liền với hai phiến trát mà Quản Ngục phải tiếp nhận (một phiến trát báo đón tử  tù vào nhà ngục, một phiến trát báo giải tử tù vào kinh chịu án chém) . Trước tiên là chuyển biến trong thái độ, về sau là trong hành động. 


-Ngay từ lúc đầu, Quản ngục vẫn có “một tấm lòng”, nhưng Huấn Cao chưa biết, chưa nhận ra. Tấm lòng ấy chính là "biệt nhỡn liên tài", nó bộc lộ chủ yếu ở tâm nguyện lớn này : vừa muốn biệt đãi, vừa muốn xin chữ Huấn Cao. Nhưng sở nguyện ấy, xem ra khó đạt được, vì Huấn Cao tuy có tài viết chữ đẹp, song lại “khoảnh”, nghĩa là rất khí khái. Ông chỉ cho chữ người nào là tri kỉ. Nên, người muốn có chữ Huấn Cao, trước hết phải là tri kỉ của ông. Trong khi đó, thái độ của Huấn Cao dành cho Quản Ngục là khinh bỉ không cần giấu giếm, vì bấy giờ ông mới chỉ coi Quản Ngục là một kẻ tiểu nhân làm nghề thất đức. Một người như thế làm sao có thể thành tri kỉ của Huấn Cao ? Thái độ đối nghịch của Huấn Cao đã tạo ra một vực sâu ngăn cách giữa họ.
 -Sau đó, Quan hệ đã hoàn toàn biến đổi. Nhận được phiến trát thứ hai, Quản ngục đã choáng váng : thế là con người cao quý mà ông cảm phục, ngưỡng mộ đã không thoát khỏi được cái chết, và thế là ông sẽ chẳng bao giờ có được chữ của Huấn Cao nữa rồi. Tình thế ấy buộc Quản ngục phải hành động gấp. Ông cần bày tỏ con người thật của mình cho Huấn Cao hiểu. Bằng cách nào ? Vì tâm nguyện lớn, Quản ngục bất chấp mối nghi ngại vây khốn bao năm, không còn nghĩ đến cảnh giác, giữ thân như trước đó nữa. Ông bày tỏ tất cả những tâm sự sâu kín trong lòng, niềm ao ước thầm lặng mà lớn lao. Thế là thoạt tiên tấm lòng chân thành của Quản ngục đã chinh phục được khoảng cách với viên thơ lại . Sau đó đã khiến cho huấn Cao xúc động: "Ta cảm cái tấm lòng biệt nhỡn liên tài của các người. Nào ta có biết một người như thầy Quản đây lại có sở nguyện cao quý như vậy. Thiếu chút nữa ta đã phụ mất một tấm lòng trong thiên hạ." Đúng là sự ân hận của Huấn Cao- nghĩa là rất chân thành nhưng cũng rất kiêu sang. Có thể nói, kể từ câu nói ấy, Quản ngục đã trở thành tri kỉ trong lòng Huấn Cao. Tấm lòng thuần khiết của Quản ngục đã xoá bỏ hoàn toàn vực sâu ngăn cách giữa hai nhân cách ấy. Thế là quan hệ có phần đối nghịch đã nhường chỗ cho một quan hệ tri kỉ hoàn toàn. Quản ngục cúi đầu trước Huấn Cao, mà Huấn Cao cũng cúi đầu trước Quản ngục. Cả hai đều cúi đầu trước những vẻ đẹp cao quý mà mình tôn thờ. 
 + Nhưng dầu sao đó mới chỉ ở trong thái độ. Sự đổi thay thực sự trong quan hệ phải được biểu hiện quyết định bằng hành động. Và Huấn Cao thuận cho chữ. Việc này cho ta thấy một diễn biến rất tinh vi và rất cao đẹp trong cơ chế tinh thần và tâm lí sáng tạo nghệ thuật. Từ xúc động lớn, Huấn Cao đã cho chữ. Từ niềm xúc động muộn mằn nhưng cũng kịp thời, cái Tâm và cái Tài đã chuyển hoá sang nhau khiến ông Huấn Cao phải cầm lấy bút mà viết như một việc đáp lại những nghĩa cử cao đẹp của Viên quản ngục. Đồng thời đây cũng là mối xúc động thẩm mĩ của con người nghệ sĩ Huấn Cao bởi bất ngờ đối diện với cái đẹp mà mình suốt đời tôn thờ, nó khiến ông phải cầm lấy bút để viết như một hành vi sáng tạo. Tức là, trong hưng phấn sáng tạo ấy, cái Tâm và cái Tài đang chuyển hoá sang nhau để sinh thành cái Đẹp. Và,như vậy, cái đẹp nghệ thuật (của những bức thư pháp đó) có ngọn nguồn từ cái đẹp của tình người. Cuối cùng. Cảnh cho chữ là tình tiết sau chót hoàn tất cuộc gặp gỡ oái oăm này. Đến đây mọi khía cạnh mới bộc lộ trọn vẹn. Nguyễn Tuân gọi đó là "cảnh tượng xưa nay chưa từng có". Lí do trước hết có lẽ thuộc về không gian và thời gian diễn ra cảnh cho chữ. Cho chữ vốn là cử chỉ văn hoá của những tao nhân mặc khách nên thường diễn ra ở những địa chỉ văn hoá, chẳng hạn thư phòng, thư sảnh, trà thất, xưởng họa… Còn ở đây nó lại diễn ra giữa nhà tù tối tăm bẩn thỉu "tường đầy mạng nhện, đất bừa bãi phân chuột phân gián, nền đất thì ẩm ướt đễn nỗi tàn lửa đóm rơi xuống đất nghe xèo xèo...".  Nghĩa là nơi ngự trị của Bóng Tối và Cái Ác - Nơi thù địch với Cái Đẹp. Thế mà Cái Đẹp lại chọn đúng chỗ thù địch với nó để diễn ra, để chào đời. Khía cạnh bất thường này đã phần nào chứa đựng một tinh thần nổi loạn.
 Về thời gian, cho chữ vốn là việc đường đường chính chính bạch nhật thanh thiên, ở đây lại diễn ra vào canh khuya (tối nay, lúc nào lính về trại nghỉ, bảo thầy Quản cầm lựa, mực, bút và một bó đuốc xuống đây ta cho chữ, đêm khuya lắm, chỉ còn có tiếng mõ quạnh quẽ trên vọng canh). Canh khuya có thể đã đem lại cho cảnh tượng một không khí bí mật và thiêng liêng? Đồng thời, đó lại cũng là những giờ khắc cuối cùng của Huấn Cao. Lẽ thường, ở vào thời điểm ấy, một người sắp lìa đời phải nói lời trăng trối với thân nhân, với bạn bè, hoặc chí ít cũn dành những giây phút quý báu cuối cùng đó để suy nghĩ về cuộc đời đã qua của mình.... Thế mà Huấn Cao lại dành những giây phút cuối cùng ấy vào việc cho chữ, việc sáng tạo những bức thư pháp. Bởi vậy, chẳng phải những bức thư pháp kia cũng chính là những con chữ thiêng, những di huấn, di chúc đặc biệt của một nhân cách cao đẹp gửi lại cuộc đời này hay sao ? Ngoài việc tặng lại những con chữ, những bức thư pháp mà Quản ngục đã ao ước, khao khát đến khổ sở bấy lâu nay, ông Huấn Cao còn tặng những lời khuyên chân thành, giàu ý nghĩa: "Ở đây lẫn lộn, ta khuyên thầy Quản nên thay chốn ở đi. Chỗ này không phải là nơi để treo một bức lụa trắng với những nét chữ vuông, tươi tắn, nó nói lên hoài bão tung hoành của ẩ một đời con người...Tôi bảo thực đấy, thầy Quản nên tìm về nhà quê mà ở đã, thầy hãy thoát khỏi cái nhà tù này đi đã thì hãy nghĩ đến chuyện chơi chữ. Ở đây, khó giữ thiên lương cho lành vững và rồi cũng đến nhem nhuốc mất cái đời lương thiện đi". Tư tưởng của ông Huấn Cao (và của chính tác giả Nguyễn Tuân) đã rõ quá rồi: cái đẹp có thể được ra đời từ nơi nhà tù, từ nơi bóng tối và tội ác ngự trị nhưng cái Đẹp không thể chung sống với cái xấu, cái ác. Và con người, để thưởng thức cái Đẹp, để xứng đáng với cái Đẹp, để tôn thược cái Đẹp thì phải có tấm lòng lương thiện, phải có một cái tâm thiện, tức là phải có thiên lương trong sáng. Là tri kỉ của Huấn Cao thì quản ngục tất phải là hiểu được niềm mong ước của ông Huấn.
 Tuy nhiên, điều quyết định nhất khiến nó được xem là "cảnh tượng xưa nay chưa từng có" hẳn phải là một sự đảo lộn ghê gớm trong vị thế các nhân vật ở đây. Có thể thấy ít nhất ba khía cạnh sau. Về quyền uy: Kẻ có quyền hành thì không có quyền uy (Quản ngục), uy quyền lại thuộc về người đã bị tước đi mọi thứ quyền, kể cả cái quyền tối thiểu là quyền sống (Huấn Cao). Về thái độ : kẻ không việc gì phải sợ thì "khúm núm sợ sệt" (Quản ngục), người đáng ra phải sợ thì lại "đường bệ ung dung " (theo lẽ thương thì phạm nhân phải sợ viên quan cai ngục chứ!). Về chức phận : Cai tù không giáo dục tội phạm, trái lại tội phạm lại đang giáo dục cai tù, trong khi đó cai tù lại đang lắng nghe một cách thành tâm, thành kính như nhận những lời chỉ giáo thiêng liêng của một bậc thầy về nhân cách. Đến đây, một câu hỏi đặt ra là : ai đã tạo nên sự đảo lộn này ? Huấn Cao chăng ? Không phải. Quản ngục chăng ? Càng không phải. Một cái gì đó còn lớn hơn những con người kia. Và câu trả lời là : Cái Đẹp. Họ đang sống theo tiếng gọi của Cái Đẹp. Họ đang đem những gì đẹp đẽ nhất cao cả, cao quý nhất để dành cho nhau. Họ không sống theo vị thế và chức phận mà thể chế kia định đoạt. Không còn ngục quan. Không còn tội phạm. Chỉ còn những người bạn những tri kỉ tri âm đang quy tụ quây quần xung quanh cái đẹp của tình người và nghệ thuật. Cái Đẹp đã phế bỏ cái trật tự mà xã hội sắp đặt ở chốn nhà tù để thiết lập một trật tự khác. Cái Đẹp đã đạp đổ cái nhà tù tăm tối ấy, không còn cai tù, không còn tử tù, chỉ còn có những người có cái tâm hướng về cái Đẹp. Trật tự phận vị đã được thay thế bằng trật tự nhân văn. Cảnh cho chữ thực là cảnh tượng đăng quang của Cái Đẹp. Có thể nói đó là cuộc nổi loạn của Cái Đẹp trong thế giới nhà tù. Thì ra cái Đẹp vẫn có uy quyền riêng của nó. Có người gọi Cái Đẹp Nguyễn Tuân là Cái Đẹp Nổi Loạn chính là như thế. 
Rõ ràng, cuộc gặp gỡ kì lạ, éo le giữ viên Quản ngục và Huấn Cao đã có một kết thúc bất ngờ, đầy tính nhân văn. Quản ngục thì bày tỏ được niềm ngưỡng mộ và có được chữ của Huấn Cao, đồng thời có được lối để vượt thoát ra khỏi tình trạng cầm tù chung thân của mình. Còn Huấn Cao, vào giờ phút chót của đời mình, lại bất ngờ được thấy một đoá hoa mai giữa thế giới ô trọc, lại được số phận ban tặng một tri kỉ nữa. "Sống trong đời, có được một tri kỉ, chết cũng thoả lòng", chẳng phải đó là niềm hạnh phúc vô song mà người xưa coi là điều lí tưởng đó ư ? 

3. Rút ra ý nghĩa tư tưởng

a. Tình huống ấy chứa đựng một quan niệm sâu sắc : Cái đẹp là bất diệt. Dù thực tại có hắc ám, tăm tối và bế tắc đến đâu cũng không tiêu diệt được cái Đẹp. Nó mãi mãi là một lí tưởng nhân văn cao cả của cõi người này. 


b. Tình huống như thế cũng chứa đựng một niềm tin mãnh liệt, rằng: Cái đẹp sẽ làm cho cuộc đời này trong sáng hơn, cái Đẹp dẫn dắt con người hướng heo ánh sáng của nó... 
                                               NGUYÊN HẠNH - ĐỒNG GIA