Dân chủ trực tiếp và dân chủ đại diện là gì

Quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân là một nguyên tắc cơ bản, được ghi nhận trong cả năm bản Hiến pháp. Đặc biệt, Hiến pháp năm 2013 tiếp tục khẳng định: Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam do Nhân dân làm chủ; tất cả quyền lực nhà nước thuộc về Nhân dân mà nền tảng là liên minh giữa giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức. Hình thức dân chủ trực tiếp là một trong những hình thức thể hiện quyền làm chủ của nhân dân. dân chủ luôn là ước vọng của mọi người, mọi dân tộc trong mọi thời đại.Qua bài phân tích sau đây tổng đài tư vấn Luật Quang Huy chúng tôi xin giải quyết về vấn đề: Phân tích hình thức dân chủ trực tiếp được thể hiện thông qua các quyền cơ bản của công dân trong Hiến pháp 2013.

Danh mục tài liệu tham khảo

  • Giáo trình luật Hiến pháp Việt Nam, Trường Đại học Luật Hà Nội, Nxb. CAND, Hà Nội, 2015.
  • Giáo trình luật hiến pháp Việt Nam, Khoa luật Đại học quốc gia Hà Nội, 2014.
  • Hiến pháp năm 2013.

Khái niệm dân chủ trực tiếp

Dân chủ trực tiếp là việc Nhân dân trực tiếp thực hiện quyền lực nhà nước.Tức là Nhân dân thể hiện một cách trực tiếp ý chí của mình [với tư cách là chủ thể quyền lực nhà nước] về một vấn đề nào đó mà không cần thông qua cá nhân hay tổ chức thay mặt mình và ý chí đó có ý nghĩa bắt buộc phải thi hành. Hình thức biểu hiện cụ thể của dân chủ trực tiếp như ứng cử, bầu cử Quốc hội, HĐND, thực hiện quy chế dân chủ cơ sở, trưng cầu dân ý Các cuộc đối thoại trực tiếp của nhân dân với cơ quan Nhà nước hiện nay cũng là hình thức biểu hiện của dân chủ trực tiếp.

hình thức dân chủ trực tiếp qua quyền cơ bản của công dân trong hiến pháp 2013

Các hình thức dân chủ trực tiếp được thể hiện thông qua các quyền cơ bản của công dân trong Hiến pháp 2013

Quyền tham gia quản lý nhà nước và xã hội

Điều 28, hiến pháp 2013 có nêu rõ. Công dân có quyền tham gia quản lý nhà nước xã hội, tham gia thảo luận kiến nghị với cơ quan nhà nước về các vấn đề của cơ sở địa phương và cả nước.

Nhà nước tạo điều kiện để công dân tham gia quản lý nhà nước và xã hội; công khai, minh bạch trong việc tiếp nhận, phản hồi ý kiến, kiến nghị của công dân.

Phân tích hình thức dân chủ trực tiếp được thể hiện thông qua các quyền cơ bản của công dân trong Hiến pháp 2013

Quyền tham gia quản lý nhà nước và xã hội của công dân thể hiện tính trực tiếp của quyền lực nhân dân trong đời sống quản lý. Để thực hiện quyền cơ bản này, pháp luật đã quy định những quyền và nghĩa vụ cụ thể của công dân trong các lĩnh vực khác nhau của quản lý hành chính nhà nước. Trước hết, đó là quyền tham gia thảo luận các vấn đề chung của cả nước và của địa phương, quyền kiến nghị với cơ quan nhà nước.

Trong thực tế, đây là hình thức đã trở thành thông lệ trong đời sống sinh hoạt chính trị ở xã hội ta. Mỗi khi quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước và xã hội, trước khi thông qua quyết định, Nhà nước thường tổ chức lấy ý kiến đóng góp của các tầng lớp nhân dân. Với hình thức này, nhân dân tự mình trực tiếp đóng góp ý kiến vào các chủ trương, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Bằng cách đó mà ý chí, trí tuệ của nhân dân ảnh hưởng đến các quyết định của Nhà nước.

Thực tiễn xác nhận đó là một kinh nghiệm, một hình thức dân chủ được Nhà nước ta thực hiện một cách nhất quán và có hiệu quả. Sau nữa, cùng với sự phát triển của xã hội, các quyền và nghĩa vụ của công dân ngày càng được tôn trọng và bảo đảm thực hiện một cách đầy đủ hơn.

Người dân được mở rộng quyền tham gia mạnh mẽ vào các quá trình ra quyết định, các hoạt động quản lý nhà nước nhằm đóng góp những ý kiến quan trọng cho việc xây dựng một xã hội dân chủ, công bằng, ổn định chính trị, phát triển kinh tế xã hội.

Người dân có thể tham gia xây dựng các chính sách, pháp luật thông qua đại biểu trong các cơ quan đại diện [Quốc hội, Hội đồng nhân dân], các tổ chức chính trị xã hội mà mình tham gia hoặc qua các phương tiện thông tin đại chúng. Nhưng người dân cũng có thể quyết định trực tiếp các vấn đề ở tầm quốc gia khi Nhà nước tổ chức trưng cầu dân ý, hoặc trực tiếp quyết định các vấn đề ở cơ sở theo quy định của pháp luật.

Sự tham gia của nhân dân được thực hiện trong toàn bộ quá trình xây dựng chính sách: từ các đề xuất sáng kiến ban đầu, đến việc tiến hành triển khai xây dựng, quyết định và thi hành chính sách.

Có thể nói, các phương thức, hình thức để người dân tham gia vào quá trình xây dựng luật pháp, chính sách, vào công việc quản lý của Nhà nước đã được quy định rất đa dạng, phong phú. Nó cho phép người dân có thể biểu đạt được ý chí, nguyện vọng của mình với các cơ quan nhà nước trong việc hình thành nên các chính sách, pháp luật cũng như việc quyết định và thi hành pháp luật.

Quyền được biểu quyết khi Nhà nước tổ chức trưng cầu ý dân.

Trưng cầu ý dân là việc Nhà nước tổ chức để công dân trực tiếp bỏ phiếu quyết định về những vấn đề quan trọng của đất nước .

Điều 29 Hiến pháp 2013 quy định:Công dân đủ mười tám tuổi trở lên có quyền biểu quyết khi Nhà nước tổ chức trưng cầu ý dân.

Quy định về số tuổi như vậy là hợp lí bởi người từ mười tám tuổi trở lên được coi là người thành niên, đã phát triển đầy đủ, hoàn thiện về thể chất, trí tuệ, tinh thần và tâm sinh lý; có đủ năng lực để thực hiện toàn diện quyền và nghĩa vụ công dân.

Trưng cầu ý dân được thực hiện trên phạm vi cả nước . Trưng cầu ý dân nhằm đề cao quyền lực của nhân dân , tăng cường khối đại đoàn dân tộc , tăng cường đồng thuận xã hội , bảo đảm để nhân dân trực tiếp thể hiện ý chí, nguyện vọng, sự đồng tình hay không đồng tình của mình lúc quyết định một vấn đề nào đó khi Nhà nước tổ chức trưng cầu ý dân. Hay nói cách khác, thông qua hình thức dân chủ này, người dân được trực tiếp tham gia vào việc hoạch định các chính sách, quyết sách lớn của đất nước [tham gia quản lý nhà nước]. Tuy nhiên cũng cần lưu ý rằng trưng cầu ý dân không chỉ được dùng để quyết định các vấn đề mang tính chất quy phạm, chính sách mà còn cả những vấn đề rất cụ thể.

Ở Việt Nam, về mặt pháp lý, theo Hiến pháp năm 2013 và Luật Tổ chức Quốc hội, Quốc hội là cơ quan duy nhất có quyền quyết định việc trưng cầu ý dân. Mặc dù về mặt nguyên lý, trưng cầu ý dân có nhiều ưu thế hơn so với các hình thức dân chủ đại diện nhưng trên thực tế công dân Việt Nam chưa có điều kiện sử dụng quyền này do chưa có những quy định cụ thể về nguyên tắc, đối tượng, nội dung, thủ tục tiến hành, đánh giá kết quả và giá trị của kết quả trưng cầu ý dân. Nếu như trong Hiến pháp 1946 quy định rõ những vấn đề phải được đưa ra toàn dân phúc quyết bao gồm những vấn đề liên quan đến vận mệnh quốc gia và sửa đổi Hiến pháp, thì những bản Hiến pháp sau này đã không đề cập tới những quy định này.

Mặc dù về mặt nguyên lý, trưng cầu ý dân có nhiều ưu thế hơn so với các hình thức dân chủ đại diện, nhưng về mặt thực tiễn, việc thực hiện nó có thể gặp rất nhiều phức tạp. Không phải ngẫu nhiên mà nhiều nhà nghiên cứu và nhiều chính khách còn lo ngại về việc thực hiện biện pháp này. Nhà nước ra quy định về trưng cầu dân ý, tuy nhiên lại không nêu rõ vấn đề nào sẽ được đưa ra trưng cầu dân ý. Trong điều kiện ở nước ta hiện nay, các điều kiện về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, trình độ chính trị pháp lý của nhân dân mặc dù, không phải là không có cơ sở để thực hiện, nhưng so với nhiều nước khác, rõ ràng cũng không phải là hoàn toàn thuận lợi.

Do đó, việc vừa làm, vừa tổng kết, rút kinh nghiệm, nghiên cứu những việc gì cần trưng cầu ý dân, những vấn đề gì không nên trưng cầu; điều kiện, hoàn cảnh nào thuận lợi và không thuận lợi cho việc trưng cầu; cách thức trưng cầu ra sao, đưa ra một phương án hỏi người dân đồng ý hay không không đồng ý hay đưa ra hai hoặc nhiều phương án để người dân lựa chọn; nếu không được đa số phiếu tán thành thì xử lý như thế nào là vô cùng cần thiết.

Quyền bầu cử, ứng cử của công dân

Quyền bầu cử và quyền ứng cử là các quyền dân chủ cơ bản của công dân trong lĩnh vực chính trị, thông qua đó, nhân dân thực thi hình thức trực tiếp ở từng địa phương và trong phạm vi cả nước.

Điều 27, Hiến pháp năm 2013 nêu rõ: Công dân đủ mười tám tuổi trở lên có quyền bầu cử và đủ hai mươi mốt tuổi trở lên có quyền ứng cử vào Quốc hội, Hội đồng nhân dân. Việc thực hiện các quyền này do luật định.

Quyền bầu cử là quyền cơ bản của công dân được Hiến pháp, pháp luật quy định nhằm bảo đảm cho mọi công dân có đủ điều kiện thực hiện việc lựa chọn người đại biểu của mình vào cơ quan quyền lực nhà nước. Quyền của công dân không tách rời nghĩa vụ của công dân.

Bầu cử là một thể chế dân chủ đã có từ lâu. Nhà nước ta là Nhà nước của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân. Nhân dân tổ chức ra Nhà nước bằng cách bầu ra các cơ quan quyền lực nhà nước. Thông qua bầu cử, nhân dân trực tiếp bỏ phiếu bầu người đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của mình, để thay mặt mình thực hiện quyền lực nhà nước, góp phần thiết lập ra bộ máy nhà nước để tiến hành các hoạt động quản lý xã hội.

Theo quy định của pháp luật, công dân nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam không phân biệt dân tộc, nam nữ, thành phần xã hội, tín ngưỡng, tôn giáo, trình độ văn hóa, nghề nghiệp, thời hạn cư trú, đủ mười tám tuổi trở lên đều có quyền bầu cử.

Quyền ứng cử đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân là quyền của công dân được trở thành ứng cử viên khi đáp ứng các tiêu chuẩn theo quy định của pháp luật. Quyền ứng cử bao gồm quyền được giới thiệu ứng cử và quyền tự ứng cử.

Trên cơ sở cơ cấu, thành phần và số lượng người của cơ quan, tổ chức, đơn vị được giới thiệu ứng cử theo phân bổ, cơ quan, tổ chức, đơn vị đó xem xét các tiêu chuẩn của người được ứng cử, sau khi lấy ý kiến nhận xét của cử tri tại hội nghị cử tri, giới thiệu người của tổ chức mình ứng cử và đưa vào danh sách hiệp thương. Công dân có thể tự ứng cử đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân nếu tự thấy mình có đủ tiêu chuẩn theo quy định của pháp luật, có điều kiện và nguyện vọng đóng góp trí tuệ cho đất nước.

Có thể nói, ở nước ta, quyền bầu cử, ứng cử được coi là quyền chính trị rất quan trọng, là vinh dự, trách nhiệm, nghĩa vụ của công dân. Công dân thực hiện quyền bầu cử, ứng cử một cách tự nguyện. Vì vậy, các cuộc bầu cử luôn có số cử tri tham gia rất đông. Hình thức ghi nhận quyền bầu cử của công dân là danh sách cử tri. Công dân có quyền bầu cử, cư trú thường xuyên hay tạm thời ở đâu đều được ghi tên vào danh sách cử tri ở nơi đó.

Để bảo đảm quyền bầu cử của công dân, pháp luật còn quy định thủ tục khiếu nại và xem xét, giải quyết khiếu nại về vấn đề này. Để tránh tùy tiện trong việc hạn chế quyền bầu cử của công dân, pháp luật quy định những trường hợp không được ghi tên vào danh sách cử tri, đó là: người đang bị tước quyền bầu cử theo bản án đã có hiệu lực; người đang chấp hành hình phạt tù; người đang bị tạm giam và người mất năng lực hành vi dân sự.

Công dân có quyền bãi nhiệm đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân.

Quyền bãi nhiệm của cử tri đối với đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân được ghi nhận tại khoản 2 Điều 7 Hiến pháp năm 2013: Đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân bị cử tri hoặc Quốc hội, Hội đồng nhân dân bãi nhiệm khi không còn xứng đáng với sự tín nhiệm của Nhân dân. trước hết phải khẳng định đây là một trong những quyền thể hiện quyền làm chủ trực tiếp của nhân dân cùng với quyền bầu cử. Nếu như bầu cử là hoạt động để nhân dân chọn ra người đại diện của mình vào các cơ quan nhà nước thì quyền bãi nhiệm lại là quyền để nhân dân loại đi những người không còn xứng đáng với sự tín nhiệm của mình nữa. Nhân dân có quyền bầu ra người đại diện cho ý chí, nguyện vọng của mình thì cũng có quyền bãi nhiệm họ khi họ không còn xứng đáng với lòng tin cũng như sự kì vọng của mình.

Đại biểu dân cử là những người do nhân dân trực tiếp bầu ra, vì thế Nhân dân có quyền giám sát hoạt động của họ với tư cách là những người đại diện cho ý chí, lợi ích, nguyện vọng của cử tri; giám sát năng lực, trách nhiệm thực hiện nhiệm vụ đại biểu cũng như thực hiện các chức vụ được giao; giám sát phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống của các đại biểu. Khi có các đại biểu không thể hiện được ý chí, lợi ích, nguyện vọng của cử tri, thiếu năng lực và trách nhiệm trong hoạt động đại biểu cũng như thực hiện chức năng, nhiệm vụ chuyên môn được giao, có vi phạm về phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống mà Nhân dân phát hiện ra, có ý kiến, thì phải có các thiết chế chính trị bảo đảm cho Nhân dân thực hiện quyền bãi nhiệm các đại biểu dân cử này một cách trực tiếp hay gián tiếp.

Như vậy, có thể khẳng định rằng, bãi nhiệm đại biểu dân cử là một trong những hình thức thực hiện quyền làm chủ của nhân dân. Nhân dân có thể trực tiếp thực hiện chế độ bãi nhiệm đại biểu dân cử hoặc thực hiện gián tiếp thông qua Quốc hội và Hội đồng nhân dân. Quyền bãi nhiệm xuất phát từ nguyên tắc quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân, quyền lực của nhân dân là tối thượng, là quyền lực

Như vậy, có thể thấy dân chủ trực tiếp là hình thức quan trọng để nhân dân thực hiện quyền lực của mình, có vai trò quan trọng trong nền dân chủ đương đại. Hiến pháp năm 2013 đã thể hiện đúng đắn quyền làm chủ của nhân dân đối với đất nước, tuy nhiên với hình thức trưng cầu dân ý thì cần được thể hiện rõ ràng hơn, các cơ quan nhà nước phải thực hiện đúng trách nhiệm của mình. Trình độ dân trí càng cao, điều kiện kinh tế, xã hội càng phát triển thì hình thức dân chủ sẽ được phát huy và sẽ là cơ sở cũng chắc để nhà nước xây dựng một nền dân chủ thực sự.

Trên đây là phần giải đáp thắc mắc của chúng tôi về vấn đề: hình thức dân chủ trực tiếp qua quyền cơ bản của công dân trong hiến pháp 2013. Nếu trong quá trình giải quyết còn gì thắc mắc bạn có thể liên hệ chúng tôi qua tổng đài tư vấn pháp luậtquaHOTLINE 19006588củaLuật Quang Huyđể được giải đáp.

Trân trọng./.

Video liên quan

Chủ Đề