Đánh giá cách học của người nước ngoài

Hôm nay là buổi học cuối cùng của khóa học tiếng Hà Lan trình độ 1 trên 4 của tôi ở Bỉ. Khóa học bắt đầu từ tháng 9 và kết thúc vào tháng 6 năm sau. Theo lịch trình, chúng tôi đến lớp để xem kết quả thi, nhận chứng chỉ, sau đó cùng đi nhà hàng ăn tối.

Cô giáo phát bài thi, điểm tổng cộng tôi được 91/100. Tôi rất hài lòng, dù hơi tiếc một chút vì đã không đọc kỹ yêu cầu của một bài nghe nên trả lời sai một cách vô lý. Tôi xin phép cô giáo giữ bài lâu hơn một chút để ghi chép lại thang điểm đánh giá. Từ ghi chép đó, tôi đã rút ra nhiều điểm khác biệt trong cách đánh giá việc học ngoại ngữ của nước ngoài và của các trung tâm ngoại ngữ ở nước ta.

Khi làm bài thi tôi đã để ý, môn Nghe có điểm tổng cộng 25; môn Đọc 20; môn Viết 20; và môn Nói 25. Thế nhưng, trong điểm cuối cùng để đánh giá tỷ lệ hoàn thiện chương trình khóa học thì môn Nghe chiếm 20/100 điểm; môn Đọc 10/100; môn Viết 20/100; và môn Nói 50/100. Ta thấy gì qua các con số ở đây? Rõ ràng tỷ trọng của môn Nói chiếm 50%, đóng vai trò quan trọng bằng tổng 3 môn còn lại. Điều này khác hẳn ở Việt Nam ta, các môn được đánh giá như nhau.

Tôi nhớ hồi tôi thi chứng chỉ A tiếng Đức của Trung tâm Ngoại ngữ Đại học Xã hội nhân văn TPHCM, nhiều bạn có điểm môn Nói rất cao 18, 19/20 và điểm trung bình 3 môn thi trên 16/20 nhưng không được xếp loại giỏi vì có 1 môn bị điểm 15/20.

Khi đánh giá kỹ năng Nói, người ta dựa trên 5 tiêu chí: sự rõ ràng trong ngữ nghĩa, ngữ pháp câu, phát âm, từ dùng và cách dùng từ, và tốc độ nói. Mỗi tiêu chí chiếm 5/25 điểm. Về mặt này thì chắc cũng giống ở Việt Nam thôi.

Tuy nhiên, cách thi và yêu cầu đề thi thì khác một trời một vực. Hồi tôi thi chứng chỉ A tiếng Pháp ở Trung tâm Ngoại ngữ Đại học Sư phạm TPHCM, thi môn Nói tôi bốc trúng câu hỏi yêu cầu trình bày về việc sắp xếp hành lý cho một chuyến đi nghỉ mát 5 ngày. Đến lúc thi chứng chỉ B, đề thi yêu cầu tôi nói về những ưu điểm và nhược điểm của việc thương mại hóa các môn thể thao! Thú thật là hồi đó ngồi chờ kết quả thi tôi chỉ nơm nớp lo phải thi lại môn Nói. May mắn là tôi đã không bị điểm 4 môn này, nhưng cả 2 lần đều chỉ được 5/10, và chứng chỉ thì luôn xếp loại trung bình.

Ở Bỉ không như thế, người ta không đánh giá kỹ năng nói ngoại ngữ của học sinh ở trình độ "vỡ lòng" bằng một bài thuyết trình về những vấn đề hết sức xa lạ kiểu như tôi vừa kể. Mà kỹ năng Nói được đánh giá qua đối thoại trực tiếp giữa giáo viên và học sinh về những vấn đề thiết thực trong đời sống hằng ngày, chẳng hạn như chào hỏi, nói chuyện và hẹn hò qua điện thoại, hỏi và chỉ đường, đến bưu điện, khiếu nại về món hàng quá date, hóa đơn tính tiền sai... Tôi thấy các kỳ thi chứng chỉ tiếng Đức của Đại học Xã hội nhân văn TPHCM có cách thi vấn đáp gần gần như vậy.

“Rõ ràng kỹ năng Nói là dùng để giao tiếp, nên kiểm tra nó không thể không gắn trong các hoàn cảnh giao tiếp và phải diễn ra một cách tự nhiên như người ta vẫn giao tiếp hằng ngày. Lúc thi môn Nói ở bên này, tôi là người cuối cùng của buổi thi hôm ấy. Bước vào phòng thi, tôi chào cô giáo và một cách hết sức tự nhiên tôi hỏi “Cô có mệt không?”. Tôi hỏi vậy là vì ngay sau khi chúng tôi thi xong môn Đọc và Viết thì cô bắt tay ngay vào môn vấn đáp.

Từ câu hỏi của tôi và câu trả lời của cô, giữa chúng tôi hình thành một bài hội thoại không có trong các câu hỏi thi. Tôi kể cho cô nghe về căn phòng ký túc xá mà tôi đang ở, những người bạn học chung, dự định của tôi khi trở về Việt Nam... Dĩ nhiên trong quá trình tôi nói và cô đặt câu hỏi, chúng tôi khéo léo sử dụng các điểm ngữ pháp quan trọng, các cấu trúc câu và từ vựng mà tôi đã được học.

"Cuộc chuyện trò" kéo dài quá nửa thời gian cho mỗi thí sinh, và cuối cùng cô đưa ra các câu hỏi đã chuẩn bị sẵn. Tôi được yêu cầu thử làm một khách hàng khiếu nại người chủ một máy bán nước giải khát tự động đã nuốt chửng tiền của tôi mà chẳng "bán" cho tôi lon Coca nào. Điều này cũng là "chuyện thường ngày" ấy mà!

Cô chấm tôi được 23.5/25 điểm phần thi này. Một điểm rưỡi tôi mất đi là do lỗi phát âm. Trong phần đánh giá cô ghi: "Ngữ âm Việt Nam phát âm không chuẩn xác tiếng Hà Lan". Thực ra thì tôi biết lỗi không phải do "ngữ âm Việt Nam" mà là giao tiếp bằng tiếng Hà Lan của tôi chưa đủ "mạnh" để lấn át các ngôn ngữ Anh, Pháp, Đức mà tôi sử dụng hoặc học nhiều hơn”.

Một điều khác nữa mà tôi thấy là mục tiêu học ngoại ngữ của những người ở bên này là để giao tiếp, chứ không như bên ta đôi khi học chỉ để có cái chứng chỉ lòe thiên hạ. Vì vậy, việc đánh giá cao kỹ năng nói cũng là một điều dễ hiểu. Nhưng chừng nào người học và người dạy ngoại ngữ bên ta còn chưa đặt đúng mục tiêu phổ quát của việc học và dạy ngoại ngữ, thì chuyện học ngoại ngữ 10 năm vẫn không nói được là điều gần như hiển nhiên.

Nghe tôi sẽ trở về Việt Nam vào tháng 10 năm nay, các bạn học cùng lớp rất ngạc nhiên hỏi vậy thì tôi học tiếng Hà Lan để làm gì. Tôi xác định rất rõ rằng sau này khi cần thiết tôi có thể tự học thêm tiếng Hà Lan ở Việt Nam dựa trên ngữ pháp căn bản và cách đọc mà tôi đã được học ở Bỉ.

Theo Thục Minh

Thanh Niên