Đọc sách Chẳng Ai Chết Đuối Trong Mồ Hôi Mà Chỉ Chết Chìm Trong Lười Biếng

Đã bao giờ bạn cảm thấy bản thân rất lười biếng, từ việc lớn như chuyện học, chuyện làm cho đến việc nhỏ như dọn dẹp phòng hay tập thể dục? Đừng lo, bạn không cô đơn đâu. Tác giả Joel Cohen của cuốn sách Chẳng ai chết đuối trong mồ hôi, mà chỉ chết chìm trong sự lười biếng cũng đã tự miêu tả bản thân là một người “mập, chậm và lười”. Và cuốn sách với giọng điệu hài hước, độc đáo đến thú vị này chính là hành trình quyết tâm thay đổi của tác giả; ẩn chứa bên trong là khát khao vươn lên, sự kiên trì và bền bỉ thay đổi đáng ngưỡng mộ.


[Mở đầu]

Vào năm 2013 , tôi đã thua trong cuộc chạy ma - ra - tông của thành phố New York. Tôi biết mình thua bởi một gã tên là Geoffrey Mutai đã thắng, mà tên tôi thì khác hẳn tên hắn. Nếu thông tin đó còn chưa đủ tính thuyết phục, thì xin nói thêm là anh ta đã về trước tôi đến 26.781 hạng lận. 

Tôi thất vọng vì mình đã về thứ 26.782, nhưng tôi còn đau khổ hơn khi biết mình chỉ kém vị trí thứ 26.781 có gần 1 giây. Chỉ gần 1 giây. Đúng một chớp mắt. Tôi đã tập luyện rất lâu, ép mình đạt được vị trí 26.781. Thế mà tôi lại để vuột mất nó. Đến giờ, điều đó vẫn còn ám ảnh tôi. 

Thật khó tin nổi là tôi đã chạy đường dài, bởi lẽ tôi là một kẻ lười chảy thây và mập ú. Tôi béo đến mức kể cả việc đánh máy cũng khiến tôi thở không ra hơi. Tôi quyết định chạy bộ và bắt đầu công cuộc chuyển mình ngoạn mục như loài bướm. Tôi, từ một kẻ lười chảy thây béo mập, trở thành một kẻ lười chảy thây đỡ mập hơn đã từng tham gia giải chạy bộ.

Đến tận bây giờ, tôi vẫn có thể vỗ ngực tự hào nói rằng mình còn đủ khỏe mạnh để gõ được vài câu trước khi thở không ra hơi. Có thể bạn nghĩ những chỗ xuống dòng này đơn giản là do cách trình bày, nhưng thực ra, chúng đang cứu vị tác giả mập lùn của các bạn khỏi cơn đau tim đấy. Tôi đang thấy ngực mình thắt lại đây này, tôi cần nghỉ một chút. Tệ thật. Tệ lắm ấy. 

Được rồi, tôi đã trở lại. Thật ngạc nhiên là tôi vẫn còn sống. Từ giờ cho đến khi tim tôi ngừng đập chắc chắn chuyện đó sẽ xảy ra – tôi sẽ cố gắng không lan man. Khi quyết định chạy bộ, tôi bắt đầu tìm kiếm và đọc các cuốn sách về lĩnh vực này. Cái sau thì dễ rồi – tôi đọc hiểu rất tốt, vượt trình luôn. Cái khó ở đây là tìm ra những cuốn sách bổ ích và cuốn hút với một kẻ chân ướt chân ráo như tôi. Có rất nhiều cuốn sách viết về những vận động viên chạy siêu việt dã thứ thiệt chất lừ và những vận động viên ba môn phối hợp [tôi đã nhanh chóng nhận ra mình chỉ là vận động viên một môn phối hợp đã giỏi lắm rồi], nhưng lại chẳng có cuốn sách nào dành cho một tay gà mờ – người có lẽ chẳng bao giờ hoàn thành nổi đường chạy ma - ra - tông chỉ trong chưa đầy 4 tiếng đồng hồ. Những người giống như bạn và tôi. 

CHÚ THÍCH: Tôi biết đoạn trên đã vơ bạn và tôi vào cùng một nắm, và tôi hoàn toàn thông cảm nếu bạn cảm thấy bị xúc phạm. Để giúp bạn nguôi ngoai phần nào, xin thưa rằng tôi cũng chẳng lấy làm vui vẻ gì khi phải dính líu đến bản thân mình. Nhưng thôi, dù gì thì ta cũng nên bỏ qua chuyện đấy đi. Chuyện đã rồi. Quên nó đi và đừng làm mọi thứ khó xử hơn nữa. 

Vậy là, cũng giống như kẻ không tìm mua được bánh kẹp ngon, nên đành phải mở hẳn một tiệm bánh, hoặc giống như ai đó không tìm ra cái kẹp giấy vừa vặn nên phải nhờ đến một tập đoàn thép quốc tế sản xuất riêng, tôi quyết định viết một cuốn sách về chạy bộ, cuốn sách mà tôi ước mình đã có mà đọc. Một động lực khác nữa thúc đẩy tôi hoàn thành cuốn sách này là để mang tới hy vọng cho những người muốn chạy đường dài mà lo mình không làm được. Xin nhắn gửi tới những người đó: Bạn có thể đấy. 

Tôi nhận ra rằng người ta thường có xu hướng tin mình có thể làm việc gì đó sau khi biết người khác đã làm được. Điều bất khả đột nhiên trở nên khả dĩ, thậm chí còn nằm trong tầm với. Tôi nghĩ đây cũng chính là lý do khiến nhiều diễn viên có anh chị em ruột cùng đi theo nghiệp diễn đến vậy. Cái ý tưởng điên rồ như trở thành một diễn viên cũng không đến nổi điên rồ lắm khi anh chị em bạn đã ở sẵn trong ngành. Tôi ngờ là Stephen Baldwin đã thấy anh trai Alec đóng phim và nghĩ: “Chà, mình cũng làm được đấy.” Đó là lý do công chúng chúng ta có thể đồng khởi kiện Alec Baldwin vì đã giải phóng Stephen đến với thế giới này. 

Con đường đến với sự nghiệp của tôi cũng thế. Tôi tin rằng mình có thể trở thành người viết kịch bản truyền hình bởi vì anh trai tôi đã làm nghề này trước tôi. Nghĩa là các bạn cũng có thể đồng khởi kiện anh trai tôi vì đã mở của giải phóng cho năng lực viết lách tồi tệ của tôi đến với xã hội. Nếu muốn tìm thêm người khởi kiện cùng, thì hãy tính cả tôi nhé. Bạn không biết tôi đã phải chịu đựng biết bao nhiêu đoạn văn dở tệ của chính mình đâu. 

Dù sao đi nữa, nếu bạn vẫn đang tiếp tục đọc và không biết bất kỳ ai từng chạy ma - ra - tông thì, chà, giờ bạn biết rồi đấy. Chính là tôi. Tôi đã chạy. Hãy tin tôi đi, đến tôi còn làm được thì bạn cũng sẽ làm được.

Trong cuốn sách này, tôi đã rất cố tránh [mà tôi rất hiếm khi cố gắng đấy nhé] chỉ đơn thuần viết về những gì tôi đã trải nghiệm để cho cái tôi được thỏa mãn. Nhiều tác giả đang khoe mẽ “Xem tôi đã làm được gì này!” trong cuốn sách viết về những việc đặc biệt họ làm được. Tôi không muốn cuốn sách này giống như thế. Bạn có thể nghĩ rằng tôi sẽ khéo léo hơn và che đậy việc khoe khoang dưới một lớp mạng dày như chì. Nhưng không phải đâu. Thật không thể tin nổi bạn lại nghĩ thế. 

Ý tôi ở đây là thay vì khoe khoang, tôi muốn thuật lại cách mà tôi – một gã lười biếng có nhiều cằm hơn cả cúp - đã thực sự chạy ma - ra - tông. 

Tôi muốn bạn tìm được cảm hứng từ sự lạc quẻ sâu sắc của tôi. Nếu thành công [thực ra ai cũng biết là không], tôi mong cuốn sách này gửi tới thông điệp “Xem tôi đã làm được gì, và giờ hãy tưởng tượng xem bạn có thể làm tốt hơn đến thế nào” thay vì câu “Xem tôi đã làm được gì này!”

Cuối cùng, trong quá trình kể lể chi tiết hành trình từ một kẻ không xem hết nổi phim “Người đàn ông chạy ma - ra - tông” cho tới kẻ đã suýt soát bò hết đường chạy, tôi sẽ cố nhấn mạnh vào những lời khuyên bổ ích mà tôi có được. Hãy nhớ rằng, những mẹo này hoàn toàn không phải là từ một vận động viên chạy bộ chuyên nghiệp hay một huấn luyện viên, nhưng biết đâu, chính vì thế mà chúng có ích. Đây là những điều nhỏ nhặt mà một kẻ chạy tay ngang [là tôi] đã nhìn thấy, cảm nhận, trải nghiệm và giờ vui vẻ chia sẻ lại với các bạn.

Cuốn sách này không dành cho những người đã chiến thắng trong một cuộc chạy đua ma - ra - tông. Quả thực, nếu tôi thấy anh Geoffrey Mutai tí tởn định đọc, tôi sẽ giật nó khỏi tay anh ta rồi bỏ chạy. Chắc chắn anh ta sẽ bắt được tôi thôi. Dù sao anh ta cũng là Geoffrey Mutai còn tôi thì mãi chỉ là tôi. Nhưng cho đến khi bị tóm, tôi sẽ tận hưởng từng khoảnh khắc trong 4 giây công lý ngọt ngào đó.

Giới thiệu thế đủ rồi. Giải thích cũng đủ rồi. Bạn cũng đã mượn/tải về một cách trái phép/vô tình ấn nhầm nút và mắc kẹt với cuốn sách này. dù lí do là gì thì cũng đã đến lúc tôi phải đưa ra những hiểu biết sâu sắc của kẻ đã hoàn thành cuộc đua ma - ra - tông năm 2013 của thành phố New York với vị trí thứ 26.782 và thua cuộc. Đúng thế, thua cuộc.


[Chương 1: Bản tự đánh giá vô cùng chân thật]

Mập, chậm và lười,

Chẳng hay ho gì để mà quảng cáo,

Buồn thay, đó lại là sự thật.

Tôi không nhanh nhẹn, lại còn lười biếng

Với hai vấn đề tên thì tôi chỉ muốn đối mặt với từng cái một thôi. Tôi quá lười để giải quyết cả hai cùng một lúc.

Ta cùng tìm hiểu sự lười biếng của tôi trước nhé. Tôi lười đến mức trước khi viết cuốn sách này, tôi đã tra Google xem “Một cuốn sách bắt buộc phải có bao nhiêu trang?” Hóa ra mức tối thiểu là bốn mươi ngàn từ. Cuốn sách này không đến bốn mươi ngàn từ đâu. Có khi cái các bạn  đang đọc chỉ là một ấn phẩm quảng cáo, một tờ rơi, hoặc một lời nhắn dài lê thê từ cái bánh may mắn cũng nên. Dù là gì đi nữa thì cái mà các bạn đang cầm trên tay cũng chắc chắn là sản phẩm của một kẻ lười.

Nếu các bạn chưa tin, tôi sẽ kể thêm về cái bàn chải điện của tôi. Đây là sản phẩm dành cho những người lười đến mức không buồn nhấc tay lên xoay vòng vòng trong 30 giây. Tôi đã mua nó để tránh sự tra tấn kể trên. Sau đó, khi nó hết điện, tôi còn không buồn rướn người đặt nó vào ổ sạc nữa. Sự lười biếng tột độ này chính là lí do mà giờ đây đêm nào bàn tay của tôi cũng phải chuyển động theo những hình tròn nhỏ trong 30 giây. Tôi lười biếng đến mức đã tự mình đánh răng để không phải sạc cái bàn chải điện.

Tôi cũng không được nhanh nhẹn cho lắm. Không hề luôn. Bản chất của tôi gần như đối lập hoàn toàn với từ “nhanh nhẹn”. [Giá như có từ ngược nghĩa với “nhanh nhẹn” thì tiện biết mấy].

Không phải lúc nào tôi cũng thế này. Cũng có thời tôi có thể tự nhận là mình “nhanh” cơ đấy. Chính xác là hồi bé, tôi còn là người chạy nhanh nhất lớp tiểu học cơ. 

Phần này có tên là "Bản tự đánh giá vô cùng chân thật” nên tôi sẽ thẳng thắn nói luôn: Lớp cấp 1 của tôi chỉ có 6 người - 4 nam và 2 nữ. Chắc các bạn đang nghĩ “Sao lớp lại có ít học sinh như thế?" Rồi bây giờ, khi được biết trường tiểu học của tôi là một trường tiếng Yiddish [1 loại ngôn ngữ gốc Do Thái] ở Calgary, Canada, chắc hẳn các bạn sẽ nghĩ “Họ tìm được tận 6 học sinh cơ á?” 

Dù là đứa chạy rất nhanh trong lớp học bé xíu của trường I. L. Peretz, tôi cũng không thể trốn tránh sự thật mãi. Danh sách các vận động viên Canada nói tiếng Yiddish khá dài và đặc biệt, nhưng tôi nhận ra mình không thể gia nhập hàng ngũ danh giá của Gordy Abramowitz “Sấm Sét” và Doug Mendelson “Tia Chớp” vĩ đại. 

Tôi thức tỉnh khi rời khỏi ngôi trường Do Thái nhỏ bé này và bước vào hệ thống giáo dục công năm lớp 7. Tại trường trung học John Vare, tôi tham gia thi vào đội điền kinh để rồi phải ra về một cách bẽ bàng. Hình như khi ta không còn ở trong một lớp học 6 người, mà phụ huynh của cả 6 đều tin rằng tiếng Yiddish là công cụ cần thiết để thành công trong Thế kỷ XX, các cuộc thi điên kinh trở nên tàn khốc hơn biết bao . 

Buổi tập chạy đầu tiên ở trường John Ware đã cho tôi có hội ngắm nghía tấm lưng của các bạn học mới khi họ cứ lần lượt vượt lên phía trước. Tôi cũng đã có cơ hội ngắm họ từ góc nghiêng khi họ phóng qua tôi lần hai. Sau đó, tôi lại được ngắm chính diện khi họ chạy qua tôi lần thứ ba và thứ tư. Rõ ràng tôi là một kẻ chạy chậm. Tính toàn bộ số lần tôi ngắm nhìn các bạn chạy, thì có lẽ tôi giống một kẻ đeo bám người khác. Ở trường Peretz, tôi đã ngỡ mình là con thỏ bị lũ chó săn rượt đuổi trên đường đua. Còn tại đây, tôi nhận ra mình chỉ là gã cầm xẻng chạy theo dọn phân cho chúng khi cuộc đua kết thúc mà thôi. 

Khi đã chấp nhận rằng mình không có tố chất chạy bộ, tôi bắt đầu tìm thêm các môn thể thao khác mà tôi không có năng khiếu. Thật may là tôi cũng tìm ra kha khá. Bóng rổ à – Tệ hại! Bóng đá - Dưới trung bình! Jai - Alai – Chưa chơi bao giờ, nhưng có cá cược một lần ở Tijuana trước khi nhận ra kết quả đã được dàn xếp. Đúng vậy, tôi dở luôn cả việc cá cược 

thể thao. 

Trừ một mùa bóng chày thiếu nhi nhạt nhòa năm nọ , thì môn thể thao có tổ chức duy nhất mà tôi từng tham gia và đến giờ vẫn chơi thường xuyên chính là khúc côn cầu trên băng. “Môn thể thao có tổ chức” ở đây là một giải đấu bắt đầu từ 10:30 tối Chủ nhật và kết thúc vào sáng thứ Hai. Để các bạn dễ hình dung hơn về chất lượng trận đấu, tôi xin được chia sẻ là đội bóng của tôi có xuất phát điểm ở hạng bạc. Sau đó , đội bị hạ xuống hạng đồng. Giờ đây, giải đấu đang sốt sắng đi tìm thứ kim loại kém giá trị hơn đồng [mà tôi đồ là thiếc hoặc sắt gỉ] để có thể tạo ra thứ hạng mới cho chúng tôi. 

Mặc dù tham gia thường xuyên, nhưng tôi vẫn chơi dở ẹc. Tôi đã chơi môn này hơn 40 năm rồi, nhưng đỉnh cao duy nhất tôi đạt được chỉ là lần đầu tiên tôi đeo ván trượt vào chân. Là một công dân Canada yêu nước, việc chơi thậm tệ môn khúc côn cầu quả là một chuyện chẳng hay ho gì. Thậm chí đến giờ, tôi vẫn phải cố giấu việc mình là người Canada khi chơi bóng tại Los Angeles. Tôi không muốn người ta nghĩ xấu cho quê hương tôi chỉ vì khả năng khúc côn cầu kém cỏi của mình. Về mặt tinh thần, đây là một hành động yêu nước. Không biết đã có ai từng nhận Huân chương Canada vì chối bỏ mình là người Canada chưa, nhưng trường hợp của tôi sẽ khiến chính quyền cân nhắc cẩn thận. Làm ơn gửi thư cho Nghị sĩ của ban đi.

Tôi thích khúc côn cầu, vì thế tôi vẫn tham gia chơi dù không giỏi. Tôi biết mình chơi tệ, nhưng tôi thích ra sân và khiến mọi chuyện tệ hơn. Ngoài ra thì tôi cũng hơi háo thắng nữa. Tôi không phải kiểu người háo thắng điên cuồng mà ai cũng biết và kỳ thị, nhưng tôi háo thắng đủ để nỗ lực hết mình. Các đồng đội của tôi ở đội Sấm Sét Los Angeles chắc sẽ không tin rằng tôi rất cố gắng đâu, nhưng sự thật là thế. Tôi biết mình không giải thể thao. Thế nhưng tôi vẫn yêu nó. Tôi yêu thể thao nhiều như tôi ghét tập thể dục. Tôi chỉ tập thể dục khi chơi thể thao, bởi vì tính cạnh tranh khiến nỗ lực thể xác của tôi đáng giá hơn. Sự đối lập rất phi lý này giải thích [hoặc là không] cho quyết định của tôi hồi mùa thu năm 2012.


[Lời kết]

Cuốn sách nói về quá trình tập chạy của tác giả, nhưng bài học ẩn bên dưới về giá trị của sự nỗ lực, đánh bại lười biếng là vô cùng giá trị. Cuốn sách Chẳng ai chết đuối trong mồ hôi, mà chỉ chết chìm trong sự lười biếng của Joel Cohen - một cuốn sách ngắn, dễ đọc với nhiều hình minh họa hài hước - sẽ là một sự lựa chọn không tồi nếu bạn muốn thư giãn sau một ngày làm việc căng thẳng.


Review chi tiết bởi: Dương Đỗ - Bookademy

Hình ảnh: Dương Đỗ - Bookademy

--------------------------------------------------

Theo dõi fanpage của Bookademy để cập nhật các thông tin thú vị về sách tại link: //www.facebook.com/bookademy.vn

[*] Bản quyền bài viết thuộc về Bookademy - Ybox. Khi chia sẻ hoặc đăng tải lại, vui lòng trích dẫn nguồn đầy đủ "Tên tác giả - Bookademy." Các bài viết trích nguồn không đầy đủ cú pháp đều không được chấp nhận và phải gỡ bỏ.


157 người xem

Video liên quan

Chủ Đề