Dự án phát triển kinh tế tại thanh hóa năm 2024

Quy hoạch tỉnh Thanh Hóa thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 đưa ra quan điểm phát huy vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng và tiềm năng khác biệt, lợi thế cạnh tranh của tỉnh để phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững, phát triển hài hòa, cân đối giữa các vùng, miền, nhất là vùng đồng bằng và ven biển với vùng miền núi, giữa thành thị với nông thôn; giải quyết tốt mối quan hệ giữa phát triển nhanh với phát triển bền vững, giữa phát triển hợp lý theo chiều rộng với phát triển theo chiều sâu, trong đó phát triển theo chiều sâu là chủ đạo; đưa Thanh Hóa trở thành một cực tăng trưởng mới, cùng với Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh tạo thành tứ giác phát triển ở phía Bắc của Tổ quốc.

Quan điểm là tỉnh Thanh Hóa sẽ tự lực, tự cường, đổi mới sáng tạo, thu hút nhân tài, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và năng lực hội nhập kinh tế quốc tế; thực hiện chuyển đổi số, lấy chính quyền số làm động lực để phát triển kinh tế số, xã hội số, tạo đột phá trong cải cách hành chính và cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Bố trí không gian phát triển các ngành, lĩnh vực bảo đảm hài hòa, sử dụng hợp lý các nguồn lực cho phát triển, chú trọng đến phát triển kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh, phù hợp với khả năng đáp ứng về kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội để nâng cao chất lượng tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế…

Mục tiêu là đến năm 2030, phấn đấu đưa Thanh Hóa trở thành một trong những trung tâm lớn của khu vực và cả nước về công nghiệp nặng, công nghiệp năng lượng, chế biến, chế tạo; nông nghiệp quy mô lớn, giá trị gia tăng cao; dịch vụ logistics, du lịch, giáo dục và đào tạo, y tế chuyên sâu, văn hóa và thể thao.

Đến năm 2025, Thanh Hóa trong nhóm các tỉnh dẫn đầu cả nước - một cực tăng trưởng mới, có nền kinh tế phát triển nhanh và bền vững, cùng với Hà Nội, Hải Phòng và Quảng Ninh tạo thành tứ giác phát triển ở phía Bắc của Tổ quốc; đến năm 2030 trở thành tỉnh công nghiệp hiện đại, người dân có mức sống cao hơn bình quân cả nước; quốc phòng, an ninh đảm bảo vững chắc; giữ vững ốn định trật tự an toàn xã hội.

Đến năm 2045, Thanh Hóa trở thành tỉnh giàu đẹp, văn minh và hiện đại; tỉnh phát triển toàn diện và kiểu mẫu của cả nước; phát triển tỉnh Thanh Hóa theo mô hình tăng trưởng kinh tế dựa trên nền tảng kinh tế số, kinh tế trí thức, sáng tạo với nguồn nhân lực chất lượng cao; ngành công nghiệp có hàm lượng công nghệ, giá trị gia tăng cao, thân thiện với môi trường; hạ tầng các ngành dịch vụ hiện đại, kết nối đồng bộ với hạ tầng quốc gia và các nước trong khu vực; ngành nông nghiệp tiên tiến, hiện đại, sản phẩm an toàn; hệ thống kết cấu hạ tầng thông minh tương thích công dân thông minh.

Về kinh tế, Thanh Hóa phấn đấu tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn [GRDP] giai đoạn 2021 - 2030 đạt 10,1% trở lên. Đến năm 2030, nông, lâm nghiệp, thủy sản chiếm 5,1%; công nghiệp - xây dựng chiếm 57%; dịch vụ chiếm 33,3%; thuế sản phẩm chiếm 4,6%. GRDP bình quân đầu người đến năm 2025 đạt khoảng 4.200 USD trở lên; năm 2030 đạt 7.850 USD trở lên.

Thanh Hóa trở thành trung tâm lớn của cả nước về công nghiệp chế biến, chế tạo

Phương hướng phát triển ngành công nghiệp chế biến, chế tạo là phát triển Thanh Hóa trở thành một trong những trung tâm lớn của vùng Bẳc Trung Bộ và cả nước về công nghiệp chế biến, chế tạo, làm nền tảng chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Tập trung ưu tiên phát triển các ngành công nghiệp có thế mạnh, có lợi thế cạnh tranh, có giá trị và có năng suất cao.

Cơ cấu lại ngành nông nghiệp, trọng tâm là phát triển các mô hình trồng trọt và chăn nuôi quy mô lớn, giá trị gia tăng cao, có sự liên kết chặt chẽ với chuỗi giá trị chế biến thực phẩm để nâng cao hiệu quả sản xuất, ứng dụng công nghệ cao, công nghệ hữu cơ vào các hoạt động nông nghiệp để nâng cao hiệu quả sử dụng đất, tăng năng suất cây trồng, vật nuôi và năng suất lao động.

Thanh Hóa trở thành trung tâm lớn về du lịch

Về du lịch, đến năm 2030, Thanh Hóa trở thành một trong các trung tâm lớn về du lịch của cả nước với các sản phẩm du lịch có chất lượng cao, khẳng định thương hiệu và khả năng cạnh tranh; tập trung phát triển du lịch trên ba loại hình du lịch chính là du lịch biển, du lịch sinh thái cộng đồng; du lịch tìm hiểu văn hóa, lịch sử.

Trong đó, du lịch biển quy hoạch tập trung tại các huyện ven biển, trọng tâm là đô thị du lịch biển Sầm Sơn, khu du lịch Hải Tiến, Hoằng Trường [Hoằng Hóa], khu du lịch Hải Hòa [thị xã Nghi Sơn] và khu vực ven biển huyện Quảng Xương; phát triển các sản phẩm du lịch khám phá biển đảo tại khu vực đảo Hòn Nẹ và Hòn Mê; du lịch khám phá đáy biển và các loại hình dịch vụ du lịch kết hợp khác như nghỉ dưỡng, hội nghị, hội thảo...

Thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 22/10/2018 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về “Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” trong 5 năm qua Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã chỉ đạo 6 huyện, thị xã, thành phố ven biển cụ thể hóa các chương trình, đề án, cơ chế, chính sách để phát triển bền vững kinh tế biển.

Xã đảo Nghi Sơn [thị xã Nghi Sơn] vừa nuôi trồng thủy sản, khai thác hải sản và phát triển du lịch thúc đẩy kinh tế biển.

Là địa phương ven biển, những năm qua Đảng bộ, chính quyền phường Quảng Tiến [TP Sầm Sơn] xác định phát triển kinh tế biển là ngành mũi nhọn, có vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Đảng ủy và UBND phường luôn quan tâm đẩy mạnh phát triển ngành thủy sản theo hướng sản xuất hàng hóa, tổ chức lại sản xuất và năng lực khai thác xa bờ, điều chỉnh cơ cấu phương tiện tăng cường phát triển tàu thuyền đánh bắt xa bờ với công suất lớn có trang thiết bị hiện đại cho phù hợp với nguồn lợi thủy sản và ngư trường khai thác, tạo điều kiện cho ngư dân tiếp cận vay vốn từ ngân hàng để đầu tư mua sắm phương tiện hiện đại, khuyến khích ngư dân sử dụng các ngư lưới cụ phù hợp để khai thác đánh bắt hải sản đạt hiệu quả cao hơn. UBND phường đã tổ chức nhiều hội nghị thảo luận, tuyên truyền, vận động Nhân dân rà soát lại tàu cá, lực lượng lao động nghề cá, cải cách mô hình quản lý. Đến nay, toàn phường có 162 phương tiện đánh bắt hải sản các loại với gần 1.000 lao động trực tiếp và gián tiếp theo nghề biển. Song song với hoạt động khai thác, dịch vụ hậu cần nghề cá cũng từng bước được chú trọng. Toàn phường có 6 nhà máy cấp đông với sức chứa 3.000 tấn, 1 công ty chế biến bột cá; hàng chục cơ sở thu mua hấp sấy cá, chế biến nước mắm...

Với đường bờ biển biển dài 42km, trong những năm gần đây cấp ủy, chính quyền thị xã Nghi Sơn đã tập trung đánh thức tiềm năng thế mạnh trong phát triển kinh tế biển để làm giàu từ biển. Để phát triển kinh tế biển, UBND thị xã Nghi Sơn đã tập trung chỉ đạo các phòng, đơn vị chuyên môn phối hợp với UBND các xã, phường ven biển tuyên truyền, phổ biến, vận động, hướng dẫn ngư dân, chủ tàu cá thực hiện các quy định của Luật Thủy sản, chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định [IUU], đảm bảo đầy đủ trang thiết bị, thủ tục giấy tờ khi đi khai thác...

TP Sầm Sơn ngày càng được đầu tư hiện đại, thúc đẩy phát triển du lịch biển. Ảnh: Minh Hiếu

Các cấp ủy, chính quyền, đoàn thể đã tập trung cho công tác lãnh đạo, chỉ đạo, tuyên truyền, vận động ngư dân vươn khơi bám biển và phát triển chế biến thủy sản và dịch vụ hậu cần nghề cá... Hiện nay, trên địa bàn thị xã có 45 công ty, 231 cơ sở chế biến thủy sản, nhiều công ty chế biến thủy sản với công suất trên 15.000 tấn nguyên liệu/năm... Cùng với đó, UBND thị xã đã tập trung chỉ đạo phát triển nghề truyền thống xây dựng thương hiệu nước mắm Do Xuyên - Ba Làng; đăng ký sản phẩm OCOP gồm nước mắm cốt cá cơm, mắm tôm, mắm tép Vị Thanh [phường Hải Bình], nước mắm thượng hạng, mắm tôm đặc biệt, mắm tép đặc biệt Tác Huy [phường Hải Thanh], nước mắm cốt cá cơm, mắm tôm Tĩnh Gia - hảo hạng, mắm tép Tĩnh Gia - đặc biệt [phường Ninh Hải]. Nghề chế biến đã giải quyết việc làm cho trên 7.000 lao động. Với lợi thế là địa phương có chiều dài bờ biển, trong những năm gần đây thị xã Nghi Sơn đã huy động các nguồn lực để phát triển du lịch biển, cơ sở hạ tầng được đầu tư, nhiều khu nghỉ dưỡng du lịch được các doanh nghiệp đầu tư tạo điểm nhấn thu hút du khách, như bãi biển Khu Du lịch Hải Hòa, Khu Du lịch sinh thái đảo Nghi Sơn. Các khu, điểm du lịch mới trên địa bàn cũng được triển khai xây dựng như Khu Du lịch sinh thái biển Tân Dân...

5 năm qua, Tỉnh ủy Thanh Hóa đã ban hành Chương trình hành động, quán triệt, triển khai sâu rộng đến các cấp ủy đảng, chính quyền, cán bộ, đảng viên và Nhân dân, từ đó nâng cao nhận thức về ý nghĩa, tầm quan trọng của Chiến lược phát triển kinh tế biển, tạo sự quyết tâm trong hành động. Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội vùng ven biển và hải đảo được quan tâm đầu tư xây dựng đồng bộ, mạng lưới giao thông kết nối liên vùng đi qua địa bàn các huyện, thị xã, thành phố ven biển, như: Tuyến đường bộ ven biển đoạn từ TP Sầm Sơn đi Quảng Xương; đường từ Quốc lộ 1A đến điểm đầu tuyến đường Đông Tây 4 đi Cảng Nghi Sơn thuộc tuyến đường từ Quốc lộ 1A đi Cảng Nghi Sơn... Về hạ tầng du lịch biển, Tỉnh ủy đã và đang chỉ đạo các cấp ủy, chính quyền các địa phương ven biển thu hút các dự án đầu tư hạ tầng du lịch biển tại TP Sầm Sơn, thị xã Nghi Sơn, huyện Hoằng Hóa, Quảng Xương... Hiện nay, các khu du lịch biển trên địa bàn tỉnh có khoảng 750 cơ sở lưu trú với 34.900 phòng lưu trú.

Người dân phường Hải Bình [thị xã Nghi Sơn] thu mua thủy sản sau khi các tàu đánh bắt trên biển cập bến. Ảnh: Minh Hiếu

Là 1 trong 8 khu kinh tể ven biển trọng điểm của cả nước, những năm qua Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã tập trung đầu tư, kêu gọi, thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào Khu Kinh tế Nghi Sơn. Hiện tại Khu Kinh tế Nghi Sơn đã có 306 dự án đầu tư trong nước với tổng số vốn đăng ký đầu tư là 158.920 tỷ đồng, vốn thực hiện đạt 73.968 tỷ đồng và 25 dự án đầu tư nước ngoài với tổng vốn đăng ký đầu tư là 12,827 tỷ USD, vốn thực hiện đạt 12,701 tỷ USD, giải quyết việc làm cho khoảng 30.000 lao động.

Phát huy những kết quả đạt được trong việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 22/10/2018 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về “Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”, Tỉnh ủy Thanh Hóa tiếp tục tập trung chỉ đạo UBND tỉnh và các cấp ủy, chính quyền địa phương ven biển quan tâm xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội khu vực ven biển; khai thác tốt các tiềm năng, thế mạnh vùng ven biển, bảo vệ môi trường biển. Cùng với đó xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh Nhân dân, bảo vệ vững chắc biển đảo quê hương.

Chủ Đề