Dù cho sắp đến cuối con đường chúng ta cũng phải sống với tất cả những gì tốt đẹp nhất của mình

Câu 2

Cảm nhận về tư tưởng Đất nước của Nhân dân trong đoạn trích

a. Đảm bảo cấu trúc bài văn nghị luận: có đủ các phần mở bài, thân bài, kết bài.

b. Xác định đúng vấn đề cần nghị luận: đoạn cuối phần 2 của bài thơ.

c. Triển khai vấn đề nghị luận thành các luận điểm; vận dụng tốt các thao tác lập luận; kết hợp chặt chẽ giữa lí lẽ và dẫn chứng;

Học sinh có thể giải quyết vấn đề theo hướng sau:

* Giới thiệu tác giả, tác phẩm và đoạn trích:

+ Nguyễn Khoa Điềm thuộc thế hệ nhà thơ trẻ trong những năm kháng chiến chống Mĩ. Thơ ông thể hiện cảm xúc và suy tư sâu lắng của người trí thức về đất nước, con người Việt Nam.

+ Trường ca “Mặt đường khát vọng viết về sự thức tỉnh của tuổi trẻ đô thị vùng tạm chiếm miền Nam ý thức non sông đất nước, về sứ mệnh của thế hệ mình, xuống đường đấu tranh chống đế quốc Mĩ xâm lược. Đoạn trích “Đất Nước” trích từ chương V của bản trường ca là một trong những đọan thơ hay nhất về đề tài đất nước trong thơ Việt Nam hiện đại.

+ Đoạn thơ sau đây, thể hiện tư tưởng “Đất Nước của Nhân dân” …

* Phân tích đoạn thơ

1. Khái quát chung:

"Hỡi sông Hồng tiếng hát bốn nghìn năm

Tổ Quốc bao giờ đẹp thế này chăng?”

[Chế Lan Viên]

Đất Nước là một đề tài muôn thuở của thơ ca và nghệ thuật. Hình hài Đất Nước cũng được tạc thành nhiều vẻ đẹp khác nhau từ những góc nhìn khác nhau. Tố Hữu thấy Đất Nước trong bóng dáng người anh hùng, người Mẹ. Chế Lan Viên tìm thấy hình tượng Đất Nước qua những trang sử hào hùng, Nguyễn Đình Thi cảm nhận Đất Nước ở những đường nét hoành tráng còn Nguyễn Khoa Điềm, một nhà thơ chống Mỹ lại tìm vẻ đẹp của Đất Nước trong chiều sâu văn hóa, phong tục mang đậm dấu ấn tư tưởng “Đất Nước của nhân dân”. Chiều sâu tư tưởng ấy đã thể hiện sâu sắc qua đoạn thơ trên.

2. Tác giả ngợi ca vai trò lịch sử của Nhân dân trong sự nghiệp dựng nước và giữ nước.

a. Tư tưởng Đất nước của nhân dân bởi vì nhân dân là người đã bảo vệ, giữ gìn đất nước:

- Nhà thơ mong muốn thế hệ hôm nay đừng bao giờ quên cội nguồn, đừng đánh mất quá khứ, bởi cớ quá khứ mới có hiện tai và tương lai. Vì thế nhà thơ khuyên chúng ta hãy cùng nhìn lại nhìn vào qua khứ:

“Em ơi em… Đất nước”

Cách dùng đại từ em cùng thán từ ơi tạo cho bài thơ có sự lắng đọng, như một lời thủ thỉ tâm tình của tác giả. Lịch sử nước ta là lịch sử cuả 4000 năm – dù đau thương nhưng cũng rất hào hùng. Quá khứ đó là quá khứ của những năm tháng chiến tranh, nhìn về quá khư để thấy được“Năm tháng… cùng con”. Đó là những năm tháng mà người người lớp lớp bất kể già trẻ, gái trai cũng luôn vừa cần cù lao động vừa đánh giặc cứu nước, bất chấp hi sinh gian khổ. Đó là những con nguời, người chồng, người vợ sẵn sàng hi sinh những tình cảm riêng tư của mình như tình yêu, tình vợ chồng để lên đường bảo vệ Tổ quốc.

- Những câu thơ “Ngày giặc… Đất nước” khái quát thật sâu sắc tinh tế tư tưởng Đất Nước của nhân dân

+ Câu thơ “Ngày giặc đến nhà…” gợi nhắc đến những người phụ nữ anh hùng đã đi vào lịch sử dân tộc như bà Trưng, bà Triệu… thể hiện niềm tự hào về công cuộc chống ngoại xâm cũng như tinh thần bất khuất không hề khuất phục trước bất kì kẻ thù nào.

+ Và trong cái chiều dài lịch sử dân tộc ấy, có biết bao người giống như lớp tuổi chúng ta bây giờ, họ đã sống và chết cũng như cống hiến một cách giản dị, bình tâm nhất, dù không ai nhớ mặt đặt tên… Nhưng chỉ cần Tổ Quốc lên tiếng, họ vẫn nguyện gác việc riêng tư, công hiến xương máu hiến dâng cho Tổ Quốc. Họ chính là người “đã làm ra Đất Nước”.

b. Trong sự nghiệp dựng nước, nhân dân là những người kiến tạo và bảo tồn những giá trị văn hóa, tinh thần của dân tộc.

Họ giữ và truyền cho ta hạt lúa ta trồng

Họ chuyền lửa qua mỗi nhà, từ hòn than qua con cúi

Họ truyền giọng điệu mình cho con tập nói

Họ gánh theo tên xã, tên làng trong mỗi chuyến di dân

Họ đắp đập be bờ cho người sau trồng cây hái trái

- Tác giả đã khẳng định: nhân dân là những con người bé nhỏ, bình thường trong xã hội nhưng chính họ làm nên Đất Nước.

- Qua câu thơ “Họ giữ và truyền cho ta hạt lúa ta trồng", tác giả ca ngợi nhân dân đã để lại cho con cháu nghề trồng lúa - một nghề tiêu biểu cho sự trường tồn của dân tộc Việt Nam mà từ đó tạo ra cả một nền văn minh cho đất nước. Hai động từ “giữ” và “truyền” thể hiện ý thức tự nguyện tự giác của người dân trong việc gìn giữ và bảo tồn nguyên vẹn một nghề truyền thống của dân tộc. Câu thơ là lời nhắc nhở về đạo lý “Uống nước nhớ nguồn ”.

- Ở câu thơ “Họ chuyền lửa qua mỗi nhà, từ hòn than qua con cúi”, nhà thơ tiếp tục đề cao vai trò to lớn của nhân dân trong việc giữ lửa để góp phần làm cho cuộc sống ngày một phát triển, văn minh. Hành động “chuyền lửa” giữ lửa qua “hòn than”, qua “con cúi” thật bình dị nhưng là một bước tìm tòi, khám phá mà phải trải qua hàng mấy ngàn năm dân ta mới có được. Hành động này vừa thắt chặt tình làng nghĩa xóm; giữ sự ấm áp, hạnh phúc trong mỗi ngôi nhà vừa mang ý nghĩa cho sự hiện diện của đời sống văn minh.

- Nhân dân còn “truyền giọng điệu mình cho con tập nói”: Từ lúc sinh ra, rồi dần lớn lên, ta chập chững từng bước đi đầu tiên cùng với những từ bập bẹ, ngọng nghịu tiếng “mẹ”, tiếng “cha”. Những tiếng nói đầu tiên của cuộc đời mỗi con người là tiếng nói của cha ông, của đất nước có tự bao đời. “Nước đi ra biển, mưa lại về nguồn”, hơn 1000 năm lệ thuộc Phương Bắc, dân tộc ta vẫn kiên cường giữ vững bản sắc dân tộc, là tiếng nói cha ông. Câu thơ chứa đầy niềm tin mãnh liệt của nhà thơ về nhân dân mình đã sáng tạo và ý thức truyền giữ ngôn ngữ .

- Nhân dân còn “gánh theo tên xã, tên làng trong mỗi chuyến di dân”: Những vần thơ mang đậm tinh thần hoài niệm của dân tộc. Trong lịch sử, dân ta đã trải qua rất nhiều cuộc di dân, có thể vì chiến tranh, vì mưu sinh, vì công cuộc mở rộng bờ cõi, đất đai [Từ thuở mang gươm đi mở cõi/ Nghìn năm thương nhớ đất Thăng Long – Huỳnh Văn Nghệ]... Dù đi đến đâu, người dân vẫn không quên nơi chôn nhau cắt rốn, nơi mình đã sinh ra và lớn lên. Vì lẽ đó mà “tên xã”, “tên làng” ở cố hương lại được đặt tên cho vùng đất mới. Đó là cách họ lưu dấu quê hương của mình, mang cả nền văn hóa đến vùng đất mới để nhớ nguồn, để gìn giữ tâm hồn con người Việt Nam.

- Các từ “đập đập be bờ” gợi bao nỗi nhọc nhằn vất vả hiểm nguy của người dân khi phải đối diện với biết bao những trận thiên tai lũ lụt mà sức tàn phá của nó vô cùng khủng khiếp... Những người dân ấy phải dầm mình trong cái lạnh lẽo, buốt giá thậm chí hy sinh cả mạng sống để ngăn chặn lũ tràn bờ mà bảo vệ từng mái đình, ngôi nhà, ruộng lúa, bờ ao. Cũng chính vì thế mà vườn tược, cây trái được gìn giữ và truyền lại từ đời này sang đời khác. Câu thơ "Họ đắp đập be bờ cho người sau trồng cây hái trái” nhằm đề cao vai trò to lớn của nhân dân trong sự nghiệp gìn giữ những giá trị vật chất và tinh thần cho thế hệ đi sau.

Đoạn thơ liệt kê các động từ: "giữ", “truyền”, “chuyền”, "gánh”, “đắp”, “be”, “trồng”, “hái” để ghi nhận đóng góp lớn lao của nhân dân đối với sự nghiệp kiến quốc. Nhân dân với những việc làm bình dị mà thiết thực ý nghĩa đã làm nên đất nước.

c. Trong sự nghiệp giữ nước, nhân dân là những người viết nên những trang sử bi tráng:

Có ngoại xâm thì chống ngoại xâm

Có nội thù thì vùng lên đánh bại

- Như Chế Lan Viên từng viết: “Mỗi chú bé đều nằm mơ ngựa sắt/ Mỗi con sông đều muốn hóa Bạch Đằng”. Tinh thần yêu nước, chống ngoại xâm là sợi chỉ đỏ xuyên suốt trong văn học. Tinh thần ấy đã được khắc tạc trong huyền sử Thánh Gióng, cậu bé ba tuổi cất tiếng nói đầu tiên là yêu nước. Không chỉ đấu tranh chống giặc ngoại xâm mà tinh thần yêu nước còn thể hiện ở chính nghĩa của nhân dân trong cuộc chiến tranh giành quyền lực của các thế hệ phong kiến. Nhân dân luôn đứng về phía chính nghĩa. Nhà thơ liệt kê các cụm động từ như “chống ngoại xâm”, “vùng lên”, “ đánh bại” để ngợi ca nhân dân kiên cường bất khuất, anh dũng vô song, luôn trong tư thế sẵn sàng chiến đấu để đem lại thanh bình cho đất nước.

d. Lời khẳng định tư tưởng “Đất nước của Nhân dân”:

Để Đất Nước này là Đất Nước Nhân dân

Đất Nước của Nhân dân, Đất Nước của ca dao thần thoại

- Từ “Đất Nước” viết hoa và được lặp lại bốn lần thể hiện tình cảm trân trọng và thái độ thành kính thiêng liêng của nhà thơ khi nói về đất nước. Tác giả nhấn mạnh hai lần cụm từ “Đất Nước của Nhân dân " và viết hoa từ Nhân Dân để xác định một cách mạnh mẽ nhân dân qua các thời kỳ đã có trách nhiệm xây dựng và bảo vệ đất nước, vì vậy đất nước không của một ai khác mà là của chính nhân dân. Đây là tư tưởng mới mẻ của Nguyễn Khoa Điềm khi đã tìm ra một vị chủ nhân mới của đất nước.

- Cụm từ “Đất Nước của ca dao thần thoại ” nhằm giải thích ngọn nguồn của đất nước. “Ca dao” và “thần thoại” đều do nhân dân sáng tác để qua đó giãi bày nỗi nhớ tình yêu; gửi gắm tâm tình với quê hương, đất nước; hay răn dạy con cháu những giá trị đạo đức làm người... Tiếp tục khẳng định đất nước của nhân dân, nhà thơ khắc họa về một đất nước giàu tình nặng nghĩa, da diết thủy chung với những truyền thống đạo lý tốt đẹp, với những phong tục tập quán do nhân dân làm nên và được gìn giữ, kết tinh trong tục ngữ, ca dao, truyền thuyết, thần thoại để qua đó khẳng định tư tưởng “quần chúng nhân dân là người làm nên lịch sử” nên đất nước này phải là đất nước của nhân dân.

Trong văn học, hình ảnh nhân dân lao động - những con người làm nên lịch sử vốn không được đề cao. Trong áng văn “Hịch tướng sĩ” của Trần Quốc Tuấn, nhân dân lao động chỉ là những nông nô; trong “Bình Ngô đại cáo” của Nguyễn Trãi, họ là những người dân đen con đỏ yếu đuối cần được che chở, bảo vệ. Trong văn học hiện thực phê phán, người dân lao động chỉ là những nạn nhân, những con người tận cùng dưới đáy xã hội. Đến văn học cách mạng, người dân lao động mới thực sự trở thành người chủ nhân của đất nước. Làm nên non nước này là công lao của họ. Ca ngợi công lao của những người anh hùng làm nên đất nước, Nguyễn Khoa Điềm không kể tên những anh hùng lưu danh sử sách, không kể tên những công hầu, vương tướng mà ca ngợi nhân dân. Vâng chính họ đã làm nên: “Tổ Quốc bay lên bát ngát mùa xuân” [Lê Anh Xuân]

*Nghệ thuật:

-Bút pháp trữ tình chính luận được sử dụng nhuần nhị:

+ Nội dung: Đoạn thơ đề cập tới tư tưởng “Đất Nước của Nhân dân” bằng cái nhìn gần gũi, thân thương.

+ Hình thức thể hiện: Chất liệu văn hóa, dân gian được sử dụng đậm đặc giúp người đọc hình dung về vị chủ nhân mới của đất nước thật bình dị, sáng trong mà cũng rất kỳ vĩ, anh hùng.

* Kết bài:

Đoạn trích là sự nhận thức mới mẻ của tác giả về đất nước : đất nước là của nhân dân, vì chính nhân dân là những người vô danh bình dị qua bao thời kỳ đã tạo ra đất nước theo chiều dài lịch sử, chiều sâu đời sống văn hóa và tinh thần dân tộc. Đoạn thơ đã xây dựng được bức tượng đài về người áo vải vô danh vào bia đài của lịch sử văn học:

“Họ đã sống và chết

Giản dị và bình tâm

Không ai nhớ mặt đặt tên

Nhưng họ đã làm ra Đất nước”.

d. Sáng tạo: Có cách diễn đạt mới mẻ, thể hiện suy nghĩ sâu sắc về vấn đề nghị luận.

e. Chính tả, dùng từ, đặt câu: Đảm bảo quy tắc chính tả, dùng từ, đặt câu.

Video liên quan

Chủ Đề