Em hay nếu nền giáo dục thi cử và khoa học kỳ thuật nước ta dưới triều Nguyễn

Hồ Sỹ Hùy

Triều Nguyễn [1802 - 1945] là triều đại cuối cùng của chế độ phong kiến Việt Nam, gồm 2 giai đoạn: 1/ Từ 1802 đến 1884: Nhà Nguyễn tồn tại với tư cách một vương triều độc lập; 2/ Từ 1884 -1945: Nhà Nguyễn chỉ còn là vương triều phụ thuộc, tay sai của thực dân Pháp.

Nhận thức được vai trò của Nho giáo trong việc củng cố chế độ phong kiến tập quyền chuyên chế, triều Nguyễn lấy Nho giáo làm quốc giáo, ra sức chấn chỉnh chế độ giáo dục khoa cử. Giáo dục khoa cử Nho học từ thời Minh Mệnh [1820 - 1840] về sau có quy củ, thể chế kéo dài đến năm 1919, năm triều Nguyễn tổ chức kỳ thi Tiến sĩ cuối cùng.

Tồn tại từ 1802 đến 1919, giáo dục khoa cử Nho học thời Nguyễn diễn ra trong bối cảnh vô cùng phức tạp. Tình hình thế giới và trong nước có nhiều chuyển biến to lớn. Từ cái nhìn lịch đại, có thể thấy một số đặc điểm của chế độ giáo dục khoa cử triều Nguyễn.

Năm 1802, sau khi đánh bại Tây Sơn, Gia Long định đô ở Huế, lập nền thống trị cả nước từ mũi Cà Mau đến địa đầu Móng Cái. Cũng trong năm này, vua ra chỉ dụ: “Khoa mục là con đường bằng phẳng của học trò, thực không thiếu được, phải nên giáo dục thành tài rồi sau mới thi Hương, thi Hội lần lượt cử hành thì người hiền tài sẽ nối nhau lên giúp việc”[1]. Uy quyền tuyệt đối của Nho giáo một lần nữa lại được xác định. Năm 1807 mở khoa thi Hương đầu tiên dưới triều Nguyễn cho phía Bắc, tính từ Nghệ An trở ra. Năm 1813 mở khoa thi Hương đầu tiên cho phía Nam từ Quảng Bình trở vào. Năm 1822 mở khoa thi Hội đầu tiên dưới triều Nguyễn. Giáo dục khoa cử dần dần đi vào nề nếp. Các vua nhà Nguyễn đã tham khảo, kế thừa chế độ học tập, thi cử của các đời thịnh trị ở Trung Hoa và ở ta, đặc biệt là thời Lê Thánh Tông. Năm 1832, Minh Mệnh ra dụ: “Nước Việt Nam ta lấy văn hiến mở nước, các vua anh minh ra đời, duy Thánh Tông nhà Lê là hiếm có, pháp độ và chính sách hay đều chép ở trong sử, sau khi cơ mưu muôn việc nhàn hạ, văn nghệ vui chơi làm ra rất là phong phú, cái phong tao lưu lại còn thấy tiếng hay, trẫm truy tư cổ nhân rất là hâm mộ”[2].

Để chấn hưng Nho giáo, nhà Nguyễn ra sức chấn chỉnh các kỳ thi, củng cố hệ thống trường học. Quốc tử giám được lập ở Huế, dành cho tôn sinh, ấm sinh học. Tuy đối tượng học tập chỉ hạn hẹp, nhưng ảnh hưởng của Quốc tử giám rất lớn, vì đây là nơi giao lưu gặp gỡ giữa các tao nhân mặc khách, nơi tổ chức những buổi giảng tập đặc biệt nữa. Các chức quan phụ trách Quốc tử giám thời Lê viên chánh là Tế tửu, viên phó là Tư nghiệp. Vua Gia Long đổi gọi là Chánh Đốc học và Phó Đốc học. Đến đời Minh Mệnh trở lại gọi như thời Lê.

Ở các địa phương, hệ thống trường học được lập tới các phủ huyện, có các học quan trông coi việc học. Ở huyện có viên Huấn đạo, ở phủ có viên Giáo thụ, ở tỉnh [buổi đầu gọi là dinh, trấn] có viên Đốc học. Từ buổi đầu đời Minh Mệnh, những viên quan Huấn đạo, Giáo thụ đều phải đỗ Sinh đồ [Tú tài], Hương cống [Cử nhân] mà tuổi từ 40 trở lên mới được bổ dụng. Trong một lời dụ, Minh Mệnh đã chỉ rõ: “Đặt ra giáo chức là để rèn luyện nhân tài, dự trữ làm người hữu dụng trong nước. Người nhận chức ấy, khuôn phép rất là quan trọng”[3]. Những học quan này có nhiệm vụ quản lý việc học của dân trong địa hạt mình và giảng dạy ở các trường đó. Tuy vậy, phần nhiều học quan lo tuyển lựa, khảo hạch học trò, chứng nhận cho họ dự thi Hương là chính, thứ đến mới là giảng dạy Tứ thư, Ngũ kinh cho các học trò lớp trên. Quan Đốc học thì thường dạy học sinh cao đẳng. Tỉnh nào được viên Đốc học học hạnh có tiếng thì đến các Tú tài, Cử nhân cũng theo học để chuẩn bị thi tiếp. Nếu quan Đốc học là người tầm thường thì trường công bỏ trống mà các trường tư người theo học rất đông.

Hệ thống trường tư ở các làng xã thì tự dân lo liệu. Thời Nguyễn trường lớp tư có điều kiện mở rộng hơn trước. Nơi thôn xóm nhà nào muốn cho con em học thì tự lo lấy trường sở, mời thầy dạy và đài thọ phí tổn. Năm bảy nhà chung nhau đón một thầy. Thầy học thì có thầy khóa, thầy đồ, thầy tú dạy trẻ con, cho đến các bậc đại khoa xuất chính hay các quan trí sĩ, có người dạy đến hàng trăm, hàng ngàn học trò.

Nội dung dạy học trong các nhà trường thời Nguyễn cũng như thời Lê trước đó. Khi mới vỡ lòng thì trẻ con được học Tam tự kinh, Sơ học vấn tân, Ấu học ngũ ngôn thi, Minh tâm bảo giám cốt cho thuộc lòng, không cần hiểu nghĩa lý sâu xa trong đó. Tiếp đó học trò học đến các sách Bắc sử [sử Trung hoa], Nam sử [sử Việt Nam] và Tứ thư đại toàn của Tống Nho.

Nói về sự học của học trò thời Nguyễn, Gs. Trần Văn Giàu viết: “Học những gì? Căn cứ vào những chỉ thị của nhà vua, vào các nhà danh nho có thể xác định rằng thời Nguyễn cũng như thời Lê, khuôn vàng thước ngọc của các nhà Nho Việt Nam là Ngũ kinh: Dịch, Lễ, Thi, Thư, Xuân Thu. Chỉ có  năm bộ kinh ấy mới được xem là kinh điển, là tư tưởng chính thống của tiên thánh, tiên vương. Sau Ngũ kinh là Tứ thư: Luận ngữ, Đại học, Trung dung, Mạnh tử. Còn một số nữa phải học như Hiếu kinh, Tính lý, Tiểu học… Thường nhất người ta học Tứ thư, Ngũ kinh qua chú thích của Chu Tử [Chu Hy][4].

Về nội dung, thể lệ thi cử, khoảng cách giữa 2 kỳ thi, cách thức tổ chức thi và học vị người thi đậu, ở thời kỳ đầu nhà Nguyễn hoàn toàn mô phỏng nhà Lê. Để tạo dấu ấn cho triều đại mình, ít ra là trên địa hạt giáo dục khoa cử Nho học, về sau nhà Nguyễn có thay đổi ít nhiều về thể lệ thi cử, đổi tên một số học vị cũ, đặt thêm học vị mới.

Thời Lê, thi Hương, thi Hội đều có 4 kỳ theo thứ tự: Kỳ1: Kinh nghĩa; Kỳ 2: Chiếu, chế, biểu; Kỳ 3: Thơ, phú; Kỳ 4: Văn sách [Thi Hội yêu cầu cao hơn].

Từ năm 1834 trở đi, Minh Mệnh bỏ kỳ thi chiếu, chế, biểu. Thi Hương, thi Hội chỉ còn 3 kỳ. Đến năm 1850 Tự Đức trở lại áp dụng thi 4 kỳ nhưng có thay đổi thứ tự: Kỳ 2 thi văn sách, kỳ 4 thi thơ, phú. Năm 1858 Tự Đức lại quy định thi Hương chỉ có 3 kỳ: Kỳ 1: Kinh nghĩa; Kỳ 2: Chiếu, biểu; Kỳ 3: Văn sách. Năm 1876 kỳ 2 đổi thi thơ phú.

Từ ngày thực dân Pháp nổ súng đánh Đà Nẵng, Nho học tàn lụi dần trong ý đồ xâm lược của kẻ thù. Ngay sau ngày Pháp chiếm 6 tỉnh Nam kỳ, Nho học tại đây đã chịu nhường bước. Kể từ khoa thi Đinh Mão [1867] các trường Nam kỳ đã rời khỏi khoa cử Nho học. Đầu thế kỷ XX, để chuẩn bị cho việc bãi bỏ thi cử Nho học, tiếng Pháp đã len lỏi vào chương trình thi cử. Năm Duy Tân thứ nhất [1907], triều đình lập bộ Học. Từ đây bài thi từng bước loại bỏ thơ phú, kinh nghĩa mà thay vào đó là các bài thi về Bắc sử, Nam sử, Địa lý, Pháp luật Đông Dương, chính trị, luận chữ Hán, luận chữ Quốc ngữ, bài dịch tiếng Pháp ra chữ Quốc ngữ. Chương trình thi Tiến sĩ cũng sửa lại cho hợp với chương trình cải cách đó.

Còn về học vị người thi đậu, triều Nguyễn bắt chước nhà Thanh không lấy Trạng nguyên, nhưng có khoa lại lấy đến 2 Thám hoa [Thám nhất, Thám nhì] và đặt thêm 1 học vị mới là Phó bảng, cũng gọi là Ất bảng. Quy định này bắt đầu áp dụng từ khoa thi năm 1829. Khoa này, qua 3 kỳ người nào được 10 phân trở lên được xếp Chính bảng; được 4 đến 9 phân là Phó bảng. Ân khoa năm 1848 định lệ qua 3 kỳ thi Hội người nào được 7 đến 14 phân là trúng cách; được 4 đến 6 phân trúng Phó bảng. Khoa thi năm 1850 thi Hội trở lại 4 kỳ; những người trúng đủ 4 kỳ được vào điện thí hỏi về 1 bài văn sách. Người nào được 4 phân trở lên đỗ Giáp bảng, được 3 phân trở xuống đỗ Phó bảng. Phó bảng nghĩa đen là bảng phụ, bảng lấy thêm để phân biệt với chính bảng ghi tên những người đậu chính thức. Vì ý nghĩa đó, có người gọi Phó bảng là Tiến sĩ đậu vớt[5].

Ở khoa thi Hương, từ năm 1828 học vị Hương cống đổi gọi là Cử nhân, Sinh đồ đổi gọi là Tú tài.

Nếu chỉ nhìn bề ngoài, không kể một số chi tiết nhỏ về thể lệ thi cử và học vị người thi đậu đã nói ở trên, không kể giai đoạn từ 1884 đến 1919 thực dân Pháp can thiệp ngày càng sâu để rồi chấm dứt chế độ thi cử Nho học, thì giáo dục khoa cử Nho học thời Lê và thời Nguyễn cơ bản giống nhau. Thật ra thì không phải như vậy! Thế kỷ XV thời Lê sơ, cả thế giới đang ở thời kỳ văn minh nông nghiệp. Nhưng đến thế kỷ XVII, XVIII châu Âu rung chuyển bởi các cuộc cách mạng tư sản. Thế kỷ XIX dân tộc ta đứng trước một kẻ thù xâm lược vượt trội hẳn về trình độ phát triển, chẳng những so với ta mà còn so với các nước phương Đông khác trong đó có nước láng giềng phương Bắc từng đến xâm lược ta ở các thế kỷ trước đó. Chúng đại diện cho một thế giới mới: thế giới tư bản chủ nghĩa thuộc thời đại văn minh công nghiệp, hơn hẳn trình độ văn minh nông nghiệp của nước ta và các nước châu Á bấy giờ. Giáo dục khoa cử Nho học đã trở nên lỗi thời, kìm hãm trí tuệ làm cho tình trạng người ngu, nước yếu kéo dài. Ở Trung Quốc, lối thi cử Nho học đã bị phế bỏ hoàn toàn từ năm 1906, đáng tiếc là ở ta thì mãi đến năm 1919 nó mới chấm dứt.

Nếu chỉ nhìn vào tầng lớp kẻ sĩ, sản phẩm của chế độ giáo dục khoa cử thời Nguyễn cũng đã đủ thấy tình hình không kém phức tạp.

Chưa bao giờ kẻ sĩ xuất hiện đông đảo như lúc này. Nếu chỉ tính từ các bậc đại khoa, triều Nguyễn đã có 558 vị trên tổng số 2.898 vị của tất cả các triều đại mà Trần Hồng Đức đã ghi chép được cả họ tên, năm thi đậu, quê quán trong cuốn Các vị Trạng nguyên, Bảng nhãn, Thám hoa qua các triều đại phong kiến Việt Nam - Nxb Văn hóa Thông tin, H.1999 [tỉ lệ hơn 19%]. Kẻ sĩ thử ngòi bút trên nhiều lĩnh vực từ tư tưởng, lịch sử, địa dư, đến thơ văn, tiểu thuyết, tuồng hát, y học… Trong số đó có những nhà văn, nhà canh tân lỗi lạc, những học giả uyên bác, những chí sĩ xuất sắc bậc nhất trong lịch sử văn hóa ngàn năm từ trước đến đó. Hiển nhiên một số những bông hoa văn hóa đã sinh nở từ thời Lê mạt, Tây Sơn; một số khác cũng không được triều đình chú ý chăm bón dù gián tiếp. Mặt khác dẫu không thể phủ nhận đóng góp của giáo dục khoa cử Nho học, nhưng cũng phải thấy một thực tế là từ giữa thế kỷ XIX trở đi, sức hấp dẫn của quan trường và khoa cử đã càng ngày càng giảm sút. Có những người học giỏi không đi thi như Nguyễn Trường Tộ [1830 - 1871], Nguyễn Lộ Trạch [1852 - 1895]…, tác giả của những bản điều trần và thời vụ sách nổi tiếng. Có những người thi đậu không ra làm quan như các Cử nhân Phan Văn Trị [1830 - 1910], Phan Kế Bính [1876 - 1921]…; các Giải nguyên như  Nguyễn Cao [1828 -1887], Phan Bội Châu [1867 - 1940], Lê Văn Huân [1876 - 1929]…; các Tiến sĩ như  Ngô Đức Kế [1878 - 1929], Huỳnh Thúc Kháng [1876 - 1947], Nguyễn Mai [1876 - ?]:… Có những người đang làm quan xin cáo về, trong đó có cả các bậc đại thần lương đống của triều đình như Trương Đăng Quế [1794 -1865], Nguyễn Tri Phương [1800 - 1873], Phan Thanh Giản [1796 - 1867]… đều ít nhất một lần xin nghỉ vì tự thấy mình không xứng đáng với sự tin yêu của vua. Càng về sau người cáo quan càng nhiều như Tam nguyên Hoàng giáp Nguyễn Khuyến [1835 - 1909], Hoàng giáp Nguyễn Thượng Hiền [1868 - 1925], Phó bảng Phan Châu Trinh [1872 - 1926]…

Nếu chỉ nhìn ở chặng đầu triều Nguyễn [1802 - 1884] kẻ sĩ có thể còn thuần khiết hơn thời Lê mạt vì nhà Nguyễn về học thuyết và tư tưởng không chấp nhận tam giáo đồng nguyên, về tín ngưỡng trên danh nghĩa độc tôn Nho giáo, hạn chế Phật giáo và Đạo giáo. Nhưng tình hình tư tưởng tầng lớp kẻ sĩ không vì thế mà đơn giản chút nào. Có người cho rằng họ bao hàm nhiều xu hướng khác nhau trong đó nổi bật là 3 xu hướng thể hiện 3 đặc trưng khác nhau là Hán Nho, Đường Nho và Tống Nho[6]. Dẫu sao thì lực lượng Nho gia chịu ảnh hưởng Tống Nho vẫn là lực lượng chủ yếu chi phối vũ đài chính trị tư tưởng nước ta thời Nguyễn. Nói đúng hơn, tư tưởng Tống Nho lúc này không còn thuần khiết Tống Nho Trình Chu, nên họ có nhiều biểu hiện khác nhau, cho là có nhiều xu hướng thì cũng dễ hiểu.

Vào các thế kỷ XVII, XVIII, tại Trung Hoa Tống Nho đã bị nhiều nhà Nho “thực học” [những nhà Nho thuộc phái đề cao cái thực học, phế bỏ cái hư rỗng, đề cao cái kinh thế trí dụng thành tư tưởng kinh tế - chính trị cứu đời. Họ không chỉ phơi bày sự thối nát trong các mặt chính trị, xã hội, giáo dục khoa cử mà còn đề ra những phương án cải cách xã hội, phê phán chế độ chuyên chế đẳng cấp…] ở đô thị gắn với thương nhân chỉ trích sâu sắc. Đặc biệt ở Nhật Bản một trào lưu muốn thoát khỏi sự ràng buộc Tống Nho đã khá rầm rộ[7]. Còn ở Việt Nam Tống Nho chưa gặp trở ngại gì đáng kể nhưng cũng đã xuất hiện những nhà “thực học” khảo chứng lịch sử, kinh học nửa sau thế kỷ XVIII như Lê Quý Đôn [1726 - 1784], Ngô Thì Sĩ [1726 - 1780], Bùi Dương Lịch [1758 - 1828], Nguyễn Đức Đạt [1823 - 1887]…

Tình hình Nho sĩ cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX còn phức tạp hơn do ảnh hưởng tư tưởng tư sản từ bên ngoài dội vào và sự phân hóa xã hội sâu sắc từ bên trong bởi tác động của cuộc khai thác thuộc địa lần thứ nhất của thực dân Pháp [1897 - 1914]. Mọi tư tưởng từ bên ngoài dội vào thường được kẻ sĩ Việt Nam đánh giá theo theo tiêu chí duy nhất là nó có thể cứu nước, có thể giúp Việt Nam độc lập hay không?

Chính dựa theo tiêu chí đó mà Tiến sĩ Nguyễn Xuân Ôn [1825 - 1889] bài xích khoa học kỹ thuật phương Tây vì ông cho rằng:

Sĩ tâm dục đắc Dương nhân thuật/ Bất tưởng Dương nhân thị địch nhân [Lòng xấu hổ lại muốn học kỹ thuật của người phương Tây/ Không nghĩ người phương Tây chính là kẻ địch].

Nhưng cũng chính dựa theo tiêu chí đó mà có sự đấu tranh gay gắt giữa phái duy tân và phái thủ cựu; giữa phe chủ chiến và phe chủ hòa; giữa một bên là các nhà Nho yêu nước tiến bộ, một bên là các nhà Nho đã cam tâm làm tay sai cho thực dân Pháp cuối thế kỷ XIX và đầu thế kỷ XX; cùng chung một mục tiêu đuổi Pháp khôi phục độc lập dân tộc nhưng lại nảy sinh hai xu hướng lớn là xu hướng bạo động do Phan Bội Châu đứng đầu và xu hướng cải cách mà Phan Chu Trinh là người khởi xướng.

Chú thích

[1]. Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam thực lục, Nxb Sử học, H.1993, T3, tr.78.

[2], [3]. Nội các triều Nguyễn, Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ, Nxb Thuận Hóa, T.3, tr.87, tr.180.

[4]. Trần Văn Giàu, Sự phát triển tư tưởng ở Việt Nam từ thế kỷ XIX đến Cách mạng tháng Tám, Nxb Tp Hồ Chí Minh, T1, tr.108, 109.

[5], [6]. Nguyễn Khắc Thuần, Đại cương lịch sử văn hóa Việt Nam, Nxb. Giáo dục, H.1997, tr.161, tr.171.

[7]. Xem thêm: Phan Đại Doãn [CB], Một số vấn đề về Nho giáo ở Việt Nam, Nxb Chính trị Quốc gia, H.1998, tr.89.

Video liên quan

Chủ Đề