Gia đình em thường thực hiện những cách nào để nuôi dưỡng các mối quan hệ

Không biết từ bao giờ, hai tiếng gia đình đã đi cùng mỗi người chúng ta với một ý nghĩa hết sức thiêng liêng và cao cả. Gia đình là nơi trú ngụ của hạnh phúc, cái nôi nuôi dưỡng và giáo dục trẻ thơ, nơi trở về sau mỗi lần vấp ngã đối với mỗi con người.

Vậy thế nào là gia đình? Gia đình là một cộng đồng người sống chung và gắn bó với nhau bởi các mối quan hệ tình cảm, quan hệ hôn nhân, quan hệ huyết thống, quan hệ nuôi dưỡng. Gia đình không những là nơi sản xuất ra của cải vật chất nuôi sống các thành viên trong gia đình và xã hội, mà còn là nơi duy trì nòi giống sản sinh ra con người, tái sản xuất sức lao động; Là cái nôi nền tảng bồi dưỡng để hình thành nên nhân cách nhân cách con người.

Tình cảm gia đình là tình cảm thiêng liêng, giữa những người máu mủ, ruột rà, trước hết, nó chính là tình cảm của những người trong gia đình dành cho nhau: tình mẫu tử, tình phụ tử, tình anh em. Tình cảm ấy không chỉ là tình cảm giữa những người có cùng huyết thống với nhau mà những người không chung huyết thống cũng có thể cảm nhận được từ việc họ quan tâm đến nhau, cộng tác với nhau trong công việc. Để thể hiện tình cảm, mỗi con người lại có mỗi cách quan tâm khác nhau, không ai giống ai cả. Có người quan tâm bằng lời nói, có người lại quan tâm bằng hành động. Nhưng họ đều có một điểm chung là đều yêu quý người thân của mình.

Một trong những chức năng của gia đình là giáo dục nhân cách con người về tình cảm yêu thương, sự hy sinh chia sẻ, đạo lý, trách nhiệm, nghĩa vụ, bổn phận của mỗi cá nhân trong môi trường gia đình. Khi các giá trị nhân văn của văn hóa gia đình được thấm sâu trong trái tim, trí tuệ của mỗi thành viên và hình thành thói quen tâm lý trong đời sống gia đình, mỗi gia đình sẽ góp phần tạo ra những công dân tốt cho xã hội, như lời Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy: Nhiều gia đình cộng lại mới thành xã hội, gia đình tốt thì xã hội mới tốt, xã hội tốt thì gia đình càng tốt. Hạt nhân của xã hội là gia đình.

Tình cảm gia đình là thứ tình cảm tồn tại mãi mãi, nó sẽ chẳng bao giờ biến mất khi con người biết trân trọng và nâng niu nó. Tình cảm gia đình có thể giúp con người vượt qua mọi khó khăn, thử thách trong cuộc sống. Nó là nơi cho ta sự an ủi, niềm tin, sự hi vọng để vượt qua những khó khăn ấy một cách dễ dàng.

Trong bối cảnh chịu nhiều tác động của toàn cầu hóa và kinh tế thị trường, cấu trúc và quan hệ gia đình Việt Nam có những thay đổi, thậm chí có những thay đổi có thể làm mai một truyền thống. Để gia đình trở thành bến đỗ bình yên hạnh phúc, là nơi duy trì được bản sắc văn hoá, đồng thời tiếp thu được cái hay, cái mới, các thành viên trong gia đình phải biết tôn trọng, nâng niu các giá trị chuẩn mực của gia đình truyền thống Việt Nam. Việc làm đơn giản chỉ là hàng ngày quan tâm nhau bằng những việc nhỏ nhất sẽ làm cho tình cảm ấy càng đẹp hơn, ý nghĩa hơn và gắn kết mọi người gần nhau hơn, để những giá trị cơ bản của gia đình vẫn luôn là điều thiêng liêng đối với mỗi con người Việt Nam.

Tôn vinh Ngày gia đình Việt Nam 28/6, mỗi người chúng ta hãy tổ chức sum họp gia đình, gắn kết với hàng xóm, cơ quan, nhà trường và xã hội nhằm ôn lại truyền thống nề nếp gia phong, truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc. Với những nơi đang gồng mình chiến đấu với đại dịch Covid-19, nếu không thể về đoàn tụ, thành viên gia đình hãy cố gắng gọi điện thoại cho nhau, trao nhau những lời động viên ấm áp, yêu thương đểthắt chặt tình cảm và có thêm nguồn sức mạnh. Hãy cùng nhau đưa Ngày gia đình Việt Nam trở thành một ngày hội lớn, mang ý nghĩa nhân văn cao cả, hãy luôn nhớ rằng, gia đình là món quà tuyệt vời nhất, là điểm tựa vững chắc nhất, là bến đỗ bình yên nhất đối với mỗi con người.

Ảnh minh họa

T.H P.TCKT

Video liên quan

Chủ Đề