Giá trị lý luận và thực tiễn của Cương lĩnh chính trị đầu tiên của Đảng Cộng sản Việt Nam

Từng được ví như Cuốn từ điển sống về lịch sử Đảng, về Bác Hồ, PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng đã dày công nghiên cứu về Chánh cương vắn tắt của Đảng, do lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc soạn thảo và các văn kiện Đại hội Đảng sau này. Theo ông, giữa các cương lĩnh hoặc những văn bản có tính cương lĩnh kể từ Đảng ta ra đời cho đến nay đều có mối liên hệ kế thừa và phát triển theo hướng càng ngày càng hoàn chỉnh và đầy đủ hơn.
PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc trao đổi: Cương lĩnh có ý nghĩa rất sâu sắc đối với toàn bộ tiến trình của cách mạng Việt Nam. Và sau này, các Cương lĩnh tiếp theo như Cương lĩnh tháng 10 năm 1930, Cương lĩnh của Đại hội 2 hay Cương lĩnh của Đại hội 7 xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên CNXH, Cương lĩnh bổ sung phát triển của Đại hội 11 thì vẫn tiếp tục trên nền của Cương lĩnh đầu tiên này để phát triển, bổ sung và hoàn thiện đường lối của cách mạng Việt Nam.
Tuy rất vắn tắt, ngắn gọn, chỉ có 282 chữ, nhưng Chánh cương vắn tắt của Đảng đã xác định rõ ràng nhiều vấn đề cơ bản về chiến lược và sách lược của cách mạng Việt Nam.
Kể từ khi Đảng ra đời cho đến nay, với những thắng lợi giành được trong 85 năm qua, nước ta từ một xứ thuộc địa nửa phong kiến đã trở thành một quốc gia độc lập, tự do, phát triển theo con đường xã hội chủ nghĩa; nhân dân ta từ thân phận nô lệ đã trở thành người làm chủ đất nước, làm chủ xã hội; đất nước ta đã thoát khỏi tình trạng nghèo nàn, lạc hậu, đang đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, có quan hệ quốc tế rộng rãi, có vị thế ngày càng quan trọng trong khu vực và trên thế giới.
Tiến tới Đại hội lần thứ XII của Đảng, nhiều vấn đề về xây dựng và phát triển đất nước sẽ vẫn tiếp tục được kế thừa trên cơ sở những Cương lĩnh chính trị đầu tiên, trong đó có vấn đề về xây dựng Nhà nước pháp quyền.
"Tôi cho rằng trong 15 điểm nêu ra tại Báo cáo chính trị trình Đại hội 12 là cụ thể hóa, thậm chí có những vấn đề thể chế hóa, Ví dụ như vấn đề xây dựng Nhà nước pháp quyền là vấn đề rất mới mà các Cương lĩnh trước đây chưa xác định được thì đến đây, chúng ta xác định rõ được cái điều đó, nhất là việc xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN"- PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc nói.
Mỗi bản Cương lĩnh chính trị của Đảng, ở những mức độ khác nhau, đều được xây dựng trên cơ sở quán triệt, vận dụng sáng tạo và bổ sung, phát triển các quan điểm cơ bản của chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, truyền thống tinh hoa văn hoá dân tộc, phản ánh đúng thực tiễn Việt Nam và có tham khảo kinh nghiệm của thế giới. Chính vì vậy, nó vừa có tính lý luận khoa học vừa có tính thực tiễn sâu sắc, kết hợp tính giai cấp và tính dân tộc, đáp ứng đúng yêu cầu bức thiết của cách mạng ở mỗi giai đoạn và nguyện vọng cháy bỏng của nhân dân.
Theo ông Đỗ Đức Hinh Nguyên Phó GĐ Khu Di tích Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch, những quan điểm lớn của Bác Hồ về độc lập dân tộc, về CNXH chúng ta phải thấm nhuần, phải tin tưởng và được khẳng định. Thứ 2 là chúng ta phải khẳng định là luôn luôn thấm nhuần độc lập dân tộc, gắn liền với CNXH hiện nay, với từng tình huống hiện nay, chứ không thể nói suông, không thể nói giáo điều, mà nó phải được sống trong môi trường hiện nay.
Với những thành tựu và kinh nghiệm đã có, kế thừa và phát triển những di sản tư tưởng lý luận của Đảng ta trong 85 năm qua, tiếp thu, bổ sung những giá trị và nhận thức mới, chúng ta sẽ từng bước hoàn thiện quan điểm, đường lối chính trị của Đảng, để đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp cách mạng trong giai đoạn mới./.

Video liên quan

Chủ Đề