Hành vi phá hoại tài sản nhà nước

Thời gian vừa, tại một số địa phương trên cả nước đã xảy ra tình trạng một số đối tượng quá khích đã có hành vi đập phá trụ sở các cơ quan nhà nước, các công trình công cộng, như vụ đập phá trụ sở UBND tỉnh Bình Thuận và Đội Cảnh sát phòng cháy chữa cháy Phan Rí Cửa,… đã gây thiệt hại rất nhiều về người và tài sản. Tùy vào hành vi, mục đích và mức độ thiệt hại, các đối tượng gây rối, đập phá hoặc xúi giục người khác đập phá những công trình thuộc cơ quan nhà nước trên có thể bị xử lý theo pháp luật hình sự, pháp luật hành chính, pháp luật dân sự,…. Sau đây, TPLAW xin thông tin đến bạn đọc quy định của pháp luật liên quan đến việc xử lý các hành vi gây rối, đập phá, xúi giục người khác đập phá, hủy hoại cơ sở vật chất, công trình thuộc cơ quan nhà nước, phá hoại tài sản của công dân như sau:

Nguồn ảnh: internet.

  1. Xử lý theo quy định của pháp luật hình sự

Theo quy định tại Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi, bổ sung 2017 [sau đây gọi là “BLHS”], tùy vào mục đích, hành vi, mức độ thiệt hại mà người phạm tội có thể cấu thành các tội sau:

– Tội bạo loạn quy định tại Điều 112 BLHS, mức cao nhất của khung hình phạt đối với tội này là tử hình;

– Tội khủng bố nhằm chống chính quyền nhân dân quy định tại Điều 113 BLHS, mức cao nhất của khung hình phạt đối với tội này là tử hình;

– Tội phá hoại cơ sở vật chất – kỹ thuật của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam quy định tại Điều 114 BLHS, mức cao nhất của khung hình phạt đối với tội này là tử hình;

– Tội phá rối an ninh quy định tại Điều 118 BLHS, mức cao nhất của khung hình phạt đối với tội này là 15 năm tù;

– Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác quy định tại Điều 134 BLHS, mức cao nhất của khung hình phạt đối với tội này là tù chung thân;

– Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh quy định tại Điều 135 BLHS, mức cao nhất của khung hình phạt đối với tội này là 03 năm tù;

– Tội hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản quy định tại Điều 178 BLHS, mức cao nhất của khung hình phạt đối với tội này là 20 năm tù;

– Tội chống người thi hành công vụ quy định tại Điều 330 BLHS, mức cao nhất của khung hình phạt đối với tội này là 07 năm tù;

– Tội gây rối trật tự công cộng quy định tại Điều 318 BLHS, mức cao nhất của khung hình phạt đối với tội này là 07 năm tù.

  1. Xử lý theo quy định của pháp luật hành chính

Đối với các hành vi chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự thì người thực hiện các hành vi nêu trên có thể bị xử lý vi phạm hành chính, cụ thể theo quy định tại Nghị định 167/2013/NĐ-CP ngày12/11/2013 của Chính phủ [sau đây gọi là “Nghị định 167”] thì người thực hiện các hành vi trên có thể bị xử lý vi phạm hành chính như sau:

– Vi phạm quy định về trật tự công cộng quy định tại Điều 5 Nghị định 167, mức phạt cao nhất tại Điều này là phạt tiền đến 5.000.000 đồng;

– Vi phạm quy định về bảo đảm sự yên tĩnh chung quy định tại Điều 6 Nghị định 167, mức phạt cao nhất tại Điều này là phạt tiền đến 500.000 đồng;

– Vi phạm quy định về gây thiệt hại đến tài sản của người khác quy định tại Điều 15 Nghị định 167, mức phạt cao nhất tại Điều này là phạt tiền đến 5.000.000 đồng;

– Vi phạm quy định về bảo vệ các công trình công cộng, công trình an ninh, trật tự quy định tại Điều 16 Nghị định 167, mức phạt cao nhất tại Điều này là phạt tiền đến 2.000.000 đồng;

Hành vi cản trở, chống lại việc thanh tra, kiểm tra, kiểm soát của người thi hành công vụ quy định tại Điều 20 Nghị định 167, mức phạt cao nhất tại Điều này là phạt tiền đến 5.000.000 đồng.

  1. Xử lý theo quy định của pháp luật dân sự

Bên cạnh việc có thể bị xử lý theo quy định của pháp luật hình sự, pháp luật hành chính các đối tượng gây rối, đập phá hoặc xúi giục người khác đập phá những công trình thuộc cơ quan nhà nước còn có thể phải chịu trách nhiệm về mặt dân sự, cụ thể là bồi thường đối với những thiệt hại, tổn thất về người và tài sản đối với hành vi của mình gây ra tùy thuộc vào mức độ thiệt hại thì người gây ra thiệt hại có thể sẽ bồi thường về: Thiệt hại do tài sản bị xâm phạm; thiệt hại do sức khỏe bị xâm phạm; thiệt hại do tính mạng bị xâm phạm; thiệt hại do danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm.

Trên đây là quy định của pháp luật liên quan đến hành vi gây rối, đập phá hoặc xúi giục người khác đập phá những công trình thuộc cơ quan nhà nước, Quý bạn đọc cần lưu ý tránh bị lôi kéo, kích động dẫn đến thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật và gây ra hậu quả đáng tiếc cho xã hội, bản thân, gia đình. Mọi thắc mắc vui lòng liên hệ Điện thoại 028.6286.3477 hoặc email: để được giải đáp thắc mắc./.

Chuyên viên pháp lý: NGUYỄN HOÀNG THANH TRÚC

Nhiều người quá khích tham gia vào các vụ gây rối tại Bình Thuận gây mất an ninh trật tự

Điều 178 Bộ luật Hình sự năm 2015 được sửa đổi bổ sung năm 2017 về tội hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản, quy định: phạt tiền từ 10 triệu  đến 50 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm, hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm đối với người có hành vi hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản của người khác trị giá từ 2 triệu đến 50 triệu đồng, hoặc dưới 2 triệu đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây: đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi chiếm đoạt tài sản mà còn vi phạm; đã bị kết án về tội này hoặc về một trong các tội quy định tại Điều 168, 169, 170, 171, 172, 174, 175 và 290 của bộ luật này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm; gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội; tài sản là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại và gia đình họ; tài sản là di vật, cổ vật.

Trong trường hợp người có hành vi phạm tội sử dụng chất nguy hiểm về cháy nổ hoặc thủ đoạn nguy hiểm khác, thì có thể bị áp dụng khung hình phạt cao hơn, là từ 2 năm đến 7 năm tù, hoặc khung hình tối đa 20 năm tù trong trường hợp tài sản bị thiệt hại có giá trị từ 500 triệu đồng trở lên. Nếu tài sản bị phá hoại là cơ sở vật chất kỹ thuật của Nhà nước, căn cứ Điều 114 Bộ luật Hình sự năm 2015 được sửa đổi bổ sung năm 2017 về tội phá hoại cơ sở vật chất - kỹ thuật của Nước Cộng hòa XHCN Việt Nam, người có hành vi phạm tội nếu nhằm chống chính quyền nhân dân mà phá hoại cơ sở vật chất - kỹ thuật của nước Cộng hòa XHCN Việt Nam trong các lĩnh vực chính trị, quốc phòng, an ninh, kinh tế, khoa học - kỹ thuật, văn hóa, xã hội, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình.

Luật sư PHAN VŨ TUẤN [Văn phòng luật sư Phan Law Vietnam]

Đập phá tài sản Nhà nước Đập phá tài sản quá khích tử hình Bộ Luật Hình sự

Video liên quan

Chủ Đề