Hình ảnh nhà đày Buôn Ma Thuột

Nhà đày Buôn Ma Thuột có diện tích gần 2ha, có địa chỉ tại số 18 đường Tán Thuật, phường Tự An, thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk, được thực dân Pháp dựng lên từ những năm 1930 theo lối kiến trúc chữ U khép kín với sáu lao và một xà lim. 


Thực dân Pháp kì vọng với điều kiện khí hậu khắc nghiệt, núi rừng hoang vu, cách trở về địa lí thì chế độ thực dân sẽ dễ dàng theo dõi, giám sát, giam giữ và tra tấn tù nhân. Đồng thời lợi dụng vùng đồng bào dân tộc thiểu số, sự khác biệt về ngôn ngữ làm "bình phong" để chế độ thực dân chia cắt mối liên hệ giữa đảng viên cộng sản bị bất, bị xử án nặng ở các tỉnh miền Trung với đồng bào thiểu số ở địa phương. Theo thống kê từ năm 1930-1945, đã có hơn 3.500 tù chính trị bị giam giữ, đày ải ở Nhà đày Buôn Ma Thuột.


Mặc dù bị giam giữ trong điều kiện khắc nghiệt, bị tra tấn dã man nhưng thủ đoạn tàn bạo của chính quyền thực dân không thể đè bẹp ý chí kiên cường, bất khuất của những chiến sĩ yêu nước. Tại đây, những tù cộng sản đã đoàn kết, vượt qua nỗi đau thể xác, tổ chức nhiều cuộc đấu tranh chống lại chế độ thực dân hà khắc; kiên trì, học tập giác ngộ cách mạng, biến nhà đày thành trường học văn hóa, chính trị. Cuối năm 1940 một tổ chức bí mật với tên gọi "Lực lượng trung kiên" đã được thành lập, đây là Chi bộ Đảng đầu tiên ra đời ở Đắk Lắk không những góp phần thống nhất sự lãnh đạo của Đảng trong nhà đày mà còn tạo điều kiện thuận lợi, tạo tiền đề cho thắng lợi của Cuộc tổng khởi nghĩa giành chính quyền vào tháng 8 năm 1945 tại Đắk Lắk và những thắng lợi quan trọng của cách mạng Việt Nam. 


Nhà đày là biểu tượng của ý chí kiên cường, bất khuất, là niềm tin tất thắng vào thắng lợi của các chiến sĩ cách mạng bị bắt tù đày của cách mạng Việt Nam. Trong số hàng ngàn tù chính trị bị giam giữ, nhiều chiến sĩ cộng sản như Nguyễn Chí Thanh, Võ Chí Công, Tố Hữu, Phan Đăng Lưu, Hồ Tùng Mậu,..sau khi thoát khỏi nhà đày đã trở về tiếp tục hoạt động cách mạng và trở thành những cán bộ chủ chốt, giữ các vị trí quan trọng của Đảng, Nhà nước.


Nhà đày Buôn Ma Thuột được Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 1820/QĐ-TTg ngày 24/12/2018 xếp hạng là Di tích Quốc gia đặc biệt. 

Nhà đày Buôn Ma Thuột [nhà tù Buôn Ma Thuột] là nơi từng giam giữ, đày ải tù nhân chính trị chủ yếu của các tỉnh Trung Kỳ. Nhà đày được nhiều người biết đến không những vì kết cấu kiến trúc hay vì đòn roi tra tấn tàn bạo của địch, mà còn ở phong trào đấu tranh kiên cường của các thế hệ tù nhân chính trị. Từ năm 1980, Nhà đày đã được công nhận là di tích lịch sử cấp quốc gia, và trở thành điểm tham quan giá trị của du lịch Đắk Lắk.

Lịch sử Nhà đày Buôn Ma Thuột

Từ tài liệu, thông tin về Nhà đày Buôn Ma Thuột, vào khoảng năm 1900, một nhà lao đã được thực dân Pháp xây dựng lên ở Cao nguyên Đắk Lắk dùng để giam giữ tù nhân chính trị, bởi địa hình nơi đây lúc bấy giờ bị bao vây giữa bốn bề núi rừng rậm rạp, nhiều thú dữ, khí hậu khắc nghiệt, ít người lui tới... nên tù nhân khó bề trốn thoát.

Đến những năm 1930-1931, số lượng tù nhân tăng cao theo phong trào chống thực dân tại Đông Dương, do đó Pháp thiết lập Nhà đày Buôn Ma Thuột trên cơ sở mở rộng nhà lao cũ, nhằm lưu đày biệt xứ và giam giữ những đảng viên cộng sản bị xử án nặng ở các tỉnh Trung Kỳ, gồm nhiều người đi đầu trong phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh.

Cuối năm 1941, một tổ chức bí mật có tên “lực lượng trung kiên” được thành lập trong nhà đày, lan tỏa tinh thần cách mạng. Năm 1954, chiến thắng Điện Biên Phủ đã kết thúc 9 năm kháng chiến chống Pháp. Đến lượt Mỹ nhảy vào thế chân Pháp âm mưu thôn tính nước ta, nhà đày này tiếp tục được sử dụng và mở rộng thêm.

Giới thiệu Nhà đày Buôn Ma Thuột

Thời Pháp, nhà đày được xây dựng trên diện tích gần 2ha, với 4 bức tường bao quanh, cao 4m, dày 40cm, 4 góc đều có vọng gác và lính canh túc trực. Phía trong có 6 dãy lao tập thể giam giữ tù nhân. Bên cạnh cổng chính ở phía Nam là dãy xà lim, giam giữ tù nhân chính trị được cho là nguy hiểm. Ngoài ra còn có nhà xưởng, bàn giấy, nhà kho và bếp ăn... đây là kiểu bố trí nhà tù truyền thống của thực dân Pháp, mục đích tạo không gian khép kín để giám sát tù nhân một cách hiệu quả.

Thời Mỹ, nhà đày được xây thêm một bức tường ngăn đôi, một bên làm trung tâm cải huấn và một bên làm kho quân nhu, đồng thời mở hai cổng mới ở phía Tây của nhà đày, xây thêm nhà Quốc thái dân an, nhà Nguyện, phòng biệt giam, nhà lao nữ... phục vụ cho các mục đích giam giữ và tra khảo.

Trong thời gian hoạt động, Nhà đày Buôn Ma Thuột đã giam giữ nhiều chiến sỹ yêu nước, nhiều người về sau đảm nhận những vị trí quan trọng của chính phủ như các đồng chí Võ Chí Công, Phan Đăng Lưu, Hồ Tùng Mậu, Nguyễn Chí Thanh, Tố Hữu... Nhà đày còn là một trong những nơi ươm mầm cho hạt giống cách mạng ở Đắk Lắk.

- Vượt lên trên tất cả sự tàn bạo của địch là tinh thần đấu tranh bền bỉ, kiên trung của những người tù Cộng sản. Những năm tháng đấu tranh oanh liệt của họ tại Nhà đày đã viết thành một bản anh hùng ca về chủ nghĩa yêu nước, ý chí quyết tâm giải phóng dân tộc, bảo vệ nền độc lập nước nhà thoát khỏi xiềng xích.

Tham quan Nhà đày Buôn Ma Thuột

Qua các lần trùng tu, ngày nay di tích Nhà đày Buôn Ma Thuột đã trở thành nơi tham quan cho du khách đến tìm hiểu về quá khứ hào hùng của dân tộc. Nơi đây hiện trưng bày các hình ảnh, hiện vật nhằm phần nào tái hiện lại một cách chân thực, sống động những năm tháng khốc liệt của các chiến sỹ cách mạng kiên trung, bất khuất.

* Địa chỉ Nhà đày Buôn Ma Thuột ở đâu : số 18, đường Tán Thuật, phường Tự An, thành phố Buôn Ma Thuột.

Chủ Đề