Hồ Xuân Hương được Xuân Diệu mệnh danh là gì

Nữ thi sĩ Hồ Xuân Hương

Nữ thi sĩ Hồ Xuân Hương được nhà thơ Xuân Diệu mệnh danh là Bà chúa thơ Nôm bởi tư tưởng mới mẻ và lối làm thơ bạo dạn, bộc lộ được tiếng nói của mình.

Mặc dù là một người phụ nữ tài hoa với một sự nghiệp văn chương vô cùng nổi tiếng, nhưng cuộc đời của Hồ Xuân Hương lại phải trải qua nhiều nỗi bất hạnh, đa đoan. Chính những nỗi đau ấy khơi dậy niềm cảm xúc, giúp bà đạt được nhiều thành tựu to lớn trên con đường sáng tác thi ca của mình.

Phần I Cuộc sống nơi kinh thành

Cô học trò tinh nghịch, sắc sảo

Giơ tay với thử trời cao thấp
Xoạc cẳng đo xem đất ván dài.

Câu thơ ứng khẩu của Xuân Hương đọc vừa dứt, tiếng cười chế nhạo cũng im bặt trong đám bạn học của cô. Xuân Hương phủi sạch quần áo, ung dung đi thẳng, mặc cho các bạn giương mắt nhìn khâm phục. Một cậu học trò lớn tuổi và lém lỉnh nhất trong bọn, ý chừng chưa chịu thua cô bạn gái hay chữ mà ngỗ nghịch này, còn trêu tiếp:

Cô em ngã có đau lắm không? Tội nghiệp cho em, chém cha mảnh đất!

Xuân Hương ngoảnh lại, liếc nhìn các bạn, cười duyên dáng:

Chị ngã em chẳng nâng, lại ăn nói hỗn. Không chị em gì nữa đâu nhé!

Lại một đòn giáng trả kịp thời và mạnh mẽ, văn hoa mà sâu cay của Xuân Hương. Cả bọn cùng cười vang, trong đó nổi lên giọng cười trong trẻo và giòn tan của Xuân Hương. Mũi nhọn chế giễu quay về cậu học trò lớn tuổi, Xuân Hương tủm tỉm cười.

Đến đường rẽ, Xuân Hương ngả nón chào các bạn. Men theo bờ sông Tô Lịch, Xuân Hương rảo bước về nhà, cô nghĩ đến người mẹ đang ngồi trên khung cửi chờ đợi.

Cô gái gần đến tuổi trăng tròn ấy tung tăng trong đám học trò như chim én mùa xuân. Thầy giáo mến Xuân Hương thông minh và chăm chỉ. Thầy vẫn thầm nghĩ giá là con trai thì Xuân Hương sau này sẽ làm rạng rỡ cho thầy, nhưng tiếc thay, Xuân Hương lại là con gái Xuân Hương chiếm được tình cảm của các bạn không phải vì cái nết thùy mị dịu dàng thông minh của các bạn gái. Trí thông minh, sắc sảo, nhất là tài năng đối đáp của Xuân Hương đã để lại cho các bạn nhiều ấn tượng sâu sắc. Giới thư sinh ở kinh thành đã đồn đại nhiều về cô học trò duyên dáng và hay chữ ấy.

Người ta không rõ tông tích của cô lắm, chỉ biết cô thuộc dòng dõi thế gia. Qua giọng nói nằng nặng miền Nghệ Tĩnh của Xuân Hương, người ta biết cô không phải sinh ra ở Thăng Long và thường bảo nhau rằng cô là em gái một ông lớn họ Hồ ở Hoàn Hậu, Nghệ An[1].

Căn nhà gỗ nho nhỏ ở phường Khán Xuân, bên dòng sông Tô Lịch, cạnh Hồ Tây, là nơi trú ngụ của cô cùng với người mẹ già làm nghề dệt vải. Cuộc sống thanh bần, gần như cô quạnh, của một gia đình neo đơn giữa chốn kinh thành tấp nập không làm cho Xuân Hương kém vẻ hồn nhiên, yêu đời. Ngược lại, người mẹ của Xuân Hương, một người đàn bà tần tảo, hay lam hay làm, rất đỗi thương con lại trầm lặng ít nói.

Thuở xưa, bà cũng từng khao khát yêu đương, ước ao có một tấm chồng để được sớm hôm gần gũi, nâng khăn sửa túi, Nhưng điều đó mãi mãi không đến với bà. Thân phận làm hầu thiếp cho một gia đình quyền thế họ Hồ ở làng Hoàn Hậu đã cướp mất hạnh phúc của bà. Suốt đời bà chỉ là một người đi ở không công. Được một mụn con gái, rồi đức ông chồng già và xa lạ qua đời, bà đem con ra ở Thăng Long

Xuân Hương rất thích nghe kể chuyện. Ngoài thì giờ học văn bài, trong lúc giúp mẹ quay xa, đánh suốt, cô thường hay đòi mẹ kể chuyện.

Mẹ Xuân Hương biết rất nhiều chuyện. Nào chuyện chúa Trịnh Sâm say mê Đặng Thị Huệ, chuyện loạn kiêu binh ở kinh thành, chuyện vua Quang Trung hành quân ra Bắc tiêu diệt quân Thanh, chuyện Sầm Nghi Đống thắt cổ tự tử, chuyện vua Chiêu Thống và Tôn Sĩ Nghị chạy tháo thân qua sông, cầu gẫy, quân bị cuốn theo dòng nước Rặt những chuyện xảy ra ở kinh thành, mắt thấy tai nghe từ hồi bà còn trẻ. Xuân Hương nghe mẹ kể rất say sưa. Nhưng với cô, hấp dẫn nhất vẫn là những chuyện cổ tích, chuyện vui cười ngộ nghĩnh.

Mỗi khi giọng nói âm ấm của người mẹ cất lên: Ngày xưa có anh Trương Chi hay có một người học trò nghèo rớt đi ăn xin tên là Phạm Tải là lúc Xuân Hương ngồi nghe có khi ngừng cả hai tay xa để theo dõi nét mặt của mẹ. Mắt Xuân Hương sáng lên khi nghe mẹ đọc:

Tóc mây rũ rượi, mực bôi má đào
Trút hài đi đất xem sao
Áo thời xộc xệch vạt cao vạt dài.

Nghe đến chỗ Ngọc Hoa mặc tang phục đến đấu khẩu với tên Trang Vương tàn bạo, không nén được tình cảm của mình, Xuân Hương thốt nên lời:

Cô Ngọc Hoa chống chế với tên vua độc ác giỏi quá mẹ nhỉ.

Người kể chuyện, nhân vật trong chuyện và người nghe như có mối tình đồng điệu

Hồ Xuân Hương nghỉ học, ở nhà giúp mẹ

Cuộc sống thanh bạch, êm đềm không giữ được mãi trong gia đình Hồ Xuân Hương. Người mẹ sức ngày càng yếu. Sinh kế ngày càng khó khăn. Cuộc sống tươi vui, dễ chịu, dưới triều vua Quang Trung không còn nữa, sau khi nhà vua đột ngột qua đời ở Phú Xuân. Có tiếng đồn chúa Nguyễn trong Nam đang lăm le ra Bắc. Số đông cựu thần nhà Lê rục rịch nổi dậy, Một mối lo sợ chụp xuống kinh thành

Một hôm, bà mẹ nói với Xuân Hương:

Con ạ, bây giờ kiếm ăn ngày càng khó khăn, mẹ thì già yếu. Con là phận gái có học nhiều cũng chẳng công trạng gì. Con ở nhà giúp đỡ mẹ.

Xuân Hương không nói nên lời, đôi mắt đỏ hoe, cô rất thương mẹ. Xuân Hương phải đau lòng từ giã thầy và bạn, từ giã mọi buổi bình văn giảng sách ở nhà trường. Cái thiệt thòi của phận người con gái đã trực tiếp giáng xuống đầu Xuân Hương!

Phần II Hồ Xuân Hương Thơ và đời

Tiếng lòng của người con gái

Con sông Tô Lịch nho nhỏ chạy dọc theo bờ phía nam hồ Tây đưa nước sông Nhị Hà về tây nam kinh thành. Bên kia sông Tô Lịch là Tây Hồ mênh mông bát ngát. Du khách khắp nơi thường đến đây ngoạn cảnh. Và đây cũng là nơi hẹn hò của giai thanh gái lịch chốn kinh thành.

Nước sông Tô vừa trong vừa mát
Em ghé thuyền đỗ sát thuyền anh.
Dừng chèo muốn tỏ tâm tình
Sông bao nhiêu nước thương mình bấy nhiêu.

Câu hò của ai vang lên từ bên kia sông Tô. Cô thiếu nữ Xuân Hương hay thơ, yêu đời, thả hồn bay bổng cùng với những ước mơ của tuổi trẻ. Một cuộc sống sôi nổi, tự do và phóng khoáng, một mối tình chung thủy là niềm hy vọng đẹp đẽ của cô. Hạnh phúc đang chờ đợi Xuân Hương lao vào cuộc đời với cả sức sống mãnh liệt và với một niềm lạc quan của người con gái đến tuổi dậy thì.

Bè bạn văn chương lui tới nhà Xuân Hương ngày càng đông. Biết tiếng Xuân Hương hay chữ lại giao du rộng rãi, họ tìm đến với Xuân Hương. Căn nhà của Xuân Hương tuy không đẹp nhưng có sức hấp dẫn lạ thường đối với những chàng thư sinh thơ phú.

Hồ Xuân Hương và những khách thơ

Chiêu Hổ[2] là người bạn tâm đắc của Xuân Hương thời trẻ trung. Họ gặp nhau trong mối tình bồng bột ban đầu, từ lúc trái tim nhiều khi còn loạn nhịp vì những duyên cớ vu vơ. Tài xướng họa, tính vui đùa, đã đưa đôi bạn trẻ xích lại gần nhau.

Có lần Xuân Hương vay Chiêu Hổ năm quan tiền, Chiêu Hổ nhận lời, nhưng đến khi cho vay lại đưa có ba quan. Nhân dịp đó, Xuân Hương đưa thơ giễu Chiêu Hổ là cuội bằng những lời lẽ hóm hỉnh mà âu yếm:

Sao nói rằng năm lại có ba
Trách người quân tử hẹn sai ra.
Bao giờ thong thả lên chơi nguyệt
Nhớ hái cho xin nắm lá đa.

Hôm sau, Xuân Hương nhận được bài họa của Chiêu Hổ:

Rằng gián thì năm, quý có ba[3] Bởi người thục nữ tính không ra.
Bao giờ thong thả lên chơi nguyệt
Cho cả cành đa lẫn củ đa

Xuân Hương phục tài thơ và đòn văn chương láu lỉnh của Chiêu Hổ. Hai người giao du ngày càng khăng khít. Xuân Hương chờ đợi ở Chiêu Hổ một người bạn tâm đầu ý hợp. Ngược lại, Chiêu Hổ cũng phục tài Xuân Hương, cũng tỏ ra trìu mến Xuân Hương, một đôi khi đến sờm sỡ nhưng vẫn còn dè dặt e ngại. Chiêu Hổ vẫn sợ cái đanh đá của Xuân Hương. Biết thóp, Xuân Hương làm thơ trêu chọc:

Những bấy lâu nay luống nhắn nhe
Nhắn nhe toan những sự gùn ghè.
Gùn ghè nhưng vẫn còn chưa dám
Chưa dám cho nên phải rụt rè.

Nhận được thơ, hẳn là tức khí vì tự ái, cậu công tử mang tên Hổ đáp lại:

Hỡi hỡi cô bay, tớ bảo nghe
Bảo nghe không được, gậy ông ghè.
Ông ghè chẳng vỡ, ông ghè mãi
Ghè mãi rồi lâu cũng phải rè.

Lời lẽ mới trịch thượng và hách dịch làm sao? Xuân Hương bắt đầu nhận thấy ở Chiêu Hổ một cái gì xa lạ. Hai người vẫn giao du như thường. Chiêu Hổ ngày càng tỏ ra tầm thường. Một bận Chiêu Hổ định giở thói bờm xơm với Xuân Hương trong khi xướng họa. Thấy đến lúc cần phải cho Chiêu Hổ biết rằng người phụ nữ cũng biết quý trọng giá trị và nhân cách của mình, đồng thời để cho anh ta một bài học về đạo đức, Xuân Hương ứng khẩu đọc luôn:

Anh đồ tỉnh, anh đồ say
Sao anh ghẹo nguyệt giữa ban ngày.
Này này chị bảo cho mà biết
Chốn ấy hang hùm chớ mó tay.

Một bản tuyên bố ly khai về tâm hồn, mặc dù hai người vẫn còn giao du với nhau.

Trong số bạn xướng họa của Xuân Hương, những người như Chiêu Hổ không ít, họ còn dốt nát hơn Chiêu Hổ là khác. Xuân Hương nghi ngờ và khinh bỉ những chàng trai tốt mã rẻ cùi, xanh vỏ đỏ lòng ấy. Đòn bút của Xuân Hương bắt đầu tung ra để chào đón họ.

Đây là một kiểu mời khách xơi trầu của Xuân Hương:

Quả cau nho nhỏ miếng trầu hôi
Này của Xuân Hương đã quệt rồi,
Có phải duyên nhau thì thắm lại
Đừng xanh như lá bạc như vôi.

Có chàng công tử tìm đến nhà Xuân Hương. Là con quan nhưng anh ta lại quá dốt nát. Qua vài lần trò chuyện, anh ta tỏ ra tầm thường nhưng lại luôn luôn khoe mẽ cái địa vị sang giàu của mình. Một hôm thấy bóng anh ta đến, Xuân Hương đi vào nhà trong, cho người mang ra một cơi trầu có quả cau bổ đôi, kèm theo một mảnh giấy hoa tiền đề hai câu thơ:

Mảnh tình ví xẻ làm đôi được
Nửa để trong nhà, nửa đệ ra.

Xem thơ, cậu công tử tái mặt, không họa lại được đành tui nghỉu ra về và từ đó không đến nhà Xuân Hương nữa.

Lại một buổi chiều Xuân Hương đi dạo mát trên bờ hồ Tây, một bầy khóa sinh thấy cô thiếu nữ có duyên đang thơ thẩn ngắm ánh nắng chiều trải trên mặt hồ, các thầy đến gần buông lời trêu ghẹo. Có thầy lại còn xổ thơ ra nữa chứ. Xuân Hương mỉm cười, lặng thinh. Họ càng trêu già, tưởng như vớ được món bở nên lại thi nhau đọc thơ. Thấy chướng tai gai mắt, Xuân Hương ngoảnh lại đọc dồn một mạch:

Khéo khéo đi đâu lũ ngẩn ngơ
Lại đây cho chị dạy làm thơ.
Ong non ngửa nọc châm hoa rữa
Dê con buồn sừng húc giậu thưa.

Thôi, vớ phải Xuân Hương rồi! Các thầy khóa nghe thơ nhận ra Xuân Hương, liền bảo nhau lui dần, nhường cho Xuân Hương đi thẳng.

Trên đường về Xuân Hương băn khoăn nghĩ đến thói đời. Bạn bè thì nhiều mà người bạn đời sao khó tìm thế. Rặt những phường ong bướm săn hoa. Họ đến với mình chỉ vì mình là con gái! Có thế thôi ư? Xuân Hương nghĩ đến nàng Ngọc Hoa tài sắc là thế, vì phận gái mà bị đọa đầy. Những tên bạo chúa như Trang Vương, Trịnh Sâm nghe mẹ kể từ bé, nay hiện ra trước mắt Xuân Hương, sau đó là một bầy lau nhau những Chiêu Hổ cho đến các công tử Mải mê trong suy tưởng, Xuân Hương về đến nhà lúc nào không hay.

Bà chúa thơ Nôm

Phần III Cuộc đời của Hồ Xuân Hương

Thơ Hồ Xuân Hương viết về người phụ nữ

Người ta đồn rằng miếu Sầm Công phía phía Nam kinh thành đã mất thiêng từ khi có một bài thơ khá đặc sắc đề bên vách. Bài thơ ấy như sau:

Ghé mắt trông ngang thấy bảng treo
Kìa đền Thái thú đứng cheo leo.
Ví đây đổi phận làm trai được
Sự nghiệp anh hùng há bấy nhiêu?.

Thơ của ai mà không thấy đề tên? Nhân đó mọi người được dịp kể cho nhau nghe về trận đại phá quân Thanh của vua Quang Trung trước đây và cái chết nhục nhã của tên tướng giặc Sầm Nghi Đống. Cũng nhân đó người ta truyền cho nhau nhiều giai thoại về tài thơ và chí ngang tàng của cô gái họ Hồ và cho rằng tác giả bài thơ ấy là Xuân Hương chứ không phải là ai khác. Trong khi đó Xuân Hương vẫn phòng không lạnh lẽo trong căn nhà mới ở làng Tiên Thị gần hồ Hoàn Kiếm.

Xuân Hương cũng vì mẹ già, nhà túng nên ăn ở không được yên ổn[4]. Mẹ con Xuân Hương đã dời chỗ ở về khu đông đúc cho tiện việc làm ăn. Với nghề dệt, hai mẹ con không đủ nuôi nhau, gia đình Xuân Hương phải mở thêm một ngôi hàng nhỏ. Trong hoàn cảnh mới, Xuân Hương càng có điều kiện để tiếp xúc với nhiều tầng lớp người. Câu chuyện Xuân Hương mở ngôi hàng tiếp khách, thử tài thơ để kén chồng lan ra rất nhanh.

Đêm đã về khuya, Xuân Hương còn trằn trọc vì cái tin đồn đại ấy về mình. Có tiếng khóc oa oa từ nhà bên đưa lại. Giọng ru con của cô bạn láng giếng cất lên nhẹ nhàng:

Thân em như tấm lụa đào
Phất phơ giữa chợ biết vào tay ai.

Câu hát quá đỗi quen thuộc đối với Xuân Hương. Ngày xưa mẹ cô cũng đã nhiều lần hát lên câu đó. Nhưng hôm nay cô nghe như mới lần đầu. Sao mà thấm thía đến thế! Làm thơ mà ví người con với tấm lụa đào thì thật là tài tình. Giá biết người làm nên câu hát đó, Xuân Hương tìm đến bái phục, nhưng không quên bảo nhỏ với người ấy rằng phải giữ lấy giá, tìm lấy khách hàng, đừng đem ra giữa chợ cho người ta kén chọn

Rồi một hôm, cô gái ở phường bên chửa hoang bị cha mẹ, xóm giềng xỉ vả, đến phải bỏ nhà ra đi. Với Xuân Hương, chuyện ấy cũng dở dang chẳng hay ho gì. Nhưng nhà thơ lại trách thói đời sao lại quá nghiệt ngã, bất công riêng đối với người đàn bà. Thông cảm với cô gái cả nể ấy, Xuân Hương đã lên tiếng. Nàng viết:

Cả nể cho nên hóa dở dang
Nỗi này chàng có biết không chàng.
Duyên thiên chưa thấy nhô đầu dọc
Phận liễu sao đà nẩy nét ngang[5].
Cái tội trăm năm chàng chịu gánh
Mảnh tình một khối thiếp xin mang.
Quản bao miệng thế lời chênh lệch
Những kẻ không mà có mới ngoan.

Bài thơ được truyền đi, người khen cũng lắm, kẻ chê cũng nhiều, nhưng ai cũng muốn đọc, muốn nghe. Và cô Xuân Hương làm thơ tài tình, bạo miệng, lẳng lơ còn đang kén chồng, lại được dịp trở thành câu chuyện đầu lưỡi của mọi người.

Cuộc tình duyện của Hồ Xuân Hương

Gần 30 tuổi, còn lận đận về tình duyên, Xuân Hương băn khoăn. Đang lúc thấy lòng trống trải, một khách tình tìm đến với nàng. Nghe tiếng Xuân Hương hay chữ người khách lạ tìm đến làng Tiên Thị hỏi thăm nhà Xuân Hương, theo sau là một chú tiểu đồng cắp tráp theo hầu. Trước lạ sau quen, hai người dần dần trở nên thân mật.

Có một bận, người khách lạ lại nhắc lại câu chuyện bài thơ đề miếu Sầm Công mà hỏi đùa Xuân Hương:

Nữ sĩ muốn đổi phận làm trai, ta sẵn lòng đổi, nữ sĩ nghĩ sao?

Xuân Hương chỉ liếc mắt cười, mà không nói.

Người khách ấy là một chàng thư sinh góa vợ đến dự kỳ thi hương ở Thăng Long. Năm đó chàng thi đậu thủ khoa và được bổ làm tri phủ phủ Vĩnh Tường. Xuân Hương đã kết nghĩa trăm năm với ông thủ khoa hay chữ và đa tình ấy[6].

Chuyện kể rằng sau khi đậu thủ khoa, ông tri phủ tương lai cùng với người em đến nhà Xuân Hương để chính thức tỏ tình. Xuân Hương không tiếp, cho người đưa ra một đầu đề bài thơ để thử tài ông tân khoa. Nhận được ba chữ Thạch liên thiên[7] ông tân khoa ngồi nhẩm bút mãi mới được 4 chữ: Thiên thạch nguyên lai rồi tắc tị. Xuân Hương sai người ra bảo với ông tân khoa:

Nếu không ra thơ thì ông về, còn ngồi ngậm bút làm chi nữa?

Ông tân khoa thẹn quá, uất lên, rồi ngất đi, ngã nhào xuống đất. Thấy vậy người em nối hộ cho thành hai câu thơ:

Thiên thạch nguyên lai bản thậm huyền
Nhất triều vàn vũ thạch liên thiên.

[Những đá do trời sinh ra nguyên lai huyền bí lắm. Một sớm kia trải qua mây mưa thì sắc đã lẫn da trời trông như liền nhau].

Khi tỉnh dậy, người thủ khoa gắng làm nốt bài thơ. Xuân Hương khen là hay và nhận làm chồng.

Thời gian chung sống với ông phủ Vĩnh Tường là thời gian mãn nguyện nhất trong cuộc đời của Xuân Hương. Hàng ngày sau khi ở công đường về, ông tri phủ lại cùng Xuân Hương trò chuyện xướng họa thật tâm đắc. Nhưng hạnh phúc của Xuân Hương không bền. Ông phủ Vĩnh Tường qua đời sau một thời gian ngắn làm bạn với Xuân Hương.

Xuân Hương làm bài thơ khóc chồng, mà cũng là khóc người bạn văn chương:

Trăm năm ông phủ Vĩnh Tường ôi!
Cái nợ ba sinh đã trả rồi.
Chôn chặt văn chương ba thước đất
Ném tung hồ thỉ bốn phương trời.
Cán cân tạo hóa rơi đâu mất
Miệng túi càn khôn thắt lại rồi.
Hai bảy tháng trời là mấy chôc
Trăm năm ông phủ Vĩnh Tường ôi!

Hồng nhan bạc phận

Sau một thời gian xa cách kinh thành, Xuân Hương trở về Thăng Long với bộ tang phục.

Bà mẹ Xuân Hương đã già yếu nay lại càng héo hắt vì thương con. Với một chút vốn liếng nhỏ,hai mẹ con tần tảo nuôi nhau.

Cái buồn không có đất sống lâu trong con người vốn có bản tính vui nhộn và yêu đời như Xuân Hương. Xuân Hương lại trở về với thú vui ngâm vịnh. Trái lại, người mẹ gài đã chán chường cuộc sống, nên muốn tìm sự yên tĩnh dưới bóng cửa Phật. Rằm mùng một hàng tháng bà đi lễ chùa. Nhiều lần Xuân Hương theo mẹ lên chùa vãn cảnh. Thấy Xuân Hương có nhan sắc và trẻ trung, nhiều nhà sư đưa mắt nhìn trộm. Xuân Hương không nhịn được cười cho rằng những kiếp tu hành còn nặng duyên trần tục ấy. Xuân Hương thường làm thơ chế giễu họ:

Chẳng phải ngô, chẳng phải ta
Đầu thì trọc lốc áo không tà.
Oản dâng trước mặt dăm ba phẩm
Vãi nấp sau lưng sáu bảy bà,
Khi cảnh, khi tiu, khi chặm chọe
Giọng hì, giọng hỉ, giọng hi ha.
Tu lâu có lẽ lên sư cụ
Ngất nghểu tỏa sen nọ đó mà.

Cuộc sống ngày càng khó khăn. Xuân Hương không thể ở vậy mãi được, đành phải lấy lẽ Tổng Cóc. Cảnh vợ lẽ nàng hầu mới cay đắng làm sao! Xuân Hương có lúc phải chửi đổng cái kiếp lẽ mọn đang đày đọa nàng:

Kẻ đắp chăn bông kẻ lạnh lùng,
Chém cha cái kiếp lấy chồng chung.
Năm chừng mười hoạ hay chăng chớ,
Một tháng đôi lần có cũng không.
Cố đấm ăn xôi, xôi lại hỏng,
Cầm bằng làm mướn, mướn không công.
Nỗi này ví biết dường này nhỉ,
Thời trước thôi đành ở vậy xong.

Sau sáu tháng đem thân đi làm lẽ, Xuân Hương thoát khỏi cảnh đọa đày. Tổng Cóc vì thua bạc mà chết.

Người ta không nói nhiều về cái chết của Tổng Cóc. Mà lại bàn tán với nhau về người vợ lẽ của ông ta. Người đàn bà ngoài 30 tuổi có nhan sắc, có tài văn chương, hai lần góa chồng ấy sẽ ra sao? Con người ấy không phải là tay vừa. Thiên hạ chờ đợi. Góa chồng lần trước Xuân Hương cho người nghe bài thơ khóc chồng khá lâm ly nhưng cũng rất Xuân Hương. Lần này thì sao?

Ít lâu sau, người ta đọc cho nhau nghe bài thơ khóc Tổng Cóc:

Chàng Cóc ơi! Chàng Cóc ơi!
Thiếp bén duyên chàng có thế thôi.
Nòng nọc đứt đuôi từ đây nhé
Ngàn vàng khôn chuộc dấu bôi vôi!.

Xuân Hương khóc hay cười? Khó mà biết!

Chỉ biết rằng ngoài 30 tuổi, còn dang dở vì tình duyên, Xuân Hương không sống như nhiều người cùng cảnh ngộ.

Cái tuổi ngoài 30 chưa phải đã già. Với một tâm hồn nồng cháy, luôn luôn có ý thức về một cuộc sống hạnh phúc và sôi nổi như Xuân Hương, ở tuổi ấy, lại còn trẻ trung lắm.

Xuân Hương biết rất rõ đạo lý của thánh hiền. Sách Nghi Lễ đời Hán chẳng dạy người đàn bà Tại gia tòng phụ, xuất giá tòng phu, phu tử tòng tử[8] đó hay sao? Xuân Hương lại càng biết câu châm ngôn Trung thần bất sự nhị quân, trinh nữ bất canh nhị phu[9] vẫn thường nói ở cửa miệng người đời. Trước tình cảnh này, Xuân Hương theo ai? Xuân Hương không nghe theo ai cả. Như con chim tung bay giữa trời xanh, Xuân Hương nghe theo tiếng gọi của trái tim mình.

Người ta thấy xuất hiện trên bờ hồ Tây một ngôi nhà xinh xắn mang tên là Cổ nguyệt đường[10]. Đó là nhà của nữ sĩ Xuân Hương làm nơi đọc sách ngâm thơ và xướng họa với các văn nhân tài từ.

Yêu thơ, yêu thiên nhiên, yêu đời và yêu con người Xuân Hương đi tìm cái đáng yêu và mở rộng tâm hồn để chờ đón.

Hơn 30 năm lăn lóc cười cợt với đời, trái tim của Xuân Hương không còn loạn nhịp vu vơ nữa. Người ta thấy khách của Xuân Hương không là những chàng thư sinh trẻ, những cậu công tử miệng còn hơi sữa, những dê cỏn như xưa. Khách thơ lưu tới Cổ nguyệt đường hầu hết là những người đã luống tuổi, có chức vị trong xã hội.

Nham Giác Phu Tốn Phong thị[11], trong dịp ở Thăng Long, nghe nói Xuân Hương là bậc tài nữ, lại cùng quê, liền đến thăm Cổ nguyệt đường. Hai người gặp nhau trong niềm vui xướng họa. Họ yêu nhau vì nết, trọng nhau vì tài. Dần dần tình bạn thắm thiết giữa hai người đã bùng lên ngọn lửa tình yêu đôi lứa.

Sau những ngày gặp gỡ Tốn Phong thị lần đầu, Xuân Hương đã nói với bạn tình:

Chồn bước may đâu khéo hẹn hò
Duyên chi hay bởi nợ chi ru.
Sương xoa áo lục nhồi hơi xạ,
Gió lọt cành lê lướt mặt hồ.
Muốn ch.p chỉ đào thêu trướng gấm
Mà đem lá thắm thả dòng Tô,
Trong trần mấy kẻ tinh con mắt
Biết ngọc mà trao mới kể cho.

Bảy năm sau, vào năm Giáp Tuất [1814] hai người lại gặp nhau để rồi mỗi người đi một ngả.

Xuân Hương cũng đã từng họa thơ ông Hiệp Trấn họ Trần[12].

Ngô châu thanh khí hoàn tương thượng
Ngã bối tài tình chính sở chung.
Ác thủ đàm tâm quân mạc quái
Châu giang nhất khứ thủy tiên trùng.

[Bạn thanh khí trong tỉnh ta thường biết quý trọng nhau. Tài tình của bọn chúng ta cũng là do nếp đất un đúc.

Cầm tay anh để nói lên nỗi lòng của tôi, anh đừng lấy thế làm quái dị.

Một khi anh rời khỏi chốn châu giang này còn có ngàn trùng sông nước ngăn cách chúng ta].

Sau ba năm quen biết ông Cần chánh học sĩ họ Nguyễn, tước hầu, làng Tiên Điền, Xuân Hương đã gửi cho người bạn trai tài hòa ấy một bài thơ, khi đã xa nhau:

Dặm khách muôn ngàn nỗi nhớ nhung
Mượn ai tới đấy gửi cho cùng.
Mối tình chốc đã ba năm vẹn
Giấc mộng rồi ra nửa khắc không.
Xe ngựa trộm mừng duyên tấp nập,
Phấn son cùng tủi phận long đong.
Biết còn mảy chút sương đeo mái?
Lầu nguyệt năm canh chiếc bóng chong!

Tâm sự của nữ thi sĩ

Khách thơ thì nhiều. Qua chén rượu tiễn đưa lời thơ xướng họa, Xuân Hương mong mỏi một người tình chung. Nhưng các bậc văn nhân chỉ đến với Xuân Hương như những khách qua đường. Tất cả đều như cơn gió thoảng qua trên mặt hồ. Ngọn gió bay đi để lại những gợn sóng lăn tăn trên mặt nước xao xuyến.

Sương đậu đài hoa, ánh trăng giải trên mặt hồ, đã gợi cho Xuân Hương viết lên khúc ca của tâm tình:

Lộ như châu hề nguyệt như sai [sa],
Thúc vãng lai hề chiếu dư hoài.
Uyển cố nhân hề thiên nhai
Ái bất kiến hề tâm bồi hồi!

[Sương như hạt châu, trăng như ngọc sáng
Trăng qua qua lại lại, chiếu rọi xuống tấm lòng tôi.
Ấm ức thay người bạn cũ mãi còn ở ven trời
Yêu mà không thấy mặt xiết bao bồi hồi]

Những lời thơ đầy vẻ gió mây trăng nước của Xuân Hương xuất phát từ mối tình mà biết dừng lại trên lễ nghĩa[13] đã làm rung động lòng người.

Là một người tài hoa, có nhan sắc[14] mà lận đận về tình duyên, Xuân Hương nhiều đêm thao thức. Tiếng trống cầm vang xa xa vọng lại như bước thời gian đi vội trong đêm khuya. Tủi thân cho phận hồng nhan phải chịu thiệt thòi, Xuân Hương viết nên lời:

Canh khuya văng vẳng trống canh dồn,
Trơ cái hồng nhan mấy nước non.
Chén rượu hương đưa say lại tỉnh,
Vầng trăng bóng xế khuyết chưa tròn.
Xiên ngang mặt đất rêu từng đám,
Đâm toạc chân mây đá mấy chòm.
Ngán nỗi xuân đi xuân lại lại,
Mảnh tình son trẻ tí con con.

Thơ Hồ Xuân Hương châm biếm các quan tân triều

Khách ra vào Cổ nguyệt đường không chỉ có các bậc văn nhân. Người ta còn thấy ở đấy vang lên những tiếng giảng bài trong trẻo của Xuân Hương, và bóng học trò cắp sách đi về. Nhiều người biết Xuân Hương hay chữ, cho con em đến theo học. Xuân Hương còn dành nhiều thời gian để đi du ngoạn, tiếp xúc với những người chung quanh và theo dõi thời cuộc bên ngoài.

Ngọn bút của Xuân Hương không chỉ dừng lại ở tình cảm lứa đôi mà có lúc còn hướng về những điều nóng hổi của cuộc sống đang diễn ra xung quanh.

Chuyện kể rằng một hôm Xuân Hương đang giặt quần áo bên hồ cùng bà con xóm giềng, trên đường có tiếng hò hét om xòm, trẻ con chạy nháo nhác. Thì ra một viên quan lớn của tân triều nghênh ngang võng điều quạt gấm đi vãn cảnh, có tiền hô hậu ủng để dọn đường. Vốn không ưa bọn hãnh tiến dốt nát và hống hách này, Xuân Hương ứng khẩu đọc ngay:

Võng điều ông lớn đi trên ấy
Váy đạp bà con giặt dưới này.

Hai câu thơ có sức bật mãnh liệt ấy lan đi rất nhanh. Người ta đọc cho nhau nghe một cách say sưa hả hê. Người dân kinh thành chờ đợi Xuân Hương thật không uổng.

Vì từ khi lên ngôi vua, sợ nhân dân Bắc Hà không ủng hộ, Gia Long ra lệnh đổi kinh đô Thăng Long thành trấn thành. Một mặt cho phá cung điện chuyên chở các của quý lạ về xây dựng kinh đô Huế; mặt khác y lại ra lệnh bắt bớ chém giết cựu thần Tây Sơn cũ, và trấn áp cựu thần nhà Lê có ý ngấm ngầm chống lại triều Nguyễn. Việc trả thù man rợ mẹ con Bùi Thị Xuân ở Cửa Đông[15] đã làm cho mọi người kinh hãi và căm ghét. Những kẻ bất tài xu thời được dịp ra múa may tác quái. Dưới mắt Xuân Hương, bọn hãnh tiến ấy thật đáng khinh bỉ.

Để đón quan tân triều, người dân Thăng Long được lệnh phải làm cổng chào đón viên khâm sai nào đó. Ở một cổng chào nọ xuất hiện đôi câu đối:

Thiên tử tinh kỳ đương bán diện
Tướng quân thanh thế áp tam thùy.

[Cờ xí nhà vua che nửa mặt
Oai phong của tướng quân trấn được ba cõi][16].

Nội dung hai câu đối ca tụng cái vinh hiển và uy thế lớn lao của viên quan khâm sai, nhưng mặt khác mấy chữ bán diện và tam thùy lại khiến người ta phải liên tưởng đến nửa mảnh tình đến cái quạt ba góc của Xuân Hương, cho nên nó lại có nghĩa uy thế của quan khâm sai cũng như cờ xí nhà vua chẳng ra cái gì.

Ai đọc câu đối cũng gật gù khen là thâm thúy và hay. Quan khâm sai đi ngang qua trông thấy cũng đau điếng người, nhưng không thể bắt bẻ vào đâu được.

Có người đem chuyện đến kể lại và hỏi Xuân Hương, tác giả câu đối ấy cười mà nói rằng:

Người làm câu đối đã biết điều với quân khâm sai lắm rồi.

Phần IV Bà chúa thơ Nôm Hồ Xuân Hương

Vịnh cảnh thiên nhiên

Cuộc sống cùng những ràng buộc khắt khe dường như quá chật hẹp với Xuân Hương. Nhà thơ thường đi tìm thú vui trong cảnh thiên nhiên tươi đẹp.

Đèo Ba Dội ở giáp giới Ninh Bình và Thanh Hóa, một nơi hiểm trở, hai bên núi non trùng điệp, cây cối mọc xanh um. Khách đi qua phải leo nhiều dốc, nhìn xuống dưới chân vực sâu thăm thẳm. Nhân qua đấy, rung cảm trước cảnh thiên nhiên hùng vĩ tràn đầy sức sống và hấp dẫn lòng người. Xuân Hương dừng chân bên đèo để làm thơ. Dưới ngọn bút của Xuân Hương hiện ra cảnh đẹp:

Một đèo, một đèo, lại một đèo
Khen ai khéo tạc cảnh cheo leo.
Cửa son đỏ loét tùm hum nóc,
Hòn đá xanh rì lún phún rêu
Lắt lẻo cành thông cơn gió thốc,
Đầm đìa lá liễu giọt sương gieo.

Xuân Hương hạ hai câu kết một cách hóm hỉnh:

Hiền nhân quân tử ai là chẳng
Mỏi gối chồn chân cũng muốn trèo.

Hàng năm vào dịp tháng hai tháng ba, người dân khắp nơi nô nức rủ nhau đi trẩy hội chùa Hương. Nhà thơ Xuân Hương tìm đến chùa Hương để vãn cảnh. Bởi có con đò Suối, Xuân Hương bắt đầu leo lên núi. Hai bên đường có nhiều chùa đẹp đứng cheo leo bên sườn núi, hoặc ẩn mình trong hang. Nhưng đẹp nhất vẫn là chùa trong. Từ ngoài cổng chùa nhìn xuống, một vùng sâu thăm thẳm, cây cao vút từ lòng sâu vươn lên đón ánh mặt trời. Chùa Hương nằm gọn trong động núi. Nhà thơ Xuân Hương vừa giọng ỡm ờ đã ghi bằng mấy vần thơ:

Bày đặt vì ai khéo khéo phòm
Nứt ra một lỗ hỏm hòm hom.
Người quen cảnh phật chen chân xọc,
Kẻ lạ bầu tiên mỏi mắt dòm.
Giọt nước hữu tình rơi thanh thót
Con thuyền vô trạo cúi lom khom.
Lâm tuyền quyến cả phồn hoa lại
Rõ khéo trời già khéo dở dom.

Xuân Hương đi đến đâu đều có thơ để lại đến đấy. Người ta theo dõi bước đi của Xuân Hương và truyền đi nhiều bài thơ đặc sắc của nàng, không hết lời khâm phục.

Đòn bút sắc sảo của Hồ Xuân Hương

Đòn bút sắc sảo của Xuân Hương tung ra đã làm nhiều kẻ rát mặt. Thua Xuân Hương về tài năng[17] nhiều kẻ lên mặt đạo đức để trả thù Xuân Hương. Họ bày đặt ra nhiều chuyện. Có kẻ làm thơ chê bai Xuân Hương:

Ngàn nỗi má hồng mà bạc phận
Nỡ đem yếm thắm dấu màu son.

Cũng có kẻ làm ca dao để mỉa mai:

Trăn xưa [cổ nguyệt] đã khuyết mấy lần
Phẩm tiên trong giá trắng ngần còn chăng?
Xa xôi ta nhắn chị Hằng
Hồ Tây nước bạc xin đừng có soi!

Nghe đến tai, Xuân Hương càng coi thường và khinh ghét những kẻ tiếng là văn nhân, khoác áo đạo đức mà sự thật thì dốt nát và thấp hèn ấy. Xuân Hương vẫn ngang nhiên giày xéo lên những điều bày đặt của họ và mỗi khi có dịp là Xuân Hương cho các ngài văn nhân ăn đòn.

Ở một ngôi chùa nọ, khách đến thăm cảnh đẹp rất đông. Các văn nhân tài tử đến đây ai cũng muốn để lại chút kỷ niệm và khoe chữ nghĩa của mình. Họ thi nhau đề thơ trên vách. Một hôm, Xuân Hương đến chơi thấy thơ thẩn nhăng cuội đầy vách. Bực mình vì phường dốt nát làm xấu mặt nàng thơ, Xuân Hương liền viết 4 câu:

Dắt díu đưa nhau đến cửa chiền
Cũng đòi học nói, nói không nên
Ai về nhắn nhủ phường lòi tói
Muốn sống, đem vôi quét trả đền.

Lại một hôm, Xuân Hương đi chơi chùa Địch Lộng [Ninh Bình]. Có một tốp văn nhân cũng đi vãn cảnh. Họ leo lên gác chuông, nói chuyện thơ phú huyên thuyên. Họ kể chuyện Xuân Hương, có kẻ lại bắt bẻ chê bai. Thấy vậy, Xuân Hương đến gần, tìm cách bắt chuyện, Xuân Hương bảo họ:

Các thầy hay chữ nghĩa, xin các thầy thử làm bài thơ vịnh cái chuông này, ai làm hay, em xin cắp tráp theo hầu.

Một thầy ra vẻ sành sỏi hỏi:

Ra thơ thì phải hạn vần chứ!

Em không biết. Vâng, thì thơ cái chuông xin cứ lấy vần uông cho tiện.

Các thầy vắt óc thi nhau trổ tài để khoe chữ với người phụ nữ lạ mặt mà cũng thích thơ phú. Nghĩ mãi không ai làm được. Thấy vậy, Xuân Hương nói:

Hay để em làm thử vài câu, nhờ các thầy phủ chỉnh cho.

Họ ngạc nhiên. Xuân Hương đọc:

Một đàn thằng ngọng đứng xem chuông
Chúng bảo nhau rằng: ấy ái uông

Nghe thơ, biết gặp phải tay Xuân Hương rồi, các thầy tìm đường lảng tránh. Xuân Hương ra về. Bài thơ còn bỏ dở

Năm tháng cứ trôi đi, những khát vọng về cuộc sống không được bù đắp, con người sôi nổi và yêu đời như Xuân Hương cũng có lúc phải tung ra tiếng cười oán hận:

Tiếng gà văng vẳng gáy trên hom
Oán hận trông ra khắp mọi chòm.
Mõ thảm không khua mà cũng cốc
Chuông sầu chẳng đánh cớ sao om.
Trước nghe những tiếng thêm rầu rĩ
Sau giận vì duyên đến mõm mòm.
Tài tử văn nhân ai đó tá
Thân này đâu đã chịu già tom.

Nghĩ đến việc đời và lòng người, Xuân Hương tự than:

Nghĩ cùng thế sự lòng như đốt
Trông suốt nhân tình dạ muốn say.
Muôn kiếp biết đà duyên trọn vẹn
Một đời riêng mãi tiếng chua cay.

Xuân Hương nói rằng muốn say, nhưng thực ra Xuân Hương vẫn tỉnh táo để phán xét mọi việc.

Một cô bạn láng giềng có chồng mới chết. Cô khóc vật vã ngày đêm. Ai thấy cũng thương tình, đến thăm hỏi và khuyên nhủ cô phải cố khuây đi, giữ sức để làm lụng, nuôi con, thờ chồng. Xuân Hương đến với người bạn gái ấy bằng những lời khuyên độc đáo:

Văng vẳng tai nghe tiếng khóc chồng
Nín đi kẻo thẹn với non sông

Rất thông cảm với bạn, Xuân Hương đã đặt bạn trước một yêu cầu rộng lớn. Vượt qua nếp suy nghĩ chật hẹp thông thường của nhiều người, Xuân Hương muốn nâng người bạn cùng giới mình lên đúng tầm phải có của nó.

Phần V Lời kết

Con chim hót vang trong khi bay ngược dòng bão tố để tìm phương trời nắng đẹp; bông hoa sen tươi thắm vươn lên trên bùn lầy, vẫn thả hương mặc cho gió thu đã sang, hẳn là làm cho mọi người phải chú ý và trân trọng. Của chua có hương vị hay hay, đôi khi khó chịu khiến người ta phải nhăn mặt đến buồn cười, nhưng ai thấy cũng thèm. Ở Xuân Hương là như thế.

Trong các cuộc xướng họa, khi vui câu chuyện, có ai hỏi về cuộc đời nhà thơ Xuân Hương lại bắt đầu với họ từ câu chuyện một người đàn bà suốt đời đau khổ người mẹ yêu quý của Xuân Hương. Người đàn bà ấy chỉ được làm mẹ chứ không được quyền là người vợ. Bằng cách nói dí dỏm mà hóm hỉnh, Xuân Hương đã dẫn người nghe đến một suy nghĩ sâu sắc về thân phận lệ thuộc của người đàn bà trong xã hội; họ bị mất mát và bị tước đoạt nhiều quá, nhưng có một thứ không kẻ nào tước đoạt được, đó là phẩm chất cao quý và tốt đẹp của mình.

Xuân Hương thường kể cho người nghe những kỷ niệm êm đềm cũng như chua chát của đời mình. Người ta nhận thấy nét mặt nhà thơ bừng lên, trẻ hẳn lại, trong lúc say sưa nói về niềm vui sướng của mình mỗi khi nhận được món quà ưa thích nhất do chính bàn tay người mẹ thân yêu trao cho. Xuân Hương dừng lại sau khi đọc cho họ nghe bài thơ của mình vịnh món quà đó:

Thân em thì trắng, phận em tròn
Bẩy nổi ba chìm với nước non.
Rắn nát mặc dầu tay kẻ nặn
Mà em vẫn giữ tấm lòng son.

[Thơ bánh trôi nước]

Truyện về Nữ thi sĩ Hồ Xuân Hương LichSu.Org
Theo Nguyễn Anh

Chuyện kể danh nhân Việt Nam

Chú thích trong câu chuyện về Hồ Xuân Hương

  1. Về lai lịch Xuân Hương, các nhà nghiên cứu từ trước đến nay đều nhất trí cho rằng Hồ Xuân Hương thuộc dòng dõi họ Hồ, một họ lớn ở Hoàn Hậu tức Quỳnh Đôi, Nghệ An bấy giờ và bà sống vào những năm cuối thế kỷ 18 và đầu thế kỷ 19. Nhiều người cho rằng bà là con của ông Hồ Phi Diễn. Ông Trần Thanh Mại, trong Nghiên cứu Văn học tháng 11 64, căn cứ vào bài tựa tập Lưu Hương ký, do Tốn Phong Thị, bạn của Hồ Xuân Hương viết, trong đó có câu: Cô ta là em gái ông lớn Hồ, đậu hoàng giáp, người làng Hoàn Hậu, huyện Quỳnh Lưu mà cho rằng bà là em Hồ Sĩ Đống [ 1738 1785] con Hồ Sĩ Danh [1706 1783].
    Hồ Phi Diễn và Hồ Sĩ Danh là hai anh em họ ngược về trước 10 đời có cùng một ông tổ.
  2. Có người cho rằng Chiêu Hổ đây là Phạm Đình Hổ [1768 1839] người Hải Dương, tác giả nhiều tác phẩm, trong đó có cuốn Vũ trung tùy bút nhiều người biết. Giả thuyết trên, chưa chắc đã đúng vì thiếu căn cứ chính xác. Có thể đây là một cậu công tử nào đó trùng tên với Phạm Đình Hổ, Phạm Đình Hổ là người cùng thời với Xuân Hương, cũng hay chữ nên có thể có sự suy đoán gán ghép nhầm sau này.
  3. Tiền của ta ngày xưa có hai loại: cổ tiền và sử tiền. 1 quan quy bằng 600 đồng tiền là loại cổ tiền, 1 quan gián bằng 360 đồng tiền là loại sử tiền.
    3 quan quy bằng 5 quan gián, bằng 1.800 đồng tiền.
  4. Lời Tốn Phong Thị trong bài tựa Lưu Hương ký, tài liệu đã dẫn.
  5. Tác giả chơi chữ: Chữ thiên nếu viết nhô đầu lên là chữ phu là chồng. Chữ liễu nếu thêm một nét ngang là chữ tử nghĩa là con.
  6. Xung quanh việc Xuân Hương lấy ông phủ Vĩnh Tường và Tổng Cóc cũng còn nhiều nghi vấn:
    Tri phủ Vĩnh Tường Tổng Cóc là ai?
    Quan hệ với hai người, ai trước, ai sau? Những việc này có đúng xảy ra trước khi gặp các ông Nham giác Phu Tốn Phong thị, ông Hiệp trấn họ Trần hay không?
    Tổng Cóc chết hay Hồ Xuân Hương đoạn tuyệt với ông ta? v.v
    Trong khi viết về phần này, chúng tôi chủ yếu dựa vào những giai thoại được nhiều người sử dụng và quen biết với mọi người
  7. Có nghĩa: Đá liền trời.
  8. Nghĩa là: Khi còn ở nhà, phải theo cha, khi lấy chồng phải theo chồng, khi chồng chết thì theo con.
  9. Nghĩa là: Người bầy tôi trung thành không thờ hai vua, người con gái trinh tiết không lấy hai đời chồng. Lời của Tư Mã Thiên, sứ gia đời Hán, viết trong Sử ký Truyện Điền Đan.
  10. Chữ cổ ghép với chữ Nguyệt thành chữ Hồ là họ của Xuân Hương.
  11. [11 12] Các ông Phạm Giác Phu, ông Hiệp Trấn họ Trần, ông Cần Chánh học sĩ họ Nguyễn, tước hầu, làng Tiên Điền là ai? Hiện nay chưa rõ. Lưu Hương ký, tập thơ của Hồ Xuân Hương mới phát hiện được sau này chỉ cho chúng ta biết có như thế.
  12. Phần thơ xướng họa của Xuân Hương với các ông này đều căn cứ vào Lưu Hương ký và bài giới thiệu của Trần Thanh Mại trong tạp chí Nghiên cứu văn học.
  13. Lời của Phạm Giác Phu Tốn Phong thị trong tựa Lưu Hương ký.
  14. Có người phỏng đoán rằng Xuân Hương có nước da ngăm ngăm đen, mặt rỗ hoa Tốn Phong thị trong dịp gặp Xuân Hương lần thứ nhất [1807] đã viết về nhan sắc của Xuân Hương như sau:
    Thập phần hoa sắc lai nam quốc.
    [Sắc hoa đẹp mười phần, chính từ phương nam đến đây].
    Hoặc: Nghê vũ tiên dung vận thượng hiện.
    [Dáng người tiên mặc xiêm ráng áo lông hiện lên trên mây].
    Trong lần gặp thứ hai [1814] ông lại cho hay:
    Nhất dạng mai trang thanh triệt cốt
    Thập phần xuân sắc hảo liên thiên.
    [Dáng người hệt như vóc cây mai, thanh lịch thấu đến xương tủy. Sắc trọn vẹn mười phần tươi đẹp khắp cả vùng trời].
  15. Bùi Thị Xuân, vợ Trần Quang Diệu, tướng triều Tây Sơn. Chính bản thân bà đã cầm quân chống lại quân của Gia Long đến cùng, Bắt được Bùi Thị Xuân, Gia Long trả thù bà bằng cách quấn bông tẩm dầu quanh người mà đốt. Trước khi hành hình, y ra lệnh cho đem con giai còn nhỏ tuổi của bà buộc vào một cây tre chôn đối diện với một bức tường, khi kéo cây tre ngã xuống rồi buông ra, sức bật của cây tre đập cậu bé vào tường cho đến chết. Trong lúc đó Bùi Thị Xuân không ngớt miệng chửi Gia Long. Câu chuyện xảy ra vào năm 1801 ở cửa Đông thành Thăng Long. [Cũng có thuyết nói bà bị hành hình ở Phú Xuân].
  16. Đôi câu đối này do cụ Hoa Bằng, cán bộ Viện Sử học cung cấp: trong phần bổ sung [còn viết tay] quyển Hồ Xuân Hương nhà thơ cách mạng của cụ đã xuất bản năm 1952.
  17. Một người bạn của Tốn Phong thị kể lại cho ông ta về Hồ Xuân Hương: Học rộng mà thuần thục, dùng chữ ít mà đầy đủ, từ mới lạ mà đẹp đẽ, thơ đúng phép mà văn hoa; thực là một bậc tài nữ. Tốn Phong thị nhắc lại trong bài tựa bản Lưu Hương ký của mình.

Video liên quan

Chủ Đề