Hoàn nhập Quỹ phát triển khoa học công nghệ

Contents

  1. 1 1. Nguyên tắc kế toán
  2. 2 2. Kết cấu và nội dung phản ánh của tài khoản 356 – Quỹ phát triển khoa học và công nghệ
  3. 3 3. Phương pháp hạch toán kế toán một số nghiệp vụ kinh tế chủ yếu



Điều 64. Tài khoản 356 – Quỹ phát triển khoa học và công nghệ

1. Nguyên tắc kế toán


a] Tài khoản này dùng để phản ánh số hiện có, tình hình tăng giảm Quỹ phát triển khoa học và công nghệ [PTKH&CN] của doanh nghiệp. Quỹ PTKH&CN của doanh nghiệp chỉ được sử dụng cho đầu tư khoa học, công nghệ tại Việt Nam.

b] Quỹ PTKH&CN được hạch toán vào chi phí quản lý doanh nghiệp để xác định kết quả kinh doanh trong kỳ. Việc trích lập và sử dụng Quỹ PTKH&CN của doanh nghiệp phải tuân thủ theo các quy định của pháp luật.

c] Trường hợp doanh nghiệp sử dụng Quỹ PTKH&CN để tài trợ cho việc nghiên cứu, sản xuất thử nghiệm, số tiền thu được khi bán sản phẩm sản xuất thử được bù trừ với chi phí sản xuất thử theo nguyên tắc:

- Phần chênh lệch giữa số tiền thu từ bán sản phẩm sản xuất thử cao hơn chi phí sản xuất thử được ghi tăng Quỹ PTKH&CN;

- Phần chênh lệch giữa số tiền thu từ bán sản phẩm sản xuất thử thấp hơn chi phí sản xuất thử được ghi giảm Quỹ PTKH&CN.

d] Định kỳ, doanh nghiệp lập Báo cáo về mức trích, sử dụng, quyết toán Quỹ PTKH&CN và nộp cơ quan có thẩm quyền theo quy định của pháp luật.

2. Kết cấu và nội dung phản ánh của tài khoản 356 – Quỹ phát triển khoa học và công nghệ


Bên Nợ:

- Các khoản chi tiêu từ Quỹ phát triển khoa học và công nghệ;

- Giảm Quỹ phát triển khoa học và công nghệ đã hình thành tài sản cố định [TSCĐ] khi tính hao mòn TSCĐ; giá trị còn lại của TSCĐ khi nhượng bán, thanh lý; chi phí thanh lý, nhượng bán TSCĐ hình thành từ Quỹ phát triển khoa học và công nghệ.

- Giảm Quỹ phát triển khoa học và công nghệ đã hình thành TSCĐ khi TSCĐ hình thành từ Quỹ phát triển khoa học và công nghệ chuyển sang phục vụ mục đích sản xuất, kinh doanh.

Bên Có:

- Trích lập Quỹ phát triển khoa học và công nghệ vào chi phí quản lý doanh nghiệp.

- Số thu từ việc thanh lý, nhượng bán TSCĐ hình thành từ Quỹ phát triển khoa học và công nghệ đã hình thành TSCĐ.

Số dư bên Có: Số quỹ phát triển khoa học và công nghệ hiện còn của doanh nghiệp.

Tài khoản 356 - Quỹ phát triển khoa học và công nghệ có 2 tài khoản cấp 2:

- Tài khoản 3561 - Quỹ phát triển khoa học và công nghệ: Phản ánh số hiện có và tình hình trích lập, chi tiêu quỹ phát triển khoa học và công nghệ;

- Tài khoản 3562 - Quỹ phát triển khoa học và công nghệ đã hình thành TSCĐ: Phản ánh số hiện có, tình hình tăng, giảm quỹ phát triển khoa học và công nghệ đã hình thành TSCĐ [quỹ phát triển khoa học và công nghệ đã hình thành TSCĐ].

3. Phương pháp hạch toán kế toán một số nghiệp vụ kinh tế chủ yếu


a] Trong năm khi trích lập quỹ phát triển khoa học và công nghệ, ghi:

Nợ TK 642 - Chi phí quản lý doanh nghiệp

Có TK 356 - Quỹ phát triển khoa học và công nghệ.

b] Khi chi tiêu Quỹ PTKH&CN phục vụ cho mục đích nghiên cứu, phát triển khoa học và công nghệ của doanh nghiệp, ghi:

Nợ TK 356 - Quỹ phát triển khoa học và công nghệ

Nợ TK 133 - Thuế GTGT được khấu trừ [nếu có]

Có các TK 111, 112, 331...

c] Khi sử dụng Quỹ PTKH&CN để trang trải cho hoạt động sản xuất thử sản phẩm:

- Kế toán tập hợp chi phí sản xuất thử, ghi:

Nợ TK 154 - Chi phí sản xuất, kinh doanh dở dang

Nợ TK 133 - Thuế GTGT được khấu trừ

Có các TK 111, 112, 152, 331...

- Khi bán sản phẩm sản xuất thử, ghi:

Nợ TK 111, 112, 131

Có TK 154 - Chi phí sản xuất, kinh doanh dở dang

Có TK 333 - Thuế và các khoản phải nộp Nhà nước [nếu có]

- Chênh lệch giữa chi phí sản xuất thử và số thu từ bán sản phẩm sản xuất thử được điều chỉnh tăng, giảm Quỹ, ghi:

+ Trường hợp số thu từ việc bán sản phẩm sản xuất thử cao hơn chi phí sản xuất thử, kế toán ghi tăng Quỹ PTKH&CN, ghi:

Nợ TK 154 - Chi phí sản xuất, kinh doanh dở dang

Có TK 356 - Quỹ Phát triển khoa học và công nghệ

+ Trường hợp số thu từ việc bán sản phẩm sản xuất thử nhỏ hơn chi phí sản xuất thử, kế toán ghi ngược lại bút toán trên.

d] Khi đầu tư, mua sắm TSCĐ hoàn thành bằng quỹ phát triển khoa học và công nghệ sử dụng cho mục đích nghiên cứu, phát triển khoa học và công nghệ:

- Khi đầu tư, mua sắm TSCĐ, ghi:

Nợ các TK 211, 213 [nguyên giá]

Nợ TK 133 - Thuế GTGT được khấu trừ [nếu có]

Có các TK 111, 112, 331...

Đồng thời, ghi:

Nợ TK 3561 - Quỹ phát triển khoa học và công nghệ

Có TK 3562 - Quỹ PTKH&CN đã hình thành TSCĐ.

- Cuối kỳ kế toán, tính hao mòn TSCĐ đầu tư, mua sắm bằng Quỹ phát triển khoa học và công nghệ sử dụng cho mục đích nghiên cứu, phát triển khoa học và công nghệ, ghi:

Nợ TK 3562 - Quỹ PTKH&CN đã hình thành TSCĐ

Có TK 214 - Hao mòn TSCĐ.

- Khi thanh lý, nhượng bán TSCĐ đầu tư, mua sắm bằng quỹ phát triển khoa học và công nghệ:

+ Ghi giảm TSCĐ thanh lý, nhượng bán:

Nợ TK 3562 - Quỹ PTKH&CN đã hình thành TSCĐ [giá trị còn lại]

Nợ TK 214 - Hao mòn TSCĐ [giá trị hao mòn]

Có các TK 211, 213.

+ Ghi nhận số tiền thu từ việc thanh lý, nhượng bán TSCĐ:

Nợ các TK 111, 112, 131

Có TK 3561 - Quỹ phát triển khoa học và công nghệ

Có TK 3331 - Thuế GTGT phải nộp [33311].

+ Ghi nhận chi phí phát sinh liên quan trực tiếp đến việc thanh lý, nhượng bán TSCĐ:

Nợ TK 3561 - Quỹ phát triển khoa học và công nghệ

Nợ TK 133 - Thuế GTGT được khấu trừ [nếu có]

Có các TK 111, 112, 331.

- Khi kết thúc quá trình nghiên cứu, phát triển khoa học công nghệ, chuyển TSCĐ hình thành từ Quỹ phát triển khoa học và công nghệ sang phục vụ cho mục đích sản xuất, kinh doanh, kế toán ghi:

Nợ TK 3562 - Quỹ PTKH&CN đã hình thành TSCĐ [phần giá trị còn lại

của TSCĐ hình thành từ quỹ chưa khấu hao hết]

Có TK 711 - Thu nhập khác.

Kể từ thời điểm TSCĐ chuyển sang phục vụ mục đích sản xuất, kinh doanh, hao mòn của TSCĐ được tính vào chi phí sản xuất, kinh doanh theo quy định của chế độ kế toán doanh nghiệp hiện hành.

Báo cáo trích lập quỹ phát triển khoa học và công nghệ

Căn cứ Khoản 2, Điều 10, Thông tư số 78/2014/TT-BTC ngày 18/6/2014 của Bộ Tài chính hướng dẫn thi hành Nghị định số 218/2013/NĐ-CP ngày 26/12/2013 của Chính phủ quy định và hướng dẫn thi hành Luật Thuế Thu nhập doanh nghiệp;

Căn cứ Khoản 5, Khoản 6, Điều 5, Thông tư số 15/2011/TT-BTC ngày 09/02/2011 của Bộ Tài chính hướng dẫn thành lập, tổ chức, hoạt động, quản lý và sử dụng Quỹ phát triển khoa học và công nghệ của doanh nghiệp;

Điều 5. Sử dụng Quỹ từ nguồn trích lập thu nhập tính thuế

5. Trong thời hạn 5 năm, kể từ năm kế tiếp năm trích lập, nếu Quỹ không được sử dụng hoặc sử dụng không hết 70% hoặc sử dụng không đúng mục đích thì doanh nghiệp phải nộp ngân sách nhà nước phần thuế thu nhập doanh nghiệp tính trên khoản thu nhập đã trích lập Quỹ mà không sử dụng hoặc sử dụng không hết 70% hoặc sử dụng không đúng mục đích và phần lãi phát sinh từ số thuế thu nhập doanh nghiệp đó.

Số tiền sử dụng không đúng mục đích không được tính vào tổng số tiền sử dụng cho mục đích phát triển khoa học và công nghệ của doanh nghiệp.

Việc xác định số thuế thu nhập doanh nghiệp bị thu hồi do Quỹ không sử dụng hoặc sử dụng không hết 70% hoặc sử dụng không đúng mục đích và phần lãi phát sinh từ số thuế thu nhập doanh nghiệp đó theo nguyên tắc sau:

5.1. Thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp dùng để tính số thuế thu hồi là mức thuế suất áp dụng cho doanh nghiệp trong thời gian trích lập quỹ.

Trường hợp trong thời hạn 5 năm, doanh nghiệp áp dụng các mức thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp khác nhau thì thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp dùng để tính số thuế thu hồi là thuế suất tại thời điểm trích của khoản thu hồi theo nguyên tắc số tiền trích trước sử dụng trước.

Đối với các doanh nghiệp tổ chức theo mô hình tổng công ty, công ty mẹ – công ty con thành lập Quỹ để phục vụ hoạt động khoa học và công nghệ của toàn hệ thống thì thực hiện truy thu số thuế thu nhập doanh nghiệp do sử dụng không đúng mục đích tại đơn vị nhận điều chuyển tại tổng công ty, công ty mẹ – công ty con. Thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp làm căn cứ tính số thuế thu hồi là mức thuế suất áp dụng tại công ty nhận điều chuyển trong thời điểm điều chuyển theo nguyên tắc trích trước sử dụng trước.

5.2. Lãi suất tính lãi đối với số thuế thu hồi tính trên phần quỹ không sử dụng hoặc sử dụng không hết 70% là lãi suất trái phiếu kho bạc loại kỳ hạn một năm áp dụng tại thời điểm thu hồi và thời gian tính lãi là hai năm.

5.3. Lãi suất tính lãi đối với số thuế thu hồi tính trên phần Quỹ sử dụng sai mục đích là mức lãi tính theo tỷ lệ phạt chậm nộp theo quy định của Luật quản lý thuế và thời gian tính lãi là khoảng thời gian kể từ khi trích lập Quỹ đến khi thu hồi. Ngày thu hồi là ngày hành vi vi phạm được phát hiện và lập biên bản [trừ trường hợp không phải lập biên bản].

Việc xác định thời điểm trích Quỹ của số tiền sử dụng sai mục đích làm căn cứ tính lãi đối với số thuế thu hồi tính trên phần Quỹ sử dụng sai mục đích theo nguyên tắc số tiền trích quỹ trước thì sử dụng trước.

Căn cứ Điều 16, Thông tư số 151/2014/TT-BTC ngày 10/10/2014 của Bộ Tài chính sửa đổi Điều 12, Thông tư số 156/2013/TT-BTC ngày 06/11/2013 về Khai thuế thu nhập doanh nghiệp,

 Công văn số 2257/CT-KK&KTT ngày 14/4/2016 của Cục Thuế tỉnh Kon Tum về tiền lãi phát sinh từ thuế thu nhập doanh nghiệp hoàn nhập quỹ phát triển khoa học công nghệ

Đối với tiền lãi phát sinh tương ứng số thuế thu nhập doanh nghiệp thu hồi do hoàn nhập quỹ phát triển khoa học và công nghệ không sử dụng hết, doanh nghiệp thực hiện kê khai trên chỉ tiêu D3 – Thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp khác của Tờ khai quyết toán thuế thu nhập doanh nghiệp năm và nộp vào tiểu mục thuế thu nhập doanh nghiệp.

Ví dụ

Công ty B trích lập Quỹ phát triển khoa học công nghệ như sau: kỳ tính thuế năm 2011 trích 200 triệu đồng, năm 2012 trích 300 triệu đồng, năm 2013 trích 300 triệu đồng, năm 2014 trích 500 triệu đồng, năm 2015 trích 700 triệu đồng, năm 2016 trích 800 triệu đồng. Đến hết năm 2013, Công ty sử dụng 300 triệu đồng từ Quỹ. Hàng năm, Công ty lập Báo cáo trích, sử dụng Quỹ. Đến ngày 05/5/2014, qua kiểm tra, cơ quan thuế phát hiện năm 2013 Công ty sử dụng 40 triệu đồng từ Quỹ sai mục đích và lập biên bản xử phạt. Lãi phạt nộp chậm theo quy định hiện hành của Luật quản lý thuế là 0,05%/ngày.

Giả sử năm 2012, Công ty đã sử dụng 150 triệu đồng cho đề án khoa học công nghệ thì số tiền 40 triệu đồng sử dụng sai được xác định là từ tiền trích Quỹ của kỳ tính thuế năm 2011. Trường hợp này, xác định số tiền thuế và số tiền lãi bị truy thu như sau:

+ Số thuế thu nhập doanh nghiệp bị truy thu do sử dụng sai mục đích là:

40 triệu đồng x 25% = 10 triệu đồng

+ Số ngày tính phạt chậm nộp: từ ngày 01/4/2012 đến hết ngày 05/5/2014: 765 ngày.

Số tiền lãi bị truy thu [theo lãi phạt nộp chậm]: 10 triệu x 0,05%/ngày x 765 ngày = 3,825 triệu đồng

Chúc các bạn thành công!

Tìm hiểu thêm về kế toán, kiểm toán, thuế tại calico.vn hoặc kiemtoancalico.com

Video liên quan

Chủ Đề