Hoạt động trải nghiệm Toán cho học sinh tiểu học

GD&TĐ - Trải nghiệm là hoạt động giáo dục bắt buộc và được thực hiện xuyên suốt ở tất cả các môn học trong Chương trình giáo dục phổ thông mới. Để phát huy tính năng ưu việt của hoạt động trải nghiệm trong dạy học môn Toán tiểu học, giáo viên cần hiểu đúng và phải thực hiện đủ.

Thực trạng việc dạy-học Toán tiểu học hiện nay

Mục tiêu dạy-học toán tiểu học hiện nay: Học sinh hiểu được bài học, nắm được các chuẩn kiến thức và năng cần đạt của bài học, thực hiện được các bài tập thực hành. Mức độ cao hơn là giáo viên quan tâm đến việc giúp các em có thói quen giải toán, yêu thích học toán.

Thế nhưng trong quá trình giảng dạy, giáo viên thường để học sinh tự học, tự thực hiện, học sinh trở nên thụ động, lớp học nhàm chán, thiếu nhiều kỹ năng trong học tập cũng như trong cuộc sống.

Giáo viên thường nghĩ rằng: Trải nghiệm là học sinh được hoạt động bên ngoài lớp học; các em được thực hành đo đạt, thao tác trên một đồ dùng học tập nào đó hay được tiến hành tính toán trên một vật, dụng cụ gì đó cụ thể mới được gọi là trải nghiệm.

Bên cạnh những cách nghĩ đó còn có không ít giáo viên cho rằng: Học sinh học Toán chỉ cần tính đúng kết quả bài tính, giải bài toán đúng cách, đúng đáp số là được. Và cũng không ít giáo viên bị động, không nghĩ ra phải trải nghiệm như thế nào khi dạy tiết học này, bài học kia,….

Chính vì những ý nghĩ đó đã dẫn đến hiện trạng nhiều học sinh làm được câu tính, bài tính hay tìm đúng kết quả bài toán nhưng khi hỏi lại cách làm như thế nào thì các em không trình bày, không giải thích được hoặc hỏi căn cứ vào đâu để có cách làm đó các em vẫn không thể trả lời.

Cần hiểu đúng...

Hoạt động trải nghiệm trong môn học Toán nói riêng đã được hướng dẫn và Ban hành kèm theo Thông tư số 32/2018/TT-BGDĐT ngày 26 tháng 12 năm 2018 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo.

“Hoạt động trải nghiệm là hoạt động giáo dục do nhà giáo dục định hướng, thiết kế và hướng dẫn thực hiện, tạo cơ hội cho học sinh tiếp cận thực tế, thể nghiệm các cảm xúc tích cực, khai thác những kinh nghiệm đã có và huy động tổng hợp kiến thức, kĩ năng của các môn học để thực hiện những nhiệm vụ được giao hoặc giải quyết những vấn đề của thực tiễn đời sống nhà trường, gia đình, xã hội phù hợp với lứa tuổi; thông qua đó, chuyển hoá những kinh nghiệm đã trải qua thành tri thức mới, hiểu biết mới, kĩ năng mới góp phần phát huy tiềm năng sáng tạo và khả năng thích ứng với cuộc sống, môi trường”.

Như vậy, không phải học sinh được thực hành các công việc thực tế bên ngoài lớp học mới gọi là trải nghiệm.

Trải nghiệm trong dạy học nói chung và trong môn học toán nói riêng có thể được tiến hành trên cả ba hoạt động: Trải nghiệm suy nghĩ, ý tưởng; Trải nghiệm lời nói; Trải nghiệm hành động.

Trong mỗi tiết dạy nếu các em được trải nghiệm đầy đủ theo các hoạt động trên, các em không chỉ nắm vững kiến thức, năng động, sáng tạo mà còn góp phần hình thành, phát triển các phẩm chất chủ yếu, năng lực chung và các năng lực đặc thù.

Thông qua các hoạt động trải nghiệm các em được khám phá bản thân, rèn luyện bản thân, phát triển quan hệ với bạn bè, thầy cô và cả người thân trong gia đình. Đặc biệt ngôn ngữ toán học được chuẩn xác, khả năng lập luận trở nên logic, tư duy phát triển.

Giáo viên quan sát kĩ năng trải nghiệm trong hoạt động nhóm

... Và thực hiện đủ 

Giáo viên có thể phân chia các kiểu tính, bài tính, các dạng toán, bài toán sao cho phù hợp để các em được trải nghiệm; kích thích thái độ học tập tích cực, phát huy tính năng động, sáng tạo, đạt mục tiêu đã đề ra.

Trải nghiệm suy nghĩ, ý tưởng là hoạt động cực kỳ quan trọng. Hoạt động này kích hoạt trí óc non nớt của các em. Các em hứng thú học tập được hay không? Thích môn học toán đến mức độ nào? Các em tự tin, mạnh dạn đưa ra những cách làm, cách xử lý, cách giải quyết vấn đề ra sao?... đều tuỳ thuộc hoàn toàn vào năng lực, trình độ tổ chức chuyển tải kiến thức của người dạy.

Người dạy Toán tuyệt đối không phản biện trực tiếp một cách mạnh mẽ, đơn điệu; Không cho là sai, trật,… mà nên “trưng cầu dân ý” để nhiều em được nêu ý tưởng, tạo điều kiện để các em được thể hiện, được tranh luận càng tốt.

Khi giáo viên đặt vấn đề, đưa ra vấn đề yêu cầu học sinh giải quyết thì cần tổ chức ngay hoạt động trải nghiệm suy nghĩ, ý tưởng để học sinh được trình bày phát kiến của mình, bản lĩnh của các em được thể hiện mạnh mẽ nhất ở giây phút này. Các em hăng say, hứng thú, ham thích môn học toán cũng từ đây. Hoạt động này cần được thực hiện trong tất cả các tiết học.

Trải nghiệm lời nói là hoạt động học sinh được trình bày, chia sẻ cách làm mà học sinh đã tự nghĩ và tự thực hiện được. Không bắt buộc phải là kết quả đúng, chính xác. Từ những kết quả thực hiện mà các em chia sẻ, các em sẽ nhận được những lời phản biện, các em tự nhận và tự phát hiện những thiếu sót, những cách làm hay và các em sẽ càng tự tin thích thú hơn khi lắng nghe lời chốt ý nhẹ nhàng từ giáo viên chủ nhiệm.

Hoạt động này cần được thực hiện trong tất cả các bài tính: đặt tính, tính giá trị biểu thức, tìm thành phần chưa biết, tính thuận tiện,… cả trong các bài toán có lời văn, các bài toán tổng hợp,…

Chẳng hạn: Đối với những bài đặt tính rồi tính: 84 253 + 103 796

- Bước 1: Giáo viên cần tổ chức cho các em trình bày suy nghĩ, ý tưởng cá nhân về cách đặt tính để tính kết quả vào vở. Khi đó nhiều em sẽ có cách đặt tính khác nhau.

Giáo viên chỉ cần thực hiện nhiệm vụ: giúp các em nhận ra đâu là cách đặt tính đúng, hay.

- Bước 2: Các em trải nghiệm lời nói. Cần tạo điều kiện cho nhiều học sinh được trình bày cách cộng các số hạng. Trong khi nêu cách tính nhiều em sẽ phát hiện cách thức thực hiện của bạn mình đúng, đủ thế nào và tự các em sẽ có những lời phản biện, lí giải hợp lí, chắc chắn các em sẽ có cách tính và được kết quả đúng.

Trải nghiệm hành động là các em được thao tác, thực hành trên những dụng cụ học tập cụ thể hay được đo đạt, tính toán trên những đồ vật cụ thể, gần gũi, xung quanh đời sống các em.

Hoạt động này giúp các em kiểm chứng lại kiến thức của mình đã học, đã có. Giáo viên cần theo dõi sát, giúp đỡ kịp thời và chỉ cho các em thấy được những cách thực hiện hay để phát huy, những điểm còn thiếu sót để các em kiểm tra, ôn tập cũng như điều chỉnh nhận thức, hành vi khi vận dụng kiến thức vào thực tiễn.

Trong quá trình dạy – học, việc tạo điều kiện để học sinh được trình bày, chia sẻ, phản biện là yêu cầu rất cần thiết, cần phải thực hiện. Tiết dạy đạt mục tiêu ở mức độ cao hay thấp, học sinh chiếm lĩnh kiến thức nhiều hay ít phải tính đến năng lực tổ chức tiết dạy các hoạt động trải nghiệm trong tiết dạy của giáo viên.

Giáo viên cần có kế hoạch dạy học thật chuẩn xác và chặt chẽ, tránh xa đà, mất quá nhiều thời gian cho một đối tượng, một hoạt động; Cần tập trung rèn luyện những đối tượng còn thụ động, khả năng diễn giải chậm, thiếu tự tin, chưa lưu loát, tạo điều kiện để các em được nói, trao đổi, chia sẻ.

Qua đó cho thấy hoạt động trải nghiệm quyết định chất lượng của việc dạy học rất cao. Hãy hiểu đúng và thực hiện đủ hoạt động trải nghiệm! Hãy giúp các em nắm vững kiến thức, kích hoạt trí não, nâng cấp khả năng suy diễn, sáng tạo, kiềm chế được cảm xúc, làm chủ bản thân, nâng cấp khả năng giao tiếp và thắt chặt tình cảm bạn bè, thầy cô thông qua các hoạt động trong dạy học Toán tiểu học!

Học trải nghiệm sáng tạo môn toán đang được triển khai dưới nhiều hình thức hấp dẫn với học sinh tại nhiều trường học. Phương pháp này giúp các em nắm bắt kiến thức và vận dụng vào cuộc sống tốt hơn. Hãy cùng FPT tìm hiểu sâu hơn về vấn đề này qua bài viết sau.

1. Tầm quan trọng của học trải nghiệm sáng tạo môn toán 

Học trải nghiệm sáng tạo môn toán có ý nghĩa quan trọng đối với mục tiêu giáo dục chung cũng như hoạt động học tập hiện tại, cuộc sống tương lai của học sinh:

Đối với định hướng giáo dục môn toán nói chung

  • Toán học là một trong những bộ môn khoa học cơ bản, có nhiều ứng dụng trong cuộc sống. Do đó, dạy toán trong nhà trường phổ thông sao cho hiệu quả luôn là điều được quan tâm. 
  • Hiện nay, giáo dục nước ta đang định hướng chuyển đổi dạy các bộ môn khoa học như toán sang hướng tinh gọn, thực tế, khơi gợi sáng tạo cho học sinh. Bởi vậy, học trải nghiệm sáng tạo môn toán là phương pháp thích hợp với định hướng này. 

Đối với hoạt động học tập của học sinh

  • Học toán theo phương pháp truyền thống với nhiều học sinh là hoạt động học tập khó, thậm chí trở thành áp lực. Nhưng, khi toán trở thành việc học trải nghiệm sáng tạo, kiến thức khô khan, hàn lâm dần trở nên dễ hiểu, dễ tiếp nhận thì các em sẽ vượt qua được tâm lý sợ môn toán. 
  • Học sinh có hứng thú, biết cách tiếp thu và vận dụng kiến thức, sáng tạo trong giờ học, từ đó nâng cao hiệu quả hoạt động học tập.

Học trải nghiệm sáng tạo môn toán có vai trò quan trọng trong đổi mới giáo dục.

Đối với sự phát triển tương lai của học sinh

  • Học trải nghiệm sáng tạo môn toán giúp học sinh tiếp thu kiến thức toán phổ thông hiệu quả. Từ đó, các em có nền tảng để có thể nghiên cứu sâu hơn về bộ môn này ở các bậc học cao hơn. 
  • Ngoài ra, nhờ được làm quen với sự sáng tạo, trải nghiệm sớm nên học sinh dễ yêu thích bộ môn này. Nhiều em nhận ra năng khiếu của mình, hình thành định hướng nghề nghiệp liên quan tới toán học từ niềm đam mê với toán từ khi còn học phổ thông.

Trải nghiệm sáng tạo trong môn toán có vai trò quan trọng trong giáo dục hiện nay vì những lý do sau: 

Hạn chế tính thụ động, tăng tính chủ động cho học sinh khi học toán

  • Phương pháp học toán cũ thường chỉ chú trọng truyền đạt kiến thức một chiều từ thầy tới trò. Không chú trọng rèn luyện kỹ năng, ứng dụng, học sinh sẽ dần mất đi hứng thú với với việc học toán, thiếu sáng tạo và trở nên thụ động. 
  • Trải nghiệm sáng tạo môn toán khiến học sinh phải lao động sáng tạo không ngừng, ngày càng phát triển và trở nên chủ động lĩnh hội kiến thức. Học sinh không còn chỉ ngồi nghe và chép các công thức toán học, thuộc lòng bảng cửu chương hay các định nghĩa Sin, Cos... Thay vào đó, các em được tham gia hoạt động trải nghiệm toán, các cuộc thi ứng dụng kiến thức toán vào đời sống. 

Học sinh thực hành vận dụng kiến thức toán học để đo chiều cao các tòa nhà.

Rèn luyện tư duy, kỹ năng về toán học cho học sinh: Thông qua việc hướng dẫn người học cách áp dụng kiến thức vào thực tế, trải nghiệm sáng tạo môn toán giúp người học: 

Rèn luyện Tư duy toán học:

  • Đó là tư duy logic, tư duy hệ thống, biểu diễn dữ liệu,… Có được điều này, học sinh sẽ học toán nhanh, hiệu quả và thú vị hơn. Ngoài ra, các em cũng có thể áp dụng vào thực tế để tính toán, sắp xếp cuộc sống cho bản thân, chẳng hạn như làm thời gian biểu, tính toán giá cả khi mua đồ,…  
  • Rèn luyện kỹ năng mềm như tính toán, nhanh nhạy với con số, làm việc nhóm, thuyết trình, báo cáo, xử lý vấn đề,…  Những kỹ năng này không chỉ giúp ích cho các em trong môn toán mà còn ở nhiều môn học thậm chí trong tương lai khi các em đi làm tại các doanh nghiệp thực tế.

Học trải nghiệm sáng tạo môn toán giúp học sinh rèn luyện cả tư duy lẫn kỹ năng toán học.

Tạo cơ hội để giáo viên sáng tạo trong cách giảng dạy môn toán 

  • Không chỉ học sinh, giáo viên cũng cần sáng tạo trong cách thức giảng dạy, thiết kế được đa dạng hoạt động để học sinh trải nghiệm. Vì qua đó, các thầy cô sẽ dần trau dồi thêm chuyên môn và kỹ năng sư phạm của mình.  
  • Một số hình thức trải nghiệm sáng tạo thầy cô hay sử dụng là tổ chức các cuộc thi, các chuyên đề STEM, các câu đố, trò chơi toán học hấp dẫn, yêu cầu vận dụng các kiến thức toán học để tìm lời giải... 

Từ đó, cả giáo viên và học sinh sẽ dần dần từ bỏ được các thói quen dạy và học thụ động, truyền đạt kiến thức một chiều, nhàm chán.

2. Hoạt động trải nghiệm sáng tạo môn toán ở FPT Edu

Nhận thức được tầm quan trọng của hoạt động học trải nghiệm sáng tạo môn toán, nhiều trường học hiện nay đã và đang đưa vào triển khai có hiệu quả phương pháp này. Có thể kể đến như FPT Edu với các hoạt động được xây dựng khoa học, phù hợp với chương trình học của từng lứa tuổi. 

FPT Edu chú trọng mang đến những hoạt động nhiều màu sắc, vừa học vừa chơi cho học sinh tiểu học, THCS. Việc học toán trở nên thú vị với nhiều trò chơi, cuộc thi hấp dẫn, tích hợp các công nghệ 4.0. 

“Trò chơi toán học” thú vị mà các học sinh lớp 6A3 trường Tiểu học & THCS FPT Cầu Giấy đã được trải nghiệm. Các trò chơi này vận dụng phần kiến thức liên quan đến dấu hiệu số chia hết trong chương trình toán học lớp 6.

Các bạn học sinh TH&THCS tại FPT Edu hào hứng với trò chơi toán học.

Kiến thức về dấu hiệu số chia hết trong chương trình lớp 6 tuy không quá khó nhưng lại rất nhiều quy tắc và dấu hiệu cần nhớ. Thế nhưng cách học truyền thống lại chỉ đơn thuần đọc, chép và làm nhiều bài tập để nhớ dấu hiệu, quy tắc. Điều này khiến học sinh vô cùng chán nản, thậm chí “học trước quên sau”.

Ở hoạt động  “Trò chơi toán học”, đầu tiên, các bạn học sinh được chia thành nhóm, dùng kiến thức tin học và toán học. Sau đó, dưới sự hướng dẫn của thầy cô, các bạn lập trình/sáng tạo những trò chơi lấy cảm hứng từ Minecraft, Mini world, Truy tìm kho báu, bài Uno hay Bingo,… 

Đây là những trò chơi quen thuộc với học sinh. Người chơi sẽ cần vận dụng những con số, quy tắc và dấu hiệu chia hết trong toán học để giải quyết những câu hỏi hóc búa trong các trò chơi đó. 

Học sinh thuyết trình về trò chơi do nhóm mình tự lập trình.

Trước khi trò chơi được “ra mắt”, học sinh sẽ có thời gian trình bày thuyết trình về ý tưởng lập trình cho game, hướng dẫn cách chơi và luật chơi cho tất cả các bạn trong lớp. Sau đó, các nhóm sẽ đổi chéo để chơi tất cả các trò chơi và đưa ra bảng đánh giá game của nhóm mình.

Kiến thức về dấu hiệu số chia hết trong chương trình lớp 6 biến thành “chìa khóa” giải những “mê cung” toán học bí ẩn

Sơ đồ kho báu do học sinh tự “sáng chế”.

Trò chơi toán học được sáng tạo, lấy cảm hứng từ những trò chơi quen thuộc với học sinh như Minecraft, Mini world, Truy tìm kho báu, chơi bài Uno, Bingo…

Việc học sinh tự sáng tạo game, câu đố, phép toán... để cùng giải với nhau giúp các em nhớ kiến thức một cách dễ dàng hơn. Bởi vì, các em được tự hệ thống và tổng hợp kiến thức thay vì đọc chép như trước. Bên cạnh đó, các hoạt động “vừa học vừa chơi” cũng thu hút học sinh hào hứng tham gia hơn cách học bình thường.

Ngoài ra, trải nghiệm sáng tạo môn toán này còn giúp học sinh TH & THCS FPT phát huy được tính sáng tạo và khả năng tư duy logic. Các em cũng đồng thời học được kỹ năng làm việc nhóm, thuyết trình, khả năng giải quyết và xử lý nhanh nhạy,…

Trên đây là những thông tin về học trải nghiệm sáng tạo môn toán. Đây là phương pháp giúp phát triển kiến thức, kỹ năng và tư duy toán học cho học sinh một cách toàn diện. Để cập nhật thêm nhiều thông tin, hình thức học trải nghiệm sáng tạo môn toán khác, phụ huynh, học sinh có thể truy cập tại đây.  

[Nguồn ảnh: Internet, FPT Edu]

Video liên quan

Chủ Đề