Hướng dẫn cách làm đồ chơi bằng bìa cát tông

1. Cầu đi bộ

– Chuẩn bị: 

  • Giấy màu [bố, mẹ nên chọn loại giấy dày dặn, đẹp để dùng được lâu bền hơn nha, giấy mỏng quá rất dễ bị rách đấy ạ];
  • Bìa cát tông, bút màu [nếu thích];
  • Kéo;
  • Bút [tùy bố, mẹ thích sử dụng loại bút nào cũng được, có thể sử dụng thêm comba nhưng mình khuyên nên sử dụng bút chì có thể gôm, tẩy được nếu vẽ sai để không bị hư giấy nha các bạn];
  • Thước kẻ;
Cầu đi bộ tự chế siêu cute

– Cách làm:

  • Vẽ các hình tùy thích như hình tròn, hình vuông, hình tam giác,…lên giấy màu hoặc bìa cát tông [nếu dùng bìa cát tông thì bạn cần tô màu cho các hình để đa dạng màu sắc, bắt mắt hơn]. Sau đó, dùng kéo cắt theo đường vẽ để được những hình theo ý thích [có thể cắt luôn thành các hình không cần vẽ, tuy nhiên vẽ lên rồi cắt thì sẽ đẹp hơn]. 
  • Đặt các hình một cách ngẫu nhiên trên sàn nhà.
  • Xây dựng các con đường khác nhau để đi đến đích.
  • Hướng dẫn bé chỉ được đi trên những tờ giấy đó để đến đích [khi bé lớn hơn và chơi thành thạo rồi, bạn có thể đặt ra luật chơi là chỉ được đi trên giấy 1 màu hoặc 1 hình cố định].

–  Công dụng: Trò chơi này giúp trẻ phát triển kỹ năng giải quyết vấn đề, xây dựng sự hiểu biết về hình dạng và màu sắc. Ngoài ra còn rèn luyện khả năng vận động của bé.

Cách làm trò chơi này thật dễ phải không ạ? Bố, mẹ chỉ cần dành chút thời gian rảnh với những nguyên liệu thật đơn giản, dễ tìm hay mua tại các cửa hàng bạn đã mang lại cho con mình một trò chơi hay, ý nghĩa.

2. Trống lắc

Những cái trống lắc be bé, đủ màu sắc trông thật đáng yêu phải không các mẹ. Trẻ chắc chắn sẽ rất thích cầm chơi khi chiếc trống phát ra những âm thanh thật vui tai vì lúc này trẻ đang ở giai đoạn tò mò muốn tìm hiểu tất cả mọi thứ xung quanh cơ mà. Cách làm thì siêu siêu dễ luôn các mẹ nhé, cùng mình tìm hiểu thôi nào.

Trống lắc tay tự làm

– Chuẩn bị:

  • Khoan mini;
  • Súng bắn keo hoặc keo dán [keo con voi, keo 502…];
  • Băng dính màu sắc;
  • Hạt gỗ nhiều màu [kích cỡ tùy thích];
  • Hộp tròn rỗng [nên dùng hộp nhựa],
  • Que gỗ;
  • Dây len;

– Cách làm: 

  •  Khoan 1 lỗ vào hộp rỗng rồi luồn que gỗ vào, dùng súng bắn keo/ keo dán để cố định que gỗ không bị lỏng, rơi rớt.
  •  Khoan 2 bên hộp rồi luồn dây vào [để dư 2 đầu dây sang 2 bên như hình], luồn hạt gỗ vào 2 đầu dây rồi cột gút lại.
  • Dùng băng dính và dây len trang trí mặt trống và que trống.

– Công dụng: Đối với bé nhỏ bạn có thể cầm lắc cho bé xem/ nghe, tập cho bé lắc hoặc treo trên nôi để bé tự khám phá, với những bé lớn hơn thì tự cầm chơi và chơi cùng bố, mẹ. Trò chơi này giúp bé phát triển thính giác, thị giác, xúc giác khi cầm nắm, tiếp xúc với đồ chơi. 

3. Đồ chơi xếp hình

Hiện nay, phụ huynh thường có xu hướng mua đồ chơi thông minh cho trẻ. Đây là một trong những loại đồ chơi kích thích phát triển trí não đang thịnh trên thị trường. Tuy nhiện, không phải bất cứ ai cũng có điều kiện để đầu tư đồ chơi đắt tiền cho bé. Bài viết này sẽ giúp bố, mẹ tự tay sáng tạo những món đồ chơi thông minh cho con bằng cách tận dụng những thứ đồ có sẵn hoặc tốn rất ít chi phí nhưng cũng hết sức ngộ nghĩnh, đáng yêu.

Đồ chơi xếp hình bằng que kem

– Chuẩn bị: Que kem, keo dán, bút chì, bút màu hoặc hình ảnh có sẵn về động vật, đồ vật…

– Cách làm:

  • Xếp những que kem sát nhau, cố định chúng lại bằng keo dán;
  • Vẽ hoặc dán hình ảnh con vật, đồ vật có sẵn lên đó và dùng keo cố định hình ảnh [nếu vẽ thì bạn nên dùng bút màu tô lên hình vẽ để đa dạng màu sắc và đẹp mắt hơn cho món đồ chơi của mình];
  • Sau đó lấy kéo cắt rời từng que kem ra, tráo đổi vị trí của các que kem để bé sắp xếp lại cho đúng thành hình vẽ hoàn chỉnh.
Cách làm đồ chơi xếp hình

– Công dụng: Đồ chơi này giúp trẻ rèn luyện khả năng tập trung, khả năng ghi nhớ, phát triển trí thông minh. 

Đồ chơi của con nít rất đa dạng, hơn nữa đa số các bé đều chỉ có hứng thú với đồ chơi trong một thời gian ngắn nên phải thường xuyên thay đổi trò chơi, đồ chơi để kích thích trẻ. Do đó, các ông bố, bà mẹ phải tốn khá nhiều tiền để chi cho khoản này. Cách làm đồ chơi xếp hình hỗ trợ các bạn tự làm cho bé nhiều đồ chơi vui nhộn, phù hợp với lứa tuổi cũng như đam mê của con. Hy vọng các bạn sẽ thành công.

4. Đường hầm

Trẻ con rất thích chạy nhảy, vui đùa. Đường hầm là một trò chơi thiên về vận động mà hầu hết các bé đều rất mê. Việc bò, di chuyển hoặc là nằm, trốn trong các đường hầm tự tạo này làm các bé có cảm giác được khám phá, được trải nghiệm.  

– Chuẩn bị:

  • Hộp bìa cát tông hoặc hộp nhựa to, nhỏ các loại;
  • Kéo
  • Thước, bút [nếu cần]
Đường hầm giấy cát tông

– Cách làm:

  • Cắt tỉa để tạo hình và thiết kế thêm các phòng, các ô cửa ra vào,…tùy theo sở thích, độ sáng tạo, sự khéo léo của phụ huynh [tỉ mĩ thì vẽ lên rồi cắt cho đẹp mắt];
  • Xếp những hộp bìa cát tông [hoặc hộp nhựa] nối tiếp nhau và thông với nhau [to nhỏ tùy thích] để tạo thành những đường hầm.
  • Cho bé bò và di chuyển qua các đường hầm này. Ngoài ra, bố mẹ có thể chơi trốn tìm hay cút hà cùng con qua các ô cửa của đường hầm để tăng thêm thú vị.

– Công dụng: Tăng cường khả năng vận động, sự nhanh nhạy cho bé, rèn luyện thể lực.

5. Làm đồ ăn, các vật dụng nhà bếp đơn giản từ vải

Bạn chỉ nên chọn những vật dụng nào đơn giản, dễ làm và thông dụng nhất mà bé thường thấy, tiếp xúc hàng ngày để bé dễ tiếp thu. Một số gợi ý như sau:

  • Đồ ăn: bánh, kẹo, trái cây, rau, củ, quả, cá, tôm, cua, mực,…
  • Vật dụng nhà bếp: chén, đĩa,…

– Chuẩn bị:

  • Vải nỉ đủ màu;
  • Kéo;
  • Keo dán;
  • Bút chì, bút lông;
  • Giấy để vẽ;
  • Phụ kiện: cúc áo, dây ruy băng,…
  • Kim, chỉ.
Làm đồ vật bằng vải nỉ

– Cách làm: Có rất nhiều cách nhưng ở đây mình hướng dẫn cho bạn cách làm bằng vải nỉ nhé. Vải nỉ dễ mua, khá rẻ, đẹp về màu sắc, mềm mại mịn màng và dùng bền nên nhiều mẹ đã chọn loại vải này để sử dụng. 

  • Kiếm và chọn hình ảnh những loại đồ ăn, vật dụng mà bạn thích rồi vẽ từng bộ của chúng lên giấy sau đó cắt rời từng bộ phận ra.
  • Đặt các bộ phận cắt từ giấy lên vải nỉ để cắt theo cho đẹp vì vải nĩ rất khó vẽ và hạn chế vẽ hư, xấu gây lãng phí.
  • Dùng bút lông vẽ lên vải nĩ để trang trí thêm cho đồ vật như chấm mắt cho con vật, vẽ gân lá, cuốn lá… hay dùng các phụ kiện để trang trí thêm tạo thành hình những loại trái cây, rau, củ, quả hay các con vật ngộ nghĩnh.
  • Nếu nhiều chi tiết bố, mẹ dùng keo dán dán lại hoặc may chúng lại với nhau để cố định [may ráp các phần đã cắt rời của cùng một món đồ vật lại với nhau, không cần quá cầu kì, bố mẹ chỉ cần làm 1 lớp vải là được rồi, chủ yếu tạo hình cho giống với thực tế].

– Công dụng:  Bố, mẹ có thể chơi bán buôn hoặc nấu nướng đồ ăn cùng bé.Trò chơi này giúp bé học cách phản xạ, ứng biến linh hoạt, cách phân biệt thực phẩm, động thực vật, cách chế biến món ăn,… từ đó giúp bé phát triển toàn diện hơn.

Đồ chơi không chỉ giúp bé giải trí mà còn rèn luyện cho bé rất nhiều khả năng khác nhau như khả năng quan sát, ghi nhớ, lắng nghe,… Từ đó, kích thích sự phát triển trí não, trí thông minh, sự sáng tạo và cả thể lực cho trẻ. Vì vậy, việc thiết kế đồ chơi và chơi cùng trẻ là hết sức quan trọng. Bố mẹ cần phải tìm hiểu nhiều trò mới lạ để kích thích sự tò mò cũng như ham muốn của trẻ. Chơi mà học, học mà chơi là công dụng tuyệt vời từ các đồ chơi handmade mang lại với tiêu chí rẻ, hiệu quả và an toàn.

Chủ Đề