Khái niệm cách mạng dân tộc dân chủ



1. Tư tưởng Hồ Chí Minh về vấn đề dân tộc, giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp, giải phóng con người

Bằng hoạt động thực tiễn và tư duy lý luận, Hồ Chí Minh đã giải quyết một cách cơ bản vấn đề dân tộc, giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp, giải phóng con người trong thời đại đế quốc chủ nghĩa.

1.1. Về vấn đề dân tộc thuộc địa

Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ: Thực chất của vấn đề dân tộc thuộc địa đầu thế kỷ XX là xác định đúng con đường phát triển của dân tộc. Độc lập dân tộc là nội dung cốt lõi của vấn đề dân tộc thuộc địa. Quyền lợi dân tộc giải phóng cao hơn hết thảy. Với tinh thần đó, Người khẳng định quyết tâm: “Dù hi sinh tới đâu, dù phải đốt cháy cả dãy Trường Sơn cũng phải kiên quyết giành cho được độc lập” và “thà hi sinh tất cả chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ”, “không có gì quý hơn độc lập tự do”.

1.2. Về mối quan hệ giữa vấn đề dân tộc và vấn đề giai cấp trong phong trào giải phóng dân tộc

Người khẳng định: vấn đề dân tộc và vấn đề giai cấp có quan hệ chặt chẽ với nhau. Giải phóng dân tộc là vấn đề trên hết, trước hết. Độc lập dân tộc mà chưa giành được thì vấn đề giai cấp cũng không giải quyết được. Giải phóng dân tộc tạo tiền đề để giải phóng giai cấp.

1.3. Về cách mạng giải phóng dân tộc, giải phóng con người

Mục tiêu của cách mạng giải phóng dân tộc trước hết là phải giành lại nền độc lập cho Tổ quốc. Cách mạng giải phóng dân tộc ở các nước thuộc địa và phụ thuộc muốn thắng lợi phải đi theo con đường cách mạng vô sản. Cách mạng giải phóng dân tộc trong thời đại mới phải do Đảng Cộng sản lãnh đạo. Cách mạng giải phóng dân tộc ở các nước thuộc địa và phụ thuộc phải được tiến hành chủ động, sáng tạo và có khả năng giành thắng lợi trước cách mạng vô sản ở chính quốc. Lực lượng của cách mạng giải phóng dân tộc là sức mạnh của toàn dân tộc. Cách mạng là sự nghiệp của dân chúng bị áp bức, bao gồm lực lượng của cả dân tộc. Trong lực lượng toàn dân tộc, Hồ Chí Minh hết sức nhấn mạnh vai trò động lực cách mạng của công nhân và nông dân, lực lượng nòng cốt trong khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Tư tưởng Hồ Chí Minh về giải phóng dân tộc và con người được khẳng định trước toàn thế giới qua Tuyên ngôn độc lập của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa do Người khởi thảo. Thừa nhận những “lời bất hủ” trong Tuyên ngôn độc lập của Mỹ [1776] và “những lẽ phải không thể chối cãi được” của “Tuyên ngôn nhân quyền và dân quyền của Pháp” [1789], Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Tất cả các dân tộc trên thế giới đều sinh ra bình đẳng; dân tộc nào cũng có quyền sống, quyền sung sướng và quyền tự do”. Nâng quyền tự nhiên của con người lên thành quyền dân tộc và gắn chặt quyền con người với quyền dân tộc, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đặt nền tảng cho một trật tự và pháp lý quốc tế mới về quyền con người, quyền dân tộc và sự bình đẳng giữa các quốc gia - dân tộc.

2. Tư tưởng Hồ Chí Minh về độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội

Độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội thể hiện sự nhất quán trong tư duy lý luận và hoạt động thực tiễn của Hồ Chí Minh, thể hiện một cách tập trung những luận điểm sáng tạo lớn về lý luận của Hồ Chí Minh, là sự phản ánh mục đích, lý tưởng, khát vọng và ham muốn tột bậc của danh nhân văn hóa Hồ Chí Minh: nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ta ai cũng có cơm ăn, áo mặc, ai cũng được học hành.

Độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội phản ánh tính triệt để cách mạng của tư tưởng Hồ Chí Minh. Tư tưởng đó đặt vấn đề giải phóng con người, hạnh phúc của con người ở mục tiêu cao nhất của sự nghiệp cách mạng.

Độc lập dân tộc là mục tiêu trực tiếp, trước hết, là cơ sở, tiền đề để tiến lên chủ nghĩa xã hội. Theo Hồ Chí Minh, con đường cách mạng Việt Nam có hai giai đoạn: cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân và cách mạng xã hội chủ nghĩa. Ở giai đoạn cách mạng dân tộc dân chủ thì độc lập dân tộc là mục tiêu trực tiếp, trước mắt, cấp bách, nhưng không phải là mục tiêu cuối cùng của cách mạng Việt Nam. Tính chất tạo tiền đề của cách mạng dân tộc dân chủ được thể hiện:

- Về chính trị: xác định và xây dựng các yếu tố của hệ thống chính trị do giai cấp công nhân lãnh đạo.

- Về kinh tế: bước đầu xây dựng được các cơ sở kinh tế mang tính chất xã hội chủ nghĩa, từng bước cải thiện đời sống Nhân dân.

- Về văn hóa xã hội, đời sống tinh thần: trong cách mạng dân tộc dân chủ, khối quần chúng công - nông - trí thức và các giai tầng xã hội khác đã có ý thức giác ngộ, đoàn kết trong một mặt trận dân tộc thống nhất; những nhân tố mới của văn hóa, giáo dục đã được hình thành dưới ánh sáng của chủ nghĩa Mác - Lê nin và tư tưởng Hồ Chí Minh.

Độc lập dân tộc tạo tiền đề, điều kiện để nhân dân lao động tự quyết định con đường đi tới chủ nghĩa xã hội, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản. Theo tư tưởng Hồ Chí Minh, trong thời đại mới, chủ nghĩa xã hội là xu hướng phát triển tất yếu của cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân. Điều này làm cho con đường cứu nước giải phóng dân tộc của Hồ Chí Minh khác biệt về chất so với con đường cứu nước những năm đầu thế kỷ XX ở nước ta và của nhiều nhân vật nổi tiếng trên thế giới.

Cách mạng Việt Nam thuộc phạm trù cách mạng vô sản. Điều đó quyết định vai trò lãnh đạo cách mạng tất yếu thuộc về giai cấp công nhân mà đội tiên phong của nó là Đảng Cộng sản Việt Nam. Lực lượng tiến hành cách mạng giải phóng dân tộc là toàn dân Việt Nam yêu nước mà nòng cốt là khối liên minh công - nông - trí thức. Những nhân tố này lại quy định tính tất yếu dẫn đến phương hướng phát triển lên chủ nghĩa xã hội của cách mạng giải phóng dân tộc. Rõ ràng định hướng đi lên chủ nghĩa xã hội của cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân ở Việt Nam được chi phối và chế định bởi các nhân tố bên trong của cuộc cách mạng đó.

Chủ nghĩa xã hội là con đường củng cố vững chắc độc lập dân tộc, giải phóng dân tộc một cách hoàn toàn triệt để. Về lý luận, độc lập dân tộc tiến lên chủ nghĩa xã hội thể hiện mối quan hệ giữa mục tiêu trước mắt và mục tiêu cuối cùng; mối quan hệ giữa hai giai đoạn của một quá trình cách mạng. Cách mạng dân tộc dân chủ xác lập cơ sở, tiền đề cho cách mạng xã hội chủ nghĩa, cách mạng xã hội chủ nghĩa khẳng định và bảo vệ vững chắc nền độc lập dân tộc.

Theo Hồ Chí Minh, độc lập dân tộc bao giờ cũng gắn liền với đời sống ấm no, hạnh phúc của quần chúng nhân dân, những người đã trực tiếp làm nên thắng lợi của cách mạng dân tộc dân chủ. Để bảo đảm vững chắc độc lập dân tộc, để không rơi vào lệ thuộc, đói nghèo, lạc hậu, chặng đường tiếp theo chỉ có thể là đi lên chủ nghĩa xã hội. Do những đặc trưng nội tại của mình, chủ nghĩa xã hội sẽ củng cố những thành quả đã giành được trong cách mạng dân tộc dân chủ, tạo điều kiện để bảo đảm cho độc lập và phát triển dân tộc. Hồ Chí Minh khẳng định: chỉ có chủ nghĩa xã hội, chủ nghĩa cộng sản mới giải phóng triệt để các dân tộc bị áp bức khỏi ách nô lệ; chỉ có cách mạng xã hội chủ nghĩa mới bảo đảm cho một nền độc lập thật sự, chân chính.



Thắng lợi đó đã đi vào lịch sử như một chiến công hiển hách, biểu tượng của chủ nghĩa yêu nước và chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam, khí phách, trí tuệ, bản lĩnh và sức mạnh Việt Nam. Đó cũng là kết quả của 30 năm đấu tranh giải phóng dân tộc và bảo vệ Tổ quốc, bắt đầu từ cách mạng tháng Tám năm 1945.

Nét độc đáo, tuyệt vời của Đảng là dùng chiến tranh cách mạng làm phương thức cơ bản để thực hiện mục tiêu của cuộc cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân. Mục tiêu cách mạng cũng là mục đích chính trị của chiến tranh, lực lượng cách mạng là lực lượng tiến hành chiến tranh, bằng phương pháp cách mạng bạo lực.

Chiến tranh nhân dân Việt Nam không chỉ có những quy luật của chiến tranh mà còn có những quy luật cách mạng, nó tác động biện chứng và chi phối lẫn nhau. Đảng ta đã nắm vững hai quy luật đó và gắn đấu tranh quân sự với đấu tranh chính trị, kinh tế, văn hóa, tư tưởng tạo thành sức mạnh tổng hợp vô địch, sức mạnh không kẻ thù nào lường hết được.

Đại thắng mùa Xuân năm 1975 là sự toàn thắng của cuộc cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân trên phạm vi cả nước đưa đến sự toàn vẹn thống nhất nước nhà.

Lịch sử có sự trùng hợp thú vị, cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp kết thúc bằng chiến dịch Điện Biên Phủ với 56 ngày đêm và cuộc kháng chiến chống Mỹ bằng cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân 1975 đỉnh cao là chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử với thời gian tương tự.

Lịch sử cũng có sự trớ trêu, nghịch cảnh. Một dân tộc tha thiết yêu chuộng hòa bình như dân tộc Việt Nam lại phải chịu đựng hàng chục cuộc chiến tranh xâm lược và rất nhiều lần phải cầm vũ khí “phê phán” bọn xâm lăng trong suốt chiều dài lịch sử của mình. Hơn một thế kỷ qua, chủ nghĩa thực dân cũ hay mới đều coi bạo lực phản cách mạng, lấy chiến tranh làm phương tiện chủ yếu để áp đặt ách thống trị của chúng đối với nhân dân ta. Vì thế buộc dân tộc Việt Nam phải đoàn kết đứng lên anh dũng chiến đấu và chiến thắng. Kinh nghiệm cho thấy muốn giải phóng dân tộc, giành độc lập tự do cho tổ quốc, hạnh phúc cho nhân dân, nhất thiết phải bằng con đường đấu tranh bạo lực cách mạng.

Với quan điểm chỉ đạo đúng đắn của Đảng ta về cách mạng bạo lực, cách mạng và chiến tranh, Đảng ta đã huy động đến mức độ tối đa sức mạnh vô tận của quần chúng để áp đảo quân thù. Sức mạnh đó được tạo nên bởi hai lực lượng cơ bản là lực lượng chính trị của quần chúng và lực lượng vũ trang cách mạng; nó được thực hiện bằng 2 hình thức là đấu tranh chính trị kết hợp với đấu tranh quân sự. Bước phát triển cao nhất của hai hình thức đấu tranh là cuộc tổng tiến công và nổi dậy trên toàn miền Nam. Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử chính là một cuộc tổng tiến công kết hợp với nổi dậy như vậy. Một trận tổng hợp sức mạnh tất thắng và tài thao lược Việt Nam, sự phối kết hợp tuyệt đẹp về quân sự, chính trị, binh địch vận, thể hiện sáng ngời chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam do Đảng ta lãnh đạo.

Đại thắng mùa Xuân năm 1975 thể hiện ý chí kiên trì, quyết tâm chiến đấu vì độc lập tự  do và CNXH, coi mục tiêu của cuộc cách mạng dân tộc, dân chủ nhân dân tiến lên CNXH là mục tiêu chính trị nhất quán bất biến của chiến tranh cách mạng.

Quá trình lãnh đạo cách mạng, Đảng ta đã thực hiện một sách lược mẫu mực, có khi sử dụng những biện pháp đau đớn, có khi phải nhân nhượng tạm thời, trì hoãn chiến tranh để có thời gian chuẩn bị lực lượng kháng chiến. Khi thì tiến hành đấu tranh ngoại giao kiên trì nhiều năm vừa cương, vừa nhu, thực hiện những bước đi quá độ đẩy lùi từng bước, đánh thắng địch từng phần, tiến lên giành thắng lợi hoàn toàn.

Kể từ khi Đảng ra đời đến Đại thắng mùa xuân 1975, dưới sự lãnh đạo của Đảng nhân dân ta đã phải tiến hành một cuộc tổng khởi nghĩa và hai cuộc kháng chiến mới hoàn thành sự nghiệp cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân trên phạm vi cả nước. Điều đó chứng minh rằng độc lập dân tộc cho Tổ quốc, tự do hạnh phúc cho nhân dân, giang sơn thu về một mối là ý chí sắt đá, là nguyện vọng thiêng liêng, cháy bỏng của nhân dân Việt Nam, cho dù phải đốt cháy dãy trường sơn cũng quyết tâm đạt cho kỳ được.

Mọi người đều biết, Đường cách mệnh của Chủ tịch Hồ Chí Minh là độc lập dân tộc gắn liền với CNXH. Đó là cốt lõi, nội dung chủ yếu của tư tưởng Hồ Chí Minh, đó cũng là con đường mà Đảng và nhân dân ta đã lựa chọn.

Thắng lợi của chiến dịch Hồ Chí Minh đã mở ra bước ngoặt vĩ đại trong lịch sử dân tộc, đưa cả nước bước vào kỷ nguyên của độc lập tự do và CNXH. Và khi ở nước ta giai cấp công nhân giữ vai trò lãnh đạo thì thắng lợi của cuộc cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân trên cả nước cũng là sự bắt đầu của cách mạng xã hội chủ nghĩa, thời kỳ quá độ lên CNXH.

Tất cả điều đó đã cho thấy một bài học lớn, cơ bản, xuyên suốt là cách mạng nước ta luôn kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và CNXH. Với thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ, nhân dân Việt Nam đã chứng minh chân lý rằng trong thời đại ngày nay, một dân tộc đất không rộng, người không đông, kinh tế kém phát triển song đoàn kết chặt chẽ và đấu tranh kiên quyết dưới sự lãnh đạo của một Đảng Mác -Lê nin, có đường lối và phương pháp cách mạng đúng đắn nắm vững ngọn cờ độc lập dân tộc và CNXH thì hoàn toàn có thể đánh bại mọi thế lực xâm lược, dù đó là nước đế quốc mạnh nhất. Về ý nghĩa của cuộc kháng chiến chống Mỹ, Đại hội IV của Đảng đã ghi rõ: “Năm tháng sẽ trôi qua, nhưng thắng lợi của nhân dân ta trong sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ cứu nước mãi mãi được ghi vào lịch sử dân tộc ta như một trong những trang chói lọi nhất, một biểu tượng sáng ngời về sự toàn thắng của chủ nghĩa anh hùng cách mạng và trí tuệ con người   đi vào lịch sử thế giới như một chiến công vĩ đại của thế kỷ XX, một sự kiện có tầm quan trọng quốc tế to lớn và có tính thời đại sâu sắc”[1]./.

Nguyễn Đăng Lâm,

Phó Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử tỉnh

 

[1] Đảng Cộng sản Việt Nam: Báo cáo Chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng tại Đại hôi đại biểu toàn quốc lần thứ IV, NXB Sự thật – H1977 – T5-6.

Video liên quan

Chủ Đề