Mục tiêu phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế đưa Hải Phòng trở thành địa phương mạnh về biển

Cảng Hải Phòng ngày xưa (ảnh tư liệu)

Điều rất quan trọng là Nghị quyết 36 và Nghị quyết 45 đều có chung một lộ trình phát triển đến năm 2030, tầm nhìn đến 2045, tại liên kết hữu cơ hết sức thuận lợi cho Hải Phòng. Theo đó, quan điểm định hướng là “phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế, đưa Hải Phòng trở thành địa phương mạnh về biển, giàu từ biển, là trọng điểm phát triển kinh tế biển của cả nước…”.

Nhìn lại lịch sử, khi thành phố Hải Phòng được thành lập ngày 19-7-1888, cơ sở nền tảng để người Pháp xây dựng thành phố Hải Phòng trở thành trung tâm kinh tế cơ bản gắn liền với cảng biển. Nên có thể nói cảng biển đã tạo ra thành phố Hải Phòng, và lịch sử hơn một trăm năm đã cho thấy, cái tên thành phố Cảng được gọi như một danh xưng khác cho Hải Phòng không phải là sự ngẫu nhiên.

          Là một trong 28 địa phương ven biển của Việt Nam, nằm ở vị trí trọng yếu trong vùng duyên hải Bắc Bộ, trên thực tế Hải Phòng đã có hàng nghìn năm dựa vào thế biển để sinh tồn. Nhìn về tổng quan, Hải Phòng có hơn 125km chiều dài bờ biển, nằm trên diện tích thềm lục địa 100 nghìn km2, nơi có 7 con sông lớn đổ ra từ đất liền, tạo một vùng gắn liền với các khu rừng ngập mặn.

Diện tích mặt nước nội hải trên 4.000 km2, quỹ đất ngập nước ven biển của thành phố tới 24,58 nghìn hec-ta, bao gồm các vùng đất ngập triều cao với hơn 12,4 nghìn hec-ta, đất ngập triều trung là gần 6 nghìn hec-ta và đất ngập triều thấp là gần 6,2 nghìn hec-ta. Chưa kể tới 24 nghìn hec-ta mặt nước của những cửa sông, luồng lạch, tùng, áng, vùng, vịnh quanh các đảo, mang lại lợi thế ưu đãi phát triển đa ngành.

Một điểm nhấn hết sức quan trọng cần phải nhắc lại là, ngày 5-8-2003 Bộ Chính trị khóa 9 đã ban hành Nghị quyết số 32-NQ/TW về “Xây dựng và phát triển Hải Phòng trong thời kỳ công nghiệp hóa – hiện đại hóa đất nước”.

Trong đó nêu rõ: “Thành phố phải tập trung xây dựng và phát triển để Hải Phòng xứng đáng là thành phố cảng, công nghiệp hiện đại; là đầu mối giao thông quan trọng và cửa chính ra biển của các tỉnh phía Bắc, có cảng nước sâu; một cực tăng trưởng quan trọng của vùng kinh tế động lực phía Bắc; một trọng điểm phát triển kinh tế biển…”.

Hệ thống dịch vụ cảng khẳng định vị thế hàng trăm năm

Như vậy có thể nói, với chủ trương vĩ mô, được nêu trong các Nghị quyết 09-NQ/TW về chiến lược biển,  Nghị quyết 32-NQ/TW, Nghị quyết 36-NQ/TW và Nghị quyết 45-NQ/TW, cùng nhiều văn bản khác, Trung ương luôn đặt kinh tế biển chính là cơ sở trụ cột để Hải Phòng xây dựng chiến lược phát triển kinh tế trong công cuộc đổi mới, hội nhập quốc tế.

Hải Phòng đã xác định cụ thể 6 ngành, lĩnh vực biển trọng tâm của thành phố. Trước hết là phát triển hệ thống cảng, dịch vụ cảng và vận tải biển, phấn đấu Hải Phòng trở thành trung tâm dịch vụ hàng hải và vận tải biển lớn của Việt Nam, có vị thế trong khu vực Đông Nam Á; phát triển công nghiệp biển, các khu kinh tế, khu công nghiệp ven biển, phát triển khu kinh tế Đình Vũ – Cát Hải thành trung tâm kinh tế hiện đại của cả nước, là cửa chính mở ra biển, đồng thời đưa Hải Phòng trở thành trung tâm đóng mới và sửa chữa tàu biển lớn nhất Việt Nam.

Về kinh tế thủy sản, Nghị quyết đề ra mục tiêu xây dựng Hải Phòng là trung tâm giống, khai thác, nuôi trồng, chế biến, xuất khẩu thủy sản của vùng duyên hải Bắc Bộ. Bên cạnh đó phát triển du lịch biển trở thành ngành kinh tế chủ lực trong các ngành kinh tế, tạo ra các sản phẩm du lịch mới và dịch vụ cao cấp. Về khoa học – công nghệ và đào tạo, đảm bảo đào tạo đủ nguồn nhân lực có chất lượng, đáp ứng yêu cầu phát triển các ngành, lĩnh vực biển Hải Phòng và cả nước.

Đồng thời, thành phố cũng phân định rõ các quy hoạch phát triển các huyện đảo, xây dựng mô hình kinh tế biển của thành phố cũng như các chính sách và khung thực hiện chiến lược biển, mở ra lộ trình vươn ra biển lớn. Thành phố chủ trương điều chỉnh cơ cấu ngành sản phẩm kinh tế theo hướng phát huy tối đa lợi thế vị trí, hệ thống cơ sở hạ tầng đồng bộ, vượt trội, nhất là cảng cửa ngõ quốc tế.

Đồng thời điều chỉnh cơ cấu kinh tế thành phố theo hướng ưu tiên phát triển dịch vụ – công nghiệp kinh tế biển, tập trung mạnh mẽ vào các ngành dịch vụ logistics, dịch vụ hàng hải. Để đạt được các mục tiêu này, quyết tâm của thành phố là chuyển từ tăng trưởng chiều rộng sang chiều sâu, quá trình tăng trưởng dựa trên những ngành tham gia mạng sản xuất toàn cầu, tiêu hao ít hơn tài nguyên, năng lượng, có giá trị gia tăng cao, thân thiện với môi trường. Tăng trưởng kinh tế dựa trên sự phát triển của khu kinh tế ven biển hiện đại, khu công nghiệp chuyên sâu.

Bên cạnh đó, thành phố đã chủ động các giải pháp đối phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng. Tăng cường quản lý kết hợp đổi mới công nghệ để khai thác, sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên, bảo đảm cân bằng sinh thái.

Đặc biệt là bảo tồn đa dạng sinh học tại các khu vực Cát Bà, Bạch Long Vỹ, vùng ven biển, các sông, giữ gìn các tài nguyên không tái tạo như tài nguyên khoáng sản, tài nguyên nước… hình thành một chủ trương lớn cho phát triển kinh tế biển bền vững.

             Lê Minh Thắng (còn nữa)

Nguồn. ANHP

Cùng Đồng hành

Mục tiêu phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế đưa Hải Phòng trở thành địa phương mạnh về biển
Một góc thành phố Hải Phòng

Văn phòng Chính phủ vừa có Thông báo kết luận của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại buổi làm việc với lãnh đạo thành phố Hải Phòng.

Thay mặt Chính phủ, Thủ tướng đánh giá cao, biểu dương nỗ lực của các cấp ủy Đảng, chính quyền, quân và nhân dân thành phố Hải Phòng đã thực hiện xuất sắc “mục tiêu kép”: vừa quyết liệt, chủ động, với nhiều cách làm hay, sáng tạo trong phòng chống dịch COVID-19; vừa nỗ lực phát triển kinh tế xã hội, trở thành địa phương có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao nhóm đầu trong cả nước. Tốc độ tăng trưởng kinh tế trong Quý I năm 2020 đạt 14,9% (gấp 3,92 lần mức trung bình cả nước); tỷ lệ hộ nghèo còn 0,72%.

Để thực hiện thành công Nghị quyết 45-NQ/TW của Bộ Chính trị, trong thời gian tới, Thành phố Hải Phòng cần chú trọng phát triển kinh tế biển, công nghiệp công nghệ cao và du lịch là ba trụ cột chiến lược của Hải Phòng từ nay đến năm 2045.

Cụ thể, kinh tế biển trên cơ sở tận dụng thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4. Phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế đưa Hải Phòng trở thành địa phương mạnh về biển, giàu từ biển, là trọng điểm phát triển kinh tế biển cả nước.

Xây dựng Hải Phòng trở thành một thành phố cảng quan trọng thu hút nhiều tập đoàn lớn trên thế giới đến đầu tư, kinh doanh; thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) có chọn lọc; hình thành và phát triển các khu công nghiệp sinh thái đảm bảo hài hòa giữa phát triển công nghiệp, dịch vụ và bảo vệ môi trường; có cơ chế, chính sách đột phá, tạo điều kiện cho một số lĩnh vực công nghiệp mang tính đặc thù, thế mạnh.

Định hướng phát triển du lịch - một lĩnh vực phát triển quan trọng của thành phố kết nối giữa Đồ Sơn – Cát Bà – Hạ Long, liên kết vùng Hà Nội – Hải Phòng – Quảng Ninh trong phát triển du lịch, dịch vụ. Trong tương lai, Hải Phòng phải trở thành trung tâm du lịch chất lượng cao tầm quốc tế với dịch vụ chất lượng cao, mua sắm, giải trí, điểm đến của du khách trên thế giới.

Hải Phòng phải là trung tâm giáo dục – đào tạo, y tế và khoa học – công nghệ của vùng duyên hải Bắc Bộ; là đầu mối giao thông quan trọng của cả nước, cửa chính ra biển của các địa phương phía Bắc; nơi hội tụ tinh hoa văn hóa Việt Nam kết hợp hài hòa với những giá trị văn hóa nhân loại tiến bộ; người Hải Phòng văn minh, thanh lịch, năng động, thông minh, tiêu biểu cho trí tuệ và truyền thống tốt đẹp của dân tộc.

Tăng cường phát triển đô thị và liên kết vùng, xây dựng Hải Phòng trở thành đô thị thông minh, hiện đại, một thành phố đáng sống gắn với sự phát triển của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4. Quy hoạch không gian đô thị đi trước một bước trên cơ sở tích hợp các yêu cầu phát triển bền vững theo hướng tránh tập trung quá nhiều vào lõi đô thị. Hoàn thành việc di chuyển trung tâm hành chính sang phía Bắc sông Cấm; phát triển đô thị vệ tinh có quy mô hợp lý, phù hợp với trình độ quản lý và khả năng huy động các nguồn lực xã hội với phương châm Nhà nước quy hoạch, doanh nghiệp thực hiện, người dân cùng tham gia và thụ hưởng như mong muốn của Chủ tịch Hồ Chí Minh xây dựng Hải Phòng trở thành “Thành phố gương mẫu của nước ta”.

Phấn đấu đến năm 2030, Hải Phòng đạt các tiêu chí của đô thị loại đặc biệt

Kết luận cũng nêu rõ cần phân kỳ phát triển thành phố một cách khoa học, theo từng giai đoạn phù hợp với quy hoạch phát triển. Phấn đấu đến năm 2030, Hải Phòng đạt các tiêu chí của đô thị loại đặc biệt. Nghiên cứu xây dựng hệ thống tàu điện ngầm trong thành phố. Phấn đấu đến năm 2045, Hải Phòng phải có trình độ phát triển cao trong nhóm thành phố hàng đầu Châu Á. Không chỉ trở thành đầu tàu về phát triển kinh tế, Hải Phòng cần quan tâm mạnh mẽ, tập trung nguồn lực đầu tư tương xứng các lĩnh vực văn hóa xã hội, bảo đảm môi trường sống an ninh, an toàn, văn minh.

Nhiệm vụ đối với Hải Phòng trong 08 tháng còn lại của năm 2020 rất quan trọng và là một cực tăng trưởng cho phát triển của đất nước. Do vậy cần triển khai đồng bộ các biện pháp như thúc đẩy giải ngân đầu tư công, phát triển doanh nghiệp, bán lẻ, dịch vụ, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi hơn nữa thúc đẩy kinh tế tư nhân, xây dựng nông thôn mới, hỗ trợ người dân… cùng cả nước phấn đấu hoàn thành cao nhất mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội. Hải Phòng không được thỏa mãn với thành quả bước đầu mà cần thấy rõ nhiệm vụ nặng nề trước mắt và lâu dài để các cấp, các ngành, người dân và doanh nghiệp trên địa bàn thành phố triển khai tốt hơn.

Tiếp tục đẩy mạnh cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp, người dân. Phát triển mạnh các loại hình doanh nghiệp, thúc đẩy khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo; chú trọng phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ, doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ, dịch vụ. Đẩy mạnh cải cách hành chính (phấn đấu chỉ số PCI của Hải Phòng phải thuộc nhóm dẫn đầu cả nước); xây dựng một chính quyền liêm chính, hành động, phục vụ trên nền tảng chính quyền điện tử công khai, minh bạch, hiện đại, chuyên nghiệp.

Làm tốt hơn nữa công tác quản lý đô thị, đặc biệt là quản lý trật tự xây dựng, an toàn giao thông, kỷ cương và văn minh đô thị. Chú trọng bảo vệ môi trường đô thị, cấp thoát nước, xử lý nước thải, rác thải, quản lý dân cư; môi trường nước, môi trường không khí, đặc biệt là xung quanh các khu công nghiệp, bảo đảm chất lượng cuộc sống của người dân và phát triển bền vững. Tập trung giải quyết tốt các vấn đề về nhà ở đô thị; xây dựng thiết chế văn hóa cho công nhân trong các khu công nghiệp, nhất là nhà ở cho công nhân.

Bảo đảm vững chắc an ninh chính trị, quốc phòng, trật tự an toàn xã hội. Tuyệt đối không để các đối tượng lợi dụng tình hình dịch bệnh gây mất an ninh trật tự. Tăng cường phòng, chống cháy nổ, cứu hộ, cứu nạn. Đẩy mạnh đấu tranh phòng chống các loại tội phạm, tệ nạn xã hội, nhất là tội phạm có tổ chức, ma túy, tín dụng đen, xâm hại phụ nữ, trẻ em...

Bên cạnh đó, thành phố Hải Phòng tập trung chỉ đạo tổ chức thành công Đại hội đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2020 - 2025, tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.

Chí Kiên