Năm 1940 căn cứ địa cách mạng đầu tiên được xây dựng theo chủ trương của đảng cộng sản đông dương là

Du kích tham gia cuộc khởi nghĩa Bắc Sơn, tháng 9/1940. [Ảnh tư liệu]

[Stxdd.thanhuytphcm.vn] - Trong lịch sử đấu tranh giành độc lập dân tộc của Đảng ta và dân tộc ta, khởi nghĩa Bắc Sơn là sự kiện có ý nghĩa quan trọng, là sự mở đầu của đấu tranh vũ trang kết hợp với đấu tranh chính trị, phát huy vai trò của quần chúng nhân dân, tiến tới khởi nghĩa vũ trang giành chính quyền dưới sự lãnh đạo của Đảng. Khởi nghĩa Bắc Sơn đã hình thành và xây dựng được một trong những lực lượng vũ trang cách mạng đầu tiên của Đảng là Đội du kích Bắc Sơn, làm cơ sở để thúc đẩy sự ra đời, trưởng thành của các đội Cứu quốc quân, những đội quân tiền thân của Quân đội nhân dân Việt Nam…

Ngày 22/6/1940, phát xít Nhật liền tìm cách nhảy vào chiếm thuộc địa Đông Dương của Pháp. Phát xít Nhật buộc chính quyền thuộc địa Đông Dương phải nhượng cho chúng nhiều quyền lợi. Để tạo áp lực, ngày 22/9/1940, phát xít Nhật tiến quân qua biên giới Việt - Trung, đánh vào Lạng Sơn, đồng thời cho 6.000 quân theo đường biển đổ bộ lên Đồ Sơn [Hải Phòng]. Chỉ sau vài trận đánh nhỏ, quân Pháp đã chạy dài; Toàn quyền Decoux vội đầu hàng và dâng Đông Dương cho phát xít Nhật. Khi quân Pháp rút chạy qua đường Bình Gia, Bắc Sơn về Thái Nguyên, toàn bộ hệ thống chính quyền của địch tại đây đều hoang mang, tan rã: tri châu Thất Khê bỏ trốn, tri châu Na Sầm bị dân bắt, tên đại úy Pháp ở Bình Gia vứt cả súng đạn bỏ đồn mà chạy… Quần chúng đã thu nhặt được nhiều súng đạn của giặc. Trước diễn biến đó, sáng 27/9/1940, Đảng bộ Bắc Sơn đã đánh giá tình hình và quyết định phát động khởi nghĩa vũ trang, thành lập ban chỉ huy khởi nghĩa.

8g tối 27/9, quân khởi nghĩa gồm hơn 600 người đủ các dân tộc Dao, Tày, Nùng, Kinh… đã chia làm 3 mũi tiến công đồn Mỏ Nhai [châu lỵ Bắc Sơn]. Ban chỉ huy khởi nghĩa tuyên bố xóa bỏ chính quyền đế quốc, cho đốt sổ sách, giấy tờ của địch. Trong những ngày tiếp theo, quân khởi nghĩa liên tiếp phục kích tàn quân Pháp ở đèo Canh Tiêm, Sập Di.

Trước khí thế của quân khởi nghĩa, cả Pháp và Nhật đều hoảng hốt. Chúng liền thỏa hiệp với nhau để cùng nhau đàn áp cuộc khởi nghĩa.

Sơ đồ mô tả diễn tiến của cuộc khởi nghĩa Bắc Sơn

Được tin về cuộc khởi nghĩa, Xứ ủy Bắc kỳ cử đồng chí Trần Đăng Ninh lên lãnh đạo phong trào. Giữa tháng 10/1940, ban chỉ huy khu được thành lập do đồng chí Trần Đăng Ninh đứng đầu. Ngày 13/10, cuộc họp ở rừng Tân Hương quyết định thành lập đơn vị du kích Bắc Sơn đầu tiên. Ngày 28/10, quần chúng cách mạng tổ chức cuộc mít tinh ở Trường Vũ Lăng, chuẩn bị chiếm lại đồn Mỏ Nhai nhưng bị quân Pháp đánh úp. “Cuộc khởi nghĩa Bắc Sơn bị thất bại. Nó chưa biết thành lập chính quyền, chưa biết nắm chắc thời cơ lúc đầu mà tiến công để mở rộng thanh thế của mình ra các vùng lân cận. Tuy nhiên, nó đã bóc trần dã tâm của bè lũ phát xít Pháp - Nhật và đã tạo ra lực lượng vũ trang đầu tiên do Đảng ta tổ chức và lãnh đạo, sau này phát triển thành Việt Nam Cứu quốc quân, làm nòng cốt cho việc xây dựng căn cứ Bắc Sơn – Võ Nhai”[1].

Khởi nghĩa Bắc Sơn đã gợi mở ra đường hướng trong việc lãnh đạo cuộc đấu tranh vũ trang của Đảng ta trong thời kỳ Thế chiến II đang diễn ra ác liệt. Từ ngày 6 đến 9/11/1940, Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ 7 họp tại Đình Bảng [Từ Sơn - Bắc Ninh] đã quyết định duy trì lực lượng vũ trang Bắc Sơn, thành lập những đội du kích, dùng hình thức vũ trang công tác, khi cần thì chiến đấu chống khủng bố, bảo vệ sinh mạng và tài sản của nhân dân, phát triển cơ sở cách mạng tiến tới thành lập căn cứ địa du kích, lấy vùng Bắc Sơn, Võ Nhai làm trung tâm do Trung ương trực tiếp chỉ đạo. Đồng chí Hoàng Văn Thụ được giao trách nhiệm thực hiện nghị quyết này.

Rút kinh nghiệm từ khởi nghĩa Bắc Sơn, Trung ương đã chỉ thị cho Xứ ủy Nam kỳ đình chỉ việc chuẩn bị hoạt động khởi nghĩa. Đồng chí Phan Đăng Lưu được giao trách nhiệm truyền đạt chủ trương này đến Xứ ủy Nam kỳ. Tuy nhiên, khi đồng chí Phan Đăng Lưu về đến Sài Gòn thì khởi nghĩa Nam kỳ đã được phát động và không thể hoãn được nữa. Đúng như Trung ương đã nhận định, do thiếu nhiều điều kiện, cuộc khởi nghĩa đã diễn ra không đồng bộ, không đủ sức đánh sập hệ thống chính quyền của thực dân Pháp và phát xít Nhật và sau đó bị dìm trong biển máu.

Khu di tích khởi nghĩa Bắc Sơn [huyện Bắc Sơn, tỉnh Lạng Sơn]

Sau Hội nghị lần thứ 7, Trung ương đã cử đồng chí Lương Văn Tri, Ủy viên Thường vụ Xứ ủy Bắc kỳ, đang phụ trách lớp quân chính đầu tiên của Đảng ở Đức Thắng [Bắc Giang], lên cùng Đảng bộ địa phương xây dựng khu căn cứ Bắc Sơn - Võ Nhai và củng cố lực lượng du kích Bắc Sơn. Trung ương còn cử thêm cán bộ ở xuôi lên giúp ban chỉ đạo khu căn cứ và bổ sung cho đội du kích. Tháng 1/1941, Trung ương tổ chức những lớp quân sự, chính trị ngắn ngày ở khu căn cứ để kịp thời nâng cao kiến thức quân sự, trình độ chính trị và ý thức kỷ luật cho quân du kích, đồng thời chuẩn bị lực lượng cho các cơ sở khắp Bắc kỳ.

Đến ngày 14/2/1941, Bộ đội du kích Bắc Sơn chính thức được thành lập tại khu rừng Khuổi Nọi, thuộc xã Vũ Lễ, châu Bắc Sơn [Lạng Sơn]. Đồng chí Hoàng Văn Thụ thay mặt Trung ương Đảng công nhận, trao nhiệm vụ cứu nước cho Bộ đội du kích Bắc Sơn. Toàn đội có 32 người, chia làm 3 tiểu đội cho hai đồng chí Lương Văn Tri và Chu Văn Tấn chỉ huy. “Cán bộ tiểu đội được chọn trong các đảng viên dũng cảm, tháo vát và khỏe mạnh nhất. Còn các đội viên đều là đảng viên hoặc quần chúng cách mạng hăng hái nhất đã từng chiến đấu trong cuộc khởi nghĩa Bắc Sơn, và một số là những cán bộ, đảng viên ở xuôi lên. […] Đó là một đội ngũ vững vàng, kiên quyết, có chất lượng cao”[2].

Hội nghị Trung ương lần thứ 8 của Đảng [tháng 5/1941] đã quyết định tăng cường lãnh đạo các tổ chức vũ trang và bán vũ trang. Sau khi Tổng Bí thư Trường Chinh quán triệt tinh thần Hội nghị đến toàn thể cán bộ, chiến sĩ Bộ đội du kích Bắc Sơn, đội quân này được mang tên mới: Cứu quốc quân, có thể coi là tổ chức quân sự chính quy đầu tiên. Ngày 15/9/1941, trung đội Cứu quốc quân thứ hai được thành lập tại rừng Khuôn Mánh, thôn Ngọc Mỹ, xã Tràng Xá, Võ Nhai, Thái Nguyên, với 47 người, được chia làm 5 tiểu đội, do đồng chí Chu Văn Tấn chỉ huy. Đến ngày 25/2/1944, trung đội Cứu quốc quân thứ 3 được thành lập ở Khuổi Kịch, châu Sơn Dương, Tuyên Quang. Từ đây, “một đội ngũ vững chắc mới lại hình thành”[3].

Như vậy, từ một cuộc khởi nghĩa có phần tự phát nhưng bám sát thực tiễn, dù nổ ra chưa đúng thời cơ và chưa được tổ chức thật tốt, nhưng khởi nghĩa Bắc Sơn đã góp phần quan trọng vào việc hình thành Quân đội nhân dân Việt Nam, để lại những kinh nghiệm quý báu về tổ chức lực lượng vũ trang, về tổ chức khởi nghĩa cho cách mạng Việt Nam, dưới sự lãnh đạo của Đảng. Do đó, cuộc khởi nghĩa thực sự có ý nghĩa to lớn trong đường lối đấu tranh giành độc lập của Đảng ta trước Cách mạng tháng Tám.

Nguyễn Minh Hải

--------

[1] Ban Nghiên cứu lịch sử Đảng Trung ương, Những sự kiện lịch sử Đảng, tập 1 [1920 – 1945], Nxb. Sự thật, Hà Nội, 1976, tr.491.

[2] Lịch sử Quân đội nhân dân Việt Nam, Nxb. Quân đội nhân dân, Hà Nội, 1974, tr.77.

[3] Lịch sử Quân đội nhân dân Việt Nam, sđd, tr.81.

Tin liên quan

Hai căn cứ địa cách mạng đầu tiên của Việt Nam được Đảng cộng sản Đông Dương xây dựng là:

- Căn cứ Bắc Sơn – Võ Nhai: do hội nghị Ban chấp hành trung ương tháng 11/1940 lựa chọn.

- Căn cứ Cao Bằng: do Nguyễn Ái Quốc sau khi về nước [1941] lựa chọn

Cùng Top lời giải tìm hiểu kĩ hơn về 2 căn cứ địa cách mạng đầu tiền của Việt Nam được Đảng cộng sản Đông Dương xây dựng:

1. Căn cứ địa cách mạng Bắc Sơn- Võ Nhai

Du kích tham gia cuộc khởi nghĩa Bắc Sơn, tháng 9/1940.[Ảnh tư liệu]

Sau khi chiến tranh thế giới thứ II bùng nổ vào tháng 9/1939, thực dân Pháp điên cuồng đàn áp phong trào cách mạng ở Việt Bắc. Tháng 9/1940, Phát xít Nhật đánh vào Lạng Sơn, quân Pháp nhanh chóng thất thủ và rút chạy qua đường Bắc Sơn, Đình Cả về Thái Nguyên. Chính quyền tay sai lung lay, suy sụp. Cơ hội một cuộc khởi nghĩa cướp chính quyền đã đến.

Đêm 27/9/1940, khởi nghĩa Bắc Sơn bùng nổ. Hơn 600 quần chúng, được vũ trang bằng các loại vũ khí như: súng trường, súng kíp, giáo mác, gậy gộc... chia thành 3 mũi tiến công đánh đồn Mỏ Nhài. Trước sức tiến công của cách mạng, quân địch nhanh chóng tan rã. Mặc dù sau đó bị khủng bố và đàn áp dã man, song cuộc khởi nghĩa Bắc Sơn có ý nghĩa đặc biệt quan trọng.

Cuộc khởi nghĩa đã tạo ra lực lượng vũ trang nhân dân đầu tiên do Đảng ta tổ chức và lãnh đạo, sau này phát triển thành Việt Nam Cứu quốc quân, làm nòng cốt cho việc xây dựng căn cứ địa cách mạng Bắc Sơn - Vũ Nhai.

PGS.TS Nguyễn Văn Nhật, Nguyên Viện trưởng Viện Sử học, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam khẳng định: “Căn cứ địa Bắc Sơn - Vũ Nhai mà sau này ta gọi là hậu phương căn cứ địa cách mạng trong kháng chiến có vai trò quan trọng, thậm chí mang tính quyết định đến sự thành công của sự nghiệp cách mạng của chúng ta. Đây là căn cứ địa đầu tiên để từ đó phong trào cách mạng và căn cứ địa khác được thành lập liên tiếp ở 6 tỉnh Cao Bằng, Bắc Kạn, Lạng Sơn, Thái Nguyên, Tuyên Quang và Hà Giang”.

Lược đồ Khởi nghĩa Bắc Sơn

Chủ trương hình thành căn cứ địa cách mạng Bắc Sơn - Võ Nhai đã thực sự được hiện thực hóa từ Hội nghị Trung ương VIII [tháng 5/1941]. Xác định nhiệm vụ trung tâm trong giai đoạn này là: “Chuẩn bị khởi nghĩa”, hội nghị đã quyết định “lấy miền núi rừng Việt Bắc để xây dựng căn cứ vũ trang”, trước hết là căn cứ Cao Bằng và căn cứ Bắc Sơn - Võ Nhai. Một vùng rừng núi rộng lớn nối liền nhau thuộc châu Bắc Sơn và các xã Lâu Thượng, Phú Thượng, Tràng Xá thuộc châu Vũ Nhai trở thành trung tâm căn cứ.

Thông qua diễn biến của cuộc khởi nghĩa Bắc Sơn, phong trào cách mạng Thái Nguyên được đẩy lên cao một bước. Ngày 15/9/1941, tại rừng Khuôn Mánh, thôn Ngọc Mỹ, xã Tràng Xá [Võ Nhai], đồng chí Hoàng Quốc Việt, thay mặt Trung ương Đảng tuyên bố thành lập Trung đội Cứu Quốc quân II với 36 cán bộ, chiến sĩ, trong đó 22 chiến sĩ là con em xã Tràng Xá.

2. Căn cứ địa cách mạng Cao Bằng

Trước những biến chuyển mau lẹ của tình hình thế giới và trong nước, từ cuối năm 1939, Đảng Cộng sản Đông Dương, lãnh tụ chính trị, Bộ tham mưu chiến đấu của cách mạng Việt Nam đã kịp thời nhận định tình hình và điều chỉnh sự chỉ đạo chiến lược, hướng toàn bộ cuộc vận động cách mạng vào mục tiêu giải phóng dân tộc.

Thành viên Chính phủ lâm thời. Ảnh Tư liệu

Vì sao Bác chọn Cao Bằng?

Ngày 5-6-1911, người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành rời bến cảng Nhà Rồng ra nước ngoài, thực hiện cuộc hành trình tìm đường cứu nước suốt 30 năm [1911-1941]. Đến với Chủ nghĩa Mác - Lênin, Người đã tìm thấy con đường cách mạng giải phóng dân tộc. Khi Chiến tranh thế giới thứ hai bùng nổ năm 1939, Người đã luôn khát khao sớm trở về nước để trực tiếp lãnh đạo phong trào cách mạng giải phóng dân tộc. Nhưng việc lựa chọn địa điểm, tức chỗ “đứng chân” trong nước lúc bấy giờ là hết sức quan trọng, có ý nghĩa quyết định toàn bộ sự phát triển về sau của cách mạng Việt Nam.

Ban đầu, Nguyễn Ái Quốc có ý định từ Trung Quốc về nước theo hướng Lào Cai. Người đã cử Bùi Đức Minh, Hoàng Văn Lộc về biên giới Lào Cai nắm tình hình trong nước và đặt cơ sở liên lạc để về nước hoạt động. Nhưng qua nghiên cứu kỹ phong trào cách mạng và địa thế của Cao Bằng, Người quyết định chọn địa bàn chiến lược trọng yếu này để xây dựng thành căn cứ địa vững chắc của cả nước. Việc lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc chọn Cao Bằng để về nước hoạt động và xây dựng căn cứ địa cách mạng không phải là sự lựa chọn tình cờ hay ngẫu nhiên mà là một sự tính toán kỹ lưỡng với tầm nhìn chiến lược của một lãnh tụ thiên tài. Người đã phát hiện Cao Bằng là nơi hội tụ cả 3 yếu tố “Thiên thời, địa lợi, nhân hòa” để xây dựng căn cứ địa cách mạng của cả nước.

Trước hết, Cao Bằng là tỉnh miền núi có đường biên giới với Trung Quốc dài hơn 333km, vừa có đường bộ, đường thủy sang Trung Quốc nên rất thuận lợi cho giao thông liên lạc. Từ Cao Bằng còn có các tuyến đường bộ đi xuống Lạng Sơn, Thái Nguyên. Với địa thế hiểm trở, Cao Bằng là địa phương mà thực dân Pháp khó kiểm soát. Từ Cao Bằng khi lực lượng cách mạng phát triển, cơ sở Việt Minh mở rộng có thể nhanh chóng “Đông tiến” xuống Lạng Sơn, “Nam tiến” xuống Thái Nguyên, “Tây tiến” sang Hà Giang, Tuyên Quang... đến các tỉnh vùng Trung du, đồng bằng Bắc Bộ. Về mặt địa thế, địa hình, kinh tế, quân sự, Cao Bằng có đủ điều kiện trở thành một trong những bàn đạp chiến lược đầu tiên của thời kỳ khởi nghĩa vũ trang, giải phóng dân tộc.

Song yếu tố quan trọng góp phần đi đến quyết định lựa chọn Cao Bằng để lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc về nước là “Cao Bằng có phong trào tốt từ trước”, là nơi sinh sống của nhiều đồng bào các dân tộc Tày, Nùng, Mông, Dao, Kinh, Hoa, Lô Lô... Từ xưa đến nay, các dân tộc luôn đoàn kết, gắn bó với nhau. Từ ngày có Đảng, đồng bào các dân tộc Cao Bằng luôn một lòng theo Đảng, không ngừng đấu tranh chống đế quốc, phong kiến, tiêu biểu như đồng chí Hoàng Đình Giong, người cộng sản kiên trung, người học trò xuất sắc của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc.

Ngay sau khi Đảng ra đời, ngày 1-4-1930, chi bộ cộng sản đầu tiên ở Cao Bằng và cũng là chi bộ đầu tiên ở vùng Việt Bắc. Đến năm 1935, tại Cao Bằng đã có 10 chi bộ hoạt động ở 5 huyện, trong đó có chi bộ Cốc Cóc [Quảng Uyên] giữ mối liên lạc từ Cao Bằng sang Long Châu [Trung Quốc] - nơi có chi bộ hải ngoại của Đảng Cộng sản Đông Dương. Đến năm 1935, nhiều tổ chức “Cộng sản đoàn”, “Công hội đỏ”, “Nông hội đỏ”, “Hội bản”, “Hội làng”... được thành lập nhiều nơi ở Cao Bằng. Vì vậy, Cao Bằng không những có điều kiện thuận lợi cho việc duy trì, phát triển phong trào cách mạng mà còn có “hàng rào quần chúng” bảo vệ vững chắc.

Trong những năm 1938-1939, Tỉnh ủy Cao Bằng đã chỉ đạo xây dựng căn cứ địa cách mạng ở vùng Lục Khu - Pác Bó [Hà Quảng] gồm các xã vùng biên giới Việt Nam - Trung Quốc, tuyên truyền, vận động đồng bào tham gia “Hội đánh Tây”, “Hội phòng phỉ”..., được quần chúng nhân dân ủng hộ nên đã xây dựng được những cơ sở vững chắc. Căn cứ Lục Khu - Pác Bó tiếp giáp với biên giới vừa là địa bàn hoạt động trọng yếu của Châu ủy Hà Quảng, Tỉnh ủy Cao Bằng, vừa bảo đảm những điều kiện thuận lợi cho việc “đứng chân” của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc.

Với nhận định đánh giá và sự lựa chọn đúng đắn đó, ngày 28-1-1941 [tức ngày mồng 2 Tết Tân Tỵ], lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc vượt qua mốc 108 [cũ] biên giới Việt Nam - Trung Quốc, sau đó Người đến Pác Bó, xã Trường Hà, huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng để trực tiếp lãnh đạo cách mạng Việt Nam. Từ đây, Pác Bó - Hà Quảng - Cao Bằng trở thành “đại bản doanh” của căn cứ Việt Bắc, trở thành “chiếc nôi của cách mạng Việt Nam”. Thực tế lịch sử đã chứng minh, Cao Bằng đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ là trung tâm đầu não của phong trào cách mạng của cả nước, “mở ra triển vọng lớn cho cách mạng nước ta”.

Từ Cao Bằng đã “thai nghén” nên căn cứ địa Việt Bắc

Từ ngày 8-2-1941, Nguyễn Ái Quốc với bí danh Già Thu đến ở hang Cốc Bó [tiếng Nùng nghĩa là hang đầu nguồn]. Phía dưới, cách cửa hang chừng 50m có con suối nước rất trong được Người đặt tên là “Suối Lênin”. Một ngọn núi cao bên bờ suối được Người đặt tên là “Núi Các Mác”. Những cái tên đó thể hiện tư tưởng, mục tiêu, đường lối và niềm tin của Người vào thắng lợi của cách mạng Việt Nam đi theo con đường Chủ nghĩa Mác - Lênin và Cách mạng Tháng Mười Nga vĩ đại.

Tại lán Khuổi Nậm, sau một thời gian chuẩn bị, tháng 5-1941, Người đã triệu tập và chủ trì Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ VIII - đánh dấu sự chuyển hướng chiến lược cách mạng của Đảng. Điểm nổi bật của Nghị quyết hội nghị này là việc giải quyết đúng đắn mối quan hệ giữa vấn đề dân tộc và giai cấp. Hội nghị chủ trương: “Trong lúc này, khẩu hiệu của Đảng ta là trước hết phải làm sao giải phóng cho được các dân tộc Đông Dương ra khỏi ách của giặc Pháp - Nhật... Nếu không giải quyết được vấn đề dân tộc giải phóng, không đòi được độc lập, tự do cho toàn thể dân tộc thì chẳng những toàn thể quốc gia dân tộc còn chịu mãi kiếp ngựa trâu, mà quyền lợi của bộ phận, giai cấp đến vạn năm cũng không đòi lại được”.

Cũng tại Pác Bó, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã liên tiếp mở các lớp huấn luyện về tổ chức, vận động quần chúng và thành lập Việt Nam độc lập đồng minh [gọi tắt là Việt Minh]. Người đã chỉ đạo soạn thảo các văn kiện của Việt Minh như: Tuyên ngôn, Chương trình, Điều lệ. Dưới sự trực tiếp chỉ đạo của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc, từ tháng 6 đến tháng 8-1941, Đảng bộ Cao Bằng đã cử 70 cán bộ đi học quân sự ở nước ngoài. Đây là những hạt giống quân sự đầu tiên của căn cứ địa Cao Bằng, sau này là Cao - Bắc - Lạng và Khu giải phóng Việt Bắc. Bắt đầu từ căn cứ địa Bắc Sơn - Võ Nhai, chỉ sau một thời gian ngắn đã phát triển thành cả một vùng rộng lớn bao gồm 6 tỉnh Cao Bằng - Bắc Kạn - Lạng Sơn - Thái Nguyên - Tuyên Quang - Hà Giang. Theo lời Bác dặn, ngày 22-12-1944, Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân ra đời đã tạo ra một cục diện mới, hình thái mới trên mặt trận đấu tranh vũ trang cách mạng.

Video liên quan

Chủ Đề