Người bị buộc tội là những ai

Người bị buộc tội là những ai

Tổng số trong tuần: 10005

Tổng số trong tháng: 24335

Tổng số truy cập: 9410087

01(86)/2015

Người bị buộc tội là những ai

Mục lục

  • 1.Quy định về quyền buộc tội trong tố tụng hình sự
  • 2.Thực tiễn áp dụng và kiến nghị hoàn thiện pháp luật về quyền buộc tội trong tố tụng hình sự
  • 3.Tài liệu tham khảo

Quyền buộc tội của người bị hại trong tố tụng hình sự

NGUYỄN ĐỨC THÁI*

01(86)/2015 - 2015, Trang 8-13

Ngày đăng:

  • Trích dẫn

TÓM TẮT

Quyền buộc tội trong tố tụng hình sự là quyền năng pháp lý đặc biệt nhằm xác định tội phạm và truy cứu trách nhiệm hình sự đối với người thực hiện hành vi phạm tội. Quyền buộc tội của người bị hại thể hiện trong các vụ án khởi tố theo yêu cầu bị hại, bao gồm quyền đưa ra yêu cầu khởi tố và trình bày lời buộc tội tại phiên tòa. Tuy nhiên, thực tiễn cho thấy quy định hiện hành vẫn còn nhiều điểmchưa phù hợp và đang bộc lộ nhiều vướng mắc, bất cập cần phải sửa đổi, bổ sung. Bài viết này phân tích một số vấn đề lý luận và thực tiễn về những hạn chế đối với quyền buộc tội của người bị hại trong tố tụng hình sự, qua đó đề xuất một số phương hướng để hoàn thiện các quy định liên quan.


ABSTRACT:

The right to accuse is a special legal right in criminal procedures to determine a crime and hold criminal responsibility for theoffender. The right to accuse of crime victimsis reflectedin cases where the prosecution is made on the victim’s request, including the right to request forprosecution and present criminal pleadings at the hearing. However, the reality shows certain restraint of the right to accuse of the crime victims in the current regulations of the laws on criminal procedures that need to be admended and supplemented. The paper discusses theoretical and practical aspects of these constraints and put forward recommendations for improvement.


TỪ KHÓA: không có,

KEYWORDS: không có,


Trích dẫn:

×

NGUYỄN ĐỨC THÁI*, Quyền buộc tội của người bị hại trong tố tụng hình sự, Tạp chí Khoa học Pháp lý Việt Nam, 01(86)/2015, Trang 8-13

https://tapchikhplvn.hcmulaw.edu.vn/module/xemchitietbaibao?oid=3764008c-5182-4350-a20c-f68150efe8c7

Đăng ký để tải miễn phí Đăng ký

Bài viết đã được lưu vài tài khoản.

×

Vui lòng vào mục "Quản lý tài khoản" -> "Bài viết đã lưu" để có xem tiếp ngay lần đăng nhập sau.

1. Quy định về quyền buộc tội trong tố tụng hình sự

1.1. Khái niệm quyền buộc tội

Buộc tội trong tố tụng hình sự (TTHS) là hoạt động của cơ quan nhà nước hoặc người có thẩm quyền theo quy định của pháp luật nhằm truy cứu trách nhiệm hình sự (TNHS) đối với người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội được Bộ luật hình sự (BLHS) quy định là tội phạm[1].

Buộc tội, cùng với bào chữa và xét xử, là các chức năng cơ bản của TTHS. Trong đó, buộc tội là hoạt động có tính định hướng nhằm buộc một người phải chịu TNHS do hành vi phạm tội mà họ thực hiện; bào chữa là hoạt động có tính định hướng nhằm bác bỏ hoặc giảm nhẹ những cáo buộc về TNHS nhắm vào người thực hiện hành vi phạm tội; còn xét xử là hoạt động có tính định hướng nhằm phân định việc buộc tội đúng hay bào chữa đúng, và kết thúc bằng việc ra một bản án kết tội bị cáo hoặc tuyên bố bị cáo không phạm tội. Buộc tội bao giờ cũng xuất hiện trước, là tiền đề cho hoạt động bào chữa và xét xử.

Thông thường, buộc tội được bắt đầu từ khi khởi tố vụ án hình sự. Bởi vì khiphát hiện có dấu hiệu tội phạm thì Cơ quan điều tra (CQĐT), Viện kiểm sát (VKS), Tòa án trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệmkhởi tố vụ án[2]. Hoạt động khởi tố vụ án hình sự tạo cơ sở pháp lý để tiến hành các hoạt độngđiều tra, là hoạt động chứng minh tội phạm và người thực hiện tội phạm đó. Tuy nhiên, trongtrường hợp áp dụng biện pháp ngăn chặn bắt, tạm giữđối với người tình nghi thực hiện tội phạm, hoạt động buộc tội được bắt đầu sớm hơn. Mặc dù tại thời điểm này chưa có lời buộc tội chính thức nhưng căn cứ tạm giữ có thể được xem là sự buộc tội không chính thức đối với người bị tạm giữ. Nó cho thấy người bị tạm giữ có mối liên hệ nhất định đến sự kiện tội phạm đã xảy ra trên thực tế và các hoạt động sau đó là nhằm chứng minh người này có hành vi phạm tội hay không. Do vậy, hoạt động buộc tội trong các trường hợp này được bắt đầu từ khiáp dụng biện pháp ngăn chặn đối với người tình nghi thực hiện tội phạm khi chưa có quyết định khởi tố vụ án hình sự.

Hoạt động buộc tội kết thúc khi Tòa án chấp nhận hoặc bác bỏ việc buộc tội của các chủ thể buộc tội bằng hình thức bản án hoặc quyết định có hiệu lực pháp luật. Trong một số trường hợp, hoạt động này có thể kết thúc sớm hơn khi những căn cứ của việc buộc tội không còn nữa như trường hợp CQĐT đình chỉ điều tra vụ án, đình chỉ điều tra bị can; VKS đình chỉ vụ án, đình chỉ bị can;VKS rút quyết định truy tố trước khi mở phiên tòa và đề nghị Tòa án đình chỉ vụ án.

Chức năng buộc tội luôn nhắm vào một cá nhân cụ thể, thực chất đó là hoạt động truy cứu TNHS đối với người phạm tội. Chủ thể thực hiện chức năng buộc tội đưa ra lời cáo buộc với những cá nhân cụ thể và đưa ra những chứng cứ cụ thể cho sự cáo buộc đó. Tất cả những quyền năng tố tụng của chủ thể buộc tội nhằm truy cứu TNHS đối với người thực hiện hành vi phạm tội, bắt đầu từ khi khởi tố vụ án hoặc từ khi áp dụng biện pháp ngăn chặn bắt, tạm giữ, cho đến khi có bản án kết tội của Tòa án có hiệu lực pháp luật chính là quyền buộc tội trong TTHS.

Như vậy, có thể thấy “Quyền buộc tội trong TTHS là quyền năng pháp lý đặc biệt của cơ quan nhà nước hoặc người có thẩm quyền theo quy định của pháp luật, nhằm xác định tội phạm và truy cứu TNHS đối với người thực hiện hành vi phạm tội, được bắt đầu từ khi khởi tố vụ án hoặc áp dụng biện pháp ngăn chặn đối người tình nghi thực hiện tội phạm và kết thúc khi đình chỉ vụ án, bị can hoặc khi bản án kết tội của Tòa án với người phạm tội có hiệu lực pháp luật”.

Người có quyền buộc tội (chủ thể buộc tội) là cơ quan hoặc cá nhân có thẩm quyền và theo quy định của pháp luật, được thực hiện các hoạt động nhằm truy cứu TNHS đối với người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội được BLHS quy định là tội phạm. Tuy nhiên, hiện vẫn chưa có sự nhận thức thống nhất về vấn đề chủ thể quyền buộc tội. Cụ thể, ngoài VKS là chủ thể cơ bản và quan trọng nhất, còn có các chủ thể nào khác có quyền buộc tội?

Một số quan điểm cho rằng, ngoài VKS thì CQĐT và Điều tra viên, người bị hại và người đại diện hợp pháp của họ[3]là các chủ thể có quyền buộc tội. Cá biệt có quan điểm cho rằng Tòa án[4]và nguyên đơn dân sự[5]cũng là chủ thể buộc tội.

Chúng tôi cho rằng, trong TTHS Việt Nam, tất cả các cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng, người tham gia tố tụng đều tham gia vào quá trình chứng minh hành vi phạm tội.Nhưng chủ thể buộc tội phải là cơ quan hoặc người giữ vai trò quyết định trong việc truy cứu TNHS đối với người phạm tội; nếu họ chỉ tham gia vào một công đoạn trong quá trình buộc tội mà không giữ vai trò quyết định truy cứu TNHS người phạm tội thì không phải là chủ thể buộc tội.

Mặc dù CQĐT thực hiện một số hoạt động có tính chất buộc tội như phát hiện, thu thập chứng cứ để buộc tội đối với bị can, ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can, áp dụng các biện pháp cưỡng chế tố tụng nhằm ngăn chặn hành vi phạm tội, kết luận điều tra đề nghị VKS truy tố bị can ra trước Tòa án để xét xử, tất cả các hoạt động trên đều đặt dưới sự kiểm sát của VKS; các quyết định tố tụng của CQĐT liên quan đến việc buộc tội như quyết định khởi tố bị can,quyết định áp dụng, thay đổi, hủy bỏ biện pháp bắt, tạm giữ, tạm giamđều phải được VKS phê chuẩn; các tài liệu chứng cứ do CQĐT thu thập đều nhằm phục vụ cho việc buộc tội của VKS. Nói cách khác, tất cả các hoạt động của CQĐT đều không trực tiếp thực hiện việc buộc tội đối với người phạm tội nên không phải là chủ thể buộc tội.

Tòa án cũng không phải là chủ thể buộc tội vì Tòa án là cơ quan thực hiện chức năng xét xử. Mặc dù Hội đồng xét xử (HĐXX) có quyền ra quyết định khởi tố vụ án hình sự nhưng đây không phải là hoạt động buộc tội. Đó là vì khi khởi tố vụ án, Tòa án không đưa ra kết luận về lỗi của một người cụ thể, không buộc tội ai và chỉ chuyển giao vụ án cho VKS xem xét việc điều tra. Tương tự, người bị hại trong các vụ án không thuộc trường hợp khởi tố theo yêu cầu người bị hại và nguyên đơn dân sự cũng không phải là chủ thể buộc tội. Người bị hại tham gia tố tụng để đưa ra yêu cầu truy cứu TNHS người phạm tội, còn nguyên đơn dân sự tham gia tố tụng để đưa ra yêu cầu đòi bồi thường thiệt hại, là yêu cầu thuần túy về mặt dân sự;còn việc có truy cứu TNHS hay không là do cơ quan tiến hành tố tụng quyết định, nằm ngoài ý muốn của họ,nên họ không phải là chủ thể buộc tội.

Trên cơ sở đó, chúng tôi cho rằng chủ thể có quyền buộc tội trong TTHS chỉ có thể là VKS và người bị hại (hoặc người đại diện hợp pháp của người bị hại là người chưa thành niên, người có nhược điểm về thể chất và tinh thần) trong các vụ án thuộc trường hợp khởi tố theo yêu cầu người bị hại. Cụ thể như sau:

VKS là cơ quan giữ vai trò quyết định trong việc truy cứu TNHS người phạm tội, thể hiện ở vai trò thay mặt Nhà nước kiểm sát tính có căn cứ và tính hợp pháp của quyết định khởi tố vụ án hình sự, quyết định phê chuẩn quyết định khởi tố bị can,quyết định áp dụng, thay đổi, hủy bỏ biện pháp bắt, tạm giữ, tạm giam và các biện pháp ngăn chặn khác; quyết định phê chuẩn, không phê chuẩn các quyết định của CQĐT, quyết định truy tố người phạm tội ra trước Tòa án và thực hiện việc buộc tội tại phiên tòa. Do vậy VKS là chủ thể cơ bản và quan trọng nhất của chức năng buộc tội, việc buộc tội của VKS là thay mặt Nhà nước, có tính chất công, nên hình thức buộc tội còn gọi là “công tố”. Và do vậy, quyền của VKS trong việc truy cứu TNHS người phạm tội là quyền công tố.

Người bị hại hoặc hoặc người đại diện hợp pháp của người bị hại là người chưa thành niên, người có nhược điểm về thể chất và tinh thần trong các vụ án khởi tố theo yêu cầu người bị hại là người quyết định việc truy cứu TNHS người thực hiện hành vi phạm tội, thông qua quyền yêu cầu khởi tố vụ án hình sự. Yêu cầu của người bị hại là căn cứ làm phát sinh việc khởi tố vụ án hình sự, nghĩa là vụ án tuy có dấu hiệu của tội phạm nhưng không có yêu cầu của người bị hại thì cơ quan có thẩm quyền không thể khởi tố vụ án. Yêu cầu của người bị hại cũng là căn cứ để chấm dứt việc truy cứu TNHS đối với người phạm tội ở một số giai đoạn tố tụng nhất định nếu việc chấm dứt đó không phải do ép buộc.Có thể nói, khởi tố vụ án theo yêu cầu người bị hại là trường hợp đặc biệt của khởi tố vụ án hình sự, chỉ áp dụng đối với một số tội phạm nhất định và trong những trường hợp này cơ quan có thẩm quyền chỉ được khởi tố vụ án khi có yêu cầu của người bị hại. Do có vai trò quyết định trong việc đưa người phạm tội ra xử lý trước pháp luật, nên người bị hại hoặc người đại diện của họ là chủ thể buộc tội, nhưng chỉ giới hạn trong các vụ án khởi tố theo yêu cầu người bị hại.

1.2. Đặc trưng của quyền buộc tội của người bị hại

Quyền buộc tội của người bị hại trong TTHS Việt Nam có một số đặc trưng cơ bảnnhư sau:

- Thứ nhất,đây là một quy định biệt lệ so với quan niệm chung về quan hệ pháp luật hình sự cho rằng Nhà nước mới là chủ thể có thẩm quyền quyết định việc truy cứu TNHS đối với người phạm tội. Điều này thể hiện ở nguyên tắc trách nhiệm khởi tố và xử lý vụ án hình sự, với yêu cầu đặt ra là“khi phát hiện có dấu hiệu tội phạm thì CQĐT, VKS, Toà án trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm khởi tố vụ án và áp dụng các biện pháp do BLTTHS quy định để xác định tội phạm và xử lý người phạm tội”[6]. Tuy nhiên, trong các vụ án khởi tố theo yêu cầungười bị hạithì việc xử lýngười phạm tội phụ thuộc vào ý chí người bị hại, thông qua quyền yêu cầu khởi tố, nếu người bị hại không yêu cầu thì vụ án sẽ không được khởi tố và người phạm tội sẽ không bị xử lý.

- Thứ hai,quyền buộc tội củangười bị hạichỉ áp dụng đối với các trường hợp phạm tội có tính chất nguy hiểm không cao so với tội phạm thông thường. Khởi tố vụ án theo yêu cầu của người bị hại chỉ áp dụng đối với các trường hợp phạm tội do vô ý hoặc phạm tội cố ý nhưng thiệt hại không lớn, tính chất của sự xâm hại không nghiêm trọng, đồng thời khách thể xâm hại của tội phạm thường là những quan hệ xã hội có liên quan trực tiếp đến bản thânngười bị hại, đó là sức khỏe, danh dự, nhân phẩm và quyền sở hữu trí tuệ của họ. Tùy tình hình thực tế trong mỗi giai đoạn phát triển kinh tế, xã hội mà các tội danh thuộc trường hợp khởi tố vụ án theo yêu cầungười bị hại được thay đổi cho phù hợp.Ví dụ, trước đây BLTTHS năm 1988 quy định 6 tội, nhưng BLTTHS năm 2003 hiện hành đã nâng lên thành 11 tội. Trong tương lai,các tội danh thuộc trường hợp khởi tố vụ án theo yêu cầungười bị hại cũng sẽ luôn luôn được cập nhật, thay đổi, bổ sung, tùy theo các điều kiện kinh tế xã hội và sự phát triển của đất nước, cũng như những thay đổi về nhận thức trong quá trình xây dựng pháp luật.

- Thứ ba,yếu tố ý chí củangười bị hạicó ý nghĩa quyết định trong việc khởi tố vụ án hình sự. Ý chí củangười bị hạiđược thể hiện ở việc yêu cầu hoặc không yêu cầu khởi tố vụ án, đây là điều kiện bắt buộc phải có trước khi khởi tố vụ án.Chỉ khi nào người bị hại có yêu cầu thì vụ án mới được khởi tố, còn nếu người bị hại không có yêu cầu thì cơ quan có thẩm quyền không thể ra quyết định khởi tố vụ án.Đồng thời khingười bị hạirút yêu cầu thì đó là căn cứ để chấm dứt việc truy cứu TNHS đối với người phạm tội, nhưng giới hạn ở một số giai đoạn tố tụng nhất định. Như vậy có thể nói ý chí củangười bị hạilà căn cứ làm phát sinh, thay đổi, chấm dứt việc truy cứu TNHS đối với người phạm tội.

1.3. Nghĩa vụ chứng minh của chủ thể có quyền buộc tội

Các chủ thể có quyền buộc tội theo quy định của pháp luật quy định thì đồng thời họ phải có nghĩa vụ chứng minh những cáo buộc của mình. Tùy theo từng chủ thể mà nghĩa vụ và cách thức chứng minh sẽ có sự khác nhau.

Đối với VKS, với tư cách là cơ quan tiến hành tố tụng, VKS có trách nhiệm chứng minh tội phạm. Bị can, bị cáo có quyền nhưng không buộc phải chứng minh là mình vô tội. Do vậy, VKS phải áp dụng mọi biện pháp được pháp luật cho phép để xác định sự thật của vụ án một cách khách quan, toàn diện và đầy đủ, làm rõ những chứng cứ xác định có tội và chứng cứ xác định vô tội, những tình tiết tăng nặng và những tình tiết giảm nhẹ TNHS của bị can, bị cáo[7]. Nếu VKS không chứng minh được tội phạm thì không được phép truy tố người bị cáo buộc trước tòa án.

Người bị hại là nạn nhân của tội phạm, nên họ đóng vai trò rất quan trọng trong hoạt động chứng minh tội phạm được thực hiện bởi các cơ quan tiến hành tố tụng. Là người bị hành vi phạm tội trực tiếp tác động nên hơn ai hết họ là người biết rõ nhất về người phạm tội và diễn biến hành vi phạm tội. Khi tham gia tố tụng, người bị hại sẽ cung cấp cho các cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng những thông tin mà họ biết được về người phạm tội và hành vi phạm tội, lời khai của họ là chứng cứ quan trọng để làm sáng tỏ sự thật khách quan của vụ án.

Người bị hại có nghĩa vụ chứng minh những cáo buộc của mình thông qua việc trình bày lời buộc tội tại phiên tòa, cho dù lời buộc tội của người bị hại không có sự phân tích đánh giá chứng cứ và chỉ có tính chất tham khảo để HĐXX ra phán quyết nhưng họ bắt buộc phải có nghĩa vụ trình bày lời buộc tội. Bên cạnh đó, người bị hại còn có một số quyền năng pháp lý để chứng minh cho cáo buộc của mình như:

Quyền “đưa ra tài liệu, đồ vật, yêu cầu” là cung cấp cho cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng các tài liệu, đồ vật để chứng minh hành vi phạm tội và hậu quả do hành vi phạm tội đó gây ra, cũng như đưa ra những yêu cầu về xử lý người phạm tội, về bồi thường thiệt hại;

Quyền “được thông báo về kết quả điều tra” là được cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng thông báo về nội dung vụ án liên quan đến người bị hại, làm cơ sở cho họ chuẩn bị lý lẽ, yêu cầu đối với người phạm tội hoặc chứng minh thiệt hại mà người phạm tội gây ra cho mình;

Quyền “đề nghị thay đổi người tiến hành tố tụng, người giám định, người phiên dịch” là được đề nghị thay đổiThủ trưởng, Phó Thủ trưởng CQĐT, Điều tra viên, Viện trưởng, Phó Viện trưởng VKS, Kiểm sát viên, Chánh án, Phó Chánh án, Thẩm phán, Hội thẩm, Thư ký Tòa án,người giám định, người phiên dịchnếu có lý do để cho rằng họ có thể không vô tư trong khi thực hiện nhiệm vụ của mình;

Quyền “đề nghị mức bồi thường và các biện pháp bảo đảm bồi thường” là đưa ra mức bồi thường cụ thể và đề nghị áp dụng biện pháp bảo đảm bồi thường như kê biên tài sản, khấu trừ thu nhập của người phạm tội;

Quyền “tham gia phiên toà; trình bày ý kiến, tranh luận tại phiên toà để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình” là được triệu tập tham dự phiên tòa xét xử, được trình bày ý kiến về sự việc phạm tội, về xử lý người phạm tội và bồi thường thiệt hại, cũng như tranh luận vớiKiểm sát viên, bị cáo, người bào chữa để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình;

Quyền “khiếu nại quyết định, hành vi tố tụng của cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng; kháng cáo bản án, quyết định của Toà án về phần bồi thường cũng như về hình phạt đối với bị cáo” là được khiếu nại quyết định tố tụng của cơ quan tiến hành tố tụng, hành vi tố tụng của người tiến hành tố tụng nếu thấy quyết định tố tụng, hành vi tố tụng đó trái pháp luật, xâm phạm đến quyền và lợi ích hợp pháp của mình. Ngoài ra, sau khi xét xử sơ thẩm nếu thấy bản án, quyết định của Tòa án về phần bồi thường cũng như về hình phạt đối với bị cáo chưa thỏa đáng thì người bị hại có quyền kháng cáo để yêu cầu cấp phúc thẩm xét xử lại.

Các quyền trên của người bị hại chính là điều kiện và cơ hội để họ chứng minh những những cáo buộc về tổn thất mà người phạm tội đã gây ra cho mình, và cơ quan tiến hành tố tụng có nghĩa vụ phải bảo vệ. Đây chính là sự khác biệt giữa chức năng buộc tội của VKS (vừa là quyền vừa là nghĩa vụ) với quyền được cáo buộc và chứng minh cáo buộc của người bị hại.

Tuy nhiên, trên thực tế không phải trong mọi trường hợp người bị hại đều tích cực hỗ trợ cho các chủ thể tiến hành tố tụng để chứng minh sự cáo buộc đối với bị can, bị cáo và sáng tỏ sự thật khách quan của vụ án. Do vậy, BLTTHS quy định nghĩa vụ của người bị hại: “phải có mặt theo giấy triệu tập của CQĐT, VKS, Toà án; nếu từ chối khai báo mà không có lý do chính đáng thì có thể phải chịu TNHS theo Điều 308 BLHS”[8]. Khai báo về những tình tiết, diễn biến hành vi phạm tội được xác định là quyền và cũng là nghĩa vụ cơ bản của người bị hại. Chính vì vậy, người bị hại phải có mặt theo giấy triệu tập để CQĐT, VKS, Toà án hỏi về những tình tiết của vụ án, để chứng minh cáo buộc của họ trong việc xử lý người phạm tội và yêu cầu bồi thường thiệt hại, khắc phục hậu quả, trong trường hợp người bị hại từ chối thực hiện nghĩa vụ khai báo mà không có lý do chính đáng thì họ có thể phải chịu TNHS theo Điều 308 BLHS. Bên cạnh đó, nghĩa vụ có mặt theo giấy triệu tập và khai báo cho các cơ quan tiến hành tố tụng của người bị hại cũng chính là điều kiện để người bị hại thực hiện nghĩa vụ chứng minh những cáo buộc của mình đối với người phạm tội.

1.4. Nội dung quyền buộc tội của người bị hại trong tố tụng hình sự

Để đảm bảo quyền buộc tội của người bị hại trong các vụ án khởi tố theo yêu cầu người bị hại, pháp luật cho phép người bị hại có quyền yêu cầu khởi tố, quyền rút yêu cầu khởi tố và quyền buộc tội tại phiên tòa. Đâychínhlà nội dung quyền buộc tội của người bị hại trong TTHS. Pháp luật thực định ở Việt Nam không ghi nhận quyền tư tố vì người bị hại không trực tiếp thực hiện việc khởi tố, truy tố mà chỉ có quyền đưa ra yêu cầu khởi tố và đưa ra lời buộc tội tại phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án hình sự. Tuy nhiên, nếu xét về bản chất của quyền tư tố là quyền quyết định trong việc truy cứu TNHS người phạm tội, thì ở Việt Nam quyền này được biểu hiện trong các vụ án khởi tố theo yêu cầu người bị hại.

Quyền yêu cầu khởi tố là quyền quyết định việc truy cứu TNHS người phạm tội, đây là quyền buộc tội của người bị hại,thể hiện rõ nét nhất bản chất của quyền tư tố trong TTHS Việt Nam.Chủ thể có quyền yêu cầu khởi tố vụ án hình sự trong trường hợp khởi tố theo yêu cầu người bị hại là người bị hại hoặc người đại diện hợp pháp của người bị hại là người chưa thành niên, người có nhược điểm về tâm thần hoặc thể chất. Quyền yêu cầu khởi tố vụ án hình sự đương nhiên và trước hết phải thuộc về người bị hại, bởi lẽ họ là người trực tiếp bị thiệt hại về thể chất, tinh thần, tài sản do tội phạm gây ra nên không thể ai khác làm thay cho họ, quyết định thay cho họ về vấn đề này. Trong trường hợp người bị hại là người chưa thành niên, người có nhược điểm về thể chất hoặc tinh thần, do người bị hại chưa đủ năng lực, hoặc mất năng lực, hoặc không thể tự thể hiện được ý chí của mình, thì pháp luật mới trao cho người đại diện hợp pháp của người bị hại quyền yêu cầu thay cho người bị hại.

Tuypháp luật hiện hành chưa có quy định về nội dung yêu cầu khởi tố vụ án hình sự như thế nào, nhưng có thể hiểu nội dung yêu cầu khởi tố là yêu cầu truy cứu TNHS người phạm tội.Do vậy, nếu chỉ yêu cầu chung chung là xử lý theo pháp luật thì không phải yêu cầu khởi tố vụ án hình sự. Về hình thức “yêu cầu khởi tố của người bị hại hoặc của người đại diện thể hiện bằng đơn yêu cầu có chữ ký hoặc điểm chỉ của họ; nếu người bị hại hoặc người đại diện đến trực tiếp trình bày thì CQĐT, VKS phải lập biên bản ghi rõ nội dung yêu cầu khởi tố và yêu cầu họ ký hoặc điểm chỉ vào biên bản”[9]. Nội dung yêu cầu khởi tố cũng có thể chứa đựng thông tin về tội phạm nên đơn yêu cầu khởi tố có thể đồng thời là đơn tố giác tội phạm, đồng thời là cơ sở xác định căn cứ khởi tố vụ án hình sự. Tuy nhiên, yêu cầu khởi tố là điều kiện chứ không phải là căn cứ khởi tố vụ án hình sự. Căn cứ duy nhất khởi tố vụ án hình sự là dấu hiệu tội phạm. Nếu chỉ có yêu cầu khởi tố mà không có dấu hiệu tội phạm thì cơ quan chức năng không được khởi tố vụ án hình sự. Ngược lại, xác định được dấu hiệu tội phạm thuộc trường hợp khởi tố vụ án theo yêu cầu người bị hại nhưng không có yêu cầu khởi tố thì cũng không được khởi tố vụ án hình sự. Như vậy hậu quả pháp lý của quyền yêu cầu khởi tố trong các trường hợp khởi tố vụ án theo yêu cầu người bị hại là vụ án sẽ được khởi tố.

Pháp luật cho phép người bị hại có quyền yêu cầu khởi tố thì cũng đồng thời cho phép người bị hại có quyền rút yêu cầu khởi tố. Đối với các vụ án trước đây người bị hại yêu cầu khởi tố và vụ án hình sự đã được khởi tố theo yêu cầu của họ, nay người bị hại không yêu cầu nữa thì có quyền rút yêu cầu khởi tố nhưng chỉ được thực hiện trước ngày mở phiên tòa sơ thẩm. Theo quy định tại khoản 2 Điều 105 BLTTHS năm 2003: “Trong trường hợp người đã yêu cầu khởi tố rút yêu cầu trước ngày mở phiên tòa sơ thẩm thì vụ án phải được đình chỉ”, nghĩa là nếu đã mở phiên tòa thì vụ án vẫn được tiến hành xét xử như bình thường mà không phụ thuộc vào ý chí của người phạm tội. Như vậy, hậu quả pháp lý của việc người bị hại rút yêu cầu khởi tố là đình chỉ vụ án, chấm dứt mọi hoạt động tố tụng đối với vụ án. Tất nhiên là nếu bị can còn phạm vào một tội khác hoặc trong vụ án còn có người phạm tội khác thì cơ quan chức năng vẫn tiếp tục xử lý, chỉ đình chỉ đối với phần vụ án mà trước đó người bị hại yêu cầu khởi tố.

Về thẩm quyền đình chỉ, vụ án ở giai đoạn tố tụng nào thì cơ quan đó đình chỉ. Ở giai đoạn điều tra thì do CQĐT đình chỉ, giai đoạn truy tố thì do VKS đình chỉ, giai đoạn chuẩn bị xét xử thì Tòa án có thẩm quyền đình chỉ. Trong thực tế không phải lúc nào việc người bị hại rút yêu cầu khởi tố cũng là thể hiện ý chí tự nguyện của họ mà có trường hợp họ bị người khác (bị can hoặc bất kỳ người nào khác) ép buộc, cưỡng bức, không phản ánh đúng mong muốn của họ. Do vậy, khoản 2 Điều 105 BLTTHS năm 2003 quy định: “Trong trường hợp có căn cứ để xác định người đã yêu cầu khởi tố rút yêu cầu khởi tố trái với ý muốn của họ do bị ép buộc, cưỡng bức thì tuy người đã yêu cầu khởi tố rút yêu cầu, CQĐT, VKS, Tòa án vẫn có thể tiếp tục tiến hành tố tụng đối với vụ án”. Ngoài ra, trên thực tế còn có trường hợp người bị hại yêu cầu khởi tố trở lại vụ án sau khi đã rút yêu cầu khởi tố gây khó khăn cho các cơ quan tố tụng, tổn hại sự tôn nghiêm của pháp luật. Do vậy, BLTTHS năm 2003 đưa ra quy định mới mà trước đó BLTTHS năm 1988 không có: “Người bị hại đã rút yêu cầu khởi tố thì không có quyền yêu cầu lại, trừ trường hợp rút yêu cầu do bị ép buộc, cưỡng bức”.

Người bị hại hoặc người đại diện hợp pháp của họ trình bày lời buộc tội tại phiên toà xét xử sơ thẩm vụ án cũng là một nội dung thuộc về quyền buộc tội của người bị hại. Đây là nội dung đã được quy định từ BLTTHS năm 1988, BLTTHS năm 2003 vẫn giữ nguyên quy định này qua các lần sửa đổi, bổ sung. Mặc dù BLTTHS năm 2003 không quy định cụ thể nội dung buộc tội như thế nào, tuy nhiên thông thường lời buộc tội của người bị hại hoặc của người đại diện hợp pháp là việc họ phán xét hành vi phạm tội và bày tỏ tâm tư nguyện vọng của mình, mong muốn kẻ phạm tội phải bị trừng phạt ở mức độ phù hợp với những thiệt hại mà họ phải gánh chịu. Đa số người bị hại mong muốn kẻ phạm tội phải chịu hình phạt nghiêm khắc nhất, nhưng cũng có trường hợp người bị hại trình bày lời buộc tội thể hiện sự khoan dung, tha thứ đối với hành vi của kẻ phạm tội và mong muốn Tòa án xử nhẹ cho người phạm tội. Lời buộc tội của người bị hại thường chỉ là yêu cầu HĐXX giải quyết vụ án đúng đắn, bảo vệ quyền lợi cho họ mà không dựa trên sự phân tích đánh giá chứng cứ, trừ trường hợp người bị hại hoặc của người đại diện hợp pháp am hiểu pháp luật, do đó lời buộc tội của người bị hại chỉ có tính chất tham khảo để HĐXX ra phán quyết.

Thời điểm người bị hại thực hiện việc buộc tội tuy không được quy định trong BLTTHS năm 2003, nhưng được hướng dẫn tại Nghị quyết 03/2004/NQ-HĐTP ngày 02/10/2004 của Hội đồng thẩm phán TAND tối cao như sau: “người bị hại hoặc người đại diện hợp pháp của họ trình bày lời buộc tội tại phiên toà được thực hiện theo trình tự phát biểu khi tranh luận tại phiên tòa quy định tại Điều 217 BLTTHS”. Nghĩa làngười bị hại sẽ thực hiện việc buộc tội sau khi bị cáo trình bày lời bào chữa.



* ThS Luật học, Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Bình Thuận.

[1] Viện Khoa học pháp lý Bộ Tư pháp (2006), Từ điển Luật học, Nxb Từ điển Bách khoa và Nxb Tư pháp, Hà Nội

[2] Điều 13 Bộ luật Tố tụng Hình sự (BLTTHS) năm 2003.

[3] Lê Tiến Châu (2003), “Một số vấn đề về chức năng buộc tội”¸ Tạp chí Khoa học pháp lý số 03.

[4] Phạm Hồng Hải (1999), Bàn về quyền công tố, Kỷ yếu Đề tài khoa học cấp Bộ của Viện Khoa học kiểm sát VKSND tối cao, Hà Nội.

[5] Nguyễn Trương Tín (2009), “Một số vấn đề lý luận về chức năng buộc tội trong tố tụng hình sự và vấn đề sửa đổi, bổ sung Bộ luật Tố tụng Hình sự 2003 liên quan đến chức năng buộc tội”, Tạp chí Nhà nước và Pháp luật (Viện Nhà nước và Pháp luật), số 8, tr. 72 – 83.

[6] Điều 13 BLTTHS năm 2003.

[7] Đây là nội dung nguyên tắc xác định sự thật của vụ án quy định tại Điều 10 BLTTHS năm 2003.

[8] Khoản 4 Điều 51 BLTTHS năm 2003.

[9] Mục 7.2 Thông tư liên tịch số 05/2005/TTLT-VKSTC-BCA-BQP ngày 07/9/2005 về quan hệ phối hợp giữa CQĐT và VKS trong việc thực hiện một số quy định của BLTTHS năm 2003.

2. Thực tiễn áp dụng và kiến nghị hoàn thiện pháp luật về quyền buộc tội trong tố tụng hình sự

Thực tiễn cho thấy một số quy địnhcủa pháp luậtvề quyền buộc tội của người bị hại chưa hợp lý và thiếu đồng bộ, đang bộc lộ những vướng mắc, bất cập, cần sửa đổi bổ sung cho phù hợp.

- Thứ nhất,việc xác định phạm vi người bị hại chỉ có thể là cá nhân như hiện nay sẽ tước bỏ quyền buộc tội của các cơ quan, tổ chức bị thiệt hại do hành vi phạm tội gây ra, không đảm bảo sự công bằng giữa các chủ thể cùng bị thiệt hại. Theo đó, nếu là cá nhân thì được xác định là người bị hại, còn là cơ quan, tổ chức được xác định là nguyên đơn dân sự hoặc người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án, trong khi các điều kiện tham gia tố tụng, quyền và nghĩa vụ của các chủ thể này là khác nhau. Ví dụ, nếu các cơ quan, tổ chức không thể được xem là người bị hại thì khi một doanh nghiệp bị xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp họ không thể yêu cầu khởi tố vụ án hình sự dẫn đến khả năng bỏ lọt tội phạm; trong khi hiện nay tình trạng xâm phạm sáng chế, giải pháp hữu ích, kiểu dáng công nghiệp, nhãn hiệu hàng hóa của doanh nghiệp đang diễn ra phổ biến và gây nhiều thiệt hại, không chỉ cho doanh nghiệp bị xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp mà còn cho cả người tiêu dùng và toàn xã hội.

Việc xác định người bị hại phải là người đã bị thiệt hại cũng là bất cập, vì điều này đã tước bỏ quyền buộc tội của người bị hại trong trường hợp phạm tội chưa đạt. Trong những trường hợp này, hậu quả chưa xảy ra do nguyên nhân khách quan ngoài ý muốn người phạm tội. Do vậy, nếu không coi người bị đe dọa gây thiệt hại là người bị hại thì vô hình trung pháp luật đã tước bỏ quyền yêu cầu khởi tố của họ khi vụ án thuộc trường hợp khởi tố theo yêu cầu người bị hại. Chẳng hạn, người phạm tội thực hiện hành vi hiếp dâm nhưng chưa giao cấu được thì bị phát hiện bắt giữ. Nếu xét về cấu thành tội phạm thì hành vi loại này đủ yếu tố cấu thành nhưng không thể xử lý được vì tội Hiếp dâm khởi tố theo yêu cầu người bị hại.Bởi vì, người bị xâm hại chưa bị “giao cấu trái ý muốn”, hậu quả chưa xảy ra, căn cứ theo quy định của Luật thì họ không phải là người bị hại nên không có quyền yêu cầu khởi tố, và như vậy rõ ràng đã để bỏ lọt tội phạm, trong khi hành vi đáng bị trừng trị nghiêm khắc.

Do vậy, chúng tôi cho rằng cần nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung quy định của BLTTHS năm 2003 về người bị hại theo hướng người bị hại bao gồm tất cả các cá nhân và cơ quan, tổ chức bị thiệt hại hoặc bị hành vi phạm tội hướng tới gây thiệt hại nhưng hậu quả chưa xảy ra do nguyên nhân khách quan ngoài ý muốn người phạm tội nhằm đáp ứng yêu cầu đấu tranh phòng chống tội phạm trong thực tiễn.

- Thứ hai,theo quy định tại khoản 1 Điều 105 BLTTHS năm 2003, quyền buộc tội trong trường hợp người bị hại là người chưa thành niên, người có nhược điểm về tâm thần hoặc thể chất sẽ thuộc về người đại diện hợp pháp của họ. Tuy nhiên, quy định này chưa đầy đủ vì trong thực tiễn còn có trường hợp không xác định được người đại diện hợp pháp của người chưa thành niên, người có nhược điểm về tâm thần hoặc thể chất, chẳng hạn trẻ em mồ côi đi bán vé số dạo bị đánh gây thương tích hoặc cô gái bị tâm thần đi lang thang bị hiếp dâm. Trong những trường hợp này, do không xác định được người đại diện hợp pháp của người bị hại,vụ án không thể được khởi tố và như vậy người phạm tội sẽ không bị xử lý dẫn đến bỏ lọt tội phạm.

Xuất phát từ thực trạng bất hợp lý nêu trên chúng tôi cho rằng cần nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung quy định của BLTTHS về quyền yêu cầu khởi tố theo hướng trong trường hợp không xác định được người đại diện hợp pháp của người chưa thành niên, người có nhược điểm về tâm thần hoặc thể chất thì quyền yêu cầu khởi tố sẽ thuộc về VKS hoặc tổ chức xã hội tiếp nhận người bị hại (Đoàn Thanh niên hoặc Hội Liên hiệp Phụ nữ).

- Thứ ba,quy định hiện hành về việc người bị hại hoặc người đại diện hợp pháp của họ trình bày lời buộc tội tại phiên tòa chưa phù hợp. Người bị hại là chủ thể buộc tội, nhưng theo quy định của BLTTHS, trong phần xét hỏi tại phiên tòa người bị hại chỉ được đề nghị với chủ toạ phiên tòa hỏi thêm về những tình tiết cần làm sáng tỏ vụ án, mà không có quyền trực tiếp đặt câu hỏi đối với bị cáo và những người tham gia tố tụng khác. Hạn chế này làm cho người bị hại gặp khó khăn khi bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình trong phần tranh luận và trình bày lời buộc tội tại phiên toà. Bên cạnh đó, chúng tôi cho rằng quy định về việc người bị hại hoặc người đại diện hợp pháp của họ trình bày lời buộc tội tại phiên toà trongtrường hợp vụ án được khởi tố theo yêu cầu của người bị hạicũngchưa phù hợp, mang tính hình thức.Lẽ ra lời buộc tội phải có trước để bị cáo biết được bên buộc tội đã buộc tội như thế nào, dựa vào những tài liệu chứng cứ gì để bào chữa cho mình; trong khi đó luật lại quy định trình tự phát biểu khi tranh luận là người bị hại phát biểu sau bị cáo và người bào chữa cho bị cáo. Trình tự đưa ra lời buộc tội sau lời bào chữa là bất hợp lý, không khoa học, và thiếu logic.

Do đó, để phát huy vai trò của người bị hại trong việcbuộc tội tại phiên toà, cần nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung quy định của BLTTHS theo hướng cho phép người bị hại có quyềntrực tiếp đặt câu hỏi đối với bị cáo và những người tham gia tố tụng khác, để người bị hại chuẩn bị lý lẽ, quan điểm trong phần tranh luận nhằm chứng minh lời buộc tội của mình là có căn cứ và đúng pháp luật. Như vậy, trình tự tố tụng sau khi kết thúc việc xét hỏi tại phiên tòa sẽ là KSV trình bày lời luận tội, tiếp theo người bị hại hoặc người đại diện hợp pháp của họ trình bày lời buộc tội, sau đó bị cáo trình bày lời bào chữa.

- Thứ năm,BLTTHS thiếu những quy định bảo đảm cho người bị hại tham gia vào quá trình giải quyết vụ án để thực hiện và bảo vệ yêu cầu khởi tố của họ dẫn đến việc hạn chế đáng kể quyền buộc tội của người bị hại trên thực tế. Hiện nay, thủ tục giải quyết các vụ án khởi tố theo yêu cầu bị hại không khác gì so với các vụ án thông thường. Ngoài quyền yêu cầu khởi tố thì người bị hại trong các vụ án khởi tố theo yêu cầu bị hại và người bị hại trong các vụ án khác, đều có những quyền và nghĩa vụ pháp lý như nhau, được quy định tại khoản 1 Điều 51 BLTTHS năm 2003. Chúng tôi cho rằng, khi đã giao cho bị hại quyền yêu cầu khởi tố, được xem như là quyền quyết định trong việc xử lý người phạm tội, thì nên giao cho họ thêm nhiều quyền năng pháp lý để họ có thể tham gia sâu, rộng vào quá trình giải quyết vụ án nhằm bảo vệ yêu cầu khởi tố của họ. Chẳng hạn, pháp luật có thể cho người bị hại được quyền thu thập tài liệu, đồ vật, tình tiết liên quan đến vụ án nếu không thuộc bí mật nhà nước; được tham gia vào một số hoạt động thu thập chứng cứ (ví dụ như hoạt động truy tìm vật chứng); được cung cấp các quyết định tố tụng liên quan đến xử lý vụ án (ví dụ như quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can, kết luận điều tra); được tiếp cận hồ sơ vụ án sau khi đã kết thúc điều tra để ghi chép, sao chụp tài liệu trong hồ sơ; và được tham gia xét hỏi những người tham gia tố tụng khác để làm rõ tình tiết của vụ án. Chỉ khi có quyền năng pháp lý này, người bị hại mới có thể thực hiện tốt chức năng buộc tội của mình trong TTHS.



TÀI LIỆU THAM KHẢO

©

Bài viết được đăng tải dưới sự cho phép của Tạp chí Khoa học Pháp lý Việt Nam, mọi quyền sở hữu trí tuệ liên quan đến bài viết được bảo lưu. Chi tiết xin vui lòng liên email

Vui lòng đăng nhập tài khoản để tải miễn phí.

Người bị buộc tội là những ai

Gmail

Đăng ký

Quên mật khẩu?

Đặt mua


Bản giấy tạp chí Khoa học pháp lý Việt Nam

Bài viết liên quan trên

Google scholar

Trích dẫn bài viết qua

Google scholar Crossref