Nguyên nhân thừa cân béo phì ở trẻ mẫu giáo

Mỗi khi thời tiết chuyển sang giai đoạn giao mùa cũng là lúc chị Thanh Duyên [26 tuổi, ở Hà Nội] bắt đầu lo lắng. Cô con gái 4 tuổi, cao 1,1 m, nặng 20 kg của chị thường mắc bệnh lâu khỏi hơn hoặc dễ phải đi viện. Mỗi khi thay đổi thời tiết, bé rất dễ bị sổ mũi, ho. Tình trạng này tái phát khá nhiều lần và không thể dứt điểm. Hay khi bị thủy đậu, con cũng mất 3-4 tuần mới khỏe hẳn.

Đây là một trong số hàng nghìn bà mẹ đến gặp xin lời khuyên của TS.BS Lưu Thị Mỹ Thục - Trưởng khoa Dinh dưỡng - Lâm sàng, Tiết chế, Bệnh viện Nhi Trung ương, Hà Nội.

Theo vị chuyên gia, dựa trên chuẩn BMI, bé đã có dấu hiệu béo phì và bà mẹ cũng nhận thấy tình trạng này của con. Tất cả trẻ béo phì hiện nay đều gọi là bệnh. Khi đó, mỡ tích lũy thái quá trong cơ thể sẽ ảnh hưởng vấn đề điều trị.

Trẻ dễ mắc bệnh và khó điều trị

Bác sĩ Thục tiết lộ khi tiếp nhận trẻ béo phì bị tiêu chảy, hô hấp, các bác sĩ đều khá “đau đầu” bởi việc chữa trị rất lâu khỏi, dễ chuyển nặng. Đặc biệt, trẻ béo phì nếu gặp vấn đề về hô hấp thời gian điều trị sẽ rất dài, dễ chuyển thành hen, khò khè.

Điển hình như việc chuyển hóa vitamin D ở trẻ béo phì. Trong cơ thể bình thường, vitamin D tích lũy trong mỡ và chuyển hóa rất chậm. Do đó, khi cung cấp liều thông thường với trẻ béo phì sẽ không đủ. Hay khi sử dụng thuốc, với em bé bình thường, liều kháng sinh tính theo cân nặng, nếu trẻ thừa cân, số liều sẽ quá cao. Kết quả là thuốc dự trữ trong mỡ, hiệu quả điều trị kém hơn, không đạt được mục đích.

Trẻ béo phì cũng có sức đề kháng yếu vì thừa năng lượng, thiếu vi chất, nên mắc bệnh gì cũng lâu, kéo dài. Theo hướng dẫn của Bộ Y tế cho bệnh nhân Covid-19 điều trị tại nhà, trẻ béo phì được xếp vào nhóm có bệnh nền, là yếu tố nguy cơ để xem xét phải chữa tại các cơ sở y tế, bệnh viện vì nguy cơ chuyển nặng cao.

Béo phì là bệnh lý khiến trẻ có thể mắc hàng loạt biến chứng khác về tim mạch, tiểu đường, huyết áp, rối loạn về sau… Ảnh:  SCMP.

Những trẻ em bị béo phì sẽ có nhiều nguy cơ gặp biến chứng về sau như tim mạch, tiểu đường, cao huyết áp, rối loạn mỡ máu… Trong đại dịch, chúng ta cũng đã chứng kiến trẻ em bị béo phì dễ trở nặng và nguy cơ tử vong cao hơn.

Bác sĩ Thục nhận định: “Béo phì ở người lớn dễ nhận biết hơn trẻ em. Nhưng dù là nhóm tuổi nào, người bệnh cũng đã trải qua thời gian dài mỡ thừa tích lũy. Các mỡ thừa này tích lũy trong tim, mạch máu gây mỡ máu, tiểu đường, gan nhiễm mỡ. Lúc này, các biến chứng rất khó chữa và người nhà mới lo lắng về tác hại trẻ có thể gặp phải. Nhưng hệ lụy của nó không phải xuất hiện trong ngày một ngày hai mà đã tích lũy rất lâu. Do đó, khi con có mỡ máu hơi cao, gan nhiễm mỡ nhẹ, phụ huynh cần chú ý và điều chỉnh ngay để tránh hậu quả lâu dài, nghiêm trọng sau này”.

Hệ lụy kéo dài

Đưa con tới gặp bác sĩ dinh dưỡng sau hai tháng con đi học trở lại, chị Thùy Minh [31 tuổi, ở Hải Phòng] mang vẻ mặt đăm chiêu. “Con tôi bị mắc béo phì độ II, cháu năm nay 13 tuổi và bắt đầu bước vào tuổi dậy thì nên rất tự ti về bản thân. Ở lớp, con thường bị bạn bè trêu chọc, thậm chí bị bắt nạt vì ngoại hình. Con cứ buồn là lại ăn”, bà mẹ tâm sự.

Khi tiếp nhận trường hợp này, TS.BS Lưu Thị Mỹ Thục thấu hiểu ngay những tâm tư của bà mẹ và em bé. Theo thống kê ở Việt Nam, tỷ lệ béo phì cao nhất ở trẻ mẫu giáo, tiểu học sau đó giảm dần ở trẻ cấp II, cấp III, cuối cùng tăng cao trở lại ở người lớn. Tỷ lệ trẻ béo phì giảm ở bậc THCS, THPT vì lúc này, các em ý thức được về hình thể, tình trạng mình đang gặp phải.

“Với tình huống này của gia đình này, tôi có lời khuyên duy nhất đó là sự quyết tâm của tất cả thành viên, sự giúp đỡ, đồng hành của cha mẹ. Phụ huynh nên cho trẻ đi khám dinh dưỡng, bác sĩ sẽ cho thực đơn. Nhiệm vụ của con là ăn theo thực đơn, lời khuyên của bác sĩ và bà mẹ sẽ là người kiểm soát, đảm bảo con thực hiện đúng. Động lực cá nhân của trẻ cần có sự hỗ trợ, động viên của người xung quanh. Ví dụ con phải ăn rau xanh, trái cây, phụ huynh cũng không thể là người ‘ngoài cuộc’ mà cần gương mẫu, ăn cùng con”, bác sĩ Thục cho hay.

Trẻ béo phì dễ bị bạn bè trêu chọc, gây mặc cảm, tự ti, nhất là với bé gái. Ảnh: Freepik.

Từ tình huống này, TS.BS Lưu Thị Mỹ Thục cho biết béo phì không chỉ gây ra nhiều bệnh lý mà còn tác động lâu dài tới cả tâm lý, thể chất, trí tuệ của trẻ. Trẻ béo phì luôn thiếu vi chất - yếu tố quan trọng cho phát triển não bộ và thể chất. Kết quả là trẻ gặp nhiều vấn đề về trí nhớ, kém tập trung, trì trệ hoạt động thể lực. Nhưng những tình trạng này rất khó nhận biết, nhiều phụ huynh cho rằng con bị trầm cảm, ít giao tiếp.

Thậm chí, nhiều trẻ béo phì tự ti thái quá về cân nặng, sinh ra rối loạn tâm thần, bỏ ăn và kết quả là bị chán ăn tâm thần, sụt cân, nhất là em bé nữ. Với béo phì, nói thì rất dễ nhưng làm thì rất khó và cần nhiều động lực, sự đồng hành trong thời gian dài. Mẹ phải sát cánh bên con, không nên để trẻ tự mình vật lộn, đấu tranh với những năng lượng tiêu cực xung quanh.

Cách phòng tránh

Bản chất của thừa cân, béo phì là năng lượng trẻ ăn vào vượt quá năng lượng nhu cầu cần thiết. Vì vậy, có những trẻ ăn không quá nhiều nhưng lại không hoạt động thể lực.

Theo bác sĩ Thục, khác với thể dục, hoạt động thể lực là những hoạt động mà trẻ không ngồi tĩnh lặng. Khi trẻ nghỉ dịch ở nhà thời gian trẻ ngồi khá nhiều, ít hoạt động, chủ yếu gắn với điện thoại, máy tính, máy tính bảng. Trong khi đó, lúc đi học, nhiều trẻ cũng rất ít hoạt động, vui chơi bên ngoài lớp học, không tiêu hao năng lượng khiến việc chuyển hóa năng lượng, lưu thông máu kém. Và đây cũng là một nguyên nhân gây béo phì cho trẻ.

Do đó, phụ huynh nên cân bằng bữa ăn hợp lý cho trẻ, tích cực tập luyện, tăng cường hoạt động thể lực, bổ sung vi chất qua sữa. Chỉ có như vậy, chúng ta mới ngăn ngừa nguy cơ thừa cân, béo phì ở trẻ và tránh các hệ lụy nghiêm trọng trong tương lai.

Việc chữa thừa cân, béo phì cho trẻ không dễ dàng và luôn cần sự đồng hành của cha mẹ. Ảnh: Freepik.

Theo vị chuyên gia, việc tập luyện thể thao cũng nên được xây dựng theo đúng sở thích của con. Chúng ta không cần ép con phải đá bóng, phải chạy bộ liên tục, bởi nếu con không thích sẽ sinh ra chán nản.

Bác sĩ Thục lấy ví dụ khi con thích đọc sách, truyện tranh, thay vì đi xe máy, ôtô, chúng ta có thể lựa chọn cách đi bộ, đi xe đạp tới chỗ mua truyện tranh, sách báo. “Nhiều phụ huynh muốn thành công nhanh, lập tức cắt khẩu phần ăn, bắt trẻ tập luyện cường độ cao ngay. Nhưng tôi cảnh báo trong giảm cân cho trẻ, thành công nhanh thì thất bại cũng nhanh. Chúng ta nên cùng con duy trì, lặp đi lặp lại hành động tốt, cuối cùng biến nó trở thành thói quen tốt. Nếu chỉ miễn cưỡng làm, hiệu quả sẽ không dài”, vị chuyên gia cảnh báo.

Sau một thời gian dài học trực tuyến do dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, trẻ em càng gia tăng nguy cơ bị thừa cân, béo phì. Hưởng ứng chiến dịch truyền thông “Vì một thế hệ trẻ em cao lớn chuẩn BMI” của Bộ Y tế, Zing News cùng Nutifood GrowPLUS+ đồng hành thực hiện chương trình “Phòng, chống thừa cân, béo phì ở trẻ em Việt Nam” với nhiều hoạt động cung cấp kiến thức, thông tin khoa học để nhằm giúp cộng đồng có cách hiểu đúng về chăm sóc dinh dưỡng cho trẻ em Việt Nam.

Chủ Đề