Nguyên tắc đồng thuận nghịch trong wto là gì

Thủ tục giải quyết tranh chấp của WTO bao gồm 4 giai đoạn sau: - Giai đoạn tham vấn [A]; - Giai đoạn hội thẩm [B]; - Giai đoạn phúc thẩm [C]; - Thi hành phán quyết [D].

  1. Giai đoạn tham vấn

Tham vấn là giai đoạn đầu tiên và là giai đoạn bắt buộc trong trình tự giải quyết tranh chấp tại WTO. Các quy định và thủ tục tham vấn trong khuôn khổ WTO được quy định tại Điều 4 của DSU.

Việc giải quyết tranh chấp sẽ được bắt đầu bằng một yêu cầu tham vấn chính thức. Yêu cầu tham vấn phải được lập thành văn bản và một bản sao phải được gửi cho DSB, các hội đồng và uỷ ban có liên quan của WTO. Yêu cầu tham vấn cũng phải đưa ra lí do yêu cầu, kể cả việc xác định mức độ của vấn đề và chỉ ra cơ sở pháp lí cho việc khiếu kiện. Trong một số trường hợp, một thành viên WTO không phải là nguyên đơn hay bị đơn cũng có thể yêu cầu tham gia tham vấn. Yêu cầu được tham gia này phải được gửi cho các thành viên tham vấn và DSB trong vòng 10 ngày kể từ ngày yêu cầu tham vấn được gửi.

Theo khoản 3 Điều 4 của DSU, trừ trường hợp có thoả thuận khác, bên được yêu cầu tham vấn phải tuân theo hai mốc thời hạn sau: Trong vòng 10 ngày phải trả lời yêu cầu tham vấn, và trong vòng 30 ngày kể từ ngày nhận được yêu cầu tham vấn hoặc trong khoảng thời gian do các bên thoả thuận phải tiến hành tham vấn, nếu chấp nhận tham vấn. Nếu bên được yêu cầu tham vấn không tuân thủ bất cứ thời hạn nào nói trên, nguyên đơn có thể ngay lập tức yêu cầu DSB thành lập Ban hội thẩm. Ngoài ra, nguyên đơn cũng có thể yêu cầu thành lập Ban hội thẩm, nếu trong thời hạn 60 ngày kể từ ngày nhận được yêu cầu tham vấn, các bên không đưa ra được một giải pháp phù hợp cho việc tham vấn; hoặc nếu các bên tham vấn đều cho rằng việc tham vấn không thể giải quyết được tranh chấp, dù thời hạn 60 ngày chưa kết thúc. Trong trường hợp khẩn cấp, các thời hạn trên có thể được rút ngắn.

  1. Giai đoạn hội thẩm

Trong trường hợp việc tham vấn không giải quyết được tranh chấp, nguyên đơn có thể yêu cầu DSB thành lập Ban hội thẩm. Trong trường hợp này, theo khoản 1 Điều 6 của DSU, Ban hội thẩm sẽ được thành lập chậm nhất là vào ngày họp tiếp theo của DSB mà tại đó yêu cầu thành lập Ban hội thẩm lần đầu tiên được đưa ra như một nội dung trong chương trình nghị sự của DSB, trừ trường hợp DSB quyết định,trên cơ sở đồng thuận, không thành lập Ban hội thẩm. Yêu cầu thành lập Ban hội thẩm phải được lập thành văn bản, trong đó phải chỉ rõ thủ tục tham vấn đã được tiến hành hay chưa, xác định cụ thể các biện pháp là đối tượng của tranh chấp và cung cấp bản tóm tắt ngắn gọn, rõ ràng về cơ sở pháp luật của đơn kiện.

Ban hội thẩm sẽ được thành lập cho từng vụ tranh chấp. Về thành phần của Ban hội thẩm, nếu không có thoả thuận nào giữa các bên trong vòng 20 ngày kể từ ngày DSB quyết định thành lập Ban hội thẩm, mỗi bên đều có thể yêu cầu Tổng giám đốc của WTO quyết định. Tổng giám đốc, trong thời hạn 10 ngày sau khi gửi yêu cầu này tới Chủ tịch của DSB, sẽ chỉ định các thành viên Ban hội thẩm trên cơ sở tham vấn với Chủ tịch của DSB và Chủ tịch của các hội đồng hoặc Ủy ban có liên quan, sau khi đã tham vấn với các bên tranh chấp. Ban hội thẩm có thể bắt đầu công việc với việc đưa ra kế hoạch làm việc, thông thường sẽ tuân theo thời gian biểu được khuyến nghị tại Phụ lục 3 DSU và thông báo cho các bên.

Báo cáo cuối cùng của Ban hội thẩm sẽ được gửi cho các bên tranh chấp và được gửi cho tất cả các thành viên WTO và trở thành văn kiện WT/DS công khai. Nếu báo cáo của Ban hội thẩm bị kháng cáo, tranh chấp sẽ được đưa ra giải quyết tại Cơ quan phúc thẩm. Nếu không, báo cáo của Ban hội thẩm sẽ được DSB thông qua theo nguyên tắc ‘đồng thuận nghịch’. Báo cáo của Ban hội thẩm sẽ không được thông qua trước ngày thứ 20 sau ngày báo cáo này được ban hành, và trong trường hợp không có đơn kháng cáo cũng như không có sự đồng thuận phủ quyết việc thông qua, thì Báo cáo của Ban hội thẩm sẽ phải được thông qua trong thời hạn 60 ngày kể từ ngày báo cáo được gửi.

  1. Giai đoạn phúc thẩm

Trong trường hợp báo cáo của Ban hội thẩm bị kháng cáo, tranh chấp sẽ được đưa ra giải quyết tại Cơ quan phúc thẩm. Một điều cần lưu ý là báo cáo của Ban hội thẩm phải bị kháng cáo trước khi được DSB thông qua.

Cần phải nhấn mạnh rằng chỉ có các bên tranh chấp, cụ thể là ‘bên thắng kiện’ và ‘bên thua kiện’, chứ không phải là bên thứ ba, mới có quyền kháng cáo đối với báo cáo của Ban hội thẩm. Tuy nhiên, các bên thứ ba đã tham gia trong giai đoạn hội thẩm vẫn có thể tiếp tục đóng vai trò là ‘bên thứ ba’ trong giai đoạn phúc thẩm. Họ có thể đệ trình văn bản kiến nghị và có cơ hội được trình bày tại giai đoạn phúc thẩm.

Giai đoạn phúc thẩm được bắt đầu với một thông báo bằng văn bản gửi tới DSB và một đơn kháng cáo đã được điền đầy đủ gửi tới Ban thư kí. Trong trường hợp này, một Ban phúc thẩm gồm ba thành viên được lựa chọn trong số bảy thành viên của Cơ quan phúc thẩm sẽ được thành lập để xem xét kháng cáo. Ban phúc thẩm này sẽ chuẩn bị kế hoạch làm việc. Theo khoản 5 Điều 17 DSU, nhìn chung thủ tục kháng cáo phải hoàn thành trong vòng 60 ngày và không thể kéo dài quá 90 ngày kể từ ngày gửi đơn kháng cáo. Báo cáo của Cơ quan phúc thẩm sẽ được DSB thông qua theo nguyên tắc ‘đồng thuận nghịch’ trong vòng 30 ngày kể từ ngày báo cáo này được gửi tới các thành viên, và nếu nó được thông qua thì các bên tranh chấp phải chấp nhận vô điều kiện. Cần lưu ý rằng, khác với thủ tục xét xử tại Ban hội thẩm, trong giai đoạn phúc thẩm sẽ không có việc xem xét sơ bộ.

  1. Thi hành phán quyết

DSB là cơ quan của WTO chịu trách nhiệm giám sát việc thi hành các báo cáo của Ban hội thẩm và Cơ quan phúc thẩm. Khi một báo cáo được thông qua, các khuyến nghị và quyết định của báo cáo đó sẽ trở thành phán quyết của DSB. Trong trường hợp đó, theo khoản 3 Điều 21 DSU, các khuyến nghị và quyết định đã được DSB thông qua phải được thi hành ngay lập tức, và nếu không thể thực hiện ngay được thì thành viên thua kiện sẽ có khoảng thời gian hợp lí để thi hành. Nếu thành viên thua kiện không thực hiện các khuyến nghị và quyết định trong khoảng thời gian hợp lí, và thoả thuận về bồi thường không đạt được trong thời hạn 20 ngày kể từ ngày kết thúc khoảng thời gian hợp lí nói trên, thành viên thắng kiện có thể yêu cầu DSB cho phép tạm hoãn thi hành các nghĩa vụ thành viên WTO, thường được gọi là ‘biện pháp trả đũa’ hay ‘các biện pháp trừng phạt’.Tuy nhiên, việc tạm hoãn thi hành các nghĩa vụ phải được áp dụng trên cơ sở có sự phân biệt đối xử và chỉ dành cho thành viên không thi hành phán quyết. Ngoài ra, mức độ trả đũa còn phải ‘tương xứng’ với mức độ thiệt hại hoặc bị vi phạm. Nếu thành viên thua kiện không đồng ý với hình thức trả đũa mà thành viên thắng kiện đề xuất, thì nước đó có thể yêu cầu trọng tài xem xét. DSB sẽ tiếp tục giám sát việc thi hành cho đến khi các khuyến nghị và quyết định được thi hành.

Chủ Đề