Nguyên tắc tối huệ quốc tiếng Anh là gì?

Chào luật sư, luật sư cho em hỏi: Nguyên tắc tối huệ quốc (MFN) và nguyên tắc Đãi ngộ quốc gia (NT) trong WTO được quy định như thế nào ạ? Em cám ơn.

Trả lời:

Cảm ơn bạn đã gửi thắc mắc về cho TƯ VẤN NHƯ Ý, đối với câu hỏi này, NHƯ Ý xin đưa ra quan điểm tư vấn như sau:

 

Nguyên tắc "Đối xử tối huệ quốc" và "Đãi ngộ quốc gia" là hai nguyên tắc nền tảng cơ bản trong pháp luật WTO được đặt ra nhằm mục đích ngăn chặn sự phân biệt đối xử giữa các quốc gia khi tham gia vào quan hệ thương mại quốc tế, tạo ra một cơ chế thị trường mở cửa tự do, nơi các rào cản pháp lý quốc gia được hạn chế xuống mức tối thiểu.

Nguyên tắc Đối xử tối huệ quốc (Most favoured nation – MFN)

Khái niệm: hiểu một cách đơn giản, nguyên tắc này đòi hỏi các quốc gia là thành viên của WTO khi dành bất kỳ ưu đãi, miễn trừ nào cho quốc gia khác thì quốc gia thành viên này cũng phải dành những ưu đãi, miễn trừ đó cho các thành viên còn lại của WTO lập tức và vô điều kiên.

- Ưu đãi: có thể là các biện pháp thương mại (thuế quan và phi thuế quan, …)

- Miễn trừ thương mại: có thể được dành đối với hàng hóa xuất-nhập khẩu

Cơ sở pháp lý:

- Điều I Hiệp định chung về thuế quan và thương mại (GATT)

- Điều II Hiệp định chung về Thương mại và dịch vụ (GATS)

- Điều IV Hiệp định về các khía cạnh thương mại của quyền sở hữu trí tuệ (TRIPS)

Mục đích: Nguyên tắc này nhằm đảm bảo sự bình đẳng giữa các quốc gia, cấm sự phân biệt đối xử giữa các quốc gia thành viên.

Điều kiện thỏa mãn nguyên tắc:

- Được áp dụng với “hàng hóa tương tự”:

     + Phải xác định hàng hóa tương tự vì trên thực tế, có rất nhiều loại mặt hàng, mỗi mặt hàng lại có chất lượng, chế độ quản lý khác nhau vì vậy phải tìm các loại mặt hàng có tính tương tự nhau thì việc so sánh mởi công bằng, bình đẳng.

     + Tiêu chí xác định: Trong pháp luật WTO thì không có quy định rõ ràng mà tiêu chí để xác định tính tương tự hàng hóa nằm rải rác ở cá Hiệp định của WTO. Trong Hiệp định chống bán phá giá (ADA) xác định gồm các tiêu chí: giống nhau hoàn toàn về mặt vật lý, có tính năng giống hệt nhau,… Còn trên thực tiễn xét xử của WTO thì cơ quan giải quyết tranh chấp thường dựa vào HS code; khả năng thay thế của sản phẩm, thói quen và thị hiếu của người tiêu dùng, kênh phân phối thị trường,…

- Được áp dụng một cách lập tức và vô điều kiện: một quốc gia thành viên bắt buộc phải áp dụng mà không phụ thuộc vào lợi ích của quốc gia hưởng quyền phải đem lại cho mình (tức không dựa trên nguyên tắc có đi có lại).

- Đảm bảo không có sự phân biệt trên văn bản (de jure) và trên thực tiễn áp dụng (de facto)

     + Phân biệt đối xử de jure là trên văn bản hệ thống pháp luật của quốc gia thành viên có những quy định thể hiện sự phân biệt đối xử giữa quốc gia này với quốc gia kia.

     + Phân biệt đối xử defacto là loại phân biệt dù trên các văn bản quy phạm pháp luật của quốc gia có các điều khoản phù hợp với WTO, tuân thủ đúng quy định mà WTO đề ra để đảm bảo sự hoạt động của nguyên tắc này nhưng trên thực tế, quốc gia thành viên lại không tuân thủ do chính mình đề ra hoặc đưa ra những trình tự thủ tục làm khó các quốc gia khác tạo nên sự bất bình đẳng giữa các quốc gia thành viên.

Ngoại lệ đối với MNF:

- Chế độ ưu đãi thuế quan đặc biệt (Khoản 3 điều 1 GATT): áp dụng đối với 1 số trường hợp như trong Khối thịnh vượng chung, Khối liên hiệp Pháp,....

- Khu vực hội nhập kinh tế (khoản 4-> khoản 10 điều 24 GATT): các khu vực mậu dịch tự do và đồng minh thuế quan là các khu vực được hưởng ngoại lệ về nguyên tắc đối xử tối huệ quốc.

- Chế độ ưu đãi thuế quan phổ cập (Quyết định ngày 25/06/1971 của Đại hội đồng GATT): quy định này áp dụng nhằm mục đích giúp các nước đang phát triển có thể thúc đẩy nền kinh tế của nước mình. Theo đó, các nước phát triển tự nguyện dành cho các nước đang phát triển mức thuế quan ưu đãi hơn so với các nước phát triển khác mà không yêu cầu các nước đang phát triển phải cam kết dựa nguyên tắc "có đi có lại".

- Ngoại lệ khác: trong trường hợp bảo vệ trật tự công cộng, bảo vệ an ninh quốc gia, bảo vệ tài nguyên thiên nhiên, ...

Nguyên tắc Đãi ngộ quốc gia (National Treatment – NT)

Khái niệm: Quốc gia thành viên phải đảm bảo dành cho hàng hóa nhập khẩu của các thành viên khác chế độ đãi ngộ thương mại (ưu đãi, miễn trừ) như chế độ mà họ áp dụng cho hàng hóa trong nước mình.

Cơ sở pháp lý:  

- Điều III Hiệp định chung về thuế quan và thương mại (GATT)

 - Điều XVIII Hiệp định chung về Thương mại và dịch vụ (GATS)    

 - Điều III Hiệp định về các khía cạnh thương mại của quyền sở hữu trí tuệ (TRIPS)

Mục đích:

- Đảm bảo cơ hội cạnh tranh bình đẳng giữa hàng nội địa và hàng nhập khẩu.

- Chỉ áp dụng khi hàng xuất khải vào nội địa, qua của khẩu hải quan (các khoản thuế nội địa, quy định nội địa.)

Điều kiện áp dụng:

- Phạm vi áp dụng:

     + Đối với lĩnh vực thương mại hàng hoá (GATT) và thương mại liên quan tới SHTT (TRIPS) ® Nghĩa vụ chung mang tính bắt buộc cho mọi thành viên WTO.

     + Đối với lĩnh vực thương mại dịch vụ (GATS): Nghĩa vụ riêng cho từng lĩnh vực ngành nghề trên cơ sở biểu cam kết WTO của từng nước thành viên.

- Áp dụng với hàng hóa, sản phẩm tương tự (như MFN) tuy nhiên khác một chỗ là còn xét tới tiêu chí: sản phẩm cạnh tranh trực tiếp hoặc có thể thay thế.

- Đảm bảo không có sự phân biệt trên văn bản (de jure) và trên thực tiễn áp dụng (de facto): giống quy chế MFN, chỉ khác ở đối tượng áp dụng: hàng hóa nội địa và hàng nhập khẩu.

Ngoại lệ đối với NT:

- Mua sắm chính phủ: ưu tiên các loại hàng hóa và các nhà đầu tư trong nước.

- Trợ cấp: mỗi quốc gia được phép hỗ trợ, trợ cấp cho các doanh nghiệp trong nước mình.

- Phân bổ thời gian chiếu phim: các quốc gia được quyền tự chủ đối với việc phân bổ thời gian chiếu phim vì đây là dịch vụ đặc biệt, các quốc gia có quyền bảo vệ phim nội.