Những cách review sách

Review sách là điều nhiều người thường làm sau khi đọc xong một quyển sách và muốn giới thiệu hoặc chia sẻ cho người khác. Nhưng viết review cũng có những nguyên tắc riêng, và tùy thuộc vào thể loại mà sẽ chia thành nhiều cách viết khác nhau. Nếu bạn muốn làm chủ kỹ năng viết review chuyên nghiệp và kiếm được tiền từ nó thì bài viết này là dành cho bạn.

Review sách là gì? Review và tóm tắt có giống nhau không?

Review sách là từ được sử dụng phổ biến hiện nay với nghĩa phê bình, đánh giá, xem xét lại những cuốn sách mà chúng ta đã đọc.

Chúng ta tóm tắt nội dung, bày tỏ quan điểm hoặc ý kiến cá nhân, đưa ra một số lợi ích hoặc điểm thú vị, ấn tượng sau khi đọc cuốn sách. Mục đích có thể chỉ là bày tỏ góc nhìn cá nhân để giới thiệu sách hoặc muốn trao đi giá trị cho độc giả và khiến họ mua sách để thay đổi điều gì đó.

Tuy tóm tắt sách cũng là một nội dung trong bài review nhưng hiện nay, không ít người hiểu nhầm khái niệm này. Một điều mình quan sát thấy và cũng được học trong khóa biên tập sách là, dường như trong nhịp sống sôi động hiện nay, nhiều người có mong muốn lĩnh hội thật nhanh kiến thức. Từ đó mới phát sinh những bài viết chỉ đơn thuần tóm tắt lại nội dung sách để đáp ứng nhu cầu của một nhóm độc giả.

Nguồn: Freepik

Như vậy, là một người viết, chúng ta cần tỉnh táo để tránh viết những bài review mang đậm màu sắc “tóm tắt”. Khi ấy, trải nghiệm cá nhân của độc giả sẽ bị xem nhẹ và thật tệ hại nếu họ thấy việc đọc nội dung tóm tắt là đã đủ kiến thức rồi, không cần phải đọc cả một cuốn sách nữa. Chắc hẳn bạn sẽ không muốn là một người review sách nếu biết độc giả chỉ đọc bài mà không thật sự mua và đọc sách.

Những cách để người viết kiếm tiền từ review sách

Là người viết, chúng ta không chỉ cần đầu tư cho nội dung mà còn phải nghĩ đến “bài toán đầu ra”, nghĩa là có thể kiếm được tiền từ khả năng viết lách của mình hay không và cách làm như thế nào?

Tất nhiên, nếu bạn chỉ viết review theo sở thích và về những cuốn sách mình thích thì không cần phải nghĩ nhiều về điều này. Nhưng nếu bạn đang quan tâm đến cách để kiếm tiền từ sở thích đọc sách và muốn trao đi nhiều giá trị hơn với độc giả thì hãy cân nhắc các cách kiếm tiền sau đây:

1. Viết review sách dạo và kiếm tiền

Bạn viết bài review sách, bài PR sách và tìm kiếm cơ hội để được trả tiền cho nội dung của mình. Bạn có thể lên các nhóm tuyển dụng trên facebook để "nằm vùng" chờ cơ hội hợp tác, ví dụ như Chợ Viết - Thuê Viết Bài - Tuyển dụng Content - Cộng đồng Copywriter, Tuyển Dụng SEO - Content - Marketing [SEOmxh], Review sách có tâm, Tổng hợp các cuộc thi Viết… Hoặc bạn trực tiếp gõ "tuyển review sách" trên thanh tìm kiếm của facebook. Biết đâu bạn sẽ bắt gặp những tin tuyển dụng thế này:

Ngoài ra, bạn cũng có thể chủ động "gõ cửa" các nhà sách, cửa hàng bán sách, nhà xuất bản, công ty sách để "bán thân". Giấy tờ "bán thân" bao gồm CV và portfolio gồm những bài review đã viết.

2. Viết blog cá nhân

Hiện nay hình thức kiếm tiền từ review sách này khá phổ biến, đặc biệt là ở thế hệ trẻ hoặc những người có đam mê với sách cộng thêm một chút năng động và muốn kinh doanh. Bạn có thể tạo một blog chuyên review sách hoặc về chủ đề khác nhưng có riêng mục review những cuốn sách “phải đọc”. Đừng quên là bạn có thể gắn link tiếp thị liên kết vào bài review để kiếm tiền từ đó.

Một cách khác nữa là viết bài PR sách để đăng trên blog cá nhân của bạn và được trả tiền. Tất nhiên để kiếm tiền theo hình thức này, blog của bạn cần có lượng truy cập đủ lớn và ổn định hoặc bản thân bạn có mức độ ảnh hưởng trên mạng xã hội, nói nôm là sở hữu thương hiệu cá nhân đủ mạnh.

3. Bán sách

Đúng vậy, lúc này bài review sách chính là công cụ để bạn bán được những cuốn sách của mình. Để theo hướng này, bạn cần vạch ra kế hoạch chỉn chu và lâu dài, vì bán sách không phải là chuyện có tiền là được.

4. Viết review hoặc tóm tắt nội dung cho sách nói

Có một công việc gọi là tóm tắt sách, thường dành cho mảng sách nói. Tóm tắt sách là một phần của dạng bài review để gợi mở cho độc giả nhu cầu muốn đọc một cuốn sách nào đó và giúp họ lựa chọn được cuốn hợp "gu" mình. Để tìm công việc dạng này, bạn có thể theo dõi các trang sách nói như Fonos:

Như vậy, bạn đã biết nhiều cách để kiếm tiền từ sở thích đọc sách. Vấn đề tiếp theo là làm thế nào để viết một bài review sách chuyên nghiệp? Làm sao để viết review vừa đủ để khơi dậy sự tò mò của độc giả vừa không khiến họ cảm thấy bạn đang “quảng cáo”?

Hướng dẫn chi tiết cách viết review sách chuyên nghiệp

Hiện nay có hai thể loại sách phổ biến là sách hư cấu và phi hư cấu. Sách hư cấu là nội dung được vẽ ra từ trí tưởng tượng của tác giả, ví dụ như thơ, tiểu thuyết, truyện ngắn. Còn sách phi hư cấu nói về những điều có thật trong cuộc sống, ví dụ sách kỹ năng, triết học, tự truyện... Việc review sách hư cấu và phi hư cấu có thể khác nhau do mục đích, kết cấu và nội dung khác nhau. Tuy nhiên, vẫn có một số nguyên tắc chung mà bạn có thể tham khảo dưới đây.

Thông thường một bài review sách nào cũng cần có 4 phần chính:

1. Giới thiệu sơ bộ về tác giả và bối cảnh cuốn sách

Về tác giả sách

Nội dung này không cần quá dài và chi tiết nhưng lại cần thiết vì bày tỏ sự tôn trọng của bạn với tác giả. Trong phần này bạn có thể nêu khái quát thông tin tác giả, những tác phẩm nổi tiếng nếu có, website và một số thông tin bạn tìm được qua quá trình nghiên cứu.

Về bối cảnh ra đời cuốn sách

Đây cũng là phần nội dung quan trọng không kém. Vì việc làm rõ bối cảnh cuốn sách ra đời, đặt nó trong tình hình kinh tế chính trị hoặc xu hướng hiện tại sẽ tạo ra một sự khác biệt và cho độc giả cái nhìn tổng quan. Hiện nay, một tâm lý chung của độc giả là luôn muốn biết những câu chuyện “bên lề” để hiểu rõ hơn cuốn sách mà họ muốn có hoặc đang cầm trên tay. Đây là lý do người viết có thể lồng ghép nội dung này để giúp bài review thú vị hơn.

Gợi ý là bạn có thể dựa vào phần giới thiệu, lời tựa ở phần đầu sách để có thông tin này. Bạn tìm kiếm thêm trên mạng về lý do tác giả viết cuốn sách đó hoặc mong muốn của tác giả khi viết. Ngoài ra, sẽ tuyệt vời hơn nếu bạn có thể đặt cuốn sách vào trong bối cảnh xã hội, kinh tế hoặc xu hướng hiện tại để độc giả hiểu hơn về cuốn sách.

Lưu ý là toàn bộ nội dung này chỉ nhằm mục đích giới thiệu để độc giả có cái nhìn tổng quan và cơ bản nên cần ngắn gọn, không quá lan man và không đi vào chi tiết.

2. Tóm tắt lại ngắn gọn nội dung sách

Nguồn: Freepik

Việc tóm tắt ngắn gọn nội dung sách cần khách quan, tôn trọng thông điệp mà tác giả hướng đến và không để lộ quá nhiều nội dung. Nếu không, bạn sẽ gây mất hứng thú của người đọc.

Với dòng sách phi hư cấu, việc tóm tắt nội dung chính sẽ thuận lợi hơn bởi nó khá rõ ràng. Thông thường tác giả sẽ viết theo một lộ trình thay đổi về thời gian, cảm xúc, tình huống hoặc quá trình phát sinh vấn đề - thử nhiều cách - tìm ra phương hướng giải quyết… Vì thế, đôi khi bạn chỉ cần nhìn mục lục là đã biết cách tóm tắt một cách tổng quát mà vẫn giúp độc giả hình dung cuốn sách đó nói về vấn đề gì.

Với dòng sách hư cấu, tức là văn chương thơ phú thì việc tóm tắt sẽ khó khăn hơn. Bạn có thể cần đọc rất kỹ và hiểu sâu về diễn biến câu chuyện để có thể tóm lược một cách chính xác.

Gợi ý là bạn giới thiệu sơ bộ về các nhân vật chính, tình huống cao trào hoặc mâu thuẫn nổi bật khiến tác phẩm đáng chú ý và rồi mở ra các hướng xử lý vấn đề ở phía sau. Một lưu ý là người viết không nên nói "toạc" cái kết câu chuyện bởi như thế sẽ khiến độc giả không còn hứng thú. Không ai muốn biết trước cái kết dù họ có tò mò đến đâu, nên bạn hãy để độc giả được tự mình khám phá cái kết và nội dung chi tiết.

Gợi ý là bạn có thể bắt đầu từ việc đặt ra nhiều câu hỏi xung quanh cuốn sách để tìm những nội dung chính. Từ đó quyết định xem bạn sẽ tóm tắt những gì. Bạn sử dụng công thức 5W1H phổ biến:

What: Cuốn sách nói về vấn đề gì? Điểm cao trào là gì? Mâu thuẫn nổi bật là gì? Những nội dung chính mà sách hướng đến? Bạn ấn tượng điều gì khi đọc sách?

Who: Cuốn sách nhắc đến những nhân vật nào? Bạn thích hoặc không thích nhân vật nào? Bạn có nhìn thấy mình hoặc ai đó trong số các nhân vật không?

Why: Vì sao các nhân vật lại gặp vấn đề?

When: Thời gian hoặc bối cảnh mà các vấn đề xảy ra? Sách có xây dựng theo một lộ trình thời gian hoặc đời người không?

Where: Trong sách nói đến địa điểm nào và địa điểm đó có mối tương quan như thế nào với nội dung và bối cảnh của câu chuyện?

How: Cách các nhân vật thay đổi, đau khổ, hạnh phúc và cách họ giải quyết các vấn đề của mình ra sao? Và độc giả có thể có bài học gì từ những kiến thức trong sách?

Trên đây chỉ là những câu hỏi gợi ý, trong quá trình đọc sách và nghiên cứu thông tin bạn có thể tìm thêm câu hỏi và cả câu trả lời để hiểu rõ hơn nội dung cuốn sách mình định review. Từ những thông tin này, bạn tóm tắt sơ bộ cuốn sách, biết nội dung nào nên đưa vào và không nên đưa vào bài viết.

3. Trình bày quan điểm hoặc suy nghĩ cá nhân của bạn về cuốn sách

Đây có thể coi là phần nội dung chính, giúp độc giả biết được quan điểm cá nhân của người viết. Một yếu tố quan trọng của bài review sách là khách quan, không khiến độc giả có cái nhìn phiến diện trước khi họ đọc sách. Tuy vậy, đây cũng là bài nhận xét, đánh giá của riêng bạn nên hãy khéo léo đưa ra góc nhìn của mình để tạo nét độc đáo cho bài viết.

Trong phần này, bạn có thể chia thành các luận điểm chính về những nội dung quan trọng hoặc bạn muốn nhắc đến. Từ việc đặt ra và trả lời những câu hỏi ở trên, bạn có thể chọn ra 2 - 3 luận điểm rồi bày tỏ nhận xét, đánh giá, suy nghĩ cá nhân về nó.

Gợi ý là bạn có thể nói về bài học rút ra được sau khi đọc sách, suy nghĩ và cả cảm xúc của bạn sau khi gấp sách lại hoặc so sánh với những cuốn từng đọc có cùng chủ đề.

Điều cần lưu ý là bạn có thể nói rằng cuốn sách rất hay, rất thú vị, rất đáng đọc, nhưng là một người viết và muốn kiếm tiền từ những nội dung review sách, bạn cần chỉ ra cho người đọc thấy nó hay, bất ngờ và đáng đọc ở chỗ nào chứ đừng chỉ dùng tính từ chung chung. Cách để làm được điều này chính là mô tả về sự thay đổi cảm xúc của bạn từ khi mua sách cho đến lúc đọc xong từng chương. Đây chỉ là một gợi ý nhỏ, bạn có thể sáng tạo tùy theo góc nhìn sao cho bày tỏ được quan điểm cá nhân một cách chân thật, khách quan và cụ thể.

4. Đưa ra một đề xuất nào đó

Thông thường một bài viết thương mại luôn cần kêu gọi hành động, khi review sách cũng tương tự. Tất nhiên bạn không cần và cũng không nên nói rằng “Hãy mua sách đi. Nó hay lắm đấy” bởi không ai mua một cái gì chỉ vì người khác bảo thế. Quyết định có mua hoặc có đọc sách hay không của độc giả có thể đến từ những nội dung trước đó bạn viết hoặc cũng có thể từ chính “câu chốt” của bạn trong bài review. Do đó, điều quan trọng là lời kêu gọi cần viết một cách tinh tế.

Dưới đây là một vài gợi ý:

+ Nêu được những nhóm độc giả nào phù hợp với nội dung cuốn sách và lý do vì sao. Lưu ý là nhóm độc giả không nhất thiết có đặc điểm chung về độ tuổi mà còn cả tính cách, các vấn đề họ gặp phải.

Ví dụ: “Nếu bạn đang băn khoăn trước những lựa chọn của cuộc đời thì nên đọc nghiền ngẫm cuốn sách này”.

Hoặc “Cuốn sách sẽ phù hợp hơn với những người đang làm mẹ đơn thân”.

+ Nêu ra những lợi ích họ có thể nhận được sau khi đọc sách.

Ví dụ: "Bạn sẽ cảm thấy bất ngờ và có thêm kiến thức về cách để viết những truyện ngắn có plot twist thú vị hơn."

+ Nêu ra sự thay đổi về tâm lý và cảm xúc mà độc giả có được sau khi gấp sách lại.

Ví dụ: “Bạn sẽ thương cảm khi thấy A chật vật trong hoàn cảnh của mình thế nào ở phần đầu cuốn sách nhưng sau đó sẽ ngạc nhiên và ngưỡng mộ ra sao khi chứng kiến sự nỗ lực vươn lên trong cuộc sống của A”.

+ Nêu ra góc nhìn cá nhân.

Ví dụ: “Mình thấy cuốn sách có thể không phù hợp nếu bạn cần giải pháp chi tiết nhưng lại rất hữu ích nếu bạn muốn nhìn lại bản thân và thấu hiểu những vấn đề trong mối quan hệ hôn nhân với người vợ/chồng của mình”.

Trên đây là 4 phần chính cần có trong một bài review sách. Nhưng nếu bạn vẫn cảm thấy khó khăn và không biết bắt đầu từ đâu, đi theo bố cục thế nào cho hợp lý thì hướng dẫn sau đây có thể giúp ích cho bạn.

5. Gợi ý cách lên bố cục cho một bài review hoàn chỉnh

Nguồn: Freepik

Phần mở bài: dẫn nhập

Bạn có thể tham khảo một số gợi ý sau để viết phần mở bài:

  • Lời giới thiệu về lý do bạn muốn đọc cuốn sách đó

  • Những vấn đề bạn gặp phải khiến bạn muốn đọc nó

  • Trích dẫn một đoạn trong sách mà bạn ấn tượng. Lưu ý là nó cần có liên quan đến nhóm độc giả mục tiêu mà cuốn sách hướng đến

  • Giới thiệu bối cảnh bạn bắt gặp cuốn sách và lý do khởi đầu khiến bạn muốn viết review về nó

Phần thân bài: nội dung chi tiết

a - Giới thiệu sơ bộ

  • Giới thiệu sơ bộ về tác giả và thông tin cuốn sách

  • Tóm tắt sơ bộ nội dung sách

b - Bình luận, nhận xét đánh giá, trình bày quan điểm cá nhân về cuốn sách

  • Nội dung chính 1

  • Nội dung chính 2

Phần kết: tóm lược nội dung và kết lại vấn đề

  • Tóm lược lại nội dung. Phần này bạn cần tóm lược các ý chính đã nêu trong thân bài, và có thể chấm điểm cho cuốn sách này theo thang điểm 10. Nếu được, bạn hãy đánh giá sách khi đặt cạnh những cuốn sách khác có cùng chủ đề.

  • Đưa ra đề xuất.

Trên đây chỉ là những gợi ý về cách trình bày một bài review sách. Bạn hoàn toàn có thể biến đổi, sáng tạo và viết theo quan điểm của mình, miễn sao những yếu tố cần có của một bài review vẫn đầy đủ.

Những lưu ý khi viết dạng bài review sách

1. Không nên viết quá dài

Một bài review thì không nên quá dài. Dung lượng nên trong khoảng 1000 - 1500 từ bởi độc giả sẽ không muốn đọc một nội dung dàn trải khi đang tìm kiếm thông tin về việc có nên mua cuốn sách A hay không.

2. Quan trọng: không được “spoil” nội dung sách

Một lưu ý rất quan trọng mà những người viết cần nhớ đó là không nên tiết lộ quá nhiều nội dung sách. Trong bài review có phần tóm tắt nội dung nhưng không có nghĩa bạn tiết lộ hết yếu tố bất ngờ hoặc bài học hữu ích mà độc giả nhận được sau khi đọc sách.

Hãy để độc giả bị kích thích bởi bài review của bạn rồi từ đó chủ động khám phá nội dung chi tiết của cuốn sách bằng sự háo hức, tò mò.

3. Bài review cần đảm bảo yếu tố khách quan

Khá nhiều độc giả quyết định đọc hoặc không đọc một cuốn sách chỉ từ những bài review. Vì vậy, để không khiến họ bỏ lỡ một cuốn sách hay ho, người viết cần có tính khách quan và tinh tế trong việc sử dụng câu từ.

Khách quan ở đây là bạn có thể nêu ý kiến cá nhân nhưng không nên khen quá lời hoặc chê quá mức. Tinh tế thể hiện ở việc bạn biết cách lồng ghép cả hai mặt tốt và chưa tốt của cuốn sách để trao quyền lựa chọn cho độc giả.

4. Không chèo kéo độc giả mua sách một cách lộ liễu

Nếu muốn là một người viết review sách chuyên nghiệp và có thể kiếm tiền từ nó thì bạn không nên chèo kéo người mua sách bằng mọi giá hoặc quá lộ liễu. Hãy tinh tế hơn bằng chính giọng văn khách quan và đi sâu vào những lợi ích mà độc giả có thể nhận được từ kiến thức có trong sách.

5. Cần nêu rõ được điều mà bạn thích nhất ở cuốn sách nếu đi theo hướng khen ngợi

Điều mà bạn thích nhất ở cuốn sách có thể là vì tác giả mà bạn mến mộ, nội dung sách lôi cuốn, bìa rất đẹp, có nhiều câu trích dẫn hay, giúp bạn cảm thấy lạc quan và tự tin hơn, sách dày nhưng đọc không hề nhàm chán hoặc sách mỏng phù hợp với người bận rộn…

Cho dù đó là gì, bạn cũng cần nêu rõ được điều mình thích nhất ở cuốn sách, từ đó khiến độc giả có niềm tin vào cảm nhận của bạn.

Viết review sách là một trải nghiệm thú vị bởi nó giúp bạn thể hiện những gì đọng lại sau khi đọc xong sách. Và một cuốn sách hữu ích có thể thay đổi cả một cuộc đời nên bạn sẽ là người trao giá trị như vậy từ nội dung review của mình. Vậy bạn hãy thử áp dụng những gợi ý trên và bắt đầu viết review. Đừng quên tìm kiếm các cơ hội kiếm tiền và trở thành một cây viết review sách thành công.

Chủ Đề