Phong trào 1930 đến 1931 ở Việt Nam được đánh giá là

Với khí thế tiến công thần tốc, mùa thu năm 1930 nhân dân Nghệ Tĩnh đã làm nên một cao trào cách mạng vô cùng mạnh mẽ - cao trào cách mạng 1930 1931, lập ra chính quyền Xô viết đầu tiên ở ViệtNam. Tuy chỉ tồn tại trong bảy tháng và dù còn hết sức sơ khai nhưng là một sự kiện lịch sử trọng đại trong lịch sử cách mạng Việt Nam, trở thành ngọn cờ quy tụ và là nguồn cổ vũ mạnh mẽ quần chúng lao động trong cả nước, là thời kỳ để lại nhiều bài học kinh nghiệm hết sức quý báu cho công tác xây dựng chỉnh đốn Đảng hiện nay.

Từ vấn đề thanh Đảng trong thời kỳ 1930 1931

Sau khi dành được chính quyền, Cao trào cách mạng 1930-1931 đã khẳng định trong thực tế quyền lãnh đạo và năng lực lãnh đạo cách mạng của giai cấp công nhân thông qua chính đảng tiên phong của mình, đoàn kết với các tầng lớp nhân dân yêu nước lật đổ nền thống trị của đế quốc, phong kiến tay sai giải phóng dân tộc, đem lại tự do hạnh phúc cho nhân dân. Tuy nhiên, trong thời gian này, vì không phân tích được sâu sắc đặc điểm xã hội và đặc điểm tình hình lúc đó, nên trong quá trình xây dựng Đảng đã cho rằng trong nội bộ có kẻ phản bội, mà nghi vấn tập trung vào những đối tượng thành phần trí thức, địa chủ, cường hào. Vì vậy, đầu tháng 4-1931, Xứ ủy Trung Kỳ ra Chỉ thị thanh Đảng với nội dung: đuổi sạch sành sanh ra ngoài hết thảy những bọn trí, phú, địa, hào, nếu đồng chí nào muốn làm cách mạng, tự nguyện đứng về phía giai cấp vô sản mà phấn đấu cũng không cho đứng trong Đảng [1]. Với khẩu hiệu được nêu ra: Trí, phú, địa, hào, đào tận gốc, trốc tận rễ, thực hiện Bônsơvich hóa Đảng một cách máy móc, giáo điều.

Do đó, nhiều đảng viên xuất thân từ trí thức, phú nông, địa chủ, kỳ hào đã bị đưa ra khỏi những chức vụ quan trọng. Những đảng viên mặc dù đã từ bỏ giai cấp mình, tích cực tham gia phong trào cách mạng của công nông từ đầu cũng không được giữ vai trò chủ chốt trong Đảng. Tuy các địa phương không khai trừ đảng viên song việc chuyển vị trí và hạ tầng công tác nhất loạt hầu hết đảng viên thuộc đối tượng thanh Đảng ra khỏi các cương vị chủ chốt trong cấp ủy và thay thế bằng những đảng viên thành phần bần cố nông trình độ quá thấp. Trong tình hình địch khủng bố trắng lúc bấy giờ đã gây trở ngại và tổn thất không nhỏ[2]. Nhiều cơ sở Đảng rơi vào tình trạng tê liệt vì phần lớn cán bộ lãnh đạo đều thuộc diện bị thanh trừng, đảng viên, quần chúng hoang mang, lo sợ [3].

Có thể nói chỉ thị thanh Đảng của Xứ uỷ Trung Kỳ trong thời kì cuối của Xô Viết Nghệ Tĩnh là một sai lầm lớn trong công tác xây dựng Đảng, một đòn nặng giáng thẳng vào tổ chức Đảng vào lúc phong trào đang trải qua những thử thách ác liệt nhất. Chỉ thị đó bộc lộ tư tưởng cô độc, hẹp hòi nghiêm trọng và sự ấu trĩ về nguyên lý xây dựng Đảng, nhất là về cách đánh giá đảng viên và phương pháp Thanh Đảng. Để lại bài học sâu sắc trong công tác chỉnh đốn Đảng, nhất là những bài học mà Trung ương Đảng đã phân tích trong Chỉ thị gửi Xứ ủy Trung Kỳ ngày 20/5/1931 về vấn đề thanh Đảng Trung Kỳ. Bản Chỉ thị nghiêm khắc phê bình những sai lầm thanh Đảng của Xứ ủy Trung Kỳ. Đồng thời, Chỉ thị cũng đã đề ra những phương pháp sửa chữa khuyết điểm trong Thanh Đảng có giá trị lý luận và thực tiễn hết sức quan trọng, góp phần làm phong phú thêm kinh nghiệm đối với phương pháp chỉnh đốn Đảng trong mọi thời kỳ cách mạng, đặc biệt là trong giai đoạn hiện nay.

Cho đến Bài học trong xây dựng, chỉnh đốn Đảng hôm nay...

Thứ nhất, Từ vấn đề thanh Đảng của Xứ ủy Trung Kỳ cho chúng ta nhận thức rằng: không phải nhìn thấy hiện tượng thoái hóa, biến chất đi tới đầu hàng, phản bội của một số ít đảng viên mà phủ nhận bản chất cách mạng của đa số cán bộ, đảng viên, của các thành phần trong Đảng. Bởi: Cách mạng là một cuộc đấu tranh dữ dội, sự được thua, tan đi, lập lại là thường, có những người biến chất đầu hàng phản bội cũng không phải là kỳ quái[4]. Một bộ phận cán bộ Đảng viên trong quá trình đấu tranh cách mạng bị tha hóa, biến chất, suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống là hết sức bình thường. Nhất là, trong giai đoạn hiện nay, trước sự cám dỗ của đồng tiền, lối sống xa hoa, hưởng lạc dẫn tới Tình trạng suy thoái về chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống trong một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên và tình trạng tham nhũng, lãng phí, quan liêu, những tiêu cực và tệ nạn xã hội chưa được ngăn chặn, đẩy lùi mà còn tiếp tục diễn biến phức tạp[5] cũng không phải là điều khó hiểu. Vì vậy, việc chỉnh đốn Đảng là vấn đề hết sức thường xuyên, là quy luật tồn tại và phát triển của Đảng trong mọi giai đoạn cách mạng.

Thứ hai, bài học về đánh giá, sử dụng đảng viên, cán bộ

Từ sai lầm của xứ ủy Trung Kỳ trong việc thanh trừ trí phú địa hào, dẫn tới việc nhiều đảng viên xuất thân từ trí thức, phú nông, địa chủ, kỳ hào đã bị đưa ra khỏi những chức vụ quan trọng, thay thế vào đó là những đảng viên thành phần bần cố nông trình độ quá thấp. Điều này đã gây tổn thất lớn cho Đảng. Vì vậy, trong Thanh Đảng không nên chỉ căn cứ họ thuộc thành phần giai cấp nào, mà quan trọng nhất là xem xét hoạt động, sự tu dưỡng, rèn luyện của họ trong thực tiễn đấu tranh cách mạng ra sao. Chủ tịch Hồ Chí Minh từng dạy: Xem xét cán bộ, không chỉ xem ngoài mặt mà còn phải xem tính chất của họ. Không chỉ xem một việc, một lúc mà phải xem toàn cả lịch sử, toàn cả công việc của họ[6]. Để thực hiện tốt bài học này, Đảng cần có những bước đi thận trọng. Mỗi cán bộ, chi bộ cơ sở đều phải tiến hành các bước vững chắc, mỗi bước đều phải có sự chỉ đạo chặt chẽ với những nội dung hết sức cụ thể, lấy cơ sở quá trình tu dưỡng, rèn luyện đảng viên để đánh giá, nhận diện chính xác, khách quan, tuyệt đối không làm lướt, không qua loa, đảm bảo đúng người, đúng đối tượng. Đảm bảo giữ được đảng viên có nghị lực cách mạng tiên phong, kiên định lập trường cách mạng của giai cấp công nhân, trung thành với lý tưởng cộng sản; kiên quyết xử lý nghiêm minh những đảng viên sai phạm nghiêm trọng nhưng không thành khẩn, không tự giác, bảo thủ, cơ hội, cố tình giấu giếm khi đã mắc sai lầm. Thực hiện tốt điều này không chỉ tránh được sai lầm tả khuynh, thành phần chủ nghĩa như trong bài học Thanh Đảng thời kỳ 1930 1931, mà còn giúp Đảng ta thấy rõ sự cần thiết phải tăng cường giáo dục lập trường, quan điểm cách mạng của giai cấp công nhân cho cán bộ, đảng viên.

Thứ ba, bài học về phương pháp chỉnh đốn Đảng

Từ sai lầm không phân tích được đăc điểm tình hình xã hội nên dẫn tới một ý nghĩ mơ hồ, một chỉ thị võ đoán và là một lối hành động quàng xiên chí tướng[7] trong Chỉ thị Thanh Đảng của Xứ ủy Trung Kỳ (tháng 4/1931). Dẫn tới việc thực hiện Bônsơvich hóa Đảng một cách máy móc, giáo điều, thiếu tính thận trọng. Chỉ thị của Trung ương gửi xứ ủy Trung Kỳ về vấn đề Thanh Đảng (20-5-1931) nêu rõ: để sửa chữa sai lầm, khuyết điểm phải trên cơ sở nghiên cứu, đánh giá khách quan tình hình, tiến hành tự phê bình, nhận khuyết điểm; kết hợp việc sửa chữa khuyết điểm với việc nâng cao nhận thức lý luận chính trị và phương pháp lãnh đạo phong trào cách mạng của quần chúng: phải nghiêm mật khảo xét lại từng địa phương, từng bộ phận, từng cá nhân, người nào sai, bộ phần nào sai phải dưới sự lãnh đạo của Xứ ủy ra tự chỉ trích bônsơvích, nhận lỗi trước quần chúng, trước đảng viên[8]. Đây là bài học hết sức ý nghĩa thiết thực, nhất là trong việc chỉ rõ phương pháp làm trong sạch đội ngũ cán bộ trong thực hiện cuộc vận động xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay, nhất là Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) của Đảng.

Với quan điểm: Nhìn thẳng vào sự thật, nói rõ sự thật, đánh giá đúng sự thật, kết hợp xây và chống Kiên trì, kiên quyết giữ vững nguyên tắc kỷ luật, kỷ cương của Đảng, đề cao pháp luật của Nhà nước mà Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) đã đặt ra, thì mỗi cấp ủy cần thực hiện tốt công tác tự phê bình và phê bình. Nói cách khác, mỗi tổ chức, cán bộ, đảng viên cần tự giác, trung thực, đánh giá cho mình thật khách quan. Bởi, trong xây dựng chỉnh đốn Đảng thì vấn đề tự phê bình và phê bình là vũ khí sắc bén để xây dựng Đảng, để giáo dục, rèn luyện cán bộ, đảng viên. Đặc biệt trên cơ sở nhận diện 27 biểu hiện cụ thể của sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, tự diễn biến, tự chuyển hóa mà xử lý nghiêm minh. Kiên quyết đưa ra khỏi Đảng những người không còn xứng đáng theo mức độ mà các cấp ủy đảng, chính quyền kiểm tra, kết luận là vấn đề hết sức cần thiết, là khâu mấu chốt nhất cho quy luật tồn tại và phát triển của Đảng và cũng là khâu khó khăn nhất trong vấn đề xây dựng và chỉnh đốn Đảng hiện nay.

Vì vậy, để làm được điều này mỗi địa phương, mỗi ngành cần có sự chuẩn bị chu đáo, có kế hoạch tiến hành từng bước cụ thể ở từng khu vực, từng cơ quan, từng ngành, hết bước này sang bước khác, hết cơ sở này sang cơ sở khác, không ôm đồm, không làm rộng, không làm đồng thời. Nơi nào ít vướng mắc, phức tạp thì làm trước để tạo đà là ở nơi khác. Cơ sở nào, cấp ủy, cán bộ chủ chốt có vấn đề thì tiến hành kiểm điểm cấp ủy trước, kiện toàn cấp ủy trước rồi phê bình, kiểm điểm đảng viên sau. Ngược lại nơi nào cấp ủy hoặc cán bộ chủ chốt gương mẫu, không có vấn đề gì lớn đến mức phải thay đổi, bố trí lại thì kiểm điểm đảng viên trước rồi kiểm điểm cấp ủy sau[9]. Thực hiện tốt vấn đề này sẽ góp phần rất lớn trong thực hiện hiệu quả Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII), nhằm nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng, kiên quyết, kiên trì đấu tranh, ngăn chặn, đẩy lùi các biểu hiện suy thoái của cán bộ đảng viên, giữ gìn Đảng ta thật trong sạch, xứng đáng là người lãnh đạo, người đầy tớ trung thành của nhân dân[10], đáp ứng nguyện vọng, là đòi hỏi của toàn Đảng, toàn dân về xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh./.

Kim Lưu

Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy

Tài liệu tham khảo

[1]. Ban Nghiên cứu lịch sử Đảng tủnh uỷ Nghệ Tĩnh: Xô Viết Nghệ Tĩnh, Nxb Sự thật, Hà Nội, 1981, tr,78)

[2]. Bùi Ngọc Tam: Nhìn lại một số sự kiện về Xô Viết Nghệ Tĩnh trong thời kỳ chống khủng bố trắng, Ban sử Đảng Tỉnh ủy Nghệ An trong tập kỷ yếu 65 năm Xô viết Nghệ Tĩnh, tr.262.

[3]. Ban Chấp hành Đảng bộ Đảng Cộng sản Việt Nam tỉnh Nghệ An: Lịch sử Đảng bộ tỉnh Nghệ An, Sđd, tr.88.

[4]. Đảng cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, Nxb Chính trị Quốc gia, tập 3, tr.156-157

[5]. Đảng cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2011, tr 173),

[6], [9] Hồ Chí Minh (2011), Toàn tập, Nxb, Chính trị quốc gia, Hà Nội, tập 5, tr. 317 318

[7]. Đảng cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, Nxb Chính trị Quốc gia, tập 3, tr.157.

[8]. Đảng cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, Nxb Chính trị Quốc gia,t3, tr.157-158.

[9]. Nguyễn Phú Trọng, xây dựng chỉnh đốn Đảng, một số vấn đề lý luận và thực tiễn, Nxb Chính trị Quốc gia sự thật (2012), xuất bản lần thứ hai có bổ sung, điều chỉnh, tr479-480.

[10]. Hồ Chí Minh (2011), Toàn tập, Nxb, Chính trị quốc gia, Hà Nội, tập 2, tr.289.