Phương pháp dùng tình cảm để giáo dục hành vi văn hóa cho trẻ

Phát triển hành vi văn hóa cho trẻ mẫu giáo nói chung, trẻ mẫu giáo 5-6 tuổi nói riêng, có vai trò quan trọng đối với việc hình thành nên nhân cách ban đầu cho trẻ; giúp trẻ có những hành vi phù hợp với những yêu cầu, chuẩn mực của nền văn hóa xã hội; giúp trẻ có thể tham gia tốt vào cuộc sống và học tập tốt ở trường phổ thông. Hoạt động vui chơi là hoạt động chủ đạo của trẻ mẫu giáo. Trẻ mẫu giáo học thông qua chơi và chơi để mà học. Vì vậy, việc phát triển hành vi văn hóa cho trẻ mẫu giáo 5-6 tuổi trong hoạt động vui chơi là cần thiết và phù hợp với sự phát triển của trẻ.

Giáo dục mầm non là bậc học đầu tiên của hệ thống giáo dục quốc dân, là bậc học tạo nền móng đầu tiên cho sự phát triển của trẻ sau này. Luật giáo dục 2005 có quy định: Mục tiêu của giáo dục mầm non là giúp trẻ em phát triển về thể chất, trí tuệ, thẩm mỹ, hình thành những yếu tố đầu tiên của nhân cách, chuẩn bị cho trẻ em vào lớp 1. Do đó, nội dung giáo dục mầm non phải đảm bảo phù hợp với sự phát triển tâm sinh lý của trẻ em, hài hòa giữa nuôi dưỡng, chăm sóc và giáo dục, giúp trẻ em phát triển cơ thể cân đối, khỏe mạnh, nhanh nhẹn, biết kính trọng, yêu mến, lễ phép với ông bà, cha, mẹ, thày giáo, cô giáo và người trên; yêu quý anh, chị, em, bạn bè, thật thà, mạnh dạn, hồn nhiên, thích cái đẹp, ham hiểu biết, thích đi học.

Trong sự nghiệp đổi mới đất nước, giáo dục mầm non giữ vai trò quan trọng bởi không chỉ phát triển toàn diện đứa trẻ mà còn hình thành ở trẻ những năng lực chung cần thiết của con người mới xã hội chủ nghĩa Việt Nam như: tính tự lực, tự tin, chia sẻ, thân ái và hội nhập. Do đó, việc phát triển hành vi văn hóa [HVVH] cho trẻ mẫu giáo 5-6 tuổi có vai trò quan trọng trong việc củng cố và phát triển những hành vi phù hợp với chuẩn mực của cuộc sống và của nền văn hóa xã hội; giúp trẻ có được những hành vi đúng đắn trong sinh hoạt hàng ngày, trong hoạt động và trong giao tiếp; đáp ứng được những đòi hỏi đối với con người mới xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

1. Sự cần thiết của việc phát triển hành vi văn hóa cho trẻ mẫu giáo 5-6 tuổi

Theo tác giả Hoàng Thị Phương: Hành vi văn hóa là biểu hiện bên ngoài của hoạt động, được điều chỉnh bởi cấu trúc tâm lý bên trong của chủ thể có ý thức và chịu sự quy định của các chuẩn mực xã hội, được xây dựng từ hệ thống những giá trị xã hội do một nền văn hóa lựa chọn để định hướng[1]. Tác giả Đào Huy Ngận cho rằng: Phát triển tính văn minh, nét văn hóa của hành vi con người được gắn chặt với sự phát triển lịch sử xã hội nhân loại là một đặc trưng, mang tính quy luật của sự phát triển người, phát triển nhân cách trẻ em [2]. Nhà tâm lý học LX.Vưgốtxki và trường phái Nga cho rằng: Quá trình phát triển nhân cách trẻ em chính là kết quả của sự hòa nhập trẻ em vào môi trường văn hóa xã hội vừa thể hiện là quá trình trẻ em lĩnh hội từ nền văn hóa xã hội [3]. Tác giả Nguyễn Ngọc Bảo cho rằng: Mỗi con người sinh ra, dù muốn hay không đều được và chỉ được hưởng những giá trị mà thế hệ trước để lại. Những giá trị đó đối với họ chỉ được coi như nguyên vật liệu. Họ phải biết biến những giá trị đó theo những quy trình nhất định mà loài người bằng quy trình đó đã tạo ra giá trị văn hóa đó. Và cũng chỉ bằng cách đó những giá trị văn hóa xã hội mới trở thành giá trị của từng cá nhân. Do đó, nhà giáo dục là người trung gian tổ chức, điều khiển hoạt động nhận thức, giúp trẻ tự phát hiện ra cái mà loài người phát hiện ra trước đây với thời gian ít nhất. Chính vì vậy, nhà giáo dục xuất hiện với chức năng giúp người học chuyển vào trong những giá trị văn hóa thành tài sản của từng cá nhân [4].

Quan điểm của các nhà giáo dục trên cho thấy: việc phát triển nhân cách trẻ em gắn liền với việc hình thành ở trẻ những giá trị của nền văn hóa xã hội. Để trẻ có thể nhanh chóng lĩnh hội được giá trị của nền văn hóa xã hội đó thì nhất thiết cần có sự giúp đỡ của nhà giáo dục.

Xã hội ngày càng phát triển, văn minh thì đòi hỏi ở con người càng cao về văn hóa trong hoạt động, trong sinh hoạt và giao tiếp. Do đó, phát triển HVVH cho trẻ mẫu giáo 5- 6 tuổi là cần thiết đối với sự phát triển của trẻ. Phát triển HVVH cho trẻ ngay từ tuổi mẫu giáo sẽ tạo cho trẻ một nền tảng vững chắc để trẻ có thể đáp ứng được yêu cầu của một xã hội hiện đại đòi hỏi sự thích ứng, hợp tác và khả năng hội nhập của mỗi cá nhân.

2. Những biểu hiện của HVVH trong hoạt động vui chơi của trẻ mẫu giáo 5-6 tuổi

Trong quá trình phát triển xã hội lịch sử, trò chơi ngày càng có ý nghĩa to lớn trong sự hình thành nhân cách trẻ em. Nó giúp cho trẻ em nắm được các phương thức hoạt động thực tiễn và trí tuệ do loài người tạo ra, nắm được những tiêu chuẩn đạo đức trong quan hệ giữa con người với con người[5].

Đối với trẻ mẫu giáo, hoạt động vui chơi [mà trung tâm là trò chơi đóng vai theo chủ đề] càng có ý nghĩa hơn bao giờ hết với sự phát triển của trẻ. Hoạt động vui chơi là hoạt động chủ đạo của trẻ mẫu giáo, nó gây ra sự biến đổi về chất trong tâm lý trẻ, nó làm cho các dạng hoạt động khác của trẻ mẫu giáo nhuốm màu sắc của hoạt động vui chơi. Trong khi chơi, trẻ được học cách làm người thông qua thực hiện vai chơi, tham gia vào các mối quan hệ chơi, chủ đề chơi, tuân thủ luật chơi.

Việc phát triển HVVH cho trẻ mẫu giáo 5-6 tuổi trong hoạt động vui chơi là hoàn toàn phù hợp với sự phát triển tâm lý của trẻ. Hoạt động vui chơi với chủ đề chơi, vai chơi, nội dung chơi và luật chơi sẽ giúp trẻ dễ dàng hơn khi luyện tập để lĩnh hội HVVH. Đồng thời, hoạt động vui chơi với nhiều tình huống chơi sẽ tạo điều kiện để trẻ được thực hành nhiều hơn HVVH trong trò chơi.

Theo định nghĩa của tác giả Hoàng Thị Phương về HVVH ta có thể thấy đặc trưng của hành vi văn hóa là những biểu hiện bên ngoài của hoạt động, được điều chỉnh bởi cấu trúc tâm lý bên trong của chủ thể, thực hiện bởi chủ thể có ý thức, có mục đích, chịu sự quy định của chuẩn mực xã hội, được xây dựng dựa bởi một nền văn hóa nhất định.

Từ đó, ta có thể phát biểu về HVVH trong hoạt động vui chơi của trẻ mẫu giáo 5-6 tuổi như sau: HVVH trong hoạt động vui chơi của trẻ mẫu giáo 5-6 tuổi là biểu hiện bên ngoài của hoạt động vui chơi của trẻ thông qua hành động chơi, được điều chỉnh bởi cấu trúc tâm lý bên trong của trẻ mẫu giáo 5-6 tuổi và chịu sự quy định của mục đích chơi, nội dung chơi và luật chơi, phù hợp với chuẩn mực của nền văn hóa xã hội.

Dựa vào đặc điểm phát triển tâm lý, đặc điểm trong hoạt động vui chơi và khái niệm HVVH trong hoạt động vui chơi của trẻ mẫu giáo 5-6 tuổi, có thể đưa ra một số biểu hiện về HVVH của trẻ mẫu giáo 5-6 tuổi trong hoạt động vui chơi như sau:

Trong thực hiện luật chơi: trẻ tự giác, vui vẻ thực hiện đúng các quy định của trò chơi, chỉ thực hiện những hành động mà luật chơi cho phép, không vi phạm những điều không được phép làm trong trò chơi.

Trong hoạt động hợp tác với bạn để thực hiện trò chơi: trẻ biết sử dụng ngôn ngữ mạch lạc để chủ động trao đổi với bạn cùng đặt mục đích cho hoạt động chơi, xác định cụ thể phương tiện chơi, phân công các nhiệm vụ chơi trong nhóm chơi; chơi thân ái, đoàn kết với bạn, biết chia sẻ đồ dùng, đồ chơi, biết nói lời cảm ơn, xin lỗi hay có lời đề nghị khi có nhu cầu, biết kiềm chế.

Trong thể hiện nội dung vai chơi: thực hiện đúng các quy định của trò chơi đối với vai chơi mình đảm nhận, thực hiện các hành động chơi phù hợp với yêu cầu chuẩn mực xã hội đối với vai chơi [bố mẹ nhẹ nhàng chăm sóc, thương yêu con cái; bác sĩ nói năng lịch sự, nhẹ nhàng quan tâm tới bệnh nhân; người bán hàng niềm nở mời chào khách mua hàng]. Không vi phạm vào những điều cấm kỵ đối với vai chơi.

Trong chia sẻ với nhóm bạn về hành vi ứng xử: biết thể hiện sự quan tâm tới bạn cùng chơi [thông qua lời nói và hành động cụ thể], sẵn sàng giúp đỡ bạn trong quá tình chơi đề nghị giúp đỡ [Bạn có cần mình giúp không?] hay thể hiện nhu cầu, mong muốn được giúp đỡ [Bạn có thể giúp mình được chứ?]; biết thể hiện thái độ đồng ý hay không đồng ý trong một số tình huống, hoàn cảnh chơi cụ thể. Biết đáp lại sự quan tâm của người khác bằng cách nói lời cảm ơn [cảm ơn bạn đã giúp mình]. Hoặc đáp lại lời cảm ơn của người khác [ồ không có gì!].

Trong biểu hiện thái độ đối với nội dung của trò chơi: có thái độ và cảm xúc tích cực, phù hợp với vai chơi mình đảm nhận, thể hiện thái độ, tình cảm phù hợp với các tình huống trong trò chơi [khi có bệnh nhân bị thương: bác sĩ thể hiện thái độ bình tĩnh, ân cần, động viên bệnh nhân; bố mẹ của bệnh nhân thì lo lắng hỏi han bác sĩ về tình hình của con mình].

Trong kết quả thực hiện trò chơi: thực hiện trò chơi đạt kết quả nhất định như: thực hiện tốt các yêu cầu đối với vai chơi, tìm kiếm được phương tiện chơi để hợp tác với bạn chơi hoàn thành nhiệm vụ chơi đặt ra ban đầu. Sau khi chơi xong biết giúp cô giáo giáo dọn dẹp, cất đồ dùng, đồ chơi vào đúng nơi quy định.

Ý nghĩa, cảm nhận rút ra từ trò chơi: cùng với sự gợi ý của cô giáo, trẻ biết tự nhận xét về quá trình tham gia trò chơi của bản thân và của các bạn, đưa ra được những ý kiến của mình về những hành động đúng và chưa đúng trong trò chơi, rút ra được bài học cho bản thân qua trò chơi và hứa hẹn chơi tốt hơn ở những lần chơi tiếp theo.

3. Ý nghĩa của HVVH trong hoạt động vui chơi đối với sự hình thành và phát triển nhân cách của trẻ mẫu giáo 5-6 tuổi

Nhân cách của mỗi con người không chỉ được hình thành trong học tập, trong lao động mà còn được hình thành trong hoạt động vui chơi. Đối với trẻ em thì vui chơi là hoạt động tích cực nhất, nhiều khi còn ảnh hưởng mạnh mẽ đến sự hình thành nhân cách hơn cả việc học tập hay lao động [6].

HVVH trong hoạt động vui chơi có ý nghĩa quan trọng, ảnh hưởng lớn tới quá trình hình thành và phát triển nhân cách của trẻ mẫu giáo 5-6 tuổi. HVVH trong hoạt động vui chơi quy định về những hành vi đạt chuẩn mực của nền văn hóa xã hội được trẻ thực hành và luyện tập qua các vai chơi, tình huống chơi khác nhau sẽ giúp trẻ có những hành vi đúng đắn trong cuộc sống sinh hoạt, học tập và lao động sau này.

Trẻ mẫu giáo 5-6 tuổi luôn có mong muốn thể hiện bản thân và khẳng định bản thân mình, muốn được làm mọi việc như người lớn, muốn được khen ngợi. Do vậy, việc thực hiện các HVVH trong trò chơi đối với trẻ không hề nặng nề căng thẳng mà ngược lại, trẻ thực hiện một cách tự giác và thích thú. Điều này làm cho việc phát triển HVVH ở trẻ trở nên nhẹ nhàng và đạt hiệu quả hơn so với việc bắt buộc trẻ phải học tập một cách có quy tắc.

Việc thực hiện HVVH trong trò chơi sẽ giúp trẻ dần dần tự điều chỉnh được hành vi của mình đạt tới chuẩn mực của nền văn hóa xã hội. Thông qua việc thực hiện HVVH trong trò chơi trẻ học được các kỹ năng ứng xử, bộc lộ thái độ, tình cảm trong giao tiếp, hoạt động có văn hóa. Từ đó, hình thành khả năng hợp tác và chia sẻ trong nhóm, khả năng thích ứng, khả năng kiềm chế khi tham gia vào hoạt động chung nhằm đạt được mục đích đặt ra ban đầu. Đó là một trong những cơ sở quan trọng đối với việc hình thành và phát triển nhân cách ban đầu cho trẻ, giúp trẻ cơ thể học tập tốt ở trường phổ thông.

Trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, khi nhiệm vụ đổi mới giáo dục đào tạo được nhấn mạnh và đặt lên hàng đầu thì việc đào tạo những con người mới [thông minh, năng động, tự tin, linh hoạt, chia sẻ, thân ái và hội nhập] là một trong những nhiệm vụ quan trọng của giáo dục đào tạo. Giáo dục mầm non là bậc học đầu tiên của hệ thống giáo dục quốc dân, là mắt xích đầu tiên của quá trình đổi mới giáo dục. Trong việc xác định những mục tiêu giáo dục cụ thể của giáo dục mầm non, thì việc hình thành và phát triển HVVH cho trẻ trong hoạt động là một trong những nhiệm vụ quan trọng, là nền tảng của giáo dục đạo đức, hình thành nên nhân cách ban đầu cho trẻ. Việc phát triển HVVH cho trẻ mẫu giáo nói chung và trẻ mẫu giáo 5-6 tuổi nói riêng có thể được thực hiện trong rất nhiều các hoạt động khác nhau. Tuy nhiên, việc phát triển HVVH cho trẻ mẫu giáo 5-6 tuổi thông qua hoạt động vui chơi sẽ là phù hợp hơn đối với sự phát triển tâm lý của trẻ.

_______________

1. Hoàng Thị Phương, Giáo dục hành vi văn hóa cho trẻ mầm non, tài liệu nội bộ, Đại học Sư phạm Hà Nội, 2004.

2, 4. Hội Tâm lý Giáo dục học Việt Nam, LX. Vưgốxki nhà tâm lý học kiệt xuất TK XX, Hà Nội, 1997.

3. Xavier Roegiers, Khoa sư phạm tích hợp hay làm thế nào để phát triển các năng lực trong nhà trường, Nxb Giáo dục, Hà Nội, 1996.

5. A.V.Daparogiet, Những cơ sở giáo dục học mẫu giáo,Tài liệu dịch nội bộ, Đại học sư phạm Hà Nội, 1987.

6. Nguyễn Ánh Tuyết, Trò chơi của trẻ em, Nxb Đại học Sư phạm Hà Nội, 2000.

Nguồn : Tạp chí VHNT số 406, tháng 4 2018

Tác giả : NGÔ HUYỀN NHUNG DƯƠNG THỊ THÚY VINH

Video liên quan

Chủ Đề