Quy định về website thương mại điện tử là gì

Hoạt động thương mại điện tử là việc tiến hành một phần hoặc toàn bộ quy trình của hoạt động thương mại bằng phương tiện điện tử có kết nối với mạng Internet, mạng viễn thông di động hoặc các mạng mở khác.

Phương tiện điện tử và mạng viễn thông sử dụng phổ biến trong hoạt động thương mại điện tử là: điện thoại, ti vi, máy fax, mạng truyền hình, mạng internet, mạng viễn thông di động,..

Dịch vụ thương mại điện tử là hoạt động thương mại điện tử theo đó thương nhân, tổ chức cung cấp dịch vụ thương mại điện tử thiết lập website thương mại điện tử để cung cấp môi trường cho thương nhân, tổ chức, cá nhân khác tiến hành hoạt động xúc tiến thương mại, bán hàng hóa hoặc cung ứng dịch vụ.

Thương nhân, tổ chức cung cấp dịch vụ thương mại điện tử không bao gồm các thương nhân, tổ chức chỉ thực hiện cung cấp dịch vụ thiết kế website và không tham gia trực tiếp vào hoạt động kinh doanh, điều hành hoặc điều phối các hoạt động trên website đó.

- Chủ thể tham gia hoạt động của thương mại điện tử [Điều 24, Nghị định số 52/2013/NĐ-CP] gồm:

Các thương nhân, tổ chức, cá nhân thiết lập website thương mại điện tử để phục vụ hoạt động xúc tiến thương mại, bán hàng hóa hoặc cung ứng dịch vụ của mình [người sở hữu website thương mại điện tử bán hàng].

- Các thương nhân, tổ chức cung cấp dịch vụ thương mại điện tử.

- Các thương nhân, tổ chức, cá nhân sử dụng website của thương nhân, tổ chức cung cấp dịch vụ thương mại điện tử để phục vụ hoạt động xúc tiến thương mại, bán hàng hóa hoặc cung ứng dịch vụ của mình [người bán].

- Các thương nhân, tổ chức, cá nhân mua hàng hóa hoặc dịch vụ trên website thương mại điện tử bán hàng và website cung cấp dịch vụ thương mại điện tử [khách hàng].

- Các thương nhân, tổ chức cung cấp hạ tầng kỹ thuật, dịch vụ logistics và các dịch vụ hỗ trợ khác cho hoạt động thương mại điện tử.”

- Các thương nhân, tổ chức, cá nhân sử dụng thiết bị điện tử có nối mạng khác để tiến hành hoạt động thương mại.

Các hình thức tổ chức hoạt động thương mại điện tử [Điều 25 Nghị định số 52/2013/NĐ-CP]

1. Website thương mại điện tử bán hàng là website thương mại điện tử do các thương nhân, tổ chức, cá nhân thiết lập để phục vụ hoạt động xúc tiến thương mại, bán hàng hóa hoặc cung ứng dịch vụ của mình.

2. Website cung cấp dịch vụ thương mại điện tử là website thương mại điện tử do thương nhân, tổ chức thiết lập để cung cấp môi trường cho các thương nhân, tổ chức, cá nhân khác tiến hành hoạt động thương mại. Website cung cấp dịch vụ thương mại điện tử bao gồm các loại sau:

  1. Sàn giao dịch thương mại điện tử;
  1. Website đấu giá trực tuyến;
  1. Website khuyến mại trực tuyến;
  1. Các loại website khác do Bộ Công Thương quy định.

3. Với các ứng dụng cài đặt trên thiết bị điện tử có nối mạng cho phép người dùng truy cập vào cơ sở dữ liệu của thương nhân, tổ chức, cá nhân khác để mua bán hàng hóa, cung ứng hoặc sử dụng dịch vụ, tùy theo tính năng của ứng dụng đó mà thương nhân, tổ chức phải tuân thủ các quy định về website thương mại điện tử bán hàng hoặc website cung cấp dịch vụ thương mại điện tử tại Nghị định này.

4. Bộ Công Thương quy định cụ thể về các hoạt động thương mại điện tử tiến hành trên mạng viễn thông di động.

Các nguyên tắc hoạt động thương mại điện tử [Điều 26 Nghị định số 52/2013/NĐ-CP, sửa đổi bổ sung bởi Nghị định số 85/2021/NĐ-CP ]

1. Nguyên tắc tự do, tự nguyện thỏa thuận trong giao dịch thương mại điện tử

Các chủ thể tham gia hoạt động thương mại điện tử có quyền tự do thỏa thuận không trái với quy định của pháp luật để xác lập quyền và nghĩa vụ của từng bên trong giao dịch. Thỏa thuận này là căn cứ để giải quyết các tranh chấp phát sinh trong quá trình giao dịch.

2. Nguyên tắc xác định phạm vi hoạt động kinh doanh trong thương mại điện tử

Nếu thương nhân, tổ chức, cá nhân tiến hành hoạt động bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ và xúc tiến thương mại trên website thương mại điện tử không nêu cụ thể giới hạn địa lý của những hoạt động này, thì các hoạt động kinh doanh đó được coi là tiến hành trên phạm vi cả nước.

3. Nguyên tắc xác định nghĩa vụ về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong hoạt động thương mại điện tử

  1. Người sở hữu website thương mại điện tử bán hàng và người bán trên website cung cấp dịch vụ thương mại điện tử phải tuân thủ các quy định của Luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng khi cung cấp hàng hóa, dịch vụ cho khách hàng;
  1. Khách hàng trên website cung cấp dịch vụ thương mại điện tử là người tiêu dùng dịch vụ thương mại điện tử và là người tiêu dùng hàng hóa, dịch vụ do người bán trên website này cung cấp;
  1. Trường hợp thương nhân, tổ chức cung cấp dịch vụ thương mại điện tử thực hiện dịch vụ cung cấp thông tin về hàng hóa, dịch vụ của người bán tới người tiêu dùng trên website thương mại điện tử thì thương nhân, tổ chức đó là bên thứ ba trong việc cung cấp thông tin theo pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

4. Nguyên tắc kinh doanh các hàng hóa, dịch vụ hạn chế kinh doanh, kinh doanh có điều kiện, thuộc ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện thông qua thương mại điện tử

Hoạt động thương mại điện tử đối với hàng hóa, dịch vụ hạn chế kinh doanh, kinh doanh có điều kiện, thuộc ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện phải tuân thủ các quy định pháp luật liên quan.

5. Các chủ thể tham gia hoạt động thương mại điện tử có nghĩa vụ tuân thủ quy định của pháp luật về an toàn thông tin, an ninh mạng và pháp luật có liên quan khác.

Xử lý vi phạm hành chính về thương mại điện tử

1.Thương nhân, tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm sau đây thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực thương mại điện tử:

- Vi phạm về hoạt động kinh doanh thương mại điện tử: [a] Lợi dụng hoạt động thương mại điện tử để kinh doanh theo phương thức đa cấp nhưng chưa được cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp theo quy định của pháp luật về quản lý hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp; [b] Lợi dụng thương mại điện tử để kinh doanh hàng giả, hàng hóa, dịch vụ vi phạm quyền sở hữu trí tuệ; hàng hóa, dịch vụ thuộc danh mục hàng hóa, dịch vụ cấm kinh doanh;[c] Lợi dụng danh nghĩa hoạt động kinh doanh thương mại điện tử để huy động vốn trái phép từ các thương nhân, tổ chức, cá nhân khác;[d] Cung cấp các dịch vụ thương mại điện tử hoặc dịch vụ giám sát, đánh giá và chứng thực trong thương mại điện tử khi chưa đăng ký theo các quy định của Nghị định này;[đ] Cung cấp các dịch vụ thương mại điện tử hoặc dịch vụ giám sát, đánh giá và chứng thực trong thương mại điện tử không đúng với thông tin trong hồ sơ đăng ký hoặc cấp phép;[e] Có hành vi gian dối hoặc cung cấp thông tin sai sự thật khi thực hiện các thủ tục thông báo thiết lập website thương mại điện tử, đăng ký website cung cấp dịch vụ thương mại điện tử, đăng ký các dịch vụ giám sát, đánh giá và chứng thực trong thương mại điện tử.

- Vi phạm về thông tin trên website thương mại điện tử: [a] Giả mạo thông tin đăng ký hoặc không tuân thủ các quy định về hình thức, quy cách công bố thông tin đăng ký trên website thương mại điện tử;[b] Sử dụng biểu trưng của các chương trình đánh giá tín nhiệm website thương mại điện tử khi chưa được những chương trình này công nhận;[c] Sử dụng các đường dẫn, biểu trưng hoặc công nghệ khác trên website thương mại điện tử để gây nhầm lẫn về mối liên hệ với thương nhân, tổ chức, cá nhân khác;[d] Sử dụng đường dẫn để cung cấp những thông tin trái ngược hoặc sai lệch so với thông tin được công bố tại khu vực website có gắn đường dẫn này.

- Vi phạm về giao dịch trên website thương mại điện tử:[a] Thực hiện các hành vi lừa đảo khách hàng trên website thương mại điện tử;[b] Giả mạo thông tin của thương nhân, tổ chức, cá nhân khác để tham gia hoạt động thương mại điện tử;[c] Can thiệp vào hệ điều hành và trình duyệt Internet tại các thiết bị điện tử truy cập vào website nhằm buộc khách hàng lưu lại website trái với ý muốn của mình.

- Các vi phạm khác:[a] Đánh cắp, sử dụng, tiết lộ, chuyển nhượng, bán các thông tin liên quan đến bí mật kinh doanh của thương nhân, tổ chức, cá nhân khác hoặc thông tin cá nhân của người tiêu dùng trong thương mại điện tử khi chưa được sự đồng ý của các bên liên quan, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác;[b] Giả mạo hoặc sao chép giao diện website thương mại điện tử của thương nhân, tổ chức, cá nhân khác để kiếm lợi hoặc để gây nhầm lẫn, gây mất lòng tin của khách hàng đối với thương nhân, tổ chức, cá nhân đó.

- Vi phạm quy định về giao kết hợp đồng trong thương mại điện tử;

- Vi phạm quy định về trách nhiệm của các chủ thể trong thương mại điện tử;

- Vi phạm quy định về thông báo thiết lập website thương mại điện tử bán hàng;

- Vi phạm quy định về đăng ký website cung cấp dịch vụ thương mại điện tử;

- Vi phạm quy định về hoạt động đánh giá và chứng thực trong thương mại điện tử;

- Vi phạm quy định về bảo vệ thông tin cá nhân trong thương mại điện tử;

- Vi phạm quy định về an toàn thanh toán trong thương mại điện tử;

- Không chấp hành các yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền khi tiến hành thanh tra, kiểm tra theo quy định của pháp luật;

- Tiếp tục hoạt động sau khi thương nhân, tổ chức đã bị chấm dứt đăng ký cung cấp dịch vụ thương mại điện tử;

- Tiếp tục hoạt động sau khi đã chấm dứt hoặc bị hủy bỏ đăng ký, hoạt động đánh giá, giám sát và chứng thực trong thương mại điện tử;

2. Ngoài việc xử phạt vi phạm hành chính, cơ quan quản lý xem xét tùy theo tính chất, mức độ vi phạm của thương nhân, tổ chức để ra quyết định đình chỉ hoạt động/tước quyền sử dụng giấy phép hoặc hủy bỏ đăng ký website cung cấp dịch vụ thương mại điện tử đối với các vi phạm quy định tại Khoản 1 Điều này.

3. Trường hợp thương nhân, tổ chức, cá nhân vi phạm gây thiệt hại đến lợi ích vật chất của thương nhân, tổ chức, cá nhân khác thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.

4. Nguyên tắc xử phạt, thời hiệu xử phạt, thủ tục xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại điện tử được thực hiện theo quy định của Luật xử lý vi phạm hành chính và các văn bản có liên quan.

5. Thanh tra Bộ Công Thương, Cơ quan quản lý thị trường, Thanh tra Sở Công Thương các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các cơ quan nhà nước khác có quyền xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại điện tử theo thẩm quyền quy định tại Luật xử lý vi phạm hành chính và các văn bản có liên quan.

Nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thương mại điện tử quy định tại Nghị định số 98/2020/NĐ-CP ngày 26/8/2020 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

+ Mức phạt tiền đối với các hành vi quy định tại Nghị định này là mức phạt tiền đối với cá nhân. Mức phạt tiền tối đa đối với cá nhân là 200.000.000 đồng. Đối với cùng một hành vi vi phạm hành chính thì mức phạt tiền đối với tổ chức gấp 02 lần mức phạt tiền đối với cá nhân. Mức phạt tiền tối đa đối với tổ chức là 400.000.000 đồng.

Tùy theo tính chất, mức độ vi phạm, tổ chức, cá nhân vi phạm còn có thể bị áp dụng một hoặc các hình thức xử phạt bổ sung sau đây: Tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề có thời hạn từ 01 tháng đến 24 tháng hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn từ 01 tháng đến 24 tháng; Tịch thu tang vật vi phạm hành chính, phương tiện được sử dụng để vi phạm hành chính [sau đây gọi chung là tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm].

Các biện pháp khắc phục hậu quả: Buộc đưa ra khỏi lãnh thổ nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam hoặc tái xuất hàng hóa, vật phẩm, phương tiện; Buộc tiêu hủy hàng hóa, vật phẩm gây hại cho sức khỏe con người, vật nuôi, cây trồng và môi trường, văn hóa phẩm có nội dung độc hại; Buộc cải chính thông tin sai sự thật hoặc gây nhầm lẫn; Buộc loại bỏ yếu tố vi phạm trên nhãn, bao bì hàng hóa, phương tiện kinh doanh, vật phẩm; Buộc thu hồi sản phẩm, hàng hóa không bảo đảm chất lượng; Buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm hành chính hoặc buộc nộp lại số tiền bằng giá trị tang vật, phương tiện vi phạm đã bị tiêu thụ, tẩu tán, tiêu hủy trái quy định của pháp luật; Buộc thu hồi hàng hóa có khuyết tật; Buộc hủy bỏ kết quả đã mở thưởng và tổ chức mở thưởng lại đối với chương trình khuyến mại mang tính may rủi; Buộc sửa đổi lại hợp đồng đã giao kết hoặc buộc sửa đổi hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung theo đúng quy định; Buộc thu hồi tên miền “.vn” của website thương mại điện tử hoặc buộc gỡ bỏ ứng dụng di động trên các kho ứng dụng hoặc trên các địa chỉ đã cung cấp; Buộc nộp lại giấy phép kinh doanh bị tẩy xóa, sửa chữa làm thay đổi nội dung cho cơ quan, người có thẩm quyền đã cấp giấy phép.

Chủ Đề