Rủi ro bất khả kháng là gì

Ngày viết: 09/8/2021

Tác giả: Quang Nguyễn

Điều khoản bất khả kháng là điều khoản với mục đích nhằm loại trừ trách nhiệm của một bên trong trường hợp bên đó vi phạm nghĩa vụ đã thỏa thuận do gặp phải sự kiện bất khả kháng. Tuy nhiên, không phải ai cũng nắm rõ khái niệm về sự kiện bất khả kháng, mục đích của việc thỏa thuận cụ thể và rõ ràng điều khoản này trong hợp đồng để bảo vệ quyền lợi của mình và tránh những tranh chấp trong quá trình thực hiện hợp đồng. Qua bài viết này, BLawyers Vietnam sẽ giới thiệu sợ bộ về vấn đề này.

1. Quy định về sự kiện bất khả kháng theo pháp luật Việt Nam

Sự kiện bất khả kháng được quy định trong Bộ luật dân sự 2015 như sau :

Sự kiện bất khả kháng là sự kiện xảy ra một cách khách quan không thể lường trước được và không thể khắc phục được mặc dù đã áp dụng mọi biện pháp cần thiết và khả năng cho phép.

Theo đó, một sự kiện được là một sự kiện bất khả kháng thì phải đáp ứng đủ cả 3 yếu tố sau:

  • Sự kiện xảy ra một cách khách quan [không phụ thuộc vào ý chí của một bên nào];
  • Sự kiện này không thể lường trước được [các bên khó có thể dự đoán chính xác thời điểm xảy ra sự kiện];
  • Sự kiện không thể khắc phục được mặc dù đã áp dụng mọi biện pháp cần thiết và khả năng cho phép [các bên phải chứng minh về việc này].

Cũng theo quy định của Bộ luật dân sự 2015, khi bên có nghĩa vụ không thực hiện đúng nghĩa vụ do sự kiện bất khả kháng thì không phải chịu trách nhiệm dân sự, trừ trường hợp có thỏa thuận hoặc quy định khác . Như vậy, khi gặp một sự kiện bất khả kháng dẫn đến việc không thể thực hiện được nghĩa vụ đã cam kết trong hợp đồng, bên vi phạm phải chứng minh dựa trên 3 yếu tố nêu trên để được hưởng quyền miễn trách nhiệm đối với bên kia.

2. Lưu ý khi soạn thảo điều khoản sự kiện bất khả kháng trong hợp đồng

Trên thực tế, nếu dựa vào ba yếu tố đã được nêu trên, việc chứng minh một sự kiện là bất khả kháng để bên vi phạm nghĩa vụ được miễn trách nhiệm gặp nhiều khó khăn. Lý do cho điều này là khi một nghĩa vụ của một bên không được thực hiện đồng nghĩa với việc quyền lợi của một bên còn lại là không đạt được, từ đó dẫn đến nhiều tranh chấp khi một sự kiện bất khả kháng diễn ra. Để hạn chế tranh chấp liên quan đến xác định sự kiện bất khả kháng, các bên cần thỏa thuận trước và soạn thảo điều khoản này trong hợp đồng với những nội dung sau:

  • Thống nhất rõ ràng thế nào là sự kiện bất khả kháng:

Các bên có thể dựa vào quy định của pháp luật để soạn thảo điều khoản này một cách chung nhất. Ngoài ra, các bên nên liệt kê đến mức tối đa trường hợp cụ thể được xem là sự kiện bất khả kháng, tùy vào từng thời điểm, hoàn cảnh thực hiện hợp đồng.

Một ví dụ đặc biệt đáng chú ý là trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 đang diễn ra trên toàn cầu, chính phủ các nước đều thực hiện các biện pháp giãn cách xã hội. Vì vậy, các bên có thể thỏa thuận về trường hợp này trong hợp đồng như một sự kiện bất khả kháng để hưởng quyền miễn trừ nghĩa vụ.

  • Có quy định về nghĩa vụ thông báo khi sự kiện bất khả kháng xảy ra trong quá trình thực hiện hợp đồng:

Khi xảy ra sự kiện bất khả kháng, bên vi phạm nghĩa vụ cần thông báo tới bên bị vi phạm được biết trong một thời hạn nhất định. Điều này đảm bảo sự thiện chí hợp tác giữa hai bên.

  • Thỏa thuận trước về phương án xử lý kèm theo trách nhiệm của các bên khi gặp sự kiện bất khả kháng:

Điều này đòi hỏi sự tiên liệu trước của các bên khi xây dựng hợp đồng và sẽ giúp các bên giải quyết hậu quả của sự kiện bất khả kháng. Các bên có thể thỏa thuận về việc chia sẻ thiệt hại hoặc chấm dứt hợp đồng khi có sự kiện bất khả kháng.

Đừng bỏ lỡ:Doanh nghiệp nên chú ý gì trước khi khởi kiện các tranh chấp thương mại

Như vậy, để tránh các tranh chấp trong việc xác định và áp dụng sự kiện bất khả kháng, các bên cần nắm rõ khái niệm cũng như có những tính toán trước về rủi ro và khả năng của sự kiện bất khả kháng khi soạn thảo điều khoản này trong hợp đồng.

Nếu bạn có bất kỳ câu hỏi hoặc góp ý về nội dung trên, vui lòng liên hệ với chúng tôi theo địa chỉ . BLawyers Vietnam rất muốn nghe từ bạn!

Có thể bạn muốn tìm hiểu thêm:

Rủi ro nào cho việc ký kết hợp đồng chuyển nhượng nhà đất có giá trị thấp hơn thực tế?

Cách xác định tiền lãi chậm trả, phạt vi phạm và bồi thường trong quan hệ thương mại theo Án lệ số 09/2016/AL?

Giải thể doanh nghiệp trong mùa dịch Covid-19: 7 vấn đề cần lưu ý

3 điều nào cần xem xét trước khi tiến hành một vụ kiện ở Việt Nam?

Video liên quan

Chủ Đề