Sự khác nhau giữa dạ dày đơn và dạ dày kép

Dạ dày (còn gọi là bao tử) là một bộ phận trong hệ tiêu hóa của động vật. Dạ dày được cấu tạo từ nhiều mô[1] khác nhau, trong đó có: mô cơ[2], mô liên kết[3], mô thần kinh, mô biểu bì,... Ở nhiều động vật, và ở người, nó thực hiện hai chức năng chính trong tiêu hóa là:

  1. Nghiền cơ học thức ăn, thấm dịch vị.
  2. Phân hủy thức ăn nhờ hệ enzyme tiêu hóa trong dịch vị.

Sự khác nhau giữa dạ dày đơn và dạ dày kép

Dạ dày trong ống tiêu hóa của người (phần phình ra to nhất ở giữa)

Để thực hiện chức năng thứ nhất thì dạ dày được cấu tạo từ cơ trơn, sắp xếp các bó cơ theo nhiều hướng để tăng hiệu quả co bóp. Dành cho chức năng thứ hai, dạ dày được bao phủ bởi lớp niêm mạc dạ dày và duy trì độ pH phù hợp với hoạt động của những enzyme tiêu hóa.

Ở động vật, có các loại dạ dày như sau:

  • Dạ dày đơn (như dạ dày của người; động vật ăn thịt như chó, mèo, hổ...; động vật ăn cỏ như ngựa...);
  • Dạ dày kép (dạ dày của động vật ăn cỏ như trâu, bò, dê, cừu..). Ở các loài chim và gia cầm, dạ dày gồm có dạ dày cơ và dạ dày tuyến.
  • Dạ dày trung gian giữa dạ dày đơn và dạ dày kép như dạ dày của lợn. Ở dạ dày lợn, phía trái của thượng vị có phần manh nang lồi ra làm cho dạ dày có 5 vùng: Vùng thực quản (nhỏ), Vùng manh nang, Vùng thượng vị, Vùng thân vị, Vùng hạ vị.  Vùng thực quản không có tuyến, vùng manh nang và thượng vị có tuyến tiết ra dịch nhầy, không có pepsin và HCl. Vùng thân vị và hạ vị giống như dạ dày đơn (ở loài ăn thịt).

Dạ dày là nơi phình to nhất của hệ thống đường tiêu hóa trong cơ thể con người, nằm sát dưới vòm hoành, ở sau cung sườn và vùng thượng vị trái, nó nối thực quản với tá tràng (phần đầu của ruột non). Hình dáng dạ dày giống như một cái túi hình chữ J với dung tích chứa được khoảng 2-2,5 lít nước.

Từ trên xuống dưới, dạ dày gồm có: tâm vị, đáy vị, thân vị, hang vị và môn vị.

Sau khi được nghiền nát một phần bằng động tác nhai và được phân hủy một phần nhỏ nhờ các men có trong nước bọt, thức ăn sẽ được đưa xuống qua một ống cơ trơn gọi là thực quản (nằm gần như song song và sau khí quản) và đến dạ dày. Dạ dày là nơi chứa, nghiền nát, nhào trộn thức ăn với dịch vị. Dạ dày cũng hấp thu chất dinh dưỡng tuy nhiên chức năng này là không đáng kể. Sau khi thức ăn được nghiền nát, nhào trộn và thấm dịch vị, chúng sẽ được đưa xuống ruột non để thực hiện công đoạn tiêu hóa và hấp thu cũng như đào thải.

Độ pH rất thấp của dạ dày (từ 2 đến 2,5) không chỉ có tác dụng trong tiêu hóa mà còn có tác dụng trong phòng bệnh. Một số bệnh nhân mắc chứng teo niêm mạc dạ dày không đủ khả năng duy trì một độ pH thấp sẽ dễ mắc các chứng bệnh nhiễm trùng đường ruột vì chính độ pH thấp này là một rào cản hóa học khá hữu hiệu để tiêu diệt các vi sinh vật gây bệnh theo thức ăn đi vào cơ thể. Tuy nhiên nếu độ pH này quá thấp sẽ có tác hại gây loét dạ dày tá tràng. Năm 1982 một loại xoắn khuẩn có tên là Helicobacter Pylori đã được hai bác sĩ người Úc phát hiện. Vi khuẩn này có vai trò cực kỳ quan trọng trong gây bệnh viêm loét cũng như ung thư dạ dày. Chính nhờ phát hiện này mà việc điều trị đã bước sang một kỷ nguyên mới. Phát hiện trên đã được vinh dự nhận giải thưởng Nobel về y học năm 2005.

Bệnh đau dạ dày là một trong những căn bệnh phổ biến nhất về đường tiêu hóa. Bệnh đau dạ dày có rất nhiều dấu hiệu để nhận biết thông qua các biểu hiện bên ngoài của cơ thể. Những dấu hiệu đầu tiên của căn bệnh này là những triệu chứng khó tiêu có thể kể đến như ợ chua, chướng hơi, đầy bụng. Đây là những dấu hiệu dễ nhận biết nhất để người bệnh có thể đi điều trị kịp thời. Bên cạnh các dấu hiệu trên thì còn rất nhiều biểu hiện của căn bệnh này như đau thượng vị, kém ăn, buồn nôn, chảy máu tiêu hóa đều là những biểu hiện đặc trưng nhất của bệnh đau dạ dày.

Triệu chứng

Các triệu chứng của bệnh dạ dày bao gồm:

  • Đau ở thượng vị, có người thì đau bụng [3] âm ỉ nhưng cũng có người lại đau dữ dội. Càng nặng thì càng đau thường xuyên hơn. Đau tức vùng bụng trên là một trong những dấu hiệu điển hình của viêm loét dạ dày giai đoạn đầu. Vùng bụng trên rốn thường xuất hiện những cơn đau bất thường, ngày càng dày và nặng hơn. Thời gian đầu, cơn đau thường xuất hiện khi đói quá hoặc no quá.
  • Cảm giác chướng hơi, đầy bụng, không tiêu hoá được. Đầy bụng trên sau khi ăn là cảm giác có thể biểu hiện bạn bị đau dạ dày ở mức độ nhẹ. Nên theo dõi tình trạng cơ thể mình để phát hiện bệnh sớm, dễ chữa trị. Trong trường hợp để lâu, bệnh tình sẽ trở nên nghiêm trọng, gây ra những biến chứng khó lường.
  • Ợ chua, ợ hơi hoặc có thể ợ ra chất đắng như mật, do sự vận động của dạ dày bị rối loạn làm thức ăn bị khó tiêu dẫn tới lên men và sinh ra hơi. Đây là một triệu chứng bệnh đau dạ dày thường gặp ở các bệnh nhân. Nếu tự nhiên mà bạn bị ợ và chướng bụng liên tục nên đi kiểm tra bác sĩ ngay.
  • Đau dạ dày nhẹ gây buồn nôn - Nôn hay buồn nôn là hiện tượng các thức ăn trong dạ dày bị đẩy ra ngoài qua đường miệng. Đây là triệu chứng đau dạ dày nhẹ thường gặp ở đại đa số người bệnh. Khi thường xuyên buồn nôn hoặc nôn bạn cần lưu ý. Vì nôn làm thức ăn trào ngược từ dạ dày đẩy ra miệng, nguy cơ dẫn đến rách thực quản, tổn thương niêm mạc dẫn đến bệnh đau dạ dày.
  • Có thể nôn ra máu hoặc đi cầu ra máu, do hiện tượng máu thoát ra khỏi thành mạch và chảy vào lòng ống tiêu hóa. Thường là do bệnh loét dạ dày tá tràng, hay ung thư dạ dày.[1]
  • Chảy máu đường tiêu hóa [4]: Chảy máu dạ dày, chảy máu đường tiêu hóa là triệu chứng nặng của bệnh đau dạ dày. Nếu bệnh nhân rơi vào tình huống này mà không được cấp cứu ngay lập tức thì tính mạng sẽ bị đe dọa. Khi người bệnh bị chảy máu dạ dày, sẽ có các triệu chứng như nôn ra máu, đi ngoài ra máu, phân đen… Kèm theo đó là tình trạng người mệt mỏi, chóng mặt, choáng váng thường xuyên do mất máu… Hiện tượng, triệu chứng đau dạ dày này chứng tỏ bạn đang bị viêm loét dạ dày, tá tràng hoặc ung thư dạ dày…
  • Thay đổi thói quen đại tiện: Đầy hơi liên quan với đau bụng, thay đổi các thói quen đại tiện, hoặc giảm cân không giải thích được có thể là một dấu hiệu cho thấy bạn nhiễm một ký sinh trùng gọi là Giardia trong đường ruột.

  1. ^ “Mô”, Wikipedia tiếng Việt, 12 tháng 10 năm 2021, truy cập ngày 23 tháng 10 năm 2021
  2. ^ “Cơ (sinh học)”, Wikipedia tiếng Việt, 11 tháng 8 năm 2021, truy cập ngày 23 tháng 10 năm 2021
  3. ^ “Mô liên kết”, Wikipedia tiếng Việt, 16 tháng 8 năm 2021, truy cập ngày 23 tháng 10 năm 2021

Lấy từ “https://vi.wikipedia.org/w/index.php?title=Dạ_dày&oldid=67922476”