Tại sao cần trợ cấp xuất khẩu

KHI ƯU ĐÃI VÀ TRỢ CẤP TRỞ THÀNH NGUỒN CHỨNG CỨ CHO MỘT THÀNH VIÊN WTO KHỞI KIỆN

ViệtNamchính thức là thành viên của WTO kể từ 17/1/2007, trước đó Luật Thương mại 2005 [LTM] đã có hiệu lực thi hành từ 01/01/2006, còn Luật Đầu tư 2005 [LĐT] và Luật Doanh nghiệp 2005 [LDN] đã có hiệu lực thi hành từ 01/7/2006.

Tại Điều 5 LTM, Điều 5 LĐT và Điều 3 LDN ta đều ghi nhận sự tôn trọng các điều ước quốc tế mà ViệtNamtham gia. Ngoài ra, trong Nghị quyết số 71/2006/QH11 của Quốc hội ngày 30/11/2006 về việc phê chuẩn Nghị định thư gia nhập WTO của Việt Nam có quy định rõ: Trường hợp pháp luật Việt Nam có các điều khoản không thống nhất với các cam kết với WTO thì sẽ sử dụng các cam kết với WTO. Tuy nhiên, trong vòng 3 năm thi hành 3 đạo luật chính nhằm điều chỉnh hoạt động kinh tế nước ta đã cho thấy nếu không khéo thì chính sách thu hút đầu tư có thể là nguồn gây tác động bất lợi đến thương mại quốc tế, mà cụ thể là những vụ kiện gần đây của các nước thành viên WTO đối với một số hàng hóa xuất khẩu từ Việt Nam.

Tại cuộc hội thảo Chính sách ưu đãi đầu tư và các vụ kiện trợ cấp trong WTO Kinh nghiệm của Nhật bản và Hoa kỳ ngày 08/8/2009 tại thành phố Hồ Chí Minh, đã có các bản báo cáo được lần lượt chính thức trình bày như sau:

- Quy định về ưu đãi đầu tư và việc áp dụng tại các quốc gia đang phát triển và doanh nghiệp nhà nước.

- Các cam kết gia nhập WTO của ViệtNamliên quan đến trợ cấp và ưu đãi đầu tư.

- Chính sách ưu đãi đầu tư cho các doanh nghiệp ViệtNamvà vấn đề trợ cấp theo quy định của WTO.

- Chính sách ưu đãi thuế doanh nghiệp tại ViệtNam.

- Kinh nghiệm của Nhật bản về các tranh chấp chống trợ cấp.

- Vấn đề sử dụng trợ cấp của Trung Quốc và việc áp dụng thuế đối kháng.

- Hiện trạng nền kinh tế phi thị trường và những đạo luật bất công tại Mỹ.

Diễn giả gồm các chuyên gia của ĐH Luật TP.HCM, ĐH Nagoya Nhật bản, ĐH Arizona Hoa kỳ, Bộ Tài chính và Bộ Công Thương Việt Nam.

Như chúng ta đã biết, về việc xây dựng và thực thi chính sách kinh tế thương mại, Việt Nam cam kết với WTO rằng:

- Trong quá trình phê chuẩn văn kiện gia nhập, Việt Nam sẽ xác định thể thức thực thi các cam kết [áp dụng trực tiếp hoặc nội luật hóa] và khẳng định nguyên tắc ưu tiên áp dụng các điều khoản trong cam kết quốc tế.

- Việt Nam áp dụng thống nhất các quy định của WTO trên toàn lãnh thổ; các luật, các quy định dưới luật và các biện pháp khác bao gồm các quy định và biện pháp của chính quyền địa phương đều phải tuân thủ các quy định của WTO.

- Các cơ quan tư pháp [cơ quan xét xử] sẽ giữ tư cách độc lập, khách quan khi xét xử các quyết định hành chính thuộc các lĩnh vực mà WTO điều chỉnh.

Nội dung về đầu tư đã được WTO điều chỉnh bởi Hiệp định về Các biện pháp Đầu tư liên quan đến Thương mại [TRIM] với một số biện pháp điển hình về: yêu cầu tỉ lệ nội địa hóa, yêu cầu cân đối xuất/nhập khẩu, yêu cầu phát triển nguồn nguyên liệu trong nước, yêu cầu tự cân đối ngoại tệ; mà các nước đang phát triển được hưởng khoảng thời gian ân hạn để loại bỏ dần trong 5 năm. Nhưng ViệtNamcam kết thực hiện đầy đủ nghĩa vụ quy định tại Hiệp định này ngay tại thời điểm gia nhập WTO mà không yêu cầu thời gian quá độ. Cho nên kể từ 17/1/2007 khi cấp phép đầu tư hay cấp ưu đãi đầu tư, ta không yêu cầu bắt buộc: xuất khẩu đối với một số sản phẩm công nghiệp; về thực hiện chương trình đối với dự án sản xuất, lắp ráp ô tô, xe máy, và các mặt hàng cơ khí, điện, điện tử; đầu tư gắn với phát triển nguồn nguyên liệu trong nước đối với các dự án đầu tư nước ngoài chế biến các sản phẩm: sữa, dầu thực vật, mía đường, gỗ; và cũng không có ưu đãi về thuế nhập khẩu theo tỉ lệ nội địa hoá với các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp hàng cơ khí, điện, điện tử và phụ tùng ô tô.

Các nước thành viên WTO được tự do áp dụng các chính sách sau đây [còn gọi là chính sách hộp xanh lá cây]:

1] Dịch vụ chung: các khoản chi tiêu dành cho công tác nghiên cứu khoa học, đào tạo, khuyến nông, xây dựng kết cấu hạ tầng cho ngành nông nghiệp, kiểm soát dịch bệnh cây trồng, vật nuôi, thông tin và tư vấn trong nông nghiệp.

2] Dự trữ an ninh lương thực quốc gia: Các khoản chi để dự trữ lương thực thực phẩm vì mục đích an ninh lương thực nhưng phải thực hiện mua bán theo giá trị trường.

3] Trợ cấp lương thực, thực phẩm trong các trường hợp thiên tai, cho người nghèo đói.

4] Hỗ trợ giảm nhẹ thiên tai: Các khoản chi phí hỗ trợ cho nông nghiệp trong những vùng bị thiên tai [giống, thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y, san ủi lại đồng ruộng, v.v.]

5] Trợ cấp cho người thu nhập có mức thu nhập dưới mức tối thiểu của Nhà nước quy định.

6] Chương trình an toàn và bảo hiểm thu nhập cho nông dân.

7] Trợ cấp chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp thông qua chương trình trợ giúp nông dân.

8] Trợ cấp chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp thông qua chương trình chuyển đất sang sử dụng mục đích khác.

9] Trợ cấp chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp thông qua chương trình hỗ trợ đầu tư.

10] Chương trình môi trường: Trong trường hợp do yêu cầu đảm bảo cảnh quan môi trường, chi phí sản xuất nông nghiệp phải tăng thêm hoặc sản lượng giảm đi, thì các khoản hỗ trợ đó được dành cho nông dân.

11] Chương trình trợ giúp các vùng khó khăn, kém phát triển: Hỗ trợ dành cho những vùng miền núi, vùng sâu, vùng xa, đồng bào dân tộc, với điều kiện phải xây dựng chương trình cụ thể với các tiêu chí rõ ràng.

Theo Hiệp định về nông nghiệp, WTO cho phép các nước đang phát triển áp dụng các chính sách hỗ trợ khuyến khích sản xuất gọi là Chương trình phát triển, bao gồm:

- Trợ cấp đầu tư: theo các hình thức như cho vay ưu đãi, hỗ trợ sau đầu tư, hỗ trợ lãi suất, v.v.

- Trợ cấp đầu vào cho người nghèo, có thu nhập thấp hoặc nông dân ở các vùng khó khăn: Các hình thức mà các nước thành viên thường dùng là cung cấp miễn phí cho nông dân hạt giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y, v.v.

- Hỗ trợ để chuyển đổi cây thuốc phiện sang cây khác.

Nhưng về trợ cấp xuất khẩu hàng nông sản, thì WTO nghiêm cấm 6 hình thức sau đây:

1. Trợ cấp trực tiếp cho người sản xuất hàng xuất khẩu.

2. Bán thanh lý hàng nông sản dự trữ cho xuất khẩu với giá rẻ.

3. Tài trợ các khoản chi trả xuất khẩu, kể cả phần được tài trợ từ nguồn thu thuế, các khoản được để lại.

4. Trợ cấp cho nông sản dựa theo tỉ lệ xuất khẩu.

5. Trợ cấp để giảm chi phí tiếp thị, kể cả chi phí xử lý, nâng cấp, tái chế sản phẩm, chi phí vận tải quốc tế, cước phí vận chuyển.

6. Ưu đãi về cước phí vận tải trong nước và quốc tế đối với hàng xuất khẩu hơn hàng nội địa.
Chỉ riêng các nước đang phát triển thì được phép áp dụng hai loại trợ cấp sau [5 và 6] mà ViệtNamđã được phép bảo lưu trong giai đoạn thực hiện việc chuyển đổi từ 3 5 năm.

Đối với hàng phi nông nghiệp, ViệtNamcam kết bãi bỏ hoàn toàn các loại trợ cấp bị cấm theo quy định của WTO [trợ cấp gắn với thành tích xuất khẩu và trợ cấp gắn với tỉ lệ nội địa hoá]. Tuy nhiên với các ưu đãi đầu tư dành cho hàng hoá sản xuất xuất khẩu, trừ ngành dệt may, đã cấp trước ngày gia nhập WTO thì nước ta bảo lưu được thời gian quá độ 5 năm.

[Xem thêm: Uỷ ban Quốc gia về Hợp tác Kinh tế Quốc tế [2007]._ Sổ tay về các quy định của WTO và cam kết gia nhập của Việt Nam. pp. 97 - 120]

Như vậy, một khi vi phạm những cam kết nêu trên thì đó sẽ là nguồn chứng cứ để một nước thành viên WTO nhập khẩu hàng hoá nước ta có thể khởi kiện Việt Nam bán phá giá hay vi phạm Hiệp định về chống Trợ cấp và bị xem là đã không thực hiện nghĩa vụ trong thoả thuận ký kết gia nhập WTO. Theo các chuyên gia Nhật bản thì chúng ta cần rút ra những bài học kinh nghiệm từ các vụ kiện liên quan với hàng xuất khẩu từ Trung quốc để có những dự phòng đối phó. Khi xuất khẩu hàng hoá sang một nước thành viên WTO ta có thể gặp trở ngại với lý do bán phá giá hoặc sẽ bị thuế đối kháng, rồi họ sẽ thu thuế nhập khẩu bổ sung một khi có chứng cứ được lượng hoá rằng gây thiệt hại vật chất cho một ngành sản xuất trong nước họ, hoặc làm chậm lại sự phát triển một ngành công nghiệp. Bộ Thương mại của nước nhập khẩu sẽ là cơ quan tiến hành điều tra theo đơn kiện của một số công ty hay hiệp hội ngành nghề liên quan đối với hàng nhập khẩu vào nước họ, ví dụ trong vụ kiện tháng 3/2009 về Túi nhựa đựng hàng bán lẻ mà Việt Nam xuất khẩu Mỹ, đang bị họ xoáy vào các ưu đãi và trợ cấp gồm:

1. Cho vay ưu đãi: đối với các doanh nghiệp xuất khẩu, đối với ngành công nghiệp nhựa.

2. Các chương trình trợ cấp: khuyến khích xuất khẩu, thưởng xuất khẩu, phát triển sản phẩm mới.

3. Các chương trình ưu đãi thuế thu nhập: cho các doanh nghiệp xuất khẩu, cho các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, cho các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài trong các lĩnh vực khuyến khích.

4. Các chương trình miễn thuế nhập khẩu và thuế giá trị gia tăng.

Trong vụ kiện nêu trên đây, các văn bản được viện dẫn bởi nguyên đơn là về Chiến lược [2001-2010] và Quy hoạch [2006-2010] phát triển ngành nhựa VN và một số Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, Nghị định liên quan, mà họ cho là có biện pháp trợ cấp của chính phủ gây thiệt hại vật chất hoặc đe doạ gây thiệt hại vật chất cho ngành sản xuất túi nhựa của Hoa kỳ [!]. Chúng ta thì giải thích rằng chiến lược hay quy hoạch không phải là cơ sở pháp lý, quyết định này đã hết hiệu lực, nghị định kia chưa có thông tư hướng dẫn, v.v. theo kiểu hành chính nhà mình, e rằng đối phương khó thông suốt.

Thông qua nhiều vụ kiện của Hàn quốc đối với Nhật bản, của Hoa kỳ đối với Trung quốc, các chuyên gia Nhật cho rằng khi ta là bị đơn trong các vụ kiện bán phá giá hoặc tranh chấp về trợ cấp, thì điều quan trọng là phải sớm liên hệ và thuê luật sư giỏi, trước khi chính phủ nước ngoài khởi xướng điều tra, bởi vì có chuẩn bị thì vẫn khôn ngoan hơn, phòng bệnh hơn chữa bệnh. Các luật sư được yêu cầu tư vấn trước một vụ kiện cụ thể, họ có thể tư vấn hiệu quả hơn và thông thường lại còn tiết kiệm hơn. Rõ ràng khi bị đơn có nhiều thời gian hơn thì sẽ có chiến lược phòng thủ tốt hơn. Về phía chính phủ của nước có hàng xuất khẩu nên sớm đề cử người phối hợp giải quyết; nếu không thì họ thu thập thông tin từ các nước đang phát triển khác, như Bangladesh, Pakistan để tính giá thành, rồi vì có trợ cấp phi thị trường mà hàng xuất khẩu của nước ta mới bán giá thấp sang nước họ. Chuyên gia Mỹ thì trấn an rằng chỉ khi nào có chứng cứ doanh nghiệp xuất khẩu cụ thể bị điều tra đã nhận được trợ cấp 2% trở lên từ phía chính phủ mình và thiệt hại gây ra cho nước nhập khẩu là 4% trở lên thì thuế đối kháng mới được đưa ra áp dụng.

Nói tóm lại, việc khởi kiện của một nước thành viên WTO đối với hàng hoá xuất khẩu của một nước thành viên khác liên quan đến giá cả sản phẩm có thể phân biệt: trong khi vụ kiện chống bán phá giá đề cập đến sự khác nhau giữa giá bán trong nước và giá xuất khẩu thấp; thì trong tranh chấp chống trợ cấp người ta lại so sánh giá bán trong nước với giá xuất khẩu có bao gồm trợ cấp của chính phủ. Sự tương đồng ở cả hai trường hợp là cơ quan điều tra của nước nhập khẩu phải chứng minh bằng dữ liệu liên quan đến giá cả và sự thiệt hại cho nước nhập khẩu. Theo chuyên gia Mỹ thì chúng ta phải lưu ý đến những khả năng hàng hoá xuất khẩu của Việt Nam nghiêng về tranh chấp trợ cấp dẫn đến bị đánh thuế đối kháng do vi phạm Hiệp định Trợ cấp và Biện pháp Đối kháng 1995 của WTO.


Do đó, những khuyến cáo cho thấy khi ban hành các nghị định, thông tư liên quan đến việc thực hiện luật đầu tư 2005 như vấn đề ưu đãi đầu tư [các điều 32 39], các hỗ trợ đầu tư [các Điều 40- 42] và việc đầu tư kinh doanh vốn Nhà nước vào tổ chức kinh tế [Điều 68], các cơ quan trung ương và UBND cấp tỉnh được phân cấp quản lý dự án đầu tư phải cẩn trọng để không ban hành những văn bản qui phạm pháp luật trở thành nguồn chứng cứ khởi kiện trong tương lai.

Luật sư Tống Quang Minh

Video liên quan

Chủ Đề