Thân chủ đầu tiên review

“My First Client” là bộ phim xoay quanh đề tài bạo lực gia đình, cụ thể là bạo hành trẻ em. Cô bé mười tuổi Da Bin cùng em trai từ nhỏ đã mất mẹ và sống cùng bố – người đàn ông luôn lạnh lùng đã khiến hai đứa trẻ ấy tin rằng chúng “tự dưng mà có” chứ không phải được sinh ra từ tình yêu thương của bố mẹ. Không chỉ là nỗi sợ hãi của một đứa trẻ khi đứng trước người lớn, ở Da Bin còn là sự cảnh giác mỗi khi bố có mặt ở nhà. Ngay từ phân đoạn đầu tiên khi người bố xuất hiện, người xem có thể cảm nhận được cái run rẩy cố đè nén từ một cô bé mười tuổi, có lẽ, không chỉ lạnh lùng, mà người bố này còn có những hành vi đáng sợ mỗi khi cô và em trai làm điều gì đó khiến ông “không vừa mắt”.

Poster My First Client [2019]

Từ những đoạn đầu phim, Da Bin đã khiến cho mình ấn tượng bởi cái vẻ trưởng thành, chín chắn của cô bé. Mới mười tuổi, nhưng cô bé đã kiêm luôn vai trò của một người mẹ. Sau những giờ học ở trên trường, cô bé cùng em trai dạo chơi, rồi về nhà lại bắt tay vào dọn dẹp, nấu ăn, đút cho em ăn… Cô bé ấy rất hiểu chuyện, dù ngày ngày chăm sóc cho đứa em trai, cũng không có thời gian đi chơi với bạn bè hay đến lớp học thêm như các bạn cùng trang lứa, nhưng Da Bin vẫn rất yêu thương em. Cô bé ấy cũng mang trong mình một ước mơ xinh đẹp – trở thành ca sĩ – tự nhủ sau này nổi tiếng nhất định sẽ cùng em trai mình sống thật hạnh phúc.

Nhưng những ngày tháng “êm đềm” ấy trôi rất nhanh. Một ngày, bố trở về nhà cùng với một người phụ nữ – mẹ kế của hai đứa trẻ. Thoạt đầu, mẹ kế cho người ta cái cảm giác về một người phụ nữ dịu dàng, thông minh và nhân ái. Cô chăm sóc cho hai đứa trẻ, tắm rửa cho chúng, nấu ăn cho chúng. Nhưng rồi, người ta mới bàng hoàng nhận ra tất cả yêu thương ấy đều chỉ là lớp vỏ bọc giả dối. Bố và mẹ tiếp tục nuôi dưỡng hai đứa trẻ, chỉ để lấy tiền trợ cấp từ chính phủ và họ hàng.

Thoạt đầu, “người mẹ giả” cho người ta cái cảm giác về một người phụ nữ dịu dàng, thông minh và nhân ái

Sau đó, còn là một chuỗi bi kịch…

Cô bé Da Bin bị người mẹ kế đánh đập, hành hạ. Lần đầu tiên sau cái siết cổ của mẹ, Da Bin tìm đến cảnh sát tìm sự giúp đỡ, nhưng tất cả đều nói cô bé “sai” vì chẳng ai tin lời một đứa bé mười tuổi. Lần thứ hai sau trận đòn đáng sợ của mẹ, cô bé đến tìm cô giáo, nhưng cô quá bận rộn đến nỗi chẳng kịp nghe Da Bin nói một lời. Lần thứ ba sau chuỗi ngày hoảng loạn, Da Bin tìm đến chú – luật sư Jung Yoeb– người lúc này vẫn đang làm việc ở phòng Phúc Lợi Trẻ Em, nhưng vì phải tuân theo những trình tự quy định của pháp luật, anh chẳng thể làm gì ngoài dành thời gian chơi cùng bọn nhỏ. Lần thứ n tiếp theo sau đó, hai đứa trẻ bị đánh đến mức tiếng khóc cùng tiếng va đập vang vọng khắp khu chung cư, nhưng những người hàng xóm chỉ xem đó là “chuyện riêng nhà người ta” mà thản nhiên bước tiếp.

Jung Yoeb đã trở thành niềm hy vọng duy nhất của 2 chị em Da Bin

Sự lạnh lùng của người lớn, hết lần này đến lần khác, bào mòn niềm tin, cũng như hy vọng ai đó cứu giúp mình của Da Bin. Một cô bé Da Bin vui vẻ, tươi sáng với bao ước mơ bây giờ mỗi ngày đều ủ rũ, đau buồn. Một cô bé với suy nghĩ chín chắn đã phải hỏi chú Jung Yoeb “mẹ là cảm giác như thế nào?” Một cô bé mới mười tuổi đã mang trong mình nhận thức “tin tưởng người lớn là sẽ chết”, và trải qua cảm giác “giãy giụa cuối cùng” để được sống tiếp.

Bộ phim lấy đi của mình rất nhiều nước mắt, nước mắt cho nỗi đau của một cô bé có tuổi thơ ám ảnh, cho những vết thương không thể chữa lành trên cơ thể và trong lòng Da Bin. Khóc vì sự lạnh lùng đến vô tâm của “người lớn”, khóc cho sự cầu cứu vô vọng của một đứa trẻ…

Những đứa trẻ không may mắn sinh ra trong một gia đình mà cả bố và mẹ đều vô cùng nhẫn tâm

Có rất nhiều “người lớn” cho rằng, chỉ cần cho bọn trẻ ăn ngon, mặc đẹp, cho chúng đến trường, cho chúng tiền để tiêu vặt… là hoàn thành trách nghiệm của bố mẹ. Nhưng những đứa trẻ cần nhiều hơn thế “bọn trẻ sẽ học cách vui buồn giận hờn và cũng học cách trưởng thành dưới sự quan tâm của người mẹ”.

Khiến mình suy nghĩ nhiều không chỉ là những phân cảnh khi Da Bin phải chịu sự giằng xé nội tâm để lựa chọn nói lên sự thật hay che giấu, mà còn là câu trả lời của người mẹ kế tại tòa “phải có mẹ thì mới biết cảm giác ấy là thế nào chứ”. Điều này, dường như khiến người ta có thể phần nào hiểu và thông cảm trước những hành vi bạo lực mà cô dành cho bọn trẻ. Có lẽ, cô cũng chưa từng có một người mẹ đúng nghĩa, chưa từng được yêu thương vỗ về, chưa từng được mẹ ôm vào lòng hay chăm sóc khi cô đau ốm. Nhìn vào tiền sử của của Da Bin, người ta thấy cô từng dựa vào kiến thức luật để lừa gạt người khác, phải chăng cô đã phải một mình vất vả vật lộn với cuộc sống, hoặc là, cuộc sống cũng chưa từng dễ dàng với cô? Ở một khía cạnh nào đó, không phải cô không muốn đối xử tốt với bọn trẻ mà là cô không biết cách nên làm thế nào để trở thành một người mẹ tốt.

Rồi mình lại chợt nhớ đến bố của nhân vật Montgomery de la Cruz. Trong Season 3 của bộ phim “13 reasons why”, khi đến thăm Montgomery trong trại giam, bố của cậu không những chẳng an ủi hay thương cảm cho con trai, mà còn phun nước miếng vào mặt và nói những lời sỉ nhục khi biết con mình là gay.Lúc Montgomery phản kháng lại, ông cũng có phản ứng tương tự như mẹ kế của Da Bin, ông chưa từng có một người bố đúng nghĩa. Câu chuyện kết thúc khi Montgomery chết trong trại giam vài ngày sau đó.

Montgomery de la Cruz là một cậu bé không dám sống đúng với bản ngã của mình, luôn phản kháng bằng cách bắt nạt người khác

Vậy nên, phải chăng mọi thứ đều như hiệu ứng domino, một người không có bố, sau này không thể trở thành một người bố tốt, một người chưa từng được mẹ yêu thương, sẽ không biết làm thế nào để chăm sóc con cái mình? Điều này chẳng hoàn toàn đúng với tất cả mọi trường hợp, nhưng không phải không có khả năng xảy ra, thậm chí [có thể] chiếm phần lớn trong tổng thể ấy.

Mình không biết nên viết về phim này như thế nào mới diễn tả hết được cái buồn và tuyệt vọng, cùng những sự thật trần trụi trong thế giới mà chúng ta đang sống. Thật sự rất ngưỡng mộ các đạo diễn Hàn Quốc vì họ luôn có cách khai thác thật sâu nội tâm con người. Và mong rằng sau phim này, nhiều người sẽ “thức tỉnh” mà yêu thương và trân trọng trẻ em hơn. Hãy cho chúng sống một cuộc sống mà chúng nên có, và trải qua tuổi thơ với những mơ mộng màu hồng, chứ không phải bằng những vết thương thể xác và tinh thần vĩnh viễn không thể xóa bỏ.

Ảnh: phimoi.net

Ảnh: phimoi.net

Phim: My First Client [Thân chủ đầu tiên]

Đạo diễn: Jang Gyu-Sung
Quốc gia: Hàn Quốc,
Năm: 2019
Thời lượng: 114 phút
Thể loại: Phim hình sự – tâm lý

Chủ Đề