Trách nhiệm cá nhân là gì

Đã có không ít những câu như thế này tại các Hội nghị Tổng kết trước những yếu kém tồn tại: “Chúng tôi [ban lãnh đạo cơ quan] xin thành thật nhận khuyết điểm và nghiêm túc rút kinh nghiệm”! Nhưng “chúng tôi” cụ thể là ai, nhận trách nhiệm thế nào và rút kinh nghiệm ra sao vẫn mãi là một ẩn số như cố Bí thư Đã Nẵng Nguyễn Bá Thanh từng châm biếm “sợi dây kinh nghiệm dài tới mức nào mà rút hoài không hết”.

Tại Diễn đàn Thực hiện Mục tiêu phát triển Bền vững tổ chức ngày 7/4 vừa qua, bà Phạm Chi Lan đã thẳng thắn phát biểu: “30 năm vừa qua, Việt Nam đã cố gắng rất nhiều, có tốc độ tăng trưởng cao nhưng chỉ đủ để ra khỏi ngưỡng nghèo và bước vào ngưỡng trung bình thấp”. Chỉ ra một trong những nguyên nhân và hướng xử lý, vị nữ chuyên gia kinh tế nổi tiếng trăn trở: “Suy cho cùng, muốn đạt được những điều trên phải cải cách thể chế. Trong thể chế, chúng tôi nhấn mạnh đến năng lực dễ dẫn dắt đất nước phát triển. Nhà nước phải có trách nhiệm giải trình trước dân. Có nghĩa là phải có ai đó, có tên tuổi, có đơn vị chịu trách nhiệm về quyết định của mình gây ra những vấn đề cho đất nước. 30 năm vừa qua có rất nhiều vấn đề, ví dụ như môi trường, ai chịu trách nhiệm đây? Bộ Tài nguyên Môi trường ư? Đây là một khái niệm chung chung. Hay cả những vụ tham nhũng nhưng ai là người chịu trách nhiệm, phần nhiều xử lý chỉ ở cấp thấp nhưng những vấn đề nghiêm trọng phải xử lý ở cấp cao hơn...”.

Khi trách nhiệm cá nhân được nghiêm chỉnh thực thi sẽ tránh được sự ỷ lại, tranh công đổ lỗi của người đứng đầu. Mặt khác, mọi quyết sách được ra nhanh chóng, tránh được việc “bàn” có khi lỡ mất cơ hội. Bí thư Thành ủy TP.HCM Đinh La Thăng khi mới nhậm chức Bộ trưởng GTVT cũng đã thẳng thắn “đòi” được toàn quyền và chịu trách nhiệm với cương vị “Tư lệnh ngành” được nhân dân thông cảm và đồng tình. Trách nhiệm cá nhân được làm rõ cũng là cách đánh giá chính xác năng lực người đứng đầu và đòi hỏi bản lĩnh, tâm huyết cũng như trí tuệ của cán bộ lãnh đạo. Những quyết định tức thời, tại chỗ của Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cũng thể hiện rất rõ trách nhiệm cá nhân, phẩm chất cần thiết của người đứng đầu, lãnh đạo, quản lý một lĩnh vực rộng lớn và phức tạp trong đời sống xã hội được dân đồng tình.

Thiếu trách nhiệm cá nhân trong vị trí công việc mình đảm nhận sẽ sinh ra việc đùn đẩy, đá qua lại như chuyền bóng sang cơ quan khác, bộ phận khác để rồi không ít chuyện kết cục bằng việc… chờ kết luận của Thủ tướng như báo chí đã thông tin. Rõ ràng là trách nhiệm cá nhân trong guồng máy quản lý hiện nay chưa được phát huy. Mọi việc cứ chờ “trên” vậy sinh ra lãnh đạo cấp dưới làm gì?

Hệ lụy của việc thiếu trách nhiệm cá nhân sẽ dẫn  đến tình trạng tụt hậu của đất nước. 30 năm qua, Việt Nam được biểu dương thực hiện khá tốt 8 mục tiêu thiên niên kỷ, có tốc độ xóa đói giảm nghèo nhanh nhưng 66% dân số vẫn cận nghèo trong khi như Hàn  Quốc cùng một thời gian 30 năm nhưng họ đã từ một nước nghèo thành một nước giàu.

Trách nhiệm cá nhân không phải là sự chuyên quyền độc đoán, phớt lờ trí tuệ tập thể mà trái lại, khi trách nhiệm cá nhân được quy định rõ ràng thì người lãnh đạo đứng đầu càng cầu thị hơn, lắng nghe nhiều hơn bởi mọi sự thành bại đều có địa chỉ cụ thể chịu trách nhiệm chứ không mơ hồ trong khái niệm “tập thể”.

Khi năng lực thật sự được thể hiện qua trách nhiệm cá nhân, những vấn nạn trong xã hội như chạy chức, chạy quyền chắc chắn sẽ giảm nhiều. Và để làm rõ được trách nhiệm cá nhân, phải có một cơ chế dân chủ cho tập thể, nhân dân đánh giá trong sự công khai và minh bạch.


Lưu Thủy

Sổ tay xây dựng Đảng 5/2016

Thứ Ba, ngày 5 tháng 4 năm 2022

Ý kiến đảng viên

Về tinh thần trách nhiệm

Cập nhật: 15:35 16-05-2016

Khi nói về chất lượng nguồn nhân lực hay bàn về đạo đức, tài năng của cán bộ, đảng viên, công chức nhà nước…, nhiều người thường phân tích và nhấn mạnh yếu tố năng lực, trình độ chuyên môn, kỹ năng làm việc… mà ít phân tích lưu ý nhiều đến tinh thần trách nhiệm của cá nhân và tổ chức.

Trách nhiệm là thuộc phạm trù đạo đức, nhân cách, một yếu tố gốc, quan trọng bậc nhất của đạo đức, nhân cách. Tinh thần trách nhiệm nhiều khi còn được đánh giá cao hơn trình độ, năng lực cá nhân. Trách nhiệm vẫn là vấn đề cần nghiên cứu, đánh giá cán bộ, công chức và tất cả chúng ta, những người lao động, hoạt động. Vì vậy, vấn đề này cần hiểu thật sâu sắc, thật sự thấm nhuần và cụ thể hóa, chế độ hóa đầy đủ, cụ thể.

Cùng với động cơ hoạt động là tinh thần trách nhiệm trong công việc, trách nhiệm với bản thân, với gia đình, với đơn vị mình công tác, trách nhiệm đối với cộng đồng, xã hội, trách nhiệm với quê hương, đất nước. Chính trách nhiệm - ý thức trách nhiệm, tinh thần trách nhiệm, hành động có trách nhiệm là nhân tố có tính quyết định trong hoạt động thực tiễn của con người. Có trách nhiệm thì bản thân mình sẽ thúc đẩy mình tự vươn lên học tập nâng cao trình độ, năng lực công tác, sẽ có sáng kiến và rèn luyện kỹ năng công tác - những nhân tố ảnh hưởng đến chất lượng, hiệu quả công việc và hoạt động của mỗi người nói riêng và nguồn nhân lực nói chung.

Nhưng có thể nói chất lượng công việc, hiệu quả công tác, hoạt động ấy trước hết phụ thuộc vào động cơ, nhất là tinh thần trách nhiệm của cá nhân mỗi người, nhất là người đứng đầu – người có trọng trách lớn nhất trong cơ quan, đơn vị. Quyền hạn, nghĩa vụ luôn gắn liền với trách nhiệm, quyền hạn càng cao, nghĩa vụ càng lớn thì trách nhiệm cũng phải tương đương.

Nhưng cái gì tạo ra trách nhiệm? Đó là động cơ trong sáng của cá nhân, là sự tự giác, giác ngộ về nhiệm vụ được giao và ý nghĩa xã hội của nó, là những quyền hạn của cá nhân khi được tổ chức xác định, giao phó. Ta thấy những gương người tốt việc tốt, những người tử tế… là những người không chỉ có động cơ trong sáng mà còn là người có tinh thần trách nhiệm rất cao. Vấn đề là trách nhiệm cao, thấp, trung bình ở mỗi người ra sao?

Vậy yếu tố nào cấu thành trách nhiệm, tinh thần trách nhiệm? Phải chăng đó là phải thật sự biết đặt lợi ích của tập thể, của xã hội lên trên lợi ích cá nhân, không vụ lợi? Đó là đã nhận nhiệm vụ, đã có quyền hạn thì phải thực hiện tốt nhất công việc ấy về cả số lượng, chất lượng, hiệu quả. Đó là phải làm việc đến cùng cho nó hoàn tất, thành công, tránh mọi sai sót, tránh hậu quả xấu có thể xảy ra. Đó không chỉ là nhiệt tình trong công việc mà còn là sự quyết tâm vượt qua mọi trở ngại, tìm mọi giải pháp để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

Có thể nói bốn yếu tố cấu thành nội hàm của tinh thần trách nhiệm, hành động có trách nhiệm này là thuộc phạm trù đạo đức nhưng cũng bao hàm một phần phạm trù tài năng. Đó chính là những tiêu chí quan trọng để đánh giá một người, một cá nhân có tinh thần trách nhiệm hay không, tinh thần trách nhiệm cao thấp như thế nào?

Tinh thần trách nhiệm trong công việc và trong mọi hoạt động nói chung có nhiều lĩnh vực.

Trước nhất là trách nhiệm với bản thân. Đó là làm gì cũng không để ảnh hưởng xấu đến uy tín, thương hiệu bản thân mình; không gây tổn thương cho lòng tự trọng của mình; làm gì cũng phải có lương tâm; làm gì cũng phải thể hiện hết năng lực của mình… Nhưng khi cần phải biết chịu thiệt thòi cá nhân cho lợi ích xã hội.

Thứ hai là trách nhiệm đối với cơ quan đơn vị mình. Đó là phải tích cực xây dựng hình ảnh tốt đẹp cho đơn vị; là phải hoàn thành tốt nhất trên cương vị công tác của mình; là phải vì lợi ích của đơn vị hơn là lợi ích cá nhân mình…

Thứ ba là trách nhiệm xã hội, trách nhiệm công dân, cũng có phần tương tự như vậy, nhưng nó bao quát nội dung là có trách nhiệm với bản thân, với đơn vị mình như thế nào thì cũng phải có ý thức trách nhiệm với xã hội như vậy.

Thứ tư là trách nhiệm trong nhiệm vụ trong công việc chuyên môn được giao.

Chúng ta hay đề cập tình trạng vô trách nhiệm, thiếu trách nhiệm của cán bộ, công chức, hay nhân viên nào đó. Ai cũng cảm nhận được điều này nhưng cụ thể, nó biểu hiện ra sao? Tình trạng vô trách nhiệm, thiếu trách nhiệm, chẳng hạn, đó là thái độ lơ là trong công việc, thấy đúng không bảo vệ, thấy sai không phê phán, thấy kẻ xấu không lên án, thấy người bị tai nạn không tìm cách giúp đỡ, cứu chữa, thấy việc không đúng nhưng không ngăn cản, đấu tranh, bất chấp hậu quả thế nào cho cộng đồng… Hoặc làm việc thì nhường khó cho người khác, lấy thuận lợi cho mình, thi hành công vụ thì đẩy khó cho dân, gây khó cho dân, hoặc cứ đùn đẩy trách nhiệm cho nhau giữa các cơ quan nhà nước với nhau…

Hiện nay, đối với người cán bộ, đảng viên, công chức nhà nước, đoàn thể chính trị - xã hội, cần phải làm rõ vấn đề cam kết trách nhiệm, quy trách nhiệm cá nhân. Thường khi giao nhiệm vụ, quyền hạn thường có gắn liền với trách nhiệm. Nhưng thực tế cũng cho thấy là giữa nhiệm vụ, quyền hạn với trách nhiệm thì thường trách nhiệm ít được cụ thể hóa hơn. Từ đó, sinh ra “bệnh chung chung” hay “bệnh trốn trách nhiệm”, nên khi có vấn đề thì quy trách nhiệm cá nhân thường là khoảng trống hay còn khá khó khăn hoặc chưa nghiêm, chưa trung thực. Cần thực hiện chế độ cam kết bằng văn bản về trách nhiệm cá nhân người đứng đầu, có như vậy thì việc quy trách nhiệm mới khả thi. Nhưng trước hết, đó là một sức ép, một động lực để người đứng đầu thực thi thật sự trách nhiệm của mình gắn với nhiệm vụ quyền hạn được giao, không còn lơ là, trốn tránh trách nhiệm cá nhân hay đổ lỗi cho nhau nữa.

Để nâng cao tinh thần trách nhiệm cho mỗi cá nhân trong yêu cầu hình thành nhân cách và hoàn thành các nhiệm vụ công dân, nhiệm vụ công chức, viên chức… cần có nội dung cụ thể và phương pháp giáo dục về tinh thần trách nhiệm, dám làm dám chịu trách nhiệm từ khi con người còn niên thiếu trong gia đình và ở trường học, rồi sau này là trong các tổ chức, trong xã hội. Đồng thời, phải có cơ chế, quy định cụ thể, rõ ràng và ràng buộc trách nhiệm cá nhân, nhất là người đứng đầu trong hệ thống chính trị, hệ thống công quyền. Phải thực sự đổi mới, cải cách trong lĩnh vực và phương diện này.

Công tác xây dựng Đảng không chỉ về tư tưởng chính trị, tổ chức bộ máy, đội ngũ cán bộ mà cả về mặt đạo đức, lối sống, trong đó cần nêu cao nội dung tinh thần trách nhiệm, ý thức trách nhiệm của cá nhân và của tổ chức, nhất là người đứng đầu.

Văn kiện Đại hội XII của Đảng đã nhấn mạnh: Tiếp tục đổi mới bộ máy của Đảng và hệ thống chính trị theo hướng tinh gọn, nâng cao hiệu lực, hiệu quả lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành. Đổi mới, kiện toàn tổ chức bộ máy phải gắn với hoàn thiện chức năng, nhiệm vụ, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức; xác định rõ quan hệ giữa tập thể lãnh đạo với cá nhân phụ trách; quyền hạn đi đôi với trách nhiệm và đề cao trách nhiệm của người đứng đầu.

Nhưng trước hết, bản thân mỗi người, mỗi công dân cũng cần xác định cho mình, xây dựng cho mình về trách nhiệm cá nhân đối với công việc, nhiệm vụ được giao và trách nhiệm xã hội [có cái không ai giao cả nhưng tự lương tâm mình phải làm] qua đó mà trưởng thành về nhân cách và thành công trong sự nghiệp, cũng như trong trọng trách, nghĩa vụ và quyền hạn quyền lợi của công dân của một xã hội dân chủ - pháp quyền văn minh, nhân văn.

Con người trưởng thành không chỉ về thể xác, hay về trình độ nhận thức, học vấn mà quan trọng hơn là trưởng thành về nhân cách, nhất là về ý thức trách nhiệm, tinh thần trách nhiệm. Ý thức trách nhiệm, tinh thần trách nhiệm càng cao càng chứng tỏ sự trưởng thành thật sự về con người về nhân cách. Hơn nữa chính nhờ sự trưởng thành, định hình về tinh thần trách nhiệm, về đạo đức và nhân cách mà ta có thể tự tin về sự thành công trong công việc, trong sự nghiệp dù khó khăn gian khó như thế nào.

TS. HỒ BÁ THÂM

tin khác

  • Một số kết quả của chương trình nâng cao chất lượng giáo dục đại học, cao đẳng trên địa bàn TPHCM
  • Công tác binh vận góp phần "Đánh cho Mỹ cút, đánh cho Ngụy nhào"
  • “Tôi học Bác ở sự gắn bó, hết lòng với nhân dân”
  • Lan tỏa một tấm gương
  • Giải đáp về thủ tục kết nạp Đảng
  • Nhớ ngày giải phóng Phước Lý
  • Một số giải pháp nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ
  • Công tác xây dựng Đảng ở một đơn vị anh hùng
  • Đảng bộ Trung tâm Quản lý đường hầm sông Sài Gòn Chú trọng công tác xây dựng Ðảng, lãnh đạo hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị
  • Tăng cường công tác quản lý đảng viên trong Ðảng bộ thành phố [*]
  • Chi bộ Bệnh viện quận 10: Học tập Bác Hồ là chăm sóc tốt hơn cho người bệnh
  • Bảo tàng Hồ Chí Minh - Chi nhánh TP.HCM: Nơi giúp người dân miền Nam gần Bác hơn…
  • Tư tưởng Hồ Chí Minh về trường học lớn Thanh niên xung phong
  • Chú trọng phát triển nông nghiệp đô thị có mũi nhọn
  • Tiếp tục đổi mới vì sự phát triển nhanh và bền vững đất nước
  • Vai trò của Bí thư Chi bộ trong việc thực hiện phòng, chống những biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, "tự diễn biến", "tự chuyển hóa"
  • Nhật ký Trường Sa
  • Những dấu ấn quan trọng của Quốc hội khóa XIII
  • Chất lượng đại biểu

Chia sẻ bài viết qua Email

Bài viết:

Sai mã bảo mật!

Thông báo

Video liên quan

Chủ Đề