vai trò của quy luật phủ định của phủ định trong phép biện chứng duy vật là gì?

Ảnh minh họa: internet

Quy luật phủ định của phủ định

Phép biện chứng xuất hiện từ thời cổ đại đến nay đã trải qua nhiều giai đoạn và hình thức khác nhau, nổi bật nhất là ba hình thức: Phép biện chứng sơ khai thời cổ đại, phép biện chứng duy tâm trong triết học cổ điển Đức và phép biện chứng duy vật của chủ nghĩa Mác. Trong đó, phép biện chứng duy vật của chủ nghĩa Mác được coi là hình thức “hoàn bị nhất, sâu sắc nhất và không phiến diện”. Phép biện chứng duy vật ra đời trên cơ sở kế thừa và phát triển sáng tạo những hạt nhân hợp lý trong lịch sử tư tưởng triết học nhân loại. Ph. Ăng-ghen đã định nghĩa: “Phép biện chứng [..] là môn khoa học về những quy luật phổ biến của sự vận động và phát triển của tự nhiên, xã hội và tư duy” [1]. Trong phép biện chứng duy vật có bao hàm ba quy luật phổ biến về sự vận động, phát triển của tự nhiên, xã hội và tư duy đó là quy luật chuyển hóa từ những sự thay đổi về lượng dẫn đến sự thay đổi về chất và ngược lại, quy luật thống nhất và đấu tranh giữa các mặt đối lập và quy luật phủ định của phủ định. Nếu như quy luật chuyển hóa từ những sự thay đổi về lượng dẫn đến sự thay đổi về chất và ngược lại chỉ ra cách thức của sự phát triển, quy luật thống nhất và đấu tranh giữa các mặt đối lập chỉ ra nguyên nhân và động lực bên trong của sự phát triển thì quy luật phủ định của phủ định có vai trò quan trọng trong việc chỉ ra con đường phát triển của các sự vật, hiện tượng diễn ra trong tự nhiên, xã hội và tư duy.

“Phủ định của phủ định” với tư cách là một quy luật cơ bản của phép biện chứng lần đầu được trình bày trong cuốn “Khoa học Logic” của Ph. Hê-ghen. Các nhà kinh điển Mác - Lê-nin đã chỉ ra rằng, quy luật phủ định của phủ định là sự phỏng đoán thiên tài về nhịp điệu và hình thức của sự phát triển biện chứng của tự nhiên, xã hội và tư duy. Tuy nhiên, quy luật này được xây dựng trên cơ sở duy tâm khách quan và theo công thức “ba đoạn” một cách máy móc với Chính đề - phản đề - hợp đề. V. I. Lê-nin đã nhận xét, “công thức ba đoạn ấy thể hiện tính chất nhân tạo, sự điều hòa mâu thuẫn, tính cứng nhắc, là mặt bên ngoài nông cạn của triết học Hê-ghen” [2]. Ph. Hê-ghen đã xếp đặt mọi quá trình vào công thức “ba đoạn” và biến tam đoạn thức của mình thành một sơ đồ phổ biến, khuôn các hiện tượng của tự nhiên, xã hội vào cái sơ đồ tam đoạn thức đó. C. Mác và Ph. Ăng-ghen đã tiếp thu cái hạt nhân hợp lý trong phép biện chứng của Ph. Hê-ghen và cải tạo một cách duy vật phép biện chứng đó, giải phóng phép biện chứng, trong đó có quy luật phủ định của phủ định khỏi hình thức thần bí và tính chất cứng nhắc trong triết học của Ph. Hê-ghen. Đồng thời, khẳng định quy luật phủ định của phủ định là “một quy luật phát triển của tự nhiên, của lịch sử và của tư duy vô cùng phổ biến và chính vì vậy có một tầm quan trọng và có tác dụng vô cùng to lớn” [3]. Quy luật phủ định của phủ định đã chỉ ra khuynh hướng, con đường phát triển của các sự vật và hiện tượng. Phủ định biện chứng là một quá trình khách quan, tự thân, là quá trình kế thừa cái tích cực đã đạt được từ cái cũ. Quá trình phủ định của phủ định tạo thành sự vận động và phát triển không ngừng, mang tính chu kỳ của thế giới khách quan. Trải qua một số lần phủ định, sự vật, hiện tượng dường như lặp lại những giai đoạn đã qua trên cơ sở mới, cao hơn. Thông qua quy luật phủ định của phủ định, ta thấy, sự phát triển của sự vật, hiện tượng không phải là một quá trình đồng nhất tuyệt đối, có thể tiến hết bước này đến bước khác theo bậc thang từ thấp đến cao liên tục, mà là một quá trình mâu thuẫn giữa cái khẳng định và phủ định, giữa cũ và mới. Sự phát triển phải trải qua nhiều giai đoạn, trong đó bao hàm cả những bước đi thụt lùi, quanh co. Đây chính là nét đặc trưng cơ bản về tính biện chứng trong sự phát triển. Ph. Ăng-ghen đã khẳng định rằng, “phát triển là phát triển bằng mâu thuẫn hoặc phủ định của phủ định - phát triển theo hình xoáy ốc” [4]. Như vậy, phát triển không đi theo đường thẳng mà theo đường “xoáy ốc”. “Tính chất xoáy ốc của sự phát triển không chỉ giả thiết phải có một hướng tiến bộ chung mà có cả sự vận động thụt lùi tạm thời, khả năng có những đường ngoằn ngoèo trong quá trình phát triển có sự kết hợp giữa tiến bộ và thoái bộ…” [5].

Con đường phát triển của Việt Nam và sự vận dụng lý luận Mác - Lê-nin trong bối cảnh hiện nay

Việc nghiên cứu quy luật phủ định của phủ định có vai trò hết sức quan trọng đối với con đường phát triển ở Việt Nam hiện nay. Dưới ngọn cờ lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam trên nền tảng chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, con đường phát triển của Việt Nam không gì khác là độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội. Tuy nhiên, để có thể thực hiện thành công mục tiêu này, chúng ta cần hiểu đúng về con đường của sự phát triển. Con đường của sự phát triển là con đường quanh co phức tạp, không phải theo đường thẳng mà theo đường xoáy ốc, có bao gồm cả sự tha hóa, những bước rút ngắn và bỏ qua. Chỉ có nhận thức đúng về con đường của sự phát triển, chúng ta mới có thể tìm ra được những giải pháp đưa đất nước vượt qua những thách thức để bứt lên tiến kịp và tiến cùng thời đại.

Con đường phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam không phải là con đường thẳng, bằng phẳng mà theo đường xoáy ốc quanh co, phức tạp.

Quá trình xây dựng chủ nghĩa xã hội ở nước ta là một quá trình lâu dài, khó khăn, nhiều thử thách. Đảng ta khẳng định, thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta “là một quá trình cách mạng sâu sắc, triệt để, đấu tranh phức tạp giữa cái cũ và cái mới nhằm tạo ra sự biến đổi về chất trên mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, nhất thiết phải trải qua một thời kỳ quá độ lâu dài với nhiều bước phát triển, nhiều hình thức tổ chức kinh tế, xã hội đan xen” [6]. Theo sự khái quát của Đảng, thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội là một quá trình cách mạng sâu sắc, triệt để, đấu tranh phức tạp giữa cái cũ và cái mới. Trong thời kỳ quá độ, ở nước ta sẽ diễn ra sự biến đổi mang tính chất bản chất, căn bản và toàn diện ở tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội; và quá trình đó phải diễn ra lâu dài với nhiều bước phát triển. Đó là do, đất nước ta mới trải qua hai cuộc chiến tranh nên mọi lĩnh vực của đời sống xã hội đều bị tàn phá, chưa qua thời kỳ phát triển tư bản chủ nghĩa nên hầu như chưa có những tiền đề thực tiễn cơ bản cho sự ra đời của chủ nghĩa xã hội, hệ thống chủ nghĩa xã hội thế giới tan rã và phong trào xã hội chủ nghĩa và công nhân quốc tế đang ở thời kỳ thoái trào. Bên cạnh đó, các thế lực thù địch luôn chống phá, tìm cách xóa bỏ chủ nghĩa xã hội. Khi cái mới và cái cũ còn hiện hữu đầy mâu thuẫn, quá trình đấu tranh giữa tiến bộ và lạc hậu, giữa tư tưởng tập thể và tư tưởng cá nhân ích kỷ, hẹp hòi, khi tiềm lực kinh tế còn chưa đủ mạnh, những tiêu cực trong xã hội và trong Đảng vẫn còn thì những tồn tại, những khó khăn và thách thức này dẫn đến một cuộc khủng hoảng kinh tế, xã hội kéo dài. Biểu hiện rõ nhất là sản xuất trì trệ, lạm phát tăng nhanh, công ăn việc làm thiếu, đời sống nhân dân gặp nhiều khó khăn, lòng tin của dân đối với sự lãnh đạo của Đảng và sự điều hành quản lý của Nhà nước giảm sút. Đây chính là những bước lùi tương đối trong quá trình phát triển cũng như xây dựng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam. Nhận thức được những sai lầm và hạn chế trong đường lối, chủ trương của mình, Đảng ta đã đưa ra đường lối đổi mới toàn diện đất nước trong Đại hội VI của Đảng [năm 1986]. Đại hội này đã đánh dấu bước ngoặt trong sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, đưa nước ta thoát ra khỏi sự khủng hoảng, ngày càng phát triển. Như vậy, thực tiễn lịch sử đã chứng minh, con đường phát triển của Việt Nam là một con đường dài, với nhiều bước đi, nhiều giai đoạn, trong đó có cũng cả những bước lùi tương đối.

Con đường phát triển của Việt Nam hiện nay có thể còn bao gồm cả sự rút ngắn và bỏ qua.

Sự rút ngắn trong con đường phát triển hoàn toàn có thể thực hiện được nếu có những điều kiện thích hợp. Ngày nay, khoa học - công nghệ phát triển nhanh chóng cùng với quá trình toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng đã có tác động mạnh mẽ đến quá trình phát triển kinh tế, xã hội của các quốc gia, trong đó có Việt Nam. Để đáp ứng được nhu cầu hội nhập quốc tế, các quốc gia tiến hành điều chỉnh chiến lược phát triển theo hướng tăng cường liên kết, vừa hợp tác, vừa cạnh tranh, nhất là trong các lĩnh vực như thương mại, đầu tư, nhân lực, khoa học - công nghệ,... Dưới sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước, tiến trình hội nhập quốc tế của Việt Nam ngày càng sâu rộng, nhất là hội nhập trong lĩnh vực kinh tế. Thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ngày càng được hoàn thiện. Chúng ta đã thiết lập được nhiều quan hệ đối tác chiến lược về kinh tế, như: tham gia đóng góp và xây dựng Cộng đồng ASEAN; hoàn thiện thị trường trong nước đầy đủ hơn theo cam kết Tổ chức Thương mại Thế giới [WTO]; tham gia ký kết nhiều hiệp định thương mại tự do đa phương và song phương; tham gia đàm phán Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương [TPP]... Như vậy, để đáp ứng được yêu cầu của sự phát triển, yêu cầu của hội nhập quốc tế, không bị tụt hậu với thế giới, chúng ta đã mở cửa để hội nhập. Đây cũng chính là điều kiện và cơ hội để ta có thể có những bước nhảy vọt trong sự phát triển về kinh tế - xã hội, từ đó rút ngắn con đường phát triển của mình.

Trên cơ sở vận dụng và phát triển lý luận của chủ nghĩa Mác - Lê-nin và những điều kiện thực tiễn của Việt Nam, Đảng ta luôn kiên định lựa chọn con đường tiến lên chủ nghĩa xã hội, bỏ qua chế độ tư bản chủ nghĩa. Điều này được Đảng ta thể hiện rất rõ tại Đại hội VI của Đảng [năm 1986], Đảng ta khẳng định: từ chủ nghĩa tư bản lên chủ nghĩa xã hội phải trải qua thời kỳ quá độ lâu dài là một tất yếu khách quan. Thời kỳ quá độ ở nước ta do tiến thẳng lên chủ nghĩa xã hội từ một nền sản xuất nhỏ, bỏ qua giai đoạn phát triển tư bản chủ nghĩa, đương nhiên phải lâu dài và rất khó khăn. Đến Đại hội VII của Đảng [năm 1991], Đảng ta khẳng định: Nước ta quá độ lên chủ nghĩa xã hội, bỏ qua chế độ tư bản chủ nghĩa. Đến các Đại hội VIII, IX, X của Đảng, mặc dù có nhiều sự bổ sung và điều chỉnh, nhưng nhìn chung, về cơ bản, Đảng ta đều nhất quán với Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội được Đại hội VII thông qua. Dù lựa chọn con đường tiến lên chủ nghĩa xã hội, bỏ qua chế độ tư bản chủ nghĩa nhưng nhìn vào thành tựu to lớn sau 30 năm đổi mới, chúng ta thấy được sự đúng đắn, hợp lý trong việc lựa chọn con đường phát triển của Đảng ta. Như vậy, khi nhìn nhận và đánh giá về sự phát triển thì chúng ta không chỉ thấy sự phát triển theo đường thẳng, đi lên theo bậc thang từ thấp đến cao, mà còn phải thấy được những bước rút ngắn, bỏ qua khi có điều kiện thích hợp.

V. I. Lê-nin đã từng nói, “Cho rằng lịch sử thế giới phát triển đều đặn không va vấp, không đổi khi nhẩy lùi những bước rất lớn là không biện chứng, không khoa học, không đúng về lý luận” [7]. Con đường phát triển của Việt Nam chắc chắn cũng không nằm ngoài quy luật vận động chung này./.

Nguyễn Thị Ngọc - Trường Đại học Y Hà Nội

--------------------------

[1] C. Mác và Ph. Ăng-ghen: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2004, t. 20, tr. 201

[2] V. I. Lê-nin: Toàn tập, Nxb. Tiến bộ, Mát-xcơ-va, 1989, t. 29, tr. 249

[3] Ph. Ăng-ghen, Chống Duyrinh, Nxb. Sự thật, 1981, tr. 249

[4] Ph. Ăng-ghen, Biện chứng của tự nhiên, Nxb. Sự thật, 1981, tr. 6

[5] Lịch sử phép biện chứng, Nxb. Chính trị quốc gia, 1998, tập V, tr. 482

[6] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr. 70

[7] V. I. Lê-nin: Toàn tập, Nxb. Tiến bộ, Mát-xcơ-va, 1981, tr. 8

Theo: tapchicongsan.org.vn

Video liên quan

Chủ Đề