Vấn đề cơ bản của lịch sử các học thuyết kinh tế

GIỚI THIỆU

Mục đích , yêu cầu

Nắm được đối tượng nghiên cứu của môn học, phân biệt với môn kinh tế chính trị Mác – Lênin và các môn học kinh tế khác. Nắm được các phương pháp chủ yếu vận dụng để nghiên cứu của môn học . Nhận thức được ý nghĩa và sự cần thiết phải nghiên cứu môn lịch sử các học thuyết kinh tế.

Nội dung chính

- Đối tượng nghiên cứu của môn lịch sử các học thuyết kinh tế.

- Phương pháp nghiên cứu: Phương pháp biện chứng duy vật, phương pháp lôgíc kết hợp với lịch sử và một số phương pháp cụ thể khác.

- Chức năng và ý nghĩa của việc nghiên cứu môn lịch sử các học thuyết kinh tế.

Nội Dung

Đối tượng nghiên cứu của môn lịch sử các học thuyết kinh tế

Một số khái niệm

Cần nắm vững và phân biệt một số khái niệm sau:

Tư tưởng kinh tế : Là những quan hệ kinh tế được phản ánh vào trong ý thức của con người, được con người quan niệm, nhận thức, là kết quả của quá trình nhận thức những quan hệ kinh tế của con người.

Học thuyết kinh tế : Là hệ thống quan điểm kinh tế của các đại biểu tiêu biểu cho các tầng lớp, giai cấp trong một chế độ xã hội nhất định. Hệ thống quan điểm kinh tế là kết quả của việc phản ánh quan hệ sản xuất vào ý thức con người trong những giai đoạn lịch sử nhất định.

Kinh tế chính trị : Là môn khoa học xã hội nghiên cứu những cơ sở kinh tế chung của đời sống xã hội tức là những quan hệ kinh tế trong giai đoạn phát triển nhất định của xã hội loài người.

Kinh tế học : Là môn học nghiên cứu những vấn đề con người và xã hội lựa chọn như thế nào để sử dụng nhiều nguồn tài nguyên khan hiếm, bằng nhiều cách để sản xuất ra nhiều loại hàng hoá.

Lịch sử kinh tế : Là môn khoa học nghiên cứu sự phát triển của tư tưởng kinh tế được thể hiện qua các chính sách, cương lĩnh, điều luật, các tác phẩm, các học thuyết kinh tế,... của các giai cấp, các tầng lớp trong xã hội, trong các giai đoạn lịch sử khác nhau, nhằm vạch rõ quy luật phát sinh, phát triển và thay thế lẫn nhau của các tư tưởng kinh tế.

Lịch sử các học thuyết kinh tế : Là môn khoa học xã hội nghiên cứu quá trình phát sinh, phát triển, đấu tranh và thay thế lẫn nhau của hệ thống quan điểm kinh tế của các giai cấp cơ bản trong các hình thái kinh tế xã hội khác nhau.

Đối tượng nghiên cứu của môn học

Là hệ thống các quan điểm kinh tế của các trường phái khác nhau gắn với các giai đoạn lịch sử nhất định.

Hệ thống các quan điểm kinh tế là tổng hợp những tư tưởng kinh tế giải thích thực chất của các hiện tượng kinh tế nhất định, có mối liên hệ phụ thuộc lẫn nhau và những tư tưởng kinh tế đó phát sinh như là kết quả của sự phản ánh các quan hệ sản xuất vào ý thức con người.

Đối tượng nghiên cứu của lịch sử các học thuyết kinh tế là các quan điểm kinh tế đã được hình thành trong một hệ thống nhất định, những quan điểm kinh tế chưa trở thành hệ thống nhưng có ý nghĩa lịch sử thì thuộc môn lịch sử tư tưởng kinh tế.

- Nội dung, bản chất giai cấp của học thuyết.

- Hiểu được phương pháp luận của trường phái đề xuất học thuyết.

- Hiểu được sự vận động và phát triển có tính quy luật của học thuyết.

PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU

Phương pháp biện chứng duy vật

Đây là phương pháp chung, xuyên suốt quá trình nghiên cứu.

Là phương pháp nhận thức khoa học, nhằm nghiên cứu một cách sâu sắc, vạch rõ bản chất của các hiện tượng kinh tế-xã hội.

Phương pháp lôgíc kết hợp với lịch sử

Phương pháp này đòi hỏi khi nghiên cứu các quan điểm kinh tế phải gắn với lịch sử, phải phân chia thành các giai đoạn phát triển của chúng, không dùng tiêu chuẩn hiện tại để đánh giá ý nghĩa của các quan điểm kinh tế đó.

Một số phương pháp cụ thể khác

Phân tích, tổng hợp, đối chiếu, so sánh,… nhằm đánh giá đúng công lao, hạn chế, tính phê phán, tính kế thừa và phát triển của các trường phái kinh tế trong lịch sử.

Nguyên tắc chung [cho các phương pháp nghiên cứu của lịch sử các học thuyết kinh tế] là nghiên cứu có hệ thống các quan điểm kinh tế, đồng thời đánh giá đúng đắn công lao và hạn chế của các nhà lý luận kinh tế trong lịch sử.

Mặt khác, phản ánh một cách khách quan tính phê phán vốn có của các học thuyết kinh tế, không phủ nhận tính độc lập tương đối của các học thuyết kinh tế và ảnh hưởng của chúng đối với sự phát triển kinh tế xã hội.

Chức năng và ý nghĩa của việc nghiên cứu môn lịch sử các học thuyết kinh tế

Chức năng

Môn lịch sử các học thuyết kinh tế có 4 chức năng là:

* Chức năng nhận thức

Lịch sử các học thuyết kinh tế nghiên cứu và giải thích các hiện tượng, các quá trình kinh tế nhằm phát hiện ra các phạm trù, quy luật kinh tế khách quan của các giai đoạn phát triển nhất định. Từ đó giúp cho việc nhận thức lịch sử phát triển của sản xuất nói riêng và lịch cử xã hội loài người nói chung.

* Chức năng thực tiễn

Nhận thức nhằm phục vụ cho hoạt động thực tiễn của con người. Lịch sử học thuyết kinh tế còn chỉ ra các điều kiện, cơ chế hình thức và phương pháp vận dụng những tư tưởng kinh tế, quan điểm kinh tế, lý thuyết kinh tế vào thực tiễn để đạt hiệu quả cao nhất.

* Chức năng tư tưởng

Thể hiện tính giai cấp của các học thuyết kinh tế. Mỗi học thuyết kinh tế đều đứng trên một lập trường nhất định, bảo vệ lợi ích của giai cấp nhất định, phê phán hoặc biện hộ cho một chế độ xã hội nhất định.

* Chức năng pháp luận

Cung cấp cơ sở lý luận khoa học cho các môn khoa học kinh tế khác như kinh tế chính trị, kinh tế học, quản lý kinh tế, các môn khoa học kinh tế ngành. Cung cấp tri thức làm cơ sở cho đường lối chính sách kinh tế của các nước.

Ý nghĩa

Qua các chức năng của môn học mà thấy được ý nghĩa của việc nghiên cứu nhằm giúp cho người học hiểu sâu, rộng, có nguồn gốc về những vấn đề kinh tế nói chung và kinh tế chính trị Mác - Lênin nói riêng. Mặt khác còn giúp cho việc nghiên cứu các vấn đề kinh tế hiện đại.

TÓM TẮT

Trong chương này người học cần nắm vững các nội dung cơ bản sau:

* Về đối tượng nghiên cứu của môn Lịch sử các học thuyết kinh tế:

Lịch sử các học thuyết kinh tế là môn khoa học nghiên cứu quá trình hình thành, phát sinh, phát triển, đấu tranh và thay thế lẫn nhau của các học thuyết kinh tế của các giai cấp cơ bản nối tiếp nhau trong các hình thái kinh tế - xã hội. Đối tượng nghiên cứu là hệ thống các quan điểm kinh tế của các trường phái khác nhau gắn với các giai đoạn lịch sử nhất định, các quan điểm kinh tế đã được hình thành trong một hệ thống nhất định. Những quan điểm kinh tế chưa trở thành hệ thống nhưng có ý nghĩa lịch sử thì thuộc môn lịch sử tư tưởng kinh tế.

* Về phương pháp của môn khoa học này:

Sử dụng nhiều phương pháp để nghiên cứu trong đó xuyên suốt là phương pháp biện chứng duy vật của triết học Mác – Lênin. Đặc biệt nhấn mạnh quan điểm lịch sử cụ thể trong nghiên cứu

* Về mục tiêu cần đạt được của môn học:

Nắm được những nét cơ bản nhất của lịch sử những lý luận kinh tế, học thuyết kinh tế chính qua các giai đoạn phát triển của lịch sử xã hội.

Nắm được bản chất, nội dung của những lý luận kinh tế, học thuyết kinh tế được học và phương pháp luận của các đại biểu, các trường phái đã đề xuất lý luận học thuyết.

Hiểu bản chất của học thuyết không phải để biết mà để có thái độ đúng đối với các học thuyết.

Ý nghĩa của việc nghiên cứu:

Qua các chức năng của môn học mà thấy được ý nghĩa của việc nghiên cứu nhằm giúp cho người học hiểu sâu, rộng, có nguồn gốc về những vấn đề kinh tế nói chung và kinh tế chính trị Mác - Lênin nói riêng. Mặt khác còn giúp cho việc nghiên cứu các vấn đề kinh tế hiện đại.

CÂU HỎI VÀ BÀI TẬP

1. Phân biệt tư tưởng kinh tế và học thuyết kinh tế, lịch sử tư tưởng kinh tế và lịch sử học thuyết kinh tế.

2. Đối tượng nghiên cứu của lịch sử các học thuyết kinh tế là gì?

3. Chức năng của môn lịch sử các học thuyết kinh tế và ý nghĩa của việc nghiên cứu môn học này?

Chủ Đề