Vì sao bạn ngại đi làm

Đã bao giờ bạn ngưỡng mộ khi nghe ai đó kể về công việc của họ? Họ nói về nó bằng tất cả sự say mê. Họ biết chính xác bản thân đang làm gì. Họ hào hứng dậy sớm mỗi thứ Hai và không ngại tăng ca vào cuối tuần.

Bạn bắt đầu nghĩ rằng: “Tại sao mình không có đam mê như vậy? Có phải mình đang ở vào  giai đoạn chán nản và nhảy việc?”

1. Bình thường hoá việc cảm thấy chán nản trong công việc

Nếu để ý, bạn sẽ thấy không nhiều người thật sự say mê với công việc như câu chuyện đầu bài viết. Thay vào đó, rất nhiều người cảm thấy mất phương hướng và hứng thú với công việc.

  • 30 – 90% người Mỹ trải qua các mức độ chán nản từ ít đến nhiều vào giai đoạn trưởng thành [Nguồn: Forbes]. 
  • 55% người lao động ở Mỹ cảm thấy không hào hứng với công việc. Họ cho rằng bản thân không được phát huy hết khả năng của mình [Nguồn: Washington Posts].
  • 13% trong tổng số 50.000 bản khảo sát đã thẳng thừng nói rằng họ phát chán với công việc và đồng nghiệp [Nguồn: Psychology Today].

Mặc dù chán nản trong trong việc không phải trạng thái nên có ở người lao động. Tuy nhiên, nhiều nghiên cứu cho thấy rằng nó không chỉ nhuốm một màu u tối. Sự thật là chán công việc có không tác động tích cực cho bạn.

Theo giáo sư Andreas Elpidorou tại Đại học Louisville: Mất hứng thú trong công việc là “còi cảnh báo” rằng bạn đang trì trệ và đánh mất mục tiêu. Nhờ vậy, bạn có thể kịp thời thay đổi bản thân hoặc môi trường làm việc. Vậy nên, nếu cảm thấy mất hứng thú trong công việc, bạn không cần quá lo lắng, mà hãy bình thường hoá nó đi nhé.

Ngay cả làm trong ngành sáng tạo nhất như tiếp thị và bán hàng, bạn cũng phải đối mặt với sự nhàm chán vào một lúc nào đó

2. Vì sao tôi cảm thấy chán nản công việc văn phòng?

Với tôi, mất hứng thú trong công việc không phải một sáng thức dậy và muốn nghỉ việc. Mức độ chán nản tăng dần và suy nghĩ nhảy việc từ âm ỉ đến bùng nổ cần thời gian.
Nó bắt đầu bằng suy nghĩ “Hôm nay làm ở nhà được không nhỉ?”. Và kết thúc bằng câu nói của sếp tôi trong cuộc họp: “Tuần này em có tiến bộ gì không? Em đang từ giậm chân tại chỗ trở thành sa sút đó”.

Đó là khi tôi biết rằng vấn đề của mình đang nghiêm trọng. Tôi bắt đầu tự hỏi để tìm nguyên nhân “Vì sao mình không cảm thấy vui khi đi làm?”. Trong vô vàn những nguyên nhân viết ra, tôi xếp chúng vào 2 nhóm chính: Tâm lý thiếu vững vàng và môi trường làm việc.

2.1. Tâm lý thiếu vững vàng của đa số người lao động

Một trong những lý do không ít người muốn nhảy việc là do tâm lý “cỏ hàng xóm bao giờ cũng xanh hơn”. Mỗi lần đi họp mặt bạn bè, tôi lại cảm thấy mình đang bị tụt lại phía sau. Nhiều bạn đại học của tôi hiện làm ở tập đoàn đa quốc gia, được thăng tiến, tăng lương,… Càng so với họ, những gì tôi có lại càng nhỏ bé dù cùng xuất phát điểm.

Tuy nhiên, không phải lúc nào việc so sánh cũng tiêu cực. Trong nhiều trường hợp, so sánh với người khác giúp bạn nhận ra nguyên nhân gây mất hứng thú với công việc:

  • Bạn không phù hợp với công việc hoặc môi trường công ty.
  • Bạn có nhiều cơ hội phát triển bên ngoài.
  • Bạn có đang được trả lương xứng đáng hay chưa.
  • Sự nghiệp của bạn có đang phát triển bình thường hay không.

Hầu hết mọi người chỉ thể hiện mặt tích cực ra ngoài, do đó, bạn cần giữ tâm trí tỉnh táo khi so sánh với người khác

2.2. Môi trường làm việc và đồng nghiệp ở công ty

Tạm gác lại phép so sánh, nhóm nguyên nhân khác khiến tôi chán nản công việc là do môi trường làm việc. Tất nhiên, tôi không muốn đổ lỗi cho sếp hay công ty. Mà là nhìn nhận khách quan: Bạn thích làm việc ở công ty này hay không? Bạn thích làm việc với sếp và đồng nghiệp hiện tại không?
Rất nhiều người nghỉ việc vì không phù hợp với công ty và đồng nghiệp. Bạn có thể là một trong số:

  • 17% nhân viên nghỉ việc do không tìm được điểm chung với văn hoá công ty
  • 17% khác cảm thấy khó giao tiếp và hoà hợp với đồng nghiệp
  • 17% nữa nghỉ việc do nguyên nhân từ cấp trên, người quản lý trực tiếp
  • 28% người lao động nghỉ việc vì không có cơ hội thăng tiến trong công ty

[Nguồn: Capterra]

3. Tôi tìm lại hứng thú trong công việc như thế nào?

Khi chán nản công việc phải làm sao? Sự chán nản không tự nhiên mất đi, mà nó sẽ ngày càng nghiêm trọng. Nó không chỉ ảnh hưởng năng suất công việc, mà còn có sự đánh giá về thái độ làm việc của bạn. Vậy làm thế nào để sự hứng thú quay lại?

3.1. Thông báo cho với sếp hoặc HR 

Sự thật thì tôi vẫn mong muốn tiếp tục gắn bó với công ty, nên tôi muốn cùng sếp và HR tìm giải pháp hơn là nhảy việc. Tuy nhiên, bạn cần lưu ý không mang thêm vấn đề đến cho họ. Trong trường hợp của mình, tôi đã tìm hiểu nguyên nhân và một số hướng giải quyết trước buổi họp.

Điều tôi kỳ vọng trong buổi nói chuyện là sếp và HR có thể hiểu được khó khăn của tôi. Đồng thời, họ có phản hồi và góp ý để cải thiện vấn đề. Cuối cùng, tôi mong sếp có thể giao những nhiệm vụ phù hợp với mục tiêu nghề nghiệp của tôi.

Đừng đẩy vấn đề của bạn cho người khác, mà hãy mang giải pháp để họ góp ý

3.2. Hoàn thành nhiều hơn nhiệm vụ hoặc sếp yêu cầu

Đây là lời khuyên tôi nhận được từ sếp trong buổi nói chuyện. Hiện tại, tôi chỉ đang hoàn thành công việc ở mức “đạt yêu cầu”. Do đó, sếp có thể cảm thấy tôi chưa đủ năng lực để nhận nhiệm vụ thử thách hơn. Vì vậy, tôi cần hoàn thành vượt kỳ vọng, cho thấy tôi đã thành thạo công việc này. Lúc đó, tôi sẽ được nhận những nhiệm vụ mới hoặc thăng tiến lên cao hơn.

3.3. Cho bản thân một khoảng thời gian nghỉ ngơi

Cho dù mới đi làm hay làm lâu năm, bạn cũng không tránh khỏi những lúc bị chôn vùi trong công việc. Sự khác nhau là những người có kinh nghiệm sẽ sắp xếp cho bản thân một khoảng thời gian nghỉ dưỡng hợp lý. Thường là khoảng 1 tháng, vào thời điểm ít công việc hoặc sau khi hoàn thành dự án.

Trong khi đó, những người trẻ lại “tham công tiếc việc”. Hoặc lo ngại sự đánh giá từ công ty mà cố gắng làm việc năm này qua tháng nọ cho đến khi kiệt sức. Nếu rơi vào trường hợp này, thay vì nghỉ việc, bạn hãy nghĩ đến một kỳ nghỉ khoảng 2 – 4 tuần. Chỉ cần lựa chọn thời điểm hợp lý, công ty sẽ phê duyệt cho bạn mà thôi.

68% nhân viên văn phòng nói rằng thiếu cân bằng giữa công việc và cuộc sống khiến họ mất đam mê và động lực làm việc [Nguồn: Fingerprint For Success]

4. Vậy khi nào nên nhảy việc?

Đầu tiên, cuộc gặp mặt với sếp và HR không giải quyết được chán nản công việc của bạn. Thông thường, nguyên nhân là do môi trường làm việc khó thay đổi để đáp ứng kỳ vọng của bạn.

Chẳng hạn, bạn mong muốn trải nghiệm công việc bán hàng nhưng công ty lại chuyên về sản xuất. Hoặc bạn muốn trải nghiệm một ngành nghề hoàn toàn mới để tìm cơ hội. Khi đó, việc ở lại công ty không thể đáp ứng những mong muốn đó. Việc rời đi là giải pháp tốt nhất.

Thứ hai, bạn đã có kế hoạch cho thời gian sắp tới. “Kế hoạch” ở đây được hiểu là một khoản tiền tiết kiệm để trang trải trước khi có công việc mới hoặc tham gia khoá học nâng cao trình độ.

Tạm kết

Không chỉ hôm nay, mà bất kỳ lúc nào còn làm việc bạn cũng có thể đối mặt cảm giác khi chán nản công việc. Hy vọng với những chia sẻ trên, bạn đã phần nào giúp bạn đưa ra giải pháp phù hợp và tìm lại hứng thú trong công việc.

Video liên quan

Chủ Đề