Vì sao chỉ trong một thời gian ngắn mà phong trào Tây Sơn có thể phát triển rộng lớn

1] Về nguyên nhân xâm lược của giặc Xiêm và giặc Thanh

Giặc Xiêm trong chiến dịch Rạch Gầm - Xoài Mút [RG - XM] và giặc Thanh trong chiến dịch Ngọc Hồi - Đống Đa [NH - ĐĐ] đều có ý đồ chiếm lấy nước ta. Từ thế kỷ XVII, bọn phong kiến Xiêm đã có tham vọng “Đông tiến”, xâm chiếm Chân Lạp [Campuchia], nhiều lần cho quân cướp phá Hà Tiên và một số nơi ven biển Tây Nam bộ của nước ta. Còn bọn phong kiến Thanh luôn ấp ủ mưu đồ bành trướng xuống phía Nam. Việc nhà Thanh xua quân xâm lược nước ta là hệ quả tất yếu của chính sách bành trướng, bá quyền nước lớn đã được hình thành từ rất sớm trong lịch sử Trung Quốc.


Thế nhưng, để che đậy bộ mặt xâm lược, phi nghĩa, cả giặc Xiêm và giặc Thanh đều vin vào cớ là, do có sự cầu viện của Nguyễn Ánh và Lê Chiêu Thống, nên mới đưa quân sang xâm lược nước ta.

2] Về đối tượng của hai chiến dịch RG - XM và NH - ĐĐ

Cả giặc Xiêm và giặc Thanh đều là những kẻ thù hùng mạnh và hung hãn của dân tộc ta. Vào thế kỷ XVIII, vương quốc Xiêm là một trong những nước có  tiềm lực kinh tế, quân sự hùng mạnh nhất ở Đông Nam Á; từng chiếm đóng Chân Lạp, Lào, một phần Mã Lai; xâm lấn Miến Điện và Đàng Trong của đất nước ta; cũng như tranh chấp trên biển với Java [Indonesia]. Còn giặc Thanh, dưới thời Thanh Càn Long, đang ở vào giai đoạn cực thịnh: kinh tế, quân sự có sự phát triển vượt bậc với lãnh thổ rất rộng lớn và dân số đông nhất thế giới. Trung Quốc lúc đó là nước hùng mạnh nhất Châu Á. Vào cuối thế kỷ 18, dân tộc ta phải đương đầu với hai kẻ thù như thế; nên cuộc chiến đấu giữ nước của nhân dân ta diễn ra rất gay go và ác liệt.

3] Về việc rút lui chiến thuật của nghĩa quân Tây Sơn khi mở đầu chiến dịch

Tháng 7 năm Giáp Thìn [8-1784], giặc Xiêm đổ bộ lên Rạch Giá. Lực lượng của chúng lúc này còn rất sung mãn. Trong khi đó lực lượng nghĩa quân Tây Sơn đóng ở vùng đất Gia Định ít hơn so với quân địch. Do đó, dưới sự chỉ huy của phò mã Trương Văn Đa và Đô đốc Nguyễn Trấn, nghĩa quân Tây Sơn vừa tiến hành một số trận đánh; vừa tổ chức lui binh chiến thuật. Rồi sau đó, cấp báo về đại bản doanh của Bộ chỉ huy nghĩa quân đóng ở Quy Nhơn; để chờ đại quân vào tiến hành cuộc phản công chiến lược, đánh bại quân Xiêm. Trong chiến dịch NH - ĐĐ [1789], trước thế mạnh ban đầu của giặc Thanh, sau một vài trận nhỏ có tính cách thăm dò, nghĩa quân Tây Sơn đồn trú tại Bắc Hà theo kế sách của Ngô Thời Nhiệm tạm rút lui về Tam Điệp [Ninh Bình]. Từ đây, tướng Tây Sơn là Ngô Văn Sở cho người cấp tốc lên đường vào Phú Xuân, báo tin giặc dữ cho Nguyễn Huệ biết để ông kịp thời lên kế hoạch tác chiến diệt địch. Các cuộc rút lui chiến thuật của nghĩa quân Tây Sơn có các tác dụng: - Thứ nhất, thăm dò lực lượng và khả năng tác chiến của đối phương; - Thứ hai, tiêu diệt một phần sinh lực địch; - Thứ ba, bảo toàn lực lượng nghĩa quân; - Thứ tư, làm cho bọn địch sinh ra chủ quan, kiêu ngạo, đánh giá thấp nghĩa quân; để từ đó mất cảnh giác, không chu đáo trong phòng bị, tạo điều kiện cho nghĩa quân đánh bại bọn chúng; - Thứ năm, từ chỗ chủ quan, kiêu ngạo, bọn địch đi đến hành động cướp của, giết người, hãm hiếp phụ nữ, lộng hành, ngang ngược.  Điều ấy, đã làm cho nhân dân thấy rõ bộ mặt xấu xa của bọn cướp nước và bè lũ bán nước; để từ đó, hết lòng ủng hộ nghĩa quân Tây Sơn trong việc đánh giặc giữ nước và bảo vệ cuộc sống yên lành của nhân dân.

4] Hành quân thần tốc - nét độc đáo của quân Tây Sơn

Từ Quy Nhơn, Nguyễn Huệ chỉ huy hạm thuyền, men theo bờ biển đi về hướng Nam tiến đến đóng ở Mỹ Tho chỉ mất có 15 ngày trên một hải trình dài hơn 700km. Từ Phú Xuân, Quang Trung chỉ huy nghĩa quân Tây Sơn hành quân ra Bắc hà với độ dài khoảng 600 km chỉ mất có khoảng 20 ngày. Lúc bấy giờ, hành quân như vậy được xem là thần tốc. Sở dĩ nghĩa quân đạt được điều ấy là do: - Thứ nhất, nghĩa quân có tính kỷ luật cao; - Thứ hai, sự tổ chức tài giỏi của các tướng lĩnh nghĩa quân mà người đứng đầu là Nguyễn Huệ - Quang Trung; - Thứ ba, có nhiều thuyền với trọng tải lớn để vận chuyển quân; - Thứ tư, sự thuận lợi của thời tiết, v.v…

5] Bổ sung quân số trên đường hành tiến và hậu cần tại chỗ

Trên đường hành quân tiến vào Mỹ Tho đánh giặc Xiêm hay ra Bắc hà đánh giặc Thanh, Nguyễn Huệ đều tổ chức tuyển quân ở các địa phương để tăng cường quân số; đồng thời, vận động nhân dân đóng góp hậu cần để nuôi quân đánh giặc. Việc Nguyễn Huệ thành công ở công tác này biểu hiện tính quần chúng nhân dân rất rộng rãi và đi vào chiều sâu của phong trào Tây Sơn; đồng thời, nó cũng phản ánh công tác quốc phòng của chính quyền Tây Sơn đã tổ chức tốt ở cấp cơ sở. 

6] Đánh nhanh thắng nhanh và tiêu diệt triệt để - tư tưởng chiến lược chủ động của nhà quân sự kiệt xuất Nguyễn Huệ

Trong chiến dịch RG - XM, tính từ lúc nổ ra trận đánh cho đến khi kết thúc thắng lợi thuộc về phía nghĩa quân Tây Sơn, trận thủy chiến này chỉ diễn ra trong vòng có một ngày [đêm 9 tháng 12 rạng ngày 10 tháng 12 năm Giáp Thìn nhằm [đêm 19 rạng ngày 20 - 01- 1785]; kết quả là 300 chiến thuyền Xiêm bị đánh đắm và bị thiêu hủy hoàn toàn, 2 vạn quân thuỷ của địch cũng bị tiêu diệt gần hết; và kể từ sau trận này, “Người Xiêm tuy bề ngoài thì miệng nói khoác, nhưng trong lòng thì sợ quân Tây Sơn như sợ cọp” [Đại Nam thực lục].

Còn chiến dịch NH - ĐĐ mở đầu đêm 30 - 12 năm Mậu Thân [đêm 25- 1-1789] và kết thúc thắng lợi bằng việc giải phóng thành Thăng Long vào ngày 5 - 1 năm Kỷ Dậu [30 -01 - 1789]. Như vậy, chiến dịch NH -  ĐĐ  chỉ diễn ra có 5 ngày đêm; và trong ngần ấy thời gian, nghĩa quân đã trãi qua cuộc chiến đấu vô cùng  ác liệt, tiêu diệt và làm tan rã 29 vạn quân Thanh xâm lược; còn bản thân tên chủ tướng Tôn Sĩ Nghị kinh hoàng đến mức ngựa không kịp đóng yên, giáp không kịp mặc, vứt bỏ cả ấn tín trốn chạy về nước.

7] Sử dụng lối đánh hoả công tiêu diệt kẻ thù

Nghĩa quân Tây Sơn được trang bị pháo với số lượng rất nhiều và các loại vũ khí cận chiến rất lợi hại, như hỏa hổ [một loại khí cụ có phun lửa], hỏa cầu [một loại khí cụ tương tự như lựu đạn ngày nay], v.v… Đây là những loại vũ khí mang tính chiến lược của nghĩa quân, có tác dụng đánh phủ đầu, tạo nên sức mạnh hỏa lực tấn công vô cùng hùng hậu và những cơn bão lữa khủng kiếp, nhằm vừa sát thương, vừa làm cho đối phương hoảng sợ, kiếp đảm, không còn ý chí chiến đấu, tạo điều kiện để nghĩa quân xông lên dứt điểm trận đánh bằng bạch khí [gươm, dao, giáo, mác…]. Trong chiến dịch RG - XM, sau khi 300 chiến thuyền Xiêm lọt vào trận địa mai phục, pháo từ trên bộ và từ các chiến thuyền Tây Sơn đã thi nhau nả đạn vào chiến thuyền địch. Tiếp theo, những chiến thuyền nhỏ, có sức cơ động nhanh của nghĩa quân xông ra chia cắt đội hình địch; rồi dùng hỏa hổ, hỏa cầu tấn công, đốt cháy chiến thuyền của quân Xiêm. Cả một đoạn sông Tiền, từ rạch Xoài Mút đến Rạch Gầm, vang lên tiếng hò reo xung phong dậy đất của nghĩa quân và ánh lửa cháy ngút trời. Quân Xiêm bị đại bại hoàn toàn. Khi sang xâm lược nước ta, biết nghĩa quân Tây Sơn có hỏa hổ, hỏa cầu và lối đánh hỏa công rất dũng mãnh, chủ tướng quân Thanh Tôn Sĩ Nghị đã đề ra một số biện pháp nhằm vô hiệu hóa thế mạnh của nghĩa quân Tây Sơn. Thế nhưng, điều mà y lo ngại đã trở thành sự thực. Trong chiến dịch NH - ĐĐ, ở hai trận đánh có tính quyết định cho toàn chiến dịch là trận Ngọc Hồi và trận Đống Đa, nghĩa quân Tây Sơn, với những vũ khí cực kỳ lợi hại ấy và lối đánh hỏa công táo bạo, mưu trí, đã đè bẹp mọi sự kháng cự của địch; tên Đề đốc Hứa Thế Hanh chỉ huy đồn Ngọc Hồi phải bỏ chạy; tên Đề đốc Sầm Nghi Đống chỉ huy đồn Đống Đa phải thắt cổ tự vẫn chết.  

8] Kiên quyết thực hiện thế bao vây

Chiến dịch RG - XM mang tính chất phục kích và thủy chiến; trong khi đó, chiến dịch NH - ĐĐ lại là chiến dịch nổi rõ lên tính công kích và bộ chiến. Tuy vậy, cả hai chiến dịch đều giống nhau ở một chỗ là, Nguyễn Huệ và nghĩa quân Tây Sơn đã thực hiện thế bao vây chặt chẽ quân thù, khiến cho cơ may chạy thóat của bọn chúng còn rất ít. Trong chiến dịch RG - XM, thủy quân Tây Sơn thực hiện thế bao vây bằng cách chặn đầu ở rạch Xoài Mút khóa đuôi ở Rạch Gầm và kiểm soát chặt các cù lao Thới Sơn, Phú Túc để ngăn địch tháo chạy qua ngã Bến Tre.

Trong chiến  dịch NH - ĐĐ, để thực hiện thế bao vây đối với quân Thanh, Nguyễn Huệ đã chia quân ra làm 5 đạo, trong đó, 3 đạo tấn công trực tiếp vào thành Thăng Long, 1 đạo tiến ra Hải Dương và 1 đạo tiến lên Bắc Giang để chặn đuờng rút lui của địch. Kết quả, cả quân Xiêm và quân Thanh gần như bị tiêu diệt hoàn toàn.

***

Hai chiến dịch RG - XM [1785] và NH - ĐĐ [1789] giành được thắng lợi rực rỡ. Với RG - XM và NH - ĐĐ, nhân dân ta đã đập tan hành động cướp nước và bán nước của bọn giặc Xiêm - Nguyễn Ánh và của bọn giặc Thanh - Lê Chiêu Thống, củng cố thêm một bước nền thống nhất quốc gia, bảo vệ vững chắc nền độc lập và lãnh thổ của đất nước.  

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Tiền Giang, Chiến thắng Rạch Gầm - Xoài Mút, Nxb Tiền Giang, 1985.

2. Nguyễn Lương Bích - Phạm Ngọc Phụng, Tìm hiểu thiên tài quân sự của Nguyễn Huệ, Nxb Quân đội nhân dân, 2006.

3. Nguyễn Phan Quang, Phong trào Tây Sơn và anh hùng dân tộc Quang Trung, NXB Tổng hợp TP Hồ Chí Minh, 2005.

4. Văn Tân, Cách mạng Tây Sơn, Nxb Khoa học xã hội, 2004.

5. Quách Tấn - Quách Giao, Nhà Tây Sơn, Nxb Thuận Hóa, 2001.

6. Tạ Chí Đại Trường, Việt Nam thời Tây Sơn: Lịch sử nội chiến 1771 - 1802, Nxb Công an nhân dân, 2007.

7. Ủy ban Khoa học xã hội, Lịch sử Việt Nam [tập 1], Nxb Khoa học xã hội, 1971.


Đại thắng mùa Xuân Kỷ Dậu 1789 được tạo nên bằng sức mạnh quật khởi của nông dân kết hợp với sức mạnh yêu nước của cả dân tộc dưới sự chỉ huy tài tình của người anh hùng áo vải Quang Trung-Nguyễn Huệ.

Nguyễn Huệ sinh năm 1753 tại thôn Kiên Mỹ, ấp Kiên Thành, huyện Hoài Nhơn, phủ Quy Nhơn [nay thuộc xã Bình Thành, huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định], con trai thứ hai của ông Hồ Phi Phúc. Tổ tiên của Nguyễn Huệ quê Nghệ An theo chúa Nguyễn vào Nam lập nghiệp. Năm 1771, tuy mới 18 tuổi nhưng chứng kiến cảnh lầm than cực khổ của người dân quê nhà và không chịu nổi sự chuyên quyền của Quốc phó Trương Phúc Loan, Nguyễn Huệ đã bàn bạc với anh là Nguyễn Nhạc, em là Nguyễn Lữ lên vùng Tây Sơn thượng đạo xây dựng căn cứ dựng cờ khởi nghĩa. Tại đây, nhờ có sách lược khôn khéo mà phong trào của 3 anh em họ Nguyễn nhanh chóng thu hút được sự ủng hộ của đông đảo nhân dân trong vùng. Thế và lực của nghĩa quân Tây Sơn phát triển nhanh chóng. Mùa thu năm 1773, Nguyễn Huệ chỉ huy một đạo quân đánh chiếm thành Quy Nhơn rồi sau đó lần lượt tiến đánh Quảng Ngãi, Phú Yên, Bình Thuận... Chỉ trong một thời gian ngắn, dưới sự chỉ huy mưu lược của Nguyễn Huệ, nghĩa quân Tây Sơn đã làm chủ một vùng rộng lớn từ Quảng Nam vào tận Bình Thuận...

Có thể nói, trong khoảng thời gian đầy biến động của lịch sử từ năm 1771 đến 1788, trên hành trình tiến tới thống nhất đất nước, dưới sự chỉ huy tài ba của Nguyễn Huệ, phong trào Tây Sơn đã hoàn thành việc xóa bỏ chính quyền cát cứ nhà Nguyễn ở Đàng Trong, làm chủ toàn bộ phần lãnh thổ phía Nam, đồng thời xóa bỏ ranh giới chia cắt Đàng Trong-Đàng Ngoài; tiêu diệt chính quyền cát cứ họ Trịnh, làm chủ phần lãnh thổ Đàng Ngoài; xóa bỏ chính quyền bù nhìn vua Lê... Những thành quả nổi bật mang đậm dấu ấn Nguyễn Huệ đặt cơ sở thuận lợi cho sự nghiệp thống nhất đất nước sau đó.

Ngày 29-1-2020 [mồng 5 Tết Canh Tý], hàng nghìn người nô nức dâng hương và tham dự Lễ kỷ niệm 231 năm Chiến thắng Ngọc Hồi-Đống Đa [1789-2020] tại gò Đống Đa [Hà Nội]. Ảnh: MỘC MIÊN

Cuối năm 1788, Lê Chiêu Thống ươn hèn rước 29 vạn quân Thanh kéo vào giày xéo nước ta. Nhận được tin cấp báo của Ngô Văn Sở và Ngô Thì Nhậm lúc này đang chỉ huy trấn giữ phòng tuyến Tam Điệp-Biện Sơn, ngày 25-11 năm Mậu Thân [22-12-1788], tại Phú Xuân, Nguyễn Huệ lên ngôi hoàng đế, lấy niên hiệu là Quang Trung; đồng thời làm lễ xuất quân ra Bắc để chặn đứng cuộc xâm lăng của quân Thanh. Trên dọc đường hành binh, đạo quân của Quang Trung đã tăng lên một cách nhanh chóng. Ra đến Thọ Hạc [Thanh Hóa], Quang Trung cho binh sĩ dừng chân nghỉ ngơi và tổ chức lễ thệ sư. Tại buổi lễ long trọng và linh thiêng này, đứng trước ba quân, vua Quang Trung dõng dạc tuyên bố: “Đánh cho sử tri Nam quốc anh hùng chi hữu chủ” [Đánh cho lịch sử muôn đời biết nước Nam anh hùng là có chủ].

Trước khi bước vào cuộc sống mái với quân Thanh, Quang Trung tổ chức cho các chiến binh Tây Sơn được ăn Tết trước. Đúng nửa đêm Ba mươi tháng Chạp, đạo hùng binh của Quang Trung mở cuộc tiến công hạ đồn Gián Khẩu [Ninh Bình], 3 ngày sau hạ tiếp đồn Hà Hồi. Với thế tiến công như chẻ tre, mồng 5 Tết Kỷ Dậu [1789], Quang Trung đã chỉ huy nghĩa binh tập trung lực lượng đánh trận quyết định tiêu diệt hoàn toàn quân địch ở Ngọc Hồi và Đống Đa. Quân Thanh đang mải vui chơi tiệc tùng thì bỗng nhiên quân Tây Sơn “như từ trên trời rơi xuống”, tướng Tây Sơn “như từ dưới đất chui lên”. Cả bọn hốt hoảng khiếp sợ, người không kịp mặc áo giáp, kẻ không kịp đóng yên ngựa, tranh nhau tháo chạy tán loạn. Tướng giặc là Sầm Nghi Đống phải thắt cổ tự tử ở Đống Đa; Hứa Thế Hanh và Thượng Duy Thăng bị giết chết; còn chủ tướng Tôn Sỹ Nghị và đám tay chân phải cuốn gói chạy về nước.

Thuở ấy, ngày dựng nêu, đêm trừ tịch, đúng thời khắc Giao thừa, Quang Trung phát lệnh tiến công. Đúng như lời hứa trước ba quân, sau 5 ngày đầu xuân chiến thắng thần tốc, Quang Trung cho mở tiệc khao quân. Ngày hạ nêu, nhân dân thành Thăng Long mừng vui khôn xiết, nào bánh chưng, nào thịt mỡ, dưa hành... được mang hết cả ra cùng vui xuân. Nhân dân quây quần nhảy múa, ca hát bên nghĩa quân Tây Sơn cùng nhau đón một cái Tết muộn-Tết chiến thắng, hòa bình. Hoa đào Nhật Tân đỏ tươi ngập tràn xen lẫn tấm áo bào sạm màu khói súng của người anh hùng áo vải Quang Trung-Nguyễn Huệ và nghĩa binh Tây Sơn càng tô đậm thêm sắc xuân, đúng như Ngô Ngọc Du đã miêu tả: “Đầy thành già trẻ mặt như hoa”.

Là một thủ lĩnh của phong trào nông dân nhưng Quang Trung-Nguyễn Huệ lại có tầm nhìn chiến lược hết sức sắc sảo. Sau trận đại phá quân Thanh, Quang Trung chủ trương dùng biện pháp ngoại giao để làm thất bại âm mưu thâm độc nhằm thôn tính Đại Việt của nhà Thanh. Để nhanh chóng khôi phục quan hệ bang giao giữa hai nước, có thời gian củng cố tiềm lực và xây dựng lại đất nước, Quang Trung đã cử một phái đoàn do Ngô Thì Nhậm và Phan Huy Ích dẫn đầu sang Trung Quốc giảng hòa với nhà Thanh.

36 tuổi lên ngôi Hoàng đế, Quang Trung đã lãnh đạo nhân dân ta làm nên chiến thắng lẫy lừng Xuân Kỷ Dậu 1789, quét sạch 29 vạn quân Thanh, giải phóng đất nước và lập nên một triều đại Tây Sơn tiến bộ. Ông ra chiếu khuyến nông, kêu gọi người dân ly tán trở về quê tiếp tục sản xuất, khai khẩn đất hoang; xuống chiếu giảm thuế cho dân nghèo. Ông cho đúc tiền để lưu thông hàng hóa; rồi cho lập Viện Sùng chính để dịch sách chữ Hán ra chữ Nôm làm tài liệu dạy học. Ông cũng xúc tiến việc xây dựng Vĩnh Doanh [Vinh, Nghệ An] làm Phượng Hoàng trung đô... Đáng tiếc là mọi hoài bão cháy bỏng và kế hoạch tái thiết đất nước đang bắt đầu được nhen nhóm, triển khai thì ngày 16-9-1792, Quang Trung đột ngột băng hà khi mà tài năng đang ở đỉnh cao của độ chín.

Quang Trung-Nguyễn Huệ không chỉ là một thiên tài quân sự mà còn là vị thủ lĩnh có tài dùng người. Ông từng nói “một cây gỗ không chống nổi tòa nhà to”, “mưu lược một kẻ sĩ không dựng được cuộc thái bình...”, chính vì vậy mà sau khi đánh đuổi giặc Thanh, Quang Trung đã ban chiếu mời gọi nhân tài, kêu gọi quan liêu lớn nhỏ, dân chúng trăm họ, ai có tài năng học thuật, mưu lược hay giúp ích cho đời đều được cho phép dâng thư tỏ bày công việc. Quang Trung dùng người không câu nệ thành phần xuất thân là quan lại cũ của triều Lê-Trịnh; cũng không câu nệ là người Đàng Trong hay Đàng Ngoài, miễn là có tài và có tâm thực sự. Nhiều tên tuổi lớn, cựu thần nhà Lê đã được ông cảm hóa và thu phục, trở thành những cộng sự đắc lực của Quang Trung và rường cột cho chính quyền Tây Sơn lúc bấy giờ. Điều đáng nói là Quang Trung thành thật thu dùng họ và biết biến họ từ đối lập thành những người cộng sự tích cực, đóng góp lớn cho triều đại này.

Hơn 230 mùa xuân đã trôi qua nhưng mảnh đất Thăng Long-Đông Đô nghìn năm văn hiến, sông nước Tiền Giang, Rạch Gầm-Xoài Mút và nhiều vùng quê yêu dấu của nước Việt vẫn âm vang chiến công hiển hách của người anh hùng áo vải Quang Trung-Nguyễn Huệ cùng đoàn hùng binh Tây Sơn dũng mãnh yêu nước dưới ngọn cờ của ông.

TRẦN VĨNH THÀNH

Video liên quan

Chủ Đề