Vì sao công ty quản lý quỹ tồn tại

Ở nước ta nhiều người nói là "nền văn hóa tiền mặt". Cách liên hệ đó cũng có phần đúng do thói quen sử dụng tiền mặt trong chi tiêu của người dân, song thiết nghĩ, với một nền sản xuất hàng hóa và dịch vụ đang trong quá trình phát triển như hiện nay, cùng với những công nghệ và tiện ích về thanh toán không dùng tiền mặt cũng như thói quen của hầu hết dân chúng... thì tỷ lệ thanh toán bằng tiền mặt 18% so với GDP ở nước ta cũng là lẽ thường tình [trong khi đó những nước có nền kinh tế phát triển như Nhật Bản cũng tới 10,4%, Mỹ 5,2% và các nước thuộc nhóm G10 là 5,3%].

Một vài số liệu trên cho thấy việc giảm tỷ lệ thanh toán bằng tiền mặt là cần thiết. Muốn vậy phải thực hiện các biện pháp đồng bộ cả bằng hành chính và kinh tế. Ðó là tăng cường đầu tư công nghệ để tăng các tiện ích trong thanh toán, nhất là thanh toán đối với cá nhân, mở rộng các hình thức thanh toán dịch vụ phí như tiền lương, điện, nước bằng tài khoản cá nhân, hoặc rút tiền lương, tiền thưởng, tiền công... từ máy ATM... Trên cơ sở đó giảm dần thói quen chi tiêu bằng tiền mặt.

Vấn đề quản lý, hạn chế tiền mặt lưu thông trên thị trường, không phải chỉ ở Việt Nam mà ở các nước cũng làm, chỉ có điều biện pháp và mức độ quản lý ở mỗi nước cũng khác nhau do điều kiện kinh tế - xã hội và trình độ quản lý khác nhau mà thôi. Ở nước ta, từ những năm 60 của thế kỷ trước, đã áp dụng các biện pháp quản lý tiền mặt rất chặt chẽ. Việc áp dụng các biện pháp quản lý tiền mặt chặt chẽ như thời kỳ đó là cần thiết, bởi nền kinh tế nước ta luôn trong tình trạng lạm phát, giá cả hàng hóa liên tục leo thang, lại phải chi tiêu cho quốc phòng trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc. Việc thiếu tiền mặt trở thành "vấn nạn quốc gia". Với những quy định chặt chẽ đó, cũng không làm giảm đi lượng tiền mặt trong lưu thông mà chủ yếu là để "phân chia" số tiền mặt in ra không đủ hằng năm, bởi chỉ áp dụng  biện pháp hành chính không thôi thì chưa đủ, trong khi đó lại thiếu các yếu tố kinh tế để hạn chế lưu thông bằng tiền mặt.

Mục đích quản lý thanh toán bằng tiền mặt trước hết là để chống tiêu cực trong chi tiêu, hạn chế tham ô, lãng phí trong sử dụng công quỹ, đồng thời góp phần tăng chu chuyển vốn trong lưu thông. Tuy nhiên, cũng phải xem xét việc này trên một số khía cạnh khác. Trước hết, để chống tham nhũng và tiêu cực trong sử dụng công quỹ, mà lớn nhất là vốn ngân sách Nhà nước thì phải quản lý từ khâu duyệt kế hoạch và dự toán kinh phí, đến khâu kiểm soát việc sử dụng, trong đó có sử dụng bằng tiền mặt. Nếu không làm tốt việc kiểm tra, kiểm soát thì dù tiền mặt tồn quỹ để trong túi chuyên dụng đã được niêm phong gửi vào quỹ của ngân hàng vẫn bị "mất". Vấn đề tránh lãng phí vốn trong xã hội là điều cần thiết, song trong điều kiện hạch toán kinh doanh ngày nay thì các đơn vị sử dụng tiền mặt thường tính toán kỹ càng hơn [có khi họ còn tranh thủ gửi tiền vào ngân hàng để tránh lãi suất qua đêm...].

Vì vậy, việc quy định tồn quỹ tiền mặt định mức cũng cần được xem xét một cách phù hợp. Có ý kiến cho rằng [trong đó có Kho bạc Nhà nước] không cần phải quy định tồn quỹ tiền mặt trong điều kiện ngày nay vì việc để bao nhiêu đáp ứng yêu cầu chi hằng ngày thì các đơn vị tự lo sao cho không lãng phí. Cũng có ý kiến cho rằng phải thực hiện định mức tồn quỹ cho các tổ chức sử dụng tiền mặt, nhưng đối với đơn vị không sử dụng kinh phí ngân sách Nhà nước thì do chủ tài khoản quy định và theo dõi thực hiện, đó cũng là điều nên xem xét vì nó vừa mang yếu tố quản lý lại vừa phát huy tính tự chủ của đơn vị sử dụng tiền mặt.

Trên góc độ quản lý hành chính của Nhà nước về tiền tệ nói chung, tiền mặt nói riêng thì việc kiểm tra, giám sát sử dụng tiền mặt thuộc trách nhiệm của ngân hàng Nhà nước mà cụ thể là thanh tra ngân hàng. Nhưng trong thực tế, việc chi tiêu tiền mặt diễn ra hằng ngày của hàng nghìn, hàng vạn đơn vị khác nhau trên cả nước thì Ngân hàng nhà nước không thể kiểm tra giám sát xuể, mà trước hết việc này phải do ba đơn vị chức năng thực hiện, đó là: Kho bạc Nhà nước là nơi cấp kinh phí cho các đơn vị sử dụng phải thường xuyên kiểm tra; các tổ chức tín dụng thực hiện kiểm tra các đơn vị có vay vốn và sử dụng tiền mặt phục vụ các hoạt động sản xuất kinh doanh và ngân hàng Nhà nước kiểm tra, giám sát đối với các tổ chức có mở tài khoản và được cung ứng tiền mặt.

Một khi đã thực hiện các hoạt động quản lý, kiểm tra giám sát đối với việc thanh toán bằng tiền mặt thì đương nhiên phải kèm theo các chế tài để xử lý vi phạm. Theo chúng tôi, trong thanh toán tiền mặt có thể xảy ra những vi phạm về quản lý tiền mặt như: vi phạm các khoản chi quy định được dùng tiền mặt để thanh toán, vi phạm hạn mức thanh toán bằng tiền mặt hoặc vi phạm về định mức tồn quỹ tiền mặt. Ðể phù hợp đặc thù trong sử dụng tiền mặt của các tổ chức kinh tế, các loại hình nghiệp vụ cũng như phù hợp yêu cầu phân công trách nhiệm trong kiểm tra, giám sát của các ngành chức năng thì không thể quy định mọi hành vi vi phạm đều bị xử phạt vi phạm hành chính mà có thể kết hợp các biện pháp về kinh tế và hành chính, thí dụ: nếu đơn vị sử dụng tiền mặt vượt định mức tồn quỹ thì có thể phạt bằng một tỷ lệ phần trăm [%] trên số vượt mức [tương tự như phạt về nợ quá hạn]. Nếu vi phạm về hành vi sử dụng tiền mặt không đúng để thanh toán thì xử phạt vi phạm hành chính từ cảnh cáo đến phạt bằng tiền. Trường hợp vi phạm nghiêm trọng về quản lý tiền mặt lại có liên quan những hành vi khác xâm hại tài sản của cơ quan, tổ chức và của Nhà nước thì phải áp dụng hình thức xử lý cao hơn, kể cả truy cứu trách nhiệm hình sự...

Như vậy, để có cơ sở kiểm tra giám sát việc chấp hành những quy định về thanh toán bằng tiền mặt, cần phải quy định cụ thể các hành vi vi phạm và theo đó là các hình thức và mức phạt phù hợp các quy định của Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính hiện hành. Các đơn vị có chức năng kiểm tra việc chấp hành các quy định quản lý thanh toán bằng tiền mặt được quyền áp dụng các hình thức xử lý [hoặc xử phạt vi phạm hành chính] phù hợp. Cũng có thể quy định các đơn vị không có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính, nhưng khi kiểm tra, phát hiện có hành vi vi phạm về thanh toán bằng tiền mặt thì lập biên bản chuyển Thanh tra ngân hàng xử phạt theo quy định của pháp luật. Ðó là những giải pháp, chế tài quản lý sử dụng tiền mặt tốt hơn, nhằm hạn chế tình trạng xuất hiện lượng tiền mặt quá lớn trên thị trường gây nhiều tiêu cực trong quản lý kinh tế và an ninh xã hội.


Định mức tồn quỹ tiền mặt suy cho cùng là lượng tiền mặt được phép để tồn quỹ hàng ngày. Hiện nay, mặc dầu Nhà nước chưa quản lý định mức tồn quỹ tiền mặt nhưng trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, doanh nghiệp và cơ sở sản xuất thường chú trọng không để
lượng tiền mặt tồn quỹ quá nhiều so với mức cần thiết vì như vậy vừa không an toàn trong bảo quản, vừa hạn chế đến kết quả sản xuất, kinh doanh. Bên cạnh mặt tích cực như đã nêu trên thì việc chưa quản lý mức tồn quỹ tiền mặt cũng đã và đang bộc lộ một số tồn tại, thiếu sót, mà cụ thể là:
Chưa quản lý mức tồn quỹ tiền mặt nên trong thực tế doanh nghiệp có thể để tồn quỹ bao nhiêu cũng được mà không phải chịu sự kiểm tra, giám sát từ phía các cơ quan chức năng có liên quan. Lợi dụng điều này, khi cần thiết, một số doanh nghiệp đã tăng khống lượng tiền mặt tồn quỹ để tăng vốn tự có nhằm đối phó với những quy định có liên quan đến vốn tự có, gây khó khăn cho công tác quản lý thậm chí có thể làm phương hại đến lợi ích của các bên có liên quan, điển hình, như: khi cần vay vốn để thực hiện dự án đầu tư nhưng thực lực vốn tự có của doanh nghiệp không đạt mức tối thiểu bằng 15% tổng mức vốn đầu tư của dự án; một tỷ lệ theo quy định để được TCTD xem xét cho vay, một số doanh nghiệp đã tăng khống vốn tự có thông qua việc tăng khống số liệu tiền mặt tồn quỹ trong báo cáo gửi cho TCTD để được TCTD xem xét, nhận cho vay có bảo đảm bằng tài sản hình thành từ vốn vay. Thực trạng này đã và đang có xu hướng ngày càng gia tăng, gây khó khăn cho các TCTD trong việc xác định chính xác mức vốn tự có của doanh nghiệp tham gia vào dự án để quyết định đầu tư và là nguy cơ có thể làm gia tăng rủi ro cho TCTD khi tham gia đầu tư vốn. Nếu sự việc trên được phát hiện thì cùng lắm TCTD chỉ từ chối việc cho vay chứ không thể phối hợp với các cơ quan chức năng để tiến hành xử lý nên tác dụng ngăn chặn bị hạn chế. Thực tế cho thấy, có doanh nghiệp lúc bình thường chỉ duy trì lượng tiền mặt tồn quỹ vài chục triệu đồng là đảm bảo nhu cầu hoạt động nhưng khi cần vay lượng vốn lớn để thực hiện dự án họ đã báo cáo tăng khống lượng tiền mặt tồn quỹ gấp nhiều lần thậm chí là vài tỷ đồng, làm cho tỷ lệ vốn tự có của doanh nghiệp đảm bảo mức quy định so với tổng giá trị dự án để được TCTD nhận cho vay có bảo đảm bằng tài sản hình thành từ vốn vay. Cuối cùng, vì thiếu vốn tự có tham gia vào dự án nên dự án thực hiện không đến nơi đến chốn, hiệu quả kém, TCTD gặp khó khăn trong việc thu hồi nợ.
Cũng do chưa quản lý mức tồn quỹ tiền mặt nên nhiều cơ sở sản xuất về thực lực vốn tự có chưa hội đủ mức quy định để được thành lập doanh nghiệp nhưng lại muốn lên doanh nghiệp để được hưởng chính sách ưu đãi trong đầu tư cũng tìm cách khai tăng lượng tiền mặt tồn quỹ, tăng vốn tự có nhằm đạt mức quy định để được các cơ quan chức năng xem xét, cho thành lập doanh nghiệp. Sau khi được thành lập doanh nghiệp và được hưởng chính sách ưu đãi trong đầu tư đối với doanh nghiệp mới hình thành, như: miễn thuế thu nhập 100% trong 2 năm đầu và 50% trong 2 năm tiếp theo đã làm đơn xin giải thể doanh nghiệp rồi sau đó lại xin thành lập doanh nghiệp mới để tiếp tục được hưởng ưu đãi trong đầu tư.
Để ngăn chặn tình trạng trên, thiết nghĩ Nhà nước cần sớm ban hành văn bản pháp luật về quản lý tiền mặt, trong đó cần chú trọng việc định mức tồn quỹ tiền mặt phù hợp cho từng loại hình doanh nghiệp, từng cơ sở sản xuất, tạo cơ sở pháp lý cho các cơ quan chức năng có liên quan trong việc giám sát, kiểm tra việc thực hiện. Có như vậy, mới góp phần đưa công tác quản lý tiền mặt ngày càng đi vào nền nếp, hạn chế đến mức thấp nhất việc lợi dụng tăng không lượng tiền mặt tồn quỹ để đối phó với những quy định hiện hành.
Trần Luyện

Video liên quan

Chủ Đề