Vì sao phụ nữ thích đam mỹ

Còn bây giờ, tôi sẽ nói những gì tôi nghĩ với tư cách là một hủ nữ. Tôi không phải là một hủ nữ lâu năm, cũng chẳng phải là người am hiểu kiến thức sâu rộng gì nhưng ít nhất, tôi có thể ngẩng cao đầu mà nói rằng tôi biết mình đang làm gì. Và ở độ tuổi của tôi, dù không thực sự chín chắn nhưng không có nghĩa là nhận thức của tôi không đủ sâu để tôi biết những gì mình làm đúng hay sai, có lợi hay có hại và mình có quá mù quáng hay không.

.

‘Hủ nữ’ – Những cô nàng yêu Gay [đẹp]

.

.

Phản ứng đầu tiên của tôi khi đọc bài báo này là bất bình. Tôi không nói đến chuyện người viết nghĩ rằng bản thân tôi cũng như những người giống tôi sẽ trở thành gái “ế” hay dần tách biệt với xã hội mà tôi bất bình trước một người ngay đến kiến thức tối thiểu cần có cũng không biết nhưng lại dám khẳng định chắc chắn đến độ nhiều người không biết sẽ chỉ tin người ấy mà không nghe những ý kiến phản bác hay thậm chí là kiến thức chuẩn.

Như ở bài trước tôi cũng đã nói rằng đây là một bài báo vô cùng lung tung và lộn xộn, không biết cách chia ý. Nếu tôi cứ đi theo dàn bài của người viết mà phản bác thì có lẽ chỉ khiến người đọc thấy nhàm chán quá mức. Bởi vậy, tôi sẽ rút gọn lại nó, đưa ra những ý chính và chỉnh sửa từng sai lầm một.

 .

1. Khái niệm về hủ nữ

Hủ nữ KHÔNG yêu gay. Hủ nữ yêu thích Boys’ Love [BL], nghĩa là tình cảm nam – nam. Xin lỗi vì tôi vẫn phải nhắc lại khái niệm này bởi với cách viết rút gọn quá mức theo kiểu “lý do yêu gay” của bài báo kia khiến nhiều người vẫn nhận thức sai về khái niệm này.

Và hủ nữ KHÔNG CHỈ yêu cặp đôi gay ĐẸP. Tất nhiên, xu hướng của con người bao giờ cũng hướng tới cái đẹp nhưng điều đó không có nghĩa là hủ nữ chỉ thấy thích thú với những cặp đôi long lanh tuyệt vời. Hủ nữ thích BL nên dù là không đẹp mà họ vẫn có một tình yêu đẹp thì hủ nữ vẫn yêu quý họ.

 .

2. Nguồn gốc của hủ nữ

Theo như bài báo viết thì có ba lí do chính sau đây dẫn đến việc trở thành hủ nữ:

– Lý do yêu gay của hủ nữ được giải thích là khi đọc một câu chuyện về tình yêu nam nữ, còn gì đau đớn hơn khi thấy người con trai xinh đẹp mà mình yêu thích đi yêu một người con gái khác. Trong khi đó, nếu như đọc SA, người đọc có được cả hai chàng đẹp trai cùng lúc thì tất nhiên là thích hơn.

– Tuy nhiên, cũng có thể hiểu lý do xuất phát từ vấn đề “ĐẸP”, “đam mỹ” được dịch ra theo nghĩa Hán Việt là “đam mê cái đẹp”. Những anh chàng có xu hướng gay lại càng đẹp long lanh nên con gái chết đứ đừ là điều hiển nhiên, thậm chí, có là gay thì các nàng vẫn chấp nhận.

– Một điều dễ nhận thấy nữa, khi mà các chàng trai càng lúc càng nữ tính đi, thì các nàng lại càng lúc càng “men” hơn. Nhu cầu bảo vệ, lo lắng cho người mình yêu thương làm các nàng dễ có cảm tình với những anh chàng có phần yếu ớt. Hoặc một khi không tự mình làm được, hủ nữ cảm thấy “cảm kích” khi có một chàng trai khác, mạnh mẽ hơn, giúp họ bảo vệ anh chàng kia. Từ đó dẫn đến việc ủng hộ tình yêu đồng tính.

Như trong bài viết trước tôi đã nói thì cả ba lí do này đều vô lí cả.

Việc không muốn thấy “người con trai xinh đẹp mà mình yêu thích đi yêu một người con gái khác” hầu như chỉ xảy ra ở bộ phận fangirl của các nhóm nhạc thần tượng chứ không phải nguyên nhân chính dẫn đến việc một cô gái trở thành hủ nữ cũng như không xảy ra với độc giả bình thường nào hết.

Lý do thứ hai vốn dĩ giống với lời giải thích cho việc một cô gái cứ đâm đầu vào yêu một chàng trai kể cả khi biết anh ta là gay. Nhưng nếu cố gắng hiểu theo nghĩa: fan của một anh chàng khi biết thần tượng mình là gay thì cũng nhiệt liệt ủng hộ giới tính của anh ta vì anh ta “đẹp” long lanh thì vẫn cứ sai. Chỉ vì đẹp không thôi mà có thể khiến fan của mình trở thành hủ nữ thì thật đáng khâm phục! Trên thực tế, việc fan chấp nhận thần tượng là gay và ủng hộ chuyện tình đồng tình của anh ta không có nghĩa người ấy sẽ dấn thân vào con đường trở thành hủ nữ. Đặc biệt, người có thể chấp nhận chuyện này ngoài fan cuồng và những người có cái nhìn thoáng về đồng tính thì những người còn lại sẽ chẳng ngại ngần gì mà chuyển sang thích ai khác không phải gay.

Và lí do thứ ba thì càng thiếu lý lẽ! Người bình thường nhìn vào đã thấy vô lí, hủ nữ nhìn vào càng vô lí hơn. Nếu không phải là hủ nữ, tôi muốn hỏi có bao nhiêu bạn gái thấy cảm kích khi người mình thích được một anh chàng to khỏe ân cần chăm sóc và bảo vệ? Có bao nhiêu bạn gái sau đó không buồn không khóc mà quay sang ủng hộ tình yêu đồng tính? Ít lắm! Không quay sang kì thị là may lắm rồi! Có ủng hộ thì cũng chưa chắc đã là thích. Mà chưa chắc đã thích thì có thể coi là hủ nữ?

 .

3. Nguồn gốc của từ “hủ nữ”

Năm 2000, một tờ báo ở Hồng Kông gọi những cô gái có chung niềm yêu thích được nhìn thấy các chàng trai yêu nhau là “hủ nữ”, “hủ” nằm trong từ “hủ bại”- một ý nghĩa khá tiêu cực. Nhưng không ngờ các cô nàng này đã vui vẻ nhận ngay vào mình và còn chấp nhận tự gọi bản thân là “hủ nữ”.

Từ đó, cái tên “hủ nữ” ra đời để gọi những cô gái yêu thích đam mỹ và một số nàng cũng chấp nhận từ “hủ nữ” để gọi chung các fan SA.

Đây là thông tin sai lệch trầm trọng! Vốn dĩ, trích đoạn trên được chuyển thể từ phần đầu của cuốn tiểu thuyết “Những chuyện lan man đầu thế kỉ” của Vũ Phương Nghi. Tôi biết, để viết được một cuốn tiểu thuyết “ngổn ngang thế sự và tầng tầng lớp lớp [tuy chưa chặt chẽ lắm] về kết cấu” [theo lời nhận định của Báo Tuổi Trẻ] thì tác giả cũng phải có một phông kiến thức nhất định. Tuy nhiên, kiến thức trong cuốn tiểu thuyết đó chưa chắc đã hoàn toàn đúng. Hiện thực bước vào văn chương là một quy luật tất yếu. Nhưng trong văn chương không chỉ có hiện thực mà còn có lãng mạn, có hư cấu. Bởi vậy, một người viết báo lấy nguồn gốc, định nghĩa của một khái niệm từ trong một cuốn truyện là hoàn toàn không thể chấp nhận được! Không những thiếu tin cậy về nguồn gốc định nghĩa mà còn gây ra những nhận thức sai lầm về một đối tượng cho rất nhiều người.

Từ “hủ nữ” không hề bắt nguồn từ một tờ báo nào xuất bản năm 2000 như bài báo trên khẳng định hay xuất phát từ Trung Quốc mà “hủ nữ” có nguồn gốc từ Nhật Bản. Còn chi tiết hơn thì các bạn có thể tham khảo phần Định nghĩa cơ bản trong Thông tin về hủ nữ trên Baidu – bản edit của bạn Bạch Biên Bức [link bên dưới].

Nhưng cần phải nói với nhau rằng: vì chiếm phần lớn trong số những người yêu thích BL là con gái nên hủ nữ mới trở thành tên chung. Trên thực tế, không chỉ có con gái mới có sở thích như vậy mà còn có một số lượng nam tuy không nhiều nhưng không phải không có. Vì vậy, còn có một khái niệm nữa là: “hủ nam”.

 .

4. Giới tính của hủ nữ

Hủ nữ là con gái và hoàn toàn bình thường về tâm sinh lý cũng như về giới tính. Tôi không loại trừ trường hợp có hủ nữ là lesbian nhưng cho dù có là như thế thì họ vẫn là con gái và vẫn bình thường về mọi mặt.

 .

5. Đặc tính của hủ nữ

Suy cho cùng, hủ nữ cũng là một cái danh, một tên gọi dành riêng cho những bạn nữ yêu chuộng BL. Vì vậy, gắn liền với sở thích này là tất cả những tác phẩm văn học và nghệ thuật có liên quan đến BL. Nói cách khác, sở thích của hủ nữ không chỉ dừng lại ở truyện hay phim mà còn có nhiều hình thức nghệ thuật khác nữa, nhưng so với truyện và phim thì ít hơn hẳn. Tuy nhiên, nếu một người không hay đọc, hay xem, hay ưa thích chúng mà vẫn có tình yêu với BL thì người ấy vẫn được coi là hủ nữ.

Nhắc đến hủ nữ thì thường có một số khái niệm phổ biến như: SA, yaoi và đam mỹ.

SA là viết tắt của từ “shounen-ai” trong tiếng Nhật, nó là BL. Vì vậy, tất cả những gì gắn liền với sở thích BL của hủ nữ đều được gọi là SA: truyện SA, phim SA,… Nói cách khác, đây là một cách gọi của hủ nữ với những gì có yếu tố đồng tính thay vì dùng từ ‘gay’.

Nhân vật chính là các chàng mỹ nam long lanh và họ có một tình yêu cũng long lanh không kém. Xuất phát từ Nhật, thể loại này đang làm mưa làm gió ở Trung Quốc, Hàn Quốc và lan sang cả Việt Nam.

Nếu như thông thường, khi các đạo diễn, nhà văn làm phim, viết truyện về tình yêu đồng giới thì bao giờ cũng là những câu chuyện bi kịch đau thương.

Nhưng trong SA, mọi thứ lại nhuốm một màu tình yêu ngọt ngào, lãng mạn và không có bóng dáng nào của sự kì thị giới tính. Tại Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc… SA chẳng những không bị kì thị mà còn được ủng hộ nhiệt liệt hơn bao giờ hết.

Thôi được, tôi sẽ tạm thu hẹp phạm vi của SA chỉ còn truyện và phim để các bạn có thể dễ tưởng tượng. Như tôi đã giải thích, truyện hay phim SA có khác gì với truyện hay phim bình thường ngoài việc hai nhân vật chính đều là nam? Không! Phim, truyện bình thường có hỉ, nộ, ái, ố thì SA cũng có. Truyện thì đâu phải nhân vật nào cũng đẹp ngời ngời. Truyện cũng có tuyến nhân vật xấu, xấu trong, xấu ngoài, thậm chí xấu cả hai. SA cũng có vậy. Phim thì đâu phải diễn viên nào cũng long lanh! SA cũng thế. Vì vậy mà nghĩ đến SA, các bạn đừng chỉ nghĩ đến “mỹ nam long lanh với tình yêu long lanh” không thôi, nó chẳng khác gì truyện, phim bình thường đâu bởi đơn giản, SA cũng là truyện, phim bình thường.

Tôi phải nói rằng người viết rất có logic khi viết cái câu “Nếu như thông thường, khi các đạo diễn, nhà văn làm phim, viết truyện về tình yêu đồng giới thì bao giờ cũng là những câu chuyện bi kịch đau thương.” Ở trên vừa nói là không bình thường, xuống dưới lại thành bình thường, dưới nữa lại bảo không bình thường. “Làm phim, viết truyện về tình yêu đồng giới”, đây không phải SA sao? Thế rồi lại còn “nhưng trong SA”!? Thật sự tôi không thể nói câu này tối nghĩa nữa rồi!

Không để ý đến câu trên, xem câu dưới sai như thế nào nhé! Vì SA cũng là truyện, phim bình thường nên chỉ “nhuốm một màu tình yêu ngọt ngào, lãng mạn và không có bóng dáng nào của sự kì thị giới tính” là không đúng. SA cũng có buồn bã, có đau khổ, có căm ghét, có oán hận,… có hết. SA cũng có cả kì thị giới tính là hàng rào ngăn căn khiến hai người không đến được với nhau. Không chỉ truyện mà phim cũng nhiều đau đớn chẳng kém gì truyện, phim nói về tình yêu nam – nữ. Và nếu các bạn chú ý câu nói ở trên thì chính người viết cũng có khẳng định SA “bao giờ cũng là những câu chuyện bi kịch đau thương”. Thật sự là quá mâu thuẫn.

Yaoi là một bộ phận của SA, không phải “một thể loại khác được phát triển từ SA”. Yaoi là SA có rating cao [16+].

Đam mỹ nói đơn giản là truyện SA của Trung Quốc. Rõ hơn thì có lẽ các bạn cũng được đọc trong bài “Đam mỹ có đồi trụy?” rồi. Tuy rằng những gì mà bài báo ấy khẳng định không phải là đúng hoàn toàn nhưng ít ra là đúng hơn bài báo này với định nghĩa “đam mỹ là truyện cổ trang”. Tóm lại thì trước hết, các bạn cứ hiểu đơn giản: đam mỹ là truyện SA của Trung Quốc.

Còn về vấn đề hợp pháp của các “sản phẩm” này thì tôi cũng xin phép gác sang một bên để tí nữa mới quay lại bàn.

.

Một đặc tính nữa của hủ nữ là thích ghép cặp nam – nam. Từ truyện, phim,… đến đời thực, nếu có cơ hội thì hủ nữ sẽ ghép cặp. Hoặc nếu không phải là một cặp, chỉ là một trong hai thì hủ nữ cũng muốn tìm một người phù hợp để ghép. Tuy nhiên việc

“nhìn đâu cũng thấy gay” và chép miệng “tiếc nuối” khi thấy một chàng trai “đủ tiêu chuẩn gay nhưng không gay”.

là hoàn toàn không có. Nếu “nhìn đâu cũng thấy gay” thì chẳng lẽ trong mắt hủ nữ, cứ mang giới tính nam trên thế giới này là phải gay hết hay sao? Hủ nữ thích ghép cặp, thích quan sát họ nhưng không có nghĩa hủ nữ không phân biệt được thực tế và sở thích. Hủ nữ không hề

quay sang kì thị “trai thẳng” vì “không đẹp, không duyên và không… gái”.

Chẳng một con người có lý trí nào lại có thể hành động như vậy. Nhân đây, tôi cũng giải thích qua về khái niệm “trai/gái thẳng” và “trai/gái cong”. Nói đơn giản thì “trai/gái thẳng” là người có xu hướng tính dục dị tính, nghĩa là yêu người khác giới. Từ “thẳng” vốn bắt nguồn từ “straight” trong tiếng Anh. Không “thẳng” thì là “cong”. Nhưng “trai/gái cong” không hoàn toàn là gay hay les. Quay trở lại vấn đề chính, con trai bình thường thì “không đẹp, không duyên”? Nếu vậy cứ đẹp trai, ăn nói có duyên thì là gay hết? Mà đã là gay thì phải “gái” hay sao?

Đây là một suy nghĩ lệch lạc về hủ nữ. Hủ nữ thích ghép cặp nam – nam, không sai. Nhưng hủ nữ phân biệt được rất rõ sở thích và thực tế, họ cũng đủ khả năng để không khiến sở thích ảnh tưởng tới cuộc sống của mình cũng như của người khác.

 .

6. Hủ nữ không có xu hướng độc thân

Thật ra tôi không hề muốn coi đây là một luận điểm để phản bác lại bài báo bởi theo như bài báo viết thì đây là một hệ quả từ đặc tính thích ghép cặp của hủ nữ. Nhưng vì nó được tách ra thành một phần nhỏ với tiểu đề [dù ý không rõ ràng] nên tôi đành tách ra để giải thích cho rõ vậy.

Hủ nữ là con gái bình thường, không hề có gì bất ổn về tâm sinh lí hay giới tính hay bất kì cái gì hết. Việc hủ nữ có người yêu cũng là chuyện hết sức bình thường như việc một cô gái có người yêu vậy. Lý do gì khiến người viết nghĩ rằng hủ nữ “độc thân”?

Trước hết, ngay từ đầu bài báo khẳng định:

Có thể nói, chiếm số lượng lớn trong các nàng “độc thân và chưa vội yêu” là các hủ nữ với quan điểm và cách nhìn tình yêu “không được bình thường”.

Nếu hiểu đúng nghĩa câu này thì những cô gái đã có người yêu, có gia đình thì không phải là hủ nữ? Đây là một quan điểm sai lầm! Hủ nữ chỉ là một cái danh xưng mà thôi. Bất kì bạn nữ nào có sở thích BL thì đều được gọi là hủ nữ. Thế nên có rất nhiều hủ nữ đã có người yêu và cũng có người có gia đình rồi. Cái mà người viết muốn nhấn đến ở đây phải là “Tại sao đa số hủ nữ chưa có người yêu?”

Theo bài báo thì:

– Một khi nhìn các chàng mỹ nam quá nhiều, hủ nữ dần đặt ra một tiêu chuẩn để ngầm so sánh với những chàng “trai thẳng” xung quanh, và dường như phần thắng tuyệt đối luôn nghiêng về các chàng gay.

– Một điều dễ nhận thấy nữa, khi mà các chàng trai càng lúc càng nữ tính đi, thì các nàng lại càng lúc càng “men” hơn. Nhu cầu bảo vệ, lo lắng cho người mình yêu thương làm các nàng dễ có cảm tình với những anh chàng có phần yếu ớt. Hoặc một khi không tự mình làm được, hủ nữ cảm thấy “cảm kích” khi có một chàng trai khác, mạnh mẽ hơn, giúp họ bảo vệ anh chàng kia. Từ đó dẫn đến việc ủng hộ tình yêu đồng tính.

– Một phần cũng vì, so với tình yêu nam-nữ, tình yêu nam-nam không nhiều nước mắt, không “lải nhải mắc mệt”, không sến và không “bánh bèo”. Họ cảm thấy tìm được niềm vui không tình yêu giữa các chàng trai mà đôi lúc “quên bẵng” nhu cầu được yêu hay tình yêu nam-nữ. Đây là lý do khiến đa số các hủ nữ đều ở tình trạng độc thân.

Trước khi ký giải cho từng lý do, tôi muốn nhắc người đọc rằng: hủ nữ đa phần là học sinh, sinh viên. Việc học sinh, sinh viên chưa có người yêu là chuyện rất bình thường. Không phải cứ là hủ nữ thì sẽ “độc thân”.

Lý do đầu tiên, theo như bài báo viết thì “mỹ nam” là gay. Cứ đẹp là gay nên những người không đẹp tất nhiên thành “trai thẳng”. Mà thế thì làm sao phần thắng lại không thuộc về gay? Các bạn có thấy câu này sai không? Sai từ nghĩa đến diễn đạt nên cái lý do này xin được vứt vào sọt rác vì độ tối nghĩa của nó. Tuy nhiên, nếu tôi thẳng tay quăng vào sọt rác thì lại chẳng khác nào bỏ đi một trong số ít những luận cứ của người viết. Thành ra, cố gắng hiểu theo ý của người viết thì trong đầu hủ nữ, gay là nhất. Nhưng có hiểu thế thì nó vẫn sai. Tôi đã nói, hủ nữ đủ nhận thức để phân biệt đâu là cuộc sống, đâu là sở thích. Chưa kể, hủ nữ thích BL chứ không phải thích gay. Cho dù chàng gay đó có đẹp cỡ nào thì đối với hủ nữ, anh ta cũng không thuộc về bản thân. Bởi vậy mà việc đặt ra tiêu chuẩn so sánh ngầm với “trai thẳng” là không có. Ngoài ra, gay và straight là hai phạm trù hoàn toàn khác nhau. Đem tiểu chuẩn của gay để so với straight chẳng phải là quá vô lí?! Nếu đem lí do này ra áp dụng với fan thần tượng thì có lẽ đúng hơn nhiều; đúng ở chỗ họ có so sánh giữa những người con trai xung quanh mình với thần tượng.

Lý do thứ hai, tôi vẫn nghĩ rằng nó liên quan đến nguồn gốc của hủ nữ nhưng vì người viết lại đặt trong phần này nên tôi cũng lại cố gắng hiểu sâu hơn theo nghĩa này để phân tích. Và tôi hiểu là hủ nữ vì quá say mê với BL, chìm trong tình yêu đồng tính mà quên đi tình cảm nam – nữ. Lý do này, xin một lần nữa bác bỏ. Tôi đã nói rồi, hủ nữ phân biệt được sở thích và đời thực. Tôi dám khẳng định rằng một hủ nữ vẫn có thể rung động trước một chàng trai, vẫn có thể thầm thích một ai đó, vẫn có thể yêu ai đó một cách say đắm. Không đâu xa, tôi là hủ nữ nhưng tôi vẫn rung động. Bạn tôi là hủ nữ, bạn ấy vẫn đang thầm thích một người. Và xin hỏi, nếu hủ nữ mà quên được tình yêu nam – nữ thì những hủ nữ có người yêu, có gia đình, họ sống như thế nào? Nếu có ai bị sở thích làm lú lẫn bản thân thì chỉ trách người ấy không bản lĩnh, không lý trí mà thôi. Chẳng thể trách sở thích ấy được.

Lý do thứ ba, tôi đã giải thích ở bài trước rồi. Chẳng cần là hủ nữ mới thấy câu khẳng định này sai.

Như vậy thì cả ba lí do mà người viết đưa ra đều không có tính thuyết phục để hủ nữ có thể thấy được họ đang lún sâu đến cỡ nào mà lại có tương lai mù mịt như vậy.

.

Bên lề, việc hủ nữ

“nung nấu” ý định “bẻ thẳng thành cong”

tôi không phản đối. Nhưng cần phải mở ngoặc mà nói với nhau rằng: ý định ấy chẳng khác nào một trò đùa. Trên thực tế, không một hủ nữ nào làm được điều này nếu đối tượng “thẳng” tuyệt đối. Khi một hủ nữ nói ra câu này, là cô ấy chỉ coi đó như một trò giải trí mà thôi. Cũng chẳng có hủ nữ nào đủ quyết tâm, kiên trì để bẻ cong được “trai thẳng”. Còn nếu anh chàng đó không “thẳng tuyệt đối” thì tôi không dám chắc.

Nhưng có “bẻ” được thì cũng không có nghĩa hủ nữ sẽ “bẻ” hết cả nửa thế giới này. Họ biết điểm dừng. Và rõ ràng, họ là con gái, họ cũng có tình yêu của họ. Đừng nghĩ rằng hủ nữ không thể yêu!

.

Đến cuối cùng, từ những ý mà bài báo đưa ra, tôi có thể kết luận rằng: đây là một bài báo sai sự thật, phóng đại quá mức, thiếu kiến thức, thiếu tính thuyết phục, thiếu logic. Vì vậy mà người đọc sẽ chẳng có được cái gì hết ngoài nhận thức sai lầm. Hơn nữa, khi được biết người viết bài này cũng là hủ nữ thì tôi tự hỏi: cô gái ấy có đúng là hủ nữ hay không khi đến những kiến thức cơ bản về hủ nữ cũng không biết? Thậm chí cô ấy còn chẳng nắm được định nghĩa về hủ nữ thì cô ấy có tư cách gì để nhận danh xưng ấy về mình ngay cả khi theo cô ta biết thì “hủ nữ” là một khái niệm mang nghĩa tiêu cực? Một người mà không phân biệt nổi hủ nữ và fan thần tượng để rồi đánh đồng họ với nhau thì có thể coi là hủ nữ? Rõ ràng, bài viết này chỉ khác một bài chỉ trích fangirls ở chỗ nó thay fangirls bằng hủ nữ rồi thêm mắm, thêm muối cho giống giống hủ nữ mà thôi! Tôi xin khẳng định rằng: bất kì một hủ nữ nào có đầy đủ nhận thức và khả năng phân biệt đúng sai đều sẽ phản đối bài viết này. Không phải ở phương diện nó nói chúng tôi xa rời, tách biệt xã hội mà vì nó không đáng là sản phẩm do một hủ nủ [tự nhận] viết ra. Còn việc có tách biệt xã hội hay không, tôi sẽ nói ở phần dưới.

 .

 .

Tôi là hủ nữ và tôi không bình thường

 .


Đầu tiên, tôi xin nói luôn là tôi không tẩy chay người viết bài này bởi cô ấy không phải hủ nữ. Cho dù bản thân có nhận mình là hủ nữ nhưng trên thực tế, cô ấy cũng không nắm rõ được hủ nữ là người như thế nào cũng như những kiến thức căn bản mà một hủ nữ cần có. Cũng giống như người viết bài đầu tiên, cô ấy cũng có những quan điểm không đúng về hủ nữ. Và để phản hồi lại những suy xét về bản thân của cô ấy, tôi muốn nói rằng hủ nữ không hề không bình thường.

Tôi muốn hỏi các bạn một câu. Dù câu hỏi chẳng có gì là khó nhưng tôi mong các bạn hãy suy nghĩ cho kĩ trước khi trả lời.

Các bạn định nghĩa thế nào về từ “bình thường”?

Tôi vẫn muốn biết mọi người nghĩ gì về sự khác thường để rồi một mực khẳng định rằng hủ nữ là không bình thường. Hủ nữ không bình thường ở chỗ nào? Ở sở thích của họ? Ở cách sống của họ? Hay ở cách họ phản đối lại bài báo sai sự thật phía trên?

.

“Văn hóa phẩm đồi trụy”

Lại một lần nữa xin phép gác lại ý kiến về “văn hóa phẩm đồi trụy”, tôi sẽ nói cụ thể trong phần phân tích của bài báo tiếp theo.

.

Tôi khó khăn trong việc tìm kiếm tình yêu đích thực của mình

Trước hết thì tôi phải giải thích một vài thuật ngữ cho các bạn trước chứ nhỉ! “Thụ” là người giữ vai trò bị động trong mối quan hệ nam – nam, còn “công” là người giữ vai trò chủ động. Tạm thời, bạn có thể tưởng tượng “thụ” tương đương với “nữ” và “công” tương đương với “nam” trong mối quan hệ nam – nữ. Vì hủ nữ là con gái nên vẫn không thể tránh khỏi ảnh hưởng của quan điểm cá nhân về mối quan hệ nam – nữ nên thường có xu hướng chia gay thành hai phần rõ rệt: công, thụ. Nhưng trên thực tế, trong một mối quan hệ đồng tính, hai người có thể đổi vai trò cho nhau. Hủ nữ thường chỉ chấp nhận đến mức: một người là thụ của người này nhưng lại là công của người khác.

Quay trở lại chủ đề chính nào! Thật ra vấn đề này ở trên tôi cũng đã nói rồi. Vì thế mà một hủ nữ có thể “vì nghĩa quên mình” như vậy, tôi cho rằng là vì người đó thiếu lý trí mà trở nên quá sa đà. Không phải hủ nữ nhìn đâu cũng ra công với thụ, cứ thấy trai đẹp là quy kết nọ kia. Tất nhiên là có nhưng không phải lúc nào cũng thế, ai cũng thế. Đối với tôi mà nói, không phải nhìn trai đẹp lúc nào cũng có thể quy đó là thụ hay công. Vẫn có những anh chàng rất ưa nhìn, nam tính và tôi không tránh khỏi thấy chút rung rinh. Tôi cũng muốn tiếp cận anh ta. Lúc đó, tôi chỉ coi anh ta là một người con trai bình thường. Tôi là một hủ nữ, tôi có những lúc như thế đấy. Thế tôi có bị coi là khác thường so với hủ nữ không? Tôi biết, không chỉ riêng mình tôi mà hủ nữ nào cũng vậy. Có thể họ “nhạy cảm” trước việc nhìn thấy một anh chàng đẹp trai nhưng họ biết cách “nhìn người” để không phải “nhìn đâu cũng thấy gay”. Vì vậy, việc hủ nữ có tìm được bạn trai cho mình không là điều hoàn toàn có thể.

Bên cạnh đó, việc tự hào hay không tôi không thấy chút liên quan đến việc bản thân là hủ nữ. Chưa có người yêu thì bạn sẽ mặc cảm hay sao? Bạn bị “ế” khi ở tuổi 18 là vết thương lòng hay sao? Bạn tự hào vì bạn là hủ nữ thì có liên quan gì? Tâm lí mặc cảm vì chưa có người yêu có thể gặp ở bất kì bạn gái nào dù có là hủ nữ hay không. Tuy nhiên tôi không nghĩ rằng không có một hủ nữ nào chưa có người yêu lại bị mặc cảm hết. Tất cả những hủ nữ tôi biết là những người mạnh mẽ, tự tin, có một cuộc sống rất tốt, có bạn bè, có gia đình. Họ chẳng có gì phải buồn phiền khi chưa có một anh chàng phù hợp đi bên cạnh. Và tất cả những cô bạn của tôi, không phải hủ nữ, cũng chẳng có ai tự ti hết.

Hủ nữ không “ế” cũng như chẳng có gì để buồn phiền về tình trạng “phòng không” của mình. Ở cái tuổi học sinh, sinh viên thì việc chưa có người yêu không có gì đáng để lo ngại.

.

Tôi có xu hướng sống tách biệt

Hủ nữ có xu hướng sống tách biệt không? Không!

Thật ra, điều đầu tiên tôi nghĩ đến khi đọc xong mẩu chuyện về người viết và cô bạn là sở thích này kéo họ lại gần với nhau hơn. Từ không thân, họ trở nên “dính chặt lấy nhau”. Một mối quan hệ phát triển, gắn bó như vậy có gì liên quan đến sự tách biệt nhỉ? Rồi việc những người có cùng sở thích đi chơi với nhau cũng chẳng phải chuyên hi hữu gì để lấy làm lạ. Đã có cùng sở thích thì tất nhiên họ hiểu nhau rất rõ. Người không thích tất nhiên là không biết, không biết thì sao có thể hiểu? Đâu phải chỉ có hủ nữ là người bình thường không hiểu được?! Thả một người vào trong một nhóm dân nghiền game, một nhóm chuyên về lập trình vi tính, một nhóm toàn sinh viên mỹ thuật hay bất kì một nhóm nhỏ nào có chung sở thích trong một lĩnh vực nào đó, liệu người đó hiểu được mấy phần mà không “chuồn” sớm? Thế nên việc hủ nữ nói chuyện với nhau, đi chơi với nhau chẳng gây ảnh hưởng gì ngoài việc kéo họ gần lại với nhau hơn mà thôi.

Còn “đánh lẻ trong các cuộc hội họp”, tôi không thật hiểu ý người viết muốn nói là hủ nữ tụ lại thành nhóm nhỏ, chơi riêng với nhau trong một cuộc hội họp hay hủ nữ tiếp tục đi chơi với nhau sau khi cuộc hội họp đó kết thúc? Thường, khi tôi đi họp lớp, tôi chẳng thể nào chơi hết với cả lớp mà cũng chỉ chăm chăm đi với mấy đứa bạn thân nhất của tôi [không phải đứa nào cũng là hủ nữ]. Như thế có bị coi là “đánh lẻ” không? Trong một cuộc hội họp, không thể không có chuyện tách nhỏ thành nhiều nhóm được. Với một số lượng người lớn thì không thể nào cùng tập trung hết lại với nhau rồi cùng đi, cùng chơi trong mọi hoạt động. Tất nhiên vẫn có những hoạt động tập thể mà không phải tách nhỏ thì mọi người vẫn tham gia nhiệt tình. Vì vậy mà không cứ gì là hủ nữ mới phải “đánh lẻ”. Nếu đã muốn “đánh lẻ” thì đâu cần phải đến hội họp để bị coi là “tách biệt”?!

Hủ nữ bình thường không phải vì họ bình thường trong một cộng đồng hủ nữ. Họ bình thường trong chính cuộc sống hằng ngày. Chẳng lẽ hủ nữ không thể có bạn không phải hủ nữ hay sao? Hủ nữ đi chơi với nhau vì họ có chung sở thích, vì họ muốn gặp mặt và trở thành bạn. Nhưng hủ nữ cũng đi chơi với bạn bè bình thường. Họ vẫn sống, học tập và làm việc trong một môi trường tốt. Có gì gọi là tách biệt ở đây không? SA là một sở thích. Trên thế giới này còn có cả trăm ngàn thứ để thích. Những người có chung sở thích với nhau mà cứ tụ tập, đi chơi với nhau, nói những câu mà người ngoài không biết không hiểu thì là họ dần xa cách xã hội. Nếu chỉ như thế mà coi là tách biệt thì từ lâu xã hội đã chẳng tồn tại nữa rồi khi nó bị chia đàn xẻ nghé thành hằng trăm nhóm nhỏ.

Có nhiều cách để đọc truyện, xem phim mà không phải thức đêm. Cũng chẳng phải ai cũng giấu giấu giếm giếm đọc lén đam mỹ cả. Tôi vẫn đọc truyện trước mặt bố mẹ tôi bình thường. Tối nào cứ 10h30 là tôi đi ngủ. Tôi không bị “lệch múi giờ”. Còn nhiều người cũng như tôi vậy! Nhưng thôi, cứ cho là đa số hủ nữ như vậy đi thì không phải cứ hủ nữ mới bị “lệch múi giờ”. Có nhiều lí do để người ta thức đêm dậy muộn làm ảnh hưởng đến học tập và công việc. Nhưng có đúng là học tập và công việc của hủ nữ bị ảnh hưởng? Việc đặt tên là Hội những Fangơns bị Đam mỹ/Yaoi cản trở công việc và học tập cũng chỉ là một cách đặt tên. Đặt tên như vậy thì các bạn nghĩ người ta bị ảnh hưởng thật sao? Đó chỉ là một cách đặt tên cho vui mà thôi. Chẳng có cơ sở nào để từ một cái tên mà suy ra ảnh hưởng xấu của cả một tập thể, nhất là khi cái tên ấy xuất phát từ chính tập thể đó. Chẳng lẽ một người mặc trên người cái áo có dòng chữ “Tôi tự kỉ” thì người đó bị tự kỉ thật hay sao?

.

Đưa một cộng đồng ra ánh sáng là sai

Cùng một câu trả lời với người viết nhưng tôi không hề đồng ý với suy nghĩ của cô ấy. Đưa một cộng đồng ra ánh sáng là không sai nhưng đưa những thông tin không xác thực thì là rất sai. Người xưa có câu: “Biết thì thưa thốt, không biết thì dựa cột mà nghe”. Không biết thì không nên đề cập. Đề cập rồi sai lại bảo người ta sai vì phản bác lại mình. Trên thực tế, hủ nữ không sinh hoạt công khai cũng chẳng sinh hoạt ngầm. Những người biết thì có thể dễ dàng tìm thấy họ ở bất cứ đâu. Người không biết thì không thấy sự tồn tại của họ mà thôi. Bởi vậy mà nói là “đưa ra ánh sáng” dường như không hợp lí. Đọc từ đầu đến giờ, các bạn cũng thấy tôi nói đi nói lại rồi nên tôi cũng không cần giải thích việc tại sao hủ nữ lại nổi giận và “gạt phăng đi đặc tính” chắc chắn là của mình nhưng bị thay đổi đi ít nhiều và cảm thấy bị sỉ nhục rồi. Các bạn cũng biết tôi rất không tán thành ý kiến của người viết khi nói rằng cộng đồng hủ nữ không lành mạnh, gây ảnh hướng tới chất lượng cuộc sống hằng ngày. Hủ nữ ý thức được bản thân hoàn toàn bình thường. Cái nhìn kì thị của người khác có hay không là do người ta, không phải do hủ nữ. Một người không chấp nhận đồng tính thì họ không chấp nhận hủ nữ. Một người đã có cái nhìn ủng hộ đồng tính thì chắc chắn sẽ không kì thị hủ nữ. Tuy nhiên, trước giờ hủ nữ vẫn sinh hoạt bình thường. Họ không cần người không biết phải hiểu họ. Những người biết họ thì chẳng có gì để hiểu sai về họ. Nhưng sau bài báo kia thì họ cần người không biết phải hiểu đúng về họ. Như vậy có gì là sai?

.

Kết

Tôi không hiểu hủ nữ hiểu lầm gì về “quyền bình đẳng” ấy nữa. Tôi không thấy những kiến thức tôi được trang bị không chuẩn ở chỗ nào, khác với những gì tôi được học, được đọc ở chỗ nào nữa. Thế nên tôi cũng không biết mình hiểu sai cái gì. Ai đó có thể giải thích cho tôi được không?

Đọc đam mỹ không liên quan đến việc đấu tranh cho thế giới thứ ba. Đọc đam mỹ rồi cuối cùng vẫn là thả tâm hồn theo những áng văn bay bổng mà thôi. Có chăng là sự ủng hộ, đồng cảm với tình yêu đồng giới chứ trên thực tế không hề mang tính chất đấu tranh. Tuy nhiên, tôi không tin rằng bất kì hủ nữ nào cũng ủng hộ tình yêu đồng tính. Có những trường hợp yêu thích BL, thích đọc truyện SA, xem phim SA nhưng đó chỉ là con chữ, hình ảnh, nó không phải đời thực. Không phải tôi chưa thấy có hủ nữ khi biết một người bạn của mình là gay thì khoảng cách của họ cách xa nhau hơn. Cũng có những người thấy gay ngoài đời không bằng trong truyện, trong phim thì không còn có thái độ ủng hộ nhiệt tình nữa. Đối với những người như thế, SA chỉ là một sở thích trong thế giới ảo mà thôi. Có thì có những trường hợp như thế, nhưng xét chung thì hủ nữ vẫn là ủng hộ, thấu hiểu tình yêu đồng tính. Và tôi cũng nói rồi, nếu đã có định kiến với hủ nữ thì người đó không thể không kì thị gay.

Bài viết trước, tôi đã nói cái khúc cuối nó sai đến thế nào rồi. Xu hướng tình dục đồng tính không thể khẳng định là “bẩm sinh”, “xuất phát từ chính bản thân họ”, “tự nhiên”. Xu hướng tính dục có thể là bẩm sinh nhưng cũng được hình thành do ảnh hưởng của môi trường sống. Vì vậy mà người ta không thể lựa chọn. Đây trước giờ vẫn là quy luật tất yếu của tự nhiên. Thế nên dù công nhận hay không thì đó là chuyện bình thường. Nhìn nhận nó thế nào chỉ là do con người có ý thức hay không mà thôi. Và tất nhiên, giới tính thứ ba được thừa nhận là do họ đấu tranh, do sự thay đổi của xã hội. Hủ nữ chỉ là một bộ phận nhỏ có cách nhìn “mạnh mẽ” hơn về tình yêu đồng giới mà thôi. Cho dù họ có góp phần vào số lượng những người không phản đối đồng tính thì việc hủ nữ đọc đam mỹ cũng chẳng liên quan gì đến việc thế giới thứ ba được thừa nhận.

 .

.

Đôi điều muốn nói về hủ nữ

.

Tôi không có gì để phản đối bài viết này. Nó đúng sự thật.

Hủ nữ – shipper [như bạn ấy nói] vẫn được coi là hủ nữ nhưng chỉ thu hẹp trong một phạm vi nhất định với một loại đối tượng nhất định mà thôi. Không thể chỉ vì một bộ phận nhỏ những người như vậy mà có cái nhìn không đúng về cộng đồng hủ nữ.

Xã hội nào cũng có người tốt và người không tốt. Hủ nữ cũng vậy. Nhưng nếu chỉ đưa ra những ví dụ không tốt rồi gán cái mác tiêu cực cho cả một tập thể thì đó là sai. Những gì tôi nói về hủ nữ phía trên đều là những gì chung nhất về đa số trong cộng đồng hủ nữ ở Việt Nam.

 .

.

Đam mỹ có đồi trụy?

.


Thật ra thì phải khẳng định lại, đam mỹ không phải là cái gắn liền với hủ nữ. Gắn liền với hủ nữ là văn học và nghệ thuật có liên quan đến BL, trong đó phổ biến nhất là truyện, tiểu thuyết, đặc biệt là của Trung Quốc với cái tên Đam mỹ. Vì vậy, không phải cứ là hủ nữ thì phải đọc đam mỹ. Cũng có người đọc đam mỹ nhưng không phải hủ nữ. Đơn giản chỉ vì nó hay, nó hợp gu nên đọc thôi. Cái làm nên danh xưng hủ nữ xuất phát từ tình yêu với BL.

Người viết đã có những giới thiệu chung không có gì để bàn cãi nên tôi cũng không có gì để lôi ra mổ xẻ. Tôi chỉ xin được phân tích cụm từ “văn hóa phẩm đồi trụy” và lý giải đam mỹ có phải là văn hóa phẩm đồi trụy hay không mà thôi.

.

Một lúc nào đó, tôi thấy có người giải nghĩa cụm từ “văn hóa phẩm đồi trụy” như thế này:

– Văn hóa là sự tinh hoa, lưu giữ qua nhiều thế hệ, nên không thể có “văn hóa đồi trụy”.

– “Văn hóa phẩm” là sản phẩm văn hóa do con người làm ra, theo trình tự, thủ tục do pháp luật qui định. Chẳng hạn như một bộ phim làm ra thì phải có giấy phép. Ở nước nào cũng vậy. Do vậy, nếu người nào đó tự “sản xuất” ra một đoạn clip sex, rồi đưa lên mạng internet. Thì liệu có thể cho rằng đoạn phim đó là “văn hóa phẩm” hay không? [không có giấy phép sản xuất, nội dung không lành mạnh …]. Hay đó chỉ là “sản phẩm đồi trụy”? [bỏ đi chữ “văn hóa”]

                                      Luật sư Trần Hồng Phong, Công ty luật hợp danh Ecolaw

Cũng có không ít người đồng tình với quan điểm này. Nếu từ “văn hóa phẩm đồi trụy” sai như vậy, tại sao nó vẫn còn xuất hiện trên các phương tiện thông tin đại chúng và dần đi vào hệ thống ngôn ngữ của người Việt Nam như một điều tất yếu? Không thể phủ nhận, truyền hình hay báo chí hiện nay đang góp phần hủy hoại sự trong sáng của tiếng Việt nhưng không phải vì vậy mà cái gì cũng sai. Trên thực tế, tôi không thấy từ này sai.

– Theo Đại từ điển tiếng Việt của Trung tâm Ngôn ngữ và Văn hóa Việt Nam – Bộ Giáo dục và đào tạo, do Nguyễn Như Ý chủ biên, NXB Văn hóa – Thông tin, xuất bản năm 1998: Văn hóa là những giá trị vật chất, tinh thần do con người sáng tạo ra trong lịch sử.

– Trong Từ điển tiếng Việt của Viện Ngôn ngữ học, do NXB Đà Nẵng và Trung tâm Từ điển học xuất bản năm 2004 thì đưa ra một loạt quan niệm về văn hóa:

Văn hóa là tổng thể nói chung những giá trị vật chất và tinh thần do con người sáng tạo ra trong quá trình lịch sử.

Văn hóa là những hoạt động của con người nhằm thỏa mãn nhu cầu đời sống tinh thần [nói tổng quát]

Văn hóa là tri thức, kiến thức khoa học [nói khái quát]

Văn hóa là trình độ cao trong sinh hoạt xã hội, biểu hiện của văn minh

Văn hóa còn là cum từ để chỉ một nền văn hóa của một thời kỳ lịch sử cổ xưa, được xác định trên cơ sở một tổng thể những di vật có những đặc điểm giống nhau, ví dụ Văn hóa Hòa Bình, Văn hóa Đông Sơn

– Trong cuốn Tìm về bản sắc văn hóa Việt Nam, PGS.TSKH Trần Ngọc Thêm cho rằng: Văn hóa là một hệ thống hữu cơ các giá trị vật chất và tinh thần do con người sáng tạo và tích lũy qua quá trình hoạt động thực tiễn, trong sự tương tác giữa con người với môi trường tự nhiên và xã hội của mình.

– Theo tổ chức giáo dục và khoa học của Liên Hiệp Quốc UNESCO: Văn hóa bao gồm tất cả những gì làm cho dân tộc này khác với dân tộc kia.

Nói tóm lại: Văn hóa là tất cả những giá trị vật thể và phi vật thể do con người tích lũy và sáng tạo ra trên nền của thế giới tự nhiên.

“Văn hóa phẩm” là sản phẩm của văn hóa. Nó không mang nghĩa tốt hay xấu. Nó chỉ là một danh từ. “Đồi trụy” là một tính từ chỉ tính chất. Việc kết hợp một tính từ với một danh từ cho ta một khái niệm hoàn chỉnh của một bộ phận sản phẩm của văn hóa. Như vậy thì từ “văn hóa phẩm đồi trụy” không có gì là sai. Cái sai nằm ở cách dùng của con người mà thôi.

Thực tế, ở các nước phát triển, người ta không sử dụng từ “văn hóa phẩm đồi trụy” cho các sách báo, hình ảnh, phim,… có nội dung liên quan tới sex. Người ta chỉ có những tên gọi như phim người lớn hay phim cấp 3,… mà không có một tính từ nào đi kèm để quy kết cho nó cái tính chất có đồi trụy hay không. Nhưng Việt Nam lại dùng vì cho rằng những thứ đó không hợp với thuần phong mỹ tục của người Việt Nam. Tôi không phản đối, không phủ nhận cũng chẳng bác bỏ. Tuy nhiên, cho đến nay, vẫn chưa có một văn bản pháp luật nào định nghĩa cụ thể và chính xác từ “văn hóa phẩm đồi trụy”.

Điều 253 Bộ Luật Hình sự ghi rõ tội “truyền bá văn hóa phẩm đồi trụy” như sau: Người nào làm ra, sao chép, lưu hành, vận chuyển, mua bán, tàng trữ nhằm phổ biến sách, báo, tranh, ảnh, phim, nhạc hoặc những vật phẩm khác có tính chất đồi truỵ, cũng như có hành vi khác truyền bá văn hóa phẩm đồi truỵ thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 5 triệu đồng đến 50 triệu đồng, cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm.

Về tính chất “đồi trụy”, Khoản 4 Điều 3 Nghị định 178/2004/NĐ-CP có quy định: “Đồi trụy” quy định tại Điều 16 và khoản 1 Điều 26 của Pháp lệnh là sự thể hiện bằng hành động, bằng hình ảnh, bằng âm thanh lối sống ăn chơi, tiêu khiển thấp hèn, xấu xa, hư hỏng đến mức tồi tệ về đạo đức, trái với thuần phong, mỹ tục của dân tộc.

Theo Điều 1 trong Thông tư Hướng dẫn thực hiện quy chế “Lưu hành, kinh doanh phim, băng đĩa hình, băng đĩa nhạc; bán, cho thuê xuất bản phẩm; hoạt động Văn Hóa và dịch vụ Văn Hóa nơi công cộng; quảng cáo, viết, đặt biển hiệu” ban hành kèm theo NĐ 87/CP ngày12/12/95 của Chính Phủ: Sản phẩm văn hoá và hoạt động văn hoá có nội dụng đồi truỵ, khiêu dâm quy định tại điều 3 của quy chế là những sản phẩm và hoạt động trong đó có hình ảnh, ngôn ngữ, âm thanh, hành động khiêu gợi, kích thích, dâm ô, truỵ lạc, vô luân, loạn luân trái với truyền thống đạo đức và thuần phong mỹ tục của dân tộc Việt Nam.

Như vậy, ta có thể hiểu “văn hóa phẩm đồi trụy” là những sản phẩm có hình ảnh, ngôn ngữ, âm thanh, hành động khêu gợi, kích thích dâm ô, trụy lạc, vô luân, loạn luân trái với truyền thống đạo đức và thuần phong mỹ tục của dân tộc Việt Nam. Với một định nghĩa như vậy thì ta lại phải băn khoăn trước khái niệm “thế nào là trái với truyền thống đạo đức và thuần phong mỹ tục của dân tộc Việt Nam”? Với mỗi người thì cụm từ này lại có một phạm vị khác nhau. Vì vậy mà quan niệm về từ “văn hóa phẩm đồi trụy” vẫn chỉ mang tính chất tương đối mà thôi.

.

Như vậy, đam mỹ có thể coi là văn hóa phẩm đồi trụy hay không? Nói không thì không đúng nhưng nói có thì không chuẩn. Như các bạn đã biết thì đam mỹ có cả thanh thủy văn lẫn tiết thủy văn. Thanh thủy văn không thể là văn hóa phẩm đồi trụy được. Thế nên nếu mang cả nội hàm của “Đam mỹ” để nói nó “đồi trụy” là không đúng.

Còn tiết thủy văn với những cảnh H thì “đồi trụy”? Tôi không phủ nhận nó đề cập đến sex. Tôi cũng không bảo nó không miêu tả tả cụ thể. Tôi nói rằng tiết thủy văn cũng tùy từng loại mới là miêu tả cặn kẽ. Có những đam mỹ có cảnh H nhưng thành thật mà nói thì “có cũng như không”. Nó chẳng khác nào kiểu “kéo nhau lên giường rồi buông rèm thổi nến”. Như vậy thì cũng không thể tính là “đồi trụy”. Tôi có thể lấy ra một số ví dụ như: “Báo Ân Kí” [Hồ Duyến] của Công Tử Hoan Hỉ, “Quân Chi Hiểu” của Kết Kết,… Lấy ví dụ như vậy nhưng không có nghĩa là tôi bảo các bạn đọc thử đâu kẻo có người nói tôi “tuyên truyền văn hóa phẩm đồi trụy”.

Mấu chốt của vấn đề nằm ở một bộ phận của đam mỹ với những cảnh H có thể coi là miêu tả cụ thể. Thật ra, chỉ cần nhắc đến việc miêu tả sex một cách cụ thể, nhiều người đã ngay lập tức cho nó là “văn hóa phẩm đồi trụy”, là bại hoại thuần phong mỹ tục; chưa kể đến đấy lại là sex giữa hai người con trai thì lại càng có cảm giác ghê sợ. Nhưng tôi vẫn phải nói sex là một phần của cuộc sống. Chúng ta không thể phủ nhận sự tồn tại của nó. Đã là cuộc sống thì ắt phải bước vào văn chương nghệ thuật dù ít hay nhiều. Nhưng bước vào thế nào mới đem lại những ý nghĩa tích cực hay tiêu cực. Nếu đó là những hình ảnh, ngôn ngữ thô tục thì đó là đồi trụy. Nếu nó khắc họa được tâm trạng, cảm xúc, nó hướng tới tinh thần nhiều hơn thể xác phàm tục thì đó là nghệ thuật. Thế nên một câu chuyện dâm tục bị tẩy chay còn một tác phẩm văn học được ca ngợi dù cả hai đều nhắc đến sex. Tôi lấy một vài ví dụ đơn giản nhé! “Rừng Na-Uy” là một tác phẩm gây được nhiều tiếng vang. Nó hướng tới lối sống của một bộ phận thanh niên Nhật. Nó có đề cập đến sex. Nhưng cuốn sách vẫn bán chạy và được chuyển thể thành phim, rồi bộ phim cũng được không ít người ủng hộ. Đó là nghệ thuật. Nhưng “Cô giáo Thảo” lại bị nhiều người gắn cho cái mác “truyện sex”. Gần đây nhất là phim “Bi, đừng sợ”, bộ phim đề cập đến những góc tối của con người. Có ý kiến thì cho rằng phim hay và ý nghĩa nhưng không phải không có người đánh giá đây là thể loại “quay lưng về nghệ thuật” và cho một chữ “đồi trụy” không hơn. Ranh giới giữa nghệ thuật và đồi trụy rất mong manh. Có thể với người này là nghệ thuật nhưng với người khác thì đó là thứ đáng ghê tởm. Vậy dựa theo tiêu chuẩn nào để nhận định đây? Ý kiến chung của độc giả? Số lượng người ủng hộ? Nói dông dài như vậy các bạn có hiểu ý tôi muốn nói? Theo tôi và nhiều người khác, đam mỹ không hẳn là đồi trụy. Nó có miêu tả cụ thể đấy nhưng nó miêu tả bằng ngôn ngữ của văn học chứ không phải thứ ngôn ngữ thô tục, dâm ô. Nó miêu tả sex nhưng khi đọc, người ta hướng tới cái tình nhiều hơn. Chúng tôi thấy đó là nghệ thuật.

.

Thực tế, chuyện rào chắn độ tuổi bị gỡ bỏ là không thể không xảy ra. Internet là thế giới ảo. Vì vậy mà một người có khai man tuổi để đọc truyện hay không là hoàn toàn không chắc chắn được. Khi post truyện, chắc chắn người post đã cảnh báo rõ ràng về rating cũng như về chuyện có H hay không. Việc độc giả vào đọc không thể trách người post vì đó là lựa chọn của độc giả. Vì vậy không nên trách đam mỹ về độ tuổi của người đọc. Đó là ý thức của họ.

Tôi khá thích đoạn cuối của người viết. Đúng, đam mỹ không hoàn toàn trong sáng. Vì vậy mà vẫn có những câu chú ý của người dịch, biên tập về lứa tuổi phù hợp của độc giả. Người đọc cũng cần cân nhắc về tầm kiến thức cũng như ý thức của mình trước khi gỡ bỏ rào chắn độ tuổi.

 .

.

Tôi là một hủ nữ

.


Đọc “mẩu chuyện” này xong, tôi lại có thể đưa ra nhận định: tôi không tin người viết là hủ nữ. Dường như, những gì tôi nhận thấy thì đây là một con người nghiện đam mỹ chứ không phải BL. Vì đam mỹ viết về BL nên những tưởng tượng của cô ấy là hai chàng trai “đẹp lung linh” với nhau. Chứ còn trên thực tế, cô ấy không hề có biểu hiện gì của một người ưa thích BL.

Thôi được, cứ cho cô ấy là hủ nữ đi. Một hủ nữ yêu thích đam mỹ đến độ có thể đọc đam mỹ bằng Google translate thì tôi thật sự khâm phục!

Đây là một đoạn đam mỹ bằng tiếng Trung:

“小鱼,你真是我的救命恩人。”

“小鱼,别人都说你是我的小媳妇呢。”

“若说天长地久的话,我还是希望小鱼能一直陪在身边。”

鲨鱼说:

“笨鱼,我从不相信爱这种鬼东西。我一看琼瑶剧就想吐;一看情感剧就恶毒地猜测热恋中的主角何时分手;上网看到谈情说爱的帖子就咒他们迟早打得头破血流;见你这麽喜欢一个人,就恨不得像捏臭虫一样,把你那颗充满粉色气泡的小心脏给捏个粉碎……”

童话中有温柔的王子和恶毒的鲨鱼,还有一条安静乖巧的小宅鱼;童话中有美丽的初识与悸动,有执着,也有伤心;童话中至尊宝辗转五百年,去寻找白晶晶,为了一份诺言不抛弃彼此,却深深伤害了自己真正爱的人。时间就是这麽无情,在还没意识到时,爱已悄然成为过去。

当鱼儿游向大海、星光垂泻天河,一直痴立前方等候的,究竟是谁?

Và đây là một đoạn đã được dịch bằng Google translate:

“Cá nhỏ, bạn đang cứu tinh của tôi.”

“Nhỏ cá, những người khác nói bạn có thể làm con gái nhỏ của tôi.”

“Nếu điều đó kéo dài mãi mãi, tôi vẫn hy vọng rằng cá luôn luôn sẽ ở lại bên cạnh.”

Shark cho biết:

“Stupid cá, ​​tôi không tin vào tình yêu mà điều damn tôi thấy chơi Qiong Yao để ói mửa;. Một cố của bộ phim tình cảm để đoán khi nhân vật chính trong tình yêu chia tay, những Internet để xem các bài viết về chính tả tình yêu Sớm hay muộn họ bị đánh đập, xem bạn như vậy giống như một người phải chờ đợi cho họ để kẹp các lỗi, như, như chìm trái tim của bạn có đầy đủ các bong bóng màu hồng để siết chặt một chút lòng … … “

Có nhẹ nhàng hoàng tử fairy tale và cá mập xấu xa, có một căn nhà nhỏ trong một con cá yên tĩnh và cũng có cách cư xử, truyện cổ tích trong một người quen xinh đẹp với đập rộn ràng, đã đính kèm, nhưng cũng buồn; fairy tale Monkey King đã được gỡ bỏ năm năm, để tìm Jingjing , để không từ bỏ một lời hứa với nhau, nhưng tổn thương sâu sắc tình yêu thật sự của họ. Thời gian là không tốt không nhận ra vào thời điểm đó, tình yêu đã lặng lẽ trở thành quá khứ.

Khi cá bơi ra biển, sao đổ xuống dải Ngân hà, đã được chờ đợi ở phía trước của pháp luật ngớ ngẩn, người?

Các bạn có hiểu mình đang đọc cái gì?

.

Sau những lời kể của cô ấy, tôi thấy đúng là cô ấy đã quá sa đà vào con đường “nghiện H trong đam mỹ” đến nỗi đúng là cần phải tìm lại chính mình. Nếu đọc đam mỹ để “chìm đắm trong thế giới tình dục của những anh chàng đồng tính” thì tôi chỉ có thể nói là cô ấy không cảm nhận được gì hết ngoài tưởng tượng ra cảnh “hai anh chàng đó mơn trớn vuốt ve nhau”. Nếu đã như vậy thì tôi nghĩ ngờ những gì cô ấy sẽ viết ra lắm! Có thể nó “đồi trụy” thật.

Nhưng nếu coi đây là hủ nữ thì cũng chỉ là một cá nhân cá biệt trong cả một tập thể. Tôi có thể dám chắc số lượng hủ nữ bị ảnh hưởng đến mức muốn trở lại bình thường, muốn tìm lại bản thân như cô gái kia là rất nhỏ.

 .

.

Tự do đam mê phải trong khuôn khổ pháp luật

 .


Như cái định nghĩa về “văn hóa phẩm đồi trụy” ở trên thì tôi không cho rằng “tiểu thuyết đồng tính phát tán trên mạng có thế phạm vào tội truyền bá văn hóa phẩm đồi trụy”. Điều đó còn tùy vào việc người ta xét nó là nghệ thuật hay là những sản phẩm đồi trụy. Tôi coi nó là nghệ thuật [tất nhiên không phải là tất cả nhưng là đa số]. Nhưng có thể người khác không cho là như thế, cũng không quan trọng. Nhưng đam mỹ không đến nỗi bị kết cho cái tội “dâm ô, trụy lạc, vô luân”.

“Truyền bá” là phổ biến rộng ra cho nhiều người, nhiều nơi. Nếu xét riêng từ “truyền bá” thì chưa chắc hủ nữ đã có tội. Như tôi đã nói: hủ nữ không hoạt động công khai nhưng cũng không hoạt động ngầm. Họ tập hợp thành một nhóm, có một vị trí riêng trong forum. Thậm chí có hẳn cảnh báo để mọi người nên tránh nếu không muốn tiếp xúc. Họ chia sẻ đam mỹ – những tác phẩm văn học đã được xuất bản ở Trung Quốc cho nhau. Họ không truyền bá ra ngoài. Hơn nữa, những bản edit, dịch đam mỹ đều được post trên các trang cá nhân có độ bảo mật cao nên không thể coi là truyền bá. Còn nếu post trên forum thì bản dịch, edit ấy cũng phải trài qua sự kiểm soát của Mod để không bị coi là văn hóa phẩm đồi trụy. Việc nó bị phát tán ra các trang web khác như wattpad hay một số forum khác là tình trạng bị đánh cắp bản quyền. Hủ nữ không phát tán đam mỹ.

Một điểm quan trọng là đam mỹ được edit và dịch với mục đích phi thương mại. Nó không hoàn toàn là sản phẩm cá nhân, không phải sao chép. Đam mỹ cũng không lưu hành, vận chuyển hay bị mua bán, tàng trữ nhằm được phổ biến. Mục đích của hủ nữ khi post đam mỹ lên là muốn chia sẻ một tác phẩm văn học chứ không phải là truyền bá hay phổ biến một quan niệm nào về tình yêu đồng giới cũng như không phải để nhận lại một lợi tức nào đáng kể.

Việc công khai đam mỹ là việc làm của 2! Mag chứ không phải hủ nữ. Hủ nữ trên thực tế không có ý mở rộng, phát triển tập thể mà chỉ là chấp nhận, dung nạp thêm các cá nhân. Vì vậy, đưa đam mỹ đến với người đọc phải là 2! Mag mới đúng. Liệu có bao nhiêu người sau bài báo ấy tò mò mà muốn đọc thử đam mỹ?

 .

.

Bạn cần cân bằng lại cuộc sống

.

Đây có thể coi là minh chứng thuyết phục nhất cho việc bài báo tai hại kia đã gây ra những hiểu lầm không đáng có. Và vì là hiểu lầm nên tôi cũng không có gì để bàn. Chỉ khẳng định lại một lần nữa: hủ nữ yêu BL chứ không phải gay.

.

.

Nếu bạn đủ kiên nhẫn đọc đến đoạn cuối này thì tôi muốn cảm ơn bạn nhiều lắm!

Từ những gì tôi phân tích, tôi có đủ luận điểm cũng như lý lẽ để có thể kết luận “Toàn bộ là báo lá cải sai sự thật”. Có thể đọc xong bài này, các bạn vẫn không thể hết cái nhìn ác cảm với hủ nữ bởi dù sao tình yêu đồng tính vẫn là một điều nhạy cảm trong xã hội Việt Nam hiện giờ. Tuy nhiên, chúng tôi có sở thích, có lý tưởng của mình. Chúng tôi vẫn tiếp tục theo đuổi nó nhưng không có nghĩa là chúng tôi không xem xét lại những gì mình đang làm. Thật sự, bài báo cũng có một chút tác dụng vì nhờ nó mà chúng tôi có thêm những thông tin, kiến thức về hủ nữ mà trước giờ không phải hủ nữ nào cũng biết. Đồng thời, nhờ nó mà chúng tôi nhận ra rằng có một bộ phận không nhỏ những con người thiếu hiểu biết đến nỗi tự cho mình là hủ nữ mà không biết hủ nữ là gì.

.

Một số bài viết mà các bạn nên tham khảo nếu muốn tìm hiểu thêm về hủ nữ:

Thông tin về hủ nữ trên Baidu – Edit bởi Bạch Biên Bức

Đây là một vài viết khá rõ và chi tiết về hủ nữ. Tuy nhiên, bài viết này hướng tới đối tượng chính là hủ nữ Trung Quốc, nó không hoàn toàn giống như ở Việt Nam. Nhưng nhìn chung thì có những nét khá tương đồng.

Về ngụy hủ nữ – Edit bởi Bạch Biên Bức

Nên đọc thêm hiểu thấy được có một bộ phận hủ nữ như người viết bài báo trên. Nhìn chung thì loại hủ nữ này ở Việt Nam là không nhiều nhưng không phải không có.

Hủ nữ – Học để lắng nghe và thấu hiểu – Tạp chí chim lợn

Video liên quan

Chủ Đề