Vị trí vai trò của việc xây dựng nông thôn mới

Vị trí vai trò của việc xây dựng nông thôn mới

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nêu rõ yêu cầu phải nhận thức thật đầy đủ và đúng đắn hơn nữa về vị trí, vai trò có ý nghĩa chiến lược lâu dài của phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn đối với sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Đề cập đến nội dung về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, trong phát biểu kết luận Hội nghị Trung ương 5, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cho biết, Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã thảo luận sôi nổi và cho nhiều ý kiến tâm huyết, trách nhiệm để hoàn thiện "Báo cáo tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 7 khoá X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn".

Trung ương nhận thấy, sau gần 15 năm thực hiện Nghị quyết, với sự vào cuộc tích cực của cả hệ thống chính trị, sự chung sức, đồng lòng của toàn dân, nước ta đã đạt được nhiều thành tựu to lớn, toàn diện, nhất là trong việc cơ cấu lại nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, đẩy nhanh quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá nông nghiệp, nông thôn và cải thiện đời sống của nhân dân, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Niềm tin của nhân dân đối với Đảng và Nhà nước ngày càng được củng cố, nâng cao.

Nông nghiệp đang tiếp tục được phát triển cả về quy mô và trình độ sản xuất, duy trì tăng trưởng ở mức khá cao và tiếp tục khẳng định được vai trò và vị trí quan trọng, là trụ đỡ của nền kinh tế, bảo đảm vững chắc an ninh lương thực quốc gia. Sản xuất, kinh doanh nông nghiệp đang chuyển mạnh theo hướng nâng cao chất lượng và giá trị gia tăng, từng bước thích ứng với biến đổi khí hậu; phát huy lợi thế vùng, miền, địa phương; chú trọng ứng dụng khoa học - công nghệ, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi.

Hệ thống tổ chức sản xuất, kinh doanh ngày càng được hoàn thiện, tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị nông sản toàn cầu. Tỉ lệ nông sản qua chế biến tăng dần; thị trường tiêu thụ được mở rộng cả trong và ngoài nước; xuất khẩu tăng nhanh cả về sản lượng, giá trị và tỉ trọng sản phẩm chất lượng cao. Việt Nam đã trở thành một trong những nước xuất khẩu nông sản lớn trên thế giới.

Nông dân nước ta đã phát huy tốt hơn vai trò là chủ thể, tích cực trong chuyển đổi cơ cấu sản xuất, ứng dụng khoa học - công nghệ, tham gia hợp tác, liên kết, khôi phục và phát triển ngành nghề nông thôn; xây dựng nông thôn mới, giữ gìn bản sắc văn hoá dân tộc, giữ vững an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội ở nông thôn. Thu nhập của nông dân ngày càng tăng, đời sống vật chất và tinh thần không ngừng được cải thiện; tỉ lệ hộ nghèo ở nông thôn giảm nhanh; dân chủ cơ sở ngày càng được phát huy.

Nông thôn đang có nhiều thay đổi rõ rệt, khá toàn diện, thể hiện rõ vai trò là địa bàn chiến lược trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Cơ cấu kinh tế của khu vực nông thôn chuyển đổi tích cực; tỉ trọng kinh tế công nghiệp và dịch vụ tăng khá.

Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới đã trở thành phong trào sâu rộng, có sức lan toả mạnh mẽ, nhận được sự tham gia tích cực của cả hệ thống chính trị từ Trung ương đến cơ sở, của toàn dân và cộng đồng doanh nghiệp, đã về đích sớm hơn 1,5 năm so với mục tiêu đề ra.

Để tiếp tục phát huy những kết quả, thành tựu đã đạt được, khắc phục những hạn chế, yếu kém còn tồn tại, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ hơn nữa, thực hiện thành công những mục tiêu, nhiệm vụ mà Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã đề ra, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nêu rõ yêu cầu phải nhận thức thật đầy đủ và đúng đắn hơn nữa về vị trí, vai trò có ý nghĩa chiến lược lâu dài của phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn đối với sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; coi đây là cơ sở và lực lượng đặc biệt quan trọng để phát triển nhanh, bền vững kinh tế - xã hội, giữ vững ổn định chính trị, bảo đảm quốc phòng, an ninh; bảo tồn và phát huy các giá trị văn hoá và sức mạnh con người Việt Nam.

Công nghiệp hoá, hiện đại hoá nông nghiệp, nông thôn là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước. Nhà nước cần phải tiếp tục ưu tiên nguồn lực đầu tư cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Phát triển hài hoà giữa nông thôn và thành thị, giữa các vùng, miền; gắn kết chặt chẽ giữa công nghiệp, dịch vụ với nông nghiệp; giữa phát triển nông thôn bền vững với quá trình đô thị hoá theo hướng "nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh".

Vị trí vai trò của việc xây dựng nông thôn mới

Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã thảo luận sôi nổi và cho nhiều ý kiến tâm huyết, trách nhiệm để hoàn thiện "Báo cáo tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 7 khoá X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn" - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Đồng thời, khẳng định nông dân là chủ thể, là trung tâm của quá trình phát triển nông nghiệp. Chú trọng nâng cao trình độ, năng lực làm chủ của nông dân theo hướng phát triển toàn diện, văn minh; phát huy tinh thần yêu nước, đoàn kết, tự chủ, tự lực, tự cường, đổi mới sáng tạo; ý chí vươn lên, khát vọng xây dựng quê hương, đất nước phồn vinh, hạnh phúc; có trình độ tổ chức sản xuất tiên tiến, nếp sống văn minh, trách nhiệm xã hội, tôn trọng pháp luật, bảo vệ môi trường; được thụ hưởng những thành quả phát triển kinh tế - xã hội và tiếp cận các dịch vụ tiệm cận với đô thị. Phát triển nông nghiệp, nông thôn phải hướng tới nâng cao toàn diện đời sống vật chất, tinh thần của nông dân và người dân nông thôn; lấy lợi ích của người dân là mục tiêu cao nhất.

Phải nhận thức và xác định rõ, nông nghiệp là một lợi thế của quốc gia, là trụ đỡ của nền kinh tế. 

Phát triển nông nghiệp hiệu quả, bền vững, minh bạch, trách nhiệm, tích hợp đa giá trị theo hướng giữ vững an ninh lương thực quốc gia, bảo vệ môi trường sinh thái; khuyến khích phát triển nông nghiệp xanh, hữu cơ, tuần hoàn. Phát huy lợi thế vùng, miền; tổ chức sản xuất, kinh doanh nông nghiệp theo chuỗi giá trị, dựa trên nền tảng khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo; giảm phát thải khí nhà kính, thích ứng với biến đổi khí hậu. Chuyển mạnh từ sản xuất nông nghiệp nhỏ lẻ sang phát triển kinh tế nông nghiệp gắn với nhu cầu thị trường, nâng cao giá trị gia tăng, năng lực cạnh tranh; phát triển cả thị trường trong nước và thị trường xuất khẩu.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng nhấn mạnh yêu cầu xây dựng nông thôn hiện đại, phồn vinh, hạnh phúc, dân chủ, văn minh; có kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, kết nối với đô thị; có đời sống văn hoá lành mạnh, phong phú, đậm đà bản sắc dân tộc; có môi trường xanh, sạch, đẹp; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm.

Quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội cần chú trọng phát triển hài hoà, đồng bộ cả nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ, gắn với cơ cấu lại lao động, tạo sinh kế, việc làm tại chỗ, nâng cao thu nhập cho nông dân và người dân nông thôn. Xây dựng nông thôn mới ngày càng đi vào chiều sâu, thực chất, hiệu quả và bền vững. Quản lý, sử dụng hiệu quả, tiết kiệm tài nguyên đất, bảo vệ môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học, phát triển bền vững các hệ sinh thái. Chủ động phòng, chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu; nâng cao khả năng chống chịu, bảo đảm an toàn cho người dân.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nêu rõ, phát triển nông nghiệp, nông thôn, nâng cao đời sống của nông dân và người dân nông thôn là trách nhiệm của toàn Đảng, toàn dân, là nhiệm vụ trọng tâm của cả hệ thống chính trị. Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, đề cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu. Nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả hoạt động của các cơ quan nhà nước. Phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội trong việc giám sát, phản biện và vận động đoàn viên, hội viên, người dân thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về nông nghiệp, nông dân, nông thôn.

Nguyễn Hoàng


Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (XDNTM) được triển khai đã làm đổi thay căn bản diện mạo nông thôn tại các địa phương trên địa bàn huyện Hậu Lộc. Đó là kết quả của tinh thần đoàn kết, nhất trí cao trong cán bộ, đảng viên, sự tin tưởng, đồng thuận và hưởng ứng tích cực của Nhân dân.

Vị trí vai trò của việc xây dựng nông thôn mới
Hệ thống đường giao thông xã Thuần Lộc được nâng cấp, mở rộng đạt chuẩn tiêu chí nông thôn mới.

Thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia XDNTM, cấp ủy, chính quyền và cả hệ thống chính trị từ huyện đến cơ sở trên địa bàn huyện Hậu Lộc luôn thấm nhuần quan điểm: “XDNTM là nhiệm vụ trọng tâm của cả hệ thống chính trị, là cuộc vận động lớn, toàn diện trên tất cả các lĩnh vực với mục tiêu nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân”. Nhận thức được điều đó, trong những năm qua, phong trào XDNTM đã được các cấp ủy đảng, chính quyền và Nhân dân trong huyện tích cực triển khai thực hiện rộng khắp trên phạm vi toàn huyện. Để xác định được lộ trình XDNTM khoa học, phù hợp với điều kiện thực tế, huyện đã chỉ đạo các phòng, ban, ngành phụ trách tiêu chí hướng dẫn và phối hợp với các địa phương rà soát chi tiết mức độ đạt chuẩn của từng tiêu chí, chỉ ra những nội dung công việc cần phải hoàn thiện, từ đó xây dựng kế hoạch thực hiện, phương án huy động nguồn lực một cách hợp lý, hiệu quả bảo đảm dân chủ, công khai, minh bạch. Song song với việc tuyên truyền sâu rộng đến cán bộ, đảng viên và Nhân dân hiểu sự cần thiết XDNTM, các cấp ủy đảng, chính quyền, MTTQ và các đoàn thể trên địa bàn huyện chủ động đề ra nhiệm vụ, phân công từng cán bộ, đảng viên chịu trách nhiệm thực hiện những công việc cụ thể. Trong quá trình lãnh đạo thực hiện từng tiêu chí XDNTM, các cấp ủy đảng yêu cầu từng cán bộ, đảng viên phải thực sự là những người nêu gương, nòng cốt đi đầu, nhất là trong những việc khó như giải phóng mặt bằng, hiến đất làm đường, huy động đóng góp...; cán bộ, đảng viên là người phải thể hiện rõ quyết tâm, kiên trì trong công tác dân vận, giải thích rõ nội dung, ý nghĩa của phong trào XDNTM, từng bước nâng cao nhận thức, trách nhiệm của Nhân dân, hạn chế tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào nguồn lực Nhà nước.

Ý thức được trách nhiệm “đảng viên đi trước, làng nước theo sau”, nhiều cán bộ, đảng viên đã tiên phong đi đầu trong phong trào hiến cây, hiến đất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, đầu tư, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật để phát triển kinh tế, hỗ trợ thôn, xóm XDNTM.

Về thôn Cầu Tài (xã Cầu Lộc) hôm nay, đường làng, ngõ xóm đã được bê tông hóa sạch đẹp; những ngôi nhà xây dựng khang trang, các tuyến đường rợp cây xanh bóng mát, hoa nở hai ven đường chính là kết quả từ sự nỗ lực của người dân trong việc triển khai xây dựng thôn NTM. Đạt được kết quả phấn khởi trên có sự đóng góp không nhỏ của ông Phạm Văn Giáp, phó bí thư chi bộ, trưởng thôn Cầu Tài. Ông Giáp chia sẻ: Cầu Tài là thôn nghèo của xã, đời sống của người dân còn nhiều khó khăn. Vì vậy, để Nhân dân tin tưởng tôi phải luôn gương mẫu trong từng lời nói và việc làm, đi đầu trong mọi hoạt động để tạo sự đoàn kết trong chi bộ, đồng thuận trong Nhân dân. Trong công tác tuyên truyền, vận động phải luôn lắng nghe tâm tư, nguyện vọng và ý kiến chính đáng của Nhân dân để từ đó tìm cách giải quyết thấu tình, đạt lý đối với các vấn đề nảy sinh ở khu dân cư.

Trước đây, nhiều tuyến đường trong thôn còn nhỏ hẹp khiến cho việc đi lại, giao thương của bà con không mấy thuận lợi. Sau khi được cán bộ xã, ban cán sự thôn tuyên truyền, người dân trong thôn đã đồng thuận đóng góp tiền, ngày công, hiến trên 3.000m2 đất để mở rộng đường, xây dựng nhà văn hóa thôn. Vì vậy có những tuyến đường trước kia chỉ rộng khoảng 2m, thì nay đã được mở rộng lên 4 - 6m. Cùng với tuyên truyền, vận động Nhân dân, gia đình ông Giáp đã tiên phong ủng hộ tiền, công sức để đổ đá dăm tuyến đường dài 150m với số tiền 17 triệu đồng. Đây là tuyến đường tiếp giáp với thôn Cầu Thôn, trước kia là đoạn đường đất nên việc đi lại của Nhân dân rất khó khăn. Từ sự nêu gương của ông đã lan tỏa đến nhiều hộ dân khác trong thôn, nhiều gia đình đồng thuận tiếp tục đóng góp ngày công, tiền của để hoàn thành nốt đoạn đường còn lại, phục vụ tốt nhu cầu sinh hoạt cũng như phát triển kinh tế của người dân.

75 năm tuổi đời, 50 năm tuổi Đảng, ông Lê Hữu Quyền ở thôn Phù Lạc, xã Phong Lộc luôn gương mẫu, đi đầu trong các phong trào thi đua do địa phương phát động, đặc biệt là phong trào XDNTM. Chia sẻ câu chuyện tiên phong hiến đất, ông Quyền cho biết: Sau khi biết có chủ trương của xã, của thôn về việc hiến đất để mở rộng đường, tôi xác định bản thân là đảng viên nên luôn gương mẫu đi đầu để quần chúng noi theo. Vì vậy tôi tự nguyện hiến 140m2 đất ở để mở rộng, nâng cấp tuyến đường. Trước đây con đường chỉ rộng khoảng 2,5 - 3m, đi lại khó khăn thì nay đã được mở rộng 5m. Đường sá đẹp hơn, rộng hơn, việc đi lại cũng như phát triển kinh tế của người dân cũng thuận lợi hơn rất nhiều. Bản thân tôi cũng rất vui vì góp một phần vào sự phát triển của quê hương.

Từ sự nêu gương, nói đi đôi với làm và bằng những việc làm cụ thể của cán bộ, đảng viên, Nhân dân trên địa bàn huyện đã phấn khởi, tin tưởng và tích cực hưởng ứng XDNTM. Với tinh thần đoàn kết, nỗ lực quyết tâm của cả hệ thống chính trị và sự đồng thuận, chung tay góp sức của người dân, Chương trình Mục tiêu quốc gia XDNTM của huyện Hậu Lộc đã đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ. Đến nay, toàn huyện có 18 xã đã đạt chuẩn NTM, 3 xã Đồng Lộc, Phong Lộc và Cầu Lộc đã được Đoàn thẩm định xã đạt chuẩn NTM tỉnh tổ chức thẩm định, bỏ phiếu, thống nhất đủ điều kiện đạt chuẩn NTM; có 3 xã đạt chuẩn NTM nâng cao.

Qua thực tiễn phong trào XDNTM ở huyện Hậu Lộc cho thấy, sự nêu gương của cán bộ, đảng viên không chỉ tạo phong trào thi đua sôi nổi, góp phần hoàn thành các tiêu chí mà còn có ý nghĩa củng cố niềm tin của Nhân dân đối với Đảng. Thời gian tới, cấp ủy các cấp, người đứng đầu các địa phương, đơn vị và cán bộ, đảng viên tiếp tục phát huy vai trò, trách nhiệm nêu gương để thực hiện tốt các nhiệm vụ chính trị, phấn đấu xây dựng Hậu Lộc đạt chuẩn huyện NTM trong năm 2022.

Bài và ảnh: Nguyễn Thanh